Lần đầu đến Pháp, tôi tìm được một chỗ trọ ở vùng Palaiseau, về phía Nam Paris. Mỗi ngày, từ ga Lozère gần nhà, tôi phải đi tàu nhanh RER theo đường B vào trung tâm thành phố, rồi chuyển sang tàu điện ngầm số 10 ở Cluny la Sorbonne để đến nơi làm việc. Đoạn đường khá xa, mỗi lượt đi hay về cũng mất hết 45 phút. Để đỡ cảm thấy sốt ruột, khi lên tàu tôi có thói quen chọn chỗ ngồi gần cửa sổ và nhìn về phía lối ra vào ở giữa toa. Ngồi chỗ đó, vừa được ngắm mùa hoa sơn mai và forsythia đang nở rộ trong các khu vườn và trên triền đồi dọc theo đường sắt; lại vừa có thể thưởng thức các chương trình ca nhạc mini của những nghệ sĩ đường phố biểu diễn trên tàu. Họ thường chơi đàn phong cầm, thổi kèn đồng, sáo tiêu hay ôm cây đàn ghi-ta cũ kỹ cất tiếng hát khóc than một mối tình dang dở và mời gọi những cuộc viễn du. Trong số những ca nhân và nhạc công ấy có cả người Pháp chính gốc lẫn những người nhập cư, thường là từ các nước đang có biến động về xã hội và kinh tế. Nhờ họ mà 45 phút đi tàu giữa những ngày đầu xuân còn lạnh giá như đã trôi qua nhanh hơn.
Một chiều nọ, tôi đón tàu về nhà nhằm vào giờ cao điểm, những chỗ ngồi ưa thích ở nửa cuối toa đã kín cả hành khách. Tôi đi lên phía trước và tìm được một chỗ trống trên hàng ghế quay lưng lại với lối ra vào. Tàu vừa rời ga Cité Universitaire, từ khoảng giữa toa một giọng hát Nga trong vắt vút lên trên nền nhạc của bài Chiều ngoại thành Moskva. Tôi nhổm lên định quay nhìn lại phía sau nhưng vẻ bình thản của những người đồng hành chung quanh kìm tôi ngồi lại. Tiếng hát của người con gái Nga chao đi trong ánh sáng mờ đục của buổi chiều muộn. Tôi mường tượng ra một khuôn mặt Nga thánh thiện đang say mê hát bài ca lưu dấu tâm hồn Nga, lưu dấu cả một phần tâm hồn của những ai đã từng sống trên đất nước mênh mông ấy. Ngoài ô cửa toa tàu kia là một buổi chiều nào? Ngoại thành nào đây? Cây lá nào kia? Có phải đây là nhạc nền của một đoạn phim quay cảnh chuyến tàu chạy qua một miền quê Nga vào mùa tuyết tan, trên cửa kính lướt trôi hình ảnh những ngôi nhà im vắng và những vòm cây sẫm tối. Toa tàu đông chật người nhưng lặng phắc. Bài hát còn ngân vang… Người hát từ đâu tới? Người ngụ cư đã lâu trên đất Pháp? Sao người vẫn hát bằng thứ tiếng Nga thuần khiết đó? Hay người chỉ mới phiêu dạt đến xứ sở này? Người hát để thỏa lòng thương nhớ cố hương hay đây chỉ là cách mưu sinh? Sao người lại cho tôi món quà bất ngờ này, trên chuyến tàu này, giữa đám đông và nơi chốn xa lạ này? Chân trời nào người đã để lại phía sau? Và chân trời nào sẽ chờ đợi giọng hát người những ngày tháng tới? Có bao nhiêu những nghệ sĩ đường phố đến từ nước Nga xa xôi, như người con gái này, đang kéo dài cuộc sống không dễ dàng trong những ngõ phố già nua của Paris, vừa tìm nguồn cảm hứng mới, vừa nuôi nấng những giấc mơ ngày cũ?
Tôi không biết. Và hẳn tôi vẫn còn đuổi theo những ý nghĩ miên man của mình giữa âm vang tiếng hát Nga chưa tan loãng trong không gian, nếu tôi không chợt nghe con tàu xịch đỗ và dưới ánh đèn hiện ra nhà ga Lozère quen thuộc. Tôi vội vàng đứng lên bước về phía cửa toa và chợt cảm thấy hụt hẫng khi không hề bắt gặp một người con gái Nga nào ở đó. Có thể là lòng tôi mãi đi ngược con tàu mà không để ý rằng bài hát đã dứt từ lâu và người hát đã xuống tàu ở một ga trước. Hay là một lúc nào đó tôi đã thiếp ngủ trong điệu ru của bài hát, nên không nhận thấy một người con gái bước tới gần hàng ghế và đưa ra cái túi nhỏ để xin những đồng quan lẻ – như bất cứ người ca sĩ hát rong nào khác vẫn làm.
…Trở lại Paris một năm sau, tôi cũng trọ ở ngôi nhà gần ga Lozère và hàng ngày vẫn theo đường tàu B đi vào thành phố. Lần này tôi lại còn có dịp dạo chơi nhiều hơn theo những tuyến đường tàu khác của Paris rộng lớn. Suốt bốn tháng liền tôi thắc thỏm đợi chờ được nghe lại giọng hát Nga với bài hát Chiều ngoại thành… Có mấy người ca sĩ hát rong nghe mãi đã thành quen giọng, duy người con gái Nga năm trước thì không hề gặp lại một lần nào nữa.
Đôi khi hoài nhớ bài hát cũ, tôi lại tự an ủi rằng biết đâu người con gái ấy đã chẳng trở về quê hương và bây giờ cô đang hát bài Chiều ngoại thành Moskva ngay trên đất nước mình.
H.N.P
Ảnh: Ga Lozère chiều vắng