CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Nghiên cứu - Phê bình

MÙA XUÂN - SINH THÁI VÀ VĂN CHƯƠNG

Thứ sáu ngày 8 tháng 2 năm 2013 12:00 AM

Một ngày mùa xuân, ông Diểu mang súng vào rừng đi săn. Ông chê những con chim xanh, những con gà rừng, chỉ mong bắn được sơn dương hay con khỉ đầu đàn. Cuối cùng thì ông đành bằng lòng với chiến lợi phẩm là một con khỉ đực. Nhưng không may cho ông: khỉ cái cứu khỉ đực, khỉ con thì kéo khẩu súng của ông cùng rơi xuống vực thẳm. Đúng lúc ông cởi trần leo lên mỏm đá bắt khỉ đực thì núi lở, áo quần ông bị vùi lấp trong đống mối. Trên răng dưới dái, ông Diểu ôm con khỉ bị thương trở về, nhưng giữa đường đành bỏ lại vì đuối sức. Mình ông trần truồng, hai tay không, đi giữa màn mưa bụi, bên những khóm hoa tử huyền nở trắng như muối của rừng.

Đó là tóm tắt truyện ngắn Muối của rừng mà Nguyễn Huy Thiệp viết cách nay đã hơn 25 năm. Dẫu biết thiên truyện nói những điều sâu rộng hơn rất nhiều, không hiểu sao tôi lại nhớ đến nó khi nghe chuyện những người đã nhẫn tâm giết hai con voọc chà vá chân xám ở Tây nguyên hồi tháng bảy vừa qua. Cái ác của con người có điểm dừng hay không và thiên nhiên bao dung có ngăn được cái ác hay không?

Từ câu chuyện hai con voọc bị giết đến dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A mà báo Người Lao Động kiên quyết lên tiếng, những vấn đề về môi trường sinh thái trên đất nước ta chưa bao giờ khẩn thiết và gây bức xúc như bây giờ. Trong cuộc đấu tranh vì một môi trường sống hòa hợp với con người, văn học đã làm được gì? Phải chăng văn học vẫn còn bàng quan với chuyện sống còn này? Hình như văn học cho đây là một đề tài tầm thường hay ít ra, chưa phải là ưu tiên số một so với những vấn đề cao siêu đáng để tâm hơn nhiều?

Thật ra văn học Việt Nam từng có những tác phẩm rất hay viết về con người giữa thiên nhiên và thiên nhiên bao bọc con người. Đất rừng phương NamTiếng gọi ngàn của Đoàn Giỏi tha thiết một tấm lòng với đất trời sông nước quê hương. Nguyễn Minh Châu từng viết Sống mãi với cây xanh, nói lên tâm sự của một người ba đời làm nghề trồng cây cho thủ đô Hà Nội, đau đớn trước cái chết của cây sấu già khi đường phố mở rộng. Với Rừng hồi, Hoa trái quanh tôi, Ai đã đặt tên cho dòng sông…, thiên nhiên là nhân vật trung tâm mang tâm hồn mẹ trong bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Dù sao, đó mới là những nỗ lực lẻ loi. Một số nhà văn hiện nay hờn tủi với cuộc sống đô thị, nhưng vẫn không dứt khỏi cơn say của xã hội tiêu thụ, dè bỉu văn hóa cổ truyền nhưng chưa nhận chân rõ những thảm họa sinh thái xuất phát từ sự quay lưng với truyền thống. Vấn đề không phải là hoài cổ, vì có muốn hoài cổ cũng không được. Vấn đề là thiết lập sự cân bằng sinh thái cần thiết cho cuộc sống của chính con người hiện tại, và mọi ý đồ, dù mới manh nha, về việc phá vỡ sự cân bằng này phải bị lên án.

Năm ngoái, trong một bài nói chuyện ở Viện Văn học,  nhà nghiên cứu người Mỹ Karen Thornber cho biết trường phái phê bình sinh thái, như một khoa học liên ngành, đã xuất hiện ở phương Tây từ những năm 70 thế kỷ trước. Đó là trường phái xem sinh thái như một giá trị nhân văn và văn học vì con người phải có tiếng nói về chủ đề này. Nếu thời Cổ đại, nhiên giới là trung tâm; thời Trung đại, thần giới là trung tâm; đến thời Phục hưng và cận đại nhân giới là trung tâm; thì thời nay sinh thái là trung tâm. Trong viễn tượng của một “quyết định luận sinh thái”, đối lập văn hóa với thiên nhiên là một quan niệm đã lỗi thời.

Đến năm 1992 Hiệp hội nghiên cứu văn chương và môi trường được thành lập. Văn học tham gia vào việc bảo vệ sức khỏe môi trường cũng là bảo vệ chính con người và những giá trị thuộc về con người. Chủ nghĩa nhân văn mới không còn xem con người là “thước đo của mọi vật”, thậm chí là “chúa tể của muôn loài”, mà là một thành phần cộng sinh của thiên nhiên, nên phải biết coi trọng từng đơn vị sinh thái: một cây thủy tùng, một giống loài sinh vật biển, một cánh rừng nguyên sinh… Sự suy thoái hệ sinh thái của một quốc gia không chỉ quy trách nhiệm cho những người quản lý đất nước mà cả cho sự thờ ơ của từng công dân, trong đó có những nhà văn.

Vấn đề môi trường gắn liền với số phận nhân loại có thể nhận thấy qua tình trạng bất công về sinh thái: tại sao một vùng cư dân này phải chịu đựng nguồn nước bị ô nhiễm do nước bẩn thải ra từ các nhà máy phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa của quốc gia? Tại sao một tộc người thiểu số này lại phải hy sinh đất đai, xa lìa quê cha đất tổ để nhường chỗ làm thủy điện hay nhà máy điện hạt nhân vì quyền lợi của một cộng đồng lớn hơn? Tại sao những nước chậm phát triển phải chịu đựng tình trạng hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường do những nước công nghiệp phát triển thải ra? Nếu văn chương là tiếng nói của số phận con người thì những hiện tượng như vậy đều không xa lạ với văn chương. Đó vừa là vấn đề đạo đức, vừa là vấn đề thẩm mỹ.

Sự tương tác giữa con người và thiên nhiên cũng như giữa những yếu tố của môi trường với nhau dẫn đến khái niệm “chỉnh thể sinh thái”: sinh thái là một “dây chuyền sống”, phá vỡ một mắt xích là phá hủy cả chỉnh thể đó. Nhà nghiên cứu người Pháp Jacques Vernier cho biết số lượng cá voi xanh trên thế giới trước đây là 250.000 con, nay chỉ còn khoảng dưới 500 con! Trước kia số bồ câu di trú ở Bắc Mỹ có đến hàng tỉ, thế mà con chim cuối cùng loại này đã chết ở vườn thú Cincinnati năm 1914! Vào thế kỷ XVI, ước tính cứ một trăm năm thì có một loài động vật biến mất; đầu thế kỷ XX mỗi năm mất đi một loài; còn ngày nay thì mỗi ngày mất đi một loài! Chưa bao giờ nhân loại chứng kiến sự đa dạng sinh học bị xâm hại khủng khiếp như hiện nay. Đây thực sự là một nguy cơ có quy mô toàn thế giới.

Bây giờ vẫn còn nhiều những ông Diểu mùa xuân mang súng vào rừng, thậm chí vào ngay dưới những vòm cây bên rìa thành phố để mà tận diệt chim muông, cầm thú. Những ông Diểu hãnh tiến và thành đạt bây giờ chắc sẽ chẳng ai đi về hai tay không như ông Diểu trong Muối của rừng. Và cũng sẽ chẳng có khóm hoa tử huyền nào chờ đợi họ. Mưa xuân cũng không còn rắc trên đầu họ. Chỉ có một bầu trời mù xám màu chì dành cho họ mà thôi.

H.N.P

Chia sẻ trên Facebook