CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tùy Bút

CHUỐI NGỰ HƯƠNG VƯỜN SAU

Chủ nhật ngày 10 tháng 10 năm 2021 12:00 AM

Mưa tháng Chạp xòa trắng miền đồi khẩn hoang.

Cây đào đầu ngõ dẫm trong giậu cúc tần, nín nụ mãi, gặp hơi mưa bỗng bừng lên nhan sắc. Những tàng cây trắng phấn bụi đá công trường và sần gân vì lạnh, vụt xanh mĩ miều. Khóm chuối góc vườn sau, cây mẹ khệ nệ bế buồng chen sít đàn quả, từ cổ ngọn đôi chiếc lá nửa khô nửa vàng như vòng tay bất lực, ướt ròng thõng xuôi.

Chắc ngoài Rằm, nghĩa là ba hôm nữa Thầy mới hạ buồng chuối tiêu  bánh tẻ, đục từng nải, đặt úp sấp dưới gậm chạn giữ tươi lâu dùng cho những món nấu suốt dịp Tết. Tại sao lại là đục, chứ không phải là chặt, là chém. Nhỉ? Thế này ạ, nải dưới buồng chuối ôm ngước lên nải trên, theo định dạng trái chuối hình lưỡi liềm. Dẫu lách mũi dao thì phía lưỡi chắc chắn sẽ bập ngang cả nải. Nhẹ và nhanh là dùng dùi đục gỗ lim và chiếc đục bạt, định vị đúng khoảng cách giữa hai nải, gõ nhẹ chuôi đục là cắt phựt cái cuộng dai ngoách, đặc xịt những xơ trắng bám dính lưỡi thép. Nải chuối kềnh ra, lành tít mịn màng.

Chuối là cây chỉ cho một buồng, cây mẹ sẽ chết khi quả chín.

Ngắm cây chuối sẽ đẵn buồng, tôi hình dung bám nó làm phao bì bũm ngoài suối Cái và dải hố bom Pháp ném chặn con đường lên Điện Biên năm xưa, cạnh bãi chăn thả trâu bò. Trẻ quê nào mà chẳng níu thân chuối tập bơi, sau nghiến răng để chuồn chuồn cắn rốn. Tôi và em trai khênh nó.Vẫn cờn cảm giác thân chuối tươi nặng trịch, hất xuống nước nổi bềnh, kéo xuống vẫn không chịu chìm. Ừ, trên đời có những thứ, đã nổi thì cố tình dìm vẫn nổi. Mỗi trưa thu, nghe tiếng chào mào lảnh vườn sau, anh em tôi nhao ra, ngỡ ngàng trước buồng chuối sáng vàng lộng giữa quầng xanh của tàn lá vẫy vùng. Cuống chẳng kịp kiếm ghế bắc thang, anh chọc, em hứng trái nát trái lành. Chặc, chuối chín cây ăn bên gốc chuối sao mà thơm ngon nghẹn ngào. Nhưng có miếng ngon nào miễn phí đâu. Chọc chuối chín, vô tình tôi khua cả những con bọ nẹt ăn lá chuối, tủa gai độc, nọc axit, rơi lọt xuống cổ áo mình mà không hay.

Thân cây chuối cứu bao đứa thoát đuối nước và cũng lèn chặt bụng lợn nuôi nghĩa vụ[1], khi mà cám, bột sắn cũng là thứ xa xỉ với chúng. Trồng rau, Thầy thường cắt khúc thân chuối, bóc mảnh bẹ khum khum che nắng cho cây giống khỏi ánh nắng mặt trời sấy khô…Những tàu lá rũ khô của khóm chuối tiêu hồng, năm nào cũng là đích nhắm của mấy cô cấp dưỡng trong công trường đá xin về đốt tro ngâm gạo bánh tro hoặc gói bánh gai. Cất nồi rượu nếp cái hoa vàng uống Tết, chuyên sẵn chai nửa lít hay chai sáu lăm thì Mẹ đã phải dành lựa lá chuối khô vừa tới, lau sạch để làm nút chai. Như một tích hèm, rượu nếp dùng nút lá chuối tiêu khô sẽ thơm hơn, nồng hơn.Trữ càng lâu càng đượm, bởi andehit sẽ đào thải từ từ qua nút lá…Tương tự như là người Tây phương ủ rượu trong thùng gỗ sồi, khò cháy mặt trong.

Đánh quay, tôi được các anh lớn bày cho cách ép bẹ chuối lấy tơ bện dây quấn quay vừa bền vừa ôm khít, không cứa ngón khi làm động tác “ra quay” không bị văng quay khi bổ xuống quay đối thủ. Bọn cùng xóm ưa quay hình nón cụt gọi là “cù dái dê” hay “quay dái dê”. Nhưng tôi lại hợp hình chuông, mà gọi nôm là hình củ chuối..thì lại thắng tằng tằng.

Thứ tơ bẹ chuối tưởng vứt đi ấy, giờ phụ nữ nơi nông nhàn đã sấy khô, nhuộm màu, xe sợi dụng đan túi giỏ sọt dép khay thảm lồng đèn tinh xảo. Như một thông điệp gửi muôn phương rằng chúng ta đã chuẩn bị tâm thế chung nhịp bước sống xanh với nhân quần.

Đi chợ Tết với Mẹ là bổn phận và niềm vui nhuốm bao lo toan, tính toán với từng món đồ. Hôm mua bộ rế lót nồi, hôm dao bài Đa Sỹ, tấm thớt nghiến, buổi sau lại mật mía, miến dong. Còn những măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, trà móc câu thì Mẹ đã phòng dự từ mấy tháng trước. Chẳng lo.

Vườn nhà có khoảnh trồng chuối, nhưng Tết nào Mẹ đi chợ cũng phải săm soi mua riêng chuối ngự hương để bày bàn thờ ngũ quả và gửi biếu nhà Nội và nhà Ngoại tiếp khách.Tôi những thắc mắc, thì Mẹ mỉm cười ý nhị, nhỏ nhẹ:

-Việc nó phải thế con ạ.

Dù nhà theo đạo Chúa, nhưng đĩa ngũ quả bày trên mâm bồng sơn son thếp vàng dưới Thập giá và Mẹ Maria bế Chúa hài đồng là điểm nhấn sáng rỡ  của gian khách.

Trong trí tôi, đĩa ngũ quả cũng giống như bức tranh dân gian rộn màu, này sắc chuối vàng đang động đậy, bưởi vàng sậm như xấu hổ, phật thủ vàng mơ mộng, cam đỏ trong cơn say, táo xanh ngọc hoặc quýt hay quất là tùy tiết mỗi Tết thuận cho loại trái nào đẹp mã thì Mẹ mới dâng bàn thờ, biến chúng thành quả phẩm. Chứ chẳng qui định nào phải dùng đúng công thức năm loại quả rập khuôn bôm bốp, nối năm. Nhưng chuối thì không thể thay thế.Và không phải thứ chuối nào cũng dâng bàn thờ. Mẹ kỵ chuối tiêu, chuối lá, tên đã sái lại đến cái hình dáng cũng thô.

Tại sao lại phải bày chuối mâm quả phẩm, tôi chưa biết tìm đâu nguồn khai sử. Có lẽ tại chuối là cây quá cật ruột với người Việt. Bé xiu ăn dặm đã được mẹ dùng thìa cạo bột chuối chín mớm bón. Lớn lên chút, chơi đồ hàng cắt lá chuối bày kẹo bi sỏi, xếp đá cuội kẹo vừng. Đêm đông cơ hàn cũng phải vịn vào ổ rơm lá chuối. Cha già mẹ héo, cháu con áo xô, thắt lưng dây chuối khô, linh vị bát nhang thân chuối cắt khoanh và hai cây chuối mầm xanh lá chầu canh…

Xứ Việt, không chỉ với người Kinh cây chuối ngự trong đời sống tâm linh lẫn thực thế.  Đơn cử với người Tày, từ tang hiếu, lễ giải hạn, cầu an, nối số đến lễ cúng đầy tháng con trẻ cây chuối đều dự phần.Vũ trụ cùng một cây chuối: Bẹ chuối, lá chuối là âm, hoa chuối là dương. Chuối là linh hồn của rừng. Người M’nông dâng chuối làm lễ cúng rừng, dùng tro vỏ quả chuối rừng chín hòa nước lọc qua xơ mướp trong veo để nấu món canh rau rừng giã trong ống nứa trộn bột gạo, nêm thịt gà, thịt thú rừng thành món "biep siêt biêp ndum" mà cả xứ Tây Nguyên nhem thèm. Người Mường cũng dùng bẹ chuối, làm thắt lưng áo xô mũ rơm.Cỗ to nhất của người Mường  phải được bày trên những chiếc lá chuối tơ, trải kín nửa chiếc nong.

Đôi lần tôi với bạn lơ đãng gọi món salat hoa chuối giữa Paris. Viên quản lý thắt nơ tím, veston đen khom người cầm cuốn sổ bìa da, lăm lăm bút chì cẩn thận hỏi lại rằng ông bà quyết định dùng mấy cánh hoa chuối. Mỗi một cánh hoa là một mức tiền. Người ta cần khách hàng tái khẳng định. Rồi còn đưa đà thêm, có lẽ ông bà không nên bỏ qua món chuối rán đốt rượu Rhum Calvados…

Cuộc chinh phục xứ Ấn, nơi cây chuối ăn sâu bén rễ trong nhiều tầng lớp văn hóa ngoài những trận giao tranh, lịch sử còn ghi nhậnrằng Alexander Đại Đế khoái khẩu món “kadali phalam”[2] . Cây chuối đã theo chân đoàn quân viễn chinh của ngài từ Ấn Độ đến Trung Đông. Người Ả Rập vốn hảo ngọt, yêu giống cây mới và đặt tên chuối theo định dạng là “banan”[3]. Theo thương thuyền, chuối đến châu Phi, Mỹ Latin rồi xuất hiện trịnh trọng ở Anh như một ngôi sao trong thế giới hoa quả.Từ đây, chuối bắt đầu chinh phục thực khách châu Âu, cũng ưa đồ ngọt và thích tìm hiểu khám phá.Và hiện chuối là thứ trái được tiêu thụ dạng tươi nhiều nhất địa cầu.

Kể từ khi bùng covid, các chiêu thức món liên quan đến chuối, hầu như được khắp các bà nội trợ thế giới hỏi Google. Đặc biệt là công thức làm bánh mỳ chuối, dễ làm, dễ ăn và để được lâu, lại giàu dưỡng chất…

Khi đói lòng chuối xanh bỏ nhúm muối luộc nồi đất sanh đồng cũng qua cơn. Mấy chục năm trước, huấn luyện dưới núi Tam Đảo ngày ba bữa bo bo[4] lính mới chúng tôi đứa nào như nghén vì đói.Một đêm, gã cùng giường tầng, dân Hà Nội sờ sệt được mấy nải chuối xanh, dấm dúi luộc trộm dưới bếp đại đội, bê về trại. Vốn sạch sẽ, cậu ta đặt nồi chuối nóng hổi giữa lối đi, rồi quay ra rửa nhựa chuối dính tay. Mấy chục cái mũi đang phì phò thở, bỗng bị mùi chuối luộc chọc thức. Òa lên như điện giật, mọi người nhao xuống, đúng chiếc nồi quân dụng, dù trong đêm tối. Bốc, nhúm, bưng vạt áo lót. Tôi kiếm được hai quả, vỏ nứt toét.

Chưa ai kịp ăn, thì kẻ luộc chuối trở vào. Vô tình, đá trúng cái nồi quân dụng trống rỗng, quở tay tìm kiếm, cậu ta chỉ thấy nhựa chuối dấp dính. Không một lời quở trách, ngồi xệp cậu ta thốt lên: Mẹ ơi….chưa dứt thì tiếng khóc nức lên nghẹn ngào…

Những mùa khô biên giới cực Bắc, tôi nằm chốt đỉnh rừng chuối dại, đặc nghẹt sương mù. Thân chuối san sát như cột chống trời, cao vượt nóc rừng, gốc cả vòng ôm của lính, buồng như thùng gánh nước, dài thượt đòn gánh, hoa chuối tím ngắt la đà chạm mặt đất. Thiếu nước, lính ta khoét rỗng cây chuối, nõn thì thái mỏng ăn thay rau, còn ống bẹ ngoài thân, thành bình tích nước được rễ chuối hút lên. Rửa mặt, đánh răng, pha trà bằng thức nước chuối nổi váng như váng dầu hỏa, mắt dính nhèm, răng sít, trà đen cáu, kết tủa.Thoảng vớ được buồng chuối chín, hạt chồng chất như nhồi sỏi, mấy ông quân y bày trò thái lát, sấy khô ngâm rượu cồn chữa tê thấp, mỏi lưng, sỏi thận, đau dạ dày.Phơi không hết thì bóp nhuyễn tọng bị đông nhựa, vị ngọt nghèo mỗi quả chuối rừng cũng biến thành đôi giọt rượu, để lên gân tinh thần chiến sĩ lúc chông chênh.

Những năm ấy, người lính vùng biên về phép, ngoài vỏ chăn con công, trong balo có vài ký chuối rừng sấy khô quà biếu cha già, bạn hữu…

Mẹ theo nếp nhà Nội. Chuyên quả phẩm chuối ngự và chuối cau.Xưa, Nội mua giống mạn Phủ Lý trồng mấy sào ven ngòi chảy vào bồn trũng. Loại chuối tiến vua.Đồ tiến vua đâu có thể tầm thường, nó chuẩn cả hình lẫn chất.Hai loại chuối có dạng hình na ná, khác chút chút về kích cỡ, trái ngắn tròn, núm và cuống thu nhỏ,  nằm hàng trên hay hàng dưới nải, trái nào cũng hệt trái nào, thoăn thoản tựa trái hồng không hạt kéo dài. Chín thuần, chuối ngự hương ngả màu vàng cam, nhưng cuống và núm vẫn  tươi phơn phớt màu xanh ngọc.

Khi sắp đặt nải chuối ngự cũng dễ hài hòa với những quả phẩm cùng mâm. Mới ương hườm đã tỏa hương thơm dịu, lớp vỏ mỏng căng, qua Tết cuộng khô quắt thì trái chuối chỉ se mình, không thâm, không nát không bị những ruồi dấm bay phiền. Bóc lớp vỏ mỏng như giấy bản, ruột trái hương cứ ngẩn lên vị mật ong rừng. Cồn đói ăn trái chuối ngự, dạ vẫn lành yên, êm ru. Cỡ trái vừa độ miếng cắn để nhã thanh. Hai miếng thì thô ba miếng là lịch.Tuyệt hợp cho việc đãi khách, nhất là sau bữa tiệc nặng bụng. Bày đĩa chuối tiêu hay chuối lá, dẫu có nể thì chẳng ai dám phiêu lưu cầm quả chuối đần đẫn như củ khoai vồ…

Chuối ngự hay chuối cau  thời ấy chưa nổi danh mà chỉ ngầm lan danh tiếng với những người đã từng biết đến phẩm tính đồ tiến vua.Người ta trọng thức tọng no bụng hơn là màu vị. Nhưng chuối ngự hương, chuối cau mật thơm thảo ở đâu đó trong nhân gian mỗi phiên chợ áp Tết vẫn hiện diện, thấp thoáng trong thúng mủng, rổ sảo của những bà những cô bán hàng không thích mà cả, đủ để cho những ai tinh mắt xuống tiền. Chẳng mấy Tết mà Mẹ không than, chỉ vì không nhanh tay, mải trả lời người quen, khi quay sang hỏi mua thì chuối ngự đã vọt thêm mấy giá. Đắt nhưng xắt ra miếng, Mẹ dặn thế. Chuối ngự mua quả nào được quả ấy. Chứ những chuối khác, tuy cùng nải nhưng mỗi trái mỗi trạng thái xanh chín khác nhau.

Mọi cây chuối đều sinh ra từ thân củ gốc, dù có bị đào trốc, bão quật, chém băm muôn mảnh, hay bị dập vùi sâu cả mét đất đá, bị đường đi chồng lên, bị quẳng ra nắng phơi, bị dầm nước dăm bảy ngày, bị lửa thiêu cháy rụi, nhưng chỉ cần cho chuối thời gian một tuần dưỡng sức là mầm chuối đã bật nhọn vươn thẳng.Tự thân là biểu tượng đùm bọc, mỗi thân chuối bẹ già lấn bẹ non quây tròn tạo dáng chịu lực liền lạc với sống lá, trái kết buồng, buồng chia nải, quả dưới đỡ quả trên. Chuối sống quần tụ thành khóm, thân sát thân, đứng thẳng như con người cùng xóm cùng làng, như anh trên em dưới, chị ngã em nâng.

Người Việt, thường hay nhắc đến cây tre như một biểu tính thương khó, quật cường để mà tự hào như một thói quen. Nhưng cây chuối, cây quan thiết trong tâm linh và tận tụy hàng ngày với con người từ nhà nông đến nguyên lão quốc gia thì chúng ta lại lãng quên, gần như không có sự hàm ơn cần thiết.

Văn hóa dân gian Việt, hình tượng cây chuối được con người phổ vào những nghiệm sinh biến ảo trạng huống trong ca dao tực ngữ từ hài hước đến đau lòng. Và Nguyễn Trãi (1380 – 1442) nạn nhân của thảm án oan khiên mang tên một loài quả, viết Bình Ngô Đại Cáo, cũng di lại bài thơ Cây Chuối, hàm ngôn đến nỗi hậu thế hiện vẫn diễn giải nó theo nhiều ngả ý đối chiều. Nhà thơ khai phóng Matsuo Bashõ (1644-1694) xứ Phù Tang, triện dấu haiku trong thi ca nhân loại, yêu mê chuối lấy chuối tên đặt danh bút cho mình.

Nếu như tre có bao nhiêu họ hàng, thì chuối cũng có từng ấy anh em tương ứng.

Chuối tiêu cao, chuối tiêu lùn, chuối trứng, chuối cau trắng, chuối cau lửa, chuối tay bụt, chuối ngự thóc, chuối cau mẫn, chuối ngự, chuối cơm lửa, chuối già hương, chuối tiêu cao hồng, chuối sứ trắng, chuối sứ xanh, chuối hương, chuối hột, chuối cơm chua, chuối trăm nải, chuối mướp, chuối voi, chuối mắm, chuối tây bột, chuối chà, chuối xiêm mật, chuối mit, chuối thơm, chuối nanh heo, chuối mỏ gian, chuối lá, chuối mật, chuối sáp, chuối hạt lép, chuối bơm, chuối ngốp, chuối lùn, chuối Laba, chuối táo quạ, chuối chà bột, chuối saba chuối trăm nải, chuối rừng tía, chuối rừng đỏ, chuối bẹ, chuối pháo, chuối Mường, chuối tím, chuối tía, chuối cô đơn…

Tồn sinh bao nhiêu giống chuối trên đất Việt thì có từng ấy thức người Việtthể hiện nghệ thuật ẩm thực, trên đối tượng thực diễn là chuối. Chẳng hề kém cạnh gì các nước có truyền thống văn hóa chuối như là Ấn. Mà còn dung nạp  chiêu thức mới dành cho chuối của những nền ẩm thực mới. Bởi người Việt nấu cho người Việt nên toàn nghi với thổ ngơi, tộc người và các cây gia vị con thịt bổ trợ để tấu lên những khúc ca ngon và lành đến hân hoan về các món chuối từ bình dân đến đặc hữu.

Đã kê sao các giống chuối.Vậy thì kể tên các món chuốicho thêm phong phú dữ liệu. Dùng làm món chính: Chuối kho tương, kho mắm. Chuối ốc nhồi đậu phụ.Chuối lươn, dùng riêng củ quả hoặc hoa.Chuối ếch.Củ chuối hầm xương lợn.Củ chuối xáo chó. Chuối om ba ba. Chuối om gà ri.Hoa chuối xào thịt bò, hoa chuối xào ốc, hoa chuối  xào gà, vịt, ngan…

Món hỗ trợ: Hoa chuối luộc.Trái chuối hột thái lát cuốn gỏi, salat hoa chuối. Salat thân chuối non.

Món tráng miệng: Chuối đốt rượu Rhum. Kem chuối.Sữa chua chuối.Chè chuối.Chuối sữa chua nếp cẩm.

Món khai vị: Bánh mỳ chuối, kèm ly rượu chuối hột.

Món ăn vặt:Chuối chiên. Chuối bọc xôi nướng.Chuối lá chín ương luộc.Chuối sấy, chuối phơi khô.Chưa tính chuối xanh luộc giã nhuyễn độn vào giò lụa những năm bao cấp.

Nhà tôi, mỗi dịp Lễ trọng, đám cưới, đám mừng thọ hay dịp Tết khao cỗ, đương nhiên bao giờ cũng có món chuối nấu thịt lợn để cánh mày râu nhắm rượu. Món này, các bậc tráng niên làng quê Bắc bộ “biết ăn biết nói” nào cũngthích, nên cũng khéo nấu, khéo bình món sau mỗi tiệc.Nhà đám thường nhờgã “tay dao tay thớt” nào đấy thực thi. Hợp khẩu người làm thì mới hợp khẩu các cụ la đà rượu dưa.

Mẹ giao phó món chuối nấu cho cậu út mới xuất ngũ về. Cậu thanh như cây chuối lá, đẹp như diễn viên điện ảnh, từng làm anh nuôi một dạo.Nhấp chén rượu môi đã son.Tửu lượng có thể ngồi hầu các cụ đầu bữa đến cuối. Phụ bếp, lau tau mấy chị mấy bà, tùy hứng cậu sai việc.

Đầu tiên là ra vườn dạo một vòng, nhằm buồng chuối tiêu bánh tẻ nây na, da xanh láng, không ghẻ sùi, vòng quả đã gần đầy, núm quắt rụng, búng ngón tay, vang lên âm cọc cọc thì chắc chắn là đạt chuẩn. Món này quan trọng là phải giữ được vị chan chát của chuối xanh, nhưng tinh bột đã tròn, nếu trái non quá thì đắng, mà già hơn chút pha vị ngọt. Cũng hỏng cả.

Chuối tước vỏ, ngâm nước vo gạo nếp mươi phút, thái khúc, bổ tư, luộc sơ đủ chín sượng, chắt nước rửa thêm lần nữa. Thịt ba chỉ, lựa đúng khoảnh hai bên sườn, bí thì mới thêm phần bụng. Dù đã tinh sạch, nhưng lớp bì cần được thui rơm nếp, chớm thơm khét thì dừng. Dùng lá chuối tiêu tươi vo nắm cọtẩy muội than trên lớp bì rồi mới thái con chì. Nồi gang cũ, thúc lửa to, đưa thịt vào đảo cháy cạnh, thêm chút mỡ nước rồi mới tra chuối luộc vào xào đảo liên tu ti. Nếu khan quá thì chống khét bằng đôi chén nước.Liệu liệu mà mà nêm mắm muối.Và nhớ đừng quên một chén rượu nếp “châm đóm”[5]. Khâu này thành bại phụ thuộc cả vào cảm quan người đứng bếp, làm sao cho vị mặn cân bằng giữa chuối và thịt.

Hơi nóng tỏa lên vị chát chát đằm đằm ngậy ngậy thì hiểu rằng đã tới thời điểm đổ nước vắt nghệ tươi và riềng tía già giã mảnh hạt đậu vào nồi chuối. Căn chỉnh làm sao nước xáo đủ láng đáy nồi. Nước thiếu thì khó đánh nhuyễn, mà nhiều thì món sẽ “choãi”[6].

Đậy vung hạ lửa, thi thoảng “mở thăm” thấy miếng chuối nứt vỏ, cong mình thì điều chỉnh gia vị, ninh thêm tới miếng chuối ra bột, đùng đũa cả “đánh” theo chiều kim đồng hồ để bột chuối nhuyễn hoàn toàn. Bắc xuống để hả bớt nhiệt đôi phút. Lúc bấy giờ tiếp tục đổ bát con tỏi lên hương.Dân nhậu biết rồi đấy, vị tỏi đánh thức, trêu chọc tỳ vị ra sao. Nhớ là chuyên ra bát lớn, loại sứ dày mình hay những khay nướng trong lò vi sóng cũng chuẩn. Món này cần dùng nóng.Nào nhấp chén rượu nút lá chuối. Đệm một xắn đũa chuối vàng mơ tựa bánh đậu, chưa kịp gì nó đã tan loang khắp miệng những mát những ngậy những bùi, nhai miếng riềng thơm gợn cao, mùi tỏi nức lên khoang mũi, hăng tê nghệ tươi. Và chốt hạ là vấp trúng miếng ba chỉ, bì thui rơm nếp không vương ngấy khiến ta vỡ òa trực giác trước hợp dung của đắng tê của nghệ, cay dịu của riềng thơm hăng của tỏi chát bùi của chuối và ngậy ngất ba chỉ cùng trong một khoảnh khắc.

Nhớ nhé, món này là món quê mộc, không hợp với rau thơm hành hẹ gì hết. Nhưng có ngoại lệ, cũng ngồi chiếu cạp điều, dưới mâm các cụ,trong phần bát thức cậu út rắc lên bề mặt lá xương xông thái chỉ lăn phăn. Đã hơn lần tôi định hỏi tại sao gia giảm thế, nhưng rồi bẵng đi đến tận khi cậu mất vì di chứng dioxin.

Trong ngôi nhà miền khẩn hoang, bỗng một ngày chỉ còn Thầy Mẹ ra vào. Lũ con của song thân, từng đứa một rời xa, y như người ta tách cây chuối non ra khỏi khóm đang quây quần đem trồng nơi khác. Đời người bằng bao nhiêu đời chuối. Khúc nhôi nào cũng có đắng có ngọt. Nhớ nồi chuối xanh rỗng, nghe tiếng khóc hời mẹ của bạn, chẳng còn ai ăn nổi. Lục tục, trung đội trở dậy, đặt những trái chuối đang sắp sửa nghiến ngấu vào chiếc xoong quân dụng…

Thầy Mẹ hồi về làng Lịch.

Đất hương hỏa còn mảnh con con chẳng đẫy sào. Chẳng thể trồng na trồng nhãn.Thầy thơ thẩn ra thăm vườn chuối cũ của Nội bên bồn trũng ngoài đồng thì vẫn còn đó những khóm chuối hương còi cọc lẩn trong bụi dứa dại, trong lồm ngồm đám mai dương gai móc.

Giống chuối hương, thế kỷ trước Nội rinh về từ Phủ Lý bén đồng bãi làng Lịch gần trăm năm tưởng đã hết duyên, giờ lại hồi sinh vườn sau nhà Thầy Mẹ. Đất màu đánh luống, căng dây đảo hố ủ ươm mầm. Thân gốc nặng tựa đá tảng, tua tủa vươn chùm dạng rễ cọ khoan xoáy níu lòng đất, đỡ những mo bẹ kết tròn mảnh mai nổi vân sọc nâu đỏ xòe lá phần phật gió. Khi những hoa chuối hình trái hỏa tiễn nhú tím, cánh hoa thứ nhất, thứ hai he hé cuộn ngược, để lộ dải đài hoa trắng ngà, tỏa thứ hương chát ngọt nhưng cũng đủ khuyến ong bướm rình rang, thì dưới gốc loi nhoi đôi chồi mầm chị em nhọn tựa măng mai đội lớp rạ phủ cảnh giác nép vào thân mẹ.

Ấy là đã giữa hè.

Mẹ Thầy thay nhau coi chuối. Hết rỗng thân xơ mướp, nõn thối lá vàng lại tới sâu kén bầu dục, bẹ nát phía ngoài hóa nhộng bên trong. Gió thu thả rong, chuối non thành chuối già.

Mẹ tính với Thầy cho có chuyện để bàn giữa bữa, rằng, chẳng hay để chín cây hay hạ buồng ủ lá xoan, Thầy em nhỉ. Ngấp ngứ chén rượu chuối hạt ngậm ánh hổ phách tựa cognac, Thầy tủm tỉm.Thì tôi theo ý bà, làm thế nào để hôm này con cháu về còn có thức lót tay và biếu thông gia.

Mưa tháng Chạp vân vi làng Lịch. Các chị thay Mẹ lo sắm Tết, chăm Thầy. Ai đó đã hồng rinh đào qua ngõ. Mua gì thì mua, các chị, nhưng chuối ngự hương đã sẵn vườn sau nhà Mẹ.


Việt Trì, ngày 01 tháng 9 năm 2021.

 

 

 



[1]  Thời bao cấp, mỗi xã viên hàng năm có trách nhiệm lượng  bán lương thực, thực phẩm nhất định cho Nhà nước theo giá chỉ định.

[2]Chuối- trong tiếng Phạn.

[3] Tiếng Ả Rập có nghĩa là ngón tay.

[4]Bo bo chính là lúa miến hay cao lương (sorghum), vốn dành cho chăn nuôi mà Liên Xô và Ấn Độ viện trợ cho VN, những năm 1980.

[5]Ý là loại rượu mạnh, châm lửa đóm bốc cháy.

[6]Từ dân gian, nghĩa là loãng.

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook