Hôm nay, dường như tôi vẫn thấy mẹ ngồi trong góc khuất của căn phòng khách nhỏ. Vầng sáng xanh từ nắp chai pha lê hình đôi chim câu lúc chìm lúc tỏ chấm điểm gương mặt ẩn nét cười. Hương huệ rầu rĩ ngậm không gian.
Mẹ chờ như vậy đã bao năm tôi không đếm nữa. Nhưng nước trong chai L’Air du Temps cha gửi năm nao từ miền Champagne nước Pháp niêm phong lọn dây nơ nhúng vàng không bao giờ mở nay chỉ còn xấp lặn đáy chai. Màu chanh nguyên thủy trong vắt theo thời gian sánh gam hổ phách như nước nho chưng cất ủ sâu lâu năm dưới hầm.
Đôi cánh chim đan lồng níu dựa, đầu dụi đầu xoắn xuýt tủi mừng như vừa bất ngờ đoàn tụ sau chuyến bay hiểm trở hút ngàn. Chất pha lê mờ vân sữa bạc huyền hoặc, đường mài chạm quấn lượn tinh vi, nao nỗi đợi chờ.
Đất Pháp ngày nhớ mẹ, lần hướng đôi chim pha lê, tôi ngược nguồn tìm dấu L’Air du Temps. Thao thức trong ký ức hợp hương ngái hơi sương đọng hoa chi tử viền ven suối, hoang dại vỏ đàn hương nơi rừng thẳm, nồng cay đinh hương quần đảo Banda ướp nắng trời.Trong xa xăm nhấn nha hương diên vỹ, ngát đong đưa vô thức một sắc nhài… L’Air du Temps thanh ngời nữ tính, cưng nựng kẻ đang yêu và quyến dụ ngơ ngẩn niềm khao khát được yêu.
Ngày ấy, Robert Ricci tìm kiếm một mùi hương dịu nhẹ, yên ả có thể giúp người phụ nữ tìm lại nữ tính khi vừa bước ra khỏi nỗi kinh hoàng cuộc chiến tranh thế giới thứ II. Francis Fabron, nhà chế tạo nước hoa cùng thời mang đến trao ông một tinh chất cô luyện từ hơn ba mươi hương liệu. Tao nhã, tươi mát mà kiêu kỳ, chất hương mới lập tức cắt đứt quan niệm cổ điển về một mùi nước hoa Cologne đậm nồng dạn dĩ xộc thẳng vào khứu giác con người.
Nhưng mọi tinh chất dù sang trọng, tinh tế sẽ chỉ là một sản phẩm hóa học đơn thuần từ cây cỏ thiên nhiên nếu như nó mãi nằm trong chai thẳng đuột, mờ nhạt nhãn chỉ dẫn nguyên liệu, không thương hiệu bán trong hiệu thuốc. Cuộc gặp gỡ giữa Robert Ricci1 và Marc Lalique2, sự ra đời của mẫu chai với nắp hình đôi chim câu năm 1948, biểu tượng dịu dàng, lãng mạn của tình yêu và hy vọng mới đưa L’Air du Temps huyền thoại vượt thời gian.
Chuyến tàu Paris – Strasbourg đưa tôi tới vùng đất Alsace xinh đẹp miền Đông nước Pháp, nằm giữa dòng Rhône và biên giới Đức. Triền đồi thấp thoải trải màu lá nho tươi thả dọc xuống ngôi làng dày mái nhà cổ hình chữ A vô số ô cửa sổ và gờ cột chèo gỗ nổi tường màu nâu bóng. Tòa Bảo tàng Lalique ra đời mới chỉ gần một năm, nằm giữa mướt xanh của thiên nhiên, ẩn hiện nép bóng sum sê những lùm cây rậm trên một ngọn đồi, khi mỏng tang trong suốt, lúc chuyển mờ ảo mơ màng theo mỗi bước sáp gần.
Ta có thể đẹp, thanh cao hơn, yêu đời và tràn trề hy vọng hơn khi luôn được tắm mình giữa ánh sáng rạng ngời tinh hoa của cái đẹp. Tuyệt đỉnh của cái đẹp, sự hài hòa giữa nội dung và hình thức giúp ta ngước lên cao để tự hoàn thiện mình. Tôi nghĩ đến điều này khi đi giữa hàng sưu tập «điêu khắc» pha lê Lalique. Chủ đề sáng tạo xuyên suốt của dòng họ Lalique, song hành cùng thiên nhiên là người phụ nữ, đặc trưng của nền nghệ thuật mới. Họ vừa là chủ thể vừa là vật thể trong sáng tác.Tất cả đều đẹp hoàn hảo và chiếu xạ ánh quang. Họ vừa khêu gợi đến từng milimét từ phong thái vươn tay búi tóc kín đáo lột tả những nét lượn cong trên thân thể đến cách thức buông thả tấm voan choàng gợn sóng, vừa thánh thiện trên dáng vẻ thiếu nữ còn chưa phát triển hết độ thanh xuân. Họ mang bóng dáng của những phụ nữ tân-cổ điển bước ra từ thời cổ đại, những nữ thần, những công chúa thủy thần, những nàng tiên cá…Người con gái mảnh dẻ yếu ớt rủ suối tóc mây óng ả, người đàn bà kỳ lạ đang hóa thân thành động vật vừa dịu dàng vừa mê hoặc vừa huyền bí vừa đáng ngờ…Là phù thủy hay tiên nữ, người đàn bà – trẻ thơ và người đàn bà bốc lửa dần chuyển hóa trong trong trí tưởng tượng của Lalique biến thành muôn hoa hay loài vật. Chủ nghĩa tượng trưng là hứng cảm vô cùng của người nghệ sĩ.
René Lalique, cha của Robert là thợ kim hoàn tài hoa danh tiếng trước khi phát triển hướng đi của mình theo xu hướng nghệ thuật trang trí thủy tinh. Những chiếc trâm cài hay đồ trang sức chất liệu thủy tinh đều khắc họa lung linh vẻ đẹp của người phụ nữ. Trong suốt, mờ hay ánh sữa, thủy tinh Lalique khúc xạ có chủ ý tinh tế ánh sáng mặt trăng, mặt trời trên từng chi tiết của tác phẩm nghệ thuật. François Coty, nhà sản xuất nước hoa người đảo Corse tìm đến với Lalique trình bày ý tưởng dành tặng người phụ nữ không chỉ một loại nước thơm quý hiếm mà còn được bảo quản trong một tác phẩm nghệ thuật, đẹp như một đồ trang sức, đính nhãn vàng. Coty và Lalique quyết định quan niệm mới trong lĩnh vực nước hoa: Chai phải là sứ giả bao hàm thông điệp của nội dung chứa đựng, phải mang ý nghĩa biểu tượng của nước hoa, phải thăng hoa cảm xúc đẹp đẽ của con người.
Les Elfes (2002) - Sylphide (2000) - Sirènes (2001)
Một trong những sáng tạo mẫu chai nước hoa đầu tiên gắn kết tình bạn của Coty và Lalique, Ambre Antique (1910), mờ ảo bóng người phụ nữ cổ đại chân trần, tha thướt, trầm lắng mơ mộng với nhành hoa ngang ngực. Thủy tinh mờ, ấm màu nâu đất, thoáng nhìn qua như một bình sữa trẻ. Mẫu chai Suzanne et Thaïs sử dụng lợi thế phản chiếu ánh sáng độc đáo của thủy tinh Lalique, thể hiện thiếu nữ gợi cảm dang rộng tấm khăn voan mờ trên đôi bàn tay mềm mại, nghiêng đầu duyên dáng, nhón trên một mũi chân. Nhan sắc cổ điển, kiểu cách hiện đại, hình ảnh tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ nói chung và dành riêng cho vũ nữ người Mỹ Loï Fuller sau này trở thành mẫu của bức tượng pha lê bất hủ điển hình cho nghệ thuật mới.
Từ đó, cha truyền con nối, René Lalique, Marc Lalique, Marie-Claude Lalique…với hơn bốn trăm mẫu chai thủy tinh và pha lê ra đời chắp cánh cho danh bất hư truyền của những nhãn hiệu nước hoa nổi tiếng trong lịch sử ngành nước hoa xứ Pháp.
Tôi gặp lại mẫu chai L’Air du Temps của mẹ tại đây.
Đôi chim câu pha lê chẳng thể mang về cho mẹ người thương mong đợi. Tóc mẹ nhòa trong ánh sáng sữa pha lê mờ. Sắc duyên đành nghiêng theo phận. Ngày trở lại quê hương, mẹ trao tôi L’Air du Temps cạn kiệt thời gian, dặn trả về nước Pháp. Tôi ôm đôi bồ câu Lalique bên mình. Ánh xanh huyền giữ niềm hy vọng của mẹ cả đoạn trường xuân sắc. Người đàn bà không thể sống mà không hy vọng. Đối diện cuộc đời trần trụi, người nghệ sĩ qua tài năng nghệ thuật đã dung dưỡng hy vọng cho con người. Ngắm đôi cánh pha lê ngày ngày, con chỉ còn biết mong phút bay về bên mẹ không xa, để còn kịp nâng dìu những bước chân run rẩy cuối đường.
N.C
- Robert Ricci – Con trai của Nina Ricci
- Marc Lalique – Con trai của René Lalique.
Ảnh: Sưu tập cá nhân của Nico cùng ảnh của Bảo tàng Lalique