Sa mạc Sahara. Mịn màng, óng ả những triền cát vàng, cong cong uốn lượn như thân thể người con gái trong những bức ảnh khỏa thân nghệ thuật của Thái Phiên, nóng bỏng dưới cái nắng không khoan nhượng của mặt trời.
Chúng tôi đang ở miền Nam của Tunisie, thuộc Bắc Phi. Sa mạc Sahara bắt đầu từ đây, nghe thật xa xôi so với Việt Nam, nhưng chỉ cách Paris gần ba giờ bay cộng thêm hai giờ xe hơi và một giờ trên lưng lạc đà.
Toujen, sáng 06/08/2009
Con đường rải nhựa sơ sài, loang loáng ổ gà dẫn xe đi qua những bãi đất đá cằn cỗi. Lác đác khoảng vài km cũng có dấu hiệu của cư dân. Khi là vài lều trại kiểu du mục hoặc vài dãy cửa quét vôi trắng mang kiến trúc berber, che chắn đơn giản bằng dăm ba ụ đất, khi lại hiện lên cả một tòa nhà sang trọng, đồ sộ rất đẹp mắt sừng sững giữa bãi đất hoang. Một vài trạm xăng mà người hướng dẫn gọi là «xăng lậu» rải rác dọc đường. Xe chỉ cách biên giới Lybie, xứ sở dầu mỏ lớn nhất nhì thế giới vài chục km. Được biết chính phủ Tunisie thả lỏng việc buôn lậu xăng ở vùng biên giới giữa hai nước, vừa để tạo điều kiện sống cho dân cư ở vùng đất hoang sơ, thiếu công ăn việc làm, vừa dùng họ làm chỉ điểm cho những đầu mối buôn lậu vũ khí và ma túy. Họ chính là chủ của những tòa nhà đẹp đẽ kia.
Khoảng 50.000 dân cư rải rác trên vùng sa mạc là những người Berber và Nomade sống thích nghi với khí hậu khô hạn khắc nghiệt của thiên nhiên bằng thu hoạch olive và chà là. Người ta có cảm giác yên tâm hơn khi bắt gặp những luống cây olive chi chít trái thẳng tắp, kéo dài ngoài tầm mắt. Ốc đảo Douz là điểm dừng chân của khách du lịch tới thăm cồn cát Grand Erg oriental với rừng chà là xanh dịu mắt. Đây có lẽ là vùng giàu có nhất của sa mạc, nơi có chợ mua bán lừa, cừu, lạc đà đặc trưng của Tunisie. Trái chà là là nguồn thu nhập chính của dân cư các vùng lân cận. Những người bán du mục tới làm việc ở đây. Mỗi mùa xuân, khi không còn mưa, họ mang đàn cừu của mình đi kiếm cỏ nơi khác và giăng lều sống giữa sa mạc. Khi trời quá nóng, họ trở về ốc đảo. Cây chà là có thân và lá giống hệt như cây cọ hay cây dừa ở nhà mình. Lá chà là thường được kết lại thành nhiều lớp dày dùng làm rào chắn những cơn bão cát.
Zaâfrane, 07/08/2009 - Lạc đà một bướu
Mấy chục con lạc đà nằm đợi sẵn đầu làng Zaâfrane để đưa khách vào lòng sa mạc. Người ta quấn cho mỗi du khách một chiếc khăn che đầu và mặt, trùm thêm một áo choàng dày nặng, thô ráp.
Tiếng Pháp phân biệt rõ ràng hai từ khác nhau: dromadaire là loại lạc đà chỉ có một bướu và chameau là lạc đà hai bướu. Tiếng Việt hình như gọi chung là lạc đà. Người ta nói lạc đà là loài vật thông minh nhất của vùng sa mạc. Tôi nghĩ chúng không những chỉ thông minh mà còn rất láu lỉnh.
(Ảnh cát Zaâfrane trên mạng)
Giống lạc đà ở đây chỉ có một bướu. Mỗi người ngồi lên một con. Con nọ được buộc vào con kia bằng một sợi dây thừng dài. Chỉ một người dẫn chúng. Ngồi chông chênh trên chiều cao hơn hai mét, trên cái khối lưng cứ nhún nhẩy, xê dịch theo mỗi bước chân của con vật xa lạ này cũng hơi sờ sợ. Đã vậy, chú lạc đà của tôi (gọi là chú vì là con đực) không khác gì một gã trai si tình. Đi được vài thước lại tìm cách vượt áp sát một cô lạc đà khác, chẳng dịu dàng tí nào mà tương thẳng một bên bụng to tướng vào cạnh bụng cô kia làm cho cái chân của mình bị kẹp cứng ở giữa, cứ là đau điếng. Tôi phải gồng người lên bám thật chắc vào cái gờ cài trên bướu cho khỏi ngã.
Mặc dù trời rất gió nhưng cái nóng gần 50° làm tôi có cảm giác đang dần dần bị thiêu nướng trong lò. Chúng đi rất chậm. Tôi để ý có con chỉ chọn những khoảng cát bằng để đi. Riêng con của tôi không hiểu vì muốn thể hiện mình hay muốn thử gan tôi mà cứ nhằm vào những cồn nhấp nhô nhất. Mỗi lần nó bước xuống dốc là cả người tôi cũng lao theo đến chóng cả mặt. Chai nước mang theo đã cạn. Nóng, khát, căng thẳng trên lưng con vật bướng bỉnh mà mình năn nỉ nó hãy đi cho tử tế suốt dọc đường bằng những từ những tiếng mình biết mà nó chẳng thèm nghe, tôi thấy khó chịu lắm. Mắt bắt đầu hoa lên, đầu choáng váng. Không cố được nữa, tôi đành thả cả người gục lên cái bướu, hai tay buông thõng ra ôm lấy bụng nó.
Tức thì nó khụy hai chân trước xuống, rồi tiếp đến hai chân sau, ngoan ngoãn nằm phủ phục xuống để tôi lăn tòm trên cát trước khi... xỉu.
Mọi người lo lắng, dồn cho tôi những chai nước dở. Trên chặng đường tiếp theo, chú lạc đà của tôi vô cùng dễ thương, bước đi cẩn trọng hơn nhiều. Đôi lúc nó còn gầm gừ như muốn tôi nói chuyện. Trước khi từ biệt, tôi xoa xoa mặt nó, cái mồm nó nhẹ nhàng cọ cọ vào tóc tôi, nũng nịu như xin lỗi không bằng.
Matmata, 08/08/2009 - Nhà điển hình kiểu Berber
Điểm đến tiếp theo là làng cổ Matmata, (Matmata - tên của một bộ lạc Berber), nơi đoàn làm phim Mỹ đã quay bộ phim « Star Wars» (mình chưa được xem phim này). Làng trải trên một thung đá cực kỳ mấp mô và khô cằn. Từ khi chính phủ cho xây làng Matmata mới có điều kiện sống khá hơn, nhiều người bỏ lại nhà ra đi, nơi đây chỉ còn khoảng 150 hộ, phần lớn là người già hoặc trẻ con. Lớp trẻ đều tìm cách sinh sống ở vùng khác. Số người ở lại ít ỏi này muốn giữ lại nhà, muốn ở bên cạnh mồ cha mẹ tổ tiên, hoặc đơn giản là đã quá gắn bó với nơi mình sinh ra và với phong tục tại đây.
Nhà của họ được "xây" rất đặc biệt. Đó là những cái hang được đào sâu dưới lòng đất đá. Nên tưởng tượng ra một bãi đất lồi lõm, mỗi cái hố tròn là một căn hộ. Mỗi mô đất trồi lên có những miếng đá đánh dấu là những nấm mộ. Ở đây, người sống ở sâu dưới lòng đất và người chết trong gia đình thì nằm chếch ngay trên đầu. Đứng từ trên nhìn xuống mỗi cái hố tròn đó, người ta thấy phần lớn các nhà đều có một cái sân gạch, một giếng tròn ở giữa và nhiều cánh cửa bao quanh sân. Sau những cửa đó là nơi để ngủ, bếp, sâu trong bếp lại có thêm nhiều cửa khác dẫn tới các hang để thức ăn, hang ẩn náu của gia súc. Nhà kiểu này ra đời cách đây 3000 năm, giúp cho người ta tránh được nóng. Trong nhà nhiệt độ xấp xỉ 25-30°, dễ chịu rất nhiều so với bên ngoài. Các vách đất được quét vôi trắng dày, dịu mát và truyền thêm ánh sáng.
Do "sự cố" tại sa mạc, người ta đề nghị tôi ngủ lại đây. Cả đoàn sẽ đi tiếp tới một làng khác, cắm lều, hát múa cùng với thổ dân và ngủ ngay ngoài trời. Tôi rất mệt. Trời quá nóng. Món couscous truyền thống của họ mà tôi đặc biệt yêu thích ở Paris trở thành một đụn cát vón cục trong đĩa, không tài nào nuốt nổi. Các đồng nghiệp của tôi, đúng là sức tây, ăn uống ngon lành và lại hăm hở đi tiếp.
Mệ Berber
Người đàn bà Berber đón tôi là một góa phụ với 6 đứa con còn nhỏ. Chồng bà mất bởi tai nạn, một số con chết vì bệnh. Ngoài đàn cừu, con lạc đà và việc dệt vải, bà nhận mở cửa nhà cho khách du lịch vào thăm và nghỉ lại khi cần thiết để kiếm thêm. Khó mà đoán tuổi của bà. Có thể do cuộc sống quá khắc khổ hay tại những đường xăm xanh ngoằn ngoèo khắp mặt làm cho bà già đi trước tuổi. Chỉ có đôi mắt rất to và thầm lặng nổi bật trên gương mặt.
Bà đưa tôi một bình gốm đựng nước dài khoảng 50 cm, ở giữa phình to bằng quả mít, dẫn tôi vào một hang sâu để làm vệ sinh. Người ta đã dặn tôi phải tuyệt đối tiết kiệm nước ở đây và không được để nhìn thấy mình đổ nước đi lãng phí thì họ sẽ rất ghét mình. Tôi dùng hết hai phần ba bình, còn chừa lại một ít mang ra trả lấy lòng bà. Sau đó tôi cùng bà dọn bếp lấy lệ để chờ bà cho phép đi ngủ. (Mình nói "lấy lệ" vì đã mệt phờ). Bà nói được vài từ tiếng Pháp.
Mãi rồi bà cũng dẫn tôi vào hang ngủ được sắp đặt rất gọn gàng. Thực ra ở đây họ cũng không có đồ đạc gì để mà bừa. Những miếng da cừu để lót dưới lưng và những tấm chăn vải thô, những chiếc gối bé bé...eo ôi, cũng bằng vải thô sần sùi.
Xung quanh rất yên tĩnh. Lũ trẻ đã đi sang nhà họ hàng quanh đó cả thì phải. Tôi muốn bà ngủ lại trong hang cùng tôi cho đỡ sợ nhưng chưa tìm được cách diễn đạt thì bà đi mất.
Khi tôi đã chập chờn ngủ thì thấy bà vén rèm vải vào. Bà đến sát gần tôi, nhè nhẹ luồn tay nhấc đầu tôi lên, trải lên gối một miếng vải, có lẽ là một tấm khăn quấn mặt bằng lụa mịn.Cánh tay bà có mùi hương phấn...lạ quá... Đó là mùi phấn của mẹ tôi dùng lúc tôi còn rất nhỏ, bây giờ không còn kiếm ra nữa, nó như có cả mùi vôi. Cái cử chỉ thân thương quá đỗi và mùi phấn quen thuộc giữa miền đất hoang vu này làm tôi cay mắt. Bà mở to mắt nhìn tôi lạ lùng, nắn tay chân tôi muốn hỏi có phải đau ở đâu không. Tôi ngồi nhỏm dậy. Bằng tiếng Pháp xen với cái vốn khoảng 15 từ tiếng A-rập và bằng điệu bộ, tôi nói với bà là bà gợi cho tôi nhớ đến mẹ tôi. Mẹ tôi ở cách xa nhiều lần so với cái khoảng cách giữa tôi và bà nên rất hiếm hoi tôi mới được gặp mẹ. Và nhiều khi nhớ, để được gặp mẹ thường xuyên trong mơ, tôi đi ngủ với một tấm hình cười rất tươi của mẹ tôi. Tôi không biết bà hiểu bao nhiêu phần những điều tôi đang huyên thuyên nhưng thấy bà vuốt ve tay tôi như với những đứa con, hay ít ra cũng như với con lạc đà quý giá của bà. Rồi bà rời tôi, ra lục lọi trong một đùm vải, mang lại một gói bột và một chút nước. Bà vẽ lên vai tôi cái hình ngoằn ngoèo. Chống thiên tai trên trời, chống đau đớn trong tim và trong cơ thể. Tôi hiểu được những gì bà muốn giải thích. Những điều ước của tôi, cho tôi và các con ở Paris trở nên xa xỉ, kệch cỡm bên ước muốn sinh tồn nhân bản của người phụ nữ Berber này.
Trăng sáng lắm, ánh xanh dịu tỏa trên sân, xuyên qua miếng vải rèm lọt vào sâu trong hang. Bà ngủ cùng tôi đêm nay. Ở bên bà, tôi thấy lòng mênh mang cảm giác nhẹ nhõm, bình yên.