CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Nico-paris.com hỏi - GS Nguyễn Đăng Mạnh trả lời

NGUYỄN TUÂN - MỘT PHONG CÁCH ĐỘC ĐÁO VÀ TÀI HOA

Thứ hai ngày 20 tháng 8 năm 2012 1:17 PM

Nico-paris.com: Năm 2012, nhà giáo nhân dân, giáo sư, nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh bước vào tuổi 83. Hơn 50 năm gắn bó với nghề dạy học và nghiên cứu-phê bình, ông đã từng là chủ biên của nhiều tập giáo trình đại học, nhiều bộ sách giáo khoa Ngữ văn, nhiều bài phê bình văn học sắc sảo và không ít công trình nghiên cứu công phu, có giá trị về các nhà văn Việt Nam hiện đại, đặc biệt là các nhà văn trong giai đoạn 1930-1975. Trên hành trình từ bục giảng đến văn đàn, ông đã để lại dấu ấn đáng nhớ trong tâm khảm của nhiều thế hệ học trò cũng như trong lòng độc giả.

Bạn đọc trong và ngoài nước đã có dịp làm quen với nhiều bài phê bình văn học đặc sắc của ông, nhưng những chuyện “bếp núc” xung quanh các bài phê bình ấy thì ông vẫn ủ kín trong lòng như những kỷ niệm khó quên.

Nico-paris.com hân hạnh được khai thác và trân trọng giới thiệu với bạn đọc những tâm sự của GS Nguyễn Đăng Mạnh qua những cuộc phỏng vấn xung quanh một số bài phê bình nổi tiếng của ông.


PHẦN V  



Nico: Thưa GS, dư luận nói Nguyễn Tuân không ưa các nhà phê bình. Tại sao nhà văn chấp thuận để ông viết phần quan trọng là Lời giới thiệu cho “Tuyển tập Nguyễn Tuân”?


GS Nguyễn Đăng MạnhNăm 1980, ông Lý Hải Châu, giám đốc NXB Văn học, quyết định làm “Tuyển tập Nguyễn Tuân”. Hồi ấy làm tuyển tập là một sự tôn vinh ghê gớm lắm. Vì thế chỉ được phép làm tuyển tập những nhà văn lớn, không có vấn đề chính trị gì và đã chết rồi, như Ngô Tất Tố, Nam Cao… Người còn sống được làm tuyển tập chỉ có Hồ Chí Minh hay Tố Hữu. Ông Lý Hải Châu rất có bản lĩnh và quyết đoán. Ông nhất định làm tuyển tập Nguyễn Tuân, một nhà văn chẳng những còn sống mà lại luôn luôn bị phê phán, mặc dầu có sự can ngăn của Hoài Thanh và Hoàng Trung Thông. Ông giao cho biên tập viên Lê Khanh đến báo cho tôi và cùng tôi lo việc này.

Tất nhiên là tôi rất mừng, nhưng cũng rất lo. Lo nhất là viết bài giới thiệu sao cho xứng đáng với Nguyễn Tuân và được nhà văn rất khó tính này chấp nhận.

Tôi dốc sức vào công việc và quyết viết cho tốt.

Tôi dự định bài viết gồm ba phần: I – Quan điểm sáng tác, II – Quá trình sáng tác, III – Phong cách nghệ thuật.

Phần đầu, viết được một đoạn, cứ tắc lại mãi, nghĩ không ra. Bực quá, tôi bỏ đấy đến Xuân Diệu. Xuân Diệu dễ tính, cũng rất quý tôi. Đến anh lại thường được uống cà phê, hút thuốc lá ngoại. Có gì bế tắc, anh có thể gỡ hộ cho.

Tôi nói, viết bài Nguyễn Tuân, ngay phần đầu, bí quá. Xuân Diệu cười: thế là táo bón đấy, nhưng táo bón còn hơn là tháo dạ. Và anh phổ biến kinh nghiệm: Quy luật viết là quy luật cóc nhảy. Đến chỗ tắc, cứ bỏ đấy, viết sang các phần khác, cuối cùng quay lại, tự nhiên thấy thông thuận. Cũng như đánh công đồn, không nhất thiết cứ phải đánh lần lượt từ ngoài vào. Đánh trung thâm ngay vào hầm Đờ-Cát rồi từ đó đánh ra cũng được chứ sao! Cũng như vẽ người, không nhất thiết cứ phải vẽ từ đầu xuống, vẽ từ đít lên cũng được chứ sao!

Tôi làm theo kinh nghiệm của Xuân Diệu, và quả nhiên thấy trôi chảy.

Bài viết in ra chỉ hơn 70 trang mà tôi phải viết đến 6 tháng mới xong. Ngồi viết liên miên, chân xuống máu. Một lần chợt nhìn xuống thấy chân sưng phù lên, sợ quá!

Biên tập viên Lê Khánh cho bài viết quá dài, phải rút gọn lại độ 30, 40 trang thôi. Tôi không chịu. Văn mình vợ người mà, cắt đi đau lắm! Lê Khánh bèn nghĩ cách lấy uy của Nguyễn Tuân để ép tôi. Anh đưa bài viết của tôi cho Nguyễn Tuân và nói với ông ấy góp ý cho tôi rút gọn lại. Rồi anh bảo tôi sau một tuần, đến Nguyễn Tuân để nghe ông ấy phán.

Sau một tuần, tôi đến Nguyễn Tuân. Hôm ấy thấy ông có vẻ vui. Ông lấy ra một chai rượu có ghi mác Vốtka và hai cái ly rất đẹp. Tôi chỉ chai rượu nói: rượu Vốtka? Ông cười lắc đầu: đây là rượu bất hợp pháp đựng trong cái chai xét lại. Chúng tôi uống rượu, hút thuốc lá. Nguyễn Tuân nói nhiều chuyện vui nhưng tuyệt nhiên không đả động gì đến bài viết của tôi cả. Tôi chắc ông chưa đọc, thấy trời đã muộn nên tôi xin phép ông ra về. Lúc ấy ông mới lấy bài viết của tôi ra, tự tay cho vào cái túi xách của tôi đặt trên bàn và nói: “Người ta bảo tôi góp ý để anh cắt ngắn bớt đi. Nhưng tôi đã nói với họ rồi, có những nhà văn đơn giản có thể viết ngắn, nhưng có nhà văn phức tạp người ta phải viết dài”.

Tuyển tập in ra, anh Nguyễn Văn Bổng lúc đó là Tổng biên tập tuần báo Văn nghệ, tổ chức một cuộc hội thảo về Tuyển tập. Cuộc hội thảo, ngoài Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Tuân và tôi, Lý Hải Châu, Lê Khánh, còn có mặt Xuân Diệu, Tế Hanh, Phạm Hổ, Từ Sơn, Thiếu Mai, Ngọc Trai. Hôm ấy, nghe Nguyễn Tuân phát biểu tôi mới biết, khi quyết định làm tuyển tập, ông Lý Hải Châu đã đưa ra đề nghị hai người làm để tùy Nguyễn Tuân chọn: Vũ Ngọc Phan và Nguyễn Đăng Mạnh. Nguyễn Tuân đã chọn tôi. Ông tỏ ra không ưa Vũ Ngọc Phan và đánh giá rất thấp cuốn “Nhà văn hiện đại” của ông Vũ: “Chẳng có trouvaille gì cả, cứ như một tập catalogue vậy thôi”.

Nico: Một Lời giới thiệu dài 70 trang viết hẳn là một nghiên cứu công phu! Trong thời điểm tế nhị đó, dường như Giáo sư đã quyết định «làm sang» cho nhà văn họ Nguyễn?

GS Nguyễn Đăng Mạnh: Bài giới thiệu “Tuyển tập Nguyễn Tuân” in ra lập tức bị Phan Cự Đệ phê phán, cho là quá đề cao tác phẩm Nguyễn Tuân trước cách mạng tháng Tám. Nhưng người khen nhiều hơn: Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Trương Chính, Quang Huy, Nguyễn Khải. Trong một bức thư gửi cho tôi đề ngày 23/05/1983, Chế Lan Viên có ghi một dòng tái bút: “À, cái tựa anh Mạnh viết về Nguyễn Tuân rất hay. Mong luôn luôn có các công trình như vậy”.

Sau “Tuyển tập Nguyễn Tuân”, ở trong Nam người ta làm “Tuyển tập Thế Lữ”, giao cho Chế Lan Viên và Lê Đình Kỵ. Chế Lan Viên chọn thơ, còn Lê Đình Kỵ thì viết lời giới thiệu. Trước khi viết, anh Kỵ muốn tham khảo ý kiến của Chế Lan Viên.  Chế Lan Viên nói:“Cứ viết như bài tựa “Tuyển tập Nguyễn Tuân” của Nguyễn Đăng Mạnh ấy”. Anh Kỵ cho tôi biết như vậy.

Tôi có một cô bạn dạy ngôn ngữ học ở khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội. Gặp tôi, cô ấy nói: Đọc bài Nguyễn Tuân của anh, thấy anh có thể chết được rồi đấy!”. Tôi sững người, sau mới hiểu ý cô ấy muốn nói, với bài “Lời giới thiệu Nguyễn Tuân” và “Tuyển tập Nguyễn Tuân”, tôi đã có một tác phẩm để đời.

Nico: Trước khi làm Tuyển tập, Giáo sư đã viết gì về Nguyễn Tuân? Ông không sợ bị phê phán là nhà phê bình có vấn đề khi nghiên cứu một nhà văn từng bị xem xét là có vấn đề?

GS Nguyễn Đăng Mạnh: Tôi bắt đầu nghiên cứu Nguyễn Tuân từ năm 1961, khi giảng dạy ở trường Đại học Sư phạm Vinh.

Nghiên cứu Nguyễn Tuân rất mệt. Vì ông không giữ gìn tác phẩm của mình như Xuân Diệu, Huy Cận. Người nghiên cứu phải tự xoay xỏa lấy. Mà đâu phải ông chỉ có những tác phẩm in thành sách. Ông còn có rất nhiều bài viết đăng trên đủ các thứ báo, tạp chí từ Nam ra Bắc, từ trung ương đến các địa phương, như tờ Tuần lễ hay Thanh Nghệ Tĩnh tân văn… Những tài liệu ấy chỉ có ở thư viện Trung ương Hà Nội. Thành ra tôi từ trường Vinh phải luôn luôn đạp xe ra Hà Nội, suốt ngày ở thư viện đến mức quen thân với cán bộ thư viện, cùng ăn cơm trưa với họ, cùng họ chạy xuống hầm trú ẩn khi có báo động.

Nghiên cứu Nguyễn Tuân để làm gì? Viết báo cũng khó, nói chi đến viết sách, vì Nguyễn Tuân hồi ấy bị coi là nhà văn có vấn đề, lắm lệch lạc về tư tưởng chính trị. Nhiều người cho tôi là dại. Sao không nghiên cứu văn thơ Hồ Chí Minh, Tố Hữu hay thơ ca trong tù của những Sóng Hồng, Xuân Thủy, Lê Đức Thọ… như ông Đức ( Hà Minh Đức), ông Đệ ( Phan Cự Đệ). Sách của các ông ấy cứ in tơi bời. Quả tôi là người không thức thời và thiết thực, chỉ thích lao vào những trường hợp phức tạp và chỉ mê những cây bút thực sự có tài, thực sự có tư tưởng, có cá tính và phong cách.

Cho mãi đến năm 1968, do Nguyễn Tuân viết một loạt bài ký chống Mỹ được coi là tiến bộ, ông mới được các báo chí quan tâm. Chị Thiếu Mai lúc ấy là biên tập viên của tạp chí Văn học đặt tôi viết một bài về ký chống Mỹ của Nguyễn Tuân. Công phu nghiên cứu từ lâu, nay mới được dùng đến, tôi mừng quá, hăm hở viết bài “Con đường Nguyễn Tuân đi đến Bút ký chống Mỹ”[1].

Tôi không chỉ viết về bản thân những bài ký chống Mỹ, mà vận dụng những hiểu biết về toàn bộ sự nghiệp của Nguyễn Tuân từ trước cách mạng tháng Tám để chứng minh rằng, với tư tưởng ấy, với phong cách độc đáo ấy, Nguyễn Tuân đã tự vạch ra con đường đi đến những bài ký uyên bác và tài hoa kia như một quy luật tất yếu.

Ông Hoài Thanh, thư ký tòa soạn tạp chí Văn học rất thích bài viết này. Ông duyệt bài này khi có mặt anh Cao Huy Đỉnh. Ông đưa bài viết cho anh Đỉnh và nói: “Phê bình văn học hiện đại phải viết như thế này này”.

Nhưng bài này đã bị phê phán. Người phê phán là ông Tổng bí thư Đảng: Trường Chinh. Thế mới to chuyện! Ông Hoài Thanh cho tôi biết, nhân gặp tôi trong một cuộc hội thảo ở Viện Khoa học giáo dục. Ông vẫy tôi lại nói: “Ông Trường Chinh cho gọi tôi lên, khiển trách tôi đã đăng bài của anh. Bài ấy đã tâng bốc Nguyễn Tuân quá đáng”. Là người rất cẩn trọng, ông ấy dặn: “Tôi nói với anh thế để anh rút kinh nghiệm, nhưng đừng nói lại với anh Mạnh, sợ anh ấy hoang mang”. Nhưng ông Hoài Thanh thấy không cần phải cẩn thận đến thế. Ông nói: “Một bài phê bình không nhất thiết phải nói toàn diện. Nhưng anh đã gặp rủi. Bài của anh đăng trên tạp chí Văn học đúng lúc báo Văn nghệ đăng bài “Tình rừng” của Nguyễn Tuân là bài có vấn đề, bị phê phán”[2].

Nhưng Nguyễn Tuân thì rất thích bài viết của tôi. Hôm ấy, tình cờ gặp ông ở một quán bia hơi phố Huế. Hồi ấy mua bia hơi phải xếp hàng rất dài. Ông vẫy tôi lại, cười khoái chí: “Thế là họ lại kéo anh vào với tôi rồi đấy!”. Do bài viết ấy, tôi đã được Nguyễn Tuân đối xử như một người bạn vong niên tri âm tri kỷ.

(Còn tiếp)

 


[1] Con đường Nguyễn Tuân đi đến Bút ký chống Mỹ  (Tạp chí Văn học, 1968)

[2] Sau này Nguyễn Tuân nói với tôi, Trường Chinh vẫn rất ghét ông, và ông cũng không ưa gì Trường Chinh, ngay từ khi cùng học với nhau ở trường cấp hai Nam Định.

 

NGUYỄN TUÂN, MỘT PHONG CÁCH
ĐỘC ĐÁO VÀ TÀI HOA

 

Nguyễn Tuân bước vào nghề văn như để chơi ngông với thiên hạ. Về căn bản, đó là phản ứng của chủ nghĩa cá nhân kiêu ngạo ở một thanh niên trí thức giàu sức sống nhưng bế tắc. Một cái ngông vừa có màu sắc cổ điển tiếp nối truyền thống của những nhà nho bất đắc chí kiểu Nguyễn Công Trứ, Tú Xương, Tản Đà…và trực tiếp hơn, của cụ Tú Lan thân sinh ra nhà văn, vừa có màu sắc hiện đại tiếp thu ở chủ nghĩa siêu nhân của Nít-sơ, quan niệm con người cao đẳng của Git-dơ và các thứ tư tưởng nổi loạn khác thường thấy trong văn học phương Tây hiện đại. Ngông là một sự chống trả với mọi thứ nền nếp, phép tắc, mọi thứ "đạo lý" thông thường của xã hội bằng cách làm ngược lại với thái độ ngạo đời. Đó là đặc điểm của tất cả những nhân vật ưa thích nhất của Nguyễn Tuân trong các tác phẩm của ông trước Cách mạng tháng Tám.

Nhu cầu chơi ngông buộc Nguyễn Tuân phải đẩy mọi cái thông thường tới cực đoan, thậm chí tới mức trở thành những kỳ thuyết, nghịch thuyết. Vì thế người ta thấy ở Nguyễn Tuân, dường như cái gì cũng thành ra những "chủ nghĩa" này khác: chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa duy mỹ, chủ nghĩa xê dịch, chủ nghĩa hương lạc, chủ nghĩa cảm giác, chủ nghĩa tài tử (dilettantisme), chủ nghĩa ẩm thực và bao trùm lên tất cả là chủ nghĩa độc đáo. Nguyễn Tuân lo nhất là mất cá tính, là giống người khác. Ông ao ước khi chết đi được đem luôn theo mình "nguyên cảo" chứ không để lại một bản sao nào ở đời.

Chủ nghĩa độc đáo trong sinh hoạt tất dẫn đến lối sống lập dị, trong sáng tác tất dẫn đến lối ăn nói bất chấp nội dung ý nghĩa nghiêm túc, tha hồ phóng bút để ném ra những gì kỳ lạ, oái ăm, cầu kỳ, rắc rối. Cuối cùng tất dẫn đến loại sáng tác "yêu ngôn" với những hình tượng thần bí, kỳ quái.

Dĩ nhiên đấy chỉ là nói phía tiêu cực của ngòi bút Nguyễn Tuân. Trên con đường thể hiện cái độc đáo của mình, Nguyễn Tuân đã có những tìm tòi tích cực, đạt tới những giá trị thẩm mỹ thật sự. Và nói cho công bằng, nội dung tâm lý của cái ngông kia không phải chỉ do chủ nghĩa cá nhân bế tắc mà còn do "thiên lương" của một trí thức yêu nước và biết trọng nhân cách, muốn tách mình ra và đặt mình lên trên cái xã hội của những kẻ thoả mãn với thân phận nô lệ. Như vậy là cái ngông của Nguyễn Tuân có cơ sở luân lý của nó - bên cạnh cái luân lý "vô luân" của Nít-sơ, Git-dơ, không phải không có cái khí tiết của Tú Xương, Yên Đổ… Có thể thấy được phần nào cái luân lý ấy của Nguyễn Tuân trong bài Chén rượu vĩnh biệt, ông viết nhân cái chết của Tản Đà. Đôi bạn vong niên ấy chẳng đã gắn bó với nhau ở chỗ cùng lấy lối sống tài hoa lãng tử để chơi ngông với thiên hạ đó sao? Vài tháng trước khi Tản Đà qua đời, Nguyễn Tuân đã uống với thi sĩ một bữa rượu - ai dè đó lại là "chén rượu vĩnh biệt". Bữa rượu nghèo uống với nhau trong một văn nhà chật chội, nhếch nhác ở Ngã Tư Sở giữa một ngày hè oi bức, Tản Đà cho Nguyễn Tuân xem lá thư của Nguyễn Tiên Lãng, nhận làm môi giới xin Bảo Đại trợ cấp cho thi sĩ năm trăm đồng. Nguyễn Tuân đã ghi lại tâm trạng mình lúc ấy: "Tôi cũng biết thế vậy. Tôi lặng lẽ trao lại lá thư cho ông Tản Đà. Vẫn lặng lẽ tôi nhấp một chén rượu. Rượu lúc này sao cay sao đắng lạ". "Ông Tản Đà sắp được triều đình Huế ban cho năm trăm đồng!". Mà rồi từ giờ trở đi, người ta sẽ đưa thi nhân của chúng ta vào cái thế giới nào đây? Tôi tin rằng từ nay trở đi, cái đời văn chương của một thi nhân sẽ bước sang một giai đoạn khác. Tôi ngờ rằng, với số tiền trợ cấp kia, ông Tản Đà sẽ không già tay để hạ những vần rất sai và tác phẩm sau này sẽ nhan nhản những câu thơ rất có "hậu". Sao lại không như thế được?".

Nhưng Tản Đà đã không kịp nhận món tiền trợ cấp đó và Nguyễn Tuân đã "mừng cho cái thơm tho của một thi nhân. Có lẽ ông Trời muốn giữ cho thi nhân được trong sạch nên đã sớm gọi ông Tản Đà về. Người trích tiên, đánh vỡ cái chén ngọc ở Tiên cung đã đến lúc mãn hạn đi đày!"[1].

Trong cái ngông của Tản Đà cũng như của Nguyễn Tuân, vẫn phảng phất "cái thơm tho" ấy của những nghệ sĩ chân chính. Vì vậy chủ nghĩa độc đáo ở Nguyễn Tuân bên cạnh những biểu hiện tiêu cực, những tìm tòi phù phiếm, những lối nói năng "cứ như đấm vào họng" người ta (Đôi tri kỷ gượng), vẫn có nhiều sáng tác nghệ thuật nằm trong văn mạch dân tộc góp phần làm giàu làm đẹp cho văn học nước ta, cho tiếng nói Việt Nam ta.

Sau cách mạng tháng Tám, cái ngông của Nguyễn Tuân không có lý do tồn tại nữa, vì cái "tôi" của ông không có lý do gì để đối lập và gây sự với xã hội đã đổi mới. Từ Lột xác, Đường vui, Tình chiến dịch, đến Sông Đà, Ký chống Mỹ …giọng văn của ông nói chung là tin yêu, đôn hậu.

Cái ngông tuy mất nội dung cố hữu, nhưng  một số biểu hiện nghệ thuật của nó vẫn để lại những thói quen, những kinh nghiệm có thể dùng được trong nghệ thuật cách mạng. Chẳng hạn, giọng khinh bạc của Nguyễn Tuân được phát huy trên lập trường mới, là vũ khí lợi hại để đánh vào kẻ thù của dân tộc và những mặt tiêu cực còn tồn tại trong xã hội mới.

Độc đáo, nếu không đẩy tới mức "chủ nghĩa", là một yêu cầu không thể thiếu của nghệ thuật chân chính. Về mặt này, sở thích và thói quen tìm cách nói mới lạ, không giống ai, đã khiến ngòi bút của ông có sức hấp dẫn riêng.

Ngày xưa, Nguyễn Công Trứ có hai câu thơ tự hoạ rất ngông:

Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.

Đúng là muốn chơi ngông thì phải có tài. Làm khác đời mà không tài, người ta gọi là cái gì gì đó chứ không gọi là ngông. Vì thế, nhân vật Nguyễn Tuân thuần một loại tài hoa tài tử, dù là nam hay nữ, già hay trẻ, dù làm nghệ nghiệp gì, từ những ông Nghè, ông Cử, ông Huấn Cao trong Vang bóng một thời, ông Thông Phu, cô Đào Tám trong Chiếc lư đồng mắt cua, đến anh chàng Hồ chữa xe đạp trong Hai tấm vé số "chơi đàn cải lương nổi tiếng", hay viên thư ký dây thép nào đó trong Chiếc lư đồng… mỗi lúc xuân tới, thu về, nhìn những phong bì thư đẹp và thơm của những cặp tình nhân gửi cho nhau, lại nổi hứng "muốn láy son tàu mà đóng dấu niên hiệu cho họ" chứ không nỡ "đóng cái mực đen nhà nước"… Nói cho cung, tất cả cũng chỉ là những hoá thân khác nhau của anh chàng Nguyễn đó mà thôi - "con người sinh ra để mà thờ Nghệ thuậ với hai chữ viết hoa" (Đôi tri kỷ gượng).

Sau Cách mạng tháng Tám, khi nhà văn đã làm lành với xã hội và ngày càng hoà mình vào cuộc sống của nhân dân, thì thế giới nhân vật của ông cũng không còn thu hẹp và mang tính chủ quan qúa nặng như thế nữa. Nhưng cái chất tài hoa tài tử vẫn là phong thái riêng của nhân vật của ông. Đó là anh tự vệ sao vuông hồi đầu kháng chiến, chọc chọc lưỡi lê xuống bóng trăng nơi vũng nước hầm đào mà mắng yêu chị Nguyệt (Đường vui), là anh bộ đội chống Pháp trên chiến trường Tây Bắc nguỵ trang bằng hoa đào và đuổi giặc giữa rừng đào (Tình chiến dịch), là những pháo thủ thủ đô thời chống Mỹ, trong chiến đấu vẫn hào hoa thanh lịch (Hà Nội đánh Mỹ giỏi), là những chính trị phạm trong trong nhà tù Sơn La năm nào, đấu tranh để được ngắm trăng đêm trung thu, là người tù cộng sản Tô Hiệu "trước khi khuất đi còn lẩy cái câu Kiều đào đông cười gió", là những cô lái đò Tây Bắc có dáng vóc rất "tạo hình" trên những con thuyền đuôi én cao vút, và những ông lái đò vượt thác sông Đà "tay lái ra hoa" (Sông Đà)

Nguyễn Tuân mỗi khi cầm bút dường như lại tự đặt cho mình yêu cầu này: phải chứng tỏ cho được cái tài hoa, uyên bác hơn đời của mình. Ông có thói quen nhìn sự vật ở mặt mỹ thuật của nó, cố tìm cho ra ở đấy những gì nên hoạ, nên thơ. Đồng thời mỗi điểm quan sát của ông phải là một đối tượng khảo cứu đến kỳ cùng. Ngày xưa bế tắc trong cuộc đời thực tại, tầm mắt không vượt khỏi được môi trường quẩn đọng, xám xịt của cuộc sống tư sản, tiểu tư sản, ông thường đi tìm cái đẹp ở thiên nhiên hay ở qúa khứ tách rời hiện thực. Hồi ấy, dùng tài hoa, uyên bác để chơi ngông với thiên hạ, ông khó lòng tránh khỏi chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa duy mỹ và lối suy nghĩ phù phiếm chẻ sợi tóc làm tư. Ngày nay, ông đi tìm cái đẹp, chất thơ ngay trong thực tại và thiên hướng khảo cứu giúp ông tìm hiểu nghiêm túc và sâu sắc cuộc sống chiến đấu và sản xuất của nhân dân. Nhìn chung, từ Đường vui, Tình chiến dịch, đến Sông Đà và Ký chống Mỹ… cái uyên bác, tài hoa của Nguyễn Tuân ngày càng được phát huy trên quan điểm nghệ thuật cách mạng, đã đem đến cho tác phẩm của ông một giá trị thẩm mỹ riêng, một giá trị thông tin riêng. Thể hiện nét phong cách này, lối viết của Nguyễn Tuân thường tập trung vào một điểm và vận dụng một cách tổng hợp cách khảo sát của nhiều ngành văn hoá khác nhau để đào sâu cho đến "sơn cùng thuỷ tận". Vì thế, có những hiện tượng, đối với những cây bút khác tưởng chừng chẳng có gì đáng nói, nhưng Nguyễn Tuân thì có thể viết mãi, bàn mãi hết trang này đến trang khác; ông lật mặt này, ông trở mặt khác, xoay ngang, xoay dọc, nhìn xa, nhìn gần, khi thì bằng cặp mắt văn học, khi thì bằng con mắt hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc, vũ đạo hay điện ảnh, khi lại soi bằng cặp kính nhà sử học, nhà địa lý học (có khi cả vật lý học, địa chất học, côn trùng học… nữa). Không đọc Nguyễn Tuân, dễ mấy ai biết con sông Đà có những cái thác như Hát Moong, Hát Tiểu dữ dội đến thế và Tây Bắc có những ông lái đò trí dũng tuyệt vời đến thế. Nguyễn Tuân đã đếm, đã tính cho ta nghe có bao nhiêu tên làng, tên xóm, bao nhiêu loài cá, loài chim ở vùng đất Cà Mau, bao nhiêu thứ gỗ quý trên rừng Việt Bắc, bao nhiêu thứ cây tươi trên các đường phố Hà Nội, bao nhiêu tấm ván trên cầu Hiền Lương, bao nhiêu cái chợ ở thành phố Sài Gòn… Nhờ có Nguyễn Tuân chúng ta tưởng như được đến chỗ tận cùng của Tổ quốc, đứng trên cái Bãi Bùn hàng năm lấn ra biển từ 70 đến 100m mà nhìn đảo Hòn Khoai như đang bơi bơi vào đất liền quê mẹ. Tác phong của Nguyễn Tuân là, nếu có thể, thì phải đến tận nơi, nhìn tận mắt, để mô tả cho chính xác. Nhờ thế, ta được cùng Nguyễn Tuân lên tận đỉnhPhanxipăng để xem những mầm hoa đỗ quyên vĩ đại màu ngũ sắc (Tây Bắc và Lào Cai), được đến Vân Đồn để nghe vọng về từ qúa khứ tiếng sóng đời Trần (Huyện đảo), được đến tận đảo Thanh Luân, Cô Tô từ bốn giờ sáng, rình xem mặt trời mọc trên biển cả (Cô Tô)

Người ta thường nói đến cái máu giang hồ xê dịch của Nguyễn Tuân. Chính ông cũng thương tự khoe khoang như thế. Đó là một con người hiếu động, đúng như nhận xét của ông Thông Phu trong Chiếc lư đồng mắt cua. Hồi ấy, bực bội với đời, ông tưởng có thể đóng vai ẩn sĩ, giam mình suốt đời ở một cái trại Hạc vắng vẻ nào đó. Nhưng cuộc ở ẩn không qúa được một ngày. Con người kiêu ngạo ấy thế mà rất sợ cô độc. Chính ở cái trại hoang kia mà ông đã kinh hãi cảm thấy mình hoàn toàn goá bụa "goá vợ con, thân thích, anh em bạn, goá nhân loại, goá hết cả" (Chiếc lư đồng…). Con người ấy coi sống chỉ là để thực hiện cá tính của mình, đi đâu, ở đâu cũng chỉ là để tìm mình. Nhưng phải tìm mình trong nhân loại, phải chen vai thích cánh giữa chỗ đông người. Đó là con người của thành thị, phố xá, của nhà ga, bến tàu, của cả lầu, tửu quán, hý viện… Không phải ngẫu nhiên mà thuộc vào số những trang viết hay nhất của Nguyễn Tuân, có những trang viết về chợ búa: chợ Tết Hồng Kông, chợ trời Cống Thần, chợ Tàu Aỉ  Khẩu, chợ hoa Tết Hà Nội… Hiếu động nên thích đi. Đi để "thay thực đơn cho giác quan". Dĩ nhiên phải là mới lạ, bất ngờ và mãnh liệt: "Tôi muốn mỗi ngày trong cuộc sống của tôi phải cho tôi cái say của rượu tối tân hôn." (Một lá thư không gửi)[2]. Nguyễn Tuân không chịu nổi cái gì chung chung, nhạt nhạt, bằng phẳng, hời hợt, quanh quẩn, đơn điệu. Đó là "một nguồn sống bồng bột tắc lối thoát" (Tóc chị Hoài). Nguyễn Tuân không thích cái gì yên ổn, mực thước, khuôn phép. Ông gọi thế là "công chức", công chức trong đời sống, công chức trong văn chương. Ông đã từng luận về hai chữ "tung" và "hoành" trong nghệ thuật. Hoành là mực thước, thiếu cảm hứng mãnh liệt. Tung là tạo ra tiếng "vang dội ầm lên một thời", là "hành binh bằng một cuộc đại tấn công", là những tìm tòi mạo hiểm, là cảm xúc mạnh, là hơi thở nồng (Đôi tri kỷ gượng). Con người ấy đã yêu thì yêu mê đắm, đã ghét thì phải căm thù, đã uống rượu thì phải uống cả cấn "dĩ tận vi độ", đã đi thì đi đến đầu sông ngọn nguồn, tới những nơi tột cùng của Tổ quốc, đã tìm hiểu, bàn bạc thì phải tìm cho đến ngành ngọn gốc rễ. Đây là ca sĩ của những vẻ đẹp tinh khôi tuyệt đỉnh của tạo hoá, của sắc ngọc trai đáy biển, của bầu trời trong trên đỉnh núi Mèo, của bông tuyết đầu mùa ở Lêningrát, của hoa lan "vương giả", cuả bông thủy tiên nở đúng đêm giao thừa… Chữ nghĩa của Nguyễn Tuân chỉ phô hết màu sắc, góc cạnh khi ông tả những cổng trời Hà Giang, khiến người thì long bánh chè, ngựa phải truỵ thai, khi tả gió, tả bão, khi ông diễn lại cảnh những ông lái đò vượt thác sông Đà như lao vào thạch trận…

Trước Cách mạng tháng Tám, nét phong cách sâu đắm này gắn với chủ nghĩa xê dịch, chủ nghĩa hưởng lạc, với thái độ sống vô trách nhiệm. Sau cách mạng, nếu nói xê dịch thì Nguyễn Tuân còn "xê dịch" nhiều gấp bội, "xê dịch" trên bộ, trên sông, trên biển, trên trời. "Xê dịch" trong nước, ngoài nước. Những bây giờ xê dịch có mục đích cách mạng, là đi công tác, đi thực tế, đi mà gắn bó, ở đâu cũng thấy là quê hương mình.

Đọc Nguyễn Tuân, một mặt thấy ông rõ ràng là cây bút của hôm nay, một nhà văn của thời sự, một mặt lại thấy có một cái gì rất đỗi cổ kính, cổ điển.

Ngày xưa, trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Tuân, cái cổ điển thường chiếm ưu thế. Đó là nhà văn của "Vang bóng một thời". Hồi ấy, đối với hiện tại, đối với những cái nhỡn tiền - dĩ nhiên là trong phạm vi môi trường sống của ông - ông chỉ thấy có chất văn xuôi phàm tục. Ông hoàn toàn thoát ly thực tại, nhưng nhìn thực tại ông chỉ thấy vẻ đẹp, chất thơ thuộc về những cái của ngày xưa còn vương sót lại. Cuộc đời đối với ông là một khu vườn tàn tạ khi mùa xuân đã hết. Ông buồn rầu đi tìm kiếm, lượm lặt những nhành hoa cuối mùa, những cánh hoa tàn rụng. Hồi ấy, ông đối lập xưa với nay, cổ với kim. Ông tự cho thuộc lớp người "sinh lầm thế kỷ", lạc lõng giữa thời đại - ông thường gọi là thời đại cơ khí khiếm người ta bị cơ khí hoá đến cả tâm hồn. Không ai tri kỷ, ông dựng lên những nhân vật như Phu nhân họ Bô, chị Hoài… những con người của thời cũ còn sót lại, để làm nơi ẩn dật của tâm hồn khi cảm thấy quá mệt mỏi với hiện tại. Ông gọi đấy là những bến nước thiên nhiên khuất nẻo yên tĩnh cho tâm óc ông tìm đến thả neo. Hồi ấy, đối với những cái của hiện tại ông thường chỉ dành cho những lời khinh bạc. Nhưng đối với những cái của ngày xưa, giọng văn của ông bao giờ cũng đôn hậu. Đôn hậu nhưng biết bao buồn tủi, ngậm ngùi. Cái "mỹ học hoài cựu" đó khiến ông nhớ da diết thành phố Huế với cái nhịp chầm chậm của nước chảy, của lá rơi, của những cô gái Huế bước đi ngăn ngắn trên cầu Thành Thái, một tay giữ lấy vạt áo dài, một tay kéo nghiêng mép nón bài thơ; giúp ông viết rất hay về Cửa Đại có cái bến nước giống như bến nước nào đấy trong thơ Đỗ Phủ (chỉ thiếu cái tiếng "dồn châm")…

Chất thơ hoài cựu đó, ông đã gợi lại, dựng lại bằng kỹ thuật và phương tiện hiện đại. Chính nhờ phương tiện ấy, kỹ thuật ấy, ông đã "phục chế" thành công những bức tranh cổ, những bức tượng cổ, những tấm bia tàn… Chất thơ hoài cựu chẳng những là linh hồn của những tác phẩm về đề tài cổ, mà còn luôn luôn phảng phất trên những trang viết của ông về cuộc sống hiện tại. Chỉ cần có chút gì của cuộc đời thực tại liên quan đến kho tàng văn liệu cổ của ông, là lập tức thế giới thẩm mỹ xưa cũ hiển hiện ngay lên trong tưởng tượng và tuôn chảy dưới ngòi bút:

"Sương nhìn cái bóng trắng của Tần lâu mãi mà không chịu nhòe với khói than đá, nhớ đến cái thú vị cuộc tiễn đưa về thời xưa cũ, người ta bày một cái đoản đình, rồi lại một cái trường đình, uống cạn một chén rượu, người ngồi trên ngựa dùng dằng mãi mới ra roi và nới cương, kẻ đứng dưới thì ngậm ngùi vòng hai cửa tay áo rộng lại, lạy một lạy và hướng mãi về phía đám bụi hồng không chịu tan bay theo móng ngựa" (Thiếu quê hương).

Sau Cách mạng tháng Tám, khi Nguyễn Tuân tự đặt cho mình yêu cầu phải "đào thải tất cả cố nhân trong lòng mình", thì cái "mùi hoài cựu" bị ông coi là một "cố nhân" đáng sợ nhất. Sợ đến nỗi, ông không dám đi xem hát chèo và đọc Văn đàn bảo giám[3]. Có phải vì lý do ấy chăng mà bẵng đi một thời gian dài, không thấy ông viết về một đề tài nào nói về dĩ vãng?

Có thể nói, từ Sông Đà trở đi, Nguyễn Tuân mới mạnh dạn và thoải mái viết về cái cũ. Ông vẫn giữ thói quen tìm cái đẹp xưa trong cái ngày nay. Nhưng giờ đây, ông không viết trên tinh thần đối lập với thực tại, nghĩa là phủ nhận cái hôm nay, nuối tiếc cái ngày xưa. Trong Sông Đà, ông nhắc lại lý lịch đầy tội ác của vua Mèo Đèo Văn Long, ông kể chuyện "tô nghệ thuật" tủi nhục của những kiếp "Cô xoè nô tì", để làm bật sáng hơn niềm vui của Tây Bắc giải phóng; ông ôn lại những gian khổ hy sinh của những người công sản trong nhà tù Sơn La, thái độ ung dung tựu nghĩa của đồng chí Tô Hiệu, những ngày gối đất nằm sương, luồn rừng lội suối của các cán bộ hoạt động bí mật hồi Tây Bắc còn bị địch chiếm… để người đọc thấy hết cái giá rất cao của mỗi ngày được sống trong độc lập, tự do.

Thói quen đi tìm cái xưa trong cái nay khiến Nguyễn Tuân luôn luôn quan tâm đến chiều thời gian, chiều lịch sử của các sự kiện, các hiện tượng mà ông quan sát, mô tả… Những bài ký của ông, vì thế, có một phẩm chất riêng, vượt cao hơn giá trị thông tin thời sự đơn giản - không phải chỉ là những tri thức lịch sử cụ thể sinh động, của tổ tiên ông bà được gợi lên từ lịch sử các địa danh, lịch sử các địa phương mà ông thường say sưa thuật kể với nhiều chi tiết thú vị.

Về cái vốn văn liệu, thì liệu cổ điển của ông, ngày nay ông cũng sử dụng theo tinh thần mới, thường là để phát hiện và diễn tả vẻ đẹp tuyệt vời của Tổ quốc mình:

"Đã có lần tôi nhìn Sông Đà như một cố nhân. Chuyến ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu, đã thấy thèm chỗ thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất là mình sắp đổ ra sông Đà. Xuống một cái dốc núi, trước mặt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy. Tôi nhìn cái miếng sáng loé lên một màu nắng tháng ba Đường thi "yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu"…" (Sông Đà).

Có những hình ảnh khó phân biệt được cổ hay kim, Đông hay Tây.

"Cho đến cái đêm bọn tôi ra ga xe lửa đi Lêningrát, vàng Nga vẫn còn như níu hoàng hôn giữa khu vường Bách Thảo có một cặp voi Việt Nam dang mài ngà vào nhau mà nhớ một bụi chuối bên quê cũ" (Lêningrát tuyết đầu mùa).

Nhiều khi ông cố tình đặt cái hiện đại vào giữa cái cổ điển, tạo ra hiệu quả thẩm mỹ độc đáo: "Mùa ban nở tháng hai trắng có tí má hồng xếp hàng sẵn bên đường như một buổi liên hoan đón khách quý vào thăm… Không phải là cưỡi ngựa xem hoa, mà là ngồi com-măng-ca mà xem hoa; ngồi bên cái máy nổ vận tải mà xuyên quan dặm hoa ban, cái xe hiện đại đi qua cả một thiên tình sử cũ của người Thái vẫn còn lưu lại một chút hương mát mát xa xa" (Nhật ký lên Mèo).

Cá tính và phong cách Nguyễn Tuân tự tìm đến thể tài tuỳ bút như là một tất yếu. Trong văn học, có lẽ đây là thể tài chủ quan nhất và tự do nhất.

Tùy bút là gì? Định nghĩa vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì khái niệm bản thân nó đã tự giải thích: là phóng bút, tùy bút mà viết chứ sao! Nhưng chính vì thế mà khó. Vậy thì còn có thể nói gì về quy tắc thể loại của nó nữa? Ở phương Tây hiện đại, tùy bút rất phát triển. Nhưng càng phát triển, khái niệm tùy bút càng mơ hồ hơn. Có người đã nói: "tự do là phép tắc duy nhất của tùy bút". Có thể hiểu một cách đại khái thế này: người viết tùy bút thường mượn cớ thuật lại một sự kiện, một mẩu chuyện nào đó mà mình có trải qua để nhân đấy, nêu lên những vấn đề này khác mà bàn bạc, mà nghị luận, triết luận, ném ra những suy tưởng của mình một cách thoải mái, phóng túng.

Cũng như định nghĩa tùy bút, viết tùy bút vừa dễ, vừa khó. Viết tùy bút thì cứ phóng bút mà viết, khó gì đâu! Tìm trên báo chí, những người đã viết dăm ba bài tùy bút, bút ký chắc không ít. Những trở thành một nhà tùy bút, chỉ chuyện viết tùy bút, tạo ra cho mình một sự nghiệp văn chương chủ yếu bằng bút ký, tùy bút, có lẽ chỉ có Nguyễn Tuân.

Tùy bút do tính chất tự do của nó như thế nên ở mỗi một cây bút lại có những màu sắc riêng.

Tùy bút Nguyễn Tuân có nhiều yếu tố truyện. Nếu xét riêng về mặt thể loại thì qúa trình sáng tác của Nguyễn Tuân là quá trình đi từ truyện đến tùy bút. Trước Cách mạng tháng Tám, ông viết cả hai loại. Sau cách mạng, ông viết truyện ít hơn. Từ khoảng 1960 lại đây, tùy bút dường như là thể tài duy nhất của ông. Nếu đọc truyện ngắn, truyện dài của ông, người ta thường thấy pha chất tùy bút, thì ngược lại, đọc tùy bút của ông người ta lại thấy có pha chất truyện. Nghĩa là có dùng đến trí tưởng tượng để dựng cảnh, dựng truyện và có mô tả tâm lý, khắc hoạ tính cách nhân vật đến một chừng mực nào đấy.

Tùy bút Nguyễn Tuân đồng thời lại mang đậm tính chất ký, nghĩa là ghi chép sự thật và thông tin thời sự chính xác. Một thứ tùy bút pha du ký, ký sự hay phóng sự điều tra. Cần nhớ rằng, ông vốn xuất thân là một nhà báo, một thông tin viên. Ông cũng đã viết nhiều du ký, phóng sự đặc sắc. Đặc điểm ấy, thêm tác phong khảo cứu đào sâu đã giúp cho tùy bút Nguyễn Tuân có lượng thông tin đáng tin cậy và có nhiều giá trị tư liệu.

Đặc điểm của tuỳ bút là giàu tính trữ tình. Nghĩa là tác giả được phép trực tiếp bộc lộ cảm nghĩ của mình, thông qua cái "tôi" chủ quan mà phản ánh hiện thực.

Tùy bút Nguyễn Tuân đúng là "tùy bút", nghĩa là hết sức tự do. Mạch văn theo dòng suy nghĩ miên man, chuyện nọ gọi chuyện kia dường như cứ theo trí nhớ "lông bông", "tài tử" mà liên tưởng tạt ngang hoặc cóc nhảy, bất chấp trình tự thông thường của thời gian, không gian. Người không ưa, gọi thế là đầu Ngô mình Sở. Người thích thì gọi là có tài đánh - vận động chiến trên trận địa bút ký"[4]. Phải nhận rằng lối hành văn, dẫn chuyện như thế có ưu điểm là biến hoá linh hoạt không đơn điệu tẻ nhạt, luồng thông tin phong phú, hình tượng chồng chất đa dạng. Dĩ nhiên muốn thấy được điều đó, phải đọc chậm, đọc kỹ, đặt mình vào dòng liên tưởng của tác giả mà bắt lấy mạch văn. Rồi lại phải đọc lại và lùi xa ra mà ghi nhận lấy ấn tượng toàn cảnh, khí mạo toàn bài. Người ta nói đọc Nguyễn Tuân phải đọc lúc nhàn rỗi là vì thế.

Xét đến cùn, chỗ mạnh chỗ yếu, chỗ hay chỗ dở của tuỳ bút Nguyễn Tuân là ở cái "tôi" của ông. Ông cũng có một số nhân vật, nhưng nhiều khi đó cũng chỉ là cái cớ để ông thay đổi giọng kể chuyện mà thôi. Ngày xưa, ông gọi thế là "chơi lối độc tấu". Bây giờ ông cũng vẫn tiếp tục "chơi" một lối ấy. Đã định "chơi" lối này mà muốn giữ được cảm tình với độc giả tất phải giữ sao cho cái tôi lúc nào cũng có duyên mặn mà, lúc nào cũng có những điều mới mẻ, bổ ích mà nói. Phấn đấu đạt yêu cầu đó một cách thường xuyên liên tục, thật khó vậy thay! Nguyễn Tuân đã tự dấn thân vào một con đường cheo leo, nguy hiểm, luôn luôn bị đe dọa trở thành trơ trẽn, vô duyên, tự lặp lại mình một cách nhàm chán. Những thử thách ấy, không phải bao giờ ông cũng vượt qua được - và chắc có lúc ông cũng cảm thấy mệt mỏi. Nhưng nhìn chung, ông đã gan góc và bền bỉ phấn đấu, cố luyện cho mình một bản lĩnh để có thể dấn bước đến cùng.

Nói về cái duyên của Nguyễn Tuân, người ta nghĩ đến lối nói năng, kể chuyện rất vui, rất hóm của ông. Đúng là đọc Nguyễn Tuân nhiều khi ngồi một mình mà bật cười. Vui vì viết văn mà cứ như là trò chuyện thoải mái theo lối tán gẫu, nói trạng. Vui vì giọng văn luôn luôn chuyển đổi, linh hoạt, đang trang nghiêm cổ kính bỗng chuyển sang bông đùa vui nhộn, đang nói giọng Bắc chuyển sang giọng Trung, giọng Nam. Vui vì cái chất trẻ trung hồn nhiên của nhân vật "tôi": lúc nào cũng đi lại, hoạt động, háo hức với mọi cái mới lạ, hễ cứ được no tai, no mắt là thích.

Nói đến tuỳ bút Nguyễn Tuân, phải nói đến giá trị của nó về mặt văn chương chữ nghĩa hiểu theo nghĩa hẹp, nghĩa là những tìm tòi sáng tạo trong cách diễn ý, tả cảnh, trong cách đặt câu, dùng từ[5]. Nguyễn Tuân thuộc số những nhà văn yêu tha thiết và hiểu sâu sắc tiếng mẹ đẻ. Ông sống với từng hình ảnh khắc họa, từng câu viết, từng từ đặt trên trang giấy.

Đọc Nguyễn Tuân, nhà tu từ học kiếm được nhiều bằng chứng thú vị về những phép ví von, so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, tượng trưng…

Trước cách mạng, lối chơi ngông và chủ nghĩa độc đáo của Nguyễn Tuân thường dẫn đến những lối ví von tuy chính xác và mới lạ đấy, nhưng nhiều khi thật oái ăm:

"Ông thử roi vào mặt trống, rồi uốn hai đầu xuống, thân roi ưỡn ngửa mãi lên như lúc người đàn bà tranh một cái hôn bạo" (Đời roi).

Và khinh bạc:

"Thủy tinh bóng đèn điện không có lửa, dưới ánh nắng bóng bẩy như đồ tế nhuyễn mạ và vô liêm sỉ như những cuộc đời không có chân giá, mỗi tí hào nhoáng phủ lên trên chỉ toàn là của đi mượn" (Chiếc lư đồng).

Và bi quan:

"Đè lên màu tang bầu không khí thu muộn, chất bóng cốc pha lê nổi bật hẳn lên như nét cười của một người công binh lúc tắt nghĩ" (Lại đi nữa).

Sau cách mạng, Nguyễn Tuân vẫn có những tìm tòi độc đáo nhưng thể hiện những cảm nghĩ trong sáng, khoẻ khoắn.

Nguyễn Tuân có lối mô tả cảnh vật bằng những liên tưởng chuyển đổi cảm giác rất tinh tế. Có khi từ cảm giác chuyển sang tâm trạng: "Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sư (…), hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa" (Sông Đà), "Mùa đông năm 1967, da trời Hà Nội thấp thỏm xanh ngắt một niềm cảnh giác" (Hà Nội đánh Mỹ giỏi)

Câu văn Nguyễn Tuân cũng có nhiều kiểu kiến trúc đa dạng. Ông là một nghệ sĩ ngôn từ biết chú trọng tới âm điệu, nhịp điệu của câu văn xuôi. Ông thường nói, người làm nghề viết phải biết tạo ra những câu văn có khớp xương biết co duỗi nhịp nhàng.

Nguyễn Tuân có một kho từ vựng hết sức phong phú mà ông đã cần cù tích lũy với lòng yêu say mê tiếng mẹ đẻ. Mà không phải chỉ tích lũy những từ sẵn có. Ông luôn luôn có ý thức sáng tạo từ mới và cách dùng từ mới. Vốn từ vựng đối với người viết văn như nước đối với cá. Từ càng giàu có, người viết càng thả sức tung hoành. Đọc Nguyễn Tuân, thấy ông như con cá vùng vẫy thoải mái giữa hồ sâu nước cá là vì thế.

Vốn từ vựng ấy, trước Cách mạng tháng Tám, ông thường dùng để chơi ngông với đời hoặc đưa ra những cách nói năng oái ăm kỳ cục cốt để trêu ghẹo thiên hạ, hoặc đổ tràn ra mặt giấy để phô tài, khoe chữ.

Sau Cách mạng tháng Tám, ông dùng vốn từ ngữ ấy để ngợi ca Tổ quốc, ngợi ca nhân dân và để đánh địch.

Nói chung, vốn từ ngữ của Nguyễn Tuân thường bộc lộ đầy đủ "trữ lượng" của nó trong hai trường hợp: một là khi ông tập trung đi sâu vào một điểm mà mô tả, nhu cầu tránh trùng lặp buộc ông phải tung ra tất cả những từ đồng nghĩa có trong vốn liếng của mình (từ sẵn có nhiều khi không đủ, ông phải sáng tạo ra những cách diễn đạt đồng nghĩa khác nhau)[6]. Hai là khi có hiện tượng mới lạ, độc đáo và thú vị đập mạnh vào giác quan nghệ sĩ của ông, cảm hứng được khơi dậy mãnh liệt - nhiều khi bốc lên say sưa, chếnh choáng - ông bèn quyết ném ra bằng hết vốn từ ngữ của mình để chạy đua với tạo vật muôn màu muôn vẻ. Những cuộc chạy đua căng thẳng mà rất hào hứng như thế thường tạo ra những trang tài hoa nhất của Nguyễn Tuân.

Nguyễn Tuân "xê dịch", Nguyễn Tuân ẩm thực

Nói đến Nguyễn Tuân, người ta thường nghĩ đến cái gọi là chủ nghĩa xê dịch. Con người thích chơi ngông ấy rất khoái khi ném ra được những nghịch lý, nghịch thuyết. Chủ nghĩa xê dịch cũng là một thứ nghịch thuyết. Đi không cần mục đích, không cần nơi đến, cốt là cứ được lăn cái vỏ mình mãi mãi trên mặt đất này, dù bằng phương tiện nào, dù đi nhanh hay đi chậm, thậm chí ngồi trên xe hồ lô lăn đường cũng được. Thứ lý thuyết này thực ra chẳng phải do Nguyễn Tuân sáng tạo ra. Ông vay mượn nó ở phương Tây. Người đầu tiên nêu ra nó hình như là nhà triết học Nitsơ, kế đó là những Angđrê Giđơ, Pôn Môrăng… Cái lý thuyết nghe có vẻ vớ vẩn thế thôi, ấy vậy mà có một thời cũng hấp dẫn đáo để. Tôi biết có những người đã mê Thiếu quê hương của Nguyễn Tuân đến mức bắt chước đến từng chi tiết một nhân vật mắc bệnh xê dịch trong cuốn tiểu thuyết này. Lại có một chiến sĩ Nam tiến hồi đầu cách mạng, trên đường vô Nam đánh giặc, trong ba lô chỉ vẻn vẹn có một bộ quần áo và một cuốn Thiếu quê hương dày cộp. Thực ra du lịch vốn là một cái thú của con người ta xưa nay. Nhưng đây lên đến mức thành cái gọi là "chủ nghĩa xê dịch" là vì nó phù hợp với tâm lý bực bội của cả một thế hệ thanh niên tri thức thời thuộc Pháp đầy sức sống, đầy khát vọng tự khẳng định mình, mà lại bị vây hãm vào một cái môi trường thị dân.

                                                                               Hà nội, 1980



[1] Tao đàn tạp chí số đặc biệt kỷ niệm Tản Đà 1939

[2] Tuỳ bút 1

[3] Vô đề (hay Lột xác) - Tài liệu đã dẫn.

[4] Anh Đức: Lá thư cuối năm từ miền Nam. Văn nghệ số 94. 12 - 2 - 1965

[5] Nghiên cứu phương diện này của sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân vẫn có một chuyên luận riêng.

[6] Chẳng hạn nói về những chiếc cà vạt bị bỏ quên trong tủ, ông dùng các cách diễn đạt: đám cà vạt tơ, những dải lụa màu, những thân tơ óng ả, những kiếp tơ tằm nhuộm thắm, loại tơ quấn cổ, những cung nhân bị bỏ rơi, nhưng nàng phi thất sủng... (Cái cà vạt đen - Nguyễn). Nói về bọn phi công Mỹ, ông dùng những từ: phi công Mỹ, cướp trời, giặc trời, vân phi... Nói về bọn tù Mỹ bị giải đi: một dây tù Mỹ, một lũ tù dây, một dây tối tù, một chuỗi quỷ sống, một xâu rỏ lại...

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook