CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Vũ Khánh

VŨ KHÁNH - MỘT LÃO ĐÀO

Thứ hai ngày 3 tháng 8 năm 2020 12:00 AM

Học sử, yêu thơ, may sao chúng ta có một Vũ Khánh với “hồn cổ điển” lại tìm được những nét hay mới trong những điều tưởng chừng tuyệt mỹ? Dịch Đường thi, dịch thơ chữHán tác giả Việt Nam ra lục bát hẳn là Vũ Khánh mong muốn làm phong nhiêu tâm hồn Việt vốn đã nhuần bắt đầu từ cách làm mới sự tiếp nhận những thang bậc đã ổn định bấy lâu.


Tốt nghiệp đại học, thuận quyết định phân nhiệm, người trai Thổ Tang của phủ Vĩnh Tường, đã đến với miền Đông xứ vàng đen Quảng Ninh. Dù chỉ dạy học 4 năm ở Tiên Yên, nhưng là 4 năm lao lực, hun đúc khát vọng và đối mặt với hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống cùng những thất vọng đầu tiên. Và miền Đông của những dải đảo từng vang bóng hải tặc một thời đã gieo cho Vũ Khánh “phong vị một xứ sở mãi còn tươi rói trong ký ức” mà ông thường gọi “cõi ngoài”. Ở Vũ Khánh, từ cảm hứng văn chương, lịch sử,trong lúc cô đơn nơi phiêu phất góc bể chân trời, đã cho ông cảm thấu Đông Bắc - vùng đất giao thoa văn hóa mà mỗi thời binh biến, tao loạn là nơi ẩn thân, giấu mình của những “anh hùng, hào kiệt” kể cả “lục lâm, thảo khấu”. Một vùng biên viễn luôn động loạn và hợp dung của đất, của nước, của gió, của sắc tộc, tập quán văn hóa, của giao thương, chiến tranh ly tán... Có lẽ Vũ Khánh được tiếp nhận khí thiêng của Đông Bắc và đã tỏa sáng khí thiêng ấy cho sứ mệnh văn chương. Dù thơ, dù văn xuôi của Vũ Khánh thì tinh thần văn hóa đa sắc ấy đều ánh xạ mỗi câu mỗi chữ. Văn chương vùng đất Quảng Ninh nhiều tác giả, tác phẩm nổi tiếng nhưng chưa hề có tác giả - tác phẩm nào chuyển tải được “hơi thở dài” của biển rừng Đông Bắc, mà chỉ có “mơn man” tới ảnh hình phía Tây của Quảng Ninh. Các tác phẩm của Vũ Khánh chưa nhiều, nhưng những sáng tác của ông thực sự khai mở và khỏa lấp phần thiếu hụt về vùng đất này.

Trở lại quê nhà Vĩnh Phúc, xứ sở “tươi rói trong ký ức” kia luôn dẫn thúc Vũ Khánh tiếp nối dự định sáng tác thời trẻ. Ông cần mẫn đổi mới thơ, nghiên cứu chữ Hán để dịch Đường thi, làm mới những truyện ngắn viết cũ còn nơi ngăn kéo. Chùm truyện ngắn “Trăng Tiên Yên”, “Sen hồng mấy độ”, “Rượu Thái Sư”, “Biển sa mù”... đang dẫn tiến những sáng tác nơi ông, báo hiệu những tác phẩm đặc sắc tiềm năng nữa ở ông.

Vũ Khánh xuất bản tập thơ đầu tay “Lời cầu nguyện” (năm 1991), “Lục bát với thơ Đường” (năm 2010, tái bản 2013). Ngay ở tập thơ đầu với số lượng xuất bản không lớn ấy, bạn văn Nguyễn Tham Thiện Kế đã nhận định : “Chỉ với “Lời cầu nguyện” Vũ Khánh đã đủ ghi tên vào văn học sử. Tiếc, chưa ai giới thiệu về tập thơ này. Một giọng trầm khắc khoải nghi vấn về phận người. Tập thơ được tác giả tặng vài người bạn. Và tự mình đọc lại mình những lúc một mình. Vũ Khánh luôn giằng co giữa văn chương và cân đai mũ áo mà chàng sớm thu nhận cảm hứng trong Đường thi rồi tự ứng chiếu vào thân phận. Mỗi chữ mỗi câu của Lời Cầu Nguyện day dứt nỗi đau phủ sẹo mờ…”

Rồi ông đột ngột “bỏ cuộc” trong khi đang dồn sức hoàn thành tập truyện ngắn, rồi tiếp theo là các tập thơ, dịch thơ. Vũ Khánh ra đi, cảm hứng Đông Bắc mà ông vừa khơi dòng chợt chơi vơi , ai trong chúng ta sẽ là người tiếp nối? Sau tập thơ “Hoa trạng nguyên”, các truyện ngắn cùng những di cảo đủ dày một tập sách. Chưa nói chỉ những bài thơ chữ Hán của Vũ Khánh và thơ chữ Hán của tác giả Việt Nam được ông phiên sang lục bát cũng đủ thêm tập sách riêng nữa.

Hơn một lần Vũ Khánh tự sự đến với văn chương là để “chơi”. Âu cũng là cách tránh dễ dãi về những gì thiêng liêng, tâm huyết, lao tâm, khổ tứ mà ông theo đuổi. Qua thư, ông trăn trở với Trương Thiếu Huyền: “Hình như con người của thời hiện đại không còn nói được rõ ràng, minh triết những cảm nhật, rung động với nhạc điệu êm đềm, dễ hiểu như xưa. Và giọng điệu nào mới đây? Phải tìm được ra cái giọng của mình cũng có nghĩa là giọng điệu của ngày hôm nay”.

Rời Đông Bắc sóng gió mù khơi, Vũ Khánh về Ban Tuyên Giáo tỉnh Vĩnh Phú. Khi Vĩnh Phú chia tách, Vũ Khánh về tỉnh Vĩnh Phúc quê nhà và trải nhiều cơ quan, nhưng đều phụ trách lĩnh vực văn hóa, thông tin, truyền thông, khoa học. Những nghiên cứu, sáng tác của ông đã bổ trợ không ít cho mục vụ mà ông đảm nhiệm. Và ngược lại, sự chỉn chu trong phận sự công chức đã tạo cho ông không gian thử thách để sáng tạo, giữa dòng đời tưởng như là sự an nhiên số phận. Vũ Khánh và Trương Thiếu Huyền kết bạn rồi thành tri kỷ bởi cùng kết gắn chân thiết với Trần Hòa Bình, người mà đôi bạn yêu mến gọi là “bác cả”. Vũ Khánh từ xứ Đoài bước ra Quảng Ninh trước, rồi lui quê. Trương Thiếu Huyền từ xứ Đông ra sau, ở lại đến giờ. Những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, việc đi lại, thông tin nghẽn hàng tuần, hàng tháng. Những lá thư và thơ gửi cho nhau, động viên nhau là niềm an ủi vô bờ. Và đây khổ đầu bài thơ “Hồn cổ điển” của Vũ Khánh gửi ra Quảng Ninh cho Trương Thiếu Huyền: “Đêm nay/ sẽ có trăng thơ Đường/ về soi cho tình ly biệt/ thương anh tuổi mới ngoài hai mươi/ mái đầu thôi nửa phần đã bạc/ chia tay không hẹn gặp được đã không đành lòng/ huống nữa lại nhằm mùa hoa lau bạt ngàn miền Đông Bắc/ biết làm gì để nữa mai còn thấy được nhau/ họa chăng vầng trăng trên cao soi muôn dặm”.

Sự hò hẹn thăm thẳm muôn trùng đã được Vũ Khánh chiêm nghiệm cùng hợp - tan, được - mất của kiếp người từ rất sớm. Vũ Khánh có hò hẹn gì với Trần Hòa Bình mà theo trăng gió ra đi cùng ngày với người bạn đàn anh tri kỉ, cả ngày tháng dương lịch và âm lịch, sau 11 năm. Khi Trần Hòa Bình mất, rồi Chu Văn Sơn theo, Vũ Khánh thường nhắc vu vơ Trương Trào để an ủi: “Tài tử mà lại đẹp, mỹ nhân mà lại biết làm văn ắt là không thọ được. Không phải do tạo hóa đố kỵ mà bởi hạng người đó không chỉ là báu vật của một thời mà là báu vật của muôn đời, nên không thể lưu lại lâu trên cõi thế mà hóa ra nhàm (Tài tử nhi mỹ tư dung, giai nhân nhi công trước tác, đoạn bất năng vĩnh niên giả. Phỉ độc vị tạo vật chi sở kỵ, cái thử chủng nguyên bất độc vi nhất thời chi bảo, nãi cổ kim vạn thế chi bảo, cố bất dục cửu lưu nhân thế, dĩ thủ tiết nhĩ)”.

Và bây giờ đọc lại Trương Trào, chúng ta không khỏi ngậm ngùi nghĩ tới ông: “Lão đào độc xuân thì”. Và cuối, chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Hội Văn học - Nghệ thuật Vĩnh Phúc, Nhà xuất bản Văn học trong quá trình đồng hành cùng chúng tôi, để tập thơ “Hoa trạng nguyên” kịp thời ra mắt bạn đọc, vào dịp kỷ niệm một năm nhà thơ Vũ Khánh rời xa cõi tạm.

Ngày 03/8/2020 - Trương Thiếu Huyền

Chia sẻ trên Facebook