CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn

HOA CHỈ NỞ KHI TẾT ĐÃ QUA RỒI

Thứ hai ngày 9 tháng 2 năm 2015 12:00 AM

Tôi nhớ sớm mùa đông co ro ấy, lần đầu bước qua ngưỡng cửa văn phòng mới nằm trên đại lộ Grande-Armée đang ngần ngần đơm hoa tuyết,  ánh nhìn của Patricia từng khiến tôi ám ảnh tới rùng mình.

Cũng tò mò như những muôn đôi mắt khác khi đón thành viên mới, cái nhìn không dè dặt của chị dường như kèm thêm một tiếng thở dài. Đôi mắt không giống ai, sắc azur lan man ánh tím, chẳng buồn, mà cũng không hớn hở.

Chung một văn phòng nhưng Patricia phụ trách một ê-kíp khác, không liên quan đến công việc của tôi. Chị ngồi đối diện, cách tôi cả dãy bàn, sau mấy hàng máy tính. Mỗi lúc ngẩng lên, tôi lại chạm đôi mắt chăm chú của chị hướng về mình.

Cao và mảnh dẻ hơn mức bình thường, sở hữu nước da nâu rắn rỏi và quyến rũ đang là mode của những phụ nữ Pháp đều đặn mỗi tháng tự nguyện trả tiền để được phơi trong lò nhuộm nhân tạo, giọng nói trầm khan khói thuốc vẻ uy quyền, chị thường kiêu kỳ lướt qua lại chỗ tôi ngồi, không hề gật hay mỉm cười.

Lâu dần quen với sự quan sát của chị nên tôi không để ý nữa.

Văn phòng trên tầng 8 của chúng tôi có một góc riêng biệt dành để hút thuốc, café giải lao và ăn trưa. Buổi trưa Patricia thường ngồi tại chỗ, ăn một trái táo, gọi những cuộc điện thoại riêng.

Lần đó việc dồn dập nên tôi không kịp ăn trưa đúng giờ. Bốn giờ chiều  nhận ra mình đói, tôi vào phòng giải lao hâm nóng phần cơm trưa mang theo. Vô tình gặp Patricia. Chị mở cửa sổ, đang chậm nhả khói thuốc như trẻ con thổi bong bóng vào không khí

Cơm trắng với thịt kho, bữa cơm Việt ưa thích của tôi mỗi khi lạnh dưới không vừa qua lò vi sóng nằng nặng tỏa xông chiếm gian phòng. Patricia bỗng quay lại. Chị kéo ghế ngồi xuống trước tôi, trỏ vào đĩa cơm, nhỏ nhẹ nhưng rành rẽ:

-         Cơm này! Còn đây là thịt kho! 

Tiếng Việt với âm điệu Bắc quê hương rất lâu rồi tôi mới được nghe. Ngẩn người, nhưng tôi chưa hẳn tin vì trước mặt tôi, người phụ nữ Pháp  hoàn toàn không có nét nào hao Việt.

-         Em có tin không? Mẹ chị là người Việt.

Chị cười xa vắng như vừa trút một nỗi niềm.

Một phần vì kín đáo, một phần tại công việc triền miên, tôi không hút thuốc và chị lại không ăn trưa nên chúng tôi không có dịp gặp nhau trong phòng nghỉ để nói chuyện thêm sau lần đó. Patricia vẫn lặng lẽ quan sát tôi. Tôi không còn thấy lạ lùng mà ngược lại có phần yên lòng khi có chị. Tôi nhận ra bàn tay chị đôi lần khéo léo sửa hồ sơ của tôi trên máy mỗi khi tôi sai sót.

Những ngày giáp Tết, bao nhiêu ảnh đào mai nơi quê nhà rộn ràng tới ngơ ngẩn trên mạng thì ở Paris là lúc trời rét nhất. Cây cành khô guộc. Cỏ chín tái rục trong sương đá. Chẳng nên diễn tả là cái rét buốt xương; bởi xương con người ta đã tê dại tới mức không điều khiển nổi thì làm gì còn cảm giác. Người mới xa quê còn nhớ nhớ thương thương nhưng khi xa quá lâu dường như nỗi buồn cũng hóa đá lẩn trong giá tuyết. 

Ba Mươi Tết - tôi vẫn đi làm như thường lệ. Trước một tuần, Patricia  chợt dừng lại bên bàn làm việc của tôi. Chị hỏi liệu tôi có làm gì không và nếu có thể thì dành cho chị buổi tối hôm đó.

Hẹn nhau sau giờ làm việc tại một quán café quen thân với chị trên đại lộ Grande-Armée. Nhà Patricia ở Neuilly, khu nơi ông Sarkozy làm thị trưởng, cách chỗ làm không xa nên chị có vẻ thông thuộc các hàng quán ngóc ngách nơi này.

Khi tôi tới, đón tôi không chỉ mình chị mà còn người phụ nữ đứng tuổi trịnh trọng trong chiếc áo dài Việt màu đen thêu hình chim phượng lấp lánh chạy từ trên ngực xuống gấu áo. Patricia duyên dáng đứng dậy, lần đầu tiên chị ôm hôn tôi, nghiêng đầu điệu đà: Đây là Mẹ chị.

Người phụ nữ nhỏ bé nhanh nhẹn dang tay thân thiết choàng lấy tôi : Patricia kể nhiều về cháu! Cháu hãy gọi cô là Tata*.

Giọng Hà nội ngày xưa! Trầm trầm.

Rụt rè, lạ lẫm, tôi nép bên thành ghế. Đèn trong quán café đỏ chói chang. Nệm ghế cũng rực rỡ đỏ. Tường lót thảm chọi màu da cam. Trên trần rối rít các châm ngôn và những câu nói nổi tiếng sơn đen sậm. Nhạc mạnh dội từ các loa ngay trên đầu mỗi bàn.

Bàn chúng tôi nằm kín đáo trong góc quán, khuất tầm nhìn bởi một tấm chắn. Patricia hỏi tôi muốn uống gì. Chị trêu đùa xã giao với người phục vụ rồi gọi một chai rượu đỏ.

Tata đặt lên ghế bên một chiếc làn căng đầy. Cặp vòng cẩm thạch cẩn vàng tiệp màu với mặt Phật đeo trước ngực lanh canh trên cổ tay mỗi lần bà lấy ra từ đó một món bày lên bàn.

Đôi bánh chưng nhỏ bằng bàn tay gói lá chuối bọc thêm lượt giấy bóng thắt dây ni-lông hồng vừa đúng chiếc đĩa trà, cây giò thủ thuôn  bằng đầu chiếc bánh mì baguette, hành tím muối trong chiếc lọ vốn vẫn dùng đựng mứt dâu «Bonne Maman»,  bát thịt gà đông  vừa được úp lên chiếc đĩa sứ Limoges viền vàng và một lát chè kho rắc vừng…Tata sp hai đôi đũa, hai chiếc bát, cho tôi và cho bà.

-         Mời cháu ăn Tết với Tata! Cháu ăn đi! Không được làm khách. Patricia không ăn đồ Việt.

Patricia tay bấm điện thoại, hững hờ nhìn bàn ăn mẹ vừa dọn ra, đính chính:

-         Có chứ ! Chị biết và thích ăn nem. Em ăn đi cho mẹ vui.

Nhìn đồng hồ, chị ôm vai mẹ:

-         Maman ăn Tết với em, con đi một tiếng rồi quay lại đón Maman. Để em về sớm, nhà nó ở xa.

Tata nhấp một hớp rượu vang, hất hất tay, gương mặt loang phấn đỏ dưới ánh đèn:

-         Ừ, con đi. Đi lâu lâu cho em nó có thời gian ăn nữa…

Tata không hỏi gì về tôi. Cứ như bà đã biết cả. Hoặc tôi là ai, là người thế nào cũng không quan trọng bằng phút hiện tại này. Gỡ chiếc bánh chưng lem nhem lá bà đã thức luộc đêm qua trong nồi áp suất, bà nhắc đến cha của Patricia, một cựu chiến binh tại Việt Nam, người rất yêu chiều bà đã mất cách đây hơn mười năm. Kể từ đó, bà không còn đón Tết.

-         Patricia là con đầm cháu ạ. Tonton** có thể ăn những món Tata nấu để chiều Tata nhưng nó không thích là không ăn, không nếm. Ôi giá nó biết ăn đồ Việt như cháu. Cháu biết không, ngày xưa Tata nấu rất ngon. Nhưng giờ có ai ăn đâu mà nấu. Một mình Tata thì ăn qua loa gì chẳng được.

Miệng nói, nhưng tay thoăn thoắt tiếp, chiếc bát trên tay tôi không lúc nào vơi. Quả tình lâu rồi tôi mới được ăn chiếc bánh chưng hương vị Bắc, cung vị cay, thơm, bùi, lay nhức ký ức xưa. Tata tự tiếp rượu cho mình, lúc khóc lúc cười, lúc ôm tôi xoa má lúc xa vời qua cửa kính nhìn tuyết rắc dày trên đại lộ, phủ trắng hàng xe đậu lề đường…

* * *

Năm khủng hoảng kinh tế, văn phòng chúng tôi tại đại lộ Grande-Armée đóng cửa. Tôi và Patricia được phân về hai chi nhánh khác nhau.

Mấy năm sau chúng tôi mới gặp lại tại một tiệc đứng ở văn phòng trụ sở công ty. Patricia đến bên tôi, mắt không rời người đang phát biểu phía trước, nghiêm lạnh như đang nói với ai khác: «Mẹ nhớ em. Lát chị đưa số, em gọi cho mẹ nhé !».

Chị vẫn đẹp nhưng gầy như không còn sức sống.

Khi chỉ còn hai chị em, Patricia kể chị đã đưa mẹ về Việt Nam lần đầu tiên. Tôi hỏi chị có thích Việt Nam không. Do dự, rồi chị chậm rãi : «Chị thích phong cảnh Việt Nam. Con người mến khách. Nhưng... quá nhiều ràng buộc, phải làm những thứ mình không muốn. Nhất định chị sẽ quay lại nhưng chị chỉ đi chơi và sẽ không thăm ai. Em gọi cho mẹ đi. Mẹ đã về Marseille sống. Ở đó mẹ quen vài người Việt. Mẹ không thích vào nhà dưỡng lão.»

Chia tay, chị nhắc tôi khi có thể hãy về Marseille. Mẹ chị dành cho tôi một  căn phòng.

Xa quê hương bao nhiêu năm thì tôi xa mẹ ngần ấy năm. Đằng đẵng nỗi nhớ quê thèm mẹ, nhưng không hiểu có điều gì khiến lòng ngần ngại. Số điện thoại chị đưa lần lữa ngày này qua tháng khác quăn queo trong sổ và mãi rồi tôi vẫn chưa gọi Tata.

Tết này chị gọi tôi: Maman mất rồi. Nếu em đi được, cuối tuần, hai chị em đi Marseille đến nghĩa trang thăm Maman.

Chuyến tàu cao tốc vẻn vẹn ba tiếng nối Paris với cảng miền Đông Nam nước Pháp. Marseille hoen chút nắng ấm nhưng nghĩa trang mùa đông trơ cành trụi lá mênh mông hoang hút. Tata không có mộ như người khác. Vuông đá bằng hòm thư trệt đất lọt thỏm giữa ba tầng bệ đá hoa cương ngăn ô như một chung cư cưu mang mười hai hộ. Ba chậu hoa giả thếch bạc gió thổi bay lăn lóc. Hình như ai đã khóc, đã say, đã đập vỏ chai vương vãi ngay dưới chân nơi tôi đứng. Hất dọn mảnh thủy tinh ra một góc, tôi thắp hương, Patricia đốt nến. Tôi quỳ, chị đứng. Chị hỏi tôi chị có cần phải quỳ không. Rồi chẳng chờ tôi trả lời, chị sụp xuống, làm giống tôi, chắp tay trước ngực. 

Một cái tên Việt lạc lõng trên mảnh bia đá màu đen. Một linh hồn Việt cô quạnh lang thang trong nghĩa trang quê người.

Nơi đây cũng có hoa đào, hoa mai muôn màu muôn vẻ nhưng hoa chỉ nở khi Tết đã qua rồi. 


 

                                                                 

Xuân 2015


* Tata:  cô dì.(Thân, gia đình)
**Tonton: Chú, bác, cậu

Ảnh: Phùng Bá Cường
 

Chia sẻ trên Facebook