CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn

NGƯỜI RỜI SÂN CỎ

Thứ ba ngày 19 tháng 6 năm 2012 10:23 AM

Vậy là sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng anh cũng đã được rời sân cỏ.

Mùa bóng vừa qua, anh tự thấy mình đá xuống chân hẳn vì chỗ chấn thương chưa phục hồi. Cộng vào đó là tác động của những yếu tố tâm lý: đội bóng chuyển cơ quan chủ quản, nói nôm na, là có “ông bầu” mới; huấn luyện viên cũ ra đi nhường chỗ cho một huấn luyện viên khác, và do vậy đấu pháp sẽ thay đổi trong mùa giải tới. Càng ngày anh càng cảm nhận rõ một điều là mình không còn đủ sức tập hợp đồng đội để kiến tạo chiến thắng. Thời của anh đã qua, và cái thời đang tới là thuộc về những cầu thủ khác, những người biết thích nghi với đấu pháp mới.

Trong những trận đấu tập huấn gần đây, nhiều khi anh thấy mình hụt hơi ngay ở cuối hiệp một. Đôi lúc anh loạng choạng trước quả bóng trong tình huống mà chỉ một năm trước đây anh khống chế nó không khó khăn gì. Lúc đó tưởng như hàng ngàn cặp mắt trên khán đài nhìn thấy rõ chỗ yếu của anh và anh hồi hộp chờ đợi vang lên những tiếng la ó, huýt sáo tỏ sự bất bình của khán giả. Rất may điều đó đã không xảy ra, có lẽ nhờ vào một chút tình nào đó từ phía người hâm mộ còn lưu giữ trong những mùa bóng trước. Nhưng những tiếng réo gọi cổ vũ, gửi gắm hy vọng của các cổ động viên bây giờ cũng không còn đi liền với tên anh mà dành cho những cầu thủ trẻ hơn, đang sung sức. Cả anh, cả đồng đội anh, cả những khán giả đã theo dõi và quan tâm đến anh nhiều năm qua, không nói ra, đều âm thầm chờ ngày anh giã từ sân cỏ như một điều tất yếu. Và dù có muộn một chút so với dự định, ngày ấy cũng đã đến.

Ngày đầu tiên, sau nhiều năm, trở lại chỗ ngồi trên khán đài với tư cách khán giả thuần túy, anh có cảm giác nhẹ nhõm như cái gánh nặng mang trên vai mấy mùa giải qua nay đã được trút bỏ. Bỗng dưng anh thấy mình sống lại cùng bạn bè tuổi niên thiếu, thuở không có tiền mua vé đành đứng chôn chân cả giờ trước cổng sân vận động để gợi lên lòng thương của người soát vé hầu có cơ hội vào sân khi trận đấu sắp bắt đầu, nôn nao chờ hai đội bóng xuất hiện và mơ mộng đến một ngày nào mình cũng sẽ được khoác áo cầu thủ chuyên nghiệp. Hồi đó cái nhìn của anh là cái nhìn khám phá, học hỏi; anh chăm chú theo dõi những đường rê bóng, những cú vô-lê của lớp đàn anh và tưởng tượng trong tình huống đó mình sẽ xử lý đường bóng như thế nào, sẽ biểu diễn cú sút nghệ thuật ra sao. Còn bây giờ đây, ngồi trên khán đài, không phải anh đã cạn nhiệt tình đối với bóng đá, nhưng anh không còn cái bồng bột, nông nổi thời niên thiếu hay lúc mới vào nghề mà đã đủ chín chắn để điềm tĩnh trước mọi thành bại. Và trên hết, anh ý thức rất rõ rằng bây giờ là một thời kỳ khác của bóng đá mà anh không thể và không nên can dự vào, dù chỉ là đóng một vai chuyên viên “chỉ trỏ” giống như những ông thầy dùi lắm mồm lắm miệng chầu rìa bên bàn cờ tướng. Trong tâm thức thời niên thiếu, sân cỏ là tương lai của anh, là hình ảnh ở phía trước con đường; còn giờ đây, sân cỏ đã ở phía sau, phía của kỷ niệm và anh tự xác định sẽ không bao giờ đặt chân trở lại nơi chốn ấy.

Lúc mới vào nghề, anh đã bao lần ngồi ở hàng ghế dự bị. Sau khi thành cầu thủ chính thức, từng được giao vị trí ở hàng tiền vệ rồi tiền đạo, vì thể lực hay do chiến thuật của huấn luyện viên, anh cũng đã nhiều lần ngồi chờ được tung vào sân trong những giây phút quyết định. Những lần đó, nhìn đồng đội quần thảo trên sân, lòng như lửa đốt, nhiều khi anh không thật tỉnh táo để nhận ra chỗ mạnh chỗ yếu của đội hình, anh chỉ biết tin tưởng và tuân ý huấn luyện viên. Cả khi được đeo băng đội trưởng, đã có ít nhiều kinh nghiệm trận mạc, anh vẫn chưa bao giờ thật khách quan khi đánh giá lực lượng; và nhiều khi say men chiến thắng, anh quên mất những nhược điểm của đồng đội và của chính mình.

Dù sao anh cũng luôn nhớ rằng mình được cử làm đội trưởng một đội bóng mà những cầu thủ là do người khác tuyển chọn,với một đội hình cũng do người khác sắp xếp. Anh phải đá theo đội hình đó. Anh có thể hô hào, nhắc nhở, nhưng không được cáu gắt, nóng nảy, không được làm “ra vẻ đội trưởng”, càng không được tỏ thái độ phản đối ban huấn luyện, ngay cả khi họ sai, để nêu gương về ý thức kỷ luật cho cả đội. Thỉnh thoảng anh cũng hưng phấn mà chơi ngẫu hứng nhưng vẫn không phá vỡ lề luật đã qui định để người ta có thể lấy cớ mà tước băng đội trưởng của anh giữa chừng mùa bóng. Điều đáng để anh tự hào là suốt mấy năm qua, khi thế lực của đồng tiền đã thò cánh tay lông lá của nó vào môn thể thao vua, đội bóng của anh là một đội bóng trong sạch, chưa bao giờ, dù là thoáng qua, hình thành ý định đen tối về sự bán độ. Bởi vì tập thể đội bóng biết rằng bán độ là bán lương tâm, và người cầu thủ lúc đó chỉ còn là con rối cho đồng tiền giật dây.

Bây giờ ngồi trên khán đài, được cuốn hút bởi tài năng của những đồng đội trẻ, như những fan cuồng nhiệt khác, anh cũng nhấp nhổm réo gọi tên các cầu thủ, cố lên, cố lên, sút, sút…Nhưng là người đã từng ở trong cuộc chơi, anh biết rằng đối với các cầu thủ trên sân, thì những lời động viên cổ vũ, những cờ xí và kèn trống không phải lúc nào cũng quan trọng và có ý nghĩa như nhau. Quả bóng có số phận riêng của nó và nhiều khi nó làm thủng lưới đối phương mà ta không ngờ đến, lại lắm lúc ta cố gắng hết mình mà nó lại bật cột dọc hay xà ngang dội ngược ra như trò trêu ngươi của số phận. Ừ, thì ở bên ngoài các anh các chị nhìn được toàn cảnh sân bóng, các anh các chị thấy trống ở chỗ này, hở ở cánh kia. Còn là người trong cuộc, chúng tôi chỉ có thể chơi theo sức của mình và theo bài bản mà mình đã học. Bên ngoài sân cỏ, các anh các chị có quyền hối thúc nhịp độ trận đấu căng lên, giờ trong cuộc của quả bóng nhiều hơn, khoảng cách biệt của hiệu số bàn thắng thua được mở rộng. Nhưng các anh các chị có biết đâu là chúng tôi đã vắt kiệt sức mình. Các anh các chị có biết chúng tôi đã đau đớn như thế nào khi bị đốn ngã bằng những cú đá nguội thô bạo, đã mệt mỏi như thế nào khi chịu đựng những cơn nóng hầm hập hay những trận mưa xối xả trên sân bóng bùn lầy nhớp nháp. Vinh quang và cay đắng này cuối cùng chỉ có chúng tôi mới cảm nhận được đầy đủ. Lát nữa đây các anh các chị sẽ rời sân vận động và tiếp tục bàn luận với bạn bè vợ con ở nhà về tỉ số trận đấu và về những sơ hở của chúng tôi. Còn chúng tôi thì ngồi thừ trên sân cỏ tưởng như không gượng dậy nổi vì nếm trải vị đắng thua trận, và sẽ phải đối diện với những lời chỉ trích gay gắt trong cuộc họp rút kinh nghiệm, với những lời bình luận chiếm đầy trang báo ngày mai mà lời lẽ thừa sự thông minh nhưng có thể thiếu đi sự thể tất nhân tình.

Tất cả những điều đó đã làm nên cuộc đời cầu thủ của anh, sôi động và hào hứng, một phần đời đã trôi qua không bao giờ trở lại. Và sân cỏ dần dần vắng hẳn trong những giấc mơ và ý nghĩ của anh. Cho đến một hôm anh theo bạn bè ra chơi ở một sân golf ngoại thành. Giữa hai trận đấu, anh nằm dài trên cỏ và để xem cái chân bị chấn thương của mình đã lành hẳn chưa, anh thử lăn mấy vòng trên cỏ. Bỗng dưng hiện lên trong anh một ảo giác rất lạ: sân cỏ chung quanh anh như mở rộng dần ra, tiếp giáp đến tận chân trời, cơ hồ như bầu trời và mặt đất nối liền làm một. Sau một lúc định thần, anh mới nhận ra rằng đây là một sân cỏ khác, không phải là cái sân cỏ mà đời cầu thủ anh đã từng gắn bó.

Và anh học theo Kim Dung mà thầm nhủ rằng: “Ngoài sân cỏ còn sân cỏ”.

H.N.P

Chia sẻ trên Facebook