CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Vũ Khánh

HOA TRẠNG NGUYÊN - MÀU HOA ĐỎ ẤM LÒNG NGƯỜI TRONG GIÁ LẠNH

Thứ năm ngày 23 tháng 12 năm 2021 12:00 AM

Con đường xám mặt người xám nữa
may quá còn đây Trạng nguyên hoa
này em má em hồng lại đó
cây Trạng nguyên chắc em vừa qua.

Mùa đông năm nay trời lạnh thế
hoa đỏ hay chăng có ý chờ?
anh đây kẻ học trò thi trượt
cho anh gỡ gạc tiểu đăng khoa
được thế kỳ sau không thi nữa
bút không vẽ chữ mà vẽ hoa.

Người đi bóng xám trên đường xám
Trạng nguyên hoa gặp mỉa mai chăng?
nhưng thôi hoa đỏ trong trời lạnh
có lẽ mùa Xuân đã tới gần.

“Hoa trạng nguyên” là tên bài thơ được lấy làm đề từ cho cả tập thơ chọn lọc của đời thơ Vũ Khánh. Anh viết không nhiều. Nhưng có thể coi, mỗi bài thơ là một dấu mốc trong cuốn sử biên niên cuộc đời anh, là chân dung tâm hồn của một con người với diễn trình của chính nó. Màu hoa đỏ đặc biệt ấn tượng trong suốt tập thơ. Người thơ nhiều lần ám ảnh với “cây gạo toàn thân đỏ rực” tháng ba bên bến sông Phan, với cô bé “má đỏ như màu hoa tầm vu” ở bến Tiên Yên, cô gái áo đỏ “múc trộm nước giếng anh”, và “mãn đình hồng đỏ thắm, nhô ra trong sương mù”[1] trong ngõ nhỏ nhà anh nữa... Và ở đây là màu đỏ rực rỡ của “trạng nguyên hoa” làm bừng sáng và ấm lại cả không gian xám lạnh ngày đông giá.

Chỉ hai gam màu ấy thôi: đỏ - xám. Chỉ hai con người: anh khóa hỏng thi hăm hở và cô gái má hồng im lặng. Cũng là cuộc gặp gỡ của hai phận người trong cái dòng đời buông trôi màu xám, hai phân số có cùng mẫu số “đa cùng lụy”:người đẹp và kẻ sĩ xưa nay, gợi màu “Tầm dương giang đầu dạ tống khách / Phong diệp địch hoa thu sắt sắt”...Một không khí cổ trang.

Không chinh phục độc giả bằng những hình ảnh đ[2]ộc đáo, từ ngữ tân kỳ, bóng bẩy, dù suốt đời thơ, Vũ Khánh luôn trăn trở đổi mới cách biểu đạt và ngôn ngữ thi ca, đồng thời đưa nó về nơi nguồn cội, “Hoa trạng nguyên ” đi vào lòng người một cách dung dị, bằng giọng điệu tâm tình thủ thỉ dễ thương phảng phất “hoa học trò”. Người ta dễ ngờ ngợ Nguyễn Bính với lời tụng ca của kẻ tình nhân, lời thở than của anh học trò thi trượt. Khi thì u ám, lúc lại vui tươi. Thoạt tiên là niềm vui khấp khởi, có phần bồng bột của anh học trò, dù đi trên “đường xám”, và mặt cũng “xám” vì lạnh, thất thểu vì “thi trượt” nữa. Nhưng trong mắt anh, vẫn rực rỡ một màu hoa đỏ, vẫn thắm tươi đôi má “hồng lại đó” của cô gái vừa “đi qua”! Vẫn chưa tắt niềm hy vọng, trong kẻ tình nhân thất bại hay anh học trò thi trượt ấy. Vẫn tin rằng le lói ở đâu đó “hoa đỏ vì ai có ý chờ” là phần thưởng cho kẻ không ngã lòng, bền chí, thủy chung với mục tiêu đã lựa chọn, lí tưởng tôn thờ. “Cho anh gỡ gạc tiểu đăng khoa” là lời đề nghị vừa khiêm tốn, lại vừa thiết tha. Không khuất phục nên vẫn muốn “gỡ gạc”, ước mong. Biết thân, biết phận, biết điều (có lẽ là sau những bầm dập của đòn số phận) nên chỉ dám hy vọng mục tiêu vừa phải! Vậy mà lòng đã tấp tểnh mừng thầm: “Được thế kì sau không thi nữa/ Bút không vẽ chữ mà vẽ hoa”! Khúc ca ngân nga trong lòng anh khóa hỏng thi giàu mơ ước, vang vọng hai khổ thơ đầu với âm “a” vần chân lan lỏa và rộng mở. Thật là cả một “rừng mơ”! Chưa thấy “gỡ gạc” đâu mà đã thề “không thi nữa”, đã hí hửng bằng lòng với cái phần đỗ vớt “tiểu đăng khoa”! Và niềm vui sướng như không kìm chế được, như muốn được hát ca lên: “Bút không vẽ chữ mà vẽ hoa” là để biết ơn loài hoa mang điềm may mắn cho mình, mà cũng là niềm phấn khích lâng lâng của sự thỏa lòng! Nó khiến ta bất giác mỉm cười cảm thông với cái ngây thơ, bồng bột, có phần xốc nổi, trẻ trung của anh học trò hớn hở hay người tình si. Đàng sau giọng lời vẻ như cợt đùa, tán tỉnh ấy là mối tương liên những kiếp phận người, là sự trân trọng từng giọt hạnh phúc còn gạn được, là một tấm lòng Tư mã Tương Như[3]...

Ba khổ thơ gọn gàng. Ngôn từ mộc mạc tươi rói lời nói thường bởi mật độ đậm đặc từ hư, khẩu ngữ- vốn kiêng kị với văn chương bác học: “may quá”, “này em”, “chắc em”,  “lại đó”, “chăng”, “ nữa”, “ nhưng thôi”, “có lẽ”...xuất hiện tự nhiên như hơi thở từ lồng ngực, như thơ ca phải nhất thiết nói lên điều mà nó thấy. Và cũng tự nhiên như thế, là tiếng reo mừng rỡ, ngạc nhiên “may quá, còn đây Trạng nguyên hoa” vì sự xuất hiện của loài hoa đã làm ấm cả không gian xám lạnh, làm hồng “má em”! Chẳng rõ là thân hay sơ, và “em” có mặt tự bao giờ, nhưng tiếng gọi “này em” với giọng điệu thân mật, suồng sã, đã khiến cho khoảng cách được xóa nhòa trong mối cảm thông như dịch đồ của đôi cá âm dương.[4] Khách “má hồng” truân chuyên và “học trò thi trượt”. Hai con người bị số phận đùa giỡn và thử thách, hai kẻ “vận xám” đáng thương gặp nhau trong cùng ước vọng kín thầm: được sưởi ấm bởi sắc hồng “Trạng nguyên hoa”.

Mỗi khổ thơ là một góc nhìn của nhân vật trữ tình. Khổ thơ đầu là cái nhìn của “anh” với “em”, cô gái má “hồng lại đó”. Trong cái nhận xét tưởng như tiểu tiết là cả sự mừng vui, chia sẻ điều may mắn, là cái nhìn ngậm ngùi, thương cảm. Khổ thơ thứ hai là cái nhìn của “anh” với chính mình - “kẻ học trò thi trượt”- một biểu trưng của kẻ thất bại, thua thiệt trong cuộc đời: công danh, sự nghiệp, tình duyên...không toại nguyện, không có được điều mình khát khao, mong đợi. Thương người mà cũng là thương chính mình. Mừng vì “Trạng nguyên hoa” có thể khiến má em “hồng lại”, thì cũng mong “hoa đỏ” “có ý chờ” sẽ giúp anh “gỡ gạc tiểu đăng khoa”...Từ “gỡ gạc” thông thường có thể mang sắc thái cay cú, ăn thua thương trường. Nhưng đặt bên cạnh ước mơ “tiểu đăng khoa” của anh khóa hỏng, sự cộng hưởng ngữ nghĩa đã làm nhòe sắc thái thông tục, để chỉ còn dư vị thiết tha. Một niềm hy vọng bùi ngùi mà da diết thế, có lẽ phải là một cái gì đó lớn lao hơn duyên phận, công danh thường tình, như một niềm tin cuối cùng, điều tốt đẹp hiếm hoi còn sót lại ở nơi thiên nhai giác hải mà “anh” khắc khoải kiếm tìm giữa chốn “trần ai ai dễ biết ai” này[5]...Một niềm hy vọng thật  xót xa bởi niềm vui ấm áp của không gian đối thoại, của sắc màu Trạng nguyên vẫn chỉ là một giấc mơ. Cô gái chỉ xuất hiện qua đối thoại mà thực ra là độc thoại của chàng trai. Má hồng của cô là ảnh xạ của “cây Trạng nguyên chắc em vừa qua”. Nhưng cả “em” và “Trạng nguyên hoa” đều không hiện hữu trong đời thực. Bao trùm lên số phận cá nhân, khổ thơ cuối là cái nhìn liên tưởng xưa sau phận người. Nhịp thơ 4/3 gấp gáp cùng sự chuyển mạch cảm xúc bất ngờ. Từ niềm hạnh phúc thiên đường rơi tuột xuống đáy trần gian! Nàng tiên đã chui vào vỏ ốc và cô Tấm trở về trong quả thị, khi trước mặt lại là: “Người đi bóng xám trên đường xám/ Trạng nguyên hoa gặp mỉa mai chăng?”. Lại một màu xám lạnh thu vào hình bóng lẻ loi trên con đường lữ thứ. Hạnh phúc chỉ là ảo ảnh. Màu đỏ may mắn của hoa và bóng hồng tri kỉ chỉ là sự trêu đùa của số phận chăng.

Xuyên suốt bài thơ là ba câu hỏi, đều không đợi câu trả lời: “Cây trạng nguyên chắc em vừa qua?”/ “Hoa đỏ vì ai có ý chờ?”/ Trạng nguyên hoa gặp mỉa mai chăng”. Bài thơ tự do thể thất ngôn nhưng lại hàm chứa một tứ thơ Đường trong cấu trúc sâu của nó: sự đối lập giữa khát vọng hạnh phúc và tuyệt vọng. Thì ra “cây trạng nguyên”- “hoa đỏ” không “có ý chờ” và cũng chẳng “vì ai” cả. Hình tượng ám ảnh với sắc màu rực rỡ của “trạng nguyên hoa” ngự trị cả bài thơ hóa ra chỉ là cái bóng!

Mộng tưởng càng thiết tha thì hiện thực càng chua xót. Hóa ra chẳng có “hoa”, cũng chẳng có “em” nào cả. Vẫn là một mình anh với “bóng xám trên đường xám”. Chỉ khác là lần trước thấy “mặt”, còn lần sau chỉ thấy lưng. Sắc thái thui thủi, đơn côi càng được tô đậm thêm. Mở ra bằng không gian con đường màu xám (diện) tụ lại trong “mặt người” (điểm) và khép lại là hình ảnh con người nhỏ nhoi (điểm), chìm khuất trong không gian xám đang loang rộng thêm ra và trùm lấp ấy (diện). Nhịp điệu 2/2/3 chậm đều nhắc lại như con đường thiên lý xa xôi “Tiền bất kiến cổ nhân, hậu bất kiến lai giả”[6] khiến người ta bỗng dưng muốn khóc. Nhưng từ đâu có tiếng nói cất lên như một niềm an ủi, một nụ cười buồn. “Anh” nói với ai? Màu xám lạnh bao trùm cả không gian. Màu đỏ, hoa, và hơi ấm đều là sự tưởng tượng ra, là ước mong nhiều hơn là hiện thực. Vậy còn em? Chẳng có “em” nào cả! Thế thì nãy giờ “anh” tâm sự với ai? Thì ra là với chính mình! “Anh” là “em” và “em” cũng là “anh”! Có nỗi cô đơn nào hơn khi người ta phải tự phân thân mình để chống lại sự tận cùng của cô đơn! Có chăng là, trong cô đơn, tuyệt vọng “anh” đã không oán trời, trách người, than van, mà chấp nhận phận số và đồng hành cùng nó với nụ cười hiền hậu, bao dung, “tri thiên mệnh” như “anh” và “cuộc đời” đã “tha thứ cho nhau”[7]. Phải yêu cuộc đời đến thế nào mới có thể yêu cả những vết thương và nỗi đau của nó như một niềm ơn. “Theo tiếng chuông nhà thờ/ Giáng sinh hoa thắm đỏ”[8], “Hoa Trạng nguyên” được vẽ bằng huyết lệ của những kiếp người dù chảy trôi trong dòng đời xám lạnh, vẫn chưa hết niềm tin, không nguôi khát vọng ở lẽ thiên lương như điều tốt đẹp cuối cùng và cội nguồn sự sống, như Thiên Chúa luôn hằng tại. “Hãy đi đến tận cùng niềm tuyệt vọng, để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”. Trịnh Công Sơn đã nói như thế. Và bây giờ, ở một nơi rất xa, Vũ Khánh, chắc anh cũng đang mỉm cười, an ủi “em” cùng những ai từng trải một lần “thi trượt”, thắp lên niềm hy vọng và an ủi chính mình: “Nhưng thôi, hoa đỏ trong trời lạnh/ Có lẽ mùa xuân đã tới gần”...

 

Lê Thị Tuyết Hạnh

[1] Vũ Khánh. Hoa trạng nguyên. Tập thơ. Nxb Vh. 2020

[2] Bạch Cư Dị. Tỳ Bà hành. Tuyển tập thơ Đường. Nxb Vh. H. 1987

[3]  Bạch Cư Dị. Tỳ Bà hành. Tuyển tập thơ Đường. Nxb Vh. H. 1987

[4] Theo Tử vi

[5]Câu đối của Ngô Thì Nhậm

[6]  Trần Tử Ngang. “U Châu đài ca”. Tuyển tập thơ Đường. Nxb Vh. H. 1987

[7] Vũ Khánh.Hoa trạng nguyên. Tập thơ. Nxb Vh. 2020

[8] Trịnh Công Sơn. Lời tựa “Tự tình khúc”. 1972

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook