CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Nico-paris.com hỏi - GS Nguyễn Đăng Mạnh trả lời

THƯƠNG TIẾC NHÀ VĂN NGUYÊN HỒNG

Thứ ba ngày 24 tháng 7 năm 2012 7:15 PM

Nico-paris.com: Năm 2012, nhà giáo nhân dân, giáo sư, nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh bước vào tuổi 83. Hơn 50 năm gắn bó với nghề dạy học và nghiên cứu-phê bình, ông đã từng là chủ biên của nhiều tập giáo trình đại học, nhiều bộ sách giáo khoa Ngữ văn, nhiều bài phê bình văn học sắc sảo và không ít công trình nghiên cứu công phu, có giá trị về các nhà văn Việt Nam hiện đại, đặc biệt là các nhà văn trong giai đoạn 1930-1975. Trên hành trình từ bục giảng đến văn đàn, ông đã để lại dấu ấn đáng nhớ trong tâm khảm của nhiều thế hệ học trò cũng như trong lòng độc giả.

Bạn đọc trong và ngoài nước đã có dịp làm quen với nhiều bài phê bình văn học đặc sắc của ông, nhưng những chuyện “bếp núc” xung quanh các bài phê bình ấy thì ông vẫn ủ kín trong lòng như những kỷ niệm khó quên.

Nico-paris.com hân hạnh được khai thác và trân trọng giới thiệu với bạn đọc những tâm sự của GS Nguyễn Đăng Mạnh qua những cuộc phỏng vấn xung quanh một số bài phê bình nổi tiếng của ông.


PHẦN I 


Nico: Thưa GS, ông đã viết rất nhiều bài nghiên cứu đặc sắc về phong cách tác giả văn học Việt Nam. Với bạn đọc, Thương tiếc nhà văn Nguyên Hồng là một trong những bài gây nhiều xúc động. Điều gì khiến cho một bài nghiên cứu khoa học đơn thuần có sức lay động lòng người đến thế?  


GS Nguyễn Đăng Mạnh:

Nguyên Hồng mất ngày 02/ 05/1982. Ngày 12 tháng ấy, Hội nhà văn tổ chức lễ truy điệu ông ở trụ sở Hội liên hiệp văn học nghệ thuật, 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Giữa không khí trang nghiêm và đầy xúc động của buổi lễ, chị Lê Minh, lúc ấy phụ trách mục văn nghệ của báo Nhân dân, đặt tôi viết bài về Nguyên Hồng. Tôi viết bài “Thương tiếc nhà văn Nguyên Hồng” trong tâm trạng dạt dào cảm hứng. Viết một mạch, chỉ trong một buổi, hầu như không dập xóa sửa chữa gì cả.

Hoàng Ngọc Hiến nói đúng, cảm hứng không phải tự nhiên mà đến. “Cảm hứng lay động toàn bộ năng lực tinh thần của người nghiên cứu. Trong giây phút ấy, con người, cùng một lúc có vô số liên tưởng, kể cả liên tưởng vô thức. Do đó rất sáng suốt, nhưng phải băn khoăn nhức nhối về nhân sinh, về văn học mới có cảm hứng dẫn tới tìm tòi phát hiện. Cảm hứng làm cho câu, chữ có hồn. Cảm hứng phát huy trực giác, khiến cảm nhận được cái mới. Mọi tìm tòi đều bắt nguồn bằng trực giác”.       

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, trang 391)

Đúng là trước khi viết bài “Thương tiếc…”, tôi đã có cả một quá trình 20 năm nghiền ngẫm về Nguyên Hồng. Bài nghiên cứu đầu tiên của tôi là bài viết về Nguyên Hồng trong cuốn giáo trình về lịch sử văn học Việt Nam thời kỳ 1930-1945 (NXB Giáo dục xuất bản năm 1963). Từ đó tôi lại được tiếp xúc với Nguyên Hồng rất nhiều lần, khi ở trụ sở Hội nhà văn (65 Nguyễn Du), khi ở trụ sở báo Văn nghệ (17 Trần Quốc Toản), khi ở Đại học Sư phạm Hà Nội. Nguyên Hồng cũng tìm đến nhà riêng tôi mấy lần. Có lần ông ở lại cả ngày, ăn với gia đình tôi hai bữa cơm. Mỗi lần gặp Nguyên Hồng, tôi đều có ý thức khai thác ông về mọi mặt, cho nên tôi hiểu ông rất sâu từ bản chất, gốc gác con người tới cá tính, phong cách, thói quen hàng ngày…Tôi hiểu, Nguyên Hồng không chỉ là nhà văn của những người cùng khổ, của những loại người “dưới đáy” xã hội. Ông chính là người cùng khổ nhất, chính là hạng người dưới đáy cùng của xã hội thời Pháp thuộc. Ông không chỉ viết về người dân lao động mà bản thân ông chính là một người dân lao động với đầy đủ ý nghĩa của khái niệm ấy. Từ cái gốc ấy, đã đẻ ra những nét tính cách độc đáo rất riêng của Nguyên Hồng: niềm khát khao sôi sục muốn nói cho hết nỗi khổ của loài người với một tình cảm nhân đạo thống thiết và mãnh liệt. Chính niềm khát khao này đã thôi thúc ông cầm bút, chứ không phải mục đích văn chương, mục đích trở thành nhà văn. Nguyên Hồng không chỉ đồng cảm sâu sắc với mọi nỗi khổ của nhân dân lao động, mà còn hiểu và cảm thông với cả niềm vui hồn nhiên của họ, với chất thơ của đời sống cần lao. Phải có tinh thần lạc quan như thế, người dân lao động cùng khổ mới có thể chịu đựng được trăm nghìn bất hạnh trút lên đời họ. Đó là niềm lạc quan chỉ có ở những người, do nhu cầu cơm áo hàng ngày mà lúc nào cũng phải sống hết mình với cuộc sống, không một phút xa rời cuộc sống. Vì thế niềm vui cứ hồn nhiên như hoa nở vào mùa xuân, như cỏ cây luôn hướng về ánh sáng. Cho nên những trang viết của Nguyên Hồng tuy phản ánh sâu sắc mặt đen tối của xã hội ngày xưa, vẫn tràn đầy ánh sáng, tràn đầy ánh nắng. Và từ những trang văn xuôi hiện thực chủ nghĩa của ông luôn luôn vút lên những tứ thơ rất khỏe. Tôi đã diễn tả chất thơ rất riêng đó của Nguyên Hồng trong bài “Thương tiếc”: “Một chất thơ độc đáo, không phải chế tạo từ mây gió trăng hoa, mà luyện bằng than bụi những nhà máy, những bến tàu, bằng sỏi đá những đồi khô cỏ cháy, hòa với chất mồ hôi mặn chát và nóng bỏng của những người lao động”.

Bài viết đăng báo Nhân dân (16-05-1982) là báo hàng ngày nên lập tức được nhiều người đọc.

Nhớ buổi sáng hôm ấy tôi đạp xe đến trường Đại học Sư phạm. Vừa đến cổng trường thì gặp anh Đặng Đức Siêu dạy Hán Nôm ở khoa văn. Anh nói, đọc bài Nguyên Hồng của anh, tôi chảy nước mắt. Tôi cũng nói, viết bài ấy, tôi cũng chảy nước mắt.

Ngày 25/05/1982, tôi đến thăm Xuân Diệu (24 Điện Biên). Đứng ngoài cổng nghe tiếng người nói trong phòng anh, tôi biết anh đang có khách. Tôi bấm chuông. Xuân Diệu ra mở cửa. Thấy tôi, anh nói lớn: “Nào vào mà nghe người ta khen! Nguyễn Cao Luyện khen lắm, bài Nguyên Hồng, Luyện vừa đọc trên báo Nhân dân”. (Nguyễn Cao Luyện, bạn của Xuân Diệu, là một kiến trúc sư có tiếng).

Bài “Thương tiếc” của tôi sau được tuyển in vào sách giáo khoa phổ thông trung học, lớp 12. Anh Phan Huy Dũng, cán bộ giảng dạy trường Đại học Sư phạm Vinh có viết bài bình luận[1]. Anh khen bài viết tràn đầy tình cảm, cảm xúc và có phong cách riêng. Một bài chân dung vừa có giá trị khoa học, vừa có phẩm chất văn chương. Đặc biệt người viết đã nhận ra và chứng minh được một cách đầy thuyết phục sự thống nhất giữa văn và người ở Nguyên Hồng. Rõ nhất là ở đặc tính và ai tiếp xúc với nhà văn cũng thấy: rất mau nước mắt, rất dễ khóc, nghĩa là một trái tim vô cùng nhạy cảm với mọi buồn, vui, sướng, khổ của đồng loại. Chính bài chân dung Nguyên Hồng của Nguyễn Đăng Mạnh đã kết thúc bằng những dòng nước mắt đó: “Nguyên Hồng đã sống hơn sáu mươi năm, đã viết hơn bốn mươi năm, ai biết được ông đã đổ ra bao nhiêu nước mắt cho đời và cho nghệ thuật? Bây giờ nằm dưới ba thước đất, nguồn nước mắt ấy, liệu có bao giờ khô cạn được chăng?”.

Láng Hạ 20-06-2012


THƯƠNG TIẾC NHÀ VĂN NGUYÊN HỒNG


Văn Nguyên Hồng bao giờ cũng lấp lánh sự sống. Những dòng chữ đầy chi tiết cứ cựa quậy, phập phồng. Một thứ văn bám riết lấy cuộc đời, quấn quýt lấy con người. Người ta thường nói nhà văn, nhà thơ cần có ba yếu tố chủ quan : tài, trí và tâm. Có cây bút chỉ mạnh về tài, về trí. Đọc Nguyên Hồng, thấy tài và tâm, nhất là tâm, nổi lên hàng đầu. Mà "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài", ở những nhà văn chân chính xưa nay, tâm bao giờ cũng là cái gốc. Tài và trí chỉ là cành, là ngọn. Nguyên Hồng viết văn như là đặt luôn cái "tâm" nóng hổi của mình trên trang sách. Nếu cần nói thật khái quát một cái gì chung nhất cho mọi chủ đề tác phẩm của Nguyên Hồng, thì đó là lòng nhân đạo, một chủ nghĩa nhân đạo bao giờ cũng thống thiết mãnh liệt.

Nguyên Hồng xuất hiện lần đầu trong đời sống văn học vào năm 1936, với truyện ngắn Linh hồn, đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy. Truyện kể một người đàn bà nông dân nghèo khổ theo đạo Thiên Chúa bị tù oan khi đang có thai. Chị bị một tên cai tù hãm hiếp cho đến chết. Nguyên Hồng bước vào nghề văn như thế đấy : để nói lên nỗi khổ đau oan ức không cùng của những người dân nghèo thấp cổ bé họng trong xã hội cũ, đặc biệt là người phụ nữ lao động. Từ tác phẩm đầu tay ấy, hình ảnh người đàn bà oan khổ kia cứ theo đuổi, ám ảnh ngòi bút của ông, từ Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu, Quán Nải..., đến bộ tiểu thuyết lớn Cửa biển sau này. Một đất nước như nước ta, chế độ phong kiến kéo dài, tiếp theo là ách thực dân, đế quốc, người phụ nữ vẫn là nạn nhân đau khổ nhất, chịu nhiều tầng áp bức nhất. Thái độ như thế nào đối với người phụ nữ và vấn đề phụ nữ, là thước đo hết sức quan trọng tính nhân dân, tính nhân đạo của các tác phẩm văn học.

Trước Cách mạng tháng Tám, có nhà phê bình nhận xét Nguyên Hồng có cái tật cứ đổ dồn dập lên đầu nhân vật của mình đủ thứ tai hoạ trên đời. Đọc Nguyên Hồng, thấy căng quá, nặng nề quá. Đúng là như thế. Nhưng chủ nghĩa nhân đạo thống thiết của Nguyên Hồng đòi hỏi ông phải viết như vậy. Nếu không thế, nói sao cho hả, cho đã những tình cảm thống thiết của ông đối với thân phận người dân cùng ngày trước ? Và có như thế, ông mới tỏ hết được niềm tin mãnh liệt của mình đối với "thiện căn" bền vững của nhân dân lao động. Từ vực thẳm tối tăm ngày trước, từ đống bùn rác ngập ngụa trong xã hội cũ, những Tám Bính, những mẹ La của tiểu thuyết Nguyên Hồng vẫn giữ chắc bản chất hồn hậu, trong sáng của mình mà vươn lên, như những mầm cây căng nhựa, xuyên thủng lớp lớp bùn đất dày đặc để nhô lên đón lấy ánh sáng mặt trời.

Cuộc đời, khuynh hướng và phong cách viết của Nguyên Hồng khiến người ta dễ nghĩ đến Mác-xim Goóc-ki, tuy biết rằng, hai nhà văn ấy có những chỗ khác nhau về tầm cỡ. Cả hai đều từng lăn lộn thật sự với những tầng lớp dưới đáy của xã hội cũ, cùng viết với một trái tim tha thiết yêu tin con người, cùng sớm giác ngộ lí tưởng cộng sản chủ nghĩa. Cả hai đều viết đủ thể loại : truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết bộ ba, bộ bốn, hồi kí, bút kí, soạn kịch, làm thơ. Thời kì đầu cầm bút, họ đều viết nhiều về tầng lớp lưu manh. Họ cùng xây dựng được nhiều hình tượng bà mẹ rất đẹp đi từ bóng tối mịt mù của cuộc đời cũ, của thành kiến cũ, tới ánh sáng của thời đại mới. Họ đều có tài viết về những đám đông, những dòng người náo nhiệt : phu phen, thợ thuyền đổ ra hè phố khi tan tầm ở các nhà máy, hay trong những cuộc đình công, bãi công,v.v. Nhưng ở hai nhà văn ấy, sự gặp gỡ này có thể coi là đáng tự hào hơn cả : đối với lịch sử văn học của hai dân tộc Nga, Việt, họ đều thuộc số những nhà văn dẫn đầu trong việc ca ngợi lao động, phát hiện ở lao động một đối tượng thẩm mĩ thật sự. Văn tiểu thuyết của Nguyên Hồng bao giờ cũng đầy cảm xúc, đầy chất thơ. Ngòi bút ấy đã chế tạo lấy cho mình một chất thơ độc đáo, không phải từ mây, gió, trăng, hoa, mà luyện bằng than bụi những nhà máy, những bến tàu, bằng sỏi đá những đồi khô cỏ cháy, hoà với chất mồ hôi mặn chát và nóng bỏng của những người lao động. Trong sáng tác cũng như trong sinh hoạt hằng ngày, Nguyên Hồng hiện lên như một tấm gương rất đẹp về sự gắn bó chặt chẽ giữa nghệ thuật và lao động. Con người ấy sinh ra từ môi trường lao động, tự rèn đúc thành chất người lao động, vì nhân dân lao động mà cặm cụi viết và viết không ngừng, không nghỉ, cho đến hơi thở cuối cùng.

Nguyễn Tuân có lần nói, ông sở trường về tả gió, còn tả nắng thì nhất Nguyên Hồng. Nắng không thể thiếu trong phong cảnh thiên nhiên làm nền cho sinh hoạt của nhân vật tiểu thuyết Nguyên Hồng. Một thứ nắng vùng cửa biển, phấp phới, lồng lộng. Một thứ nắng có sức sống, có linh hồn, cũng hoạt động sôi nổi như con người, thậm chí có lúc như reo lên, hét lên hoà với nhịp sống tưng bừng náo nhiệt của thành phố Hải Phòng rực rỡ màu phượng vĩ. Dĩ nhiên, thiên nhiên vùng đất cảng đã ảnh hưởng tới thế giới thẩm mĩ của nhà văn. Nhưng người cầm bút phải có một tâm hồn như thế nào đấy thì cái ánh nắng kia mới đi vào tác phẩm rực rỡ như thế được. Nguyên Hồng như có cái bản năng tự nhiên của cỏ cây luôn luôn hướng về ánh sáng. Một tâm hồn đầy ánh sáng, đầy ánh nắng. Dưới ánh nắng ấy, mọi cảnh vật ông mô tả đều tươi tốt, nở nang, màu mỡ, tràn đầy sức sống. Thứ ánh nắng có sức xua tan cả âm khí, tử khí trên những xác chết. Hãy xem một đoạn văn kì lạ của Nguyên Hồng trong Hơi thở tàn (1943) tả một ông già nghèo khổ vừa tắt thở trong một nhà thương làm phúc, một buổi sáng mùa hè : "Khác hẳn lúc sống, mặt ông tươi và trắng hẳn lên. Mắt ông nhắm lim dim và hai bên môi hơi nhếch như ông đã bằng lòng một sự gì rồi cười cái nụ cười cuối cùng ấy sau mấy tiếng thì thầm. Hai chân ông dạng ra, hai cánh tay ấp vào bụng, chẳng khác nào ông đã đón một người mà ôm vào lòng". Và "ánh nắng lại đón chào ông. ánh nắng vàng ngời như lửa đốt của buổi sáng mùa hè lúc đó gió còn mát dịu, thổi chờn vờn những lá cây, lá cỏ lấp lánh sương...".

Cái gì đã tạo nên ở Nguyên Hồng một chủ nghĩa lạc quan vững khoẻ đến như thế ? Đó là lí tưởng cách mạng mà nhà văn đã tiếp thu được ngay từ thời kì Mặt trận Dân chủ Đông Dương, nhất là từ khoảng năm 1938 - 1939 trở đi. Đó là bản tính yêu đời, yêu sống của nhân dân lao động đã thấm vào máu thịt, tâm hồn ông. Đó là sức mạnh tinh thần của một con người bao giờ cũng sống hết mình với cuộc sống, với mọi người, mọi việc xung quanh. Thái độ thờ ơ, lạnh nhạt, hoài nghi là một cái gì hết sức xa lạ đối với Nguyên Hồng. Làm sao có thể hình dung được một Nguyên Hồng không còn hoạt động sôi nổi, hăm hở được nữa, một Nguyên Hồng trái tim phải ngừng đập, đành nhắm mắt xuôi tay giữa cuộc đời muôn vàn yêu quý này của ông!

Quá trình sáng tác của Nguyên Hồng như thế là đúng 46 năm liên tục (1936 - 1982). Ông để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ mà sức sáng tạo, cho đến phút cuối cùng, chưa hề có dấu hiệu gì vơi cạn. Dĩ nhiên, đánh giá một nhà văn, người ta nghĩ đến chất lượng hơn là số lượng những trang viết. Không thể nói rằng tác phẩm của Nguyên Hồng đều là những đỉnh cao, những kiệt tác văn học. Nhưng đối với lịch sử văn học nước ta năm mươi năm qua, Nguyên Hồng có một vị trí chắc chắn lắm, bền vững lắm. Tôi nghĩ rằng, văn học sử một dân tộc, nếu ví như một phòng triển lãm hội hoạ treo kín những bức tranh phản ánh những phương diện khác nhau của hiện thực xã hội, phong tục tập quán, phong cảnh thiên nhiên và tâm hồn dân tộc ấy thì một nhà văn có vị trí thật sự trong lịch sử văn học phải là tác giả của những bức tranh mà, nếu vì lý do nào đấy, phải tháo cất đi, thì phòng triển lãm cứ đành bỏ trống một mảng tường lớn, không lấy gì điền vào, thay vào cho tương xứng được. Ta cứ tưởng tượng xem, nếu không có những bức tranh của Nguyên Hồng thì tình trạng sẽ thế nào ? Ai thay thế được Nguyên Hồng để dựng lên bức tranh quy mô, hoành tráng về thành phố Hải Phòng căng thẳng, sôi sục vào những năm bốn mươi đầy biến động của lịch sử dân tộc ? Ai sẽ vẽ nổi như Nguyên Hồng chân dung những lão La, mẹ La, Gái Đen, cụ Cam, cụ Ước, v.v. những người lao động cùng khổ nhưng đầy sức sống của thành phố cảng, có một cái gì táo bạo, ngang ngược đấy, nhưng bản chất thẳng ngay, trung thực, giàu tình nghĩa, không phải chỉ là con đẻ của những giai cấp cần lao của một thành phố mới xây dựng, mà còn được sinh ra từ những truyền thống tinh thần tốt đẹp kết tinh tự ngàn xưa của dân tộc mình ? Nguyên Hồng không có những kiệt tác hoàn chỉnh, nhưng có những trang viết đáng gọi là kiệt tác. Nói riêng về bộ tiểu thuyết Cửa biển, tôi nghĩ đến những trang viết về mẹ La vượt ngục. Những trang viết thật dữ dội ! Người đàn bà này phải vượt qua hai cửa ngục khủng khiếp : cửa ngục của bà Chúa Ngục, và cửa ngục của bọn đế quốc ; những trang viết về Huệ Chi bước dần bước dần tới cái chết mà cứ lững thững như đi trong một thế giới huyền ảo tạo nên bởi những kỉ niệm đầy chất thơ của tình mẫu tử, tình quê hương, v.v. Văn Nguyên Hồng thường tạo nên sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thiên đường và địa ngục. Ông viết rất hay về những tính cách "thiên thần", nhưng cũng viết rất đạt về những tên quỷ sứ. Những trang viết về thằng mật thám Tây Cậu, về tên vô lại Nguyễn Kim Tú - em Thi San, v.v. cũng là những trang không dễ gì có ai viết thay được.

Xuân Diệu có lần nói, Nguyên Hồng có năng khiếu của một nhà văn lớn. Tôi cũng nghĩ như thế. Ông thành công ngay từ sáng tác đầu tay. Nhưng nếu như có những cây bút nào kia chỉ loé sáng lúc ban đầu rồi lụi tắt, thì Nguyên Hồng, cả quá trình sáng tác mấy chục năm, không có lúc nào viết xuống tay hẳn. Tác phẩm cuối cùng của ông là bộ tiểu thuyết Núi rừng Yên Thế. Tác phẩm mới in một tập. Bản thảo tập hai chưa ráo mực. Với bộ truyện viết về Đề Thám này, Nguyên Hồng sẽ có thêm một đóng góp mới đối với văn học hiện đại nước ta, nói riêng về loại tiểu thuyết lịch sử. Tác phẩm chưa hoàn thành. Cái chết đến với nhà văn quá đột ngột, giữa đà sáng tác đang còn hào hứng và đầy hứa hẹn. Tiếc thay !

*
*       *

Nguyên Hồng là con người rất dễ xúc động, rất dễ khóc. Ai từng tiếp xúc với Nguyên Hồng đều thấy như thế. Khóc khi nhắc đến nỗi khổ của con người trong xã hội cũ. Khóc khi nghĩ đến công ơn cách mạng. Khóc khi ôn lại những kỉ niệm thắm thiết của mình với bạn bè, đồng chí. Khóc cả khi kể lại nỗi bất hạnh của những nhân vật do chính mình sáng tạo ra. Tôi đã được thấy Nguyên Hồng khóc khi nói đến cái chết của Gái Đen trong Cơn bão đã đến. Người con gái tốt bụng, thẳng thắn ấy, vì nhẹ dạ, cả tin mà bị lầm lỡ đến nỗi uất lên mà chết trong một cơn trở dạ đau đớn. Kể đến đấy, Nguyên Hồng nghẹn ngào không nói được nữa, nước mắt ròng ròng. Ông khóc như người mẹ đứng trước cái chết của đứa con mình rứt ruột đẻ ra, nhất là phải chết oan chết uổng, chết khốn chết khổ như Gái Đen. Nguyên Hồng đã sống hơn sáu mươi năm, đã viết hơn bốn mươi năm, ai biết được ông đã đổ ra bao nhiêu nước mắt cho đời và cho nghệ thuật ? Bây giờ nằm dưới ba thước đất, nguồn nước mắt ấy, liệu có bao giờ khô cạn được chăng ?

N.Đ.M - Đồng Xa, 14.05.1982

(Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, NXB Giáo dục, 1994)

 


[1] ”Người và nghề”, NXB Hội nhà văn 2010, trang 268

 

Chia sẻ trên Facebook