CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn

CON CÁ VẪN BẶT TĂM

Thứ tư ngày 11 tháng 2 năm 2015 12:00 AM

Gần 40 tuổi vẫn chưa lập gia đình, chàng sống với mẹ ở thành phố này cũng hơn 20 năm rồi. Mỗi lần Tết đến, để mặc bà mẹ già lụm cụm chuẩn bị đón năm mới, chàng mải mê bù khú với bạn bè sau những giờ ở cơ quan. Việc duy nhất chàng mó tay đến là soạn mâm cúng trên bàn thờ cha ngày đầu năm, nếu không kể thỉnh thoảng đưa bà cụ ra chợ sắm thêm một món gì đó mà bà sực nhớ là cần cho ngày Tết.

Thật ra gia đình chàng người Trung, phong tục tập quán cũng giản tiện; mẹ chàng lại là người dễ tính, chỉ “xưa bày nay làm”, từ lễ tiễn ông Táo ngày 23 đến lễ hạ nêu chiều mùng 7, việc gì cũng không bỏ sót, nhưng không quá cầu kỳ. Hai mẹ con quen tính nhau, việc ai người ấy làm; ngày Tết đến, một nỗi chờ đợi mơ hồ nào đó gieo chút hy vọng trong lòng người, nhưng căn nhà vẫn lặng lẽ trong quạnh vắng.

Sáng 23 tháng chạp năm đó nhằm ngày cuối tuần, chàng đang nhâm nhi cà-phê với mấy người bạn; giữa lúc câu chuyện rôm rả nhất, thì một người đứng bật dậy: “Xin lỗi các cậu, mình phải về giúp vợ cúng đưa ông Táo. Lúc này kẹt xe quá trời, phải cúng sớm để ổng đi cho kịp giờ báo cáo với Ngọc Hoàng. Hi hi”. Chàng nói: “Chuyện cúng quảy để cho phụ nữ, cậu mó tay vào làm gì!”. Người kia trả lời: “Nhưng mình có nhiệm vụ quan trọng là cúng xong phải mang con cá chép thả ra sông để nó đưa ông Táo đi xuôi lọt”. Chàng trố mắt ngạc nhiên: “Ủa, có thủ tục đó nữa hả? Nhà mình năm nào cúng xong cũng đem chiên cá rồi xơi luôn”. Cả bọn cười ầm muốn vỡ cả quán: “Ha ha, hèn gì giờ này cậu vẫn là lính phòng không! Năm nào mẹ cậu cũng nguyện cầu cho các cô để mắt đến cậu, mà lời khấn có đến tai Ngọc Hoàng được đâu! Không chừng ông Táo nhà cậu cũng bị xèo xèo phi hành mỡ cùng con cá chép rồi!”

Đám bạn đã đụng đến nỗi đau của chàng. Nhưng chàng không phải người tự ái, huống chi đây hẳn là chuyện nghiêm túc, chàng nghĩ. Và chàng nở một nụ cười ngượng nghịu, dắt xe cùng đám bạn rời quán.

Chàng về đến nhà khi nén hương trên bếp chưa tàn. Mẹ chàng mặc chiếc áo dài lụa đen đang chắp tay thành kính. Con cá chép óng ả bơi lượn trong cái chậu đồng vẫn dùng để rửa dưa hấu chưng bàn thờ. Chàng nắm tay mẹ kéo ra hành lang, thầm thì. Bà mẹ dần dần hiểu ra. Bà cuống quýt tìm hai cái túi ni-lông lồng vào nhau, đổ cá và nước vào, rồi đặt trong một cái giỏ mây trao tận tay chàng. Chàng treo giỏ vào tay lái, dắt xe ra cổng. Địa điểm thuận tiện nhất mà chàng nghĩ đến là đoạn kênh Nhiêu Lộc gần cầu Công Lý. Khi chàng đến nơi, đã có khoảng mươi người cũng mang theo túi cá như chàng. Sát bờ kênh lại có mấy nhóm thiếu niên chờ sẵn, hễ có người thả cá xuống kênh là chúng cầm vợt dài khoắng một hồi rồi đưa lên một con cá chép đang giẫy giụa trong tuyệt vọng. Bên thành cầu, khách đi đường tụm năm tụm ba thích thú theo dõi cuộc săn bắt đầy hấp dẫn này, thỉnh thoảng vỗ tay reo cười khi một chú cá không may sa lưới. Còn các gia chủ thì tiu nghỉu bỏ về, đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

Dòng kênh tù hãm, nước đen ngầu, bốc mùi khó chịu. Chàng lắc đầu, thầm nghĩ: “Chỗ này cá thả xuống, có thoát được mấy cái vợt kia thì bơi một lúc cũng chết vì ngạt thở!”. Chàng định quay ra đường thì nghe bên cạnh một giọng nói nhỏ nhẹ cất lên: “Làm sao bây giờ anh? Thả cá xuống đây chắc ông Táo hết đường về quá!”. Chàng ngoảnh lại và chói chang trước mắt chàng một khuôn mặt tươi sáng: nàng có cái miệng như miệng chim sẻ, đội cái mũ rộng vành như mũ của Jane March trong phim Người tình, riêng đôi mắt thẳm sâu và ngơ ngác là đôi mắt của nàng, không lẫn với một ai. Chàng quả quyết: “Cô cứ yên tâm theo tôi, thế nào ta cũng tìm ra chỗ”.

Và hai người chạy xe bên nhau vào trung tâm thành phố. Buổi trưa  ngày gần cuối năm, đường sá lèn xe cộ ngược xuôi, mấy lần cô gái tụt lại phía sau, nhưng gương mặt mùa xuân và chiếc nón rộng vành vẫn không mất dấu trong kính chiếu hậu xe chàng. Họ đến hồ Con Rùa, vào công viên 23-9, ở đâu cũng đám đông hò reo: thả cá xuống đây khác nào dâng mỡ trước miệng mèo. Cuối cùng chàng quyết định đưa nàng ra bến Bạch Đằng. Dọc bờ sông, dưới gốc những cây phượng già, mấy chú bé ngồi câu cá, vài chú còn mang theo cả vợt. Họ đi dần về phía nhà máy Ba Son và dừng lại trước vườn kiểng nhìn sang tượng Trần Hưng Đạo. Thấy cả hai xách túi ni-lông, người bảo vệ già đoán được ngay: “Cô chú đi thả cá phải không? Chỗ này an toàn lắm, cứ gởi xe ở đây”. Họ đi theo lối đi giữa những chậu mai đang bung cánh, đến những bậc tam cấp dẫn xuống mép nước. Chàng giúp nàng mở túi nhựa, nhẹ nhàng nghiêng túi cho con cá rơi từ từ xuống sông. Môi nàng mấp máy như đang khấn nguyện điều gì. Đến lượt con cá của chàng, nàng lại đưa hai tay nâng lên cẩn trọng, con cá vui mừng quẫy đạp trong nước và bơi đi để lại những bọt tăm nhỏ dần. Cho đến phút ấy cả hai chưa nói thêm với nhau lời nào. Nắng ngời ngời trên mặt sông. Gió dịu dàng một niềm vui hạnh ngộ. Họ đứng lại rất lâu bên bờ sông. Phía dưới, một người đàn ông đang neo con thuyền chở hoa về phố, người vợ trẻ ngồi thổi cơm trong khoang thuyền. Cho đến khi chia tay, chàng mới nói: “Em có nghĩ là hai con cá của mình sẽ về trời cùng một lúc không?”. Nàng gật đầu, mỉm cười.

Về sau, chàng và nàng còn trở lại chỗ đó nhiều lần nữa. Họ thường lặng lẽ đứng bên nhau, nhìn chuyến phà đi về Thủ Thiêm hay những con tàu chạy ra cửa sông cho đến khi chiều xuống. Chàng hứa một ngày nào sẽ đưa nàng lên một con tàu theo một chuyến đi xa. Nhưng rồi chỗ xa nhất chàng đưa nàng tới vẫn chỉ là nơi chốn này. Và chuyến đi hứa hẹn đó mãi mãi còn trong mơ ước.

Một ngày lễ đưa ông Táo nữa lại đến. Năm nay một mình chàng đem theo con cá chép của nhà mình ra bờ sông. Bây giờ đã có thêm nhiều người biết đến chỗ này. Nhưng phà Thủ Thiêm không còn hoạt động, bến tàu trở nên trống trải. Sau khi buông con cá rơi tõm xuống nước, chàng bước lên vườn kiểng, thì gặp một cặp vợ chồng đang khoác tay nhau bước tới. Người phụ nữ chính là nàng, với túi cá trong tay. Chàng tần ngần đứng lại. Đôi mắt nàng như phủ sương khi lướt qua chàng. Họ thả cá rất nhanh rồi ra xe, tiếng còi ô-tô giục giã trước khi tan đi trong biển người. 

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook