Chỉ sắp xếp được ba ngày cuối tuần về quê dự đám cưới đứa em họ, tôi đắn đo không biết nên đi bằng phương tiện gì. Dịp hè, về ăn giỗ bà nội, nghe lời khuyên của Mai Sơn, lần đầu tiên tôi đi máy bay về Chu Lai. Tuyến đường này đi ATR72, chỉ hãng hàng không quốc gia khai thác, không cạnh tranh, nên giá vé cao hơn về Đà Nẵng. Mai Sơn còn dặn kỹ, ra ga là phải lên xe buýt ngay, kẻo không có chỗ ngồi, phải đứng suốt 40 cây số đường về thành phố Quảng Ngãi! Thật may mắn, hôm đó gặp Lương Minh Cừ đi cùng chuyến bay ra phát bằng cho sinh viên tốt nghiệp Đại học Marketing, anh cho bạn đồng môn đi nhờ xe về thành phố, còn dặn tài xế đưa về tận trong quê cách hơn 20 cây số.
Lần này tiết kiệm, vào mạng thử tìm hàng không giá rẻ đi Đà Nẵng. Thánh nhân đãi kẻ khù khờ: hãng VietJet Air tung ra loạt vé khuyến mãi giá 10 ngàn đồng. Cộng lệ phí sân bay, cước hành lý, đặt chỗ trước… tất tần tật chỉ 215 ngàn, rẻ bằng một phần ba vé tàu lửa! Chuyến bay vào sáng sớm, đề phòng trường hợp “Sorry Airlines”, tôi ra ga Sài Gòn mua sẵn vé tàu Đà Nẵng – Quảng Ngãi chuyến buổi chiều. Biết ý mình, máy bay khởi hành đúng giờ, về Đà Nẵng còn kịp thời gian thăm nhà hai đứa em và đến chùa Tường Quang uống cà-phê, nhìn mưa phùn, tán gẫu với Nguyễn Đông Nhật.
Về đến nhà người chú, các em đã che trại, giăng đèn, màn xanh màn hồng rực rỡ một khoảng sân. Chú rể là con út, anh chị, chú bác, cô dì, cậu mợ ở xa về đông đủ. Bà con hàng xóm xúm lại làm heo, mổ gà. Hai hôm nay trời mưa nhẹ, mọi người thầm mong ngày mai trời nắng ráo. Sáng hôm sau, chỉ một cơn mưa bóng mây rồi mặt trời hửng nắng. Cuối năm, ngày tốt, dọc đường rước dâu gặp đến gần chục đám cưới, trương bảng “tân hôn” hay “vu quy”, cũng che trại kết màn, cũng nhạc xập xình: “Trời hôm nay thanh thanh gió đưa cành mơn man tà áo…”.
Đường từ nhà trai đến nhà gái là gần suốt đường chim bay từ Tây sang Đông huyện Mộ Đức. Nhà trai ở Đức Hòa, gần núi; nhà gái ở Đức Phong, gần biển. Cả hai xã này thời chiến tranh đều bị chà đi xát lại nhiều lần, gần như vùng trắng, nhà cửa cây cối đều bị san bằng. Bây giờ đồng lúa ngát xanh, cò bay về rợp trắng, nhà nào cũng ngói đỏ, cổng rào ngăn nắp. Nhưng coi bộ đàng gái khá giả hơn, chắc là nhờ mấy năm nay nuôi tôm trúng vụ. Nhờ vậy mà đám cưới dưới này có vẻ hoành tráng: đãi bia Saigon thay vì bia Dung Quất, quà cưới đeo đầy tay cô dâu…
Loại hình văn nghệ phát triển mạnh nhất ở quê hiện nay là karaoke. Nhờ thế mà rất nhiều ca sĩ nghiệp dư xuất hiện ở đủ mọi lứa tuổi và sở trường đủ mọi thể loại: nhạc hành khúc, nhạc boléro, vọng cổ… Mùa cưới, các ban nhạc đồng quê đắt sô, chủ hôn phải đặt trước cả tháng mới mời được ban nhạc ưng ý. Mỗi bàn tiệc đều có phiếu đăng ký bài hát, ban nhạc phải linh động chơi theo giọng của ca sĩ chứ ca sĩ không cần hát theo nhạc. Hai họ phải “cơ cấu” có thành phần ca sĩ, vì nếu được giới thiệu mà không đáp lễ thì “quê một cục”.
Nét văn minh nhất của đám cưới quê tôi mà Sài Gòn thua xa là không xài giờ dây thun. Khách mời đến trước, cứ đủ bàn là nhập tiệc, không chờ đợi cùng làm lễ khai mạc. Thành ra, khi rước dâu về đến nhà trai, làm lễ gia tiên xong, giới thiệu ra mắt bà con thì gần một nửa khách mời đã mãn tiệc. Điều đó không quan trọng, vì đã có những tốp khách khác đến chúc mừng, gửi quà cưới vào cái hộp trái tim đặt ở trên hiên, bắt tay, cụng ly và chương trình văn nghệ giúp vui lại tiếp tục, hết Rước tình về với quê hương, qua Đám cưới trên đường quê, rồi lại Thương nhau lý tơ hồng…
Nghe nhạc đám cưới tất nhiên là hay rồi, dù ồn ào; nhưng thú vị nhất là nhìn khuôn mặt những những người đang hát. Tự tin, say sưa, khoái trá, để hết tâm hồn vào bài hát, chả còn lo gì lúa đang rớt giá, phân hóa học và thuốc trừ sâu thì lại lên. Đám cưới, vui chơi mà, lâu lâu mới có một lần hát thả dàn, trình diễn trước mọi người. Đời mà, đâu cũng vậy thôi, gác hết mọi lo buồn qua một bên đi, vui với đám cưới đứa em, ngày mai lại ra đồng, mọi việc đâu còn có đó, nào cụng ly, trăm phần trăm nhé.