CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tin văn - Phê bình văn học

THƯ GỬI TỪ PARIS

Thứ ba ngày 3 tháng 1 năm 2017 12:00 AM

Thưa Anh,

Tôi gạt những câu thức thường nhật sang bên, thưa Anh, để đọc cuốn sách anh vừa gửi.  Lật từng trang, liền mạch không nghỉ để cuối cùng bị xáo trộn bởi dư chấn từ những trang viết, những xúc cảm  xâm chiếm và hơn cả là nỗi nhói đau mà người viết là Anh gây nên khiến cho tôi ngồi viết bức thư này.

Không rõ có phải do ý muốn của Anh đồng hóa tập sách thứ 9, sau những tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút, chân dung… là «du ký», như một kết án định vị thể loại chữ nghĩa? Phải chăng sách du hành đang là phong trào và du lịch trở thành  phương thức thể hiện đẳng cấp của tiền bạc và văn minh? Chỉ vậy thôi ư, thì tôi – sẽ mở cuốn sách, tự hài lòng thỏa mãn với tựa đề, sẽ khoác lên Anh không tiếc lời bình hoa mĩ rồi xếp vào một góc. Không, có lẽ để thể hiện lương tâm bạn đọc, tôi sẽ gắng lướt vài trang, nắm vài cái tên để biết những nơi Anh đã viết… Rụt rè mà thân ái với thành phố và miền quê nước Pháp, lạnh và cảnh giác với châu Âu,  mỗi tên hành trình không lạ nhưng ít ra cũng thôi thúc tung hoành một trận phiêu lưu: La Victorine – Thiên đường nhỏ xứ Dijon; Bản Valse muộn thành Vienne; Tay đan sóng nắng Venezia; Montreuil – thành phố của những giấc mơ tàn; Amsterdam – chờ nữa chút duyên mai hậu; Ngoài cửa sổ là hương cam Mexico; Uống rượu ở cổ thành Monsaraz…

Nhầm hay tôi đã rơi vào cái bẫy cao ngạo của người viết? Được cam kết cuốn sách về du ký, người đọc chờ đợi ở đây ghi chép cùng cảm nhận theo trình tự thời gian xuyên suốt sáu năm «chiêm ngưỡng» thiên nhiên, di tích, một liệt kê có giá trị hướng dẫn thực tiễn, tiên quyết cho chuyến đi xa và những chuẩn bị tinh thần mà Anh muốn chia sẻ cùng bạn đọc. Anh, cho dù từ bộc lộ ban đầu, toát ra vẻ bình thản hay đúng hơn là dè dặt, vẻ ngoan ngoãn tới ngây thơ, tuy điều đó có vẻ tự nhiên, giống như Anh đứng ngoài mọi biểu hiện. Nhưng nhiều trang viết vẫn như từng ven đang rực sốt, như đợt lửa trỗi thúc mầm ước muốn vượt qua mọi giới hạn đi tới khám phá tận cùng, khao khát tìm kiếm chìa khóa mở tung trùng trùng cánh cửa: cánh cửa mỗi thành phố, cánh cửa mỗi ngôi làng, cánh cửa mỗi lâu đài, mỗi ruộng nho, mỗi khuôn vườn, say sưa và tận tụy,  lục lọi, xáo trộn, xoáy vào riêng tư sâu thẳm từng ánh mắt, xét dò mỗi động thái… nhận thức thế giới để rồi chiêm nghiệm: một nhác thói quen, một mấu chốt văn hóa, một đoản khúc lịch sử, một sắc thái văn chương… Những tưởng Anh đang hứng thú truyền bá một tôn giáo du hành. Những tưởng trong Anh niềm mê đắm tới mức tôn thờ văn hóa Pháp chẳng gì sánh nổi, những tưởng Anh lạc muôn lối nẻo trời Âu …

Người du hành và Anh – nhà văn cùng sống chung và trải nghiệm những chuyến đi. Người du hành trải nghiệm bằng bước chân chuyển dịch vật lý và địa lý, nhà văn trải nghiệm bằng trí tuệ. Người du hành thôi thúc ham muốn đi bằng tả và kể về thực tế, những điều mắt thấy tai nghe. Nhà văn thức tỉnh thú nhấm nháp từng con chữ. Người du hành dần bộc lộ quá khứ, một bề dày vốn sống, giáo dục của tầng lớp nghệ sĩ dấn thân. Mỗi bước đi, tâm sự của anh ta thấp thoáng kỷ niệm thời thơ bé trong  một gia đình cổ phong phảng phất không gian, bản sắc văn hóa truyền thống rừng cọ đồi chè đất Tổ xa xăm nơi xứ Việt, trở thành dấu mốc để so sánh với mọi quan sát. Anh - nhà văn, bước qua biên giới Việt để tìm cảm xúc Việt, tính cách Việt bằng cách soi chiếu một cách chủ quan trên mỗi tọa độ du hành. Những tưởng người du hành và nhà văn đã tìm được tiếng nói chung và đang cùng thuyết phục bạn đọc vào một mối đồng cảm.

Nhưng còn một nhân vật nữa – nhân vật thứ ba là Chị! Trong mối quan hệ giữa Chị và người du hành tồn tại một sự đối nghịch mâu thuẫn nào đó. Hình ảnh Chị vừa xa lạ vừa gần thân bí ẩn lặn lội theo người du hành và nhà văn những tháng năm của hành trình với một tay nải ẵm đầy kiến thức về mỗi vùng miền bản xứ và một chiếc gậy khách quan có khả năng định hướng ý nghĩ, uốn nắn hành vi người du hành, thản nhiên gỡ tháo mọi tình uống vướng mắc hay hiểm nguy xảy ra ở mỗi miền đất mới gợi tò mò phập phồng người đọc. Chị có vẻ như một người đàn bà thông tuệ mọi lịch sử, kiến trúc, văn hóa toàn vũ trụ, lại lăn lộn, từng trải như đã hiện diện từ vài thế kỷ.

Siêu vĩ thế sao?

Vì vậy, nhiều hơn du ký, vượt lên bút ký, giữa sự kiện và nhân vật hay giữa thật và ảo tôi nghe ngôn ngữ tùy bút và tiểu thuyết  thăng hoa rong ruổi thì thầm trên trang viết. Thoát ra khỏi những giấc mơ triền miên cổ tích, đánh bật sắc màu cuộc sống ra khỏi thời gian, trong cơn viết dường như chính Anh mới nhận ra mình rõ hơn bao giờ hết đang ở trong thực tại. Giữa đại dương Anh phá bỏ mọi rào cản của thể loại, thả thuyền văn  tự do vùng vẫy, xuyên thấu đáy chạm tới mềm mại lụa là hoa biển, tách từng khóm ra khỏi vỏ san hô xù xì gai góc, đơm từng bó cho hoa hát thành lời. Từ chối tư liệu ảnh, Anh đã làm một công việc vất vả cho cuốn sách được gọi là du ký thử thách tài hoa dụng hình ảnh bằng ngôn từ dẫn dụ người đọc lênh đênh thả neo theo từng trang viết. Dường như ngôn ngữ cho phép Anh đi xa hơn những nơi Anh đặt chân đến, được chọn lựa những gì cuộc sống không cho phép Anh chọn lựa. Anh níu kẻ đang quay lưng vì mệt mỏi, chán chường, buộc người ta trở lại và cuốn theo niềm khoan khoái đam mê yêu sống. Kẻ  đờ đẫn mộng mị ngủ im trên thảm trăng sao không cảm nhận nổi được hương đời cũng bị Anh đánh thức, kéo vào cuộc du hành sáng tạo ngất ngây.

Nhưng rồi chẳng phải «Lời khấn nguyện ở Dijon» hay «Mùa xuân chậm bước Normandie», chẳng phải vòm hầm rượu Patriarche, cũng không phải tinh thần phóng khoáng ngự trị, chi phối của Paris, không phải đại lộ Champs-Elysées quyến rũ với bóng thiếu phụ áo đen hay «ánh sáng từ tòa nhà thờ trắng chảy tràn qua hai thác nước» chiều Monmartre đã níu chân hay làm xiêu lòng kẻ viết. Vô tâm hay vô tội, hài hước hay nhẫn tâm, Anh khéo léo lẩy từ hào hoa ánh sáng muôn vàn hạt sạt, những che giấu, ẩn ức, biến dạng… cô sánh thành một thảm nhựa đường lục bục bỏng rẫy, bám quánh giam giữ số phận – mặt sau của nơi được gọi là thiên đường mê dụ đang mời gọi bao người rời xứ sở đổi lưu vong. Đường dẫn tới mê cung chỉ là ảo tưởng hoang đường. Trong bất hạnh người ta bỗng thấy mình không còn bất hạnh.

Người du hành cất bước ra đi rồi trở lại điểm xuất phát, nơi anh ta xuất thân là người công dân chỉn chu hoàn hảo tận tụy và cam chịu với tất cả, đã đành. 

Còn Anh - nhà văn, cũng khởi đầu bằng sự háo hức ra đi và kết thúc không chỉ bằng trở về mà còn là thông điệp da diết kêu gọi trở về. Anh ngầm thông báo ý đồ «viết» ngay từ tựa đề tác phẩm: «Đợi Chị về tưới rượu bến sông».

Tôi cần phải cám ơn những nhát họa tài năng, những so sánh sinh động và tinh tế, những quan sát thấu đáo và đánh giá mới lạ của Anh làm cho người đọc tìm thấy ở cuốn sách nhiều hơn những gì người ta muốn thấy. Chưa lúc nào người du hành tỏ ra khiếm nhã, trong cách nhìn nhận và cư xử đều toát ra vẻ lịch thiệp và nhân ái tương thích xác lập giá trị văn hóa gốc gác của người du hành một cách thuyết phục.

Tôi "lên án" Anh đã mang bánh mì dúi vào tay kẻ đang lả đi vì đói để rồi vài phút sau cho họ biết bánh mì không phải được tử tế làm từ bột lúa mì.

Tôi ghen tị với hơi thở dấu yêu xa xót  nồng ấm trên từng trang tác phẩm Anh dành gửi gắm về nơi ấy. 

Tôi thương xót cho nhân vật Chị dịu dàng và bí ẩn của Anh tưởng bồng bềnh khoan nhặt trên những cung bậc đam mê bỗng như con chim nhỏ bị tổn thương dần lao xuống vực. Anh xây dựng Chị trong tuyệt đối để từ trên cao nàng bị phủ nhận và cô lập. Đêm nay tôi nhìn thấy Anh và rượu ngoảnh mặt quay lưng than khóc mê sảng trong nhập nhòa bóng cổ thành Monsaraz cho cuộc đoạn lìa. Chân lý đã tìm ra từ phá hủy, tan rời.

Đợi chị về tưới rượu bến sông!
Đợi chị về tưới rượu bến sông!

...

Nico - Paris, ngày cuối năm 2016.

 

Chia sẻ trên Facebook