CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Nghiên cứu - Phê bình

MARC LEVY VÀ FAN HÂM MỘ VIỆT NAM

Chủ nhật ngày 13 tháng 5 năm 2012 6:59 PM

Ở trường Đại học Hà Nội, tôi dạy môn Văn học Pháp, một môn học thường khiến sinh viên ngại vì các em buộc phải đọc những cuốn tiểu thuyết dày hàng trăm trang, phải mất nhiều ngày mới đọc hết một quyển. Đầu kỳ học, tôi thường yêu cầu mỗi sinh viên tự chọn và đọc ít nhất một tác phẩm văn học để sau đó thuyết trình trước lớp. Những năm trước đây, sinh viên thường chọn đọc những tác phẩm của các tác giả nổi tiếng thế kỷ XIX như Victor Hugo, Balzac, Maupassant…hoặc một vài tác giả thế kỷ XX như Camus, Sarraute hay Duras... Nhưng vài năm trở lại đây, tôi thường phải đối mặt với một trào lưu hâm mộ mà sinh viên của tôi gọi đùa là « Hội những người cuồng tín Marc Lévy». Quả thật, rất nhiều sinh viên hào hứng đăng ký trình bày trước lớp về các tác phẩm của nhà văn Pháp này. Niềm đam mê Marc Lévy của giới trẻ khiến tôi rất tò mò, muốn tìm hiểu xem tại sao nhà văn ăn khách nhất nước Pháp này lại khiến cho cả một thế hệ người Việt Nam cuồng si đến thế. Câu hỏi đó đã đưa tôi đến với những tác phẩm của tiểu thuyết gia lừng danh này.

Đầu tiên là cuốn Nếu em không phi mt gic mơ. Một câu chuyện giữa hồn ma và người sống được viết với văn phong trữ tình đem đến những xúc cảm với đủ mọi cung bậc, tách tôi ra khỏi cuộc sống hối hả bận rộn thường nhật để đưa tôi đến với những cảm giác bay bổng ngất ngây, với thế giới của những giấc mơ tươi đẹp. Với tôi, câu chuyện nửa thực nửa ảo, nửa tỉnh nửa mơ về mối tình giữa chàng kiến trúc sư tài hoa Arthur và bóng ma của nữ bác sỹ Lauren ẩn chứa một mối thông điệp sâu sắc, đó là khát khao được chia sẻ trong guồng quay nghiệt ngã của cuộc sống khiến mỗi con người đều trở thành « kẻ xa lạ » – theo cách nói của Albert Camus – xa lạ với thế giới xung quanh và với chính bản thân mình. Bảy năm sau khi xuất bản Nếu em không phi mt gic mơ, Marc Levy lại tái hiện hai nhân vật Arthur và Lauren trong tiểu thuyết Gp li như thể anh không nỡ chia tay những đứa con « đứt ruột đẻ đau » của mình. Tôi thấy ở đó tính nhân văn cao cả của người cầm bút khi tác giả đưa bóng ma trở lại với cuộc sống thực, khi anh diễn tả nỗi dày vò giằng xé trong lòng Arthur lúc người thanh niên này quyết định bán đi ngôi nhà đã từng lưu giữ biết bao ký ức tuổi thơ trong tình yêu thương ngọt ngào của mẹ.

Cứ thế, tôi lại mò tìm đến với những cuốn sách tiếp theo của Marc Lévy, để được sống trong bầu không khí đậm sắc tâm linh pha trộn trinh thám và lãng mạn của Kiếp sau, để cảm nhận cuộc sống đầy biến động và hài hước của hai anh chàng gà trống nuôi con trong Bn tôi tình tôi, để hòa vào cuộc chiến của những đứa trẻ đường phố dũng cảm chống lại sự bạo tàn của quân Đức quốc xã trên lãnh thổ Pháp trong Thế chiến thứ 2 qua những trang sách của cuốn Nhng đa tr t do. Tôi thích cuốn Em đâu ? với những cánh thư mang nặng hơi thở của cuộc sống, của tình yêu mãnh liệt giữa Susan và Philip. Đôi tình nhân trẻ này từng gắn bó với nhau từ thuở niên thiếu, từng thề nguyện bên nhau đến trọn đời nhưng lại bị chính cuộc đời này chia rẽ đôi đường. Cuốn tiểu thuyết nhẹ nhàng mà sâu lắng gợi mở những giá trị đích thực của tình yêu : chia sẻ đam mê và khát vọng, kiên nhẫn tìm ra nét đẹp ẩn chứa trong tâm hồn người mình yêu, chấp nhận rủi ro để yêu và được yêu hết mình… Tôi thích lời đề tựa cuốn sách này – một câu nói của Orson Welles: «Chỉ tình yêu và tình bạn mới có thể khỏa lấp nỗi cô đơn của đời người… ».

Kiếp sau, By ngày cho mãi mãiMi điu ta chưa nói và biết bao cuốn tiểu thuyết chưa viết khác của Marc Lévy hẳn sẽ làm tôi nhớ mãi lối kể chuyện nhẹ nhàng, dí dỏm nhưng cũng rất sâu sắc, chứa đầy hơi thở cuộc sống và những thông điệp nhân văn của nhà văn này.

Nếu so sánh Marc Lévy với các nhà văn đương đại Pháp, có thể nói rằng tác phẩm của anh nổi bật ở lối viết dễ đọc, dễ nhớ, dễ hình dung và dễ gây xúc động. Những câu chuyện giản dị với những tình tiết hư cấu rất gần với cuộc sống đời thường ở các nước phương Tây khiến cho những độc giả « thường thường bậc trung » ở Pháp rất thích. Sách của anh được đọc trên tàu điện ngầm, ở bến đợi xe buýt hay trên sân ga. Người ta đọc chúng để thấy trong đó hình bóng của chính mình, của những con người sống xung quanh họ và để nhìn nhận lại mình. Đó là những cảm nhận ban đầu của tôi về anh.

Ở Pháp, Marc Lévy đã trở thành tác giả hàng đầu của những cuốn sách best-seller. Ở Việt Nam, anh tạo ra những cơn sốt khi độc giả chờ đón từng ngày mỗi tác phẩm của anh được dịch ra tiếng Việt. Có đọc những trao đổi của các fan cuồng nhiệt trên các trang mạng mới thấy độc giả trẻ Việt Nam (kể cả những người ít đọc sách) yêu mến và hâm mộ anh đến nhường nào. Quả thật, niềm đam mê của các thanh niên Việt Nam đối với Marc Lévy còn lớn hơn nhiều, rất nhiều so với những gì tôi quan sát được trên giảng đường và so với cảm nhận của tôi. Tôi đã có dịp khám phá ra niềm đam mê đó nhân chuyến thăm Việt Nam của nhà văn cùng với người vợ sắp cưới của anh.

Tôi còn nhớ, khi đó là tháng 10 năm 2008. Tôi được mời đi dịch cho lễ khai mạc Ngày hội đọc sách do Đại sứ quán Pháp, Tổng công ty phát hành sách Việt Nam và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức. Theo hình dung của tôi, buổi lễ sẽ đông hơn những năm trước vì có sự tham gia của nhà văn đang ăn khách nhất này. Tuy nhiên, độc giả kéo đến đông hơn nhiều so với những gì tôi từng chứng kiến tại các buổi lễ Khai mạc Ngày hội đọc sách các năm trước. Độc giả đến từ sớm để chào đón thần tượng của họ. Tôi thấy rất nhiều thanh niên, thiếu niên, cả những người trung niên và các bác đã có tuổi. Thì ra họ đã truyền tai nhau từ mấy ngày trước đó và kiên quyết không bỏ lỡ cơ hội có một không hai được gặp người đã đưa họ vào thế giới hiện thực huyền ảo phương Tây này.

Marc Lévy xuất hiện cùng vợ chưa cưới. Anh mặc giản dị. Áo vét màu tối bên ngoài chiếc áo sơ mi trắng, bên dưới là một chiếc quần bò màu xám. Vẫn bộ râu ba ngày không cạo như trên bìa những cuốn tiểu thuyết của anh, vẫn nụ cười hiền, chân thành, gần gũi. Anh đến, độc giả nhận ra anh ngay lập tức và chen nhau xích lại gần anh hơn để thấy, để chạm vào anh, để cảm nhận con người anh. Máy ảnh nháy đèn lia lịa. Phóng viên chen nhau phỏng vấn. Những cuốn sách dịch sang tiếng Việt của anh liên tục được chìa ra. Những chữ ký tặng nối nhau xuất hiện trên các trang sách. Các fan hâm mộ không thể bỏ lỡ dịp được nhìn tận mắt thần tượng của họ, được nghe anh xì xồ những câu tiếng Pháp mà họ không tài nào hiểu nổi, được có mặt cùng anh trong một bức ảnh cho dù có bị đám đông gây trở ngại. Cảnh tượng này làm tôi nhớ lại buổi nói chuyện của anh tối hôm trước đó tại Trung tâm văn hóa Pháp. Khán phòng mấy trăm chỗ chật kín. Các fan hâm mộ kể cả người Việt lẫn người Pháp (có lẽ cả những người nước ngoài yêu mến Marc Lévy khác) tràn ra cả lối đi để nghe nhà văn nói về nghề viết. Anh nói mộc mạc, giản dị, pha chút hài hước. Thời gian với các fan thật là quá ít vì ai cũng giơ tay xin được đặt câu hỏi. Khi Giám đốc Trung tâm Văn hóa Pháp nói là chỉ còn thời gian cho một người hỏi thì có một cô bé rất thông minh cầm sẵn một tập câu hỏi của các bạn và hỏi liền năm câu khiến cả hội trường cười ồ. Sau buổi nói chuyện, Marc Lévy bị cánh trẻ vây quanh (có đến vài trăm người) nhao nhao xin chữ ký khiến cho bảo vệ phải ra tay lập trật tự. Nhưng với tôi, ấn tượng nhất vẫn là buổi nói chuyện của Marc Lévy với sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ban tổ chức cũng không ngờ số người đến nghe lại đông đến thế. Tôi thấy có nhiều học giả, các nhà phê bình văn học, các chuyên gia văn học Pháp. Nhiều người trong số họ đã nghỉ hưu từ lâu nhưng vẫn đến nghe Marc Lévy, có lẽ cũng để tìm hiểu anh làm thế nào mà lại có sức hút giới trẻ Việt Nam đến thế. Khi hội trường đã chật cứng mà mọi người vẫn ùn ùn kéo đến, lãnh đạo khoa Văn phải yêu cầu sinh viên của Khoa ngồi chung hai người một ghế để nhường chỗ cho sinh viên các khoa và các trường khác. Tôi còn nhớ, mỗi khi Marc Lévy nói một ý và tôi dịch sang tiếng Việt, cử tọa lại vỗ tay vang dậy, như thể người đàn ông nửa lịch lãm nửa phong trần này là một nhà tiên tri hay một lãnh tụ vậy.

Qua buổi nói chuyện đó, độc giả và tôi khám phá ra một điều : Marc Lévy đến với nghề viết văn rất tình cờ. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên Nếu em không phi là gic mơ anh viết để tặng con trai mình. Chị gái anh đọc thấy hấp dẫn và khuyên anh gửi bản thảo đến Nhà xuất bản. Bỗng nhiên trở thành một hiện tượng văn học, anh đã quyết định bỏ nghề kiến trúc sư để chuyển hẳn sang nghiệp viết. Giải thích cho các chủ đề được đề cập trong tiểu thuyết của mình, Marc Lévy nói: với anh, truyền đến độc giả những tình cảm sâu kín, cho dù là tình bạn, tình yêu hay tình mẫu tử, phụ tử, làm cho độc giả cảm nhận được suy tư của nhân vật là điều mà anh nhắm đến vì suy cho cùng tình cảm mới là thứ thiêng liêng, đáng quý trên cõi đời này.

Điều làm tôi thích ở Marc Lévy, đó là sự giản dị, khiêm nhường. Cho dù sách của anh rất ăn khách trên 37 nước, anh vẫn không có biểu hiện nào chứng tỏ mình là ngôi sao cả. Trong các cuộc nói chuyện tại Hà Nội, anh nói rằng khiêm tốn là lẽ sống của anh và dù gì đi chăng nữa, anh cũng chỉ là một trong số rất nhiều nhà văn Pháp đương đại mà thôi. Anh khuyên độc giả trẻ hãy đọc thêm tác phẩm của các tác giả đương đại khác, trong đó có cuốn La của nhà văn người Italia Alessandro Baricco mà tôi rất thích. Sau buổi nói chuyện, Ban tổ chức dành gần một giờ đồng hồ cho Marc Lévy ký tặng sách. Giới trẻ đổ xô lên bục để xin chữ ký. Có em không có tiền mua sách thì đưa sổ tay và vở để xin chữ ký. Marc Lévy là một người khá dễ tính, ký cho đến khi hết yêu cầu thì thôi, cho dù Ban tổ chức sốt ruột và cô vợ chưa cưới (phóng viên kiêm người mẫu) xinh đẹp mệt bở hơi tai vì cố gắng quay hết cảnh tượng ồn ào náo nhiệt xung quanh. Trong bữa ăn sau buổi nói chuyện, Marc Lévy kể một câu chuyện làm ai cũng buồn cười. Tối hôm trước, trong lúc đi qua một hiệu sách gần khách sạn Métropole, có một bà bán sách nhận ra anh. Bà này liền gọi anh lại, nhờ anh ký cho mấy chục cuốn tiểu thuyết của anh trên quầy sách. Không chút nề hà, anh đồng ý ngồi trên ghế đẩu giữa vỉa hè để ký sách. Bà bán sách không muốn bỏ lỡ cơ hội có một không hai này, bà rút túi lấy điện thoại di động gọi chồng phóng về nhà lấy thêm sách ra để ký. Marc Lévy thấy thế phát hoảng liền cáo lui và rút nhanh về khách sạn. Anh dí dỏm nói với chúng tôi rằng anh và bạn gái sang Việt Nam lần này tranh thủ nghỉ trăng mật, nhưng với đà này (còn một cuộc gặp mặt các fan ở TP Hồ Chí Minh nữa) thì cả hai sẽ vỡ mật!

Theo tìm hiểu của tôi, ở Pháp, tuy Marc Lévy là nhà văn ăn khách nhất, với số lượng bản in cao nhất, nhưng anh vẫn không được các chuyên gia văn học đánh giá cao và sách của anh được xếp vào loại sách thị trường, thương mại. Với riêng tôi, dù thế nào đi chăng nữa, ở Việt Nam, Marc Lévy đã làm được một điều mà ít nhà văn nào làm được: đánh thức thú vui đọc sách, đặc biệt là sách văn học vốn đã nhiều năm ngủ sâu trong lòng các độc giả trẻ. Những buổi nói chuyện thu hút hàng trăm độc giả là fan hâm mộ – điều tôi chưa từng thấy ở Việt Nam – đã chứng tỏ điều đó.

T.V.C

Ảnh: Bùi Doãn Mai Phương

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook