CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Nghiên cứu - Phê bình

MARGUERITE DURAS và thể nghiệm văn chương

Chủ nhật ngày 13 tháng 5 năm 2012 6:59 PM

Năm 1943, lần đầu tiên Marguerite Duras bước vào nghiệp viết với tác phẩm Những kẻ trâng tráo[1], một tiểu thuyết mang tính giả tự truyện với các nhân vật hiện thân cho các thành viên trong chính gia đình tác giả.

Năm mươi ba năm sau, khi qua đời, Duras để lại một sự nghiệp đồ sộ với hàng chục cuốn tiểu thuyết, hàng chục tập truyện kể, kịch bản phim, kịch bản sân khấu, phim do bà viết và đạo diễn, chưa kể đến rất nhiều những bài báo bà đã viết khi còn trẻ. Điều này cho thấy tài năng của Duras không chỉ nở rộ trong lĩnh vực tiểu thuyết đã từng đem lại cho bà giải Goncourt, giải thưởng văn học uy tín nhất ở Pháp vào năm 1980 với tác phẩm Người tình.[2] Nữ văn sỹ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đông Dương đã dành cả cuộc đời mình theo đuổi những thử nghiệm văn chương. Bằng chứng là 9 năm sau khi tác phẩm Đập ngăn Thái Bình Dương[3] hụt mất giải Goncourt vì lý do tố cáo chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương, Duras thử nghiệm khả năng viết của mình với kịch bản sân khấu Những chiếc cầu cạn ở Seine và Oise[4]. Ngay năm sau đó, năm 1960, bà viết kịch bản và lời thoại cho bộ phim Hiroshima tình yêu của tôi[5], được Alain Resnais đạo diễn và nhanh chóng gây tiếng vang trên toàn thế giới bởi lẽ nó đem lại cho điện ảnh một hơi thở mới cả về nội dung lẫn hình thức. Tạp chí điện ảnh Pháp đánh giá đây là bộ phim không giống với một bộ phim nào từng được thực hiện trước đó bởi lẽ nó nhấn mạnh đến sự ngăn cách giữa thể hiện thực tế và thực tế không thể tóm bắt. Bộ phim cũng làm nổi bật sự cách biệt giữa một bên là Lịch sử với trái bom nguyên tử ném xuống Hiroshima, sự chiếm đóng và giải phóng đất nước và một bên là những câu chuyện tình ở Hiroshima và ở Nevers.

Trong những năm tiếp theo, M. Duras cho ra đời rất nhiều tiểu thuyết, truyện kể, xen kẽ với những kịch bản sân khấu và kịch bản phim. Bà cũng đạo diễn một số bộ phim do chính tay bà viết kịch bản và chuyển thể kịch bản một số tác phẩm của các tác giả khác như hai truyện ngắn Con thú trong rừng rậm[6] Giấy tờ của Aspern[7] của tác giả Henry James.

Quá trình theo đuổi nghiệp viết của Duras cho thấy bà luôn tìm cách làm mới mình, luôn tìm cách phá vỡ mọi nguyên tắc, mọi thông lệ văn chương. Những thử nghiệm của Duras trên mảnh đất tiểu thuyết trước hết được thể hiện qua lối tái lập tình huống với những phong cách viết khác nhau. Ba tiểu thuyết về Đông dương là Đập ngăn Thái Bình Dương, Người tình[8]Người tình Hoa Bắc[9] được xây dựng trên cùng một cốt truyện có liên quan đến cuộc đời của chính gia đình bà trên mảnh đất Đông Dương. Sự lặp lại chủ đề hay còn gọi là phép liên văn bản theo cách nói của Gérard Genette[10] này đã đem lại cho câu chuyện kể những phiên bản mới với những hình thức thể hiện/thử nghiệm mới.[11] Nếu như tiểu thuyết Đập ngăn Thái Bình Dương được viết theo lối văn truyền thống với các tình tiết xây dựng trên cùng một trục thời gian, với cách sử dụng thống nhất một đại từ nhân xưng trong suốt câu chuyện thì tác phẩm Người tình ra đời năm 1984, tức là 34 năm sau đó, lại gây sốc bởi một lối viết « không giống ai ». Duras đã thành công khi khoác lên câu chuyện cũ của mình một bộ cánh mới. Bộ cánh này chính là hình thức thể hiện đan xen giữa hiện tại và quá khứ, giữa những suy ngẫm tức thời và những hình ảnh dạt dào từ quá khứ sâu thẳm vọng về. Đó cũng là sự đan xen giữa nhân vật xưng tôi và nhân vật được gọi là « cô bé ». Hai nhân vật - tuy hai mà là một - đó khi thì xuất hiện với tư cách người kể câu chuyện về chính cuộc đời mình, khi thì lại xuất hiện như một nhân vật dưới con mắt người kể chuyện. Cô gái da trắng cứ thoắt ẩn thoắt hiện trong những không gian và thời gian rất khác nhau ấy tạo ra sức cuốn hút lạ kì. Sự thử nghiệm còn thể hiện qua thứ ngôn ngữ lai (theo cách nói của Catherine Bouthors Paillart[12]) với những câu văn không theo một quy tắc ngữ pháp tiếng Pháp nào nhưng lại rất gần với cấu trúc câu trong tiếng Việt. Trong những cuộc trả lời phỏng vấn sau thành công của cuốn tiểu thuyết Người tình, Duras cho biết trong suốt thời kì niên thiếu ở Việt Nam, bà đã sống với những đứa trẻ gày gò da vàng, với những người phục vụ bản xứ nhiều hơn là với cộng đồng da trắng trên đất Đông dương. Những khó khăn về vật chất cũng như địa vị thấp hèn của gia đình da trắng nhà Donnadieu đã khiến cho họ tồn tại nơi biên giới hai cộng đồng. Họ quá nghèo để có thể hòa nhập vào xã hội da trắng với những chủ đồn điền giàu có, những tay buôn lậu đến từ Pháp quốc hay những viên chức Nhà nước Pháp sống vương giả nhờ những khoản tiền đút lót kếch xù khi bán những điền thửa cho những người nhiều tiền lắm của mơ làm giàu trên đất thuộc địa. Tuy nhiên, họ cũng không đến nỗi đói ăn lam lũ như những người dân bản xứ sống xung quanh họ. Chính sự gần gũi với người bản xứ đã khiến cho cô bé Marguerite Donnadieu - sau này đổi tên thành Marguerite Duras - cảm thấy xa lạ với chính bà mẹ của cô, xa lạ với chính dòng máu da trắng mà cô mang trong mình. Trong một bài viết có nhan đề « Những đứa trẻ gày gò da vàng »[13], Duras đã tiết lộ rằng cô đã nói tiếng Việt với người An Nam trong suốt thời niên thiếu. Sau này, nữ văn sĩ lừng danh cũng công nhận ảnh hưởng của tiếng Việt đối với lối hành văn của bà trong tác phẩm đoạt giải Goncourt khiến cho cuốn Người tình đã được bán ra với một con số kỉ lục. Theo giới chuyên môn về xuất bản, một tác phẩm được giải Goncourt bán được 300 ngàn bản đã là một thành công, vậy mà 3 triệu cuốn Người tình đã được bán ra trong một thời gian ngắn. Con số này chứng tỏ sức hấp dẫn của những thử nghiệm văn chương của nhà văn đối với công chúng. Khi cuốn Người tình được đạo diễn Jacques Annaud dựng thành phim, những bất đồng quan điểm rất lớn thậm chí là xung đột đã diễn ra giữa ông và tác giả tiểu thuyết. Nữ văn sĩ phản ứng lại bằng cách sử dụng lại cốt truyện và thể hiện lại qua một phiên bản khác, một phiên bản mang tính định hướng đạo diễn. Cuốn Người tình Hoa Bắc ra đời năm 1991 như một thử nghiệm về sự phối kết hợp giữa tiểu thuyết và kịch bản điện ảnh. Tác phẩm là một sự xâu chuỗi những cảnh quay hiện lên trong trí tưởng tượng của tác giả. Riêng cách trình bày các câu văn ngắn gọn mang tính chỉ định bối cảnh cũng như những khổ văn được tách rời nhau bởi những khoảng trắng cũng đủ làm nổi bật ý đồ đó. Trong cuốn tiểu thuyết này, độc giả thường xuyên gặp những đoạn như sau :

Đó là con sông.
Đó là chuyến phà qua sông Mékong. Chuyến phà của những cuốn sách.
Của con sông.
Trên phà có chiếc xe ca cho người bản xứ, những chiếc xe hiệu Léon Bollée đen dài, những người tình Hoa Bắc đang nhìn.

Con phà ra đi.[14]

Nếu như những câu văn ngắn mang tính liệt kê khung cảnh câu chuyện thường xuyên được sử dụng trong cuốn tiểu thuyết và rất giống với các kịch bản thông thường thì trái lại, các đoạn hội thoại ít xuất hiện hơn và thường ngắn hơn. Đây cũng là một đặc điểm của điện ảnh « theo phong cách Duras » - một thứ điện ảnh kiệm lời giống như trong phim Khúc ca Ấn Độ[15] mà Duras đã viết và đạo diễn vào năm 1975. Không những thế, Duras còn nêu rõ trong phần chú thích cuối trang những gợi ý cho những ai có ý định chuyển thể tác phẩm của bà. Độc giả có thể đọc được những đoạn chú thích kiểu như sau :

Trong trường hợp làm phim ta có thể lựa chọn. Hoặc là dừng lại ở khuôn mặt người mẹ kể chuyện không nghe rõ tiếng. Hoặc là ta thấy chiếc bàn và những đứa trẻ qua lời kể của bà mẹ. Tác giả thích đề nghị thứ hai này hơn.[16]

Ở một đoạn khác, cũng ở cuối trang, Duras viết :

Trong trường hợp làm phim từ cuốn sách này, không nên chọn cô bé chỉ có vẻ đẹp thuần túy. Có thể điều này sẽ gây nguy hiểm cho bộ phim. Có một cái gì đó khác thế thể hiện trong cô, cô bé, « một thứ khó tránh », một sự tò mò hoang dã, một sự thiếu giáo dục, một sự thiếu, vâng, thiếu rụt rè…[17]

Lối viết đan xen giữa văn xuôi với kịch bản sau này tiếp tục được M. Duras thể nghiệm, đặc biệt là trong cuốn Viết[18], xuất bản tại Pháp năm 1993 tức là 3 năm trước khi Duras qua đời. Trong cuốn này có một câu chuyện kể nhan đề là Roma viết về cuộc trò chuyện giữa một người đàn ông và một người đàn bà không quen biết gặp nhau tại một khách sạn ở thành phố Roma. Khi đọc câu chuyện này, độc giả cảm nhận rõ ràng rằng Duras viết truyện là để phục vụ cho người làm phim, bởi lẽ ngoài những đoạn hội thoại giữa hai nhân vật ra, phần còn lại chỉ là những câu viết rất ngắn mang tính định hướng cho người dựng cảnh quay và đạo diễn phim. Ví dụ :

Đó là nước Ý.
Đó là thành Roma.
Đó là một sảnh khách sạn.
Đó là buổi tối.
Đó là quảng trường Navona.[19]

Ngoài những gợi ý dàn dựng cảnh ra, ta còn thấy những gợi ý về hành động, cử chỉ của mỗi nhân vật. Những gợi ý này cũng được thể hiện hết sức ngắn gọn:

Yên lặng. Những ánh mắt lệch pha nhau.
Thời gian. Họ lặng thinh. Anh nhìn xa, không gì hết.[20]

 Cũng trong cuốn Viết, Duras đã nói về cái mà bà gọi là “văn chương của cái-không-viết-ra”, một thứ văn chương chỉ có thể có được khi người cầm bút dám vượt lên trên mọi phê bình chỉ trích để tìm đến với cái mới mẻ.

Có một thứ văn chương của cái-không-viết-ra. Một ngày nào đó nó sẽ đến. Một thứ văn chương ngắn gọn, không ngữ pháp, một thứ văn chương chỉ toàn các từ. Những từ không có ngữ pháp làm nền tảng. Lạc lối. Đó, những tác phẩm.[21]

Chính cuốn Viết cũng là một thứ văn chương thể nghiệm, “văn chương của cái-không-viết-ra” theo lối nói của Duras. Ở trang đầu cuốn sách, tác giả đã nêu lên lí do của việc ra đời cuốn sách này :

Sự kiện ở Vauville, tôi gọi nó là Cái chết của viên phi công trẻ người Anh. Đầu tiên, tôi kể cho Benoît Jacquot nghe khi anh đến thăm tôi ở Trouville. Chính anh là người có ý tưởng ghi hình tôi đang kể cho anh nghe cái chết của viên phi công trẻ hai mươi tuổi. Vậy là một bộ phim đã được Benoît Jacquot đạo diễn. Quay phim là Caroline Champetier de Ribes và người thu thanh là Michel Vionnet. Nơi quay phim là căn hộ của tôi ở Paris.

Khi bộ phim hoàn thành, chúng tôi đã đến nhà tôi ở Neauphle-le-Château. Tôi đã nói về nghiệp viết. Tôi muốn thử nói về điều đó: Viết. Và một bộ phim thứ hai đã được thực hiện như vậy với cùng kíp làm phim và cùng nhóm sản xuất - Sylvie Blum và Claude Guisard, thuộc Viện lưu trữ quốc gia.[22]

Như vậy, ta có thể thấy rằng bản thân cuốn Viết cũng không phải là một tác phẩm viết đơn thuần. Đó chỉ là ghi chép lại từ cuộc trò chuyện có ghi hình về nghiệp viết giữa Duras với đạo diễn Benoît Jacquot, một thể nghiệm mới của nhà văn với một loại hình văn học gần với văn phong nói hơn, bột phát hơn, phóng khoáng hơn. Nhà văn cứ để mặc cho những kỉ niệm và những ý tưởng chợt đến được bộc lộ qua lời nói không theo một trật tự cụ thể nào. Những câu chuyện kể với các khổ văn tách rời nhau nhưng lại gắn bó chặt chẽ với nhau cho dù chúng không theo một cấu trúc kể chuyện liên tục nào hết dường như tạo lên một mạng lưới các chủ đề tiếp nối liên văn bản : chủ đề thứ nhất kéo theo chủ đề thứ hai, chủ đề thứ ba rồi cứ thế tiếp diễn. Những chi tiết tưởng chừng không có gì đáng nói cũng trở thành đề tài cho bàn luận nghiệp văn chương như câu chuyện về cái chết của một con ruồi, một câu chuyện khơi mào cho câu chuyện về cái chết của viên phi công trẻ người Anh, cái chết này lại kéo theo suy tưởng của tác giả về cái chết của người anh trai thương yêu của mình trên mảnh đất thuộc địa, để rồi sau đó nhà văn tiếp tục luận bàn về hàng triệu người Do Thái bị giết dưới bàn tay những tên Đức quốc xã mà bà vô cùng căm ghét.

Cuốn Viết cũng là cầu nối giữa độc giả và thế giới văn chương của Duras, qua đó nhà văn dẫn dắt họ đến với môi trường sáng tác của riêng bà, đến với những kỉ niệm và những tác phẩm được viết ra từ ngôi nhà của bà tại Neauphle-le-Château, đến với những thể nghiệm văn chương qua lời kể của bà và qua từng trang sách.

Nhìn nhận lại sự nghiệp sáng tác của M. Duras, ta có thể thấy tài năng kiệt xuất của nữ văn sĩ  kết hợp với sự tìm tòi cách tân không mệt mỏi đã đưa bà đến với tột đỉnh vinh quang. Mười lăm năm sau khi nhà văn qua đời, các tác phẩm của bà vẫn luôn được độc giả trên thế giới đón nhận và nghiên cứu. Theo thống kê ở Pháp, riêng năm 2009, các tác phẩm của M. Duras đứng đầu danh sách những tác phẩm được chọn cho các luận án tiến sĩ văn học. Điều này khẳng định thêm một lần nữa sức hút của một cây viết lớn trong làng văn học Pháp ngữ.

Trần Văn Công

Sách tham khảo:

Tác phẩm của Marguerite Duras :

  1. Marguerite Duras, Romans, cinéma, théâtre. Un parcours, 1943-1993, Gallimard Quarto, 1997
  2. Marguerite Duras, Outside, P.O.L., 1984
  3. Marguerite Duras, Ecrire, Gallimard, 1993

 

Sách lí luận và phê bình :

  1. Laure ADLER, Marguerite Duras, Paris, Gallimard, 1998, coll. Biographies NRF Gallimard
  2. Aliette ARMEL, Marguerite Duras et l’autobiographie, Paris, Castor astral, 1990
  3. Catherine BOUTHORS PAILLART, Duras la métisse. Métissage fantasmatique et linguistique dans l’œuvre de Marguerite Duras, Préface de Christiane Blot-Labarrère, Genève, Droz, 2002.
  4. Gérard GENETTE, Palimpsestes, La littérature au second degré, Seuil, coll. « Essais », Paris, 1982
  5. Anne Claire GIGNOUX, Initiation à l’intertextualité, Paris, Ellipses, 2005
  6. Marie-Chantal KILLEN, Essai sur l’indicible, Jabès, Blanchot, Duras, Presses Universitaires de Vincennes, 2004
  7. Claude OLIEVENSTEIN, Le non-dit des émotions, Editions Odile Jacob, 1987


[1] Do Plon xuất bản năm 1943 và Gallimard tái bản năm 1992.
[2] Cuốn Người tình đã từng được công ty Nhã Nam dịch và xuất bản bằng tiếng Việt năm 2007.
[3] Do Gallimard xuất bản năm 1950.
[4] Do Gallimard xuất bản năm 1959.
[5] Do Gallimard xuất bản năm 1960.
[6] James Lord và Marguerite Duras chuyển thể (không xuất bản).
[7] Marguerite Duras và Robert Antelme chuyển thể (1970, NXB Paris-Théâtre).
[8] Do Minuit xuất bản năm 1984.
[9] Do Gallimard xuất bản năm 1991.
[10] Gérard Genette, Palimpsestes, La littérature au second degré, Seuil, coll. « Essais », Paris, 1982
[11] Sự thể hiện cùng một cốt truyện dưới những hình thức khác nhau gợi nhớ “Những bài tập văn phong” của Raymond Queneau, một nhà văn khá thân với Duras. Trong Viết, M. Duras tiết lộ: “Trong thời kỳ tôi nhận thấy nỗi cô đơn đầu tiên ấy tôi đã phát hiện ra rằng viết văn chính là điều tôi cần phải làm. Tôi cũng đã từng nghe Raymond Queneau khẳng định điều này. Lời phán xét duy nhất của Raymond Queneau, câu nói đó: “Đừng làm bất kỳ điều gì khác, hãy viết.” Sự thân cận giữa hai nhà văn có thể đã đem đến cho Duras ý tưởng thể nghiệm những văn phong khác nhau cho tác phẩm của mình.
[12] Catherine Bouthors Paillart, Duras la métisse. Métissage fantasmatique et linguistique dans l’œuvre de Marguerite Duras, Préface de Christiane Blot-Labarrère, Genève, Droz, 2002.
[13] In trong  Marguerite Duras, Outside, P.O.L., 1984, tr. 277 và những trang tiếp theo.
[14] Người tình Hoa Bắc, bản gốc tiếng Pháp trong Romans, cinéma, théâtre. Un parcours, 1943-1993, M. Duras, Gallimard Quarto, 1997, tr. 1578.
[15] Do Films Armorial phát hành.
[16] Người tình Hoa Bắc, bản gốc tiếng Pháp trong Romans, cinéma, théâtre. Un parcours, 1943-1993, M. Duras, Gallimard Quarto, 1997, tr. 1773.
[17] Sđd., tr. 1603.
[18] Bản tiếng Việt do Nhã Nam phát hành tháng 1/2010.
[19] Marguerite Duras, Viết, Nhã Nam, tr. 103.
[20] Sđd., tr. 111.
[21] Sđd., tr. 85.
[22] Sđd., tr. 5.
Bình luận

        Rất hân hạnh, bạn là người đầu tiên gửi lời bình luận đến chúng tôi !
Gửi lời bình
  • Mã xác nhận
  •  
  • Họ tên
  • Email
  • Nội dung
Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook