CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Truyện ngắn

MƯA NGANG SÔNG

Thứ năm ngày 22 tháng 4 năm 2021 12:00 AM

Tặng Hà Phạm Phú
            1.Thế mà cũng mười năm lẻ, tôi mới trở lại tỉnh lỵ cũ. Vừa việc, vừa thăm mấy kẻ quen. Việc công chẳng to tát để làm quan trọng. Người quen theo thói một thời, nghĩa là ai ở thành phố đến đây, dẫu có làm khách thì cũng không mong đợi ai đó đãi đằng, dù là bữa bụi. Y đụng xe, lớn phải đền bé. Muốn đỡ nhạt ở quán cháo vịt đương nhiên tôi phải nhiệt tình mời ai đó. Ông chụp ảnh thất tình, gã họa sĩ kẻ biển hưu sớm, tay buôn họa phẩm lẫn ve vôi đất quét tường, thằng bạn lính về mổ gia cầm thuê, góc chợ.  

 2. Mưa xuân lưng chừng trời rắc xám cảnh sắc. Khù khì cây long não và ca du lực lưỡng tán giao nhau trên đầu, lá rụng tím vàng lộn xộn mặt đường. Hãy còn sớm để đến tòa thị chính. Gọi ai tự dưng thấy ngại. Đành lòng vòng xoay xe quanh, nghe lá lép bép dưới cao su tôi ngắm lại nơi chốn cũ, tưởng là thân thuộc, tưởng rằng đã có mối tình bỏ ngỏ. Lác đác xe hơi chậm rãi. Xe máy, xe đạp thung dung. Vẫn còn mái cọ thâm nâu, chen chúc trong ngõ lách cách tiếng thoi dệt. Con đường ven bờ sông Thao kè đá, vẫn là chốn chợ họp sản vật rừng từ trấn Mường bên kia vượt đò sang. Lá gồi, măng luộc sẵn, măng vỏ bám đất, nấm, sắn, củ từ, củ nâu, giang, nứa, sặt, gạo cẩm, gà, vịt, lá giong, củi chẻ, trà, lá canh đắng, bánh gio, bánh nếp nhân trứng kiến. 

3. Tấp xe vào quán café đỉnh dốc ngoặt ngoảnh ra sông, tôi ngó lại khúc đường họp chợ vừa lách qua. Ngỡ là bị kẹt, nhưng xe tiến tới đâu, thì người mua bán bịt khẩu trang liền ngừng nhường tôi qua. Chưa kể nhà sư trẻ khẩu trang nâu hình lá bồ đề vắt sấp vải diềm bâu, đeo củ nâu trên vai, lớn nhắc mọi người làm phúc. Cảm giác đó giờ vẫn dễ chịu.

Chủ quán dẫu khẩu trang nhưng vẫn thòi cánh mũi cà chua bự, mũ bere len xám, quần bò thụng, áo veston nhung vàng đất, miếng da lộn đệm khủy, lệt bệt đôi giày da hở gót.

Giơ bàn tay, ông ra dấu tôi dừng bước. Dí vật thể xanh nhạt giống khẩu súng trước trán tôi làm động tác như bóp cò. Oa, ông đo thân nhiệt khách. Xong động tác đó, ông cũng chẳng cẩn nhìn chỉ số, mà phẩy tay ẩy tôi vào.

Ông quán lờ đờ chế café, thứ café bản địa của đồn điền Pháp cũ phía ngoài cây số 7, ủ ấm giỏ, được rang xay thủ công. Bàn tay đẹp kiểu đàn bà. Đắng và chát dịu, thơm kiểu mật dứa, ngậy bơ, có lẽ bơ hơi bị lạm dụng.

Cốc sứ thô dày, nặng trịch kiểu Starbucks quảng cáo thả chiếc thìa cho đồng bộ, hai bánh qui thủ công như hai ngón tay thanh mảnh lạ lùng của ông quán, lừng hương quế. Nhấp ngụm, cảm giác tôi vụt sáng lên. Café ngon tràn vòm họng. Ông quán tinh ý liền giợi ý dùng gì. Mỳ ăn liền kèm trứng vịt ốp la. Bánh chưng rán. Bánh tai. Bún chân giò. Bánh tro. Quán không sẵn nhưng quanh đây mấy bước, thức nào cũng ê hề.

Keng…eng. Âm rơi thìa sàn gạch gốm xiên chói thính giác. Tôi giật mình nhìn quanh. Phía trong cách hai dãy bàn, cô gái chừng hai mươi, kính cận gọng sừng, khẩu trang xanh ngoắc hờ, balo tím, trưng bộ váy len liền màu cốm, bối rối cúi quờ tìm thìa.

- Dùng cái mới đi con. Cứ để đấy lát nữa bố giải quyết.

Chủ quán thân tình, mang chiếc thìa khác cho cô. 

4. Băn khoăn giữa bánh gio và bánh nếp trứng kiến. Rốt lại, tôi dùng cả hai cho công bằng với mình. Ông quán tươi hớn, ra đến cửa vạch khẩu trang xuống nửa miêng, ngoái lại bảo cô gái.

- Nào con gái, có bánh biếc gì không để bố order một thể.

- Café trứng không hợp với bánh nếp kiến bố nhỉ ?Vâng, thế thì cho con bánh gio đi.

Sửa mũ bere thêm lệch, ông quán khệnh khạng ra phố.

Mỗi thức bánh hai chiếc, bánh gio hình kim tự tháp, kèm túi nilon mật ong ti hin, bánh nếp trứng kiến hình vuông, gói lá chít bánh tẻ, nhỉnh hơn bao diêm chút. Lần nữa tôi lại băn khoăn nhâng lên đặt xuống ăn món nào trước, thì cô gái phía trong mách nước.

- Chú nên thưởng thức bánh nếp kiến trước, mới không bị phá vị bởi mật chấm bánh gio ạ.

Hay, quá phải. Tôi chắp hai bàn tay chéo, làm một chùm quả tượng trưng, giơ lên trước mặt, cảm ơn cô. Một bữa sáng ngon và lành và rẻ và tinh tế không ngờ. Cô gái nhỏ nhẹ nhưng vèo đã hết suất bánh gio. Hình như chưa đã, cô mút từng ngón tay dính mật, thứ mật mía de hanh vàng như mật ong hoa anh túc. Tôi bấm điện thoại xem giờ, dù tay đeo đồng hồ. Đồng hộ giờ là phụ kiện, chẳng cần điều chỉnh chậm nhanh cho mệt.

Cô gái gọi, ông quán ơi ới đây đây, cóa ngay đây. Hì, bên kia sông có một xóm chài gốc xứ Thanh. Lau hai tay vào vạt áo veston, ông nhận tiền.

- Lần này con gái bố đi thực tập hơi lâu nhỉ?

- Vâng, gần ba tuần ạ.

- Đồng bọn về cả chưa, nhắn với chúng là hôm nào tụ tập đủ bố sẽ khao món kem nước mía tươi nhé.

Cô gái dạ vâng xốc balo đứng dậy. Bước chậm qua tôi, cô lễ phép.

- Chú sau ạ.

Mỉm cười và gật đầu, tôi thể hiện sự quí mến cô, một người tử tế thoáng gặp. Dõi cô gái, vừa âu yếm lẫn lo lắng, ông quán kéo ghế ngồi gần tôi, bắt chuyện.

- Con bé này bằng tuổi con út tôi, tính nó kỳ kỳ…

- Thì tuổi mới lớn chút, tính cách chưa ổn định.

- Nó biết kiếm tiền, nhà giàu nhưng tự trang trải vừa học điều dưỡng vừa nhận chăm sóc theo giờ mấy ca một lúc. Phải ổn định mới được thế chứ. Chẳng qua là nó hâm hâm.

Như vậy nghĩa là trường trung cấp Y ở đây chưa đóng cửa. Chị y sĩ đại đội huấn luyên ngày trước cũng học trường này. Đôi lần cảm cúm, chị bắt tôi mấy lần qua lại mới thí cho mấy viên anagin C.

-Nó hâm hâm thế nào ?

- Hâm thứ nhất là có học bổng du học, nó bỏ bẵng. Vì giấy mời của các trường Âu Mỹ, trong khi nó muốn Nhật. Không kiếm được học bổng, buộc lòng học điều dưỡng và tiếng Nhật để sang đó. Mê gốm, mê lá phong mùa thu và thơ Haiku và văn chương Kawabata Yasunari đẫm tuyệt sắc hoa anh đào.
            - Hâm thứ hai ra sao?

- Hễ vào thứ hai mà có mưa là nó kêu khóc cho cơn mưa ngang sông, l-ắp bắp hỗn độn không ăn nhập gì với xung quanh hết nhưng nó vẫn tỉnh táo bật điện thoại livestream. Mới đầu tôi nghĩ nó bị hysteria nhưng sau quan sát thì không phải. Đấy, nó cứ đứng kia nhìn qua cửa sổ sang bên kia sông nước mắt ngắn dài. Mấy đứa bạn cùng lớp bảo, phây búc của nó vô số video khóc mưa..

          5. Tinh mơ mà bỗng sấm chạng vạng. Lạ, đầu năm mới mưa đá như rải sỏi. Giờ mới đầu tháng hai đã mưa rào. Chúa Trời thông điệp gì đây ạ? Bên kia sông mây đen như khói đốt rừng cuồn cuộn. Sấm chát chúa, chớp phóng tia loặng ngoằng mặt sông xanh lét. Cơn mưa ào ạt đến cùng gió thốc. Mưa ngang sông từ bên kia sang. Mặt sóng sôi bóng nước trắng vỡ. Cánh cửa sổ va đập thoàng thoàng.

  

Cô gái xanh cốm tất tả quay lại. Khẩu trang vo tay. Mắt kính nhòa nhòe. Mưa kịp đánh dấu trên tóc trên vai cô. Ông quán nhìn ra gật. Tôi cũng gật và mỉm cười. Mà có ý định cất tiếng thì cũng không lại với âm thanh thiên nhiên trong cơn cuồng nộ.

           Cô lại trở về chiếc bàn chưa nguội hơi mình. Lục balo lấy chiếc khăn vải thô, cô lau tóc, lau cổ. Xong, cô mới quay sang với tôi nhoẻn cười. Ông quán  trịnh trọng rót mời cô cốc nước trà xanh rắc bột gừng. Tôi cũng liền gọi trà xanh nóng rắc bột gừng. Thế thôi. Check mail công việc trên smartphone tôi vẫn nghe rõ từng nhịp cô gái chiêu từng ngụm trà nóng hổi.

Hút theo việc, mưa ngớt hạt lúc nào không hay, tôi dụi mắt, vươn vai. Mành mưa ngang sông đã lấp lánh ánh xạ nắng xa. Không nấn ná nữa. Nhỡ mưa suốt sáng thì toang. Công chức hàng tỉnh ông nào liên quan đến chứng nhận này nọ thì như vừa chui nách áo nghị Hách ra.

Ông quán lục sục sau quầy một lúc, chống tay ngủ mót, khẩu trang thõng, ngoắc một bên tai. Ngại ngần, nhưng tôi vẫn phải ra xe. Muộn đến gối rồi. Không hiểu sao, tôi quên bẵng cô gái nhỏ còn phía trong quán trú mưa. Cô gái gây cho tôi sự chú ý, dễ chịu, thêm một lý do để mến yêu tỉnh lỵ vốn đã xơ cứng toàn phần. Bước ra mưa thưa, cảm giác vướng bận nào đó níu kéo, khiến tôi phải quay lại xem mình có để quên đồ.

Cô gái cốm xanh bưng mặt, balo thõng vai nhỏ. Chốc lại dùng chiếc khẩu trang lau nước mắt. Cô khóc. Uất nghẹn. Tức tưởi. Khóc vì lí do như cuộc đời cô sắp bị tước bỏ. Đúng vậy. Khóc mưa. Khóc như ông quán tọc mạch. Khóc nhưng không live stream. Hay là cô đã làm việc đó xong rồi. Dường như cô đang chờ ai đó tiến lại hỏi lý do vì sao mà khóc. Và ân cần hỏi cô, rằng cô cần giúp gì không ?

Hoang mang, thú thực là tôi đang trạng thái tiêu cực. Tôi không đủ tự tin tiến lại bên cô để làm việc của một người lớn cần phải làm. Tôi sợ người ngoài trông vào, tôi sợ cô hiểu lầm. Và sợ ông quán, chưa chi đã săn đón trống bỏi. Dù sao cô bé cũng đã là thiếu nữ, Tôi sợ cả bản năng của mình nữa.

Nhưng mà vì sao tôi phải sợ. Tôi chỉ làm một việc là an ủi kẻ đang đau khổ, tìm một lý do vu vơ để cân bằng. Tôi đáng vai cha chú cơ mà. Đã bước lên mấy bước vào quán. Ông quán nhấc đầu lên, một lúc ngơ ngơ đã hiểu chuyện. Chặc, ông diễn ngôn ngữ thể hình, khua tay, nhún vai rằng, khách thấy rồi đấy đã bảo nó hâm hâm, thường hay khóc mưa. Hôm nay là đúng dịp đâù tuần lại có mưa ngang sông. Hãy để nó yên, không nên làm phiền. Tốt nhất là khách quan tâm đến công việc của mình đi. Lỡ khách chia sẻ việc nó khóc, nó lại khóc trầm trọng hơn thì sao. Nó khóc lì cả ngày đây hắt café xuống sông à. Chưa kể nó cao mưu giàn diễn thì…thì...  Phòng bị vẫn hơn.

Chán nản, hướng về cô bé một chốc, tôi bước ra mưa, nổ máy sấy khô  thân thể một lát rồi đánh xe đi.

 6. Viên trưởng phòng lưu trữ khẩu trang in con bạch tuộc giữa mồm, hói mọng như trứng vịt lộn vừa bóc, nghe tôi trình bày và ghi chép vào sổ chưa đủ lại còn bật máy ghi âm. Ok. Cứ tự nhiên. Tôi viết tiểu sử một chính khách tên tuổi, những ngày trẻ, nhân vật từng lãnh đạo thị xã. Ở đây trẻ con cởi truồng cũng khoe biết ông, nên nhắc tên ông kèm theo giới thiệu công tác, nháy mắt mọi yêu cầu, tôi đã nhận được bảo đảm của trưởng phòng. Hãy bình tâm, cánh nghiệp vụ sẽ chuyển tài liệu vào hộp thư sau một tuần nữa.

Anh ta gọi đâu đó, xong chưa, được được, nhanh. Trưởng phòng lưu trữ mà ký cũng lắm phết. Chào. Đứng dậy. Sau lưng tôi, cô văn thư cầm cặp nhựa bìa đỏ trình trưởng phòng. Người đàn ông chạy theo tôi tận cầu thang, dúi vào tay chiếc phòng bì bốn mép viền hoa văn dây xoắn.

- Chẳng mấy khi nhà văn tới thăm. Đói năm ai đói bữa. Chẳng may dịch Vũ Hán, trên ráo riết lệnh cách ly…Mong bác thông cảm về báo cáo thủ trưởng….

Định từ chối, tôi biết bên trong chiếc phòng bì mươi mươi chỉ đủ một bữa khiêm tốn kèm đồ uống hay bốn năm lần café bờ sông. Không phải tôi chê  hẻo, mà là tôi không xứng để nhận. Dù chỉ một đồng. Khoản này được chi vì thói quen nô lệ thần tượng mà thôi. Nhìn gương mặt dúi phong bì, quả thật anh ta sẽ đau khổ vô chừng nếu tôi cố tình đẩy. Thoáng lo, nếu tôi nhận thì tôi chẳng sao, còn anh ta sẽ nhiều bất tiện chưa biết chừng.

Qua cổng, nhân viên bảo vệ giơ thiết bị bắn nhiệt lên vẫy vẫy. Vẫn chưa đến trưa. Gọi ai bây giờ cũng còn hơi sớm. Vòm vòm cây sáng mướt lên. Không gian tỉnh lỵ ngập tinh thần kiêu hãnh bởi những thức bánh gạo, những chính khách, nhà văn, nhà báo thường lên truyền hình dẫn game giải trí, những tướng lĩnh công an bộ đội. Thêm một ông Thống đốc.Và mỹ tục rước dâu đón rể nhất thiết phải cưỡi thuyền rồng chèo dọc sông Thao từ ghềnh Thượng đến ghềnh Hạ…cả chục lượt. Hình ảnh ông quán, cô sinh viên điều dưỡng bỗng dưng múa lộn trước kính xe. Hai người làm cô dâu chú rể áo dài khăn đóng cả đôi đỏ rỡ…

Có lẽ tôi nên đến thăm bà thủ thư. Tôi chợt nhớ bà. Tệ thật. Bà sống một mình trong gian xép, vốn dành cho bảo vệ sau Thư viện thì phải. Mong là bà vẫn còn đấy với bếp dầu, bếp mai-so trong rãnh gốm và đầy đặn tuổi tám mươi. Thư viện sau công viên. Thì đến công viên. Cóa làm sao đâu.

7. Hỡi thánh thần, đây công viên thuở binh nhì chờ tàu chợ ngược Bắc, tôi duỗi dài ghế đá nghiền lương khô, tu nước vối bi đông trong bóng rợp cổ thụ bao quanh như rừng nguyên sinh.

Tôi đỗ xe góc sân cầu lông cỏ trinh nữ và cà độc dược đang xâm lấn quá vạch biên, đi bộ hai chục thước là tới Thư viện kiến trúc Tân cổ điển.

Tiếng chim cà cưỡng líu ríu, chíu chíu, khoan nhặt theo phách rồi lạch tạch như nhịp nhàng như manip kêu trong khoảng xanh. Con chim lông xám đầu trắng, vành mắt hoen vàng, vạch trắng ngang thân tới đuôi yểu điệu như chiếc váy dạ hội. Ngẩng lên tìm bóng chim thì chới với ngọn cây cổ thụ chết khô. Cây càng cổ thụ thì càng dễ chết đứng từ ngọn. Và dễ cái cũng đã ruỗng ruồng. Công nhân đô thị treo mình trên cao đốn chặt ngọn già. Ừ, cúm Vũ Hán chủ yếu cướp sinh mệnh người già. Tôi cũng đã già, bạn đọc già đến thăm thủ thư già khọm.

Khựng bước. Tôi lặng. Mái tóc trắng cước bồng lên. Bà già khẩu trang đen ngồi trên xe đẩy trước hiên rêu, phơ mấy giò phong lan trổ nụ vàng. Cô gái cốm xanh đang thực hiện công việc trị liệu. Xoa bóp vai, tay, chân, mát xa da đầu cho người quen của tôi. Mỗi cử chỉ, động tác đều thành tín vắt hết sức, mồ hôi ràn mặt, thấm qua khẩu trang xanh.

Tự dưng tôi thấy mình thừa. Cô gái đang làm việc. Nếu tôi xuất hiện, hẳn, bà thủ thư mất buổi trị liệu, cô gái mất thêm thời gian làm thêm. Đâu đó trong ngõ kháo nhau: A, hôm nay Mỹ tăng ngàn người chết nữa, mình bế thêm cả ba trăm vị cách ly.
 

          Cài số lùi nhỉ. Đi đâu bây giờ. Đến với ai cũng được, không đến chỗ nào cũng được. Chờ mặt trời đứng bóng. Trực giác mách tôi không nên vội, la cà chút đi, biết đâu có việc cần phải giải quyết. Tôi lên xe, ngả ghế nằm ườn. Lướt phây. Không hiểu sao, tôi tìm kiếm bằng từ khóa Khóc Mưa. Một dãy dài những mưa và khóc mưa. Ngực rung lên một cách vớ vẩn, tôi bấm vào hình ảnh màu cốm. Ừ nhiều video, như ông quán tọc mạch. Mỗi video là một hoàn cảnh, một ý tứ mưa và khóc.Trượt dài xuống.

Không muốn thống kê video khóc mưa của cô điều dưỡng viên.


            Kết mỗi video Khóc Mưa đặt những dấu hỏi.

Tài khoản đặt chế độ tự do, cả trăm ngàn kẻ theo dõi vậy mà hơn ba năm không một đụng phím nhấn dù khen chê. Không có ai bạn bè. Tất cả cứ nhìn suông người ta khóc rồi lướt đi. Sự bất nhẫn hay sự thờ ơ chán nản đã là phổ quát.

Giơ điện thoại trước mặt, tôi selfie, chẳng cần xấu đẹp, thay luôn ảnh đại diện của mình. Đồng thời gửi lời mời Khóc Mưa. Và like tất cả video khóc mưa. Xong, tôi thấy nhẹ lòng. Tôi đã làm được một việc tử tế với Khóc Mưa chăng? Ít ra là tôi đã dừng lại hỏi han…

 

8. Rốt cuộc tôi đến quán cháo vịt cây số Ba một mình sau nhiều phân vân trước danh sách đã kê. Tất cả không một ai tự động mời, nếu như tôi có gọi, họ sẽ chậm rãi pha trà, bảo chờ mấy phút, ở đâu rồi sẽ đến ngay, vẫn như muôn thuở tôi trả tiền thay chủ nhà. Những người quen thụ động như cừu.Tất cả vẫn vậy thôi, tất cả đang mòn già, thiểu năng và bất cập. Khóc Mưa ạ, cốm xanh ạ,  muốn được mình là mình không ai bày tỏ thái độ, nhé, cũng đừng buồn. Đã cả trăm ngàn người đang theo dõi cơ mà. Họ mở mắt.

Tôi lái xe xuôi đường bờ sông Thao xuống cầu Phong Châu. Bàng bật chồi tím. Lá xưa lun phun màu mạ. Mặt sóng cuộn giấu nụ cười bí hiểm. Cơn mưa giấc trưa, vẫn là cơn mưa ngang sông xiên xiên từ thị trấn Mường bên kia giăng đến. Phanh. Hạ kính, tôi chụp màn mưa bỗng xanh màu cốm. Cô gái nhỏ đứng chắn đầu xe, tay chống nẹ. Mưa hay là nước mắt chan chan gương mặt. Giơ điện thoại, cô chìa cho tôi xem và nhấn nút. Điện thoại trong tay tôi, “ting ting”, cô đã đồng ý kết tôi là bạn.

“Tôi đã khóc mưa ba năm, mà không một ai hỏi tại sao tôi khóc. Cả chú nữa, mới chỉ là bày tỏ thái độ, chứ không hỏi tại sao…khi có thể ở ngay đời thực...cứ giương mắt nhìn… ”

Cô gái đáo để, bực ghê, cô còn muốn gì nữa. Tuổi ranh. Chặc. Thì cũng ối phây búc nhân chỉ thiếu đi vệ sinh là không up mạng, thế mà vẫn cả mấy trăm like. Đánh lái lách sang trái, tôi xuyên qua mưa, kết tiếp con đường của mình. Một bàn tay chậm rãi, chuyển động các ngón vò chiếc khẩu trang xanh trong gương chiếu hậu.


            Ừ, một cơn mưa ngang sông.

                                                              

                                                                  Tháng 5/2020 - Nguyễn Tham Thiện Kế
 

 

         

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook