Thượng
đế sáng tạo ra con người, con người tạo ra những kiệt tác. Thành phố
Bruges (Bỉ) có thể được coi như một kiệt tác của nghệ thuật kiến trúc
Flamand và của nghệ thuật quy hoạch đô thị thời Trung cổ.
Sau
hơn một giờ đồng hồ đi tàu từ thủ đô Bruxelles, ra khỏi nhà ga Bruges,
cảm giác chếnh choáng vụt biến mất, những làn gió man mát tỏa ra từ
những công viên xanh tươi xung quanh bất chợt ập đến với ta, khiến bước
chân chợt lâng lâng. Đi dọc theo những hàng cây đang mùa trổ lá, chợt
giật mình thoáng thấy một dòng nước trong xanh uốn lượn dưới chân những
tòa nhà tưởng như còn sót lại từ những câu chuyện cổ tích từng nghe thuở
niên thiếu.
Con
kênh Bruges uốn lượn xung quanh thành phố bé nhỏ tỏa ra làm nhiều nhánh
lan tỏa vào lòng thành phố, tạo ra những trục giao thông trên nước đan
xen kết nối những con phố xinh xắn khiến những ai đã từng đến Venise của
Italie phải ngỡ ngàng khi thấy hai thành phố này sao giống nhau đến lạ.
Quả thật, con kênh Bruges duyên dáng yên ả đem lại cho mảnh đất này đầy
chất trữ tình sâu lắng. Một số nhánh kênh tự nhiên tuôn chảy từ khi
mảnh đất này ra đời, một số khác được đào dọc theo bức tường thành đầu
tiên mà người dân Bruges đã dựng lên vào năm 1127 để bảo vệ thành phố.
Đi thuyền trên con kênh len lỏi giữa những khu phố, chiêm ngưỡng những
ngôi nhà xinh xắn rực rỡ đậm nét kiến trúc xứ Flamand bao quanh những
tháp chuông nhà thờ cao vút tận trời xanh, cảm giác yên bình thư thái
dường như ngập tràn lòng người.

Sau
chừng nửa giờ đồng hồ nhẹ lướt trên kênh, ước muốn được khám phá những
gì ẩn náu sau những ngôi nhà dọc bờ nước đưa ta đến với những con đường
xinh xắn rợp bóng cây. Lạc vào những ngõ phố rực rỡ hoa trên thềm cửa
những ngôi nhà vốn đã nổi bật bởi những sắc màu họa tiết trang trí, ta
dần nhận ra nhiệt huyết chất chứa trong lòng đô thị cổ. Suốt bốn mùa,
những con phố, những quảng trường của Bruges luôn nhộn nhịp khách tham
quan. Một không khí tưng bừng nhưng không chút ồn ào náo nhiệt. Đó là sự
rung động của hàng ngàn con tim trước những công trình kiến trúc có một
không hai mà người dân Bỉ đã dày công dựng xây và bảo tồn.
Bruges
là một quần thể kiến trúc thể hiện các giai đoạn quan trọng trong lịch
sử thương mại và văn hóa của châu Âu trung cổ. Những công trình kiến
trúc, văn hóa và tôn giáo trong thành phố là những minh chứng hùng hồn
cho sự nở rộ của các loại hình nghệ thuật trong nhiều thế kỷ. Sẽ thật
thiếu sót khi đến Bruges mà không ghé thăm quảng trường lớn thành phố.
Đây từng là cửa ngõ thông thương kết nối Bỉ với các thành phố cảng của
Anh và Italie từ thế kỷ thứ XII. Để phát triển thương mại, ngay từ thời
kỳ đó, những người đứng đầu các phường hội buôn bán đã dựng lên những
tòa nhà làm kho chứa len dạ và các loại hàng hóa khác. Tháp chuông
Bruges ra đời vào năm 1240 cũng là trung tâm hành chính, thi hành luật,
ngân khố và lưu trữ của thành phố. Trong hơn 1000 năm, quảng trường lớn
Bruges còn được coi là biểu tượng của sự liên minh giữa chính quyền dân
sự và giới chức tôn giáo. Rất nhiều những công trình tôn giáo trong
thành phố là minh chứng cho một thời kỳ dài giao thoa kiến trúc giữa các
nền văn hóa phương Tây, đặc biệt là những công trình gô-tích bằng gạch.
Nhà nguyện Saint-Sang thờ thánh Basile là nhà thờ cổ nhất được xây dựng
theo phong cách roman với những mái vòm cong vút và những họa tiết rực
rỡ. Với 10 000 công trình trong đó một nửa có giá trị văn hóa, kiến trúc
hay cảnh quan lớn, khu trung tâm lịch sử thành phố được biết đến như
một trong những quần thể kiến trúc đẹp nhất châu Âu.


Sự
phát triển nghệ thuật xây dựng và trang trí còn khiến Bruges trở thành
một trong những cái nôi của hội họa trung cổ, làm nền tảng cho trường
phái Nguyên thủy Flamand. Cùng với những chuyến tàu tỏa đi các nước lân
cận, các thương gia đã đem ra ngoài lãnh thổ nước Bỉ nhiều tác phẩm nghệ
thuật đặc sắc, góp phần giúp nghệ thuật Nguyên thủy Flamand cũng như
các trào lưu nghệ thuật khác tỏa sáng trên toàn châu Âu. Các tác phẩm
của những danh họa thời Trung cổ đã từng trưởng thành trên mảnh đất này
như Jan van Eyck và Hans Memling vẫn luôn được coi như những kiệt tác
của nền hội họa Flamand và để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng
người chiêm ngưỡng.

Nhiều
công trình của Bruges đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới
vào các năm 1998, 1999 và 2000. Đó là nhà tu dòng Bê-ganh nằm dọc bờ
kênh, tháp chuông thành phố với 47 quả chuông ngân nga từ hàng chục thế
kỷ qua và trung tâm lịch sử thành phố. Bruges không chỉ thuyết phục được
các chuyên gia của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc.
Vẻ đẹp vừa trầm mặc vừa rực rỡ của những công trình kiến trúc, những
tấm khăn ren thủ công tinh xảo, vị bia đăng đắng sản xuất theo phương
pháp truyền thống, mùi hương sô-cô-la ngọt ngào quyến rũ… lôi cuốn ngày
càng nhiều du khách đến với thành phố trên bờ kênh này.
T.V.C