CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Chân dung

NGHE MƯA - NỖI NGHE THÂN PHẬN

Thứ năm ngày 29 tháng 4 năm 2021 12:00 AM

Đa danh, nhưng thiên hạ biết Hà Phạm Phú trước hết là nhà báo, sau mới “tiến lên” nhà văn và nhà quản lý văn hóa, dù ngoại bảy mươi nghiêm vẫn nguyên dấu lãng tử. Năm 1979, làm lính binh nhì, tôi “đụng” con người thơ Hà Phạm Phú khi được “giới thiệu”  thơ cùng trang với ông trên báo Quân Đội Nhân dân. Bài ông đứng đầu cột, “đè” bài tôi phía dưới. Tuổi 18, tôi ngỡ mình sắp nổi vì ngồi chung salon cùng ông...

Từ đận ấy suốt 40 năm ròng tôi hễ gặp “ấn phẩm” ký tên Hà Phạm Phú thì đó rặt những tác phẩm văn xuôi. Nhưng với:Thời gian con cáo dậy thì/ Thời gian nguyệt thực bây ri vỡ đàn* thì Hà Phạm Phú lại trở về nguyên ủy mộng mị nàng thơ khi “chơi” facebook. Tất nhiên đâu phải là facebooker, Hà Phạm Phú mới “mần thi”.  

Nghe Mưa-Tập thơ lạ mà quen.

Lạ - bởi năng lượng trội vượt ở độ tuổi ngoại 75  tự nó bung tỏa  phong cách. Tôi hình dung, mỗi khoảnh khắc chộp được cấu tứ, hình ảnh, câu chữ gốc tức thì tác giả ứng tác liền trên Ipad như cơn lên đồng. Trận lốc chữ, ngắn dài tùy vào mỗi ca. Bộc lộ chính kiến kịp thời, quan thiết hơn vật vã loay hoay “may đo” hình thức. Thời của không thích nói nhiều. Dân mạng ngán đọc dài. Tác giả dư tự tin để áp đặt “cuộc chơi” theo cách của mình.

Quen -bởi như muôn nhà thơ, ông viết cho mình, cho những chuyển dịch mà dục vọng cuộc đời ưa phiêu lãng đẩy đưa. Ông viết cho quê hương, Mẹ Cha. Cho người tình. Cho sự thay mùa. Mưa. Nắng. Những điểm kết mà chiếu lắng thân phận vào đó ông thấy mình buồn vui, thấy dân tộc, thấy đất nước vận trình.  Tư duy độc thoại phản tỉnh chính bản thân mình và cả tập hợp ông từng là thành viên trung tín từ trẻ tuổi đến bạc đầu.

Tiếp đón thuận thời gian từng “đoản khúc” của Nghe Mưa, tôi được nghe cùng ông mọi xung động li ti cảm xúc, suy ngẫm, dằn vặt của tác giả ngay từ lúc xuất hiện câu chữ đầu tiên đến lúc bài thơ rời bàn phím chấp chới lên diễn đàn. Mỗi bài thơ là một lát cắt trạng thái một cách dân chủ hướng tới sự cảm nhận tự do cho người đọc trong việc đối chiếu nhiều phiên bản khác nhau, được Hà Phạm Phú nhuận sắc qua lại ngay trên mạng; hiển nhiên xuất phát mỗi bài thơ, không phải lúc nào cũng đạt ngay tầm kỳ vọng của tác giả. Đây cũng là một nét đặc trưng của trào lưu thơ thế sự được “xuất bản” nóng trên các diễn đàn mạng.

Với “95 % dung lượng giọng lạ”, ngôn từ khúc triết, mạnh, giản lược tu từ trong toàn tập Nghe Mưa.

Và “giọng truyền thống” khoảng 5 % còn lại sở hữu thể thơ lục bát.

Lục bát của nhà văn họ Hà cũng nhuyễn, êm, đau lịm.

Xin được dẫn theo cảm xúc mà những gì tôi nhớ.

Nổi nênh sông đổi theo mùa
Đâu dòng sông cũ thuyền xưa bóng người
Tóc xanh mòn bạc màu vôi
Bờ sông tôi đứng đợi tôi sang đò...

***

Nửa đêm thức giấc Đan Hà
Nghe trời động nhẹ mái nhà giọt thu
Nghe đồng rạ rối sương mù/Nghe đất âm ẩm tiếng ru côn trùng
Nghe vàng lá rụng chân rừng
Con đường lắng bụi nghe chừng ngủ yên
Nghe ngoài biển thẳm con thuyền
Còn dò đáy sóng tìm miền vu vơ
Nghe trong vũ trụ mịt mờ/
Một ngôi sao lạc ngóng chờ cứu sinh...

Thân mẫu Hà Phạm Phú, bà bầm trung du đi qua thực dân phong kiến đến kiến tạo xã hội chủ nghĩa.

Những năm cuối
Mẹ ngồi hiên nhà nhìn ra cánh đồng
Thửa ruộng mẹ cả đời cấy gặt
Bòn mót sau thuế sưu cướp giật
Sau mưa lũ trắng trời
Hạt thóc lấm phù sau như hạt vàng mười
Gieo ánh sáng mặt người đói khát…

Thoát ra những dòng này thì Hà Phạm Phú cũng đã trọng tuổi bằng mẹ mình ngày xưa trước những ngày tháng tàn.

Viết về thân phụ, thì Hà Phạm Phú chậm rãi, thảng thốt hồi cố ngôi nhà cha đã dựng trên trái đồi trung du Đan Hà. Một ẩn dụ. Độc, lạ. Nhìn ngôi nhà, biết chủ nhân. Ngó bếp biết đàn bà. Không tốn nhiều ngôn từ, mà người đọc vẫn thấy dáng vóc thân phụ ông, được điêu khắc tạc vào trời chiều trung du ngày ông ra trận.

Quả đồi nhà con nhớ
dứa chín giữa vòm gai/hoa quýt trắng hoa cam cũng trắng
những trái mơ xanh giữa lòng tay
mùa sinh sôi mùa rụng
đồi nhà ta quả chín mỗi ngày.
Ngôi nhà ta con nhớ
cột cái gỗ xoan, cột con gỗ mỡ
mái cọ gầy cơ nhỡ tháng năm
nền đất giấc trưa con nằm
chênh vênh đỉnh dốc
gánh lúa về phanh ngực gió nam
Con đường nhà ta ngày xưa hoang rậm
rắn rết đi chung
cầy cáo rình gà ban sáng
khỉ bầy vặt lúa ven rừng 
Mẹ bấm ngón chân bật móng
ăn củ sắn nương
áo cha phơi trăng phơi sương

Quả đồi bây giờ
nhôm nhoam mái ngói người khác
nhà ta rời xuống thấp
con đường bê tông
điện thắp một chiều đông
Đám mây trên cao trĩu nặng
xòe ra năm ngón
như bàn tay cha sần chai
tưới đẫm đất đai
Ngày con đi lính chưa đầy mười tám
cha không tiễn đưa, chỉ dặn/
sao cho đáng mặt trai
Mẹ nước mắt ngắn dài
lập cập mo cơm nếp/con bao giờ trở lại
ngôi nhà ta đỉnh đồi.

Nghe mưa là tập hợp lắng nghe tiếng kêu đau đa thanh. Nghe mình. Nghe thời thế. Nghe cuộc đời. Nghe thân phận. Nghe nỗi bất lực, nhưng không tuyệt vọng. Thể xác bị hành hạ, va đập trong chuyển động Brown tiếng kêu đau của tha nhân còn khiến ta day dứt. Huống là lương tri bị hoành đoạt, tinh thần bị đày đọa, miền tin bi đánh cắp, đạo đức cá nhân, gia đình, xã hội nhọ nhem tha hóa, băng hoại không điểm dừng trong cơn rùng rình đe dọa mất đất rừng mất biển, dân tộc mất tương lai thì tiếng kêu đau của kẻ sĩ thì chỉ là chuỗi âm thanh tuyệt vọng, làm sao thấu mấy từng không?

Có đứa trẻ trượt chân ngã đuối
Một tiếng kêu buốt lạnh trời xanh.

Kẻ cắp nhỏ
Có thể bẻ khoá
Khuân đi những đồ vặt vãnh cái quạt, cái bàn là
Kẻ cắp vừa
Có thể bê đi cả cây cổ thụ
Trước mắt bàn dân thiên hạ
Kẻ cắp lớn
Giữa tiệc rượu trà
Có thể ăn cắp cả một quốc gia
Siêu kẻ cắp/Mặt lúc nào cũng sạch
Mượn màu sử sách làm khăn...

Rất đơn giản, đau thì phải bật ra, vọt ra tiếng kêu.

Quá khứ chết ngắc, hóa thạch, nhưng hãy dè chừng khi nó trỗi dậy.

Kia, vật thể  không ai nhớ
Treo trên cây cổ thụ giữa làng
Vỏ trái bom câm han rỉ
Sáng xuân thằng nhóc lang thang
Lượm cục sắt nhằm trái bom mà gõ
Trang sử lặng câm bật kêu vang
Kêu như nhà cháy, như đê vỡ
Già trẻ gái trai vội vàng chạy bổ ra đường bối rối lo sợ...

Nhầm lẫn. Hèn nhát. Chối bỏ. Quẩn quanh, ngõ cụt.

Quá mù nên mới mù mưa
Quá trưa chưa nắng vẫn chưa thấy đường. 
Muốn đi lại sợ mù sương
Đường thì vẫn đấy mà đường thấy đâu
Gần nhau mà chẳng thấy nhau
Tiếng cười giăng mắc làm đau tiếng cười. 

 Lo lắng. Bất an. Vu vơ hy vọng.

Sương đã xuống, rừng bên sương có xuống
Chiều buông rồi, bên ấy có chiều buông

Quê hương thì vẫn thế. Đẹp. Một vẻ đẹp u buồn, xa xăm, đâu đó từ muôn kiếp.

Bến Đan sóng sánh mầu hoa gánh
Cau xanh vòm biếc ánh gương trầu
Nếp nương hương nắng thơm mùa bánh
Giấu cười tươi mới tới năm sau.

Hơn một lần tôi tự hỏi, điều gì khiến trí thức thuần văn xuôi như Hà Phạm Phú lại trở về đi con đường chông gai trên chông gai: Làm Thơ- In Thơ. Ông không ngây ngô hy vọng Nghe Mưa sẽ được người đời hân hoan đọc, sẽ đánh thức những ai đó đang mộng du mê lộ. Nhưng chắc chắn, Nó đã thức tỉnh tâm não ông. Và ít ra là thêm một độc giả là tôi.

Cuộc đời muôn thuở vẫn là cuộc đời của ai thì người đó tự thức. Ai không có trách nhiệm với cuộc đời mình thì đừng hy vọng họ có trách nhiệm với người thân, nữa là nhân quần.

Nghe Mưa không chứa ẩn ngôn triết lý bí hiểm hay ngôn từ tinh luyện. Nhưng đây cũng không thuộc về những tập thơ dối già thập cẩm luôn ở thế lưỡng nan. Có cũng được mà không cũng không. Nghe Mưa là sự thống hối trách nhiệm của kẻ sĩ có văn đạo.

Thường thì con người ngoại 60 thì thường im lặng. Im lặng không có nghĩa là  nghe và lắng nghe. Lắng nghe nghĩa là biết nghe những điều phải trái. Và lắng nghe bao hàm cả sự cảm nhận nữa.

Tôi nghe cay lá trầu không
Khô trên tay mẹ cầu mong đợi gì
***
Tôi nghe vật vã bờ tre
Ước mơ cuốn chẩy con đê vỡ òa
Tôi nghe những phố không nhà
Đồng tiền dựng đứng bao tòa nghiệt oan
Tôi nghe biển cả uất tràn
Sóng ngầm tận đáy sấm ran thấu trời 
Giang sơn dựng tự bao đời
Người nay hèn kém vua tôi điếm đàng
***
Sông Thao qua bến Âu Lâu
Nước trôi cuộn bóng cây cầu chảy xuôi
Bên cầu nghiêng bóng một người
Ngu ngơ thương tiếc một thời ngu ngơ….

Thêm nữa trong Nghe Mưa- Ngôn ngữ thơ truyền thống đã được “mềm hóa”, đủ đàn hồi tương thích với hiện tượng phi tuyến tính bởi cấu trúc ngữ pháp thông thường đã bị phá vỡ. Người ta có thể gọi là thơ hiện đại hay hậu hiện đại tùy thích. Hà Phạm Phú bộc lộ sự trực cảm của nhà thơ và lý tính phân tích của nhà văn.

Trộn hình bóng em với muối
Rải ra khắp núi đồi
Hong phơi
Trăm năm sau
Nhắm rượu.

Nghe Mưa không phải là tập thơ hoàn hảo theo nghĩa thông tục. Cuộc sống hiện tại, ngay cả cách ăn kiểu uống cũng đã thay đổi, lai pha, tích hợp do sự dung hợp công nghệ, nghệ thuật. Không sự đơn biệt, khép kín  nào là có thể trụ lại trong cuộn xoáy thông tin phổ quát. Văn chương, thơ ca cũng vậy. Nghe Mưa ra đời do như cầu tự thân của tác giả trên phông nền của diễn đàn mạng Facebook . Nên Nghe Mưa mang những đặc tính của văn học mạng: Nhanh. Trực cảm. Liên tục được điều chỉnh văn bản trong một thời gian nhất định.

Bạn đọc có thể có nhiều ý kiến khác về Nghe Mưa, nhưng tôi tin mỗi độc giả sau khi khép trang thơ này, nhìn qua cửa sổ ngó cuộc sống giành giật, chen chúc, ngột ngạt, thấy quỹ thời gian của mình đang mòn đi, thấy tuổi trẻ đang ngu ngơ tìm kiếm tương lai thì không khỏi giật thột, ngõ hầu thấm một sự phản tỉnh để rồi được tiếp thêm năng lượng trí lực từ niềm trăn trở chức phận kẻ sĩ và trách nhiệm công dân của nhà văn Hà Phạm Phú; từ đó soi chiếu lại thái độ sống của mình trước thời cuộc, trước tương lai và vận mệnh của dân tộc.

Với riêng, tôi không khỏi ngậm ngùi thay cho trách nhiệm vác thập giá khổ nhọc nhưng không chút than van cho tình yêu đau đớn với đất nước với giống nòi mà Hà Phạm Phú cũng như muôn bao kẻ tự dấn thân, vong thân không nề đòi hỏi người đời phải biết đến.  Bạn hãy đọc Nghe Mưa cùng tôi. Hãy lắng nghe thân phận mình cùng nhà thơ, trong muôn cơn mưa phận số. Vâng, ông – Hà Phạm Phú- hay tôi và bạn đọc Việt không hề chọn tọa độ sinh dưỡng, nhưng chúng ta thật may mắn và cũng thật cay đắng: Chúng ta là người Việt bình thường.

Nguyễn Tham Thiện Kế

                                                          

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook