CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn

NHỮNG NGÔI CHÙA TRONG HẺM NHỎ

Thứ ba ngày 5 tháng 6 năm 2012 4:31 AM

Hè 1969, lần đầu tôi được vào thăm Sài Gòn. Căn phòng cậu tôi thuê trên đường Nguyễn Huỳnh Đức nằm ở cuối một con hẻm nhỏ xíu, chỉ vừa cho một chiếc xe ba gác chạy qua. Rải rác hai bên hẻm là mấy ngôi mộ xi-măng lạnh lẽo với những nén hương chập chờn buổi tối dưới ánh đèn vàng.

Bữa đầu tiên đi chơi về khuya, tôi nghe tim mình đập nhanh, hai mắt ngó thẳng đằng trước mà chân hơi ríu lại. Tôi mường tượng như có ai dõi theo bước chân mình. Giữa lúc đó bỗng vang lên tiếng chuông ngân rồi tiếng tụng kinh trầm trầm vọng lại. Thì ra nằm lẫn giữa những căn nhà của đồng bào lao động là ngôi chùa nhỏ mang tên Phổ Nguyện.

Tuổi thơ tôi chỉ quen với những ngôi chùa thoáng đãng ở quê, được bao quanh bởi một khu vườn nhiều cây cao bóng cả, trên một ngọn đồi lộng gió hay nhìn ra cánh đồng mênh mang sóng lúa. Không gian nơi đó thật tĩnh lặng, hồn người như tan biến trong thế giới xa lánh bụi trần.

Ấy là lần đầu tôi nhìn thấy một ngôi chùa nhỏ nằm nép mình khiêm nhường trong hẻm phố. Tượng Phật cũng nhỏ, như luôn lắng nghe và mỉm cười trước những biến động ngay bên ngoài đường lớn: tiếng người réo gọi, tiếng xe cộ ầm ào, tiếng còi xe cứu thương, tiếng còi hụ giới nghiêm… Ban ngày tiếng chuông và tiếng mõ bị những âm thanh hỗn tạp đó lấn át, chỉ đến gần khuya mới tìm cách thoát ra được lên khoảng trời đêm Sài Gòn.

Từ hôm đó, những bữa đi về khuya trong hẻm, nương theo tiếng chuông chùa, tôi không còn thấy lo sợ nữa.

Hai năm sau, tôi trở lại Sài Gòn, người cậu đã mua được căn nhà ở đường Trương Minh Ký, nay là đường Lê Văn Sỹ, trong một ngõ hẻm rộng hơn trước, xe tắc-xi có thể ra vào. Điều thú vị là ở cuối ngõ hẻm này cũng toạ lạc một ngôi chùa thuộc hệ phái Bắc tông, được xây dựng từ năm 1930: chùa Giác Ngạn. So với chùa Phổ Nguyện, chùa Giác Ngạn có khoảng sân khá rộng với tượng Bồ Tát Quán Thế Âm hiền hoà nhìn xuống hồ sen, với tàn phượng vĩ che mát bên cổng tam quan. Mỗi ngày dân phố nghe chùa khai chuông buổi sớm và tiếng chuông hoàn mãn buổi chiều sau khoá lễ.

Như một duyên số, từ khi vào học rồi lập nghiệp ở Sài Gòn, gần 40 năm, tôi ở loanh quanh miệt Phú Nhuận. Có lúc chuyển nhà đi nơi khác rồi cũng tìm cách trở về chốn cũ. Và cũng như khắp các ngõ hẻm của Sài Gòn rộng lớn, Phú Nhuận không thiếu những ngôi chùa nhỏ nằm ẩn mình trong lòng phố đông.

Mười năm nay gia đình tôi chuyển đến một khu nhà liên kế trên đường Trần Hữu Trang, xưa là đường Thiệu Trị. Đường này thật ra cũng hẹp như một con hẻm thôi, kéo dài ngang đường sắt, dẫn đến chợ rồi ra ngã năm gần cổng xe lửa số 6. Nằm ngay bên cạnh đường xe lửa là chùa Quang Minh, được xây dựng vào năm 1951, rào che nhờ một bức tường thấp; gần cổng chùa tấp nập kẻ bán người mua: hàng hoa, hàng rau, hàng trái cây, bàn vé số bày san sát. Ban đêm những kẻ không nhà vào chùa ngủ nhờ trên ghế đá dưới bóng lá bồ đề.

Mỗi năm, vào độ đầu hè, đi ngang chùa Quang Minh, thấy dòng chữ treo trước cổng “Mùa thêm tuổi đạo”, biết là lễ Phật đản sắp về. Ngày Tết, xuất hành đến chùa lễ Phật, không phải xếp hàng giữa khói hương nghi ngút như những chùa lớn. Chùa nghèo nhưng cũng có một khay phong bì giấy đỏ để mừng tuổi khách thập phương. Thắp hương đảnh lễ xong, khách trân quý nhận phần lộc của mình, lại còn xin thêm một phần cho người thân ở nhà, nhìn lên thấy Phật nở nụ cười hỉ xả.

Ngẫm nghĩ, thấy những ngôi chùa trong hẻm nhỏ như thế này thường chịu khá nhiều thiệt thòi. Phật tử và khách thập phương ít biết đến, nên những chùa này không dập dìu du khách như những ngôi chùa ở mặt tiền đại lộ. Sách báo thường giới thiệu những danh lam cổ tự, chẳng mấy khi để ý đến những ngôi chùa nghèo, ít tuổi. Thùng phước sương ở đây nhận công đức của bá tánh không nhiều. Hẻm chật, quanh chùa không có chỗ cho hàng ô-tô đậu nối đuôi nhau. Sân chùa không có cảnh đẹp thu hút nhiều người chụp ảnh, cũng không có những lồng chim bán để phóng sinh. Lại càng không có cảnh tranh nhau nhét tiền vào tay Phật (!).

Đây là những ngôi chùa của khu phố, như những chùa làng, chùa xóm ở quê. Tiếng mõ câu kinh có thể khiến lòng người dịu lại, nhắc nhở người ta buôn ngay bán thật. Phật ở ngay bên cạnh chúng sinh, bên những người cơ nhỡ, những người bệnh trọng, những kẻ cùng đường phải kiếm sống quanh những thùng rác ngoài đầu hẻm.

Phật nghiêng xuống đời thường, nghiêng xuống những kiếp người, nên con người cũng không phải ngẩng mặt lên quá cao để đón lấy nụ cười bao dung của Phật.

H.N.P

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook