Mọi người gọi hắn là Tây. Nguyễn Văn Tây. Tuy nhiên, đấy không phải là tên cúng cơm của hắn. Chỉ có những người thân thiết với hắn mới biết bố mẹ hắn đã từng ban tặng cho hắn một cái tên hẳn hoi, đàng hoàng, nghe kính coong như chuông xe đạp Phượng hoàng Trung quốc hồi hắn còn bé dại.
Ngay khi từ nước ngoài về sống ở khu phố cổ này, hắn đã nhanh chóng bị mấy ông bán nước chè rong vỉa hè và mấy bà bán cơm bụi, bán phở, bán bún đậu mắm tôm nhận diện : hắn chỉ giống họ ở những nét Á đông da vàng mũi tẹt. Còn lại cái gì cũng khác. Từ tấm lưng dài như cánh phản, mái tóc bốc cao theo kiểu các ca sỹ nhạc rock đến những bước chân nhanh và dứt khoát khua ba vòng đã hết cả phố. Chẳng cần hỏi han, con bé bán hoa quả đầu phố gọi hắn là anh Tây lần đầu tiên hắn đến mua bưởi. Cái tên Nguyễn Văn Tây đến với hắn vô tình như hắn vô tình chạm tay vào quả bưởi vỏ đã nhăn nheo lâu ngày không bán được. Chẳng mấy lâu sau, cả dãy phố biết tên hắn. Hắn nghe thấy cũng hay hay, sương sướng. Hắn mang dòng họ lớn nhất Việt Nam nhé, tên đệm thuần khiết Việt Nam nhé, tên thật thuần khiết Tây nhé. Ba cái ấy kết hợp vào nhau nghe như tân cổ giao duyên hay nói theo cách của thầy lang cụ nội hắn thì cái tên ấy hẳn là Đông Tây y kết hợp.
Tây mới chân ướt chân ráo về Việt Nam đã có dịp kích hoạt các cơ quan cảm giác của hắn. Hắn mở to mắt quan sát từng chi tiết nhỏ của tất cả những gì tồn tại và diễn ra xung quanh hắn. Bây giờ chỉ cần nhìn qua hắn cũng biết ai là gái còn tơ gà mái mơ đuổi theo không kịp, ai là gái tốn đàn ông chị bỏ cả mớ vào lồng chị xách đi chơi. Hắn biết miếng thịt heo nào đã qua ba lần rửa nước vòi công cộng bốn lần tẩm ướp hóa chất cho tươi đỏ như da thịt con gái mới đến tuổi dậy thì. Hắn căng tai nghe từng âm thanh để học cách phân biệt đâu là tiếng rao bán quà rong đêm, đâu là tiếng gọi bà con ra đổ rác, đâu là tiếng các con bạc khát nước chầu chực quanh cô bán số đề má hình quả sung, bụng to như cái thúng, đâu là tiếng mấy mụ nạ dòng sáng ra đã quàng quạc cho chồng ăn tiết canh vải màn đến tối lại ve vuốt mình ơi tối nay ta làm gì nhé ! Bây giờ chỉ cần lướt một vòng phố hít hà là hắn có thể lên một danh sách chính xác bà bán phở nào đã rửa xương ống bò bằng đôi tay cả đêm qua mân mê tam thất, bà bán bún nào phơi quần lót trên bếp vô tình đánh rơi vào nồi nước dùng váng mỡ gà tam hoàng vặt lông chưa kỹ. Chỉ cần nhấp môi vào chén là hắn biết chai rượu nào được pha chế theo công thức chín nước lã một thuốc trừ sâu nhập từ nước láng giềng hữu nghị núi liền núi sông liền sông mày tham rẻ ông mày cho chết ! Hắn cũng biết làm thế nào để phân biệt được một nải chuối chín cây với một nải chuối ủ vội trong đất đèn ép phải chín ngay để bà kịp bán. Bàn tay hắn từ ngày về quê cha đất tổ được dịp sử dụng nhiều cho việc sờ nắn. Hắn bảo mua cái gì cũng phải sờ nhé, thời buổi khó khăn mật ít ruồi nhiều mua tranh bán cướp không sờ không được, không khéo sờ vào cứ tưởng nó đẹp nó thơm nhưng bóc ra thì lại thối um như hũ mắm tôm quên không đậy nắp !
Sau một tháng, hắn nhận thấy hình như các giác quan của hắn chưa được sử dụng hết. Hắn vừa lẩm bẩm vừa chìa tay điểm danh các bộ thu giác quan : thị giác – rồi, thính rác – rồi, khứu giác – rồi, vị giác – rồi, xúc giác – rồi. Vị chi là ngũ giác. Thảo nào mà thiêu thiếu. À phải rồi ! Hắn vẫn chưa sử dụng cơ quan cảm giác. Hắn vỗ đùi cái đẹt. Hắn biết hắn phải làm gì để thỏa mãn bộ thu giác quan thứ sáu của hắn. Từ hôm đến phố cổ, hắn đã nhận ra ngay nơi này sao mà lắm nhà nghỉ đến thế. Ngày xưa, thời hắn còn bé, có thấy nhà nghỉ nào đâu. Hắn tự nhủ, dân Việt Nam bây giờ yếu thật, đi vài bước đã mệt, rẽ vào nhà nghỉ, ra ngoài đi vài bước nữa, lại mệt, lại rẽ vào nhà nghỉ, lại ra, lại đi, rồi lại mệt, rồi lại vào nhà nghỉ… Anh nào yếu chắc dạo một vòng các nhà nghỉ trong phố chắc cũng hết trọn một ngày. Anh nào yếu hơn sáng xuất phát từ đầu phố chắc đến đêm cũng kịp đi hai ba vòng phố. Mà cũng phải, bây giờ ô nhiễm thế này, thức ăn toàn đồ thiu thối tẩm ướp hóa chất độc hại, đồ uống toàn thuốc độc pha cồn pha đường pha thêm tí phẩm màu và đường phế phẩm, gì mà chẳng yếu. Cứ nhìn những người vào nhà nghỉ mà xem. Họ bảo vệ sức khỏe ghê lắm. Này nhé : mũ bảo hiểm che kín đầu, áo chống nắng mốt Ninja rùa trùm kín từ đầu đến chân ngay cả khi trời râm mát, khẩu trang bịt kín mặt kín tai kín cả cổ, đến cái cửa sổ tâm hồn là đôi mắt họ cũng che bà nó mất ! Nhưng mà chắc dịch vụ nhà nghỉ hẳn là tốt lắm nên người ta mới vào nhiều như thế ! Sau một hồi suy ngẫm, hắn quyết định vào đấy xem sao.
Hắn bước vào nhà nghỉ thứ nhất. Vừa bước qua cửa, hắn đã sững người lại vì thứ mùi vừa quen vừa lạ. Phải rồi, ở đây đậm đặc mùi phấn son quyện với mùi… biết gọi là mùi gì nhỉ, ừ, mùi chất dịch của đàn ông mà tự thân hắn cũng tiết ra được. Nó ngầy ngậy, khăn khẳn, đủ mạnh để hấp dẫn giống cái. Hắn thấy say, đầu óc quay cuồng choáng váng. Hắn vịn vội vào cánh cửa để khỏi khuỵu chân, cố lết ra bên ngoài. Hắn tự nhủ, nhà nghỉ bên cạnh chắc khá hơn.
Thế rồi hắn thấy mình đã ở ngoài đường. Chỉ mấy sải chân, hắn đã thấy mình đang ở trong nhà nghỉ thứ hai. Lần này, hắn đề phòng hơn. Chiếc khăn mùi xoa đã ở trên mũi hắn từ bao giờ. Hắn tiến đến bên quầy lễ tân. Một bà béo sồn sồn liếc mắt nhìn hắn. Hết phòng rồi Tây ơi, dạo này kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp không có việc làm, người ta đến đây nghỉ nhiều lắm, Tây chịu khó chờ nhé. Hắn gật đầu ngồi chờ. Bỗng hắn thèm đi tè. Hắn bước vào toilet. Cảnh tượng đập vào mắt hắn là một cái giỏ nhựa đựng rác chứa đầy bao cao su dùng rồi đủ loại đủ kiểu đủ màu sắc. Hắn thấy cả những chiếc có gai tua tủa mà cả đời hắn chưa bao giờ nhìn thấy, cả những chiếc kẻ sọc như cờ ba que ngụy quân ngụy quyền, cả những chiếc có hoa văn trống đồng Ngọc lũ. Hắn thấy những dòng chất lỏng đang chảy ra, hòa vào nhau như trêu ngươi hắn. Lần này thì hắn choáng thật. Hắn giật lùi hai bước một, khom lưng lướt nhanh qua quầy lễ tân để bà béo khỏi trông thấy mà giữ hắn lại.
Hắn lại ở ngoài đường. Hắn tự nhủ, ở đời có gì dễ dàng đâu. Cứ phải biết bĩ cực thì mới đến được hồi thái lai. Rồi hắn lại thấy mình ở trong nhà nghỉ thứ ba. Một cặp Ninja rùa vừa từ cầu thang đi xuống vừa chụp mũ bảo hiểm, vừa đeo khẩu trang và cặp kính râm to tướng. Lần này mình gặp may ! Hắn tự nhủ. Có phòng rồi. Thằng bé trông nhà nghỉ đưa cho hắn một chiếc khăn tắm màu cháo lòng loang lổ. Anh Tây đấy à ? Mời anh lên phòng 401. Hắn leo lên gác, tay vịn chặt thành cầu thang nhầy nhậy một thứ nước nhờn vô định. Hắn nghe thấy những tiếng rú rít hổn hển như tổ tiên loài người từ thuở hồng hoang còn sót lại. Tiếng phành phạch dồn dập phát ra từ những căn phòng khép kín khiến hắn chợt nhớ lại thời con nít hay bị người lớn phát vào mông mỗi khi hắn nghịch dại. Lạ thật, ở xứ sở này, đến trẻ con cũng đi nhà nghỉ ! Yếu như thế thì tương lai dân tộc rồi sẽ đi đến đâu ? Và hắn thấy tim hắn đập thình thịch như muốn lao ra khỏi lồng ngực. Nó đập nhanh hơn cả tiếng hổn hển phành phạch ùa ra từ sau những cánh cửa. Hắn thấy ngạt thở. Hắn lảo đảo. Rồi hắn lộn tùng phèo theo từng bậc cầu thang.
Khi tỉnh dậy, hắn thấy mình đang ở ngoài đường. Trên vỉa hè, mấy bà bán phở bán bún đang hô hấp nhân tạo cho hắn. Hắn thấy nước miếng của họ chảy xuống cổ họng hắn. Hắn thấy mấy lão bán nước chè vừa rít thuốc lào vừa bảo nhau : Khổ thân thằng Tây, đã yếu còn ra gió.
Ơ kìa, có yếu người ta mới đến nhà nghỉ, có gì mà chế giễu! Hắn nghĩ trong đầu mà không dám nói ra. Không cẩn thận lại ăn mấy cái điếu cày vào mặt, hết đường về với mẹ.
Sáng hôm sau, dân phố thấy hắn xách va ly, gọi taxi ra sân bay. Cô bé bán bưởi gọi giật lại : Anh Tây đi thì ai ăn bưởi cho em ? Hắn cười hiền : Anh đã ăn bười em rồi, đã thỏa mãn sáu cái giác quan trong hơn một tháng ở mảnh đất nhiều nhà nghỉ hơn nhà ở này rồi. Bây giờ thì anh xin kiếu, anh trả lại cho em cái tên Nguyễn Văn Tây truyền thống kết hợp hiện đại. Anh đi phố nhé !
Trần Văn Công -Hà Nội, 19/07/2013