CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Bút ký

Ngược ngàn Pù Luông

Thứ bẩy ngày 5 tháng 2 năm 2022 12:00 AM
Chọn Tết ở xa khi những ca nhiễm Covid ở Hà Nội không ngừng nhảy múa. Và tự nhiên hình ảnh chàng bạn Pháp cách đây 3 năm cứ mỗi cuối tuần lại hơ hải bắt xe tuyến trực chỉ Pù Luông khiến cho tôi tò mò quyết định tự mình khám phá tọa độ bí ẩn này.
 
Chiếc Ford Limousine đón khách ở 180 Trần Duy Hưng. Ba mươi Tết, mình tôi sở hữu cả chuyến xe, bỏ sương mù hồ Tây, sông Hồng và dinh đào Nhật Tân dè dặt mở cánh phía sau. Trìu trĩu phố xá trầm hoang mùa covid dưới mưa mờ.
 
Sau 5 tiếng vượt cua tay áo và dốc đèo xoắn ruột, bản Báng chìm trong sương mù. Nâu mờ những mái gồi của quần thể nhà sàn. Tôi rùng mình bởi khí lạnh xuyên thấu của núi đá vôi, khác hẳn với cái lạnh tuyết giá Paris. Nhưng liền đấy, khíu giác tôi được đánh thức bởi khói bếp thơm cay bủa vây lẩn hương ngọt nếp lam ống nứa non tươi cháy sém. Tiếng trâu cộc sừng dưới gậm sàn. Tiếng gà cọ kẹ trú rét. Tiếng nước suối trườn qua ghềnh đá như những bậc cầu thang nhà sàn lăng lắc xa…

 
Sàn dát bương, nệm bông lau. Phiền nỗi trần nhà xám ởn tôn dù phía trên choàng lớp lá gồi. Có lẽ nhận thức của dân bản rằng tôn bền vững hơn gồi, nhưng theo tôi biết nếu lợp đúng theo kỹ thuật truyền thống của người bản địa thì mái gồi có thể ấm bền từ 20 tới 30 năm.
 
Chị Phới chủ nhà, trầm buồn trong chiếc áo jacket của chồng và tấm khăn thổ cẩm, cần mẫn sắp bữa mời tôi. Măng đắng chẻ, thịt lợn bản nướng xiên chị hướng dẫn ăn cùng chẩm chéo, một thức chấm kết hợp nhiều gia vị bản địa, đệm cùng xôi tím.
 
***
 
Tôi ngơ ngác giữa chợ phiên phố Đòn Lũng Niêm cuối cùng của năm dưới chân núi. Tại đây, dân bản vẫn giữ phong tục trao đổi hàng hóa. Bản năng khiến tôi muốn kiếm một thứ bánh gì đó thật nóng ăn ngay giữa chợ nhưng không bánh rán, không bánh đúc mà cũng chẳng có bánh cuốn. Còm nhom mế già thu lu dưới cột mái chợ, trước mặt một mẹt tre nhỏ xiu. Lại gần thấy giống như hạt cà phê. Hỏi cụ hạt gì, cụ giải thích đây là hạt dổi, không những chỉ để làm gia vị thức ăn mà còn là vị thuốc chữa xương khớp, nhuận tràng. Hóa ra đây chính là thứ hạt chủ vị của món chẩm chéo mà chị Phới đã cho tôi thưởng thức. Tôi định mua cả mớ, nhưng không ngờ nó được bán từng đơn vị hạt và giá không rẻ như tôi tưởng. Cụ nói mua 50 hạt trở lên sẽ tặng thêm 2 hạt. Vừa lựa những hat dổi óng ả thả vào túi nilon cho tôi, cụ vừa thêm thắt gia vị cho câu chuyện. Hạt dổi thu hái từ rừng nguyên sinh từ những thân cây một, hai người ôm, suôn đuột từ 20 đến 30 mét, phải có kỹ năng trèo trên những cây tre lộc ngộc làm thang có vấu cao tương đương. Không phải ai lên rừng cũng lấy được vì rất nguy hiểm. Người lấy có cây cù nèo, vít cành nhỏ vào lòng mới bẻ từng chùm. Hạt dổi lấy về phơi khô trong nắng nhẹ. Khi sử dụng nướng trên than hoa, tinh dầu dậy mùi thơm, mới gẩy hạt ra rồi cho vào cối tán nhỏ. Vì không để được lâu nên dùng đến đâu nướng đến đấy.
 
Cảm ơn bà, định quay đi thì cô bé bán dầu gió liền bên chào mời. Sắc đào trên đôi má phính như vừa rời bếp lửa rang mack khén, trang phục dân tộc níu chân tôi. Rắp mua mấy chai dầu gió nhưng vấp phải hình ảnh rất quen. Ba đồng bạc bà đầm xòe năm 1802 lấp loáng trên sạp. Tôi ngạc nhiên hỏi sao con lại có những đồng bạc này. Cô bé nài nỉ:
 
- Bà mua đi để đánh gió, bằng bạc, tốt lắm, của cụ cháu ngày xưa đấy.
- Sao cháu không giữ mà dùng?
- Cụ chết rồi, không ai dùng nữa.
 
Có lẽ đây là dấu tích của đội quân lê dương thời chinh phục thuộc địa hoặc binh đoàn Pháp đồn trú trên núi Pù Luông để khống chế con đường tiếp vận của quân đội Việt Minh lên Điện Biên Phủ chăng?
 
Tôi mua lấy may của cô bé cả ba đồng bạc ấy như một cơ duyên cuối năm để phong phú thêm bộ sưu tập những đồng tiền cổ thuộc địa bấy lâu của mình.
 
***
 
Dù dán khắp miếng giữ nhiệt và quấn thêm hai lượt chăn sợi bông thô, chèn thêm một tảng gối vuông, nhưng không xua nổi cái rét đêm Ba mươi Tết Pù luông. Cọt kẹt trở mình trong tiếng mưa sương đì độp quanh mái lá rồi gần sáng tôi cũng thiếp đi lúc nào.

 
Ruỳnh ruỵch tiếng bước chân, người lớn trẻ con hò nhau xen lẫn tiếng gà táo tác khiến tôi tỉnh giấc. Nhìn qua cửa sàn, tôi thấy chị Phới đang chỉ huy chồng con dồn đuổi bắt gà. Rộn cả góc bản.
 
Hỏi chị Phới sao không chuẩn bị thực phẩm từ mấy ngày trước để mồng Một Tết không phải cập rập.
Chị trả lời phong tục ở đây như thế, thức ăn ngày Tết phải tươi.
 
- Vậy phải bao nhiêu con gà mới đủ?
- Chả định trước được đâu. Đến bao nhiêu thì mời bấy nhiêu.
- Thế thiếu thì sao?
- Thì lại phải bắt gà thôi! Chị cười hồn nhiên.
 
Chín giờ sáng mồng Một khách đã lục tục đến dùng bữa trưa. Lì xì cho đám trẻ, chúc Tết anh chị Phới và thực khách xong, tôi thả bộ theo lối mòn vào rừng.
 
Những vòm xanh xùm xòa bung ra những chấm hoa mua ông màu cẩm tím cánh nhóng nhánh như bầy công đang múa. Sương tan loang. Những vòng cung núi giãn dần. Cả thung lũng mở oà trước mắt. Những thửa ruộng bậc thang mùa nước đổ lóng lánh như bạc lỏng làm những tấm gương soi bầu trời và nét đồi nét núi Pù Luông. Từng đợt sóng đá nhấp nhô ẩn hiện như trò chơi trốn tìm. Cạnh những hàng rào nứa, dưới gốc cọ đất ánh màu son trầm, bầy gà trống mái tụm bên nhau e dè ngó tôi qua. Có lẽ đây chính là những con gà đồi trứ danh mà thực khách dưới xuôi tắc tỏm. Đàn lợn đen bụng lung liêng chạm đất nhởn nhơ. Bầy vịt Cổ Lũng sặc sỡ ồn ã chổng mông giữa dòng suối mò ốc.
 
Bên những lối đi nghiêng, tôi bắt gặp những bà những chị lầm lũi, đẫm sương vai trĩu gùi rau dớn rau cải, thập thò bắp hoa chuối tím, tay xách thêm chùm quả sổ…dùng nấu canh chua mà đám trai bản gọi đùa là trái tình yêu. Hẳn do cấu tạo quả sổ bằng những cánh hoa giống những cánh sen, tựa bàn tay đan bàn tay y hệt quả còn trai gái ném qua vòng tròn tình yêu ngất ngưởng trên đỉnh cây nêu…
 
Hóa ra mồng Một Tết, người hay vật vẫn phải bươn chải kiếm ăn.
 
Trên bè tre giữa hồ trong như nước La vie, đàn nối đàn bầy cá sỉnh thong dong lượn rỉa mồi bên những thân gỗ rừng ngâm chờ thôi hết nguyên sinh chất để dựng nhà sàn chồng nằm lên nhau tựa bây trăn Anaconda Nam Mỹ thiếp ngủ. 
 
Khắp bản Báng, đến bản Đôn, bản Hiêu, Chiềng Lau, Kho Mường… nơi tôi đến, dân bản đều nồng nhiệt níu tôi lên sàn mời chén rượu nếp cái đa vị cay thơm ngọt, chia vui bữa Tết cùng họ như người thân dù tôi chỉ là khách lạ.

 

Bếp lửa nồng sực hơi thơm quấn quýt. Các mế, các chị dạy tôi cách chọn nhặt rau rừng tím, chẻ nứa bó cơm lam, hông xôi, đồ thịt trên những cái nồi ngộ nghĩnh như chiếc mũ dày muội khói được gọi là "niếng" sau khi đã tẩm ướt đủ loại gia vị từ hăng đến cay của núi rừng, cách cẩn thận gìn giữ từng chấm than củi đỏ sao cho chúng không bùng ngọn lửa mà cũng không tắt rụi. Cười ran mỗi khi tôi làm một động tác vụng về chưa phải cách. Ân cần nắm tay tôi chỉ lại cho tới khi nào khéo mới thôi.

Những mái gồi nhà sàn nâu thẫm chênh vênh bên mép đồi khe suối hay góc khuất dưới chân đèo. Nơi đây còn vẹn nguyên nếp tục văn hóa truyền thống. Người dân đều có ý thức giữ gìn không chỉ hương vị của món ăn mà cả hình hài kiến trúc của mỗi nếp nhà sàn. Bỗng nhiên tôi ám ảnh nỗi lo sợ Pù Luông sẽ thành phiên bản của Sapa, Tam đảo…Những mong giới chức và các chủ đầu tư tương lai muốn khai thác du lịch bền vững thì hãy chậm rãi sao cho Pù Luông giữ được vẹn nguyên văn hóa truyền thống như một tài sản vô giá. Mỗi công trình không làm đau bông hoa lá cỏ. Mỗi kiến trúc là xanh tiếp nối xanh của đại ngàn. Mỗi Resort hay Homestay là khắc họa sinh động của thiên nhiên mà không viện đến sự can thiệp thô bạo của con người…
 
Chị Phới tiễn tôi với bó ống nứa cơm lam và đẫy nếp hạt cau thơm nưng nức, thứ nếp tới cữ gặt hái vỏ trấu sẫm ánh hoa văn màu hạt cau già. Tạm biệt Pù Luông trong van vát mưa rơi vách núi. Tạm biệt chị Phới, những già, những chị đã tặng nụ cười sưởi ấm tôi những ngày xuân giá lạnh. Dù chưa nói nhưng trong tôi đã thầm hẹn trở lại Pù Luông mùa lúa mới.
Nico - 04/02/2022
Chia sẻ trên Facebook