CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Chân dung

SEN MÙA XƯA CHƯA NGỦ

Thứ bẩy ngày 23 tháng 7 năm 2022 12:00 AM

1.Trưa 27 Tết, mưa xuân bay phờ. Sắp bó đào tăm ướm bình, tôi giật mình, tiếng người xe xốn ngõ. Cú lắc tay, vài cánh hoa mãn sớm chấm lơi phòng khách. Xao xoảng cổng sắt, đế giày cộp cạch. Khoảng sân đệm bỗng chật bóng văn nhân.

Mái tóc trắng lau, kính viễn sắc diện tửu đào Hà Phạm Phú, díu sau là gương mặt kiêu cợt Văn Công Hùng. Song đôi cuối hàng, nàng Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Vĩnh Phúc, son phấn váy áo xòe như trưng nửa chợ Ninh Hiệp. Kề vai nàng, gã khuỳnh xám phanh áo veston, lột vạt ngực áo len thô, kẹp điếu thuốc, nghiêm ngợi như ông giám thị vừa rời phòng coi thi: Vũ Khánh.

Cô nhà báo và Vũ Khánh vừa tiếp dẫn hai ông anh hành trình Vĩnh Phúc ngang bến Then sông Lô men chân núi Sáng ngược Sơn Dương xứ Tuyên gái nõn rồi xoay trái qua Đoan Hùng ngọt bưởi bám đê xuôi Việt Trì.

Đương nhiên là ngả rượu. Bàn tiệc đã sắp phòng khách, nhưng gã nhấp nhửng dụi tàn thuốc, chiêu lửng chén trà Tủa Chùa, vuốt hai bên tay áo khoác hướng về hai ông anh:

- Các huynh ơi, ngồi trong nhà bí bức, Xuân đang mượt, tội gì không ngồi dưới Xuân mà hưởng nhỉ. Xuân đang chạy trước mặt kia kìa.

Tốc táo gã hô gia chủ ghé tay khuân ghế bàn ra giữa sân. Người sắp chén, kẻ nhấc bát, bê đồ nhắm, sắp đặt lại bố cục thon thón theo chỉ đạo của gã. Riêng tôi dù thấy phiền bởi lúc khách lui thân mình lụi cụi vần vác lại trật tự, nhưng cũng đành chiều bạn. Vừa ngồi yên vị, thì gã lại cao hứng đứng lên lễ phép:

- Theo em bác Phú nên ngồi quay lưng vào song song với chủ nhà. Bác Hùng thì quay lưng ra đường, đối diện với bác Phú. Em và em nó đây ngồi theo trục đông tây mới phải nhẽ ạ.

Tráo chuyển. Hà Phạm Phú kẹp Ipad ôm túi áo cắt qua, Văn Công Hùng cắm mắt smarphone bước né tới. Nút bần xoáy khỏi cổ chai đã khô mình. Ly pha lê đã bám mờ sương mưa. Động thái sắp đặt vị trị từng người dự tiệc của gã hao hao một chính khách đàn anh tên tuổi mà chúng tôi chung yêu quí suốt mấy mươi năm.

Vũ Khánh tiềm ẩn bản năng thể hiện trí lực quan lộ và luôn mơ vận mình đặt bước gặp thời chính đạo như các quan văn tiền nhân trên là vua hiền dưới nhân quần hòa thuận xuất hiện lúc trào lúc lặng lịch sử nhân loại. Và ánh xạ trong cổ thi đông tây tinh kết nơi tâm hồn từ ấu thời miền Thổ Tang phong nhiêu văn hóa đến chuyên sư phạm Sử. Trước mọi vấn đề gã thường suy nghĩ lâu nhưng hành động nhanh; và có khả năng học hỏi mỗi khoảnh khắc, cũng như thể hiện bản thân từng phút, nếu như đó là cơ hội mang đến tốt lành.

Tôi nâng ly định cất lời thì Vũ Khánh lại xin phép chờ một chút. Cuộc tao phùng sánh rượu dưới mưa xuân cho câu chuyện văn chương ủ men vẫn phải chậm nhịp. Vị giác nghểnh chờ. Cửa kính tủ bày đồ kẹt mở, gã ôm cây đèn đồng cổ, kiếm chỗ đặt giữa bàn, nhấc thông phong, xẹt bật lửa ga châm bấc. Phầng phậc, chấm lửa đèn chờn vờn sắc cam như trái ớt chín giữa trưa hung ửng tỏa ảo quang liêu trai.

Bỗng âm sáo trúc như sợi dây vuốt tròn mảnh quấn trói thính giác giai điệu Túy hồng nhan xa vợi. Ánh nhìn dồn vào gã. Tôi cờn gợn một khó tả, nhưng không dám truy gọi. Văn nhân họ Hà đẩy gọng kính, thi nhân họ Văn hiếng mắt:

- Thế này vừa ấm vừa nhã. Ta xua đi được cái âm khí sót của mùa đông và kích lên dương khí mùa xuân.

Trước ngơ ngác của mọi người, gã cười hì nhìn suốt lượt nâng ly thi lễ.

2.Thư viện Phú Thọ một sáng thu. Ôm chồng báo mới tôi chọn góc cửa sổ đổ nguồn nắng. Trẻ, ngộ đọc, đọc mọi trang chữ lọt vào tầm mắt. Tôi thả lỏng cảm xúc thì âm thanh khụt khịt của khứu giác ai đó bị bụi giấy và mùi mực in quấy quả bỗng trội lên.

Ngẩng hếch, tôi gặp nụ cười nhếch nửa miệng, trầm nâu, căng căng nhưng tỏa sáng của gã chuyên viên Ban tuyên giáo, tầm thước, chemise trắng ngà cài cúc tay, đóng thùng, quần kaki thô màu sét cao lanh, giày da đen đế cao su đôn gót, đồng hồ Poljot mạ vàng.

Một cái bóng nhũn nhặn, chẳng nổi bật trong các hội nghị, luôn chuyển chỗ ngồi, đang nhỏ to với ông nhiếp ảnh vài phút sau đã rủ rỉ với ông văn hóa dân gian. Dù gã lên gân để khiêm tốn, nhưng tôi luôn cảm thấy gã cao lớn dềnh dang đến chật chội, khó chịu. Bởi gã thường thõng tay xách chiếc cặp giả da hiệu Ladoda đi lui phía sau vị phó trưởng ban nâu sồng, nghiêm nghị vốn là giảng viên lịch sử Đại học Tổng hợp.

Không hiểu gã cần gì ở tôi lúc này:

- Tôi có trà ngon, trên phòng ông hẳn sẵn nước sôi.

Gã ngửa bài. Xọc xạch cánh trà khô va nhau nơi gói giấy vỏ bao xi măng trong túi quần gã. Hồi đó, tôi chưa biết nhiều thú tao nhã siêu thoát của trà cũng như cái ngất ngưởng bềnh sương khói của rượu nếp cái hoa vàng. Rặt là nước lọc úp bồ kề giấy trắng, lỗ mỗ bia hơi. Khùng, viết hùng hục. Định phòng thủ, nhưng vẻ mặt gã như thách thức, giễu cợt sự ngây non của mình, tôi đá lại:

- Nước sôi có phải mua đâu ông!

Sóng nhau đến chân cầu thang, gã chững bước khoát tay chỉ quán nước dưới hàng long não đối diện Nhà văn hóa thành phố:

- Thôi, khỏi lên phòng làm việc của ông. Mời ông ra kia ngắm hồ đầm Cả, hóng gió thu cho sướng khoái. Nhỉ?

Gã tuyên giáo lãng mạn phết. Chẳng biết gã chân hay diễn nhỉ.Việt Trì là cái bánh đa vênh vao nướng bếp than tổ ong quá lửa, quán xá thì tương tự như đám hạt vừng vẩy nhón mặt bánh gạo. Quán gã quen thì tôi cũng thân. Phích nước sôi dăm hào, gã thêm bao Du Lịch đỏ. Tôi nhai kẹo dồi. Chuyên nước trà, gã bưng hai tay đặt chén mời ông quán.

Gã giục tôi tự giác. Cái hất hàm đã nhuốm vẻ suồng sã. Dim mắt, xì xụp khoái cảm húp từng ngụm trà nóng, rồi dồn lực nhồi một cú rít tóp má, lừ đừ gã nhả khói.

Dấm dẳng đối thoại.Tất nhiên là chuyện văn chương. Gã thú nhận mê cổ thi, mê kiếm hiệp và mọi chuyện liên quan đến văn hóa Trung Hoa. Thích hoa sen và ngắm trăng một mình. Ước ao đến sông Tiền Đường để sóng dội ướt. Đến Giang Nam thưởng gái phòng trà.Yêu sóng cây liễu rủ bóng hồ. Sau này làm nhà nhất định sẽ trồng liễu trước cửa. Gã từng hiến ý với thành phố Vĩnh Yên,  trồng liễu quanh các hồ nước. Liễu rủ mành sẽ là hình ảnh đặc trưng của đô thị bán trung châu giàu thủy lượng. Ừ, gã đã trồng liễu trước cửa. Cây liễu héo úa đúng mùa xuân gã thắp lửa giữa trưa…

Gã thành tín viện đến Nguyễn Tất Thành đến Nguyễn Du. Rồi hồi cố “lưu đày” miền Đông Bắc. Uống rượu ngán, nhâm nhi giun biển khô. Ẩn ức đánh mất mối tình đầu bên cửa bể, buổi chiều ngồi ngắm cô gái ra sông giặt áo, gã thốt nên thơ: Bắp chân Thu Huyền trắng xinh…Và những bạn gã. Một bạn vong niên Nguyễn Khang đồng điệu, yêu phục một Tầm Thư Trần Hòa Bình hào hoa kênh kiệu. Một Trần Thành xa lắc Điện Biên thích cờ tướng. Một Trương Thiếu Huyền thi sĩ báo chí tinh quái nhưng thanh tâm, mà tôi hạnh ngộ biết trước khi thân quen gã. Niêm đó chuyện dài để nói sau cùng nhà thơ họ Trương.

Suốt mấy mươi năm vạ vật đối ẩm, tôi với gã vẫn từng ấy bạn bè kí ức. Và gật gù, mắt sáng gã nhắc đến người anh chính khách là “bác Cả” làm điểm tựa để noi theo.

Lạ, sơ giao mà gã dốc tuột dữ liệu cuộc đời với tôi như tháo khoán. Không hẳn, gã tự sự với chính gã thì đúng hơn. Gần tàn ấm trà, gã nhiu nhiu đón sóng đầm Cả thăm dò:

- Ông viết có văn nhỉ?

Dĩ nhiên tôi cảm độngvừa đủ. Chắc hẳn gã đọc tôi vì bổn phận, cứ như tự thú gã không quá quan tâm đến văn chương đương đại nước nhà. Dù văn chương phương Tây hay  xứ Việt, thì sự đọc, xem của gã khá chểnh mảng, ngay cả những tác phẩm của tôi tặng. Hoặc những cuốn sách “cộm” của thiên hạ cần phải đọc,  gã cũng chỉ lướt lát nhảy cóc. Nhận xét báo cáo chắc lượm nhặt ý kiến đây đó, trung dung chẳng hại đến ai. Vấn đề không phải gã không quí hay trọng văn tôi mà là trong gã đã quá chật chội những ngăn ô văn hóa khác. Hoặc những lo phòng, che chắn giữ mình chốn công quyền dư soi xét nổi chìm lề luật chẳng biết lúc nào giữ thẳng lúc nào khom khom.

- Tôi có ông anh làm kế toán một công ty oách xà lách ngay ga Việt Trì. Chuyên đào đất bán lấy tiền. Ông có người nhà ở cùng thành phố này không?

Trong gã, hình như vật vã dòng chảy ngầm cuộn xoáy.

Vừa lúc thiếu nữ tóc hung, hung tự nhiên chứ không nhuộm như giờ, óng mật, chống chân hãm chiếc xe đạp mini tím, nhướng đôi mắt to tròn nâu trong nhìn gã. Miệng chưa nói mà mắt đã nói.Thiếu nữ rạng vẻ quen quen, hình như tôi đã gặp ở đâu đó. Sáng ngời, gã chạy ra níu ghi đông xe, quên bẵng tôi.

3.Áo pull quần ngố, tôi và gã bệt dưới sàn gạch, đối nhau qua xênh xang lòng bò xào khế, chân giò, nghẹo giơ bia Heniken lậu cụng cổ chai. Gã kẹp tay điếu thuốc A lào, khói cuộn vòng xanh lơ, phảng ngậy mùi a phiến. Suông suông gió hè đêm ve vuốt. Vầng, chúng tôi đã trúng quả vụ biển hiệu chất liệu mới mica (Acrylic). Trái bóng đánh quả tôi và gã kết hợp volley rót thẳng vào phòng kế toán trưởng của ông anh gã.

Ngày ấy, quan quan dân dân, xó nào cũng hoan hỉ khẩu hiệu tự cứu lấy mình, bung phá rào trước là kiếm miếng ăn, sau là sắm bàn ghế tủ lạnh điều hòa bếp ga. Thiếu nữ tóc hoe đã thành vợ gã. Cái vẻ quen quen buổi đầu của cô ấy, khiến tôi nhớ đến cô bé quàng khăn đỏ bán nước dạo ở bến xe khách Việt Trì; nơi tôi thường qua lại thuở lính lác. Hóa ra chính là cô bé từng khuyến mại tôi đôi lần nửa cốc trà xanh. Tảo tần, bươn bả với quầy guốc dép chợ Gia Cẩm, cô sinh hạ cho gã cháu trai đầu khôi ngộ.

Gã còn giỏi chụp ảnh nữa cơ. Nhìn quanh không có ai, gã thầm thào hệ trọng: “Này ông biết không, cứ bấm hết vài cuộn phim là lãi cả chỉ vàng. Nhớ nhé, hễ nơi nào phả hơi rượu bia cưới hỏi hội nghị mừng thọ liên hoan con đỗ đại học thì chỉ trỏ nhé…”. Rồi cảm xúc vị giác trong gã bừng lên: “Thịt chó Quang Hòa, xách bò bà Hiền Lự nhẫy mép đấy”.

Túc tắc hơn năm, gã nhong nhong Super Cub 81 ốc bươu đời đầu.Thứ bảy, chủ nhật xịch phát gã đỏ đắn lại đèo cu Khanh lạng đỗ trước cửa nhà tôi, dưới hoa trạng nguyên la đà lả bóng. Hoa trạng nguyên cớ cho gã làm thơ. Cha con cười tỏa giòn như nổ ngô. Lại vừa được ông anh bên Sở Xây dựng tư vấn đường đi nước bước cắm xong miếng đất chờ làm nhà.

Buổi trưa hai thằng lươn khươn say quán bà Lự chờ trà, hóng ra đường thấy công nông chở tấm biển hiệu công ty dược sáng lóe, ngược phía Minh Phương, gã vui:

- Có nhẽ phải xuống lão anh trai tôi phát. Rỉ tai tôi cách thức, gã cười hinh hích.

Chờ cơ gã nháy tôi về Thổ Tang dự giỗ họ. Nhác thấy hai đứa sắc diện xum xoe, ông anh kế toán trưởng, cao dỏng tóc xoăn mắt sáng miệng tươi, đẹp như trai Hàn truyền hình, ưu tiên xếp ngồi cùng mâm. Tà tà cuối bữa, sau khen ngợi công việc kinh doanh của công ty phản ánh trên báo chí tỉnh nhà, gã găng giọng chê biển hiệu cơ quang xuống cấp, để sập xệ mang tiếng chết, thôi thì đợt này đang rảnh, chúng em quyết định giúp... Ông anh nhướng mắt, ậm ừ, từ từ để tính đã. Chưa vội, còn phải báo cáo với ban lãnh đạo công ty. Đằng nào mà công ty chẳng làm. Ừ thì làm, nhưng hượm chút…

Về Việt Trì, gã lôi tôi tuột vào công ty ông anh, nhờ bảo vệ trèo lên sân thượng đo kích thước tấm biển hiệu, rồi tức tốc đến cửa hàng quảng cáo xuống tiền đặt.Tôi ái ngại gàn, thì gã quắc mắt. Kệ đi, tôi biết tính ông anh mình, không đặt lão vào chuyện đã rồi thì còn khươm. Lão đắn đo chán, tham vọng leo lên thay giám đốc nay mai mà.

Tấm biển mới, gã nống kích thước lên gấp rưỡi so với biển hiệu cũ. Đơn giản vì giá thành tính theo mét vuông. Một tuần sau, nhằm chủ nhật ông kế toán trưởng trực cơ quan, chúng tôi chất sản phẩm lên công nông dong tới đầu ga.

Nhìn khối mica lóng lánh, ông anh vã mồ hôi lắc đầu:

- Anh đã bảo các chú làm ngay đâu. Từ từ cơ mà.

- Đằng nào mà chẳng làm. Anh phải vận trù chứ.

Gã ỏ ê.

- Nhưng đào đâu ra tiền thanh toán cho các chú bây giờ.

- Cơ quan như này mà không tiền. Chúng ta là người lớn với nhau.

Gã dằn dỗi kéo tay tôi ra cổng. Tiếng người anh với theo.

- Thế này khác gì đổ rượu lậu cho tôi.

Ấy thế mà rồi biểu hiệu chẳng phải treo, tiền được thanh toán đầy đủ sau mươi bữa. Giá gốc hai, chúng tôi vống lên sáu. Cho đến bây giờ, tôi vẫn sượng ngại khi gặp anh, chỉ vì cái lần úp sọt. Gương mặt tóa mồ hôi, thất sắc của anh đến giờ còn ám ảnh.

Gã và anh trưởng hay khắc khẩu. Con út vốn được chiều, hay đành hanh lấn anh. Trộm vía, nói vắng mặt gã chút. Cũng chẳng phải dạng vừa đâu, đôi khi gã cũng cậy mình có chút chữ nghĩa.

Nhưng tôi biết, tam phen tứ phen anh đã phải ghé vai cắn răng đỡ đần những lần gia cảnh gã bung toang. Anh nhịn nhường ứng trước cả hương hỏa cha mẹ giúp gã san lấp những mấp mô đường đời. Tôi chỉ có chị, nên đôi lúc ước thầm giá có được người anh trai như anh Dung của gã để mà ỉ eo nũng nịu.

Bữa rượu chia tiền lãi biển hiệu vừa khởi thì họa sĩ ĐL khệnh khạng đẩy cổng bước vào. Chào lớn. Gã ra tận nơi kéo ĐL vào mâm.

Tôi oang oang gọi bà xã thêm thức, thêm bia. Cao hứng, gã đọc bài thơ mới làm. Tôi khoe truyện ngắn mới in. Họa sĩ tu liền hai chai, phừng phừng mở cặp bày la liệt mớ ký họa miền rừng Thanh Sơn kín gian nhà.

Gã tỉ mẩn xem tranh, xuýt xoa khen. Gật gù phán.

- Công nhận bản năng và công lực dồi dào. Đẹp thật.

Bỗng họa sĩ ĐL đần đần, ngẫn ngờ trợn mắt quơ mớ tranh xếp ngay vào cặp, lẩm bẩm gì đó. Vô tư gã vẫn tiếp tục ca, bản năng và công lực dồi dào quá. Một câu khen thật thà, đẹp lòng. ĐL sòng sọc đứng dậy vơ mâm bát, hất ào ra giữa sân loảng xoảng, tiện tay quăng luôn nồi cơm điện, ném tiếp mấy chai bia.

- Này thì bản năng này. Này thì bản năng này…

ĐL đeo túi nghễu nghện bỏ đi trong hơi men.Tê tái không thể lý giải nguồn cơn, gã cùng tôi thu dọn đống đổ vỡ chưa xong thì trước cổng lại ồn sừng sộ.

Chẳng biết, ĐL dông đi thêm bớt những gì kéo thêm họa sĩ cả DD may ô lưới quần đùi lõn chõn đến gây gổ chõ vào quát hỏi: Tại sao dám chê bai họa sĩ Đất Tổ bản năng, vô học. Ôi giời hỡi, không biết nói sao với hai ông họa sĩ đang ngộ độc ngôn ngữ bởi sự suy diễn.

Rón rén, tôi ra đóng cổng ngược làn cơn mưa nước bọt từ hai cái mồm  ngoang ngoác ngoài đường phun vào.

Tưởng thế thôi, nhưng ai đó còn mò sang ban tuyên giáo tố rằng tôi và gã phong cho nhau tước hiệu nhất nhì, chê bai anh em văn nghệ khác xóm xã.Trầm mặc cả tháng nằm bẹp tại ban bởi gã thành “đầu vụ”. Sở Văn hóa im lìm chẳng ai đánh buồn nhắc nhở, bởi đã nhàm chuyện tương tự, nên tôi phởn.

Công cuộc “tự cứu lấy mình” thực nghiệm bằng người thân lần đầu ổn thỏa, tôi với gã bỗng thấy một chân trời rộn những thặng dư. Sau mỗi đợt tham gia biên soạn lịch sử các đảng bộ cơ sở, trở về gã lại hé ra huyện A xã B có nhu cầu chỉnh trang “nội thất chính trị”. Nghĩa là khẩu hiệu, cờ tổ quốc, đảng kỳ, các bảng biểu dẫn trích nghị quyết sẽ được mica hóa toàn bộ hai màu đỏ và vàng. Dĩ nhiên bục diễn giả, tượng lãnh tụ cũng được song song làm mới hoặc thay đổi  thiết kế cho hoành tráng hơn.

Tôi “đá” chuyền cho cánh cổ động thông tin đến địa chỉ trình bản vẽ và phương án thi công trọn gói. Công “chỉ trỏ” tôi với gã cưa đôi. Nhận phong bì tôi đưa, một lần gã rẫu rĩ:

-Tôi thấy sao sao ấy ông ạ. Cứ nhục nhục thế nào ấy.

-Thì thôi, chấm dứt. Bố Khanh cứ tiếp tục mần thi trong bóng tối.

Sau này đi đặt bài viết của các cụ lão thành tôi mới biết, vụ gia công “ nội thất chính trị” được tâu lên thường trực tỉnh ủy. Nhưng may sao ngày ấy cụ Phạm Dụ, Phó Bí Thư xuống tận cơ sở giương mục kỉnh gọng vàng ngắm mica khẩu hiệu lòa lòa đỏ vàng liền phảy tay: “Người ta làm đẹp thế này kêu ca gì. Ăn mắc răng cũng kêu”.

 

4. Chủ nhật, dưới bóng cây hồng xiêm, bàn trà nhựa, ghế nhựa kê lấn ra mép đường. Hai gian chung cư mái ngói, nức hành mỡ xèo xèo. Bé Khanh khúc khích xem Tom và Jerry.

Gã đăm chiêu ngửa cổ nhả khói lên trời, chờ tôi đọc bản thảo Lời cầun guyện. Thứ bản thảo đánh máy giấy than trên giấy pơ-luya vàng ngà. Đây đó, chen bên hai bên lề, gã chi chú, điều chỉnh câu từ. Chữ gã thánh thiện, rành rẽ, hơi vương tính nữ, viết mực bút bi mà nét thẳng đậm, nét cong thanh. Đa phần là những bài gã đã đọc cho tôi nghe lỗ mỗ, những lúc buồn trĩu việc công hay thăng hoa lặt vặt tình tiền.

Mê thơ bao nhiêu thì sợ người cùng cơ quan biết gã tọc tạch thơ thẩn bấy nhiêu.Tập bản thảo, gã kỳ khu chăm bẵm, giấu giếm như chứng tích ngoại tình với người cùng cơ quan. Ngay cả với ông phó ban cựu giảng viên đại học không hề biết gã nặng lòng với thơ. Được tin cậy cỡ như Trần Hòa Bình, Trương Thiếu Huyền và tôi mới được chạm đến bản thảo trước tác những lúc gã “hớ hênh dại dột”. Không ít lần đang trò chuyện, gã như hẫng vào cơn trầm cảm để điếu thuốc ngún cháy sẹm da tay mới giật mình:

- Tôi đang nói đến đâu ấy nhỉ.

- Thì ông đang đọc thơ, bài tặng cô TH nào đấy.

- Thật không ?

- Chứ chẳng thật.

- Ừ, để tôi đọc lại…

Thói quen và cũng là phép thử với mọi thể loại sáng tác: Thơ, dịch Đường thi sang lục bát, hay truyện ngắn sau này, gã thường ém ở ngăn bàn rồi thẽ thọt khoe với một ai đó. Tất nhiên số được gã tin tưởng không nhiều.

- Này ông ạ, tôi vừa xong một cái thú vị phết. Ông rảnh thì đọc chơi chơi tôi gửi.

Gửi cho đọc, đợi vài hôm gã mới ướm hỏi trên trời dưới đất rồi bất ngờ đòi ý kiến về tác phẩm mới của mình. Lắng nghe đa chiều bạn bè, xong điều chỉnh như thế nào, thì chỉ có gã biết.

Từng đám đông trà tửu, đôi lần tôi cũng muốn khoe mẽ mối bạn bè “không xoàng”giới thiệu thân phận gã ngoài công chức còn là nhà thơ có hạng. Gã sạm mặt, nghiến răng đay nghiến tôi.

- Chỉ được cái hênh hoang, tôi làm thơ bao giờ nhỉ?

Bực, tôi phản ứng.

- Vua quan xứ Việt cổ kim đều làm thơ chất ngất. Cơn cớ gì ông sợ người ta biết thơ của ông chứ?

Cúi mặt gã than.

- Ở hẳn trên cao chính khách biết làm thơ là lợi thế. Nhưng cấp trung gian  lìu tìu thì người ta coi đám văn thơ tào phào lắm, chẳng tin dùng, cất nhắc.  Người ta sợ hỏng việc. Hở cơ là mình dính chưởng ngay.

Chính vì lẽ đó mà tập thơ Lời cầu nguyện bị chính ông chủ của nó nâng lên đặt xuống không biết bao lần. Đã xin chữ Trần Hòa Bình cho lời nói đầu. Đang chờ thi sĩ đích thân mang lên Việt Trì. Xin phép xuất bản nhất thời, quá hạn mấy đận vẫn nằm im trong ngăn bàn, kẹp giữa những thông tư nghị quyết về văn hóa văn nghệ.

Bật trang, tôi gặp ngay những câu thơ đọc là ám vào trí:

*Bốn mươi tên cướp còn sống nhăn, nhưng anh phải chết./Những tên cướp vuốt bộ ria vểnh ngược/Thành Bátđa không nói chuyện dông dài./Những tên cướp của thời điện tử/Con ngựa chúng đi cũng khác xưa rồi.
*Ướt một nửa, thôi thì cho ướt cả
*Không việc gì cũng không sao cả./Ta không can thiệp vào chuyện riêng các người.
*Phố xá đầy màu sắc thế kia vẫn có gì không ổn.

Buông tập bản thảo, tôi nhìn gã với bao cảm xúc hỗn độn: Phục gã tẩm ngẩm tầm ngầm mà cương còng phết. Thương gã cam phận tự mình nén buộc vào vỏ ốc phòng vệ một cách vô lý; và cũng bực gã bấy nhiêu vì sự ỡm ờ lưỡng nan.

Gã hóng sang, ánh mắt chờ lo, băn khoăn.

- Bài thơ hay, bông hoa đẹp có một điểm chung là không thể xuất hiện trong bóng tối.

Tôi chém tay.

Hình như gã luôn bị giấc đăng khoa ám ảnh suốt từ thời ê a giáo khoa thư đến ngẫm ngợi những pho sử dày cả thước ở đại học là đàn ông phải có danh tước mũ áo vua ban, bảng vàng bia đá. Đó là bổn phận của đàn ông có học thức không chỉ với bản thân mà còn là nghĩa vụ với họ tộc xóm làng.

- Này ông…gã lảng- Bầm đẻ rơi tôi…nhưng để rơi dưới vòm cây nhãn. Mà cái tán cây nhãn nhà tôi ông biết rồi đấy, y như cái lọng che lính hầu vẫn nâng vác ấy. Tôi chào đời tứ quí đấy: giờ dần, ngày dần, tháng dần, năm dần. Còn thằng bạn cùng xóm, cũng đẻ rơi nhưng lại bên mép ao và đống rơm. Khổ, đi lính về giờ đi tát nước thuê.

- Thì ông đừng in thơ nữa. Thế nào cũng phát lãnh đạo….

Thế rồi, ngay trong năm ấy (1991) chẳng biết do đâu, gã quên bẵng sự sợ người ta hiểu lầm.

- Đếch gì, ôm bom ba càng phát, ông ạ. Không thì tôi chết ngạt vì hương những bông hoa của mình mất.

Ném bản bông Lời cầu nguyện kèm bìa vẽ của họa sĩ DD, người đã “trợ chiến” họa ĐL thuở nào: Tone nền tím ngả sắc ghi, chiếc vi-nhét hình cô gái quỳ gối vuốt tóc cài hoa hay trâm chẳng rõ. Chỉ còn chờ chữ của Trần Hòa Bình.

Ba mươi năm sau (2021) gã đột ngột bỏ cuộc chơi Hội VHNT Vĩnh Phúc và nxb Văn Học xuất bản tập thơ Hoa trạng nguyên thì tôi mới có dịp [1] nhắc đến Lời cầu nguyện như đắp đổi một nỗi đau muộn màng.

Nữ chủ nhà mướt mải bê mâm ra hiên thì Trần Hòa Bình lướt cào cào Babeta liếng đỗ dưới bóng hồng xiêm. Đương nhiên trong chiếc túi vải thổ cẩm xơ xướp đong đưa bên sườn có văn bản lời nói đầu cho Lời cầu nguyện.

Tờ bản thảo phật phờ, chụm đọc với gã, tôi nhận ra chữ gã và chữ Trần sao mà giống nhau.Tưởng là vui nổ, nhưng rồi cuộc rượu cứ lịm chìm.

Trần Hòa Bình bì bì kém tươi nhuận, Vũ Khánh thở dài.

- Không thể vãn hồi được sao?

Trần ực rượu:

- Nước ở bến sông đã ra tới cửa bể…

Thì ra quãng ấy, chiếc giường cưới của Trần Hòa Bình sắp gãy. Còn mái nhà Vũ Khánh đã tiềm ẩn sự nứt vỡ mà lỗi chẳng của ai. Những lý do dâu bể đôi khi không khiến lứa đôi chia lìa, nhưng chỉ một mẩu vụn kê đệm trượt trôi xê dịch của áo cơm cũng phá tan một mái nhà.

-Thế vậy, còn việc tư vấn của Tầm Thưa cho T thì sao nhỉ?

Gã hỏi Trần.

- Thì cứ tiến hành thôi. Kẻ khóc người cười đối vốn đối nhau.

Chẳng là Trần giữ chuyên mục gỡ rối tình của báo Tiền Phong, một người bạn chung của cả ba chúng tôi muộn vợ, đang cưa cẩm một đám nhưng nàng chưa chuyển lòng. Vũ Khánh đã tư vấn từ hoa hồng Đà Lạt, đến nước hoa Pháp nhưng đối tượng vẫn như lá khoai hứng nước. Vũ Khánh mới nhớ ra chuyên gia tình ái họ Trần siêu đẳng…

Vâng, chỉ đôi năm sau Trần giành quyền nuôi con.

Vũ Khánh cũng xỏa xoay gà trống bới đất.

 

5. Mùa Xuân 1997.Tiếng còi toe toe quen quen, sạm sụa điếu thuốc lệch môi, áo dạ lửng xám nhiều khuy cúc đai khóa, nụ cười rạng bụi đường, gã ưỡn trên con xe máy đỏ nhờ, đôi giày tróc sơn, chiếc gếch sườn xe, chiếc chống mặt đường.

-Vĩnh Phú tách rồi. Tôi xuôi thôi.

Nhớ buổi sáng nơi con dốc Tháp nước tròn ngang qua Sở Xây dựng, cu Khanh vắt vẻo sau lưng, đằng trước cồng kềnh balo túi xách, trần sì mái tóc xoăn, gã cười vu vơ thả trôi xe máy tiết kiệm cốc xăng. Những tháng năm Việt Trì, gã đã có một gia đình đúng nghĩa, nhưng trở về Vĩnh Yên, thì tổ ấm ấy đã trống hoác vách che, dù ở trong gian nhà tập thể đoàn cải lương bên đầm Vạc. Gia đình còn gã và đứa con trai quắt ngơ…

Như hai anh em ở chung nhà, giờ ra ở riêng, danh ai phận nấy, vùng miền  này trông chừng, giữ ý vùng miền kia, bỗng nhiên được tháo cởi kìm giữ đều ra sức thi đua thể hiện nội sinh. Gã và tôi cũng bị cuốn vào làn sóng chung riêng nháo nhào.

Một tối ngà ngà, gã gọi tôi bảo rằng vừa cưới vợ mới. Một cô giáo thế gia nhà lành. Người chịu đựng được gã và bảo bọc cu Khanh. Một hôn lễ mở duy nhất bài “Happy new year” phù chú rể là Trần Hòa Bình.

Đừng trách gã không nhớ nghĩ tôi. Nhớ đến nhau không nhất thiết là sự hiện diện. Hôm nào nhao xuống đi. Gã phởn. Có quán canh dồi ngon lắm.

Từng trưởng Phòng Báo chí Xuất bản rồi được giao trọng trách Phó giám đốc Sở TTTT, gã cũng không trưng một hình ảnh quá sáng. Từ quần áo, đôi giày, kiểu tóc, chiếc cặp tài liệu hay bộ bàn ghế trong phòng làm việc, gam trầm chi phối tone chủ đạo. Không tốt quá, nhưng không xấu quá. Lưng lửng. Tồn tại ở khúc giữa. Chẳng nổi mà cũng không chìm. Gã muốn mình có hình ảnh của một cán bộ cấp huyện an phận, không tham vọng, không nhòm ngó công việc người khác.

Có lẽ sự “ái kỷ” thoáng qua đã nhường cho nỗi chán chường.

Phòng làm việc cơ quan, máy tính luôn cài sẵn bản word công văn hay nghị quyết nào đấy, nhưng ở chế độ ẩn là bản thảo truyện ngắn, bản dịch nghĩa thơ Đường trên mạng tải về đối chiếu ngẫm ngợi hoặc cuộc chát chít với bạn dang dở. Phụ trách khối báo chí, xuất bản, in ấn, quảng cáo dường như chỉ là trò chơi con trẻ với gã. Tâm sức, gã âm thầm dốc vào “dự án” chữ nghĩa thơ văn khả dĩ tên tuổi mai hậu thiên hạ còn trọng mến.

Từng chứng mươi lần gã giúp quan chức tỉnh gặp gỡ báo chí hàng năm. Tôi bất ngờ trước sự đĩnh đạc, khúc triết, trình bày thông tin và chuyển tải vấn đề thực sự thông minh, giàu kiến thức xứng tầm cán bộ chiến lược. Vai phụ lại sáng hơn vai chính. Thật tiếc là gã không nhiều cơ hội để thể hiện tài “bình thiên hạ”. Phải chăng con đường quan lộ buổi giao thời đã khiến gã nhạt phai tâm thế…

Thường trú tại Vĩnh Phúc, việc tác nghiệp của tôi đương nhiên là gã cũng có quyền “xía vô”. Cần gặp gã thì cứ lên thẳng phòng. Gõ cửa. Dù đang xử lý công việc với thuộc cấp, gã vẫn cứ kiên quyết vời tôi vào phòng. Một hai phút chờ, là trà đã kịp pha, cửa đã khóa trái, hai bên khề khà chuyện vãn. Nếu tôi ngà ngà, thì gã nhường chiếc giường trong buồng thư giãn. Điều chỉnh điều hòa nóng lạnh theo mùa. Gã nằm khểnh trên chiếc sofa gỗ xoan đào nệm giả da, nghe nhạc hoặc thiếp vào giấc ngắn.

Nếu bận cả ngày, gã nhắc văn thư mở cửa chờ để tôi vào nghỉ. Gần mười năm, phòng làm việc của gã chẳng khác nào phòng khách của tỉnh Vĩnh Phúc ưu dành tôi.

Dãy cravate thắt sẵn nút treo nóc áo gắn sau cánh cửa. Tủ áo mấy bộ veston tone xám. Giày hai đôi. Hộp dao cạo, kem đánh răng, bàn chải, đôi chai nước hoa Scorpio đi Pháp về tôi biếu vẫn nguyên tem, bên chiếc mở nút chai, tay cầm là gốc nho khô vùng Beaune. Gối, chăn loại bán đại trà chợ Vĩnh Yên. Nếu chưa nhậu đâu đó, gã nheo mắt, vừa rủ rê vừa gạ gẫm:

-Làm tí canh dồi nhỉ?

Hừm, lại lên cơn đối ẩm văn chương. Nhìn tôi dò xét, gã bập môi:

- Để tôi gọi “lý trưởng” và “doctor”…hay ông gọi bọn nó cho khách quan.

“Bọn nó” là hai ông bạn cật ruột chung, cùng thành phố với gã. Nay giận mai hờn thường trong mỗi cuộc rượu đậm tình công chức kiểu ba gái chung nhau một chồng, ngày kia lại xon xón gọi nhau kêu sao nhạt miệng thế. Vầng, “lýtrưởng” là ông bạn cựu nhà báo Hoàng Hồng cơ mưu, ham vui, giỏi lập luận Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng. “Doctor” là bác sĩ chuyên khoa mắt Nguyễn Văn Phong, thường hòa âm guitare với gã, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh. Gộp với tôi thành bộ tứ “tiếu ngạo”.

Vào buổi sáng, nếu chỉ có hai, gã nhất quyết gọi món, nhưng phải theo thực đơn riêng. Luôn là một đĩa “tổng hợp”, nhỉnh về cổ hũ, lòng se điếu để hoan ca với nậm sứ trắng vẽ hoa sen cỡ cút rượu nếp hương thủ trong cặp.

-Đồ thửa dưới Sơn Nam Hạ đấy. Nếp cửa biển.-Ngó quanh, gã chặc lưỡi: Này ông ngồi xoay ra đằng này cùng phía tôi, để cả hai ta nhìn ra cánh đồng cho mênh mông sự đời.

Hổ về đồng bằng khát khao không gian. Thích ẩn mình, nhưng quán xá, café thì lại phô mình ra làm đích ngắm. Khi đĩa mồi đã vơi lửng, gã a lô thêm hai bát cháo suông. Và hỉ hả liếc sang tôi ân cần với đôi đũa mới xé soạt bao giấy san phần mồi còn lại vào hai bát cháo...Dĩ nhiên phần phía tôi, gã dành cho những miếng sần sật nhất và cũng nặng đũa hơn. Thế là có bữa sáng ngon trọn vị.

Vâng cái quán lòng lợn đình đám một thuở bên đầm Vạc, tháng nào gã cũng kéo tôi đến. Dồi nóng, thái miếng vừa, thả vào nồi nước dùng hầm xương, đun nóng tiếp, gia giảm hành hoa, rau mùi gai, húp “chữa lửa” rượu đã gân cốt. Dễ đến khoảng 5 năm liền, hễ nhậu là gã lôi ra quán canh dồi. Đến nỗi tôi phải đặt ngầm cho gã nhậu danh: Canh dồi đại nhân.

Tính thế, gã tín nghĩa, chiều bạn. Niêm nót để tránh điều bất xứng. Có lẽ trong rãnh não gã chưa bao giờ xóa hình ảnh tôi từng xoa xuýt khen món canh dồi.

- Quán đang ngon. Toàn thường vụ qua lại, nên tinh thần phục vụ tươm lắm.

Gã mê ngựa. Mê đến nỗi kiêng cả thắng cố lẫn cao ngựa bạch. Dù tôi tốt mời, thì gã đầu lắc, tay đẩy miệng cười xòa:

- Tôi không nỡ ông ạ. Thôi cho tôi xin đi.

Ừ, làng Thổ Tang thương nghiệp lẫn nông tang xa xưa xe ngựa lọc cọc chở hàng chạy khách hai chiều tới lui quốc lộ 2. Con đường sỏi mà chị An của gã vẫn chờ mong đưa đón đứa em trai út siêng đọc sách mỗi khi đi xa hoặc trở về. Những đồng bạc tích cóp gói khăn tay thấm mồ hôi chị lậm lụi dúi cho gã, rưng rưng suốt một phận người. Vô tình đâu, những câu thơ về ngựa của gã. “chú ngựa cần mẫn của ta ơi/ Móng siết mặt đường chiều nghe sạn” “con ngựa gầy kéo xe/ lặng lẽ đi bên rìa quả đất”. Rồi truyện ngắn Ngựa ngũ hoa sau này nữa. Chẳng phải là chỉ dấu gã mê con giáp phóng khoáng, tự do và kiêu dũng đó sao?

Suốt mười năm, không tháng nào bộ tứ chúng tôi không ngồi với nhau. Ăn gì, uống gì một mình gã quyết, dù đã dạo đầu:

- Các ông xem hôm nay món gì nhỉ.

Dù “lý trưởng” và “doctor” có đề đạt gì đó, thì gã sẽ gạt phắt, mà chỉ theo ý mình. Suốt những năm ấy, như một mặc định, dù tôi có cố gắng một lần trả tiền nhậu, thì đồng thanh cả ba nhất mực gạt đi. Nếu tôi chủ động thì nhà hàng chối đây đẩy bảo đã có người thanh toán rồi. Tôi cự nự, gã khoát tay:

- Ông xuống Vĩnh Phúc thì là khách của Vĩnh Phúc, dù lý do gì chăng nữa. Chưa kể ông là bạn chúng tôi. Còn khi chúng tôi trở lại Việt Trì thì mới là việc của ông.

Trăm cuộc rượu, thì cả trăm ồn ã gã với Hoàng Hồng lý sự xoắn nhau, thông tư này chỉ thị kia. Không ít lần gã dọa cầu viện binh, chọc tay vào khoảng không:

- Được, để tôi hỏi tay Trới[2] ngoài Quảng văn bản gì nó cũng nằm lòng. Chắc chắn ông lầm.

Ngả sang gã tìm kiếm sự ủng hộ nơi tôi. “Doctor” khề khà can lấy lệ: Thôi đi hai vị, ngoái sau vớ cây guitare phừng phưng. Dĩ nhiên, tôi ngắm chùm đèn, dại gì mà đứng hẳn phe nào.

6. Nhờ gã, qua tuổi 40 tôi mới kích lên ham rượu ngon, trà quí. Đã đành. Hơn nữa chúng tôi cùng mê đồ gỗ và gốm, sứ, đồng hồ cổ. Chẳng sẵn tiền như thiên hạ, và cũng chẳng chuyên chơi, nhưng đôi bên thi thoảng vớ được món đồ để biếu nhau hoặc trao đổi làm đẹp.

Tôi sinh con gái, ngày đầy tháng, gã kỳ công thửa bộ tứ bình “công dung ngôn hạnh” tranh sứ Cảnh Đức trấn mang đến tận nhà hướng dẫn cách treo. Rồi  gã sinh cu Khang, tôi hứa kiếm thứ tương tự bồi đáp tương ứng. Nhưng phải đợi cu Khang lớn ngỗng mới kiếm được chiếc bình hoa cúc tuyệt nhã như đã hứa. Nhưng gã không chờ được, ngay tối đó lao lên Việt Trì. Dĩ nhiên là rượu dưa sương sương. Gần khuya mang bình hoa cúc về, gã nhắn tin rồi điện thoại rối hứng vì mãn.

Cả hai cùng la đà, tin nhắn, trò chuyện ra sao tôi chẳng nhớ. Chỉ biết rằng, gã đã có thơ. 

Nể nang bạn tặng bình gốm đẹp
Rồi ra tin nhắn thấy đau lòng.
Hoa vàng mấy độ trong men ngọc.
Xác gốm hồi mua được mấy đồng.
Trả bình sợ mất tình cố cựu
Ném bính e vỡ sắc hoa kia.
Mới hay cảnh ấy buồn hơn cả
Dã quỳ hoa cũ bóng trăng khuya
(Bình gốm và hoa dã quỳ)
                  

Không ghi chú, nhưng tôi và gã thầm hiểu đây là việc riêng của hai. Mặc bao nhiêu dạng khởi thảo thơ tặng những người bạn chung của nhau gã đều khoe để… tôi đọc. Nhưng đề tặng tôi một bài thì không. Đúng thôi, các nhà thơ bao giờ chẳng nhớ những nỗi mù xa và xót thương kẻ bạc tình…

Con gái tôi học đại học, bộ “công dung ngôn hạnh” vẫn treo trong phòng riêng nỗi niềm vọng tưởng. Có lẽ cháu cũng thực hiện được phần nào, kỳ vọng của người tặng tranh. Tốt nghiệp bằng giỏi. Tự thi tuyển kiếm việc. Cu Khanh lấy vợ sinh con gái. Bé Sóc- cháu nội đầu lòng của gã. Đã dự sẽ trao lại bộ tứ bình cho bé Sóc một ngày trưởng thành như con gái tôi. Không ngờ ngày đó lại đến không như hình dung. Tháo bộ tranh, cuốn vải tấm tôi trao lại cu Khanh:

- Đây là bộ tranh mang lại nhiều may mắn phúc lộc. Hai mươi năm trước nó có giá hai chỉ vàng. Quà của bố cháu để lại cho các cô gái của hai nhà.

Nơi phòng khách vẫn thoảng khói thuốc lá và hương trà nóng khói, tôi ngắm bộ trà cụ, và xin mang về chiếc bình gốm đựng trà, mà gã vẫn khui trà ngon tiếp tôi. Chiếc bình gốm hun khói, gã khoe, cũng là của một người bạn vong niên.

Mỗi quốc khánh, Tết, tổng kết năm tôi đoảng qua văn phòng gã, cũng đụng người vào kẻ ra. Giữ vẻ bình thản, tôi vớ sấp báo hoặc lướt điện thoại để gã nhanh kết thúc sự việc. Hơn một lần, gã áy náy.

-Thực sự thì cũng không liêm chính cho lắm. Tôi vẫn nhận phong bì ông ạ. Nhưng tôi cam đoan là tôi chỉ giúp họ làm điều tốt cho đời. Đáng lẽ đạo làm quan thì không nên nhận. Nhưng không có thu nhập thêm thắt thì nuôi con bằng gì hở ông?

- Chuyện vặt, ai bây giờ chẳng thế. Ông tử tế quá còn gì.

- Đúng, tôi biết, những cái phong bì của tôi mỏng xẹt. Còn ối những kẻ xung quanh nhận cả cục gạch kia…

Gã nhìn qua cửa sổ, sau khoảng sân là uy nghi trụ sở ngân hàng, trụ sở công an, tòa nhà công ty máy thép.
Nhận tin con trai Trương Thiếu Huyền cưới vợ, chống cằm, mây Tam Đảo mờ loang mắt, gã đọc khao khao:
*Nhắm mắt hình dung biển cả 
[3]// ta ng­ư dân biển xa biển lâu rồi* Em dạy học hè đi bán mía/Gốc phi lao chẳng đủ mát em ngồi...

Quệt tàn thuốc gã gượng cười.

-Bạn học cùng tôi, giờ làm doanh nghiệp, sở hữu chủ cáp treo lên núi Yên Tử và cả khách sạn Novotel có lời mời. Chúng ta ra trước một ngày nhảy múa tí tẹo…

Câu chuyện chẳng đáng nói, nếu không trục trặc nhỏ. Ra Quảng Ninh, lái xe công vụ của gã hoa mỹ đánh lái con xe 7 ghế Isuzu Hilander tót lên sảnh Novotel. Tôi ngồi ghế sau biết thân phận xuống trước, nhưng gã còn đủng đỉnh, vẻ quan rạng châm thuốc phì phèo cho đã cơn nghiền. Muốn lên nhận phòng ngay để nghỉ ngơi tắm giặt, tôi bảo gã sẽ không chờ thêm. Gã phảy tay, tôi gặp lễ tân, trình bày rằng là khách của ông chủ cáp treo. Cô gái liếc qua tôi trao chìa khóa, kèm mấy lời hướng dẫn thông lệ.

Khoảng 15 phút sau vẫn không thấy gã ỏ ê, nhao xuống sảnh, tôi chứng gã và lái xe đang cự nự với lễ tân. Cô lễ tân đáo để, dứt khoát gã và lái xe phải cược mỗi người 20 đô mới được lên phòng. Cô ta không tin họ là khách mời của chủ khách sạn. Trớ trêu, tôi bám càng ăn theo thì thông tuột. Gã khách chính danh thì bị vặn vẹo. Đáng lẽ gã chỉ cần bốc máy gọi cho bạn là xong, mọi sự sẽ ổn tắp lự. Nhưng gã cương trực, rằng bạn là chủ khách sạn này, mình là khách chính danh, việc gì phải nghe lời lễ tân…

7. Chẳng ai biết trước đoạn kết số phận Chúa ban. Đận Trần Hòa Bình, tôi hứa với mình,sẽ gắng viết về thân hữu trong khi còn thấy mặt nhau. Vậy mà Chúa đã trừng phạt không cho tôi thực hiện với Vũ Khánh. Và khéo chọn, nhằm đúng ngày của mình, Trần Hòa Bình (16/8/ 2019) kéo gã đi lãng đãng cùng nhau mây gió.

Các tác phẩm của Vũ Khánh không nhiều, nhưng đặc sắc, riêng giọng, khẳng định vị thế của mình trên văn đàn chính thống từ ngày trẻ đến những tháng năm cuối đời.

Thơ có Lời cầu nguyện (1991) Hoa Trạng nguyên(2020) NXB Văn học, tập truyện ngắn Mắt lão Hổ - rút từ di cảo (2022). Sinh thời gã xuất bản hai ấn phẩm: Lời cầu nguyện (thơ -1991) Hội VHNT Vĩnh Phú. Lục bát với thơ Đường  dịch (2010)  và tái bản (2013) NXB Văn học.

Phổ đọc, nghe, xem của Vũ Khánh không rộng, nhưng sâu. Có thể do eo hẹp thời gian. Gã luôn trở đi trở lại nhiều lần các tác phẩm hợp style, hở ra là  đắm chìm đâu đó vừa thưởng lãm và vừa là một cách thoát ly thực tế. Trong thơ hay văn xuôi sự tiếp biến văn hóa ấy thảng hoặc vẫn còn vết dấu câu chữ nhịp điệu nhưng hoàn toàn thống nhất hài hòa trong không gian nghệ thuật Vũ Khánh.

Đặc biệt cách dùng khẩu ngữ của việc hô hào chính sách  được gã sử dụng điêu luyện trong các tác phẩm. Thơ kiệm ngôn, gợi đa chiều thân phận, nhưng kiêu hãnh, không bi lụy nên vẫn ngời lên vẻ sang trọng.

Tập truyện Mắt lão hổ có những truyền được khởi thảo cách mấy mươi năm. Tôi đọc bản thảo viết tay từ ngày ấy. Cũng góp ý, cũng bàn luận nhưng nghe thuận hay không là việc của gã.

Văn thực thi giọng cổ điển, trau chuốt đủ truyền cảm. Cấu trúc truyền thống. Sau rootsm tôi tin các di sản ttinh thần của gã sẽ còn là những bông hoa độc sắc với bạn đọc sâu sắc. Cái quan trọng số một của nghệ thuật là gx đã nhìn sự vật bằng con mắt của mình. thể hiện nó theo cách của mình. Gã khước từ vay mượn.

"Bạn sinh ra đã là một Nguyên Bản. Đừng chết đi như một Bản Sao”(Ngạn ngữ - Xứ Basque, Tây Ban Nha). Vâng, thể yêu cầu của gã. dịp sang châu Âu, tôi đã chép ngạn ngữ xứ người ở cuối email tả cây tiêu huyền, ảnh chụp và các dấu tích Federico Garcia Lorca (1898-1036) từng ôm hôn người tình nơi góc phố và vườn olive thành phố Granada, miền Andalucia dưới chân dãy núi Siere Nevada hợp lưu của sông Gennil và sông Darro. Mê Lorcam gã đã rằng: chỉ cần nghe tiếng guitare nhà thơ đã thấu thị tâm thế Tây Ban Nha suốt dặm trường lịch sử. 

Trở lại Lục bát với thơ Đường. Vâng, đây là công trình gã hao tâm sức không chỉ vài năm, mà nó được nuôi dưỡng bằng đam mê cổ  Việt và Đường thi tụ máu thịt. Bằng vốn Hán tự tự học, gã đương nhiên là một thày đồ đúng nghĩa trước tôi và một trong số ít người đã lục bát hóa Đường thi. Hy vọng với thời gian các nhà nghiên cứu chuyên lĩnh vực sẽ làm sáng rõ thêm những trân giá trị mà học giả Trần Thanh Đạm đã khẳng định:

Tôi nhận thấy: Vũ Khánh dịch thơ Đường không phải chỉ làm một công việc tùy hứng, tùy thích. Nhiều người trước nay làm như vậy, kể cả các dịch giả đã thành công. Bởi vì thật sự thì thơ Đường cũng có những bài dễ dịch mà có những bài khó dịch, thậm chí rất khó dịch.”…

“Và phải nói rằng: những lần vượt qua khó khăn của anh là rất nhiều, hầu như ở tất cả các trường hợp, anh đã tìm được cách vượt qua để bài thơ dịch “đứng” được, có những trường hợp sự cố gắng của anh được đền bù bằng những thành công.”

8. Bữa rượu trưa thắp đèn nghe Túy Hồng Nhan trước sân nhà tôi kết trong bàng bạc khói xuân, gió gầy. Dùng dằng nán hút thêm hơi thuốc, chờ sau xe gã dúi vào tay tôi tập bản thảo:

- Ông xem nhé. Bản này tôi vừa gửi cho “người ta”thẩm định.

Tôi hình dung đến người ta của gã. Ba hay bốn hoặc năm sáu năm trước, một sáng thứ Hai, gã bỏ bữa sáng Vĩnh Yên gõ cửa nhà tôi.

Gã đứng giữa sân, đi quẩn như gà mắc lưới rách. Trà nhé. Lắc. Ăn cháo nhà tôi nấu nhé. Lắc. Chạy lên quán gần Đền Hùng, gã mới đồng ý vào ngồi. Một suất xôi chim chia hai. Gã thì thào như sắp trao tôi cả ký heroin.

- Ông có biết không?

- Không. Biết gì chứ.

- Tôi mới gặp người xưa trong mộng. Thuần tinh thần. Trong veo và trong veo. Mà có lẽ chỉ thế thôi. Cách trở, đôi bên đều sở hữu một pháo đài bất khả xâm phạm. Buồn. Buồn. Nhưng mà hân hoan vô tận. Tinh thần tôi đang phục sinh. Có phải người theo đạo Chúa các ông thì lễ Phục Sinh là lễ quan trọng nhất không?

Và người xứ băng tuyết bay hơn mười tám giờ, phủ phục bên gã thống hối những giờ phút lâm chung. Muôn nỗi tình nghẹn mặn nước mắt. Cái chết xóa nhòa lằn ranh. Cái chết khẳng định giá trị. Và những giá trị vô nghĩa trước cái chết. Tuyết tan thì mây cũng bay đi. Tri kỷ tri âm còn lại bảng lảng cơn say…

Từ ra đi của Trần Hòa Bình rồi Chu Văn Sơn, gã bỗng dưng không thể thoát khỏi nổi ám ảnh của vô thường là cái chết. Nỗi ám ảnh linh cảm. Sẽ gắng sang Âu Mỹ một lần, trước khi mọi sự kết thúc. Tôi rằng: Chúa định mọi chuyện sẽ qua… Nhưng cách suy nghĩ ấy là tôi tự an ủi bản thân, để vơi bớt đau lòng.

Sắc diện gã vốn là kẻ luôn tự vấn về ý nghĩa đời sống từ thuở trai. Hồi đó, tôi nghĩ gã tạo “phụ kiện” làm màu với cánh văn nghệ. Không! Tôi lầm, gần lâu, chơi lâu với nhau, gã vẫn nguyên chất ưu tư, dằn vặt ý nghĩa thân phận. Không nhớ bao nhiêu lần, gã ngồi im trong bóng chiều nhờ nhoạng, hay đúc khối đen đặc dưới trăng, chỉ có mùi thuốc lá lẩn quất mới biết đó là thực thể sống. Sau cuộc rượu gắng sức trở về căn phòng công vụ, quằn quại nghiến răng kìm chửi tục, nếu như không đấm tay bình bịch xuống tài liệu trên bàn.

Gã dễ đau, và đau lâu nhưng lại phục hồi chậm cả về thể chất lẫn tinh thần. Gió hơi trái chiều đã cảm cúm, rụt rịt. Nắng thêm chút gắt đã hắt hơi. Bạn hơi khác thường đã băn khoăn. Bởi gã là kẻ thủy chung ngay cả với những nỗi khiến cho mình đau.

Số đào hoa phong tình nên cũng khổ vì tình. Mỗi giai nhân bước qua đều đổ bóng trút gai xuống tâm hồn gã cách này hay cách khác. Máu ứa mà thành thơ. Thế cuộc mưu sinh dạt trôi miền Đông Bắc, gã coi như mình bị biếm thì có vẻ hơi màu sắc công tử Tàu. Theo thời gian mọi sự ấy đã lắng bên trong gã là những phận người đủ chiều tốt đẹp, đủ chiều gian nan nên hình dáng bạn bè, làm thơ, viết truyện như vết thương của nhuyễn thể hai mảnh vỏ ngậm cát thạch anh mà nên ngọc.

Linh cảm hay là tin tưởng, hơn một lần gã buột sẽ rất vui nếu như tôi “làm gì đó” với những tác phẩm đã xuất bản của gã. Nhưng sau gã sực nhớ, tôi cũng chỉ sáng tác đơn thuần, ham đọc, có khả năng chia sẻ và hiểu gã.

Số điện thoại của gã tôi đã ẩn trong danh bạ, nhưng vẫn hiện về. Đôi khi, tôi nhấn gọi theo thói quen trước mỗi cơn cớ cần chia sẻ. Theo tiếng gọi phận số, gã buông tay cương: Cuối con đường ở phía xa kia/ Núi Mã Yên vẫn không người cưỡi./ Yên ngựa trống không/…Không ai biết kiếm bạc lưng trời/ Chìm hồ nước mắt em nhòa nhạt. Nhớ Trần Hòa Bình, gã viết Sen hồng mấy độ. Còn riêng gã đã tự viết cho mình mười mấy năm trước: Tình anh đây mùa sen cũ/ phong nhiêu trút xuống mặt hồ/ chỉ còn mây hồng vạn thuở/ nở bừng đáy nước thiên thu. 

Cõi ngoài Nguyễn Khang, Trương Thiếu Huyền mút đinh thuyền đẫm “trăng Tiên Yên[4]”ngóng “mắt lão hổ[5]”nghe sóng bạc mà rơi chén rượu huyết ngán xuống ghềnh hoang.

Sáng sáng Hoàng Hồng, Nguyễn Văn Phong quen lệ đến quán xưa ngu ngơ đợi nhưng gã còn dềnh dang mót hơi thuốc sau xe.

Trà xuân shan tuyết bạn vong niên Lại Đức Thành vừa gửi vẫn chờ chia thì Tủa Chùa trà Trần Thành chuyển phát cũng tới.

Tôi vu vơ café quán cũ người nào đấy hỏi độp:

-A, ông ơi Vũ Khánh dạo này đi đâu ấy nhỉ. Lâu rồi chẳng gặp.

Tôi biết làm gì đây?

Ôi, gã bạn trầm sầu trước tuổi, gã thầy đồ hợp dung công chức hãy cứ yên bình phiêu lãng mây trắng mây hồng đến tọa độ “người ta” bao tha thiết mở lòng ngày bạc tóc hóa thân làm hạt mưa rụng xuống hai bàn tay ngón đan mà tương phùng. Sen cũ mùa xưa vẫn đang ủ mầm dưới bùn nước chưa ngủ, chờ đêm xuân sẽ thức xanh, đợi hạ sang khoe bông sắc luyến hương. Tỏ hiện.

Vũ Khánh- bạn hỡi hãy đợi thời như mong mà nhập thế, kiếp này thôi thì chuyển tiếp làm hoa sen làm dáng liễu thả thơ, chẳng nhã lắm sao?

Lần cuối, lái xe chầm chậm dưới bóng cây đề giữa dải phân cách ngang qua tòa nhà làm việc Sở TTTT cả hai bất chợt dõi lên lối bậc cầu thang bạc nắng mưa quen.

-  Ông sang cơ quan mới. Có lẽ chẳng bao giờ tôi có lý do bước lên những bậc cầu thang kia nữa.

Tôi buột lời. Hiu hiu gã cười nhòa.

Cữ trưa xuân, tôi chẳng thoát hình dung gã lẻ ngồi dưới sắc đào phai Tam Đảo, tìm chòm sao Phi Mã, thả khói thuốc đầm trong cơn đau tình ái của giai âm khúc Túy Hồng Nhan vượt muôn sắc ngôn từ, chẳng biết có thắp lửa đèn.

NTTK - Tháng Giêng 2022

 



[1]“Với tập thơ Lời Cầu Nguyện xuất bản những năm chín mươi thế kỷ XX, Vũ Khánh đủ ghi tên mình vào văn học sử.

Tiếc, chưa có ai giới thiệu về tập thơ này. Một giọng trầm, khắc khoải nghi vấn về phận người. Tập thơ chỉ được tác giả tặng vài người bạn. Và tự mình đọc lại những lúc vu vơ.

Vũ Khánh luôn giằng co giữa văn chương và cân đai mũ áo mà chàng sớm thu nhận cảm hứng trong Đường thi  rồi tự ứng chiếu vào thân phận. Mỗi mỗi chữ  mỗi mỗi câu của Lời Cầu Nguyện day dứt nỗi đau phủ sẹo mờ…” 

 [2]  Biệt danh của Trương Thiếu Huyền- vì có thời gian nhà thơ dạy học ở thị trấn Trới.

[3] Thơ Trương Thiếu Huyền.

[4]

[5] Title truyện ngắn của Vũ Khánh.

Chia sẻ trên Facebook