CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Nico-paris.com hỏi - GS Nguyễn Đăng Mạnh trả lời

TÔI NGHIÊN CỨU THƠ HỒ CHÍ MINH

Thứ hai ngày 13 tháng 8 năm 2012 8:39 PM

Nico-paris.com: Năm 2012, nhà giáo nhân dân, giáo sư, nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh bước vào tuổi 83. Hơn 50 năm gắn bó với nghề dạy học và nghiên cứu-phê bình, ông đã từng là chủ biên của nhiều tập giáo trình đại học, nhiều bộ sách giáo khoa Ngữ văn, nhiều bài phê bình văn học sắc sảo và không ít công trình nghiên cứu công phu, có giá trị về các nhà văn Việt Nam hiện đại, đặc biệt là các nhà văn trong giai đoạn 1930-1975. Trên hành trình từ bục giảng đến văn đàn, ông đã để lại dấu ấn đáng nhớ trong tâm khảm của nhiều thế hệ học trò cũng như trong lòng độc giả.

Bạn đọc trong và ngoài nước đã có dịp làm quen với nhiều bài phê bình văn học đặc sắc của ông, nhưng những chuyện “bếp núc” xung quanh các bài phê bình ấy thì ông vẫn ủ kín trong lòng như những kỷ niệm khó quên.

Nico-paris.com hân hạnh được khai thác và trân trọng giới thiệu với bạn đọc những tâm sự của GS Nguyễn Đăng Mạnh qua những cuộc phỏng vấn xung quanh một số bài phê bình nổi tiếng của ông.


PHẦN IV  

Nico: Thưa GS, được biết trong quá trình nghiên cứu thơ Hồ Chí Minh, ông đã phải đối diện với một vài ý kiến trái chiều gay gắt. Nên hiểu quan điểm của ông thế nào đối với sự nghiệp thi ca của một lãnh tụ cách mạng dân tộc để tránh hoang mang cho các giáo viên, sinh viên và học sinh? 


GS Nguyễn Đăng Mạnh: Tôi bắt đầu nghiên cứu, phê bình văn học từ năm 1960, khi được giữ lại làm cán bộ giảng dạy đại học. Như có lần tôi đã nói, đối tượng nghiên cứu đầu tiên của tôi là Nguyễn Tuân và Vũ Trọng Phụng là hai nhà văn phức tạp và bị coi là có vấn đề lúc bấy giờ. Nhiều người cho tôi là dại, vì nghiên cứu hai nhà văn ấy thì viết báo còn khó, nói chi đến viết sách. Mà hai ông ấy lúc bấy giờ cũng không có trong chương trình môn văn từ phổ thông đến đại học. Phải nghiên cứu các nhà văn cách mạng hay những cây bút không có vấn đề thì mới có triển vọng. Tôi nghe họ, xoay ra nghiên cứu thơ văn Hồ chủ tịch. Quả nhiên tôi được đăng liên tiếp mấy bài viết về cụ Hồ và cuốn sách đầu tiên của tôi được xuất bản cũng là cuốn sách viết về đề tài ấy: “Mấy vấn đề về quan điểm và phương pháp tìm hiểu, phân tích thơ Hồ chủ tịch” (NXB Giáo dục, 1971).

Khi tôi bắt tay vào nghiên cứu thơ Hồ chủ tịch thì tình hình nghiên cứu phê bình văn thơ cụ Hồ nổi cộm lên vấn đề này: Cụ Hồ có hai loại thơ: một là loại rất nôm na, vần điệu dễ dãi, giống như loại ca vè (tác giả cũng đặt tên cho loại thơ này như thế: ca dân cày, ca công nhân, ca binh lính, ca sợi chỉ…). Hai là loại thơ cảm hứng trữ tình phần lớn làm bằng chữ Hán, thể tứ tuyệt cổ điển. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu phê bình, kể cả Hoài Thanh, khi phân tích bình giảng thơ cụ Hồ cũng không phân biệt. Ngoài ra họ thường phân tích theo lối suy diễn ra những ý nghĩa chính trị này nọ, gọi là ý nghĩa tượng trưng. Người bình thơ cụ Hồ như thế, tiêu biểu nhất, thô thiển nhất là giáo sư Hoàng Xuân Nhị.

Tôi không chấp nhận lối phê bình nghiên cứu thơ như thế và thấy cần phải xác định quan điểm và phương pháp tìm hiểu, phân tích thơ Hồ Chí Minh một cách đúng đắn, khoa học.

Trước hết tôi thấy cần tìm hiểu sự nghiệp văn học của Hồ Chí Minh, thơ cũng như văn, tại sao lại rất đa dạng về thể loại và phong cách? Khi thì nôm na dễ dãi, khi thì sâu sắc uyên bác, khi cổ kính, khi hiện đại, khi thì bằng chữ quốc ngữ, khi thì viết bằng chữ Hán, khi lại bằng tiếng Pháp…

Qua khảo sát và suy ngẫm, tôi thấy có thể giải thích bằng quan điểm sáng tác rất nhất quán của tác giả  - quan điểm này, chính cụ Hồ cũng đã phát biểu rõ ràng. Hồ Chí Minh coi viết văn, làm thơ cũng là một hình thái hoạt động chính trị của mình. Chính trị thì phải thiết thực. Cho nên trước khi viết phải đặt cho mình câu hỏi: viết cho ai? (đối tượng viết), viết để làm gì? (mục đích viết), viết thế nào? (hình thức viết). Ở đây đối tượng và mục đích viết phải hiểu là đối tượng và mục đích vận động chính trị. Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến đối tượng viết: “Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được (…) Bao giờ cũng phải tự hỏi: “Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?”[1] (1).

Đấy, chính quan điểm sáng tác như thế đã khiến cho văn thơ của Hồ Chí Minh hết sức đa dạng về thể loại và phong cách. Đối tượng khác nhau thì phải viết khác nhau cho phù hợp với trình độ văn hóa của họ, phù hợp với thị hiếu, tâm lý, giới tính, tuổi tác của họ… Đối với công nông binh thì phải nôm na, đối với bậc lão thành, các nhà Hán học thì phải viết chữ Hán, phong cách cổ điển, đối với người Tây thì phải viết tiếng Pháp, phong cách Âu châu hiện đại…

Có trường hợp đối tượng lại là chính bản thân tác giả. Cụ Hồ làm thơ cho cụ Hồ thưởng thức. Đó là trường hợp “Nhật ký trong tù”:

Ngâm thơ ta vốn không ham
Nhưng ngồi trong ngục biết làm chi đây?
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây,
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.
   (Khai quyển)

Viết cho mình nên phản ánh sâu sắc tâm hồn, tâm lý, trình độ văn hóa và phong cách của mình. Vì thế, “Nhật ký trong tù” đã vẽ ra được đầy đủ nhất bức chân dung tinh thần do tác giả tự họa.

Bây giờ xin quay trở lại với các vấn đề nêu ra trên kia về tình hình nghiên cứu, phân tích thơ Hồ chủ tịch.

Tôi thấy cần lần lượt giải quyết qua các công đoạn sau đây: Một là phải phân biệt hai loại thơ như đã nói trên kia: loại ca vè nôm na tôi gọi là thơ tuyên truyền chính trị trực tiếp, không sáng tác theo quy luật nghệ thuật. Loại này tuy đã viết rất đơn giản dễ hiểu rồi nhưng tác giả vẫn chưa yên tâm: phải “đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại (…) phải nhờ một số đồng chí công nông binh đọc lại. Chỗ nào ngúc ngắc, chữ nào khó hiểu, họ nói ra cho thì phải chữa lại”[2] . Còn loại thơ nghệ thuật thì nhằm vào đối tượng là những trí thức trình độ văn hóa cao, hầu hết viết bằng chữ Hán, thể Đường luật, là lối thơ sở trường của Hồ Chí Minh với tư cách là nhà thơ, là nghệ sĩ [3].

Hai là cần hiểu cho đúng thế nào là thơ tượng trưng, là hình ảnh tượng trưng thường thấy ở thơ Đường, thơ Tống. Tôi xác định, hình ảnh tượng trưng hiểu đúng nghĩa, phải tuân thủ ba điều kiện: một là phải được xây dựng trên sự liên tưởng so sánh giữa hai đối tượng có những nét tương đồng về mặt logic; hai là không phá vỡ tính chỉnh thể của tác phẩm; ba là được sáng tác theo quy luật của cái đẹp.

Công đoạn thứ ba là phải nắm được đặc trưng của thể thơ tuyệt cú cổ điển mà cụ Hồ thường dùng: tính hàm súc, tính đa nghĩa rất cao.

Bốn là thẩm thơ, phân tích thơ không được lạc ra ngoài những đặc điểm phong cách nghệ thuật chung của tác giả. Khảo sát toàn bộ thơ nghệ thuật của Hồ Chí Minh, tôi thấy có ba nét phong cách sau đây: 1. Hết sức giản dị, hồn nhiên, tự nhiên; 2. Vừa đậm đà màu sắc cổ điển, vừa mang tinh thần hiện đại; 3. Đằng sau câu, chữ, đằng sau các hình ảnh, thường thấy ẩn hiện thấp thoáng một nụ cười thoải mái trẻ trung.

Nhưng nghiên cứu một nhà thơ, một đời thơ, không thể chỉ đọc lớt phớt qua loa các tác phẩm, mà phải hiểu thấu từng bài, phân tích từng bài cụ thể. Vậy phải nắm được phương pháp phân tích thơ theo đúng quy luật nhận thức tác phẩm nghệ thuật, từ nhận thức cảm tính đến nhận thức lý tính. Tham khảo kinh nghiệm của một số nhà phê bình có uy tín như Hoài Thanh, Xuân Diệu…, của cả Thánh Thán, nhà phê bình nổi tiếng đời nhà Thanh bên Tàu từng bình giảng rất tài hoa, tinh tế tác phẩm Tây Sương ký của Vương Thực Phủ, tôi đề xuất phương pháp phân tích ba bước, gọi là Tổng – Phân – Hợp.

Bước một (tổng): đọc toàn bộ tác phẩm như một chỉnh thể nghệ thuật, lắng nghe những phản ứng về tình cảm, cảm xúc của mình, ghi lấy ấn tượng chung về toàn bộ bài thơ.

Bước hai (phân): lấy ấn tượng chung nói trên định hướng cho phân tích chi tiết tác phẩm, chú ý đến những chi tiết có vai trò đặc biệt quan trọng gọi là nhãn tự hay thi nhãn của bài thơ. Những chi tiết này giống như những đinh ốc, những bánh xe chủ chốt của một bộ máy thơ, phân tích chúng là gỡ tung ra được cả cơ chế của bài thơ.

Bước ba (hợp): đối chiếu kết quả của hai bước một và hai xem có khớp với nhau không, nghĩa là có thể tạo lại được tính chỉnh thể của bài thơ hay không.

Tôi vận dụng những hiểu biết và những phương pháp trên đây vào việc phân tích bình giảng một bài thơ cụ thể của cụ Hồ. Tôi chọn bài “Tức cảnh Pác Bó”, tuy là thơ nôm nhưng là thơ nghệ thuật rất tiêu biểu cho phong cách thơ Hồ Chí Minh.

Tôi soạn thành một bài giảng cho sinh viên. Chỉ có bốn câu mà tôi giảng trong hai tiết, vì thực chất là qua sự phân tích bài thơ này, tôi muốn thuyết minh cho quan điểm và phương pháp tôi đề xuất trên đây về việc nghiên cứu thơ Hồ Chí Minh.

Tổ chuyên môn của tôi đã tới dự nghe bài giảng này. Thấy họ gật gù tán thưởng, tôi rất phấn khởi. Tôi quyết định viết thành một chuyên luận dùng cho việc giảng dạy sinh viên đại học và cao học. Lúc đầu chuyên luận được in như một giáo trình lưu hành nội bộ (1968). Đến năm 1971 thì NXB Giáo dục chính thức in thành sách lấy tên là: “Mấy vấn đề về quan điểm và phương pháp tìm hiểu, phân tích thơ Hồ chủ tịch”.

Sách được các NXB trong Nam ngoài Bắc in đi in lại đến sáu lần (không kể trường hợp in lậu). Năm 1989, được giao biên soạn chương trình và sách giáo khoa cải cách môn Văn PTTH, tôi đã vận dụng quan điểm và phương pháp nói trên vào việc tuyển thơ và giảng thơ Hồ chủ tịch trong sách giáo khoa lớp 12. Tôi còn được Tạp chí Cộng Sản mời viết về văn thơ Hồ chủ tịch nhân dịp kỷ niệm sinh nhật của Chủ tịch ngày 19/05/1996.

Công trình nghiên cứu của tôi tưởng là suôn sẻ, vậy mà đâu có được yên thân! Vào những năm 90 của thế kỷ trước, những bài viết của tôi về thơ Hồ chủ tịch đã bị đả kích, bị trù dập một cách rất dữ dội. Kẻ đánh tôi ác liệt nhất là Trần Mạnh Hảo. Hắn vốn là tác giả cuốn tiểu thuyết “Ly thân” từng bị coi là chống Đảng. Vậy mà mấy năm sau, vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, đánh hơi được chiều hướng lãnh đạo, Trần Mạnh Hảo bỗng xoay ra lên gân lên cốt về lập trường tính Đảng, viết hàng loạt bài phê phán những cây bút mạnh dạn đổi mới tư duy và một loạt giáo sư đại học. Tôi là một đối tượng bị hắn đánh khá dồn dập, đặc biệt là những bài trong sách giáo khoa PTTH (không chỉ những bài viết về văn thơ Hồ chủ tịch mà cả những bài viết về Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Hoài Thanh, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Trần Đăng Khoa…)

Trần Mạnh Hảo bác bỏ những luận điểm của tôi về thơ Hồ chủ tịch: tại sao lại nói, đối với Hồ Chí Minh, làm thơ, viết văn trước hết là một hành vi chính trị, tại sao lại phân biệt thơ Hồ chủ tịch có loại nghệ thuật, có loại không phải nghệ thuật, tại sao dám nói cụ Hồ làm thơ để giải trí (“Nhật ký trong tù”)…  Ý kiến của Trần Mạnh Hảo thế mà cũng thuyết phục được khối vị có chức quyền. Vì thế những bài của hắn toàn được đăng trên những báo lớn ở trung ương như Nhân dân, Quân đội nhân dân, Văn nghệ… và được nhiều kẻ tung hô.

Bài viết của tôi về Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trong sách giáo khoa thế là bị quẳng đi để thay vào bài viết của anh Hà Minh Đức (1).

Nhưng Trần Mạnh Hảo quả là một tay tráo trở, có người gọi hắn là có máu phản bội. Hắn đã chơi cho nhiều vị lãnh đạo văn hóa, tư tưởng và mấy ông từng tôn vinh hắn, một vố thật đau: chỉ mấy năm sau, không biết vì động cơ nào mà hắn lại trở cờ ngược lại: viết một loạt bài trên mạng chửi Đảng, chửi một cách rất ngoa ngoắt, rất hỗn xược.

Thế mới biết những kẻ nói thì hay mà nhân cách xấu thì không thể tin được. Dùng những kẻ ấy, khác gì Bá Kiến dùng Chí Phèo, có ngày bị nó đâm chết.

Năm 2004, chương trình và sách giáo khoa PTTH môn Văn được cải cách lần thứ hai.

Bài viết của tôi về Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh lại được lấy lại.

(1)  Gần đây anh Trần Đình Sử cho biết, ông Trần Hồng Quân hồi ấy là Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã phải theo lệnh trên  quyết định thay bài viết về Hồ chủ tịch của tôi bằng bài của Hà Minh Đức. Nay ông nghĩ lại và lấy làm ân hận. Thực ra hồi ấy, ông Quân phải làm việc ấy cũng là bất đắc dĩ mà thôi.

 (Còn tiếp)



[1] Dẫn theo Huỳnh Lý: Văn Hồ Chủ tịch, NXB Giáo dục – 1971

[2] Văn Hồ chủ tịch (sđd) trang 243

[3] Thế hệ như Hồ Chí Minh không thể sáng tác lối thơ mới hiện đại.

 

 

VÀI SUY NGHĨ VỀ TƯ TƯỞNG MĨ HỌC

HỒ CHÍ MINH QUA SÁNG TÁC THƠ

 

Nghiên cứu quan điểm nghệ thuật, tư tưởng mĩ học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lâu nay một số công trình có thiên hướng đơn giản hóa những ý kiến của Người. Một trong những biểu hiện của thiên hướng ấy là nhập làm một quan điểm của Bác về văn tuyên truyền chính trị với những ý kiến của Người về văn chương nghệ thuật. Thực ra Người đã có phân biệt khá rõ. Trong một bức thư trả lời tác giả một bài luận văn chính trị mà Bác có góp ý phê bình, Người viết: “Ông nói, phải giúp đồng bào ta làm quen với những từ mà nay họ chưa hiểu, lâu rồi họ cũng sẽ hiểu. Có thể làm ngơ như vậy được, nếu ông chỉ nghĩ viết cho họ một tác phẩm văn học... Còn nếu tác phẩm của ông lại dùng để tuyên truyền thì đó phải là một tác phẩm ai đọc cũng hiểu được”[1]. Quan điểm này rất tương ứng với hai loại văn và thơ của Người: có những bài đúng là “ai đọc cũng hiểu được”, nhưng không ít bài khác (đặc biệt là trong Nhật ký trong tù) thì ngay cả những nhà văn hóa uyên bác nhất nhiều khi cũng phải thú nhận chưa lĩnh hội được thấu đáo.

Nói về phía chủ quan của giới nghiên cứu thì như thế, nhưng nói về điều kiện khách quan thì nhà khoa học lại gặp phải khó khăn này: về quan điểm nghệ thuật, hay nói rộng hơn, về tư tưởng mĩ học, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều khi không phát biểu trực tiếp dưới dạng lý luận và trên những văn bản chính thức. Dưới dạng này, Người thường quan tâm nhiều tới loại văn chính trị, đến nghệ thuật tuyên truyền. Chẳng hạn, Người đặt câu hỏi Viết cho ai? và trả lời Viết cho đại đa số công nông binh[2]. Nhưng ai nấy đều biết những bài thơ nghệ thuật của Bác chủ yếu viết bằng chữ Hán, chắc không hẳn nhằm vào những đối tượng ấy. Người lại nói: “Về nội dung viết mà các cô, các chú gọi là “đề tài”, thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một “đề tài” là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”[3]. Nhưng thực ra, có nhiều tác phẩm của Người, nhất là thơ, không phải chỉ viết về “một đề tài” ấy. Ở trường hợp này, nếu người bình thơ cứ máy móc quy vào nội dung “chống đế quốc phong kiến” tất không tránh khỏi làm nghèo nàn tác phẩm và tư tưởng thẩm mĩ thể hiện trong ấy. Hãy lấy một ví dụ trong nhiều ví dụ: trong Nhật ký trong tù, có một bài thơ thuộc loại sâu sắc và độc đáo nhất của Bác, bài Cảnh chiều hôm (Vãn cảnh):

Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng,
Hoa tàn, hoa nở cũng vô tình.
Hương hoa bay thấu vào trong ngục,
Kể với tù nhân nỗi bất bình.

Bình giảng bài thơ này, người ta thường quy sự “bất bình” của hương hoa nhằm vào chế độ đen tối, tàn bạo của xã hội Trung Hoa dân quốc. Xã hội ấy vì “vô tình” với cái đẹp nên đã kích động nỗi bất bình kia của hương hoa. Nhà thơ Xuân Diệu từng trăn trở hàng chục năm trời về bài thơ này, cuối cũng đã nhận ra tư tưởng đích thực của tác phẩm trong một bài viết cuối cùng của mình về thơ Bác: “Theo cháu nghĩ, đâu có phải chỉ là thiên hạ vô tình, mà hơn nữa kia, tạo hóa vô tình [...] các lớp hoa hồng nở rụng, rụng nở, tạo hóa vẫn cứ vô tình, chỉ có tạo hóa vô tình”[4]. Người bình thơ không nói gì đến chữ nghĩa của Bác, nhưng thực đã hiểu đúng chữ nghĩa của Người:

Mai khôi hoa khai, hoa hựu tạ,
Hoa khai hoa tạ, lưỡng vô tình.

Chỉ có thể hiểu là “Hoa hồng nở, hoa hồng lại tàn”. Hoa nở, hoa tàn - hai cái “sự” đó đều “vô tình”. Vậy là trời đất vô tình, tạo hóa vô tình, đúng là như thế. Như vậy là bài thơ đề cập đến số phận mong manh của cái đẹp ở đời, một đề tài vĩnh cửu của thơ ca nhân loại. Nội dung tác phẩm là nỗi bất bình rất thi sĩ của hương hoa và tất nhiên cũng của nhà thơ mà những tâm hồn ít thiết tha với cái đẹp không thể nào hiểu được. Vì thế hương hoa đã bay vào trong ngục để tỏ nỗi bất bình với một người chẳng những có thể hiểu được tâm trạng của mình mà còn có khả năng giải tỏa được nỗi bất bình ấy nữa: đó là nghệ sĩ Hồ Chí Minh, thi sĩ Hồ Chí Minh. Qua hình tượng thơ, tác giả muốn nói với người đọc một sự thật đau lòng là tình trạng đoản mệnh của biết bao cái đẹp trên đời và đặt vấn đề khắc phục nó. Nhiệm vụ khó khăn và đầy thiêng liêng này tất nhiên chỉ có thể đặt ra đối với những nghệ sĩ, những thi sĩ. Bởi vì sự có mặt của họ trên đời để làm gì nếu không phải là để phát hiện cái đẹp, để thấu hiểu nó và tìm cách vĩnh cửu hóa, bất tử hóa nó bằng sáng tạo nghệ thuật? Đấy chẳng phải là một khía cạnh quan trọng của tư tưởng mĩ học Hồ Chí Minh sao?

Tóm lại, nghiên cứu quan điểm nghệ thuật, tư tưởng mĩ học Hồ Chí Minh nhất thiết phải tìm hiểu cả những sáng tác văn chương của Người nữa, đặc biệt là sáng tác thơ, mà đây có lẽ mới là căn cứ quan trọng nhất.

*

*    *

Trong Nhật ký trong tù có bài thơ Buổi trưa (Ngọ): 

Trong tù khoan khoái giấc ban trưa,
Một giấc miên man suốt mấy giờ.
Mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới,
Tỉnh ra trong ngục vẫn nằm trơ.

Không thể hiểu đúng tinh thần bài thơ này nếu không chú ý đến sắc thái mỉa mai tự trào của nó. Tất nhiên Bác Hồ khao khát tự do hơn ai hết, nhưng không hề muốn “cưỡi rồng bay lên trời”. Bài thơ tự trào thật chua chát cay đắng, nhưng không hề có tinh thần thoát tục. Ta liên tưởng tới lời phát biểu của tác giả nhân dự một cuộc Triển lãm hội họa tại thủ đô ngay sau Cách mạng tháng Tám (7-10-1995): “Những bức tranh này tỏ ra các nghệ sĩ của ta lâu nay đều cố gắng tìm một con đường đi. Nhưng tiếc một điều là không muốn đi dưới đất mà cứ muốn vụt lên trời [...]. Thật là một thế giới tiên! Nhưng tôi nhớ mường tượng như Lỗ Tấn, nhà văn hóa cách mạng Trung Hoa đã nói ở đâu một câu đại ý thế này: “Người trần lên tiên có lẽ cũng thích thật. Nhưng nhìn thấy mãi cái đẹp không thay đổi rồi cũng thấy chán nản, nhạt nhẽo mà mới biết rằng: muốn tìm thấy sự thay đổi, sự ham mê thật, phải trở về với cuộc sinh hoạt thực tại của con người”[5].

Như vậy, đối với Bác Hồ, cái đẹp là cuộc sống thực tại trên mặt đất này, cuộc sống luôn luôn vận động, biến đổi và đầy say mê của con người trong cõi đời trần tục này.

Tập thơ Nhật ký trong tù có thể xem như một minh chứng tiêu biểu cho quan điểm mĩ học đó. Hơn trăm bài thơ, tuy có đủ cả phong hoa tuyết nguyệt, nhưng đều gắn chặt với mặt đất đầy bụi bặm này. Dưới ngòi bút của Người, hiện ra cả một nhân loại lam lũ, đói khát, rách rưới, thuộc những tầng lớp dưới đáy của xã hội Trung Quốc cũ. Cuộc sống của họ tuy đầy bất hạnh, nhưng là cuộc sống thực với mọi nỗi vui buồn sướng khổ, với những lo toan, những ham muốn nhiều khi tầm thường vặt vãnh nhưng không có chúng thì cũng không có cuộc sống thực tại này. Một nhân loại tuy bị đẩy vào bóng tối nhưng vẫn khát khao ánh sáng, tuy chịu nhiều đau khổ nhưng không phải không có niềm vui. Ở những con người rất đỗi bình dị này, dường như có sống là có vui, được chia sẻ với nhau nỗi khổ thì cái khổ cũng vơi đi một phần. Vì thế sinh hoạt trong tù cũng có lúc tưng bừng tiếng cười, tiếng hát:

Cơm xong, bóng đã xuống trầm ngâm,
Vang tiếng đàn ca rộn khúc ngâm.
Nhà ngục Tĩnh Tây mờ mịt tối,
Bỗng thành nhạc quán viện hàn lâm.
   (Chiều hôm)

Trong cái thế giới cùng khổ nhưng sống động ấy, nổi bật lên hình tượng người tù vĩ đại Hồ Chí Minh, một tâm hồn, dù trong bất cứ tình huống nào, cũng hướng thẳng về sự sống, ánh sáng và tương lai. Người nhìn cảnh đông tàn như chuẩn bị cho mùa xuân tươi tốt, nhìn nỗi khổ như chuẩn bị cho niềm vui, nhìn đêm tối như chuẩn bị cho bình minh rực rỡ.

Tinh thần hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai tạo nên ở nhiều thi phẩm của Người quy luật vận động hết sức khỏe khoắn của mạch thơ, tứ thơ dẫn đến những bất ngờ thú vị. Có thể gọi đó là những tứ thơ chiến thắng hoàn cảnh, cải tạo tình thế độc đáo của Hồ Chí Minh:

Đáp thuyền thẳng tới huyện Ung Ninh,
Lủng lẳng chân treo tựa giảo hình.
Làng xóm ven song đông đúc thế,
Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh.
(Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh)

Hai câu thơ trên là hình ảnh người tù chịu khổ hình. Hai câu dưới đột ngột chuyển thành một thi sĩ đang ung dung ngoạn cảnh trên một chiếc du thuyền. Cái ung dung mà Xuân Diệu gọi là “đến mức thần thánh”[6] thực ra là sự vận động đột ngột của hồn thơ Hồ Chí Minh bắt gặp cảnh sinh hoạt đông vui của nhân dân nơi ven sông: “Làng xóm ven sông đông đúc thế”.

Sự vận động của hồn thơ ấy hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai, còn cảm động hơn nữa trong bài Đêm ngủ ở Long Tuyền (Dạ túc Long Tuyền):

“Đôi ngựa” ngày đi chẳng nghỉ chân,
Món “gà năm vị” tối thường ăn.
Thừa cơ rét, rệp xông vào đánh,
Mừng sáng nghe oanh hót xóm gần.

Không nên hiểu nỗi mừng ở đây chỉ là được thoát khỏi một đêm dài bị muỗi rệp, rét mướt hành hạ. Bài thơ từ giọng hài hước chua chát, đến câu kết thúc bỗng chuyển sang giọng trữ tình tươi mát, trẻ trung khi nhà thơ lắng nghe đâu đây có tiếng chim oanh thánh thót. Ôi, phải hiểu, trong hệ thống ước lệ của cổ thi, oanh vàng và liễu biếc là tiếng nói tiêu biểu của mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu, mới thấy biết bao chất sống và niềm vui xốn xang trong câu thơ vút lên từ ngục tối này.

Đã coi cái đẹp là sự sống, chất thơ là chất sống đầy tính năng động, thì người nghệ sĩ tất nhiên không chịu để cho bất cứ một khuôn phép văn chương cứng nhắc nào ép buộc. Điều đó giải thích một nét độc đáo của thi pháp Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, trong văn xuôi cũng như trong thơ: khuynh hướng phá cách táo bạo về mặt thể loại. Ngày nay các nhà nghiên cứu phê bình thường nói đến những cách tân mới mẻ của văn chương hiện đại: yếu tố huyền thoại, huyền ảo trong tiểu thuyết hiện thực, thể truyện viễn tưởng khoa học, dự báo tương lai, sự xâm nhập vào các thể văn hư cấu những thể văn tư liệu hay chính luận, triết luận, v.v... Tất cả những yếu tố đó có đủ cả trong các truyện ký của Nguyễn Ái Quốc ra đời những năm hai mươi của thế kỷ hai mươi: Lời than vãn của bà Trưng Trắc, “Vi hành”, Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu, Con người biết mùi hun khói, v.v... Trong lĩnh vực thơ, Tập Nhật ký trong tù cũng là một bằng chứng nổi bật về khía cạnh này của quan điểm thẩm mĩ Hồ Chí Minh: từ đề tài, hệ thống ước lệ đến quy tắc truyền thống về bố cục, về độ số của câu, của chữ, v.v... không gì có thể trói buộc được cá tính sáng tạo của tác giả tập thơ tù. Có người nói, Bác Hồ đứng cao hơn văn chương. Có lẽ nên nói: Người có quan niệm sống cao hơn nghệ thuật và thể hiện chân thật, sâu sắc cuộc sống là thước đo chuẩn mực nhất của mọi hình thức văn chương.

Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ tác phong sinh hoạt (ăn, ở, y phục, đi đứng, giải trí, ứng xử với mọi người,...) đến cách nói, cách viết, từ đường lối chính trị, quan điểm đạo đức tư tưởng thẩm mĩ, đều có một cái gì vừa rất mực cổ điển, rất truyền thống, lại vừa hết sức hiện đại, thời đại.

Một đồng chí cán bộ cao cấp trong quân đội có một nhận xét thú vị: Bác Hồ, nhìn từ xa, thấy dáng đi thật thung dung nhàn nhã. Nhưng khi tiếp cận và đi cùng với Người thì thấy Người đi rất nhanh, nhiều khi phải chạy gần mới theo kịp. Ung dung nhàn nhã là cổ điển, nhưng nhanh nhẹn hoạt bát cũng có thể gọi là hiện đại chứ sao?

Thơ của Người đại bộ phận viết bằng chữ Hán, màu sắc thơ cổ điển rất đậm nét. Nhưng cổ điển mà không phải là cổ thi, nghĩa là xem giống cổ thi, đọc kỹ thấy không hẳn thế. Chỗ giống nhau là cảm hứng thiên nhiên phong phú, là sự hòa hợp giữa con người và tạo vật, là phong độ ung dung tự tại của nhân vật trữ tình. Nhưng chỗ khác nhau là ở tinh thần thép như Bác nói. Có nghĩa là không phải hình ảnh người quân tử khi xử thế, nhà hiền triết ẩn dật chốn lâm tuyền, mà là chiến sĩ hành động cải tạo thế giới:

Non xa xa, nước xa xa,
Nào phải thênh thang mới gọi là.
Đây suối Lênin, kia núi Mác,
Hai tay xây dựng một sơn hà.
   (Pác Bó hùng vĩ)

Một đặc điểm của cổ thi là cảm quan phi thời gian: Nhà thơ thường một mình đối diện với vũ trụ bao la, thái độ ung dung như đứng hẳn ra ngoài thời cuộc nhiễu nhương, ra ngoài dòng chảy của thời gian. Thơ Bác không phải thế, đọc Nhật ký trong tù, thấy nhân vật trữ tình Hồ Chí Minh, một mặt có cái tự do bên trong của con người hoàn toàn tự chủ biết mình đang đồng hành với lịch sử trên từng bước đi tất yếu của nó, đồng thời lại là một chiến sĩ cách mạng đầy nhiệt huyết bị giam cầm giữa không khí sôi sục khẩn trương của phong trào giải phóng dân tộc, có cái tâm trạng nóng lòng sốt ruột đến đau đớn. Hình ảnh Bác trong tập thơ tù không những không phải con người đứng ngoài thời gian, mà trái lại sống cao độ từng giờ, từng phút. Ôi, có bao giờ trong mười bốn tháng bị giam cầm hồi ấy, Bác Hồ phải tính đếm thời gian, phải theo dõi từng chút quang âm qua đi bên ngoài song sắt nhà lao một cách căng thẳng đến như thế? Một tâm trạng bồn chồn, khắc khoải thao thức, nhiều khi chuyển thành bực bội, đó là một nét tiêu biểu nhất trên bức chân dung tự họa của tác giả Nhật ký trong tù.

Về bút pháp, chỗ giống nhau giữa cổ thi và thơ Bác là tính hàm súc cổ điển, là lối chấm phá vài nét đơn sơ mà rất đỗi tài hoa như muốn truyền được linh hồn của tạo vật. Nhưng chỗ khác của thơ Bác, chỉ nói riêng tập Nhật ký trong tù, là sự xâm nhập mạnh mẽ của bút pháp phóng sự, bút ký, của lối văn thông tin tư liệu, đem đến cho những vần thơ tứ tuyệt tính tự sự, tính tả thực ít thấy trong cổ thi.

Tính thời đại trong thơ Hồ Chí Minh thể hiện nổi bật nhất ở tinh thần dân chủ sâu sắc của nó. Dân chủ trước hết là ở thi đề, thi tứ. Một cái răng rụng, một cái gậy chống, một hàng cháo bên đường cũng thành thơ. Người ta nói thơ Bác có đủ cả “mắm muối tương cà”, điều ấy cần được hiểu theo cả nghĩa đen trần trụi của nó. Dân chủ ở quan điểm đổi mới hệ thống ước lệ thơ ca cổ điển. Thơ tỏ lòng, nói chí ngày xưa, nếu không so sánh những bậc anh hùng hào kiệt, những đấng hiền nhân quân tử với tùng cao, bách cả, cọp gió, rồng mây, thì cũng ví von với những mai, lan, cúc, trúc,... Thơ Bác hoàn toàn không có những hình ảnh trang trọng đó. Người lại thích ví mình và người cách mạng với cái răng, cái gậy, với hạt gạo nhỏ bé, hiền lành, với cái cột cây số bên đường, với con gà gáy sáng. Dân chủ còn ở giọng điệu, tình điệu của thơ. Tập thơ có nội dung giáo dục to lớn, nhưng không hề lên giọng dạy đời. Nhà thơ nếu cần nhắc nhở đến một bài học đạo lý thì chỉ là để tự khuyên mình (Tự miễn): “Ví không có cảnh đông tàn/ Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân”. Tập thơ đầy chất thép, nhưng không thấy lên giọng thép, nghĩa là không hề dùng lối đại ngôn tráng ngữ, cao giọng lên gân,...

Tinh thần dân chủ thể hiện sâu sắc nhất ở bản chất của nhân vật trữ tình trong thơ. Không phải con người trong cổ thi thường “đăng sơn”, “đăng lâu”, “đăng cao” để đối diện đàm tâm với càn khôn, vũ trụ, mà là con người sống giữa nhân quần đại chúng, chan hòa với những con người bình thường nhất trong niềm vui nỗi khổ hàng ngày. Nhật ký trong tù có một bài thơ về bệnh ghẻ (Lại sang). Tôi ngờ đây là bài thơ duy nhất trong văn thơ Đông Tây, kim cổ viết về cái đề tài ít thi vị này:

Đầy mình đỏ tím như hoa gấm,
Sột soạt luôn tay tựa gảy đàn;
Mặc gấm, bạn tù đều khách quý,
Gảy đàn, trong ngục thảy tri âm.

Bài thơ có giọng đùa vui thoải mái giống như nhiều bài thơ khác của Bác Hồ. Qua tiếng cười rất đỗi hồn nhiên ấy, nhà thơ như muốn nói điều này: Hồ Chí Minh cũng chẳng phải có xương cốt đặc biệt gì, da thịt Hồ Chí Minh cũng như da thịt mọi người vậy thôi, bẩn thì ghẻ, ghẻ thì gãi và gãi ghẻ cũng có cái thú vị riêng của nó. Cả một nhà lao cùng gãi ghẻ thì thật là hiểu nhau vô cùng, thật là “tri âm tri kỷ” kém gì Bá Nha với Tử Kỳ ngày trước. Có ai đã nói rất đúng rằng, Bác Hồ rất vĩ đại, nhưng điều vĩ đại nhất là Người không bao giờ coi mình là vĩ đại. Đó chính là trường hợp bài thơ này.

Nói về tính truyền thống và tính thời đại trong tư tưởng mĩ học Hồ Chí Minh, có điều này rất đáng chú ý: ấy là hai phương diện đó dường như xuyên thấm vào nhau, khó lòng tách bạch ra được. Nghĩa là nhìn mặt này là cổ điển, nhìn mặt kia là hiện đại, nhìn mặt này là truyền thống sâu sắc, nhìn mặt kia lại là hiện đại, nhưng nhìn mặt khác lại thuộc về thời đại văn minh tiến bộ nhất. Chẳng hạn, lối viết giản dị, ngắn gọn của Người, gọi là tính hàm súc cổ điển cũng được, gọi là yêu cầu thông tin lớn trong một thông điệp tiết kiệm nhất của quan hệ giao tiếp giữa những con người thời đại phát triển rất cao của khoa học kĩ thuật ngày nay cũng đúng. Ngoài ra còn phải nghĩ đến một cái gì như gốc rễ sâu xa trong quan niệm thẩm mĩ của người Việt Nam trong mấy nghìn năm lịch sử: một dân tộc có nhiều thành tựu vĩ đại trong công cuộc dựng nước, và giữ nước: đê sông Hồng, chiến công Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh,... nhưng về khuynh hướng thẩm mĩ dường như lại thích những gì nhỏ nhắn xinh xắn: chùa Một Cột, cây trúc xinh, câu ca dao, tiếng đàn bầu,... Hay như cảm quan thiên nhiên đậm đà trong thơ Bác cũng vậy. Gọi là kế thừa cái thú lâm tuyền của người xưa cũng được. Nhưng đấy chẳng phải cũng là yêu cầu bức bách của nhân loại ngày nay đó sao, khi đứng trên những thành tựu của sản xuất đại công nghiệp, lại khao khát được trở về một môi trường thiên nhiên tươi tốt, trong lành đang có nguy cơ bị hủy diệt?

- Xem sách chim rừng vào cửa đậu,
Phê văn hoa núi ghé nghiên soi.

 
- Kháng chiến thành công ta trở lại,
Trăng xưa hạc cũ với xuân này.

Đó là hồn thơ cổ điển hay là ước mơ của thời đại? Có ai đó nói rằng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là con người của nền văn hóa tương lai của nhân loại, điều đó không phải không có căn cứ.

Nói về Bác, nhiều người thích dùng khái niệm “nhà hiền triết”. Tôi hiểu nhà hiền triết thường là người không chủ tâm phát ngôn một học thuyết triết học nào mà là người sống thật sự theo một triết học nào đó. Ở đây triết lý trở thành máu thịt tâm hồn, trở thành thái độ hàng ngày...

Suy nghĩ về tư tưởng mĩ học của Bác Hồ, tôi cũng cảm thấy như thế. Bác Hồ trong đời sống cũng như trong sáng tác thơ là hiện thân sống của một hệ thống tư tưởng mĩ học tốt đẹp của dân tộc và thời đại. Goócki nói: “Mĩ học là đạo đức của tương lai”. Bác Hồ trong đời sống cũng như trong thơ ca, đã là hiện thân sống của đạo đức học ấy, của mĩ học ấy.

N.Đ.M



[1] Trích theo Tổng tập văn học Việt Nam, tập 36, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1980, tr. 436.

[2] Văn thơ Hồ Chủ tịch, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1971, tr. 240.

[3] Về công tác văn hóa văn nghệ, NXB Sự thật, Hà Nội, 1971, tr. 498.

[4] Trong bài Yêu thơ Bác, Tạp chí Văn học, tháng 5 - 1966.

[5] Về công tác văn hóa văn nghệ, Phần phụ lục, Sđd, tr. 69.

[6] Yêu thơ Bác, Sđd. 

Chia sẻ trên Facebook