CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn - Phê bình

BÀ NỘI MUÔN NĂM

Thứ bẩy ngày 31 tháng 7 năm 2021 12:00 AM

Lúc tôi ra đời thì bà nội đã gần bảy mươi tuổi. Trạc tuổi tôi bây giờ. Cái tuổi mà theo nhà nước đã phải nghỉ hưu khá lâu rồi. Thực ra thì cụ cũng đã được nghỉ khoảng hơn một năm sau tiếp quản Hà Nội 1954. Ông nội lúc ấy còn công tác ở Bắc Ninh, việc nuôi dưỡng bà chị gái tôi từ trong kháng chiến về cũng không còn phải một tay cụ nữa. Chị đã về sống cùng bố mẹ tôi và các em.

Với một gia đình học hành khoa cử như gia đình tôi thì tàn dư của việc bất bình đẳng nam nữ như một lẽ tất nhiên. Những khuôn phép lề thói sinh hoạt tỏ ra cổ súy cho việc này ngạc nhiên thay lại hoàn toàn do bà nội chăm sóc gìn giữ. Như một bổn phận nhiều hơn là quyền uy. Đại khái ông nội có tẩm phản kê cạnh chiếc tủ chè đặt giữa nhà là nơi không bao giờ bà nội dám ngồi xuống. Thằng cháu nội đích tôn duy nhất là tôi có thể nô đùa ngả ngốn trên phản hàng giờ đồng hồ chẳng sao cả. Tôi còn được sống với ông bà nội cho đến khi đi học lớp 1 mới về nhà bố mẹ. Nhưng mẹ tôi hay các bà thím và cô ruột sơ ý ngồi lên phản mà cụ biết thì chắc chắn nhẹ nhất cũng nghe cụ huấn thị cho vài lời. Cụ dạy dỗ con cháu nhưng cũng tự mình làm gương. Có khách của cụ ông đến nhà thường chỉ ra chào hỏi xong lại lui vào buồng trong. Cụ vẫn thường bảo các con dâu rằng như thế không phải mình hèn kém gì đâu, là tự trọng đấy.

Lúc tôi lớn hơn, bà nội đã là một cụ già lưng còng mắt kém. Không thể đọc được tờ báo nữa rồi. Thực ra tuổi thọ của cụ cũng như toàn thể dân Việt lúc ấy không cao như bây giờ. Thượng thọ bảy mươi như cụ khá hiếm hoi. Và một bà cụ lưng còng tóc bạc trắng vẫn hàng ngày lo toan chỉ huy việc nhà lại càng hiếm. Việc của cụ được cắt đặt hàng năm rất chi tiết. Giỗ chạp làm bao nhiêu mâm đã được cụ chuẩn bị lương thực thực phẩm đầy đủ ngay từ đầu giêng. Đến ngày đến tháng con cháu tập trung về cùng vào bếp. Hiếm khi thiếu thốn thứ gì. Trong năm mùa nào thức ấy cụ tự tay nấu nướng những món ăn đặc sắc. Tháng 3 ngả men làm rượu nếp, làm bánh trôi bánh chay.Tháng 5 mua sen về ướp trà. Hương sen bừng thức suốt hàng tháng trời ngào ngạt. Lũ trẻ giúp cụ lấy gạo trong nhụy sen cho vào những cái liễn sứ. Phần hoa còn lại có thể đem cắm chơi được vài ngày nhưng vì quá nhiều nên chúng lột hết cánh lấy chiếc đài sen làm con quay buộc chỉ thả vàng ươm vui mắt. Tháng 6, tháng 7 ngày hè nóng nực là những bát canh cua đồng. Khi nấu riêu chua ăn bún với rau diếp thái mảnh như thuốc lào. Lúc lại là bát canh mướp, mồng tơi, rau đay, rau ngót ngọt thỉu. Tháng 9 mưa rươi cụ đã chuẩn bị vỏ quít hôi sẵn sàng từ trước đấy hàng tuần. Mùi chả rươi béo ngậy thơm lừng còn hằn sâu trong trí nhớ lũ trẻ cho đến tận bây giờ. Tết đến là nồi bánh chưng hàng trăm chiếc cụ tự tay gói, luộc và ép xếp gọn một góc nhà. Con cháu chỉ việc về lấy.

Giờ khi đã có tuổi ngồi nhớ lại những việc cụ làm lúc đã cao tuổi như thế lũ chúng tôi vô cùng ngạc nhiên. Đó là công việc mà không có con dâu cháu dâu nào trong nhà có thể đảm đương nổi. Ông nội tôi suốt đời đèn sách gần như hoàn toàn không biết cái chợ nó nằm ở chỗ nào.

Bà nội tên thật là Trịnh Thị Cúc. Rất ít người trong thế hệ sau biết cái tên này. Khi tôi lớn lên chỉ nghe mọi người gọi là bà giáo. Cả ông nội cũng gọi như vậy. Đơn giản vì ông nội làm nghề dạy học cũng không ai gọi tên cụ ra cả. Người ta chỉ gọi là ông giáo mà thôi. Lớn hơn nữa nghe cụ và vài người già ở làng quê nơi sơ tán kể chúng tôi mới biết. Và còn được biết nhiều hơn những chuyện bà nội không bao giờ kể. Cụ thực ra là con nhà khoa bảng dòng dõi Trịnh Xuân…lừng lẫy vùng Kinh Bắc. Một người em họ của bà nội là cụ cử nhân Trịnh Xuân Nham.Ở làng vẫn gọi là Cụ Phủ Trịnh. Ông nội tôi là học trò Cụ Phủ Trịnh từ trước khi lấy bà nội. Khi về làm dâu nhà họ Đỗ, bà nội một mực gọi Cụ Phủ Trịnh là thày xưng con như phép tắc thông thường.

Ngày nhỏ đọc tiểu thuyết Lều Chõng của cụ Ngô Tất Tố thấy các nhân vật trong ấy rất gần gũi với sinh hoạt và gia cảnh gia đình mình. Đã có lần tôi hỏi ông nội liệu có phải cụ Tố dùng câu chuyện thất bại lều chõng của ông để viết nên cuốn sách hay không. Ông nội cười hiền từ, thất bại lều chõng là của cả khóa thi cuối cùng ấy chứ không phải riêng ông, ông Tố còn sớm thất bại ở vòng ngoài! Tôi hiểu. Đó là hai người bạn thủy chung cho đến tận cuối đời. Đã từng cùng lận đận lều chõng đi thi những khóa cuối cùng của triều Nguyễn. Lại cùng gian nan bút mực từ trong chiến khu Việt Bắc ngày chống Pháp. Các cụ sẽ hiểu nhau hơn ai hết. Và chúng tôi có thể tin rằng hình ảnh bà nội khi còn trẻ chính là cô Ngọc trong tiểu thuyết.

Ông nội hỏng thi, vì sinh kế phải nghĩ đến việc tự học chữ Pháp để vào làm việc cho Pháp. Tốt nghiệp xong cụ được bổ làm Tổng sư một vùng trên Từ Sơn. Cụ bà ở nhà làm ăn buôn bán nuôi đàn con 5 người khá là vất vả. Nhưng có lẽ vất vả nhất là khi bố tôi tham gia hoạt động cộng sản bí mật năm 1938 bị Pháp bắt bỏ tù dưới Nam Định. Ông đã cùng các chiến hữu của mình tổ chức đánh bom nhà băng Nam Định ngay trước cửa Nhà thờ Nam Định. Các ông đã đào một đường hầm xuyên từ phố Đội Nhân bên nách nhà thờ sang móng nhà băng. Thuốc nổ tháo ra từ đầu đạn mooc-chê đặt vào đấy gây ra vụ nổ. Kết quả từ nội thành báo ra là móng nhà băng bị sứt một mảnh bằng cái nón. Kết quả không mong muốn thứ hai là mật thám Pháp truy lùng gắt gao bắt được mấy đồng chí của ông. Một đồng chí không chịu đựng được đòn tra tấn rất dã man của chúng đã phải khai ra người cầm đầu. Đó chính là bố tôi. Lúc ấy ông đang là bí thư hai huyện Giao Thủy-Xuân Trường.

Bà nội lập tức liên hệ với các luật sư ở Hà Nội. Phần thì muốn thăm dò xem tội trạng của ông con giai đến đâu, có ảnh hưởng gì đến ông nội đang là công chức của Pháp hay không? Phần nữa, như mọi bà mẹ trên đời là tìm cách cứu con ra khỏi chốn lao tù. Luật sư nghiên cứu kĩ càng và cho cụ biết rằng tội của ông con là rất lớn. Đứng đầu một tổ chức khủng bố. Theo luật thì sẽ nhận bản án cao nhất. Bà nội không hề nản chí. Cụ hỏi dò luật sư cách thức gỡ tội. Luật sư cho biết chỉ còn mỗi cách cụ phải chạy tiền cho đám hào lí sở tại để làm lại cho bố tôi một giấy khai sinh rút xuống 2 tuổi. Vừa vặn tuổi vị thành niên để tránh cái án tử hình. Đó là việc làm bí mật nhất trong đời cụ mà ở nhà chỉ có mình cụ ông được biết. Thực ra cụ ông và cả gia đình cũng không bao giờ biết là cụ phải chi phí hết bao nhiêu lạng vàng. Và cụ đã thành công. Bố tôi chỉ nhận án tù chung thân đày lên nhà tù Sơn La vào năm 1939. Bà nội cũng là người thân duy nhất lên thăm con ở nhà tù Sơn La vào năm 1941…

Câu chuyện bà nội tôi kể về chuyến lên thăm bố tôi ở nhà tù Sơn La có lẽ là câu chuyện li kì huyền ảo nhất có thật mà tôi được nghe cho đến bây giờ. Bà nội thuê một người giúp việc khỏe mạnh gánh gồng lương thực, thực phẩm xuống thuyền ở Hà Nội. Cứ thế hai bác cháu ngược sông lên Hòa Bình. Vượt qua nhiều ghềnh thác hết sức nguy hiểm. Nhiều chỗ không đi thuyền được phải lên bờ gánh bộ. Lẽo đẽo hơn tháng trời mới lên đến nơi…

Ngày cách mạng tháng 8 năm 1945 bố tôi cùng các đồng chí của mình đã phá nhà ngục Sơn La từ tháng 3 năm ấy trở về hoạt động. Ông vận động cả gia đình lên chiến khu vào năm sau. Bà nội về sau cũng theo lên vùng tản cư kháng chiến ở Phú Bình-Thái Nguyên. Cụ mua đất đai cấy trồng, xây dựng nhà cửa trên ấy với ý định sẽ ở lâu dài làm hậu phương vững chắc cho chồng và các con ở chiến khu. Cụ đã ở đấy cho đến tận ngày tiếp quản 1954 với đứa cháu nội duy nhất là chị ruột tôi được sinh ra trong kháng chiến.

Cuộc “tản cư”(Theo cách cụ gọi) thứ hai trong cuộc đời bà nội vào năm 1964. Cụ sinh năm 1890 cho đến khi đi sơ tán chống Mỹ đã bước vào tuổi 75 rồi. Lưng đã còng hẳn xuống, đi lại phải chống gậy. Mắt đã mờ, không thể đọc được chữ nữa. Nhưng nhiệm vụ còn rất nặng nề. Đó là cai quản đàn cháu trong đó có tôi ở nơi sơ tán. Dù có thuê thêm được một chị giúp việc nhưng hầu như tất cả công việc nấu nướng chợ búa cho 7 người ăn vẫn một tay cụ làm cả. Chị giúp việc ở nông thôn ra được cụ khen mỗi cái nết thổi cơm nồi gang bằng bếp đun rạ. Ngoài ra thì luộc rau luôn đỏ lòm như cám lợn hai lửa. Đợt sơ tán này thiếu thốn đủ mọi đường. Nhiều khi chỉ là vì phụ huynh chúng tôi quá bận công việc nhà nước không về tiếp tế lương thực thực phẩm được. Một tay cụ lo toan tất cả. Không có thực phẩm, cụ để dành hạt mít ăn xong nấu những nồi canh xương hương vị còn đọng lại cho đến tận bây giờ. Những khi trong nhà không còn rau ăn và cũng hết tiền chẳng thể mua ở chợ, cụ xin người làng rau cải lú bú người ta tỉa ở ruộng mang về. Cháo rau cải lú bú ăn với nước mắm cua cụ tự làm phơi ngoài sân là món ăn đã thất truyền hoàn toàn hơn nửa thế kỉ rồi.

Lần sơ tán này cụ đã quá già để không còn có thể mua đất đai cấy trồng chăn nuôi cải thiện được nữa. Loanh quanh chỉ còn có việc mùa đến làm vài chĩnh tương để dành ăn quanh năm. Và những đồng cân vàng cuối cùng cụ vẫn cất kĩ trong hầu bao bên mình đã phải mang ra bán để cầm cự cuộc sống mấy năm liền ở nơi sơ tán. Được chứng kiến cảnh cụ gọi người mua vàng ở quê đến nhà bán đi khi thì đôi hoa tai hạt đá, lúc thì chiếc nhẫn nửa đồng cân mới thấy hết tài vun vén phòng xa của cụ. Anh em chúng tôi chưa bao giờ phải đứt bữa trong những năm tháng khốn khó ấy.

Bà nội mất năm 1970 nhằm ngày 17 tháng 7 âm lịch. Chỉ sau khi hết chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ chừng hơn nửa năm. Cụ ốm một trận kéo dài gần 4 tháng trong căn nhà ở cuối Phố Huế, nơi tôi được sống với các cụ nhiều năm trước khi vào lớp 1. Có lẽ cụ vẫn cố chờ ông chú ruột tôi lúc ấy là sĩ quan pháo binh đang chiến đấu trong chiến trường miền Nam chưa kịp về. Bà nội ra đi thanh thản ở tuổi 81 khi các con và nhiều cháu nội ngoại đã trưởng thành.

Nhiều năm sau mỗi ngày giỗ bà nội anh em chúng tôi đều tụ họp thắp hương cho cụ ở nhà tôi. Đứa nào cũng áy náy một điều. Công lao của cụ có lẽ là lớn nhất nhà nhưng cả đời cụ chưa từng được nhận một tấm huân chương nào cả. Đến giấy khen cũng chưa từng có. Trong khi con cháu cụ có người vài chục huân huy chương. Thế nhưng nhớ kỹ lại thì thế hệ cha chú chúng tôi dù nhiều huân huy chương đến thế cũng chưa thấy ai đeo nó bao giờ. Thậm chí bố tôi còn để rơi vãi sau mỗi lần chuyển nhà. Đến lúc ông mất cũng là vừa hết sạch. Em gái tôi có sáng kiến mỗi khi đến ngày giỗ cụ chúng tôi nên dành một phút để hô khẩu hiệu “Bà nội muôn năm”. Đúng là câu khẩu hiệu này đã quá lâu không còn ai hô nữa. Nhưng cũng đúng là chỉ những con người thật bình thường trên mảnh đất này mới thật sự xứng đáng với câu khẩu hiệu ấy.

                                                                                                                      
  Hà Nội, tháng 3 năm 2021

 

                                                                                  

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook