CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Vũ Khánh

CÂU CHUYỆN DỊCH THƠ ĐƯỜNG - VŨ KHÁNH

Thứ ba ngày 1 tháng 10 năm 2013 12:00 AM

Thơ Đường và văn hóa Việt

Thơ ca Việt, hơn nữa là văn hóa Việt, đã sớm tiếp nhận thơ Đường và dành cho nó một vị trí trang trọng bậc nhất. Dù sau này, ta còn có thơ Pháp, thơ Nga...thuộc nền thơ ca thế giới, thì vị trí ấy của thơ Đường sẽ vẫn mãi như vậy. Suốt quá trình dài từ thế kỷ 10 đến đầu thế kỷ 20, các cụ ta vẫn dùng thể thơ Đường luật, xem nó như là của mình để làm thơ chữ Hán, chữ Nôm, để ngâm vịnh những bài Đường thi nguyên tác, tuy rằng vẫn giữ “giọng Hàn Thuyên, hồn Đại Việt”. Cũng vì điều ấy mà làm cho ta lắm lúc cứ ngỡ như Đường thi chính là di sản tiền nhân để lại mà tiếp nối sáng tạo và thưởng thức văn chương. Ngày nay, dù cho hiếm còn nghe thấy những thanh âm như thời nào tưởng còn chưa xa lắm:

“... Lạc Dương thân hữu như tương vấn,
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ.”

(Bạn bè ở Lạc Dương ví như có lời thăm hỏi,

Thì thưa hộ rằng tôi vẫn giữ mảnh lòng băng trong bình ngọc)

(Phù Dung lâu tống Tân Tiệm - Vương Xương Linh)

Thì cái hồn Đường thi vẫn mãi thấm đượm trong thơ ta như thuở ban đầu cùng những nguồn ảnh hưởng tốt đẹp khác của văn chương nhân loại.

Trong cái kiểu cách văn hóa Việt ta vốn ưa cái vô vi, thanh đạm mà cũng sâu xa, tinh tế lắm, người ta có thể nói đến những câu thơ Đường được ngâm nga rất đỗi tiêu tao sau chén trà sương của một cụ đồ nho bất đắc chí nào đó. Hay cũng có thể câu chuyện về anh chàng kia, nghèo đến kiết xác vẫn không bỏ được thói phong lưu thắp nến đọc Đường thi. Mà phải là nến bạch lạp với Đường thi in thạch bản! Lại nữa, cái chuyện đem cổ thi ra đánh bạc - chuyện này chắc chỉ có ở xứ ta - bằng lối Thả thơ, Đánh thơ, những con bạc văn nho đã suýt xoa, tâng hẩng sao không đánh cái chữ “Mộ” - “Mộ thượng mai khai, xuân hựu lão - Hoa mai nở trên nấm mồ, xuân càng già dặn”. (Tọa Phóng Hạc đình - Dã Hạc). Những chuyện ấy nhà văn Nguyễn Tuân đã nói đến trong những thiên tuyệt bút của ông. Ngay trong thời hiện đại này - có lẽ thế chăng - một người được xem là phong lưu nhân vật, quảng bác kiến văn mà không biết đến Đường thi, thì cũng kể còn như thiếu khuyết một điều gì đó (!). Các cụ ta làm thơ tác phú, ngâm vịnh văn chương, thù tiếp bạn bè, trà dư tửu hậu, cho đến cả cử nghiệp, khoa bảng ít nhiều đều cũng có liên quan đến Đường thi... đó đã là những nét thường tình trong đời sống văn hóa Việt.

Thời thế đổi thay, không còn được độc giọng cao ngâm trên văn đàn mãi đành lui vào những góc khuất nào đó, Đường thi vẫn là những mạch ngầm trong trẻo, tươi nguyên cùng hồn thơ Việt. Có thể không còn thích thú, tôn vinh, song vẫn còn đó sự kính cẩn, nể vì, chẳng hề dám xem thường rẻ rúng! Đường thi, trong thơ ta, trong văn hóa xứ ta là vậy.

Thể luật Đường thi với thơ ta

Đường thi từ lâu đã thấm đượm trong thơ Việt. Song nhìn suốt quá trình lựa chọn, dung hợp, ta để ý giữa thơ Việt với thơ Đường đến những năm đầu thế kỷ vừa rồi dường như vẫn còn lẫn lộn cái ngôi chủ - khách?  Cái bộ y phục Thất ngôn bát cú, Tứ tuyệt, Ngũ ngôn... vẫn còn đeo đẳng dù hồn Việt như thế, ngôn ngữ Việt như thế. Hồn Đường thi có thể dung nạp, song thể thức Đường thi - quốc bảo của người ta, sao có thể vay mượn mãi, dù rằng các cụ ta cũng đã dùng Đường luật để viết lên bao thiên tuyệt tác cho thơ Việt. Trong khi đó thì lục bát, song thất lục bát xứ mình hãy còn lẩn núp những nơi thôn dã hay dè dặt nương nhờ khúc điệu Chinh phụ ngâm, Tỳ bà hành. Mãi sau mới lộ được ra cái vẻ quốc sắc thiên hương trong Truyện Kiều của thiên tài họ Nguyễn.

Thế nên, Đường thi ảnh hưởng chi phối thơ ta đến mức sáng tác thơ Việt, tiền nhân vẫn phải dùng thể luật Đường với những nào là niêm luật, phép đối, số chữ, số câu... cũng như thưởng thức Đường thi, người xứ mình “qua sông” vẫn phải “lụy đò” nguyên thể tiếng Hán.

 Với phong trào Thơ Mới, kỳ đức thơ ta đã tìm được y phục của riêng mình, tự  giải phóng khỏi cái ách luật Đường mà người chủ xướng là thủ lĩnh Tản Đà, Hội chủ Tao Đàn Thơ Mới. “Thời oanh liệt của thất ngôn luật đã đến lúc tàn” (Hoài Thanh - Thi nhân Việt Nam).

Đấy là về thơ sáng tác, còn việc chuyển Đường thi sang thơ Việt thì sao? Điều thú vị lại cũng là Tản Đà, người mà GS. Trần Thanh Đạm đã đánh giá: “Trong việc khơi dòng để đưa hồn Đường tái sinh vào thơ Việt, thi sĩ Tản Đà là một trong những người có công phu và công lao bậc nhất”(Thơ Đường, Nxb Trẻ 1989 - Nguyễn Quảng Tuân, tr. 230). Với 71 bài bằng thể thơ lục bát trong số 84 bản dịch Đường thi, dịch vội trên tàu điện Hà thành, mục đích cũng chỉ để bán cho báo Ngày Nay kiếm kế mưu sinh, con người của núi Tản sông Đà ấy có lẽ đã là người mở đường giải phóng thành lũy cuối cùng cho thơ Việt dịch Đường thi. Từ đây, dù vẫn chưa thể cởi hết cái áo thi luật cũ, thơ dịch Đường thi đã có thể môn đăng hộ đối với người xứ lân bang. Nói cách khác, việc làm ấy của Tản Đà chính là đã phân rõ ngôi chủ - khách giữa thơ Đường và thơ Việt dịch Đường thi qua những dịch phẩm“tuyệt xướng”: Hoàng Hạc lâu, Phong Kiều dạ bạc, Trường hận ca, Tống khách quy Ngô, Quan san nguyệt... Vẫn còn đó 13 bản dịch thể Đường luật, song ta hãy nên xem đó như cái tình lưu luyến của Tản Đà tiên sinh đối với Đường thi nguyên thể như cách người xưa đối đãi với nhau:

“Non Kinh biệt đã đau lòng,
Nữa chi thu lại hai dòng Tiêu, Tương.
Nhớ anh xa ngóng dặm trường,
Bên sông dưới bóng trăng suông tựa lầu”
(Tống Hồ Đại, Vương Xương Linh - Tản Đà dịch)

Như thế, công lao bậc nhất của Tản Đà không chỉ là khơi dòng đưa hồn Đường tái sinh vào thơ Việt, còn hơn nữa, là người “phá cách, vứt điệu luật” cho thơ Việt dịch Đường thi, với tư cách người dịch thơ Đường bằng quốc văn hay nhất. ở đây, cũng dễ có một suy tưởng thú vị: Giành lại nền  tự chủ quốc gia, là công nghiệp của anh hùng, hào kiệt thế sự; còn trong văn hóa, thế tất cũng phải là anh hùng, hào kiệt mới có thể làm được cái việc giải phóng tinh thần và thể cách quốc văn. Công nghiệp lớn lao của thi sĩ - dịch giả Tản Đà đối với thơ ca dân tộc, văn hóa nước nhà có lẽ cũng nên được xem ở vai trò như thế chăng?

Câu chuyện dịch thơ Đường ở ta trước nay ra sao?

Có 3 thời điểm mà phong trào dịch Đường thi thật rầm rộ: Trước 1945, sau 1954 ở miền Nam, và nay, những năm đầu thế kỷ XXI. Thể loại dịch ở cả 3 thời điểm ấy thật muôn hình vạn trạng. Có thể thấy là đủ các kiểu dạng: lục bát, song thất có, hát nói có, tự do phóng dịch có, dĩ nhiên là Đường luật có. Về ngôn ngữ dịch, ngày nay Đường thi còn được dân Việt dịch cả ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Nga ... Về số lượng, là cả một sự khổng lồ không tài nào bao quát nổi. Đặc biệt là trên Internet với hàng trăm, hàng nghìn website, blog cá nhân trong nước và khắp các quốc gia trên thế giới. Khoan hẵng nói đến chất lượng của những bản dịch có phần ồ ạt đó, chỉ bằng với toàn cảnh ấy, mới biết thanh thế và ảnh hưởng của thơ Đường từ hơn nghìn năm nay lớn đến thế nào.

Tuy nhiên, điểm lại những gì thực sự có tính nghiêm túc, thì cho đến nay, cũng chỉ có thể kể đến vài ba công trình dịch thuật thơ Đường có giá trị: Thơ Đường - 2 tập - Nxb Văn hóa 1962 (Nxb Văn học tái bản năm 1987), do Nam Trân chủ biên, Viện Văn học chủ trì xuất bản. Đây có thể được xem là công trình dịch thuật thơ Đường quan trọng nhất, có giá trị nhất không chỉ về học thuật, tư liệu mà còn là tập hợp những bản dịch Đường thi tốt nhất từ trước đến đó. Những ai nghiên cứu thơ Đường hoặc tham khảo để dịch thơ Đường có lẽ đều phải lấy cuốn sách đó làm căn bản. Ngoài ra, còn có Thơ Đường - Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Quảng Tuân biên soạn - Nxb Trẻ 1989 - tập hợp 84 bản dịch Đường thi của riêng Tản Đà in trên báo Ngày Nay, báo Tiểu thuyết thứ bảy và sách Việt Nam Văn chương trích diễm, có bài tổng luận  đặc sắc (Lời bạt) của Giáo sư Trần Thanh Đạm: “Thơ Đường và các bản dịch Thơ Đường của thi sĩ Tản Đà”. Tiếp đó là sách riêng của các tác giả Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim, Trần Trọng San, Khương Hữu Dụng... Cũng cần phải kể đến các sách dịch Đường thi của Lê Nguyễn Lưu, Ngô Văn Phú, Nguyễn Hà, Đỗ Trung Lai, Trương Nam Hương... mới xuất bản những năm gần đây. Trong đó, Đường thi tuyển dịch - 2 tập, Nxb Thuận Hóa 1996, tái bản 2007 của Lê Nguyễn Lưu, là cuốn sách được biên soạn công phu, có giá trị về tư liệu, học thuật.

Dịch thơ Đường ra thơ Việt thực chất là công việc sáng tạo

Dịch từ Hán sang Việt nói chung và dịch thơ Đường nói riêng, người ta đã bàn đến rất nhiều. Người thì bảo dịch thơ Đường theo nguyên thể chẳng bao giờ hay được. Người thì cho rằng, thể cách nào không quan trọng, vấn đề là cái tài của người dịch đến đâu. Cũng có người lại bảo có thể dùng thể thơ tự do, hoặc phỏng dịch, dịch phóng tác, thế nào cũng được cả, miễn là nghe được và không quá xa nguyên tác. Người thì lại chủ trương cứ phải là lối thơ truyền thống lục bát hoặc song thất lục bát...

 Song dù thế nào thì chuyện dịch thơ Đường ở ta xưa nay ai cũng phải công nhận là khó, như chinh phục giống ngựa bất kham, toàn những là Tử lưu, Hãn huyết! Tuy thế, đây cũng lại là công việc luôn có sự hấp dẫn đặc biệt, say mê đặc biệt. Bởi đó thực chất là công việc sáng tạo, chỉ có khác là sáng tạo dựa trên/ và phải theo nguyên mẫu sẵn có. Có một điều là, dù rằng ai đó có thể không biết nhiều chữ Hán, song chỉ do những ý tình đem lại từ bản dịch nghĩa, đã có thể “diễn nôm” một bài thơ Đường thành một bài thơ tiếng Việt. Song một bản dịch hay, thế tất phải có dấu ấn tài năng của người dịch. Hơn thế nữa còn là phong cách riêng của người ấy.

Như nhiều người đã nói: Dịch Đường thi ra thơ Việt, cái tiêu chí: “Tín - đạt - nhã”, hay “Chân - thiện - mỹ” thực chất cũng là cùng một nghĩa, ấy là một bản dịch tốt tất phải chuyển cho được cái hồn thơ Đường sang thơ Việt. Đọc lên thấy vừa trung thành, vừa có sáng tạo theo cái nghĩa dịch sát và dịch hay, như thể hình ảnh vầng trăng in bóng nước vậy, “tuy hai mà một, tuy một mà hai” - Bán trầm thủy để, bán phù không” (Nửa chìm đáy nước, nửa nổi trên trời). Nước càng trong, hồ càng sâu thì vầng trăng càng lung linh, tươi đẹp. Tuy cũng có đôi ba trường hợp, vì phải ưu tiên cho cái thần mà đành hi sinh cái tín, kể cả những bài được xem là mẫu mực về nghệ thuật dịch thơ. Tỉ như bài Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế, Tản Đà dịch, nếu đưa bến thì phải là bến Phong Kiều chứ đâu phải bến Cô Tô! Rồi, cây phong cũng bị bỏ chỉ còn là cây bến! ấy vậy mà dù có phải suýt xoa đôi chút thì bản dịch vẫn xứng danh là tuyệt phẩm, người đến sau dẫu có như Lý Bạch chắc cũng đến phải gác bút như trước thơ Thôi Hiệu trên lầu Hoàng Hạc vậy.

Ở bản dịch Tỳ bà hành nổi tiếng, Nguyễn Hiến Lê nhận xét về dịch bốn câu thơ mở đầu:

Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách,
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu.
Người xuống ngựa khách dừng chèo,
Chén quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc ti.

“Mới đầu chúng ta thấy có cái gì khác nhau, mặc dù cũng bảy chữ và bản dịch rất sát nguyên bản: Tầm Dương giang đầu dạ tống khách không buồn, không vắng vẻ, không mông lung bằng Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách. Tôi có cảm tưởng như vậy, có lẽ do chữ dạ dịch ra là canh khuya. Dạ (đêm) không gợi ý nhiều bằng canh khuya. Tài năng của họ Phan, tinh thần của tiếng Việt ở chỗ đó. Đọc câu thơ thứ hai: Phong diệp địch hoa thu sắt sắt và câu dịch Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu thì câu của họ Phan làm tôi rung động hơn nhiều nhờ những chữ lau lách đìu hiu, cả chữ quạnh, chữ hơi nữa, vì tôi thấy lau lách buồn hơn địch hoa; hơi thu, đìu hiu gợi cảm hơn là thu sắt sắt ”.

Xem lại câu thứ 2: Phong diệp địch hoa thu sắt sắt (có dị bản là minh sắt sắt) - Lá phong và hoa lau xào xạc hơi thu. Phan Huy Vịnh dịch thành: Quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu như trên, đã bỏ mất chữ phong diệp - lá phong. Song câu thơ dịch bỏ chữ như thế đã chứng tỏ “Tài năng của họ Phan, tinh thần của tiếng Việt” như Nguyễn Hiến Lê đã nói. Một ví dụ nữa, Nguyễn Tuân đã từng thích thú mãi chữ dầm, cho rằng “chữ dịch hay quá, hay đến nỗi hóa được cả chữ ở nguyên văn”, trong câu: Biệt thời mang mang giang tẩm nguyệt - Nước mênh mông dầm vẻ gương trong, cũng của bài thơ đó. Những trường hợp này chính là đã chuyển được cái thần, “bỏ nơm” để “lấy cá”, không phải nệ cái sự tín tầm thường.

 Thơ Việt là thơ có vần điệu. Cảm quan văn hóa Việt vốn ưa như vậy. Còn nhạc điệu ẩn bên trong của thơ hiện đại lại là chuyện khác. Dịch bản Đường thi càng cần phải thế. Vần điệu các thể luật tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, lục bát, song thất lục bát,... thường vẫn gợi ra hơn vẻ cổ xưa, trang trọng. Mà sự trang trọng, nghiêm cẩn vốn đã là phong vị, cốt cách Đường thi. Đã có thực tế là những bản dịch Đường theo thể hát nói, tự do đã phải tự đào thải theo thời gian. Những gì còn thường là những dịch phẩm theo thể truyền thống lục bát, song thất lục bát, uyển chuyển, nhịp nhàng mà đâu có thiếu phần thanh nhã, diễm lệ như thơ Đường. Một số vẫn còn theo nguyên thể nhưng cũng không sao sánh được những bản dịch lục bát, song thất như ta đã biết. Kể cả bản dịch tài hoa của Tản Đà theo nguyên thể - bài Tuyệt cú của Đỗ Phủ - Lưỡng cá hoàng li minh thúy liễu... - Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc... Mà xét ra, tác phẩm - dịch phẩm ấy có phần cũng chỉ là kỹ xảo phô diễn của hai cao thủ võ công thâm hậu chứ chưa phải thực là chiêu pháp của chính phái bản môn!

Tất nhiên, cũng không thể phủ nhận đã có những bản dịch theo nguyên thể, đặc biệt là thất ngôn, quả thật cũng hay không kém nguyên tác. Ví như bản dịch của Khương Hữu Dụng, bài Bạc Tần hoài của Đỗ Mục:

“Nước lồng khói tỏa cát trăng pha,
Thuyền đỗ sông Hoài cạnh tửu gia.
Con hát biết chi hờn mất nước,
Cách sông còn hát Hậu Đình hoa!”
“Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa,
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia.
Thương nữ bất tri vong quốc hận,
Cách giang do xướng Hậu Đình hoa!”

Có thể dẫn thêm bản dịch bài “Đề từ” Liêu trai chí dị của Vương Sĩ Trinh mà xưa nay ai cũng phải bái phục chỉ có bậc thầy về chữ nghĩa như Tản Đà mới dịch được thế:

“Nói láo mà chơi, nghe láo chơi,
Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi.
Chuyện đời hẳn chán không buồn nhắc,
Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời.”
(Cô vọng ngôn chi cô thính chi,
Đậu bằng qua giá vũ như ty.
Liệu ưng yểm tác nhân gian ngữ,
ái tính thu phần quỷ xướng thi.) 

Rồi nữa những bản dịch nguyên thể cũng khó thay thế nổi của Tản Đà, Ngô Tất Tố, Nam Trân, Trúc Khê, Tương Như... Tuy thế, những bản dịch như thế ở lại được lâu dài trong lòng người đọc như trong số kể trên cũng không sao bằng thể lục bát, song thất lục bát được. 

Vì sao có hiện tượng này?

Hãy cứ lấy những gì vốn đã được “mặc định” xưa nay để đối chứng xem xét thì có thể thấy: Chắc hẳn, trên cái nền chung cốt cách á Đông, phải hiểu rõ lắm tinh thần Đường thi, vững vàng nghệ thuật thơ ca dân tộc, các cụ ta mới có thể đối thoại cùng các thi sĩ Trung Hoa trong cách thức giữa những người tri âm, tri kỷ. Thù tiếp khách hào hoa lẽ đâu cẩu thả cho được. Thế nên, trong một số trường hợp thơ Đường tương giao cùng thơ Việt, lục bát, song thất quả là có đắc dụng. “Nếu tâm hồn một dân tộc thường gửi trọn vào thi ca của dân tộc mình, thì lục bát là thể thơ mà phần hồn của dân Việt đã nương náu ở đó nhiều nhất, sâu nhất” (Chu Văn Sơn). Đường luật là quốc bảo của dân tộc Trung Hoa cũng như  Sone của Pháp, Haiku của Nhật... Lục bát là quốc bảo xứ mình, cần đem ra mà đãi khách tri âm. Những bản dịch lục bát thành công như đã biết đúng là đã làm cho cả chủ lẫn khách đều cảm thấy hài lòng.

 Đến nay chắc ai cũng phải thừa nhận rằng lục bát, song thất lục bát Việt có duyên với Đường thi hơn cả. Bằng chứng là những bản dịch thành công đều là ở hai thể thơ này. Đặc biệt có tỉ lệ rất cao ở các bài tứ tuyệt, ngũ ngôn và thất ngôn. (Nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn từng cũng đã dịch thơ Haiku Nhật ra lục bát, nhiều bài cũng rất hay). Còn song thất lục bát lại tỏ ra rất hợp với những khúc điệu ai oán trường thiên như ta đã thấy - Thiên trường địa cửu hữu thì tận, Thử hận miên miên vô tuyệt kỳ - Thấm chi trời đất dài lâu, Hận này dằng dặc dễ hầu cho nguôi! (Trường hận ca, Tản Đà dịch). Thể thơ này có nhịp 3/4, hoặc lẻ/chẵn, khác với nhịp 4/3 hay chẵn/lẻ đặc trưng của thơ Đường luật. Cái nhịp riêng câu song thất đó có lẽ đã được kế thừa, biến điệu trong Thơ Mới, nhất là lối thơ 8 chữ - Bữa nay lạnh/ mặt trời đi ngủ sớm, Anh nhớ em/ em hỡi anh nhớ em... (Tương tư chiều - Xuân Diệu), kể cả trong thơ hiện đại về sau: “...Xin chớ hỏi/ tại làm sao như vậy, Tôi vốn không/ rành mạch bao giờ... (Sông Thao - Nguyễn Duy).

Lục bát với thơ Đường?

Lục bát, cũng có nhà nghiên cứu cho rằng có hai định dạng: Điệu ngâm và điệu nói. Điệu ngâm thường vẫn cho cảm giác sang trọng hơn, hàm súc hơn. Điệu nói thì tự nhiên, biến hóa hơn, gần với ngôn ngữ thường ngày. Điệu ngâm thường là lục bát thuần phong - nghiêm cẩn lề lối trên 6 dưới 8, phân minh lề luật bằng trắc, đều đều nhịp chẵn 2/2, và thường có tiểu đối, song đối. Điệu nói gần hơn với kiểu lục bát biến cách - uyển chuyển, phá cách, dài ngắn đan xen, vần nhịp tùy hứng... Dùng để dịch ra thơ Việt, cái trang trọng, nghiêm cẩn của lục bát thuần phong rất đăng đối với cái trang trọng, nghiêm cẩn của thơ Đường. Đem những biến cách ví như vần lưng, ví như câu thất luật bằng trắc để giao tiếp, đối thoại với những “Thi tiên, thi thánh, thi Phật”  xem chừng không ổn lắm, như chuyện giữ lễ với nhau giữa những khách phong lưu. Trong sáng tác thì có thể, đó là sự cố ý của các bậc tài hoa - Rạng ngày sang trống canh năm, Anh dậy em hãy còn nằm trơ trơ. (Tú Xương - Đi hát mất ô). Còn trong dịch thơ Đường khó có thể chấp nhận. Nếu có dùng biến cách, thì cũng phải là chiêu pháp do những tay kiếm thuật thượng thừa.  

Tuy thế, cũng không thể bảo rằng cứ phải nhất nhất lục bát hay song thất lục bát để dịch thơ Đường.  Đường thi quá nhiều dạng vẻ, phong túc, kỳ vĩ. Có thể còn khá dễ dàng với ngũ ngôn, thất ngôn, tứ tuyệt. Song với những nhạc phủ, cổ phong, ca, hành, trường thiên... trừ ra một số ít nào đó, thì lục bát hay song thất cũng khó, nhất là khi vấp phải đặc trưng phong cách của nguyên tác.

Không dễ dàng mà định đoán cho việc chỉ dùng một thể thơ nào để dịch Đường thi là tốt nhất! Tiêu chí nhận biết chung trong việc này chắc hẳn  vẫn phải quay lại với người xưa:“ Tín - đạt - nhã”. Hay nói như GS. Trương Chính: “Cách tốt nhất để dịch thuật cho đúng và cho hay một câu tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, là thử hình dung xem trong một hoàn cảnh tương tự người Việt sẽ nói như thế nào, viết như thế nào”.

Và câu chuyện dịch thơ Đường, một công việc sáng tạo văn chương đặc biệt, nếu không xem là cuộc đối thoại văn hóa kỳ thú thì xét cho cùng cũng là cuộc chơi ngôn ngữ thú vị, đã và sẽ vẫn còn tiếp tục!

TP. Vĩnh Yên -  VŨ KHÁNH

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook