CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
CHÚNG TA VIẾT VỀ ĐỖ PHẤN

BẢN CHẤT CỦA THÀNH PHỐ TRONG TIỂU THUYẾT ĐỖ PHẤN TỪ GÓC NHÌN SINH THÁI ĐÔ THỊ

Chủ nhật ngày 4 tháng 7 năm 2021 12:00 AM

TÓM TẮT

Phần lớn tiểu thuyết của Đỗ Phấn đều đề cập đến đô thị. Nhà văn có mẫn cảm đặc biệt trước sự đổi thay, biến chuyển của thành phố. Ông đã nhận ra những nguy cơ tiềm ẩn về môi trường qua các gam màu tương phản giữa truyền thống và hiện đại, quá khứ và tương lai. Nhiều tác phẩm đã phản ánh rốt ráo các vấn đề sinh thái và tổn thất của tự nhiên trong chiều tương tác với con người. Trên tinh thần đánh giá khách quan và khoa học, bài báo này tìm hiểu bản chất của một thành phố hiện đại trong mạch ngầm tiểu thuyết Đỗ Phấn từ các phương diện như cảnh quan đô thị, sự lên ngôi của chủ nghĩa tiêu dùng, rác thải và tâm thức của thị dân.

ABSTRACT The nature of the city in Do Phan’s novels from the urban ecology view Most of Do Phan’s novels mentioned urbanism. The writer have particularly sensitive to the change and transformation of the city. He recognized the potential dangers of industrialization through the contrast palette between the tradition and the current, the past and the future. Many works reflected ecological problems and the loss of nature in the process of interaction with humans. In the spirit of objective and scientific evaluation, this article explores the true essence of a modern city in the Do Phan’s novels from aspects such as the urban landscape, the rise of consumerism, the garbage and the mind of the burgess.

1. Mở đầu

Hiện nay, vấn đề đô thị là một trong những quan tâm lớn của phê bình sinh thái. Thời kì đầu, phê bình sinh thái tập trung tìm hiểu những cảnh quan hoang dã, các vùng đồng quê – nơi được cho là ẩn chứa nhiều dấu vết tàn phá của con người với tự nhiên. Tuy nhiên, thực chất thành phố – khu vực tưởng như tách biệt khỏi thiên nhiên – lại là chốn xảy ra nhiều bất cập môi trường và được coi như một phần tổng thể của hệ sinh thái đang bị đe dọa. Đưa phê bình sinh thái “trở về nhà”, về với không gian đô thị, các nhà nghiên cứu chỉ rõ phê bình sinh thái liên quan chặt chẽ đến sự phát triển định hướng môi trường trong triết học, học thuyết chính trị và chính sách phát triển của chính phủ, như Corné Coetzee đã nói, “khái niệm về môi trường đã được mở rộng bao gồm những hậu quả sau quá trình tham gia của con người vào môi trường tự nhiên – như ở các thành phố” (Coetzee, 2015).

Đối tượng của sinh thái học đô thị là “nghiên cứu tất cả sinh vật sống (người, thực vật và động vật) nằm trong môi trường đô thị” (Dẫn theo Davies, Corkery, Nipperess, 2017, p.28). Sinh thái học đô thị tập trung vào các phạm trù của sinh thái và đa dạng sinh học, đặc biệt nhấn mạnh đến những thay đổi theo không gian và thời gian, xem xét ảnh hưởng của các tác động môi trường và quá trình đô thị hóa. Mặc dù, nội hàm sinh thái đô thị (urban ecology) không phải là vấn đề mới mẻ. Nhưng bức tranh thực trạng cảnh quan thành phố cũng có thể coi như lời nhắc nhở buồn về môi trường tươi đẹp một thời giờ trở nên u ám, lẩn khuất trong màn tối của chủ nghĩa tiêu dùng và quá trình công nghiệp hóa. Điều này được Astrid Bracke khẳng định: “Mở rộng phê bình sinh thái thông qua các nghiên cứu đô thị dẫn đến một sự thay đổi cơ bản: trong khi nhiều phê bình sinh thái và chủ nghĩa môi trường vẫn còn tiềm ẩn hình ảnh của một thiên nhiên lí tưởng – ngay cả khi điều đó khó có thể đạt được – nghiên cứu đô thị cho phép tham gia đầy đủ và có định hướng với bản chất đô thị và thuộc tính nhân loại về khả năng và sự cam kết của những không gian này cung cấp... Mặt khác, các nghiên cứu đô thị nhấn mạnh sự tham gia với thiên nhiên như là một khía cạnh cơ bản của bản chất đô thị – theo cách khác, trong các nghiên cứu đô thị, tự nhiên được xác định thông qua kinh nghiệm và sự tham gia của con người chứ không phải qua sự vắng mặt của nó” (Bracke, 2013). Như vậy, sinh thái đô thị được hiểu như là nhận thức về một đô thị phát triển bền vững mà ở đó nhân loại có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy những hành động tích cực với môi trường tự nhiên.

Xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI đã có những bước chuyển chóng mặt. Giữa nền kinh tế thị trường nhộn nhịp, môi trường tự nhiên biến đổi theo chiều hướng tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Một số nhà văn đã nhận thấy điều này và phản ánh qua sáng tác của mình. Thành phố bị kết án biến mất (Trần Trọng Vũ), Động vật trong thành phố (Nguyễn Vĩnh Nguyên), Có một kẻ rời bỏ thành phố (Nguyễn Quang Thiều), Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới (Nguyễn Hải Nhật Huy)... là những tác phẩm ám ảnh người đọc về một hiện thực phũ phàng của cuộc sống hiện đại. Nổi bật trong đó là Đỗ Phấn – người đã trải lòng qua hàng ngàn trang viết về một Hà Nội đang vơi dần những vẻ đẹp hào hoa, lịch thiệp.

2. Nội dung

Đi sâu vào từng văn bản, không khí đô thị tấp nập, hối hả lan tỏa choáng ngợp. Trong từng câu chuyện của mình, nhà văn luôn cố gắng tìm những ẩn số để mở khóa cho câu hỏi bản chất thực sự của một thành phố hiện đại. Từ tâm thức về thành phố đang ngày càng trở nên xa lạ, đến những ngỡ ngàng trước sự lên ngôi của chủ nghĩa tiêu dùng, thậm chí không ngại ngần đề cập đến rác thải như một góc khuất mà thị dân muốn che giấu, tất ả đều hiển hiện trong tiểu thuyết Đỗ Phấn như nỗi lòng của nhà văn trước những gì đã chứng thực, ngẫm nghiệm.

2.1. Bức tranh tổng quan về một “thành phố trở nên xa lạ”
Nặng lòng với quê hương, am hiểu văn hóa của người Hà thành, hình ảnh đô thị trong sáng tác của Đỗ Phấn luôn hiện hữu trong các chiều không gian hiện tại – quá khứ – tương lai. Từ góc độ này, nhà văn có thể soi chiếu nhiều vấn đề của đời sống một cách chân thực, đặc biệt là sự biến đổi môi trường sống đã có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh mệnh con người. Trước thực trạng phát triển ồ ạt, “người trong thành phố như một nồi cháo sôi kênh vung trào ra lè phè khắp các ngả đường cửa ô tiến về nông thôn, biến nông thôn thành những con phố nối dài” (Đỗ Phấn, 2015, tr.127). Đất chật người đông, hành trình xây mới và mở rộng thủ đô đã làm cho đất đai trở thành món hàng mà rất nhiều người muốn tranh giành, xâm lấn. Đỗ Phấn đã lo âu rằng, “đất đai bây giờ là thứ người ta sắp sửa bán cân mất rồi” (Đỗ Phấn, 2011, tr.163), thậm chí “đất đai bán mua đổi chác chuyển mục đích sử dụng ào ào”, và “đồng ruộng chỉ còn trên phim ảnh” (Đỗ Phấn, 2015, tr.127). Một trong những vai trò quan trọng của Sinh thái học đô thị là “cung cấp những hiểu biết về các tác động tích lũy do sự thay đổi đất đai cũng như kết quả dự kiến của kế hoạch yêu cầu gìn giữ và tu bổ các giá trị sinh thái trong thành phố – bất kể là ở những trung tâm đô thị dày đặc nhất hay rộng lớn nhất, phát triển các vùng đất xanh, hay các dự án chuyển đổi đô thị” (Davies, Corkery, Nipperess, 2017, p.19). Với Đỗ Phấn, đất trở thành một chủ đề quan tâm sâu sắc trong nhiều tiểu thuyết. Nhà văn đã nhận thấy “rừng người” ngày càng phì đại cùng tốc độ đô thị hóa quay cuồng khiến thành phố khác lạ với rất nhiều lo âu, phiền toái, phức tạp. Sự “khác lạ” biểu hiện trước hết ở dáng vẻ bề ngoài. Một thành phố hỗn độn, nhộn nhạo trong “niềm khoái lạc thắng thầu” của các công trình xây dựng. Mọi ngả đường, ngõ hẻm đều thường trực những hàng rào che chắn tôn sắt sơn xanh, chẳng khác gì những bức tường nhà tù trước đây ở giữa thành phố, bên trong là tiếng máy ầm ì khoan phá suốt đêm ngày vọng ra. Việc quy hoạch thiếu khoa học và đề cao lợi nhuận đã khiến vùng đất nhà văn từng gắn bó xuất hiện nhiều hiểm nguy đến đời sống con người và thiên nhiên. Khi “dây điện kéo theo cả mớ chằng chịt ngang đường”, “bầu trời lởm chởm những cánh tay cần cẩu vung văng hết sức mạo hiểm, đã có vài cánh tay như thế bất ngờ gẫy gập” (Đỗ Phấn, 2015, tr.12), khiến người chết và cây cối tả tơi. Chưa kể, buổi đêm mới thật sự là nỗi kinh hoàng của dân phố, vì đó là thời điểm xe bồn chở bê tông tươi từ các nhà máy ngoại thành chạy vào, xe tải dài thườn thượt chở gạch đá sắt thép chạy qua, xe ben chở đất cát phế thải công trường chạy ra, tạo thành “bản hòa tấu sấm sét điên loạn” (Đỗ Phấn, 2015, tr.12)

Sự bùng nổ các công trình còn làm thành phố mất đi vẻ bình yên, duyên dáng; chẳng khác gì một căn nhà mở tung tất cả các cửa, “một thiếu nữ thanh tân vừa độ căng tràn muốn khoe ra lần lượt những gì mình có” (Đỗ Phấn, 2015, tr.8). Những bình dị, mộc mạc xưa hắt lên nền hiện tại như một niềm nuối tiếc, đau đáu. Dáng vẻ thành phố “năm cửa ô” e lệ cuộn mình trong những hàng cây xanh thẳm, hồ nước trong veo, đôi người qua lại điềm nhiên như muốn hít thở bầu không khí trong lành, nay đã là điều xa xỉ trong hoài niệm của tác giả.

Phát triển rầm rộ thiếu quy hoạch, những vấn đề bất cập của thủ đô nói riêng và đất nước nói chung đều được Đỗ Phấn thể hiện rõ nét. Hiển hiện ám ảnh là sự thiếu vắng thiên nhiên đã khiến thành phố ngày càng trở nên xa cách với con người. Ánh đèn bao phủ mọi chốn khiến con người không cảm thấy ấm áp, an toàn, ngược lại chỉ thấy lạc lõng, bơ vơ. Ngân (Rụng xuống ngày hư ảo) đã rất lâu rồi “không nhìn thấy trăng. Nó đã không còn giữ vị trí quan trọng trong cảnh đẹp thành phố. Nhà cửa san sát chỉ còn lại những hốc giời nham nhở chẳng muốn nhìn lên. Đèn đóm sáng trưng suốt đêm cũng chẳng thể nhìn thấy ánh trăng trên đường” (Đỗ Phấn, 2015, tr.216). Tất cả mọi người nơi đây đều đang sống trong “một rừng đồ điện”, “đèn điện phát ra ánh sáng thừa thãi trong những căn nhà hộp khiến cho mọi vật trở nên trơ trẽn đến lạ kì, rất khó để tìm ra một khoảng bóng đổ êm đềm dù chỉ trong lòng chiếc chén” (Đỗ Phấn, 2013, tr.28). Việc cơi nới các khu đô thị đã phũ bỏ nhiều cảnh sắc thiên nhiên trữ tình. Trong Vết gió, Đỗ Phấn đã lội ngược dòng về thời nhà Lý, khi Hồ Tây vẫn là một chi lưu sông Hồng rộng lớn, vua quan vẫn thường dạo chơi, đôi khi vua còn bắt được một con voi hoang ở vùng hồ. Khắp xung quanh Hà Nội cho đến giữa thế kỉ trước vẫn dày đặc ao hồ sông ngòi lớn nhỏ, nhưng rồi chúng dần biến mất không còn lại nổi một cái tên, bờ Hồ Tây cũng bị thu hẹp rất nhiều về diện tích. Tưởng rằng phát triển đô thị là sự mở rộng thông thoáng không gian, hóa ra lại tạo nên những “nhà giam” ngột ngạt và bế tắc. “Tìm chỗ đậu xe bắt đầu trở thành một vấn nạn của đô thị Việt” (Đỗ Phấn, 2015, tr.216). Mỗi sáng, trong phố “chật ních những gương mặt người đang sẵn sàng nổi giận”, “chen nhau mà đi” (Đỗ Phấn, 2011, tr.191). Khi ngược ra ngoại thành để thăm lại mảnh đất từng mua, Lý (Chảy qua bóng tối) “phải mất một tiếng đồng hồ mới len lỏi qua hết chiếc cầu sắt chật cứng người. Thêm hai mươi phút nữa để đi hết con đường ven đê hơn sáu cây số”, đơn giản vì “ai cũng nghĩ rằng mình đáng được ưu tiên hơn người bên cạnh” (Đỗ Phấn, 2011, tr.191). Lược tả thực tế, nhà văn hướng đến sự phơi bày thực trạng thành phố, dường như “nó đang dung dưỡng trên cơ thể mình những ung nhọt tự làm hại mình? Nó tưởng rằng đang lấn lướt thu nạp vào mình đất đai xung quanh để ngày càng phình to ra mà không hề biết chính nó đang bị xung quanh lấn vào, nuốt gọn?” (Đỗ Phấn, 2011, tr.276). Qua từng câu chữ, tác giả đã đặt ra vấn đề bản chất của đô thị: bề ngoài mở rộng không gian hoành tráng, nhưng bên trong thành phố lại như “một lá phổi” ứ đọng nhiều “tế bào ung thư” được nảy mầm từ sự hủy diệt tự nhiên.

2.2. Sự lên ngôi của chủ nghĩa tiêu dùng – những hiểm họa tiềm ẩn về môi trường
Chủ nghĩa tiêu dùng (Consumerism) là thuật ngữ được bắt đầu sử dụng vào những thập niên cuối thế kỉ XX bởi các nhà xã hội học với dụng ý diễn tả những ảnh hưởng của việc cân bằng hạnh phúc cá nhân với việc sở hữu/mua sắm tài sản một cách thiếu ý thức, thậm chí là mù quáng. Chủ nghĩa tiêu dùng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường theo nhiều cách khác nhau: khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên, lãng phí hệ sinh thái, tích tụ chất thải số lượng lớn, ô nhiễm khói bụi và âm thanh... Liên hợp quốc từng tuyên bố, hiện tượng Trái Đất nóng lên tương quan đến sự bành trướng của chủ nghĩa tiêu dùng và đó là hiểm họa đối với tương lai nhân loại.

Trong bối cảnh đô thị hóa, chủ nghĩa tiêu dùng càng có cơ hội lên ngôi, chiếm lĩnh tâm lí con người. Sự chuyển dịch từ một xã hội sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp đã hình thành “khoái cảm tiêu thụ” trong mỗi người dân. Giá trị hạnh phúc được con người cân đo bằng tiền bạc và của cải. Chủ nghĩa tiêu dùng giữa kỉ nguyên số hóa đã làm nảy sinh ý thức coi những thứ của người khác là của mình, coi sự hưởng thụ của nhân loại đối với thế giới tự nhiên là lẽ chính đáng. Nhưng giữa bối cảnh ô nhiễm toàn cầu, biến đổi khí hậu phức tạp và dân số vượt ngưỡng, tham vọng tiêu dùng càng cao thì quá trình khai thác tự nhiên càng hung bạo, càng thiếu bền vững.

Thấu hiểu những mặt trái của chủ nghĩa tiêu dùng, Đỗ Phấn bày tỏ sự bất bình trước thái độ sùng bái vật chất của lớp “thị dân mới” khiến môi trường đô thị bị đe dọa. Rõ nhất là số phận những cây xanh. “Cây cối trong thành phố nhiều năm nay đã bị tàn phá không thương tiếc. Nhà mặt phố bán buôn âm thầm hủy hoại cây bằng nhiều cách. Bí mật lột từng khoanh vỏ cây về đêm. Điện lực và điện thoại, truyền hình công khai chặt cành phát ngọn giữa ban ngày. Công trình nhà cửa xây mới nhổ tận gốc những cây cũ già nua chiếm chỗ” (Đỗ Phấn, 2015, tr.55). Với nhiều thủ đoạn, con người đã tàn phá cây cối để giành chỗ phục vụ cho những mưu cầu riêng. Ưu tiên hàng đầu của họ là trồng những loại dễ sống, mau lớn bất kể con phố đang trồng loại cây gì. Bởi thế, làng trồng đào truyền thống – vốn là biểu tượng và niềm tự hào chốn kinh kì giờ bị san phẳng thành một “đại công trường xây dựng”. Theo đó, cái thú chơi hoa từ ngày Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn chọn nơi này làm kinh đô chỉ còn lưu dấu mờ nhạt ở một vài làng hoa cổ. “Người Hà Nội chơi hoa đã thành cái lẽ đương nhiên phải thế. Dù nghèo khổ hay giàu có, trong nhà thể nào cũng phải có mấy chiếc lọ, chiếc bình cắm hoa. Dù mặt phố sầm uất hay ngỏ nhỏ tối tăm thì đến tết xuân về trong nhà không thể thiếu lọ hoa tươi” (Đỗ Phấn, 2016, tr.326). Xuân đến là đào, mai, thược dược, violet, đồng tiền; mùa hạ là hồng, loa kèn, cẩm chướng, sen; mùa thu cúc vàng cúc trắng từ Ngọc Hà về rợp phố; mùa đông vẫn còn những bông cúc muộn, hoa lưu li và hải đường đỏ. “Hoa làm nên tính cách người Hà Nội hay người Hà Nội tạo ra lối chơi hoa của mình không ai biết được. Điềm đạm, mực thước, khiêm nhường không ồn ào phô trương” (Đỗ Phấn, 2016, tr.327). Tuy nhiên không hiểu tự lúc nào, người dân mải quay cuồng với công việc và những điều phù phiếm. Tiền bạc chiếm hết mọi tâm trí, thú chơi hoa chẳng còn là một đam mê thanh tịnh. “Đất những làng trồng nổi tiếng thu hẹp và nhường chỗ cho người. Cũng là bỏ mất nghề xén tỉa chăm sóc hoa riêng có của mình” (Đỗ Phấn, 2016, tr.329). Thay vào đó, Hà Nội chơi hoa trồng theo lối công nghiệp ở những vùng xa hơn như Mê Linh, Hưng Yên, với những “thứ hoa lai tạo mập mạp tốt tươi nghìn bông hoa như một cứ thấy ngán ngẩm trong lòng” (Đỗ Phấn, 2016, tr.329) – một thứ hoa được “dán bằng phiếu phân phối” sẽ chẳng còn giá trị của hương thơm và thanh sắc tự nhiên.

Với ý niệm tôn thờ vật chất, tự nhiên trở thành món hàng hấp dẫn con người khai thác. Giữa thủ đô tráng lệ và phồn hoa, quy luật cung – cầu được nhà văn mường tượng như một phác đồ tâm hướng lên cao không có điểm dừng. “Cuối cùng thì Hà Nội vẫn là nơi có mặt nhiều nhất những động vật hoang dã quý hiếm từ mọi miền đất nước mang về” (Đỗ Phấn, 2016, tr.258). Dẫu có thể là thiên kiến chủ quan, nhưng độc giả không thể không suy ngẫm về nhận định của Đỗ Phấn rằng: “thành phố là nơi tập trung sơn hào hải vị. Thú rừng và chim chóc bao giờ cũng có số lượng áp đảo so với núi rừng. Thứ để chơi làm cảnh. Thứ lấy mật lấy xương làm thuốc. Thứ lấy da lấy lông làm đồ mĩ nghệ trang sức. Số còn lại là để ăn. Rất nhiều con vật đẹp đẽ trong vườn bách thảo xưa của thành phố bây giờ đã vào nồi lên đĩa. Công, trĩ, hươu nai, kì đà, cá sấu, trăn rắn, cầy cáo, lợn rừng, dúi và nhím” (Đỗ Phấn, 2015, tr.147). Cái nhìn về đời sống đô thị trong trải nghiệm của nhà văn không đơn thuần là sự hỗn tạp của âm thanh, ánh sáng, phương tiện, mà còn là những hỗn tạp nhu cầu của thị dân. Ước muốn thưởng thức tất cả mọi vật phẩm tồn tại trong thế giới hoang dã đã tạo nên cơn lốc cung – cầu, đẩy số phận của nhiều sinh vật trước vấn nạn tuyệt chủng. Điều nghịch lí là, có những thứ ngày xưa chẳng ai đoái hoài đến, giờ trở thành “đặc sản”, đồ “thượng hạng”. Những con ốc bươu, cá trắm là thứ xưa kia người nông dân chỉ tìm đến khi mất mùa, không còn gì để ăn, nay lại bị thị dân “tàn sát không thương tiếc”. Trong ước muốn vô tận, nhà văn đã cho thấy con người đang vô tình “tận diệt các loài thủy sinh như với những kẻ thù cuối cùng” (Đỗ Phấn, 2014, tr.160).

Môi trường sống của thế giới tự nhiên đảo lộn bởi dục vọng của con người, khiến chúng lâm vào tình thế nguy nan. Ngay cả khi cung không đủ cầu, người ta vẫn tìm mọi cách để đáp ứng tham vọng vượt ngưỡng. Ven rìa thành phố, những lò sản xuất mật gấu mọc lên nhan nhản. Họ đồn đại rằng, mật gấu “chữa được bách bệnh”; nhưng gần đây, khi khoa học phát hiện ra nó cũng chẳng phải là thần dược thì vẫn không xóa được sở nguyện của thị dân. Thành ra, số phận những con gấu càng thê thảm vì tư tưởng “dù chẳng chữa được bệnh gì thì ít nhất nó cũng không độc hại” (Đỗ Phấn, 2016, tr.29).

Để thu lợi nhuận cao, con người còn tự tạo ra những sản phẩm nguy hại đến sức khỏe và môi trường. “Rượu vodka Hà Nội đã bị làm giả từ mấy năm nay rồi. Nghe nói người ta pha cồn công nghiệp với nước lã đóng chai từ bên kia biên giới chuyển về” (Đỗ Phấn, 2017a, tr.23). Biết bao người đã điêu đứng vì những thực phẩm kém chất lượng như thế. Nó khiến nhiều người luôn mang trong mình tâm lí sợ hãi, lo âu khi sử dụng hàng hóa. Họ hồ nghi rằng, khi tàn phá gần cạn kiệt những nguyên liệu từ tự nhiên, chúng ta sẽ sản xuất những đồ ăn, thức uống bằng cách nào, nếu như không phải là qua sự chế biến từ các hóa chất độc hại? Hai mươi năm trước, Đức (Rụng xuống ngày hư ảo) là một người lính. Mảnh đất Thái Nguyên – nơi Đức đóng quân đã dạy cho anh biết uống trà. Nhưng khi rời quân ngũ về thành phố, mớ kiến thức về trà không còn được dùng vào việc gì. Chẳng phải anh không còn mặn mà thứ nước xanh xanh, uống vào thấy chao chát, sau là ngọt ngào trong vòm họng. Mà bởi vì chè Thái Nguyên cũng không còn như trước đây nữa. Người ta pha chế đủ loại, đủ kiểu. Chè bán ở chợ Đồng Quang được chia làm hai loại – chè tẩm thuốc sâu và chè tẩm hóa chất chống ẩm mốc. Thành ra, hướng đến một đời sống tinh thần an nhiên, với người thành phố là điều quá khó khăn. “Muốn uống trà ngon cần phải có quá nhiều điều kiện. Trà Thái Nguyên sao suốt pha bằng nước giếng đào sâu hun hút bên những quả đồi đất đỏ. Nước nổi váng sắt vàng khè. Nhưng thật lạ, thứ nước ấy đun sôi pha trà không nước gì sánh được. Mang chè Thái sao suốt về thành phố pha bằng nước máy nhạt phèo. Trơ và đắng” (Đỗ Phấn, 2015, tr.13). Từ rất nhiều ám chỉ như thế trong các tiểu thuyết, nhà văn đã làm rõ nguyên lí tương quan giữa chủ nghĩa tiêu dùng và môi trường tự nhiên: Con người tạo ra những sản phẩm phi tự nhiên (phi tự nhiên ở đây được hiểu vừa là sản phẩm nhân tạo, vừa gây nguy hại) để chống đối lại những gì tồn tại sẵn có trong tự nhiên. Rồi lại quay về định giá chất lượng sản phẩm của chính mình bằng hai từ “tự nhiên”. Các cụm từ như “thực phẩm chức năng có nguồn gốc tự nhiên”, “sản phẩm thiên nhiên”... đã phác thảo một cơ chế tâm lí nảy sinh trong thời đại hiện hành – đó là tâm lí “sùng bái tự nhiên”. Dĩ nhiên, sùng bái tự nhiên lúc này không phải là thái độ thành kính với mẹ thiên nhiên, mà đó là quy chuẩn để con người tự tạo ra cho mình giấc mơ: Được chiếm hữu tất cả những gì thuộc về tự nhiên

Thật dễ hiểu, vì sự gắn bó với tự nhiên đa phần thường mang lại cảm giác dễ chịu, an tâm so với những thô ráp, vô cảm, nhân tạo, đáng ngờ. Con người đã chợt nhận ra, biết bao giá trị hồn quê vô tình biến mất trong cơn lốc thị trường. “Ở thành phố bây giờ cũng đã có rất nhiều thứ âm thầm chia tay như thế. Nón lá, cái mũ cối không thấy ai đội ra đường. Cái lược bí mất hẳn dù con chấy vẫn còn đầy ở các nhà trẻ. Thế nào là cái chổi lúa? Chẳng còn cái gì có tên gọi là “Tem phiếu”. Tiếng pháo giao thừa nổ lần cuối cùng trong kí ức đã hơn chục năm” (Đỗ Phấn, 2015, tr.127). Hoài nghi trước những gì còn sót lại chốn thành đô, Đỗ Phấn mong mỏi tìm kiếm những chân phương đẹp đẽ, dung dị một thời, nhưng đầy xót xa khi nhận ra: “thành phố tre đã không còn dấu vết gì ngoài những bụi trúc đằng bằng nhựa trong các nhà hàng”, bởi “đó là loài tre duy nhất sống được trong cái thành phố nhiều triệu dân tấc đất tấc vàng” (Đỗ Phấn, 2014, tr.82). Ngay cả tình người cũng nhạt phai, “cái thời dân phố nhã nhặn nhường đường cho nhau đã qua. Chẳng biết do thành phố quá đông người hay cũng không còn ai là dân phố nữa” (Đỗ Phấn, 2011, tr.92), nên từ lúc nào “lí tưởng sống với cộng đồng, vì cộng đồng đã trở nên xa lạ” (Đỗ Phấn, 2017a, tr.81-82).

Lạc lõng giữa những rừng người vô cảm, mưu tính thiệt hơn, tàn hại thiên nhiên và tàn hại con người, nhà văn đã lo âu tự hỏi: “Chẳng hiểu đô thị có những gì mà giàu sức quyến rũ đến thế... Làm dân phố để tự nhốt mình vào những căn hộ tối thiểu khu tập thể. Để chui rúc trong những ngôi nhà hình ống quanh năm không thấy ánh sáng mặt trời. Để lang thang vỉa hè mà nhét vào bụng thức ăn đường phố rất đáng ngờ” (Đỗ Phấn, 2015, tr.128). Những thảng thốt, suy tư này không phải là vô cớ. Đó là trăn trở của một người tha thiết với tính mạng của cộng đồng, của tự nhiên. Nó tạo ra hiệu ứng “chấn thương sinh thái” trong nhiều tác phẩm của Đỗ Phấn. Thành phố trong cơn cuồng vọng của chủ nghĩa tiêu dùng đã nảy sinh ma lực đẩy con người, thiên nhiên đến vực thẳm hủy diệt. Giữa niềm hạnh phúc làm chủ khoa học kĩ thuật, niềm hân hoan thống trị tự nhiên, con người vẫn luôn cảm thấy lẻ loi, thất vọng về thực tại. Khi chủ nghĩa tiêu dùng lên ngôi, con người hoàn toàn sống trong tâm thế chạy đua với đồng tiền, coi thiên nhiên là công cụ tất yếu để phục vụ cho những ham muốn tột cùng. Đây là lí do khiến con người đánh mất đạo đức sinh thái và lâm vào những xúc cảm bi quan của sinh thái tinh thần.

Nhân vật chính trong tiểu thuyết Đỗ Phấn đều được miêu tả dưới dạng phân thân của tác giả. Họ đều là những công chức “quèn”, những họa sĩ hội tụ sự ngán ngẩm, chán chường, bức bối của phố thị; họ rơi vào tình thế “vắng mặt”, “gần như là sống” hay chảy trôi cuộc đời “qua bóng tối”. Nên họ thường “rong chơi miền kí ức”, lạc vào “ngày hư ảo”. Thẳng thắn và mỉa mai, nhà văn đã phê phán hiện tượng “Cái tôi tiêu thụ” (Consumer Self) nhằm khẳng định thế giới này không chỉ tồn tại mỗi vật chất; những giá trị vô hình của đời sống như tình yêu, niềm tin, an yên mới là đích đến của con người. Và muốn đạt được điều này, chúng ta cần hướng đến lối sống tối giản, thân thiện với Trái Đất.

2.3. Rác thải – góc khuất của thành phố

Trước một thế giới hiện đại phức tạp, đầy bất cập, Đỗ Phấn đã khẳng định rác thải chính là góc khuất thành phố. Đó là thứ không ai muốn nhắc đến, không ai muốn hiện hữu, nhưng luôn tồn tại bên cạnh con người và gắn liền với sự phát triển. Hầu như tiểu thuyết nào của ông cũng đề cập đến rác như một phần không thể thiếu khi nói về đô thị.

Rác thải đi vào thành phố như lẽ thường tình, đôi khi được coi là quy chuẩn để đánh giá sự phát triển. “Có một đổi thay vĩ đại khi nhìn vào đống rác thải của thành phố.[...] Nhiều thành phố như vừa bừng tỉnh nhận ra đã quá nhiều năm sống chung với rác. Con người cũng trở thành một phần của rác từ lúc nào không biết. Rất cần phải tìm lại nhân phẩm của mình” (Đỗ Phấn, 2014, tr.37). Lối diễn đạt hóm hỉnh và sâu cay của Đỗ Phấn như gợi dẫn chính con người là nguyên nhân khiến rác bùng phát và biến họ vô tình thuộc về chốn nhơ bẩn đó. Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế thần tốc, dân số bùng nổ, rác thải chồng chất ngày càng nhiều, ứ đọng, phủ lấp không gian sống của người dân. Nhất là sau những dịp lễ tết, bãi rác phải thiết lập thêm mấy con đường cho xe đi vào để dọn dẹp thành phố đầy rẫy những phế thải từ con người xả xuống. “Những xe rác thành phố một vài hôm nghỉ tết đã để lại hậu quả không ngờ trên khắp các tuyến phố. Những thùng rác công cộng đầy phứa phựa và bị vùi lấp trong rác.[...] Những con đường mới mở vào bãi rác mấy hôm nay ùn ùn xe cộ. Người ta phải điều thêm hai chiếc máy gạt hoạt động hết công suất mới mong còn lối cho xe rác vào. Những rác rưởi hữu cơ ngày tết gồm đủ thứ hoa quả cá thịt, thức ăn thừa và đồ ăn ôi thiu bắt đầu phân hủy sau khi người ta cho phun vào bãi rác một loại vi sinh vật thúc đẩy quá trình lên men” (Đỗ Phấn, 2014, tr.110). Khó mà hình dung được, đó là đoạn văn miêu tả Hà Nội. Đỗ Phấn đã mang đến cho độc giả một nhận thức mới về thành phố. Những vẻ đẹp tân thời của các building chọc trời, những đường phố rải nhựa êm ro, con đường rợp bóng cửa ô, đều bị nhà văn “đánh vắng” trong không gian đô thị, nếu có nhắc tới, tất cả chỉ là hoài niệm. Vì “làm gì còn cảnh mà ngắm. Có chăng là những dòng sông nước đen bốc mùi tởm lợm. Những hồ nước đầy rác rưởi” (Đỗ Phấn, 2017b, tr.65).

Nhà văn không ngại ngần đưa ra lời cảnh báo: “Đã có lúc nước Hồ Tây ô nhiễm nghiêm trọng. Những con trai con ốc bắt lên đi xét nghiệm đều có hàm lượng chì vượt tiêu chuẩn cho phép đến vài chục lần. Vài nhà khoa học cả trong và ngoài nước đã có một sáng kiến động trời. Họ dự tính sẽ thay toàn bộ hồ nước. Tranh luận dữ dội suốt hàng năm trời không ngã ngũ. Cuối cùng thì vẫn tranh luận và vẫn nước Hồ Tây” (Đỗ Phấn, 2017a, tr.228). Những ngóc ngách của Hà Nội, từ trung tâm đến vùng ven đều nằm trong tầm ngắm của ông. Trong thành phố, rác ôm lấy con người giữa bầu sinh quyển ô nhiễm, bí bách. Ngược ra ngoại ô, rác là mối nguy hại về môi trường và sức khỏe của nhân dân. Từ sau Đổi mới, hơn ba mươi năm chôn lấp rác thải thành phố, bãi rác ngoại thành đã hoàn thành sứ mệnh của nó. “Cả một khu vực mênh mông rộng hàng chục hecta vào sát những ngọn đồi đã được tôn cao lên hàng mét. Nước từ bãi rác đã đủ thời gian ngấm ra làm ô nhiễm nguồn nước giếng của những vùng cư dân lân cận. Dân chúng làm đơn kêu cứu lên tất cả các cấp chính quyền” (Đỗ Phấn, 2014, tr.166). Những tín hiệu tiềm ẩn nguy cơ sinh thái hiện lên đầy thách thức số phận con người trong văn bản. Tác phẩm của Đỗ Phấn vì thế mang âm hưởng của thời sự, hiện thực. Theo thống kê hiện nay, Việt Nam đang nằm trong danh sách những quốc gia có tỉ lệ ung thư cao nhất thế giới. Và nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra, một trong những nguyên nhân chính gây ung thư là nguồn nước. Rác, chất độc con người thải loại, qua những biến đổi về khí hậu, thổ nhưỡng, đã thấm sâu vào từng mạch sông, suối, ao hồ, đổ ra biển cả. Bao chứng bệnh lạ xuất hiện, những căn bệnh hiểm nghèo dần dần cướp đi sinh mạng của rất nhiều người dân vô tội.

Về bản chất, rác thải thể hiện sự cáo buộc khủng khiếp của một nền văn hóa tiêu dùng làm xáo trộn hệ sinh thái toàn cầu. Tiểu thuyết Ruồi là ruồi đưa ra chi tiết rất gần với thực tế qua quy trình làm miến dong. Để làm thực phẩm này, nguyên liệu không dễ kiếm và không phải lúc nào cũng có trong thời buổi đất nông nghiệp đang ngày càng thu hẹp. Những gia đình làm miến xóm Ruồi – không hiểu bằng những thủ đoạn gì – quanh nước thải sau quy trình làm miến, đàn ruồi ở đó sau một tháng sinh sống đã cho ra đời thế hệ ruồi non “quặt quẹo, ốm đau. Chúng mắc một chứng bệnh lạ. Tê liệt cả sáu chân. Chỉ có thể bay và đậu im một chỗ. Không thể luồn lách bò. Việc kiếm ăn vì thế cũng kém linh hoạt. Chúng bị suy nhược” (Đỗ Phấn, 2014, tr.72). Rác thải gây nguy hại cho sức khỏe con người, đồng thời cũng ảnh hưởng lớn đến đời sống của loài vật. Đã có những “con ruồi quái thai” sinh ra. Phận ốc cũng chung số phận thê thảm, “người ta bắt được những con ốc không vảy. Loài ốc không còn giữ được cấu tạo trời sinh bởi quá nhiều chất độc hại đã được con người xả xuống mặt hồ. Ốc không giữ nổi mình ốc mất rồi. Vạn vật ở đây đang tiến hóa theo chiều ngược lại” (Đỗ Phấn, 2017b, tr.73). Tính đa dạng của sinh học và tiến hóa của muôn loài đang rơi vào hoạt cảnh tối tăm. Bức tử tự nhiên, bức tử nhân loại, con người đang ngày càng đi đến bờ vực cái chết do chính mình tạo ra.

Sự xuất hiện của rác thải bắt nguồn từ sự vô ý thức của con người. Trong quá trình sinh tồn, nhân loại đã phủ lên môi trường tự nhiên một lượng chất thải nhất định. Điều này có từ xa xưa, nhưng vì sao ngày nay người ta lại xem rác là vấn nạn bức thiết toàn cầu? Hai nhà nghiên cứu P. Marland và J. Parham cho rằng, tai họa rác thải khởi nguyên từ nhận thức văn hóa. Trong bài báo Remaindering: the material ecology of junk and composting, họ đã nhắc đến tập tục chôn cất xác chết con người, nó được ví như văn hóa của quá trình ủ phân. Chính quá trình tích lũy những vật chất không còn giá trị sử dụng, đôi khi xem nó có khả năng “tái sinh”, “tái tạo” đã hình thành một lượng vật chất độc hại thấm vào tự nhiên. Họ phân tích, văn hóa ủ phân của nhân loại đã tạo ra “tính thẩm mĩ kì dị, vừa xấu xa vừa kinh hoàng” (Marland, Parham, 2014, p.4). Đối với Bardini, “những nền văn hóa phân hủy này có khả năng cung cấp nhận thức về quan điểm sinh thái vật chất: một mặt, rác làm cho tiềm năng hiện tại của việc tái sử dụng hiện diện mãi mãi – quá trình không kết thúc – chu kì của cuộc sống; mặt khác, nó buộc chúng ta phải đối đầu với thực tế rằng, con người là “vật liệu ủ phân, rác sống động” (Dẫn theo Marland, Parham, 2014, p.4). Nghi vấn của ông – không phải lúc chúng ta chấp nhận rằng mỗi người đã là một hệ sinh thái hay một xã hội trong chính họ, được nhúng vào vòng tròn, luôn luôn tái sinh và phân rã, như những sinh thái khác – đã nhấn mạnh thái độ vô tình của con người trước sự tồn tại của rác.

Trong các khu đô thị mới mà Đỗ Phấn miêu tả, ý thức giữ gìn vệ sinh nơi cư trú luôn đứng sau những lợi ích/vị kỉ cá nhân. Họ thờ ơ với rác thải đến mức cho rằng: “Ở một nơi quá bừa bãi bẩn thỉu tạm bợ còn có nhiều việc phải lo hơn. Chưa cần phải quét dọn một đống rác. Mà cũng chẳng biết quét đi đâu. Cả xóm là một đống rác khổng lồ. Rác là thứ tài sản chung đúng như định nghĩa không cần bàn cãi về sở hữu. Mọi người cùng góp sức vun  đắp cho nó mỗi ngày một dồi dào. Chỉ khi nào bừa bộn trước cửa nhà ai đến mức ngập ngụa người ta sẽ tự động gom lại thành đống lớn và nổi lửa. Nhưng ngay cả chuyện ấy cũng hiếm khi xảy ra. Hằng năm mùa nước lụt, dòng sông sẽ làm nhiệm vụ rửa sạch tất cả. Rác rưởi sẽ được chôn vùi hoặc cuốn trôi theo dòng nước” (Đỗ Phấn, 2011, tr.22). Viết về những đẹp đẽ trên quê hương mình là điều quá dễ dàng, quá quen thuộc với nhiều nhà văn. Viết về những cái xấu, những vấn nạn, mặt trái của thành phố lại là thách thức lớn cho các cây bút. Phê phán thái độ vô ý thức về rác thải của thị dân, không phải nhà văn quay lưng lại với con người, với quê hương mình đã và đang sống. Đó là những tha thiết, yêu thương, tiếc nuối của ông về chốn kinh kì một thời nức nở trong các trang văn, làm xiêu lòng bao kẻ sĩ.

2.4. Tư tưởng sinh thái của Đỗ Phấn qua các tiểu thuyết viết về đô thị

Thực ra, mọi tiểu thuyết của Đỗ Phấn đều khó tường thuật lại, cốt truyện đôi khi không rõ ràng, miên man từ chuyện này đến chuyện khác, chủ yếu xoay quanh đàn ông, đàn bà và phố thị. Vậy mà đọc Đỗ Phấn lại thấy thú vị. Có lẽ, chính tư tưởng và quan niệm của nhà văn đã tạo nên một từ trường cuốn hút độc giả. Ông khiến người đọc phải suy ngẫm, phải đau và xót trước những gì đang xảy ra xung quanh, giữa hiện thực thậm phồn này.

Kết cấu tác phẩm thường theo dòng ý thức, quá khứ và hiện tại là hai chiều thời gian được nhà văn liên tục đảo thuật/dự thuật. Nương theo tâm thức hoài niệm ấy, người đọc nhận thấy nỗi day dứt của nhà văn với những giá trị truyền thống, những nét đẹp cổ xưa dần hư hao. Hình ảnh Hà thành mến yêu vào thập niên 60 - 70 của thế kỉ trước, với triền đê lộng gió, cầu Long Biên bảng lảng trong bóng chiều, cảnh sắc tươi xanh được tái hiện qua kí ức, khiến chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước thực tại và gợi nhớ về một hệ sinh thái đa dạng, chưa bị con người làm tổn thương. Từ đây, Đỗ Phấn đã dự cảm về một thành phố biệt lập với thiên nhiên, biệt lập với xúc cảm con người.

Điểm đặc biệt là Đỗ Phấn luôn đặt vị thế của con người trong sự đối sánh với thế giới tự nhiên. Nhà văn còn khắc họa những bất lực, kém cỏi của nhân loại trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Viễn cảnh được tác giả hình dung, trận đại hồng thủy diễn ra, ruồi có đôi cánh, chúng vút bay lên trời xanh, “về lại với môi trường nguyên thủy”, và “bà mẹ thiên nhiên vĩ đại lại một lần nữa dang tay cứu giúp chúng không một lời trách móc”; trong khi đó “loài người không thể bay”, “loài người chỉ có thể gửi đến những vùng thiên tai chút thức ăn, quần áo mặc và những lời động viên gắng sức vượt qua cơn hoạn nạn”, vì đó là cái giá mà nhân loại phải trả, tự nhiên đã “giáng xuống loài người ngu ngốc và tự phụ rằng mình có quyền lấn át các loài khác về số lượng và lãnh thổ” (Đỗ Phấn, 2014, tr.310). Sự khẳng định vị thế của ruồi dựa trên sự phủ định sức mạnh con người đã thể hiện dấu hiệu trỗi dậy ý thức sinh thái trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn. Mối quan hệ giữa chủ thể – khách thể, trung tâm – ngoại vi, nhân loại – tự nhiên đã được nhà văn xác lập lại. Quan niệm con người là trung tâm của vũ trụ, là kẻ thống trị hành tinh trở nên lạc thời, ấu trĩ. Nhà văn còn đưa ra ý niệm về sự phát triển thụt lùi của nhân loại, “theo học thuyết của Darwin thì con người vốn từ loài cá mà tiến hóa lên. Nhưng không còn bất cứ liên hệ nào với tổ tiên nữa ngoài việc được hoài thai trong một bụng nước. Đất đai thì không như vậy. Từ làng mạc sông ngòi biến thành phố phường. Và thỉnh thoảng phố phường lại quay trở về diện mạo sông ngòi xa xưa mà con người đã hết bản năng cá. Đành bất lực đứng nhìn tiến hóa giật lùi” (Đỗ Phấn, 2011, tr.47). Dường như đó là một ẩn ý của Đỗ Phấn, càng hiện đại, con người càng “ngây thơ” về nhận thức, nên thành phố – niềm tự hào của nhân loại trong tiến trình phát triển cần được kiểm tra, xét lại từ các phương diện đã nêu trên.

Trong bức tranh thành phố mà Đỗ Phấn miêu tả, số phận các loài vật thường lâm vào trạng thái hiểm nguy; hoặc bị mất môi trường sống, bị biến đổi gen, dị tật; hoặc chúng có nguy cơ tuyệt chủng. Nhà văn không thiên vị hay ưu ái cho bất kì sinh loài nào. Từ các loài vật bé nhỏ như ruồi, ốc, cá nhệch, chào mào, đến những động vật lớn hơn như hổ, gấu, vượn, cá sấu; từ cỏ dại mọc hoang bìa rừng, phong lan, dương xỉ, đến những cây cối thân quen trên đường phố… tất cả đều xuất hiện trong tiểu thuyết của ông như một chỉ điểm “tố cáo” hành động tàn phá của con người. Lồng ghép giữa câu chuyện đời sống bao giờ cũng là thông điệp môi trường: “Có lẽ, cứ nơi nào trở thành điểm du lịch đều bị con người làm cho uế tạp. Đến du lịch chỉ thấy toàn người và rác” (Đỗ Phấn, 2017a, tr.79); hay có khi, đó là lời nhắn nhủ của tác giả: “Con người dù có ngạo mạn đến mấy đi chăng nữa cũng chỉ là một phần rất nhỏ trên dòng sông. Chung sống hiền hòa thì được nhưng chẳng nên hão huyền mơ tưởng đến việc chinh phục nó” (Đỗ Phấn, 2011, tr.272).

Dẫu cùng khai thác đề tài đô thị, nhưng so với các nhà văn đương thời, Đỗ Phấn vẫn mang nét độc đáo, riêng biệt. Điều làm nên sự độc đáo của ông xuất phát từ hệ thống quan điểm rõ ràng. Ngay từ khi bước chân vào làng văn, Đỗ Phấn đã xem tác phẩm của mình chỉ là “chuyện vãn” (tác phẩm đầu tiên: Chuyện vãn trước gương, xuất bản năm 2005), và ông tuyên bố: “Cả đời tôi chỉ viết sách về Hà Nội”. Xác định một quan điểm nghệ thuật và chủ đề nhất quán, hơn mười năm qua, với số lượng tác phẩm đáng kể, nhưng mọi sáng tác của Đỗ Phấn đều hướng tới khắc họa bức tranh đô thị đang biến chuyển. Và lạ lùng thay, những chuyện vãn vu vơ, những vấn đề bé mọn của quê hương lại được nhà văn khái quát thành vấn nạn của thời đại, không chỉ ở một khu vực, mà còn phổ biến trên toàn thế giới. Bản chất thành phố và thực trạng đời sống thị dân đã được nhà văn lột tả qua từng chi tiết nhỏ như hàng quán vỉa hè, cây xanh, công trình xây dựng, chung cư, tòa nhà cao tầng, đến các hiện trạng như tắc đường, khói bụi, ô nhiễm, rác thải, bùng nổ dân số, thực phẩm độc hại… Những hệ quả này đã đẩy thị dân lâm vào trạng thái sống giữa quê hương mà vẫn thấy quê hương xa lạ, đáng ngờ. Họ không còn định vị bản thân giữa dòng xoáy xô bồ, phức tạp của cuộc đời. Đồng thời, họ chợt nhận ra môi trường tự nhiên cũng như môi trường nhân tính đang ngày càng bị bào mòn vì lòng tham, vì sự vô ý thức, thiếu trách nhiệm của con người. Trên tinh thần phản tư hiện thực, Đỗ Phấn đã gợi mở cho chúng ta một lối tư duy mới: nếu muốn xóa bỏ sự ô nhiễm của Trái Đất, thì trước tiên, chúng ta phải xóa bỏ sự ô nhiễm trong trái tim và trong chính hành động của mình.

3. Kết luận

Với hàng loạt tác phẩm in đậm bóng dáng Hà Nội trong cảm thức biến đổi môi trường sống, Đỗ Phấn được xem như là nhà văn sinh thái mang phong cách đặc trưng về đô thị. Các tiểu thuyết của ông đều được lấy chất liệu từ những sự kiện đời sống hằng ngày của người dân thành thị. Phố cổ xưa, các ngõ hẻm, những cửa ô, vùng ven đô luôn hiện hữu qua sáng tác của nhà văn. Cùng những suy tư rất thực và đau đáu về một xã hội đang chuyển mình chớp nhoáng, Đỗ Phấn đã chỉ ra sự hủy hoại môi sinh dẫn tới việc mất cân bằng tự nhiên; quá trình đô thị hóa và sự phát triển nền kinh tế thị trường khiến con người trở thành nạn nhân, công cụ của thương mại. Vì thế, những thổn thức, day dứt hay cả những phê phán, mỉa mai của Đỗ Phấn trong văn bản đều gây ấn tượng mạnh cho độc giả, truy vấn lại hành vi và ứng xử của chúng ta trong nền văn hóa hậu công nghiệp. Cuối cùng thiên nhiên khủng hoảng hay con người khủng hoảng? Liệu đúng hay không con người ưu việt hơn các sinh loài khác? Đọc tiểu thuyết Đỗ Phấn, những hoài nghi trên gần như được giải mã hoàn chỉnh.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bracke A. (2013, September 24). Re-Approaching Urban Nature. Retrieved September 24, 2014, from https://www.alluvium-journal.org/2014/09/24/re-approaching-urban-nature

Coetzee C. (2015, September 22). Ecocriticism and specifically urban ecocriticism as lens for reading seven poems set in Johannesburg. Retrieved September 22, 2015, from http://www.litnet.co.za/ecocriticism-and-specifically-urban-ecocriticism-as-lens-for-readingseven-poems-set-in-johannesburg

Davies, P., Corkery, L., Nipperess, D. (2017). Urban Ecology: theory, policy and practice in New South Wales, Australia. National Green Infrastructure Network.

Marland P. & Parham J. (2014). “Remaindering: the material ecology of junk and composting”. Journal Green Letters: Studies in Ecocriticism, 18(1), 1-8.

Đỗ Phấn. (2011). Chảy qua bóng tối. Hà Nội: NXB Trẻ.

Đỗ Phấn. (2013). Gần như là sống. Hà Nội: NXB Trẻ.

Đỗ Phấn. (2014). Ruồi là ruồi. Hà Nội: NXB Trẻ.

Đỗ Phấn. (2015). Rụng xuống ngày hư ảo. Hà Nội: NXB Trẻ.

Đỗ Phấn. (2016). Vết gió. Hà Nội: NXB Trẻ.

Đỗ Phấn. (2017a). Rong chơi miền kí ức. Hà Nội: NXB Trẻ.

Đỗ Phấn. (2017b). Vắng mặt. Hà Nội: NXB Trẻ.


 

Chia sẻ trên Facebook