CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn

NGƯỜI MANG HƯƠNG SẮC LUXEMBOURG

Thứ tư ngày 28 tháng 2 năm 2018 12:00 AM

Kính tặng cô – PGS.TS Ngôn ngữ học Vũ Thị Ngân

1. Cơn rét đậm đêm đông rà rít qua khe những mảnh ghép cánh cửa căn phòng ký túc xá nữ Mễ Trì. Lùa chăn kín cổ, chúng tôi  co quặp sát nhau hai đứa một giường hít hà tìm hơi ấm, thi thoảng  giật mình ré lên khi đụng thanh sắt lạnh chói chắn giường tầng. Im nằm nghe gió vặn vẹo cửa, mắt  dõi chong bóng  mấy con thạch thùng  sợ chúng rơi xuống màn, tôi tiếp tục mơ màng với những tưởng tượng dễ chịu về … sáng mai trước khi chìm vào giấc ngủ.

Ánh hồng bếp điện nhảy múa trên trần. Tiếng dây mayxo giãn căng lạo xạo. Mùi sắn luộc ngậy lừng. Sắn bạn mới gồng từ Việt Trì xuống. Phòng tiếng Pháp chúng tôi hoan hỉ niêm nót bữa sáng hiếm hoi trước khi đến lớp.

Lối tắt chui tường nham nhở nằm kế nhà tắm nữ mở ra hai cây số con đường đất đỏ mù bụi nối ký túc xá với khu giảng đường Thượng đình của trường ĐHTH Hà Nội*.

Câu chuyện to nhỏ của chúng tôi từ mấy ngày nay phập phồng những phỏng đoán quanh cô giáo chủ nhiệm mới, trở về từ Paris. Chắc hẳn cô đã để lại dấu chân trước tháp chuông đồ sộ của Nhà Thờ Đức Bà hay sông Seine nên thơ trong trang tác phẩm mà chúng tôi vừa được phân tích nghiền ngẫm mấy ngày qua. Biết đâu chiếc cặp xinh xinh bằng da của cô mang về từ nơi ấy còn thơm êm những cánh hoa Iris màu xanh tím hay cả những chiếc lá ép vàng lao xao  ứ nhựa của vườn cung điện Versailles? Có thể lắm, những ngón tay mềm cô đã chạm tới thanh kiếm báu trên tượng Ngài Napoléon nữa…

Dù đã bốn năm vật vã “chẻ sợi tóc làm tư” ngôn ngữ của Molière để cảm nhận tinh hoa châu ngọc nhưng với những học trò nội trú hàng ngày húp nước cơm cháy pha muối thay mắm hòng nhằn cho trôi xoong cơm trộn nửa thóc sạn như chúng tôi thì Paris hay nước Pháp cao sang luôn xa vời vợi như giấc chiêm bao chỉ đậu tới những đứa đào hoa. Từ hành lang tầng bốn, chúng tôi chen nhau nhao người qua lan can nhìn xuống! Chắc là cô kìa! Không phải! Đó là cô Hương thơm lừng, cô cũng mới trở về từ Pháp! Kia nữa! Vẫn không phải! Cô giáo chủ nhiệm mới phải khác, khác khác cơ…

Cô kia rồi! Chắc chắn là cô! Áo phao xanh lãng đãng màu trời phông phênh trong gió. Lọn tóc óng mềm đưa buông theo từng bước  khoan thai  nhịp nhàng như đếm theo phách nhạc  vô thanh giữa sân trường. Giày da đen cao cổ ôm gấu quần bò chàm  xanh ngun ngút hiện đại, lấp lóa đôi chân dài… như bộ phim Pháp nào đó. Cô đứng nơi ngưỡng cửa. Đôi mắt và hàm răng trắng tắp long lanh ánh cười, hình như cả vườn hoa Luxembourg tàng hình theo cô thầm thì tỏa một thứ hương đằm dịu.

Buổi học đầu tiên môn cú pháp vốn khô khan, càng khó nhập tâm bởi  đám sinh viên, ai nấy đều ngẩn ngơ ngắm mọi động  thái lớn nhỏ ngời  lên vẻ sang trọng tự tin, từ cái nheo mắt, nhún vai, cách cô giáo trẻ nghiêng đầu duyên dáng, chìa tay nhã nhặn mời sinh viên phát biểu. Khi cô quay lưng viết lên bảng, mỗi đường cong căng mềm khẽ rung theo chấm phấn. Kẻng tan giờ lanh canh. Chúng tôi ngây người nhút nhát không dám rời ghế. Cô xếp giáo trình,  đứng trước cửa, nhắc lại tên, tạm biệt bằng tiếng Pháp từng trò.

Cơm tập thể dài hạn hay bữa sắn sáng đã chẳng chiều tôi. Xuống hết 4 tầng tôi bỗng thấy cồn cào chao đảo. Bầu trời xanh nhập nhòa muôn vàn đom đóm vàng trắng nôn nao nhảy múa. Toát lạnh mồ hôi, chân tôi khuỵu xuống sân trường.

Có mùi hương êm dịu đánh thức tôi. Gương mặt kề bên xa lạ nhưng nét ân cần ngay phút lát bỗng trở nên thân  thiết và gần ấm. Cô và các bạn cùng phòng đang đỡ tôi lên ghế sau chiếc xe Peugeot 103 mảnh mai như con hạc trắng sữa của cô. Con đường trở về xuyên bãi đất đỏ hai cây số là một trở ngại với tôi lúc này. Bạn gái Việt Trì chia nửa ghế giữ tôi phía sau. Cô đạp máy. Peugeot 103 nặng nề khó nhọc bò một đoạn qua cổng trường, đến lối rẽ rú máy loạng choạng khựng lại rồi oặt kềnh!

Cô kịp tắt máy, loay hoay dùng sức kéo hai cô sinh viên tuổi 20 sức dài vai rộng thoát khỏi sức nặng của xe, không để ý đến chiếc quần bò Paris đã toạc gối từ lúc nào.

 

2. Ngày 3 tháng 12 năm 1996. 18h13 phút! Khủng bố bến tàu điện ngầm Port Royal – Paris. Giờ cô phải rời căn phòng tập thể nghiên cứu sinh của tòa nhà CROUS nằm kề bến để đến giúp tôi chuẩn bị bữa cơm mừng sinh nhật 4 tuổi của con gái tôi tại căn gác ở Place d’Italie.

Điện thoại dồn dập chuông, không có dấu hiệu trả lời. Đài tiếp tục điểm tin. 4 người chết, ước tính 150 người bị thương. Mẹ Ngân đâu rồi? Mẹ con tôi hoảng loạn.

Sáu năm sau mới được gặp lại cô khi tôi  đã là mẹ đơn thân bơ vơ nuôi giấc mơ không tưởng được sống và làm việc bằng nghề văn tại Pháp. Cô giáo chủ nhiệm năm nào trở lại Paris chuẩn bị bằng tiến sĩ ngôn ngữ với đề tài khô lạnh và hóc búa: «Hệ thống hóa các giá trị ngữ nghĩa của thời quá khứ kép tiếng Pháp” mà đến ngay cả người Pháp chính thống cũng ngại ngần né lánh. Ánh mắt thoáng chút xót xa nhìn đứa tôi mà cô vẫn luôn nghĩ là bé bỏng và yếu ốm nhưng nụ cười nghị lực tỏa tràn năng lượng, cô ôm mẹ con tôi vào lòng vỗ về như muốn nói: có cô ở đây rồi.

Để tiết kiệm tiền gửi trẻ, ngoài giờ ở trường, con gái tôi theo chân cô và các thầy cô giáo cũ đang làm luận án khắp nơi, chẳng những ký túc xá mà cả các thư viện, giảng đường… Căn phòng chừng 12 mét của cô trên tầng 6 ở Port Royal, nhìn xa xa ra công viên  Luxembourg kê đủ một chiếc giường đơn, một bàn học, một góc bếp nhỏ xinh được mọi người đùa là khách sạn 5* là nơi để mỗi chiều thứ 7 cho tôi được ngậm ngùi nhớ quê hương với phở, bún thang, chả nướng… Thương xót chút nợ với văn chương đang oằn dưới những bươn chải đời thường, cô giới thiệu tôi với bà Janine Gillon, cựu giáo sư văn hoc, dịch giả của nhiều truỵện ngắn và tiểu thuyết, dành cho tôi những trang dịch văn Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quanh Thiều, Ma Văn Kháng… Những ngày nắng xuân ấm áp, hai cô trò thong thả dạo bước dưới tán đào hồng mận trắng hay những vòm hoa mộc lan tím cánh bồng phụng phịu, con gái tôi lũn chũn chạy theo,  cô kể tôi nghe những cái khó đang vấp phải với đề tài tiến sĩ của mình.

Tối muộn mới có tiếng chuông reo. Con gái tôi ào ra mở cửa, sà vào lòng cô rối rít : «mẹ Ngân, mẹ Ngân không sao cả!». Cô thả những túi Tang Frères trĩu đồ chợ xuống đất, đặt tay lên ngực: cô quên thẻ métro, quay về phòng thì nghe tiếng nổ, còi cảnh sát, khói mịt mù!» 

3. Công trình tiến tới bảo vệ luận án tiến sĩ của cô kéo dài ba năm, từ năm 1995 đến năm 1998 dưới sự hướng dẫn của ông Denis Paillard, một giáo sư ngôn ngữ xuất sắc nhưng cũng nổi tiếng khó tính của Pháp. Cái khó của đề tài là đã có nhiều nghiên cứu về thời quá khứ kép trong tiêng Pháp, dưới các góc độ và trường phái khác nhau. Hơn nữa đây là đề tài thuần túy nghiên cứu về ngôn ngữ chứ không phải nghiên cứu so sánh. Có lẽ rất hiếm nghiên cứu sinh nước ngoài nào dám xông xáo vào đề tài này. Mỗi từ mỗi chữ đi với «thời quá khứ » như con ma đeo đuổi cô cả trong giấc ngủ khiến cô gầy rốc phờ phạc. Nụ cười rạng rỡ trên gương mặt cô nhiều khi chẳng còn roi rói nữa. Ba năm đằng đẵng xa con đang tuổi lớn khép mình trong gian phòng hẹp, ba tuần một lần nộp bài, trả bài gạch xóa rồi cặm cụi viết lại từ đầu. Tôi tự hỏi sao cô không nản nhỉ khi mà mấy trăm trang nghiên cứu của cô không có câu chuyện, chẳng có tình yêu chàng nàng chẳng có thắt nút mở nút, hồi hộp hay thơ mộng. Giống như càng khó, càng khô, cô như nhà toán học càng say mê, quyết tự tìm tòi giá trị ngữ  nghĩa của thời quá khứ. Như cái nghiệp luyến với cuộc đời.

 

Cô rưng rưng vuốt ve cuốn luận án tiến sĩ dày 346 trang, kết quả của những tháng năm hạnh phúc trong say mê tìm tòi, nghiên cứu, nhưng cũng là tận cùng của gian nan, khổ hạnh. Từ trên ghế hàng đầu tại lễ bảo vệ, một giáo sư Pháp thốt  lên : "Ôi, thật xấu hổ khi các giá trị ngữ nghĩa của thời quá khứ này lại do một nghiên cứu sinh nước ngoài phát hiện ra chứ không phải là các nhà nghiên cứu người bản ngữ. Thật đáng khâm phục!». Luận án của cô được Hội đồng giám khảo chấm điểm tuyệt đối. (Mention Très Honorable avec félicitation à l'unanimité du Jury - Bằng tiến sĩ hạng tối ưu với lời phê chuẩn mức cao nhất) và được đề nghị in ấn thành sách để làm tư liệu nghiên cứu trong lĩnh vực ngôn ngữ Pháp.

Luận án hoàn thành, bằng tiến sĩ trong tay cũng là lúc cô phải rời xa mẹ con tôi. Ba năm nương vào cô - người chị che chở dịu hiền, cười khóc trên vai cô,  ngày tiễn cô ra sân bay tôi cảm thấy hoàn toàn suy sụp. Đứng giữa căn phòng đã vắng cô nhìn xuống, dường như cô mang theo cả hương sắc của vườn Luxembourg.

 

4. Cô đón tôi trở về vào một ngày hoa xuân Đinh Dậu vừa chắc nụ. Sắc xuân xưa xao một chấm thời gian. Tôi bâng hâng sau cô trên chiếc xe máy đời mới vẫn màu trắng sữa thảng thốt cú ngã 30 năm về trước. Bà PGS.TS Vũ Thị Ngân tuổi ngoài 60 mà không… không phải thế... thận trọng chở trò len lỏi giữa trận người giấu mặt hối hả quýt đào ngày giáp Tết tìm một khoảng tĩnh tâm tình  nơi quán Ưu Đàm chay tịnh. Vẫn nụ cười sáng bừng gương mặt đằm thắm và quý phái, cô khoe: vừa về hưu thôi nhưng cô vẫn tiếp tục dạy tiếng Pháp ở trung tâm văn hóa L’Espace Hà Nội, vẫn đi bộ hàng ngày, vẫn tham gia các buổi nhảy đầm cổ điển, rất vui em ạ.

Tin cô nhắn hôm nay : Cô không dám đi xe máy nữa rồi… Một thoáng lặng nhòa. Ghi trong lòng hình ảnh cô, người phụ nữ đằm Việt nhưng cũng rất Pháp, độc lập, đầy quyết liệt và năng nổ tôi chưa đành lòng một quy luật của thời gian.

Những muốn bay về như mỗi lần nhớ cô phút nhìn thấy hoa mộc lan cánh bồng phụng phịu tím cả góc trời, để nha nhẩn bên Người dạo bước tha thướt Hồ Tây, tần ngần trong hương ký ức Luxembourg. 

 

NC- Paris 27/02/2018

 

* ĐHTH Hà nội: giờ là ĐH Xã hội nhân văn, ĐH Quốc gia Hà nội.

Chia sẻ trên Facebook