CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn

MÈO CÚC LY

Thứ sáu ngày 6 tháng 4 năm 2012 12:00 AM

Xưa, tôi sinh con gái tại xóm mèo.   

Dường như nhà ai cũng có mèo. Mèo nhiều tương đương với người già, người độc thân và người bệnh tâm thần, cũng đặc biệt nhiều trong thành phố này.
 
Làm bạn với mèo không tốn công như với chó nên ai cũng có thể nuôi mèo. Anne, mẹ của cậu bé cùng lớp con tôi, tuy không mấy tỉnh táo để có khả năng tự nấu ăn cho mình nhưng ít khi quên xúc thức ăn ra tô cho mèo mỗi ngày. Anh Manu sống với bạn trai, nuôi thêm nàng mèo Lili đã 17 năm cho có bóng dáng «con gái» lả lướt trong nhà. Vợ chồng ông bà nuôi của con tôi, Yvonne, không con không cháu cũng có mấy con mèo. Họ yêu mèo như yêu con tôi, yêu con tôi như yêu mèo.


Tranh: Đỗ Phấn
 

Mèo Pháp hiếm khi rình rập vồ mồi kiếm ăn nhưng biết đi xin. Xin nhẫn nại. Có mèo cứ từ tốn theo chân mình từ nhà tới bến métro. Cho ăn một lần, hôm sau mèo lại theo về tới cửa, chầu chực tới khi mình mở cửa, không mở thì đập khẽ, gọi nhỏ nhẹ… chờ. Nhiều mèo nhà không phải không có ăn nhưng thích đi hoang, tiện đâu ăn đấy, đi vài ngày rồi về, ăn đẫy bụng lại lăn ra ngủ, dậy, ngáp, tự liếm láp, lại đi. Mèo của Francine, cô hàng xóm độc thân có khi đi cả tuần mới về. Mỗi lần cho nó đi, cô lại mắng: đi đi, đồ trai lơ, đồ bội bạc, đi cho chán rồi về!. Con mèo đốm vàng của cô quay đầu lại, giơ một chân lên trước ngực, có vẻ như đang nhíu mày, nhoẻn cười ranh mãnh rồi nhún chân nhẹ nhàng nhảy xuống vườn, khoan thai đi mất hút.
 
Con gái tôi mê mèo. Hễ gặp mèo là nó ngồi sụp xuống vuốt ve. Mà trẻ con hình như đâu cũng có tật yêu mèo cả. Tôi chia sẻ tật này với nó bằng cách sưu tầm mèo: mèo đá, mèo đồng, mèo gốm, mèo sứ, mèo thủy tinh, mèo nhựa, sách mèo, ảnh mèo…miễn là không phải mèo…thật. Vì đã có, có mà không, không mà có.

Nếu mua ở chợ trời, lúc gặp may có khi chỉ một vài euros là được cả một bầy mèo sứ đủ màu, to nhỏ, con nào con nấy còn óng nước men. Người bán thích thú khi gặp người cùng chung sở thích, muốn tặng trẻ, nhưng lấy tị tiền để nó đừng có cảm giác đi xin.
 
Nhưng cũng con bé tẹo bằng móng tay thôi mà tốn cả mười mấy đồng euros khi mua nó tại thành La Mã, vương quốc của mèo.
 
Mèo «đắt» nhất là mèo Nữ thần Bastet bằng đá, mua ở gần nghĩa trang mèo tại Bubastis, Ai cập. Đắt vì có lệ người phụ nữ nào ghé mua mèo tại những quầy lưu niệm ở đây cũng bị các ông chủ râu xồm âu yếm và kín đáo nhéo cho một đến ba nhát vào... mông trước khi ra khỏi quầy. Chả biết lệ làng hay lệ… ông, nhưng cô bạn nào tối về đến khách sạn cũng thì thầm sự cố tương tự. Chuyện này các bà các cô chỉ to nhỏ với nhau chứ tuyệt không lan truyền ra ngoài.

Có con mèo của Cúc Ly thường xuyên sang xin ăn nhà tôi. Tôi và chị ta chạm mặt nhiều lần trong thang máy nhưng chưa hề chào hỏi. Người Việt với nhau bên này hay «kên» nhau, chuyện thường. Tôi biết chị người Việt vì thỉnh thoảng nghe chị ư ử cải lương bên cạnh anh chồng người Thổ nồng nặc mùi thịt cừu. Chị rực rỡ như xe cứu hỏa, đỏ từ băng đô trên tóc đến tận gót giày.
 
Có lần sắp đi ngủ chợt nghe chị đập cửa om sòm rồi đổ phịch xuống nền nhà. Gắng mãi mới lôi được khối thân ướt nhoèn của chị vào trong. Mặt bầm dập, cổ tím đỏ hằn vết tay xiết, môi đã sưng tếu lên vẫn tiếp tục tuôn ra những lời lẽ nguyền rủa anh chồng bằng thứ tiếng Việt bậy bạ chẳng hiểu chị lôi ra từ xó xỉnh nào, thời nào.
 
Chị sai lấy bông để rửa mặt, quát lác làm tôi cuống cuồng, hết lấy nước nóng, nước đá, lại cao giọng mắng mình không biết nương nhẹ làn da hoa tuyết của chị. Mắng mỏi miệng rồi kêu đói bụng.
 
Đang lưỡng lự trước tủ lạnh giữa hộp mỳ ăn liền và miếng cá saumon để dành cho con ngày mai, chị đã hất tôi sang một bên, vồ ngay miếng cá, bật bếp, quăng phứt lên chảo.
 
Tự nấu, tự dọn ăn, tự tìm trà, pha, uống một mình. Chóp choẹp khi ăn, lục sục khi uống, đĩnh đạc tự tại như chủ nhà. Xong tất cả những việc đó, chị hất hàm hỏi: Con nhỏ đâu?
 
Nhón chân vào phòng, chị ta đứng trân trân ngó nó ngủ. Rồi nắm lấy bàn tay tí xíu của  nó đặt lên môi hồi lâu trong bóng tối.
 
Mấy hôm sau tôi gặp anh chồng Thổ của chị ta trên đường. Tóc xù, mắt đỏ, trông anh ta dữ tợn khiến tôi chực quay đầu kiếm đường khác. Nhưng anh ta đã lừng lững tiến tới, chặn tôi lại, dúi vào tay tôi một gói giấy: Cầm lấy! Đừng sợ! Vợ tôi…quý con cô… tặng nó! Hình như tôi đã hoảng đến mức giật lấy gói giấy, không cảm ơn mà bỏ đi như chạy. Định kiếm một bụi rậm quẳng nó đi, nhưng thấy gói nặng lại tò mò. Khi chắc chắn đã khuất khỏi tầm mắt anh ta, tôi mới hé nhìn. Một con mèo bằng đồng. Chắc là mèo Thổ. Và một phong bì tiền, số tiền bằng với tiền hóa đơn phạt quá hạn của sở điện mà tôi vất lăn lóc trên bàn bữa nọ.
 
Bộ sưu tập của con có thêm con mèo đồng, mẹ con tôi quen gọi là Cúc Ly.

Nhà họ ngày kia bị cảnh sát lục tung rồi niêm phong. Nghe đồn, anh chồng dính dáng đến vụ anh em mafia nhà Hornec, đang bị truy lùng. Mèo của Cúc Ly vẫn đến cửa nhà mẹ con tôi xin ăn. Tôi cũng làm giỏ mời ngủ nhưng nó chỉ ăn rồi về trước cánh cửa im ỉm nhà nó, ngủ trên thảm chùi chân.
 
Ngày chuyển nhà đi, mẹ con tôi cũng cố chờ để mang nó theo nhưng không thấy.

Sau này, thời gian dài công tác xa nhà, những đêm trong phòng trọ, cứ nghe tiếng mèo kêu đâu đó, than thở, cầu khẩn thê thiết, tôi luôn hốt hoảng, thấy như có hàng trăm vuốt mèo cào trong ruột. Hình như ai đó đang gặp nạn và kêu cứu. 

Giật mình, nghĩ đến Cúc Ly, đến xóm mèo xưa với những thân phận héo buồn.

Có phải mèo cũng như đứa trẻ con nũng nịu, như mụ đàn bà õng ẹo đang yêu, như gã đàn ông hoang đàng mà vẫn chung tình? Dẫu mèo hoang cũng còn thèm nơi chốn đi về, vậy thì những cô đơn đâu thể nào không khao khát được cưng nựng vuốt ve.

N.C
Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook