CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Nico-paris.com hỏi - GS Nguyễn Đăng Mạnh trả lời

TÌNH HÌNH NGÔN LUẬN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Thứ hai ngày 15 tháng 10 năm 2012 2:16 AM

Nico-paris.com: Năm 2012, nhà giáo nhân dân, giáo sư, nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh bước vào tuổi 83. Hơn 50 năm gắn bó với nghề dạy học và nghiên cứu-phê bình, ông đã từng là chủ biên của nhiều tập giáo trình đại học, nhiều bộ sách giáo khoa Ngữ văn, nhiều bài phê bình văn học sắc sảo và không ít công trình nghiên cứu công phu, có giá trị về các nhà văn Việt Nam hiện đại, đặc biệt là các nhà văn trong giai đoạn 1930-1975. Trên hành trình từ bục giảng đến văn đàn, ông đã để lại dấu ấn đáng nhớ trong tâm khảm của nhiều thế hệ học trò cũng như trong lòng độc giả.

Bạn đọc trong và ngoài nước đã có dịp làm quen với nhiều bài phê bình văn học đặc sắc của ông, nhưng những chuyện “bếp núc” xung quanh các bài phê bình ấy thì ông vẫn ủ kín trong lòng như những kỷ niệm khó quên.

Nico-paris.com hân hạnh được khai thác và trân trọng giới thiệu với bạn đọc những tâm sự của GS Nguyễn Đăng Mạnh qua những cuộc phỏng vấn xung quanh một số bài phê bình nổi tiếng của ông.


PHẦN X  



Nico: Thưa G.S, trang nico-paris.com đã vô cùng hân hạnh được phỏng vấn và đăng tải những câu trả lời cùng những bài phê bình tâm huyết của Giáo sư. Phần hỏi đáp trong suốt thời gian qua đặc biệt thu hút đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước. Thay mặt bạn đọc của trang, tôi xin trân trọng gửi tới Giáo sư lời cảm ơn sâu sắc. Để kết thúc phần này, kính mong Giáo sư cho biết thêm: qua nửa thế kỷ viết văn, làm sách, Giáo sư đã có kinh nghiệm gì trong điều kiện tự do ngôn luận còn nhiều hạn chế ở Việt Nam?


G.S Nguyễn Đăng Mạnh: Về tình hình ngôn luận hiện nay ở Việt Nam, cần thấy có 3 loại phát ngôn: phát ngôn trên mạng Internet, phát ngôn miệng và phát ngôn viết.

Phát ngôn trên mạng khá tự do. Nhiều bài phê phán chế độ rất ác, đụng đến cả những nhà lãnh đạo cao nhất. Tất nhiên nhà cầm quyền muốn ngăn chặn và thực sự đã ra sức ngăn chặn, nhưng ngăn chặn không nổi.

Loại phát ngôn này có đáng tin cậy hay không? Ở các trang mạng nếu có tự do nói sự thật, thì cũng có tự do bịa đặt, ăn nói bậy bạ. Người đọc cần tỉnh táo suy xét để phân biệt. Điều này tùy thuộc ở trình độ hiểu biết và quan điểm của người đọc.

Loại phát ngôn này, tuy thế rất có ích. Nó đã làm phá sản chính sách ngu dân, thông tin một chiều, góp phần tạo nên phong trào đấu tranh dân chủ mạnh mẽ trên toàn thế giới.

Gọi là phát ngôn miệng, có nghĩa là những người thân cùng quan điểm, ngồi với nhau bên bàn trà, trong quán nhậu, nói đủ chuyện trên trời dưới đất, trong nước ngoài nước, đề cập thoải mái đến quốc gia đại sự, đụng chạm đến từ kẻ tầm thường đến những lãnh tụ uy quyền nhất. Loại phát ngôn này tất nhiên rất tự do, tuy ở mọi nơi, chỗ nào cũng lảng vảng “cá chìm”, “cá nổi” cả đấy. Nhưng thăm dò kiểm soát làm sao nổi. Mà lời nói gió bay, rất khó tóm bắt được bằng chứng chính xác. (Ấy thế mà hồi Nhân văn – Giai phẩm, có người chỉ phát ngôn miệng mà cũng bị còng tay đấy).

Loại phát ngôn này, đáng tin cậy hay không chỉ có một cách phán đoán là căn cứ vào người phát ngôn. Đó là ai? Có thẩm quyền phát ngôn về lĩnh vực ấy không ? (Nghĩa là có am hiểu lĩnh vực ấy không?). Có uy tín trong giới cầm bút không? Có danh vọng đáng kính và nhân cách đàng hoàng không, nghĩa là bản thân biết trọng lời nói của mình.

Nhớ lại ngày tập Hồi ký  của tôi bị tung lên mạng (2008), nhiều kẻ đã phê phán rất ác. Họ cho tôi chỉ dựa vào những phát ngôn miệng của người này người khác, chẳng có kiểm chứng gì cả. Và họ đã dùng những cụm từ  có tính giễu cợt để mạt sát tôi, nào là “buôn dưa lê”, “ngồi lê đôi mách” “nghe hơi nồi chõ” … Đúng là tôi có “nghe hơi” thật, nhưng “nghe hơi” ai ? Toàn là những Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nguyên Hồng, Hoài Thanh, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc … những người thực sự có thẩm quyền phát ra những thông tin ấy và là những nhân cách đáng tin cậy. Tất nhiên các ông chỉ có thể nói miệng thế thôi, chứ viết ra làm sao được, báo nào dám đăng, sách nào dám in? Và các ông cũng ngại bị lôi thôi chứ. Bướng bỉnh đến như Nguyễn Tuân mà cũng từng có lúc vừa uống rượu, vừa khóc :“Tôi được như thế này là vì biết sợ”.

Loại phát ngôn viết tất nhiên là ít tự do hơn cả, tuy rằng so với vài chục năm trước, sự trói buộc đã nới lỏng hơn nhiều rồi. Loại phát ngôn này có bằng chứng giấy trắng mực đen nên người ta phát ngôn không thể chối cãi được khi bị buộc tội. Lối phát ngôn này có hai mặt lợi ít, hại nhiều.

Bọn cơ hội chủ nghĩa thường lợi dụng lối phát ngôn này để tiến thân. Chúng luôn dỏng tai nghe ngóng chiều hướng lãnh đạo để hùa theo và xác định đối tượng đánh đấm, quy chụp. Sự thực đã có vài tên lưu manh trong đám viết văn, làm báo kiếm được khá nhiều bổng lộc, thậm chí leo lên ghế này ghế khác rất nhanh, nhờ lối viết lách theo “phương pháp nghe ngóng” này.

Ở loại phát ngôn này, những người tử tế, muốn nói lên sự thật, muốn viết điều gì có ích, đều phải hết sức thận trọng. Mỗi khi cầm bút, dù muốn hay không, cũng phải hình dung trước mặt mình ba nhân vật: một nhà phê bình quan phương, chính thống, một ông cán bộ tuyên huấn và một anh công an văn hóa. Nghĩa là trước khi bài viết được đưa lên cho các cấp có thẩm quyền kiểm duyệt, thì bản thân người viết phải chiếu theo những điều cần kiêng kỵ để tự kiểm duyệt rồi.

Tôi theo đuổi loại phát ngôn viết này, tính đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Tôi vốn là người vụng về, không biết che dấu cái yêu, cái ghét, cái khinh, cái trọng của mình, muốn noi gương những bậc đàn anh trong nghề đã có sự nghiệp được người đời kính nể, nghĩa là muốn làm khoa học thật, muốn tìm tòi chân lý thật. Vì thế ngay khi mới bắt đầu thử sức mình trong nghiên cứu phê bình văn học, đã lao ngay vào những đối tượng có vấn đề phức tạp, đặc biệt là những vụ án văn chương, trong đó có những tài năng bị quy tội một cách oan uổng. Không phải ngẫu nhiên mà đối tượng tôi nghiên cứu đầu tiên và say mê nhất là Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Tuân, giữa lúc các ông đang bị người ta dội lên đầu đủ thứ trọng tội. Tôi đã húc vào đây, quyết phanh phui sự thật để giải oan chiêu tuyết cho hai ông nhà văn mà tôi rất kính trọng này.

Thực ra tôi cũng chẳng phải là hạng người gan góc, dũng cảm gì. Nguyễn Tuân còn biết sợ nữa là tôi. Thành ra nói được một sự thật nào đấy, thì phải rào đón quanh co, tìm cách che chắn cho kín trước búa rìu của những tay phê bình quan phương chính thống.

Ấy thế mà vẫn bị đánh đấm túi bụi. Mà đâu phải chỉ do những bài viết về Vũ Trọng Phụng hay Nguyễn Tuân. Hầu như tất cả những bài viết của tôi đều bị phê phán, từ bài viết về văn thơ Hồ Chí Minh đến những bài về Xuân Diệu, Hoài Thanh, Nguyên Hồng … cả những bài khái quát về lịch sử văn học trong sách giáo khoa bậc Trung học phổ thông.

Có lẽ vì thế mà cả ở nước ngoài, có người đã đồn đại tôi bị bắt. Đầu tháng ba năm 1993, một đoàn nhà văn Thụy điển sang thăm Việt nam đã đưa ra thông tin này.

Nhưng tôi tự thấy vẫn là người may mắn, dường như có số quý nhân phù trợ. Cho nên tôi bị bắt chỉ là một tin đồn thất thiệt.

Nico: Xin đa tạ quý nhân. Chân thành cảm ơn Giáo sư và kính chúc Giáo sư sức khỏe dồi dào - vạn sự như ý. 


TP.HCM, tháng 10 năm 2012

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook