CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn

CUỐI NĂM NHÀN ĐÀM VỀ CUỐN LỊCH*

Thứ hai ngày 20 tháng 1 năm 2014 12:00 AM

Từ đầu tháng 12, đi ngang đường Nguyễn Thị Minh Khai đoạn gần Ngã bảy Cộng hòa, tôi đã thấy đỏ rực cả một dãy phố lịch. Mấy tháng qua, các nhà xuất bản tập trung cho mùa kinh doanh lịch, các nhà in giảm các hợp đồng in sách để lo in lịch.

Trước đây, nhiều năm liền, phát hành lịch bloc là một thứ “độc quyền tập thể” của các đại gia xuất bản liên kết với nhau qua một thỏa thuận về chỉ tiêu của từng đơn vị, giá cả, cách phân phối, nghĩa là nắm toàn bộ cả đầu vào lẫn đầu ra để thâu tóm lợi nhuận. Không có cạnh tranh, phần thiệt bao giờ cũng thuộc về người tiêu thụ, đôi khi còn dẫn đến tình trạng khan hiếm giả tạo.

Mùa lịch năm 2006 diễn ra một sự kiện gây tranh cãi: một thương hiệu xuất bản tuổi nghề chỉ mới sáu năm đã tìm cách phá vỡ cơ chế “xin – cho” trong việc phát hành lịch bloc, đã gây ra phản ứng gay gắt của những đơn vị xuất bản bị đụng chạm về quyền lợi. Nhưng từ sự kiện đó, ai cũng thấy, qua sự điều chỉnh của thị trường, việc xuất bản và phát hành lịch bloc trở nên phù hợp với luật cung cầu, mẫu mã đa dạng mà giá thành cũng hợp lý, có lợi cho người tiêu dùng.

Bởi vì con người sống trong thời gian, sống với thời gian, nên lịch là thứ sản phẩm mà nhà nào cũng có nhu cầu, từ quê lên tỉnh, từ nghèo đến giàu. Nhà nhỏ thì dùng bloc lịch tiểu; nhà lớn dùng lịch trung, lịch đại; nhà cao cửa rộng của bậc đại gia thì dùng lịch “siêu đại”, cỡ bằng gấp đôi tờ giấy A4, mới xứng với cái phòng khách hoành tráng.

Nhà nghèo năm mới chỉ cần một tấm lịch treo tường cũng đủ vui, nhà giàu thì mỗi phòng mỗi tờ lịch mà hình ảnh phù hợp với cái “gu” và nghề nghiệp của chủ nhân. Chủ là nhà kinh doanh địa ốc hẳn treo lịch in hình các biệt thự lộng lẫy hay khu resort sang trọng. Chủ là người hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ thường thích treo lịch ngân hàng. Chủ yêu nghệ thuật sẽ treo tác phẩm hội họa, yêu thiên nhiên treo lịch phong cảnh, yêu người đẹp thì treo hình người mẫu. Nhưng yêu người đẹp đến mức treo lịch khoả thân trong phòng ngủ thì coi chừng tác dụng ngược, vì quý bà vốn không ưa mấy cô õng ẹo ở chốn riêng tây đó, sẽ dễ nổi cơn tam bành.

Tấm lịch bây giờ là công cụ quảng cáo: không chỉ các công ty, xí nghiệp, khách sạn, trường học, siêu thị mà ngay cả tiệm vàng, tiệm tạp hoá, tiệm uốn tóc… cũng in lịch tờ, vừa marketing vừa làm quà tặng khách hàng. Tất nhiên không riêng nhà giàu mà cả nhà nghèo cũng thích treo lịch công ty địa ốc, ngân hàng…, thầm ước mong năm mới đời mình sẽ phất lên. Có khi nhờ duyên may nào đó mà “nhà tôm” được tặng “lịch Rồng”: khách vào thấy nhà treo lịch của một cơ quan lớn ở trung ương ắt sẽ nể nang mối quan hệ của gia chủ. Thành ra tấm lịch cũng nhằm quảng bá chính người dùng lịch.

Cuốn lịch cũng là ánh xạ của thời thế. Hồi trước, đời sống chưa mấy dư dả, mỗi nhà thường có một tấm bản lịch, bằng gỗ sơn mài vẽ hình “mã đáo thành công” hay bằng bìa các-tông in hình Phúc Lộc Thọ, có thể dùng cho cả một đời người, hết năm Mão qua năm Thìn, chỉ cần thay cái bloc. Bây giờ phú quý, nhiều nhà thay cả bản lịch hàng năm để luôn luôn thấy đời mình đổi mới. Các nhà xuất bản biết ý thượng đế, nên trên tấm bản lịch màu đỏ thắm in chữ nhũ vàng “Chúc mừng năm mới”, “Vạn sự như ý”, “An khang thịnh vượng” lại ghi thêm Nhâm Thìn 2012 hay Quý Tỵ 2013, thì năm sau dù còn mới vẫn phải cho đi theo gánh ve chai!

Nhiều gia đình có thói quen mỗi lần trong nhà sinh con, thì gỡ tấm lịch ngày ấy lưu lại làm kỷ niệm. Sau này chỉ cần xem lại tờ lịch là biết hoàn cảnh ra đời của đứa con. Tờ lịch in mực đen trên giấy mỏng dính còn vương cả cọng rơm là bằng chứng về một thời khó khăn của gia đình và đất nước. Tờ lịch in màu trang nhã cho biết cuộc sống phần nào dễ thở hơn. Đứa con nào sinh nhằm ngày Lập xuân thì tin đời nó sẽ tươi sáng. Đứa cháu nào ra đời trùng ngày sinh với một danh nhân thì hy vọng nó làm nên sự nghiệp.

Ngoài những sự kiện quan trọng, các nhà xuất bản còn có sáng kiến in những câu danh ngôn trên tờ lịch hàng ngày. Mỗi buổi sáng thức dậy gỡ tờ lịch, đọc một câu danh ngôn có thể khiến mình vui lên hay suy nghĩ cả ngày. Có ngày lịch in lại một câu cách ngôn: “Những người tráo trở thì hoạ phúc sẵn đó. Sống bằng tráo trở tất có lúc chết bằng tráo trở”. Vài hôm sau lại đọc được một câu ngạn ngữ: “Khi nhổ lên trời thì hãy che mặt mình trước”. Có hôm tấm lịch nhắc lại lời Mạnh Tử: “Không dùng người giỏi thì đất nước trống không, không có lễ nghĩa thì trên dưới đều loạn, không có pháp luật thì của dùng không đủ”. Hôm khác là hai câu thơ Nguyễn Trãi: Cơm kẻ bất nhân, ăn, ấy chớ! Áo người vô nghĩa, mặc, chẳng thà. Thỉnh thoảng gặp được một khổ thơ hay của một thi sĩ quen được chọn in, tôi cẩn thận gỡ tờ lịch cho vào phong bì để gửi thêm một niềm vui cho bạn.

Thời học trò, bạn thân tặng cho một cuốn lịch sổ tay bé xíu có in hình hoa hồng đã hạnh phúc lắm rồi, suốt năm để trong túi áo chỗ trái tim. Bây giờ hình như chả còn ai tặng nhau lịch bỏ túi. Nếu tặng lịch thì cũng tặng lịch tháng, lịch tuần, lịch ngày, lịch bàn hay agenda; người sang còn tặng nhau những tấm lịch cao cấp mua ở nước ngoài. Nhưng tôi khuyên anh, nếu có một ông thủ trưởng tin dị đoan, thì chớ tặng lịch ngày, kẻo ông ấy hiểu nhầm là mình trù ẻo ổng sớm được cho đi bóc lịch!

Tôi không phải thủ trưởng, cũng không tin dị đoan, nên mỗi khi được bạn bè, học trò cũ làm nghề xuất bản tặng lịch đều lấy làm sung sướng. Có năm được tặng hơn chục tờ lịch đủ kiểu, nỗi sung sướng càng tăng. - Nhà nhỏ, chỗ đâu mà treo lịch nhiều thế? - Chỉ cần chọn vài tờ để lại dùng, còn thì gửi về quê tặng bà con, xóm giềng. Năm sau về thăm, thấy tấm lịch tờ mình gửi tặng năm trước vẫn còn treo trên tường, xiết bao cảm động.

Ở thành phố bây giờ chẳng mấy ai tiếc mà giữ lại những tờ lịch năm ngoái hay cắt hình dán trên vách tường như ở quê. Bao nhiêu cảnh đẹp, người đẹp đều trở thành lạc mốt khi năm cũ qua đi. Nhưng những tờ giấy couché láng bóng hoá thân từ cây rừng sao nỡ vất bỏ! Nhiều năm qua, các bạn sinh viên trường tôi đã nghĩ ra một sáng kiến tuyệt vời là quyên góp những tờ lịch cũ làm tập vở viết chữ nổi cho những người khiếm thị. Cuối năm, vừa học thi, họ vừa phân công thu nhận lịch cũ, đóng gói rồi mang đi tặng những bạn trẻ ở trường khuyết tật.

Anh làm nghề báo chắc ở nhà có nhiều lịch dùng rồi, anh nhớ cho tôi để tôi chuyển lại cho Hội Sinh viên, chứ đừng bỏ phí, anh nhé.

H.N.P -  Tháng 1 - 2014

(*) Cảm hứng từ bài Một năm sống với lịch, in trong Người Quảng đi ăn mì Quảng của Nguyễn Nhật Ánh, NXB Trẻ, 2005.

Chia sẻ trên Facebook