CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Vũ Khánh

GIỌT LỆ NƠI ĐÁY BIỂN

Chủ nhật ngày 14 tháng 8 năm 2022 12:00 AM

Vốn không có ý định theo nghiệp văn, Vũ Khánh để lại tập truyện ngắn đầu tiên và duy nhất “Mắt lão hổ” [1]cho chúng ta và hậu thế. Vẻn vẹn tám truyện, như bức tranh bát mã tuấn đồ. Hầu hết các truyện ngắn được viết từ những năm 90 của thế kỷ trước, cách đây trên dưới ba chục năm, được tác giả đem ra chuốt lại gần đây, thêm bớt như bây giờ. Mặc dầu vậy, giọng điệu, hình tượng, tư tưởng là nhất khí. Không phải những trang văn mà là những mảnh ghép cuộc đời được nhìn qua lăng kính người kể chuyện xưng “tôi”.

Tôi ngủ lại lần cuối trong ngôi nhà cũ, đêm nay. Ngày mai, ngôi nhà sẽ bị dỡ đi. Không còn gì che chở, một nền đỡ, một mái che, những kỷ niệm của tuổi thơ tôi có lẽ sẽ chỉ còn biết bấu víu vào trí nhớ[2]. Cả tập truyện bâng khuâng một nỗi niềm xưa cũ. Ngôi nhà cũ. Giếng cũ. Bạn cũ. Hoài niệm cũ. Với một niềm nhớ tiếc khôn nguôi. Là anh đã nhớ thương ngay từ thuở hoa niên hay về già nhớ lại? Có lẽ cả hai. Mà có vẻ như cái con người hoài cổ, đăm đăm nỗi niềm “dòng mạch ngàn năm” đứt đoạn hay khắc khoải “một tấm lòng băng tại ngọc hồ” đã có trong anh từ tuổi thanh xuân - một “ông già” ngay trong cậu bé con “thần đồng ứng mục” như lời tiên đoán của ông bạn già của ông nội năm xưa…

Hầu hết các truyện được đặt trong cùng một điểm nhìn của nhân vật ngôi thứ nhất. Ngay cả trường hợp duy nhất được kể theo ngôi thứ ba “anh”[3] thì khoảng cách giữa người kể chuyện toàn tri giấu mặt và nhân vật vẫn rất gần.
Có thể nói nhân vật người kể chuyện đã vẽ một chân dung tự họa ngoài ý muốn qua các câu chuyện kể cùng nỗi niềm nhớ tiếc những điều đẹp đẽ và xưa cũ. “Giếng này, hạn hán không cạn, mưa lũ chẳng đầy thêm, bốn mùa cứ trong văn vắt”, “Đổi làng, không đổi giếng[4]. Đau nỗi đau “lấp giếng xây nhà”. Buồn nỗi buồn “có những cái muốn giữ cũng nào có được”. Chắt chiu từng thanh âm “tam lạc thanh” như những chỉ dấu thái bình thuở trước. “Mắt lão hổ” đượm nỗi buồn tình yêu và nỗi đau. Đau nhớ tiếc linh hồn văn hóa trong từng cái mặc- ở -ăn, trong nếp nhà xưa, tang giếng cũ và những đầm sen thanh kỳ, dân dã, phong nhiêu...Buồn nỗi buồn cái đẹp bị dồn đuổi như nàng tiên cá lạc loài, mắc cạn: Một kỳ vật hiếm hoi của tự nhiên, mảnh mai vây đuôi tha thướt thế này mà không có chỗ trong đời sống thực[5]. Tiếc cho những trang lịch sử đã bị hiện thực sửa sang theo hướng khác: Mùa gió nam năm ấy, nếu người anh hùng áo vải không “thiên thu di hận” thì chắc những “Tổng binh Tây Sơn” Trần Thiêm Bảo, Trịnh Thất, Mạc Quan Phù đã là một nhánh câu liêm đường bể lôi đất Lưỡng Quảng về lại dưới này[6]. Buồn rầu ngộ: thiếu tự do, cái đẹp làm sao sống nổi[7]. Bồn chồn cùng ngựa ngũ hoa  lắc cổ, rung bờm khi sắp được cất vó, sắp được mãn cái khát vọng bay trên mặt đất...Và nỗi ngậm ngùi làm ra vẻ như không trước những chia ly, còn mất: có những người, có lẽ không bao giờ ta còn gặp lại họ. Vì đời như con tàu vậy, cùng hướng hành trình nhưng khách cứ người lên kẻ xuống[8]; Cái chai ấy nếu còn, vào cái ngày anh phiêu du ra miền trăng gió, có khi tôi đem tưới rượu lên chỗ anh còn để lại dấu đời. Một nửa.[9]Nỗi đau buồn khắc khoải một tấm tình sâu nặng. Mỗi hình tượng, câu văn đều toát lên niềm trân trọng với quá khứ cha ông, bạn bè tri kỷ, cái đẹp và tự do. Đó là điều làm nên chất muối cho những trang văn như không phải “làm văn”, như “tiện đâu kể đấy” mà  thật sự có văn.

Không khó khăn để nhận ra người làm thơ viết văn xuôi trong những truyện ngắn của anh. Những câu văn như có nhạc; nhịp nhàng, du dương; đôi khi có dáng dấp câu văn biền ngẫu. Mạch truyện dàn trải, kết cấu lỏng với những cốt truyện “không có truyện”, có khi chỉ là sự xâu chuỗi của những tình tiết, hội thoại, không cả nhân vật chính như trong “Rượu Thái sư”. Cảm giác tình tiết, miêu tả mới là hoa văn làm nên hương sắc truyện.  Đó là khi bầu trời đêm tháng mười đen thẳm như bức sơn mài đang dậy lên những vì sao run rẩy long lanh[10] với tiếng hát về bài ca xứ sở bạch dương đầy những u hoài, tiếc nuối của Khang hay tư thế “yến phi quyền” của anh Chiêu cùng nước kiệu của con ngựa Ngũ hoa như vệt sao băng trong ánh trăng lu miền bể[11]. Là hình ảnh anh bạn vong niên tri kỉ tóc dài, kính cận lấp lóa bên chiếc bình Phù Lãng cắm sen hồ Tây. Là phố cổ Tiên Yên Uốn vòng cung theo bờ vịnh là nhà cửa, phố xá xúm xít, lẩn khuất những tùng bách, đổ bóng rợp xuống xanh đen một vùng nước…như bức thanh thiên cổ họa. Những câu văn đầy chất tạo hình. Những miêu tả như không gia giảm gì thêm mà để lại ấn tượng khó quên trong tâm khảm người đọc: Càng ra đến phía ngoài hoa lau trắng càng nhiều thêm. Thị trấn nơi tôi đến có rừng núi, có biển khơi và những dãy phố Hoa kiều. Vào những ngày chủ nhật, người vùng cao váy áo sặc sỡ lại xuống chợ thị trấn bán quế, bán cao khỉ, ăn phở chua và mua cá biển khô đem lên những dãy núi thăm thẳm sương mù...

Không chỉ cảnh sắc mà cả sự vật, thổ ngơi, chi tiết sinh hoạt đời thường cũng trở nên sống động, mang dấu ấn sâu đậm “phong vị một xứ sở còn tươi rói” dưới ngòi bút miêu tả, như cảnh đấu rượu mà cũng là đấu trí giữa lão Phủ Lê San và tướng phỉ Chiếng Ửng Khìu, cảnh uống rượu ngán hấp cùng Khang: “Con ngán phải ngậm miệng mà chín toàn tính bên trong… Dầm ra, đổ ngập rượu thành một thứ men đùng đục hơi xanh, vị mằn mặn”[12]hay tiệc “Rượu Thái sư” với “Đám tôm càng còn nguyên con, đanh đách trong bát loa xâm xấp nước. Xiên vào que nướng xoay đi trở lại trên than hồng, con tôm ngả màu dần từ xanh xám tới vàng ươm rồi đỏ khé, nức mùi thơm đến từng con tỳ con vị”[13].Thực khó mà không thấy vị giác bị kích thích như đang tham gia bữa tiệc cùng người trong cuộc. Tác giả có tài tả món ăn, cách ăn trong cái nhìn văn hóa. Chẳng cứ gì sơn hào hải vị, ngay đến món  đậu phụ lướt trôn chảo[14] với chai rượu cam mậu dịch trong cuộc chia tay đượm màu tống biệt của đôi bạn nghèo hay bữa ăn “miễn phí” dọc đường gượng gạo với gia chủ thiếu thịnh tình thời bao cấp cũng chẳng kém phần ấn tượng.

Còn có thể kể ra rất nhiều chi tiết đặc sắc như những miêu tả tỉ mỉ từ vật phúc trạch cho đến câu đầu, mặt nghê, cái sập chân quỳ dạ cá gỗ lim mật, cánh dại, bức bàn trong ngôi nhà cổ Toàn gỗ đinh. Năm gian, hai dĩ cùng công trình xây dựng Ngõa kén thợ Lủa. Đục kén thợ Chàng Liễu. Ròng rã một năm rưỡi trời mới xong[15]. Phải là người rất rành vốn cổ, chịu khó quan sát, am hiểu như một bác cả mộc lâu năm hay bậc tiên chỉ trong làng mới có thể có vốn từ chuyên biệt phong phú để miêu tả chính xác đến từng chân tơ, kẽ tóc đối tượng như thế. Cũng như vậy là những chi tiết lịch sử, văn hóa vùng miền với những “vụng giết người”, “mã thượng nhân”, “thủy thượng nhân, lau trắng thưa dần như vọng lời tiễn khách để rồi lại tiếp tục cuộc giao tranh không ngừng với gió mậu dịch dữ dội hay Im lìm dưới trăng biên tái, vẫn còn đó ngôi cổ đình của nhóm tàn quân Nguyễn Hữu Cầu hơn hai trăm năm trước, lưu lại cái quẫy đuôi bi tráng của con cá he kiêu hùng miền Hải Đông xưa[16]. Đó cũng là những chi tiết  áo choàng Triệu Tử Long, Quan Vân Trường, Tiết Đinh San bay phần phật trong bức tranh ngựa chiến của chú bé mê lịch sử, là những tri thức thiên văn, địa lý về mảnh đất xứ Đoài địa linh nhân kiệt cùng thế núi Ngạc Sơn, Tam đảo với những mạch núi rẻ quạt từ miền núi cao Tây bắc, uốn tay long trùng trùng chầu về đất thần kinh rồi xuôi ra mãi biển Đông[17].

Cứ như vậy,  hiện thực đan xen cùng huyền thoại: Nghe đồn rằng cứ kì gió bấc trái tiết thế này thì cái mạch núi hình đàn giao long ấy lại có tiếng rền. Dưới này trông lên thấy suốt một dải rừng cứ vật mình xanh rợn. Dân Tam Đảo vẫn truyền rằng đó là Thanh Long nổi giận, quỷ núi lại bồn chồn tay gươm rồi.[18]. Đến tác giả nhiều khi cũng băn khoăn tự hỏi không biết thực hay hư mà sương mù Hồ Tây những lúc sang đông đến giờ vẫn cứ mù mịt thế[19].

Thực và ảo hòa quyện. Năng lực tưởng tượng mạnh mẽ kết hợp với những kiến văn sâu rộng về cả lịch sử, văn hóa, dư địa chí lẫn sự từng trải cuộc đời khiến những hình tượng thêm lấp lánh, cuốn hút người đọc đến với những không - thời gian, cảnh vật của thế giới nghệ thuật truyện - thế giới mà tác giả vẽ ra, đắm chìm và nhiều khi “mắc cạn” trong đó nữa. Mỗi truyện là một giọng điệu khác nhau với những bối cảnh riêng, đề tài không trùng lặp. Nhưng chúng lại hợp với nhau đủ làm thành một phong cách riêng, một Vũ Khánh không trộn lẫn ai trong truyện ngắn Việt Nam đương đại. Những câu văn khẩu ngữ như buột miệng nói ra mà thực đã được tác giả trau chuốt chẳng kém gì những điển tích Đường thi: “Phòng tập thể một gian rưỡi hai vợ chồng son”; “Mãi rồi tôi vẫn chưa quen được: mình đã lên ông nội. Hương cũng vậy, sao đã thành bà trong khi lòng vẫn còn trẻ lắm?”[20].Nó có cái duyên riêng để tạo nên chất đời mộc mạc tươi tắn cho những trang văn. Cũng thật hài hòa là những hình ảnh, ngôn từ, ví von dân dã như câu nói móc mỉa của người làng, hành vi trả thù của họ nhà Bính, chuyện trả ơn hay hỏi thăm người đẻ của dân xứ Đoài…với những cuộc thoại đầy chữ nghĩa trong “Rượu Thái sư”,  “Giếng cũ”, ngôn từ thơ mộng phảng phất hương “Sen hồng mấy độ”, biểu tượng “Biển sa mù”, “Ngôi nhà cũ”…Một ngôn ngữ riêng được hình thành bởi trường từ vựng đặc trưng: “phong nhiêu”, “thanh kì”, “tình huynh đệ, nghĩa bạn bè”, “tinh hoa tụ hội, rác rưởi dồn về”…cùng kiểu cú pháp câu đặc biệt đan xen câu văn dài, nhiều tầng định ngữ.

Điều gì kết nối những chi tiết và sự kiện đó thành những câu chuyện ám ảnh người đọc, và hơn thế, thành một phong cách cá nhân riêng biệt nếu không phải là chính cái nhìn của người kể chuyện toàn tri, dù ở bất cứ ngôi nào, hay nói cách khác là những hình tượng được soi chiếu bởi quan niệm mang tính tư tưởng của chính tác giả về thế giới nhân sinh. Đàng sau những chi tiết miêu tả khách quan hay có chêm xen bình luận trữ tình đều chứa đựng một sự đánh giá, một thái độ, một nhân cách sống.

Không chỉ là tâm trạng “mủi lòng” trước sự biến thiên, mục nát và phá bỏ ngôi nhà cũ, sự bùi ngùi thiếu vắng anh Chiêu và mấy đứa học trò trong ngày lễ hội, nỗi niềm “quê mẹ không còn mẹ, bao giờ con lại về[21]. Nỗi đau mất mát thấm mặn, thâm trầm trong từng cảm nhận sau những hình tượng ấy. Đó là cảm giác như bị ép hai bên thái dương khi đi trên đường làng lát bê - tông nơi vốn là những đầm sen ngày trước. Cảm nhận cứ nghĩ Khang sẽ ôm chầm lấy tôi, như tôi đã định làm thế với anh kia đấy  trong lần gặp lại thể hiện rất tinh tế cái ghế “quan trường” dù nhỏ, dù to đã nhuộm màu “thị dân” lên phẩm cách cá nhân thế nào, dù Khang vẫn vồn vã bạn bè, bắt tay rất chặt và mang cả “tiểu trào đình” ra tiếp bạn…Cũng như thế, sự trân quý tri âm, ân tình bè bạn được đặt vào cái nhìn với anh Chiêu - người bạn đồng nghiệp rụt rè, thầm lặng như cái bóng của chính mình, luôn giấu mình đi để không phiền lụy đến ai, đến ngồi vào mâm cũng sẵn một chân thường trực để cho nốt chân kia xuống, chạy đi chạy lại trên nhà , dưới bếp khi ai đó yêu cầu… Để rồi cũng anh Chiêu đó vụt xuất thần bên con tuấn mã trong thế lên yên như én liệng, như ánh sao băng, như mang cả quá khứ oai hùng của cha ông thuở trước…Biết bao trân trọng, mến thương gửi vào cái nhìn trong những chi tiết miêu tả đó…Lặng lẽ quan sát, ghi nhận; lặng lẽ nhớ thương, tiếc nuối; lặng lẽ giữ gìn; lặng lẽ khát khao: một cuộc sống tốt hơn. Một cuộc sống mà người trước chưa hề được sống[22], một cuộc sống khác với dòng đời chảy trôi màu xám của viên công chức tỉnh lẻ cũng may được tổ chức nhìn nhận đến, dù chỉ đến cấp kí thay[23].

Không phải ngẫu nhiên, Vũ Khánh nhắc lại lời kết thiên truyện của Lỗ Tấn để kết lại “Chuyện của Sóc”, truyện ngắn gần đây nhất và không ngờ là truyện ngắn cuối cùng của anh. Ở cố hương mà nhớ cố hương. Khao khát những đám mây bay trên bầu trời chứ không phải là những gì sẵn có trên mặt đất. Không chỉ tái hiện, nhớ về một thế giới xưa, đẹp đẽ, mộng mơ trong sáng tác của mình, Vũ Khánh thực sự đồng thời sống trong thế giới ấy. Ảo mà là thực với anh - một hiện thực như mong ước.

Đích đến đó khiến hành trình đời, văn và thơ của anh mang đậm chất thi ca - chất men làm đời sống thăng hoa: Thế nghĩa là đàn sáu dây đêm qua/bồng bềnh trôi con thuyền gỗ mỏng/ thế nghĩa là ở ngoài giấc mơ/ lang thang lăn chiếc xe du mục[24]. Là văn mà cũng là thơ đấy, như cách nhận xét của Kim Lân về Hồ Dzếnh.  Một thi pháp truyện ngắn riêng từ điểm nhìn  người kể chuyện, kết nối những chi tiết đời sống hiện thực và tưởng tượng tưởng như rời rạc,  làm nên lối kể chuyện hút hồn người đọc, chất liệu và kiến văn có nhụy, câu chữ có nhựa lại có hương…[25] giữ người đọc phải trầm ngâm bên những truyện ngắn như không có chuyện của anh; suy ngẫm, dằn vặt, buồn đau để rồi tiếp nối ước mơ, hy vọng cùng anh.

“Mắt lão hổ” là tên ban đầu của “Trăng Tiên Yên”, được lấy làm tên chung cho tập truyện ngắn không dày này. Đó cũng là tên một thứ ngọc trai tương truyền vẫn còn nhiều lắm ở mảnh đất cõi ngoài từng là nơi thu vét sản vật phương nam của nhà Minh, thứ ngọc quý có màu mắt hổ, lại sáng quắc như mảnh trăng treo trên trời biên viễn.

Tin rằng, tập truyện ngắn mỏng này nằm trong số không nhiều truyện có mãnh lực kì lạ khiến ta nghĩ đến những hạt sạn nằm tít trong lòng những viên ngọc trai kia[26], và không chỉ muốn đọc một lần khi đã cầm lên…

Lê Thị Tuyết Hạnh - 2022

 

 

 

 



[1]  Nxb Văn học, H.2022

[2] “Ngôi nhà cũ”- Vũ Khánh.

[3] “Biển sa mù”- Vũ Khánh.

[4] “Giếng cũ”- Vũ Khánh.

[5] “Biển sa mù”- Vũ Khánh.

[6] “Trăng Tiên Yên - Vũ Khánh.

[7]“Biển sa mù” - Vũ Khánh.

[8] “Ngựa ngũ hoa” - Vũ Khánh.

[9] “Sen hồng mấy độ”- Vũ Khánh.

[10] “Trăng Tiên Yên”-  Vũ Khánh.

[11] “Ngựa ngũ hoa” - Vũ Khánh.

[12] “Trăng Tiên Yên” - Vũ Khánh.

[13] “Rượu Thái sư” - Vũ Khánh.

[14] “Sen hồng mấy độ” -  Vũ Khánh.

[15] “Ngôi nhà cũ” - Vũ Khánh.

[16] “ Trăng Tiên Yên” - Vũ Khánh.

[17] “Rượu Thái sư” - Vũ Khánh.

[18] “Rượu Thái sư” - Vũ Khánh.

[19] “Rượu Thái sư” -Vũ Khánh.

[20] “Chuyện của Sóc” - Vũ Khánh.

[21] “Chuyện của Sóc”- Vũ Khánh.

[22] “Chuyện của Sóc” - Vũ Khánh.

[23] “Rượu Thái sư”- Vũ Khánh.

[24] “Ghi ta” - “Hoa trạng nguyên”. Thơ Vũ Khánh. Nxb VH, H. 2020

[25] Đăng Bảy - Nhà thơ, dịch giả, nguyên Thư kí Tòa soạn Báo Văn nghệ

[26]“Trăng Tiên Yên” - Vũ Khánh.

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook