CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch - Tản văn

XUÂN VẮNG

Thứ bẩy ngày 9 tháng 2 năm 2013 12:00 AM

Cuối đông. Những cây bàng trụi lá rùng mình trong gió dưới những làn sương trắng mỏng manh lãng đãng rơi. Những dòng người hối hả ngược xuôi tất bật trên những nẻo đường Hà Nội lúc sáng sớm bỏ lại sau lưng những chiếc xe thồ chở rau củ quả co rúm lại vì rét và những gánh hàng hoa di động từ ngoại thành đang ùa về trung tâm thành phố. Cái rét thấu xương không ngăn nổi người ta chui ra khỏi tấm chăn ấm nồng để bắt đầu một ngày mới với bao tất bật nhọc nhằn, để chuẩn bị cho một mùa xuân mới đang nhú dần trên những cành đào tơ và những ngọn thược dược lập lòe hương sắc.

Mùa xuân đã về. Nói đúng hơn là xuân đang về. Tôi thấy hương xuân qua những làn khói bếp hiếm hoi khi đa số các gia đình đã chuyển sang dùng bếp ga từ nhiều năm nay. Nó gợi cho tôi nhớ về những năm tháng trẻ thơ khi cuộc sống còn khốn khó. Mẹ bảo, tháng Chạp là tháng của những lo toan vất vả. Sao có thể không lo khi Tết đã đến gần cơ chứ ? Nhà có những mười miệng ăn mà ngày Tết ít ra cũng phải cho các con ăn ngon hơn một chút, mặc đẹp hơn một chút chứ. Chúng tôi còn trẻ người non dạ, chỉ thích Tết đến để được tung tẩy bạn bè, được ăn ngon mặc đẹp, được nhận tiền mừng tuổi mà không hề biết mẹ đang lo sao cho gia đình có ngày Tết bằng hàng xóm láng giềng. Chiều ba mươi Tết, mẹ tất tưởi ra chợ, xách về một làn thức ăn đầy hơn thường ngày. Phía trên thực phẩm đủ loại là đôi gà nghênh nghênh cái đầu với cặp mào đỏ chót ngắm nhìn đường phố. Mẹ bảo, một con là để cúng mùng một Tết, một con là để đến ngày hóa vàng. Chúng tôi vui lắm. Không vui sao được khi vào thời bao cấp, miếng thịt gà chỉ thường xuất hiện trong những giấc mơ. Mẹ bảo, năm nay kinh tế khó khăn, nhà mình không gói bánh chưng. Mẹ mua một chiếc về thắp hương các cụ thôi. Chúng tôi thèm bánh chưng lắm mà không dám nài nỉ vì sợ mẹ buồn. Vả lại chúng tôi cũng biết là thêm một nồi bánh chưng đồng nghĩa với việc thêm vài nếp nhăn trên vầng trán mẹ. Nhưng khi thấy nhà hàng xóm gói bánh chưng Tết, chúng tôi cũng thấy rạo rực trong lòng. Chúng tôi, một lũ trẻ cả trai lẫn gái, sang nhà kế bên xem gói bánh chưng. Chúng tôi quây quần xung quanh bác hàng xóm, theo dõi từng cử chỉ của bác. Bác vo gạo, những hạt gạo nếp trắng muốt tròn lẳn như ngững hạt ngọc trai trở nên nhẵn bóng sau vài lần đãi trong nước mưa. Rồi bác đãi đỗ, những hạt đỗ vàng chanh mũm mĩm sau khi được ngâm qua một đêm trong nước đun sôi để nguội. Bên cạnh là khay thịt đã ướp hành, mắm, hạt tiêu thơm phức. Tôi nhìn khay thịt mà nhỏ nước miếng, ước gì nhà mình cũng được gói bánh chưng như thế ! Tuy không gói bánh chưng nhưng năm nào cũng vậy, đúng ngày mùng ba Tết, mẹ lại nấu một bồi chè bảo cốt cho anh em chúng tôi. Cho đến tận giờ, tôi vẫn nhớ như in hương vị quyến rũ của món ăn dân dã ấy. Anh em chúng tôi ngồi chầu chực xung quanh nồi chè nóng hổi, mắt hau háu nhìn những làn khói đặc sánh mùi gừng cay hòa quyện với mùi nếp cái và mùi đường chín, chờ mẹ múc chè ra từng bát. Chúng tôi vừa ăn vừa hít, sợ cái mùi thơm quyến rũ kia bay đi mất.

Những ngày cuối năm, nhà nhà sửa soạn tu sửa chuẩn bị đón xuân mới. Những âm thanh hối hả vang ra từ những ngôi nhà làm tôi nhớ đến cha. Năm nào cũng vậy, cha tôi làm việc đến sáng ba mươi để kịp giao đồ gỗ cho khách đón Tết. Tôi thấy tiếng gõ búa của cha dồn dập hơn, gấp gáp hơn nhưng cũng vui vẻ hơn ngày thường. Trưa ba mươi, cha xếp dọn đồ, hô hào anh em tôi dọn dẹp nhà cửa. Cha bảo, ngày thường mình có thể lộn xộn một chút, nhưng ngày Tết thì phải sạch sẽ, gọn gàng. Chúng tôi vui lắm, mỗi người một tay xếp lại bàn ghế giường tủ, lau chùi quét dọn khắp nơi trong nhà. Buổi tối, sau khi ăn cỗ tất niêm, cha ra chợ hoa mua về những bông thược dược đủ màu xem giữa những cành violet tim tím. Vậy là đã đủ lệ bộ đón chờ năm mới. 

Năm nay, năm đầu tiên anh em chúng con đón Tết trong trống vắng. Cha đã đi xa, mẹ cũng đã theo cha về với ông bà tổ tiên nội ngoại. Nhưng con vẫn còn thấy bóng hình mẹ với chiếc làn nặng trĩu tình yêu thương, với những món ăn mà mẹ đã nấu bằng tình mẫu tử. Tiếng gõ gõ đục đục thân thương của cha ngày xưa không còn, nhưng con còn nghe thấy nó qua tiếng gõ mõ cầu nguyện văng vẳng từ chiếc máy tụng kinh trên bàn thờ cha mẹ. Con biết rằng cha mẹ sẽ lại bên chúng con mỗi dịp xuân về.

T.V.C

 

Chia sẻ trên Facebook