CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Thơ dịch

Tuyển tập thơ Rainer Maria Rilke - (PHẦN 1)

Thứ tư ngày 6 tháng 9 năm 2017 12:00 AM

(Reiner Maria Rilke (1875-1926) là nhà văn, dịch giả, thi sĩ người Áo gốc Bohemia sáng tác bằng tiếng Đức, một trong những nhà thơ lớn nhất của thế kỷ 20. Ông sinh ra tại Prague (thời bấy giờ thuộc Đế chế Áo–Hung), là con một của gia đình trung lưu. Ông sáng tác từ khi còn rất trẻ và thi tập đầu tay của ông Leben und Lieder: Bilder und Tagebuchblatter (tạm dịch: “Cuộc sống và những bài ca: Những hình ảnh và những trang nhật ký”) được xuất bản năm 1894.

Sự nghiệp sáng tác của ông có thể chia làm bốn giai đoạn:

Thời kỳ hình thành (1897-1902) với những tập thơ tình đầu tay mang phong cách lãng mạn của thế kỷ XIX như Traumgekrönt (tạm dịch: Mơ mộng - 1897), Dir zur Feier (tạm dịch: Dâng hiến – 1897-1898), Advent (tạm dịch: Mùa vọng - 1898)... Giai đoạn này ông gặp nữ văn sĩ – thi sĩ – nhà tâm lý học người Nga Lou Andreas-Salomé, người có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp và cuộc đời của ông đến tận cuối đời; ông đã cùng bà đi sang Nga hai lần vào năm 1899 và 1900, nơi đã khơi gợi thi hứng để ông sáng tác thi tập Das Stunden-Buch (tạm dịch: “Kinh Nhật tụng” 1899-1903) mà ông dành tặng Salomé.

Thời kỳ hiện thực (1902-1910), phần lớn thời gian này ông sống tại Paris và từng làm thư ký cho họa sĩ – nhà điêu khắc nổi tiếng Auguste Rodins, người mà ông đã học được cách quan sát bằng năng lực tri giác và biến những quan sát đó thành nghệ thuật; trong thời gian ở Paris Rilke đã phát triển một phong cách mới li khai khỏi thơ trữ tình truyền thống của Đức được gọi là Ding-Gedicht (tạm dịch: “thơ vật thể”). Các thi tập mang phong cách tượng trưng như Das Buch der Bilder (tạm dịch: “Kinh Hình tượng” 1899-1906), Neue Gedichte (tạm dịch: “Những vần thơ mới” 1902-1908), cuốn tiểu thuyết mang phong cách hiện sinh “Die Aufzeichnungen des Malte Laurids Brigge” (tạm dịch: “Ghi chép của Malte Laurids Brigge”) và trường ca Requiem-Gedichte (tạm dịch “Thơ Cầu hồn”) của ông đã được hoàn thành trong thời kỳ này.

Thời kỳ thứ ba (1910-1919) là thời kỳ đánh dấu một khoảng ngừng lặng trong sự nghiệp văn học của ông. Sau khi xuất bản cuốn tiểu thuyết “Ghi chép của Malte Laurids Brigge”, ông bị ám ảnh vì chiến tranh đến độ hầu như không thể sáng tác được gì.

Thời kỳ cuối cùng và cũng cũng là thời kỳ sáng tác cao độ nhất của ông (1919-1926), tâm trạng ám ảnh vì chiến tranh kết thúc vào năm 1922 khi ông hoàn thành bản Duineser Elegien (tạm dịch “Bi ca Duino”) mà ông bắt tay vào viết từ năm 1912. Ngay sau đó ông cho ra đời Die Sonette an Orpheus (tạm dịch “Sonnet dành tặng Orpheus”). Hai tác phẩm này là đỉnh cao trong sự nghiệp của ông. Đây cũng là thời gian ông sáng tác nhiều bài thơ mang đậm nét trừu tượng và triết lý như Vorfrühling (Chớm xuân), Mausoleum (Lăng mộ), Vergänglichkeit (Thoảng qua) …

Rilke chịu ảnh hưởng của hai triết gia là Schopenhauer và Nietzsche; nhiều tác phẩm của ông mang tính triết lý về cái đẹp, nỗi thống khổ, cuộc sống và cái chết. Ngoài thi ca và tiểu thuyết, ông còn viết tiểu luận, truyện ngắn và dịch một số tác phẩm từ tiếng Nga và tiếng Pháp. Ông cũng sáng tác bằng tiếng Pháp.

Rilke khiến nhiều thế hệ say mê bằng những vần thơ đầy cảm xúc, bằng thứ ngôn ngữ giàu hình ảnh, âm điệu và luôn day dứt của mình. Ông thường sử dụng những cú pháp mới mẻ, sáng tạo, và biến ngôn từ thành bất tử. Rilke, như lời phát biểu của nhà văn và nhà phê bình kịch người Áo Robert Musil đọc tại lễ tưởng niệm ông, là “nhà thơ vĩ đại nhất từ thời Trung cổ mà người Đức từng có...”, và “...ông không làm gì khác ngoài việc  làm cho nền thi ca Đức lần đầu tiên trở nên hoàn hảo…”

Rilke mất ngày 29.12.1926 vì bệnh máu trắng và an nghỉ tại nghĩa địa nhà thờ công giáo Ranon, thị trấn Val-Mont, Thụy Sĩ.

Cho dù nhiều dịch giả cho rằng thơ Rilke rất khó có thể “dịch” được sang ngôn ngữ khác, chúng tôi vẫn cố gắng làm công việc bất khả này vì cái đẹp khó cưỡng lại được trong thơ ông. 

(Tập thơ dịch từ nguyên bản tiếng Đức, tham khảo bản dịch tiếng Nga của Yuri Tarnopolsky và các bản dịch tiếng Anh của Jessie Lamont, Robert Bly, Stephen Mitchell, Edward Snow, Cliff Crego, Albert Ernest Flemming và một số bản dịch khác. 

Chân thành cám ơn nhà văn – họa sĩ Đỗ Phấn và dịch giả Yuri Tarnopolsky vì những đóng góp giá trị cho bản dịch.)


Nại Hàn Đỗ và Takya Đỗ

 


 

Thức canh

 

Những cánh đồng nâu thiếp ngủ,

Riêng tim ta thức mà thôi;

Hải cảng bóng chiều hối hả

cuộn cánh buồm đỏ từ trời.

 

Kìa kẻ thức canh mộng! 

Màn đêm dâng ngập khắp rồi;

trăng, đóa huệ ngần trắng,

trong tay đêm nở rạng ngời.

 

(1895)

 


Tình yêu (trích)


 

I


Và tình yêu có đến với em

giống tia nắng, hay những cánh hoa rơi như tuyết,

Hay nó đến như một lời cầu nguyện? – Hãy nói xem:

 

Một niềm vui sáng rực tách khỏi trời đêm

Và treo mình khép đôi cánh lớn

Bên nụ hồn tôi vừa bước vào xuân …

 

II


Đó là ngày của những bông cúc trắng, -

vẻ diễm kiều khiến lòng tôi trĩu nặng…

Thế rồi, em đến chiếm trọn hồn tôi

giữa đêm sâu thẳm.

 

Tôi lo lắng, mà em đến yêu kiều và im lặng , -

trong mơ tôi vừa nghĩ tới em.

Em đã đến, chuông đêm vừa điểm

nhẹ nhàng như truyện ảo huyền …

 

XIII


Ngày đã chết. Trong khu rừng ảo diệu,

anh thảo hồng túa nhựa dưới chân bê,

hàng thông cao nao nức vai kề

gió dìu dặt, - hương nồng tràn ngập.

Em mệt mỏi sau chặng đường dài dặc,

tôi thầm thì tên em ngọt trên môi:

Trong tim em mầm bạch huệ đâm chồi

khao khát nở thành bông huệ đỏ

cuồng nhiệt đam mê.

 

Hoàng hôn đỏ và môi em rực lửa,

khi môi tôi nóng bỏng kiếm tìm em,

ngọn lửa chợt thiêu hồn đôi lứa …

và liếm lên y phục tựa thầm ghen …

 

Rừng tịch mịch, và ngày đã chết.

Nhưng trong ta thánh địa hồi sinh,

phiền muộn, hờn ghen tàn theo ngày vừa hết.

Trên đồi ta trăng cập bến bình yên,

và hạnh phúc nhẹ nhàng bước ra từ con thuyền trắng.

 

XVII


Ta bên nhau dưới hàng dẻ mùa thu,

vì ly biệt mắt chúng mình ngấn đỏ …

“Ta hãy cùng nhau đi tìm hoa cỏ”

Hoảng hốt tôi kêu: “Chúng đã chết rồi.”

Lời tôi tuôn thành hàng lệ nhỏ

trên tầng không sao ngơ ngẩn mỉm cười.

Ngày nhợt nhạt quay về nguồn cội,

thảng thốt rơi tiếng quạ tự xa vời. –

 

XXII


Xa xưa, - xa xưa …

tự thuở nào - tôi không còn nhớ …

chuông ngân nga, sơn ca thánh thót -

và một trái tim ngập tràn hạnh phúc.

Trời trong xanh trên vạt rừng non,

tử đinh hương rạng rỡ khoe bông, -

cô gái mảnh mai trong y phục ngày chủ nhật,

với đôi mắt đầy những câu hỏi ngỡ ngàng

Xa xưa, - xa xưa …

 

(Trích tập Traumgekrönt * 1896)



(Còn tiếp...)



Traumgekrönt (tạm dịch: Mộng mơ - 1896

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook