Một lần tôi viết bài báo có ghi chú thích nguồn tài liệu từ một cuốn sách do nhà xuất bản (NXB) Trẻ ấn hành ở Sài Gòn năm 1974, người biên tập cẩn thận yêu cầu kiểm tra lại vì cho rằng NXB này chỉ mới thành lập năm 1986. Thật ra, tuy trùng tên nhưng đó là hai NXB khác nhau. NXB Trẻ trước 1975 do nhà nghiên cứu, dịch giả Lê Thanh Hoàng Dân sáng lập, chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn nhưng cũng kịp in một số sách giá trị về giáo dục và văn học thế giới.
Ở miền Nam trước đây, hầu hết các NXB không phải của cơ quan, đoàn thể mà chủ yếu của tư nhân, nên được đặt tên rất “thoải mái”. Có những tên chịu ảnh hưởng Tây phương như Thời Mới, Đêm Trắng, Ngưỡng Cửa…; đồng thời có nhiều tên mang tính chất Đông phương như Lá Bối, An Tiêm, Lửa Thiêng, Ca Dao, Hoa Tiên, Nam Sơn, Phù Sa, Đồng Dao, Mặc Lâm, Kẻ Sĩ, Cảo Thơm, Tao Đàn, Nam Chi Tùng Thư… Lại có NXB mang tên của chính chủ nhân: Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Đình Vượng, Phạm Văn Tươi. Mỗi thương hiệu xuất bản thường tạo uy tín bằng những đầu sách về khảo cứu, sáng tác hay dịch thuật.
Quy mô hoạt động của mỗi NXB lúc đó thường chỉ là một “xí nghiệp vừa và nhỏ”, bộ máy rất tinh gọn, chứ không cồng kềnh như bây giờ. Nhà in – hầu hết là in typo, rất hiếm in offset - thường đặt gần NXB, giám đốc có khi kiêm luôn biên tập viên và “thầy cò” sửa bài; thậm chí Nguyễn Hiến Lê còn phụ trách cả việc phát hành, hàng tháng đi thu tiền bán sách từ các đại lý.
Thời sinh viên tôi có dịp may đến “tham quan” hai NXB Trình Bầy và Trí Đăng. NXB Trình Bầy ở 291 Lý Thái Tổ quy tụ nhiều nhà văn, học giả nổi tiếng, trong đó có những trí thức Công giáo khuynh tả; đây cũng từng là tòa soạn các tạp chí Đất Nước, Trình Bầy và nhật báo Làm Dân, đều do nhà văn Thế Nguyên điều hành, vợ là Tăng Hoàng Xinh làm quản lý. NXB Trình Bầy đã thành lập những tủ sách hay: Nghiên cứu triết học, Nghiên cứu và phê bình văn học, Khoa học nhân văn, Tìm hiểu những vấn đề của thời đại… Năm 1969, nhân dịp kỷ niệm cuốn sách thứ 50 là tập truyện Con voi của S. Mrozek do Diễm Châu dịch, NXB Trình Bầy đã tổ chức một cuộc tiếp tân ở nhà hàng Continental, mời cả học giả Mai Thọ Truyền, Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, đến để trao đổi về chủ đề văn hóa tự do và hòa giải.
NXB Trí Đăng thành lập muộn hơn, chỉ hoạt động được khoảng năm năm, cơ sở đặt ở 19-21 Nguyễn Thiện Thuật, cũng là nơi ấn hành tạp chí Bách khoa. Giám đốc Nguyễn Liên vốn là một nhà giáo nên chủ trương ấn hành một số sách giáo khoa, nhưng công lao chính của ông là đã cho ra đời những cuốn sách đáng quý như Văn học sử thời kháng Pháp của Lê Văn Siêu, Lịch sử báo chí Việt Nam của Huỳnh Văn Tòng, Văn học sử Trung Quốc của Dịch Quân Tả (Huỳnh Minh Đức dịch và chú thích), Sơn lâm êm đềm của L. Tolstoi (Nguyễn Trọng Đạt dịch), Thời thơ ấu (Vũ Minh Thiều dịch) và Mưu sinh (Trương Đình Cử dịch) của Maxime Gorki, Khúc ca mùa thu của Lâm Ngữ Đường (Vi Huyền Đắc dịch), Chiếc cầu trên sông Drina của Ivo Andritch (Nguyễn Hiến Lê dịch)…
Mặc dù Sở Kiểm duyệt – sau này lấy tên là Sở Phối hợp nghệ thuật – làm việc rất mẫn cán, nhưng vẫn có nhiều ấn phẩm mang nội dung phản kháng xã hội được lọt lưới. Hiện tượng xuất bản “ngoài luồng” đã có từ thời đó, sách in dưới hình thức ronéo một vài trăm bản, nhưng vẫn có tiếng vang, như một số ấn phẩm của NXB Đại Nam Văn Hiến do Thế Phong chủ trương. Một hiện tượng thú vị nữa là sách không đề tên NXB mà ghi là “Tác giả xuất bản”, thường không có giấy phép vì không qua khâu kiểm duyệt. Trịnh Công Sơn đã từng tự chép tay rồi in các tập ca khúc của mình dưới hình thức “Tác giả ấn hành”; sau này ông còn lấy tên NXB Nhân Bản in trên bìa các tập nhạc Kinh Việt Nam, Ta phải thấy mặt trời, Phụ khúc da vàng, Tự tình khúc, Như cánh vạc bay, Cỏ xót xa đưa, Khói trời mênh mông… Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, xuất hiện những ấn phẩm tự cấp phép cho mình bằng cách nhân danh điều 11 Hiệp định Paris ký ngày 27-01-1973, là điều khoản quy định “bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí…”, chẳng hạn một số tác phẩm do Đối Diện ấn hành.
Trong hoàn cảnh khắc nghiệt và khó khăn lúc đó, những người cầm bút và làm xuất bản ở miền Nam vẫn giữ tinh thần liên đới giữa những người đồng nghiệp. Bằng nhiều cách khác nhau, họ biểu thị sự phản đối trước việc chính quyền xâm phạm quyền tự do diễn đạt ý kiến và phổ biến tác phẩm của nhà văn. Nguyễn Ngọc Lan viết bài bênh vực những tác phẩm bị cản trở xuất bản của Ngô Kha, Nguyễn Quốc Thái, Trần Hữu Lục, Tôn Thất Lập. Thế Nguyên lên tiếng bào chữa cho những cây bút trẻ trong bút nhóm Hướng Dương, đồng tác giả của hai tập sách Những cánh chim bay và Những trái tim hồng, khi họ bị đưa ra xét xử ở tòa án quân sự mặt trận quân khu 3 trong vụ án văn nghệ “Quán Mù U”. Dù không cùng quan điểm chính trị và khuynh hướng nghệ thuật, ngay từ tháng 3 năm 1969, 100 nhà văn (gồm giới sáng tác, dịch thuật, biên khảo, phê bình…) đã ký tên dưới kiến nghị “yêu cầu nhà cầm quyền cấp bách bãi bỏ chế độ kiểm duyệt đối với ngành xuất bản”, bởi vì theo họ “sự cấm đoán, bưng bít không bao giờ giải quyết được một vấn đề mà chỉ làm cho vấn đề ấy trầm trọng thêm tới một mức độ tai hại nhất”.
H.N.P