CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Nghiên cứu - Phê bình

XUÂN TÂM - NGƯỜI MƠ TƯỞNG TRONG CHIỀU

Thứ tư ngày 30 tháng 5 năm 2012 3:32 AM
Nói đến Xuân Tâm (1916-2012), nhà thơ có tuổi thọ cao nhất trong phong trào Thơ Mới, người yêu thơ nhớ ngay đến bài thơ Nghỉ hè nổi tiếng của ông. Bài thơ 16 câu, ngập tràn niềm vui, từ hình ảnh, cảm hứng đến giọng điệu, câu nào cũng ghi tạc một tấm lòng thanh sạch ở khoảng thời gian đẹp đẽ nhất của đời người. So với tác phẩm của các nhà thơ đặc sắc trong phong trào, bài thơ này không hẳn là độc đáo, nhiều câu không thật gây bất ngờ, dường như ai cũng có thể làm được. Nhưng viết về đề tài nghỉ hè, có lẽ không ai viết hay và chân thành hơn Xuân Tâm, thậm chí người ta không dám viết nữa vì bài thơ của ông đã nói hộ tất cả. Đặc biệt, có hai câu thơ mà ngoài Xuân Tâm ra, không ai diễn tả được sự giản dị, tinh nghịch và thân mật của tâm trạng trước một chuyến đi:

Kiểm soát kỹ, có khi còn thiếu sót;
Rương chật rồi khó nhốt cả niềm vui.

               (Nghỉ hè)

Ngoài bài Nghỉ hè, trong tập Lời tim non, có một bài thơ cũng phổ biến sâu rộng mà ít người biết là của Xuân Tâm. Đó là bài Mất mẹ. Mở đầu tản văn Bông hồng cài áo, Nhất Hạnh viết: “Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài thơ ấy thì sợ sệt, lo âu.... sợ sệt lo âu một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chắc chắn phải đến :

Năm xưa tôi còn học 
Mẹ tôi đã qua đời.
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi.

Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi,
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi.

Hoàng hôn phủ trên mộ,
Chuông chùa lạnh rơi, rơi… 
Tôi thấy tôi mất mẹ,
Mất cả một bầu trời…

Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi”.

Nhất Hạnh không nhớ tên tác giả bài thơ, nhưng bài thơ thì vẫn sống trong ký ức người đọc.

Thơ Xuân Tâm ít viết về những buổi mai mà nhiều hơn về những buổi chiều. Có thể nói những câu thơ về “chiều quê”, “chiều tà”, “hoàng hôn” là những câu hay nhất của Xuân Tâm.

Có buổi chiều thật nhẹ, người đi như nín thở, sự vật như có như không:

Chiều về man mác, chiều về đó,
Đường vắng quên mình giữa lớp sương;
Có gì ẩn nấp bên hoa cỏ,
Xao lãng lời thơm những khóm hường.

               (Chiều về)

Có buổi chiều xôn xao, nhà thơ chỉ tả cảnh mà nghe như có cả tiếng nhạc của gió, tiếng ru em, tiếng võng đưa:

Dịu như mơn trớn của tay yêu
Sóng lúa xanh non uốn gió chiều;
Nắng lọc qua rào tre ríu rít,
Tre mềm nghiêng bóng đổ xiêu xiêu.

               (Chiều quê)          

Lại có buổi chiều bị vùi dập dưới cơn mưa nặng hạt:

Mưa sa nặng quá buổi chiều tà,
Mưa xé lòng tôi với cỏ hoa.
Mù mịt mây đen tuôn chảy xuống
Ầm ầm như những tấm trời sa.

              (Mưa sa nặng quá)

Người đọc sẽ hỏi: tại sao Xuân Tâm thích viết về buổi chiều? Thì đây, nhà thơ giải thích:

Tôi đổi hai mai lấy một chiều
Để tìm trong ấy ít lời yêu.
Ban ngày sáng quá, ban đêm tối,
Tôi sợ, không mơ tưởng được nhiều.

              (Chiều về)

Thế đó, Xuân Tâm yêu buổi chiều vì buổi chiều là thời gian của mơ tưởng. Với ông, nó không sáng quá, cũng không tối quá, nó nuôi nấng những giấc mơ của con người. Có lẽ, Hoài Thanh và Hoài Chân đã chọn bài Xa lạ của Xuân Tâm cùng với bài Nghỉ hè đưa vào Thi nhân Việt Nam là vì nó thể hiện hai phương diện của hồn thơ tác giả: lúc tận hưởng cảnh sắc hiện thời, lúc mơ màng những nơi xa lạ. Chỉ cần ngắm bức tranh treo trên tường, trong tâm hồn lãng mạn cũng có thể hiện lên một thế giới khác, những con người khác:

Đây hoàng hôn. Vài tia nắng gần tàn
Còn sáng sót trên đồi cây xanh đậm;
Lũ xe gỗ nặng nề bò chậm chậm
Chở nho về. Mấy thiếu nữ xinh tươi,
Chân bước theo và môi nở nụ cười,
Đôi má chín hơn buồng nho chín thắm…

                (Xa lạ)

Đó là cách “mở cửa thả hồn đi du lịch” mỗi khi nhà thơ “thèm xa lạ”. “Thèm xa lạ” hẳn nhiên là một đặc điểm của văn chương lãng mạn, trong đó có thơ Xuân Tâm. Giấc mộng lãng du xuất hiện trong văn Nguyễn Tuân, thơ Nguyễn Bính…, với Xuân Tâm đã kết thành một thứ hương: “hương xa lạ”:

Hương xa lạ ướp đầy hai lá phổi…
Chân giục bước đi, hồn trai vô tội;
Sao giam mình giữa bốn bức tường cao?
Thế giới xa không biết vách ngăn rào…

                 (Nhổ neo)

Như một điều tự nhiên là lời giục giã trong thơ Xuân Diệu (Mau với chứ, vội vàng lên với chứ,/ Em, em ơi, tình non đã già rồi;/ Con chim hồng, trái tim nhỏ của tôi,/ Mau với chứ! Thời gian không đứng đợi.) kết nối với lời giục giã trong thơ Xuân Tâm:

Hãy gấp gấp, những người còn trễ nải,
Bước mau lên: cảnh đẹp, sải dài chân,
Vườn hoa tươi không nở đến hai lần
Và chim hót giây lâu rồi thiếu tiếng.
Với trời thắm có thể nào lười biếng,
Phơi mình ra cho ấm áp tuôn đầy,
Thở mặt trời cho đến lúc não mê say
Để lọc sạch mớ buồn trong kẽ phổi…

                (Xuân)

Những bài thơ được trích dẫn trên đây, như cách nói của tác giả, là “lời tim non”, lời của một người thơ ở tuổi đôi mươi. Ở đó, người đọc thấy hồn thơ Xuân Tâm gặp gỡ với hồn thơ Tế Hanh, Phan Văn Dật, Phan Thanh Phước…

Nhưng trong hồn thơ Xuân Tâm còn ẩn giấu một khía cạnh khác, dường như chỉ thỉnh thoảng xuất hiện, nhưng không kém phần dữ dội. Đó là khi ông miêu tả cơn cuồng nộ của thiên nhiên, thơ ông không còn vẻ dịu dàng nữa:

Thỉnh thoảng giông gầm tiếng dội xa
Rung rinh ngấn não đã say ngà;
Vụt ngang, làn chớp mau như biến
Để lại trong ngươi một khắc lòa.

               (Mưa sa nặng quá)

Nhất là khi thiên nhiên đó vây bủa lấy những kiếp người trong khổ nạn của đói nghèo và lam lũ:

Nắng cháy không chừa nửa lá tranh,
Đồng quê nay đã hết màu xanh.
Đất cày mới trở phơi lăn lóc
Như những đầu lâu trắng rợn mình.

                (Đập đất)

Chịu ảnh hưởng bởi quan niệm xem tính hiện thực trong thơ như một giá trị, Chế Lan Viên đã nhấn mạnh đến những bức tranh đời sống trong thơ Tế Hanh khi viết lời tựa cho tuyển tập của nhà thơ này: “Giữa lúc Thơ Mới tấp tểnh đi vào các đề tài trụy lạc, siêu hình, thì Tế Hanh tìm đến thực tế…”. Đến lượt mình, Tế Hanh lại lưu ý về thơ Xuân Tâm: “Có thể nói trong phong trào Thơ Mới, không mấy nhà thơ đã thông cảm với người nông dân như vậy…”.

Quả thật, phải có một niềm thông cảm và nỗi xót thương với những người nông phu ở quê nhà, mới cảm nhận được nỗi nhẫn nhục và sự thất vọng của họ. Nhưng nhìn thấy những thớ đất cày như những đầu lâu trắng rợn mình thì không chỉ là tình cảm mà còn là một cảm thức thẩm mỹ pha chất siêu hình. Cảm thức đó cũng hiển hiện khi nhà thơ đến thăm tượng những người con gái suốt hai thế kỷ giữ lăng vua:

Các chị thấy bóng vua xưa thấp thoáng
Rủ nhau về thăm viếng cõi giang san,
Oai nghiêm trong ánh hào quang nhấp nhoáng
Và đồng thanh buông một tiếng thở than?

                (Gái hộ lăng)

Không thật đậm nét và gây ấn tượng như thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Đinh Hùng… nhưng những câu thơ siêu hình của Xuân Tâm cho thấy một chiều kích khác của thơ ông:

Tiễn hồn lẻ bạn lên mây trắng.
Từ ấy về nay chỉ gió mưa…
(Mồ hoang)

Gió lạnh, canh khuya, trăng non tà;
Đây giờ đi dạo vạn yêu, ma.

                 (Sao tàn)

Tim cũng theo trời bọc vải tang
Khi mùa đông đến, lá khô vàng.
Và hồn thấy nhớ nghìn năm cũ,
Lúc còn bay lượn, chửa vào thân.

                 (Mùa đông)

Cảm thức thời tuổi trẻ như đã nén lại cùng với thời gian, thú vị thay, lại vẫn hiện về quanh quất trong haị tập thơ Hương giữa mùaHoa cuối mùa mà nguồn cảm hứng dù sao cũng không còn nồng đậm như tập thơ đầu tay của tác giả. Đó là bài Hà Nội, hai buổi chiều ghi lại mùa đông “rét cắt trăm mảnh tế bào” và mùa hè “nóng giữa trời, nóng trong nhà, nóng ngoài đời”… Đó là bài Hành quân đau thương ghi lại cuộc tiễn đưa hai nhà thơ Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ.

Thật đáng tiếc, vì hoàn cảnh sống, hồn thơ đó đã gần như ngưng mạch một thời gian dài. Đó là nói về “ngữ thi”. Còn về “năng thi”, ai dám bảo là trong những ngày dài sống với các con số trong những bài toán kinh tế, Xuân Tâm không ít lần “ngồi mơ và mở cửa thả hồn đi du lịch”. Ông đã  mang theo giấc mơ cuối cùng ra đi vào buổi chiều ngày đầu tiết lập xuân năm nay, không kịp hưởng thêm một mùa hạ mới.

H.N.P

Chia sẻ trên Facebook