CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
TRANG VIẾT CỦA BẠN

ĐÔI BỜ - CHỬ ANH ĐÀO

Thứ tư ngày 28 tháng 2 năm 2018 12:00 AM

 - 
Kìa những kẻ thiên ma bách chiết

Hình thì còn bụng chết đòi nau

(Nguyễn Gia Thiều- C.O.N.K)

Buổi chiều cuối năm ở cuộc họp cộng tác viên. Ngoài sảnh:

- Cho phép em được…

Chừng vài ba giây, rụt lại:

- Eo ôi, sao tay lạnh thế?

Rồi tiếp:

- Em vẫn nhớ có lần thầy bảo: tay lạnh là do tình cảm tẻ nhạt hoặc bệnh tật.

Lời nhắc lại như một định lý.

 

Có thể khẳng định hơn 90% dân Việt nói chung và đàn ông nói riêng ở tuổi trưởng thành đều rất ngại khám bệnh. Bói ra ma…Khám, tất lòi bệnh ra, nhất là từ tuổi năm mươi trở đi. Rồi kéo theo bao phiền toái: tâm trạng lo lắng, tiền bạc, thời gian…Với lại đi khám chữa bệnh thì ai ngồi cà phê, ai nâng lên đặt xuống giùm mình? “Khi sống không uống hết hồ rượu, lúc chết ai tưới rượu lên mồ cho?”- Một đại thi hào mấy trăm năm trước đã bảo thế. Thành ra khi đã không thể không đến bệnh viện thì bệnh tình thường là đã ở giai đoạn cuối.

Y, có thể nói vống lên rằng là “hội viên khai sáng” trong số đông ấy. Ví như tiểu đường mười năm trước. Cũng là một sự tình cờ do nhiệt tình thái quá của người bạn giám đốc bệnh viện. Y uống thuốc bảo hiểm y tế như một liệu pháp tinh thần. Còn ăn ít cơm? Y đã không ăn nhiều từ trước. Còn kiêng ngọt? Nói như tác giả “Chí Phèo”: Mèo không ưa muối vừng. Còn đi bộ thể dục? Nhiêu khê đã thành một truyện ngắn. Với lại y tiếc thời gian lắm. Chỉ có tội ham bạn bè và bia rượu vẫn tràn cung mây. Mà lạ thế. Xét nghiệm định kỳ hàng tháng, mọi thứ đều ổn. Kể cả khám định kì Trung Cao hàng năm vẫn “veri gut”. Vậy là ngựa vẫn quen đường cũ mà tung vó cùng ngỡ là dài rộng tháng năm.

Mấy tháng trước, trong lần lấy thuốc định kỳ, y xin thêm ít viên C với lời khai “nhiệt miệng”. Cô bác sĩ bảo há miệng cho xem rồi đùng đùng buộc y xuống khoa Răng-Hàm-Mặt nội soi. Bác sĩ khoa ấy khăng khăng bắt nhập viện 3 ngày. Giấy ra viện ghi: “U lành”. Nhưng bác sĩ bảo: Chúng tôi viết giấy chuyển viện cho anh vô SG làm sinh thiết. Y ậm ừ cho qua chuyện và bám lấy cái kết luận u lành như cái phao mà hăm hở lao xuống biển Vũng Tàu vẫy vùng bơi lội hơn cả nửa tháng trời.

Lần lữa. Rồi vợ, rồi con, rồi người thân, rồi bạn bè hối thúc, khuyên nhủ, y vô SG làm sinh thiết. Có kết quả rồi. Trời đã gọi nhưng y ngó lơ. Lại phải cả tháng sau nữa mới nhập viện. Cái bệnh viện đường Nơ Trang Lơng  quận BT gần nhà em vợ mà y đã nhiều lần qua lại và không khỏi rùng mình.

Lần này vợ đưa đi. Chả biết nói thế nào. Vợ cũng đang bệnh nặng. Cứ vài tháng lại vô SG điều trị và lấy thuốc. Lủi thủi một thân một mình. Có lần ngất ở phòng cấp cứu, có lần lả xuống ở bến xe mà cứ khăng khăng cực đoan không cho chồng con đi cùng. Tại sao lúc người ta đau ốm thì không có ai? Đến lượt mình thì lại lo lắng, săn sóc, bươn chải? Mình có quyền gì? Mình có gì ngoài trên răng dưới củ từ? Nhỡ vợ ngã xuống khi đang vì mình thì sao? Cứ như một cái tát thầm. Như sự trơ trẽn, bội bạc và vô sỉ mà y tự dằn vặt và gánh chịu.

Cũng như nhiều lĩnh vực khác ở nước mình, bệnh viện là một nơi quá tải. Nghìn nghịt người. Bốc số, xếp giấy hẹn…tìm được một chỗ ngồi ở phòng đợi, thậm chí ở chân cầu thang cũng khó. Tràn đầy gương mặt, hình hài các “nạn hữu” là sự mệt mỏi, ê chề, vật vờ như những xác sống. Họ đứng ngồi đi lại nói năng âm thầm như những cô hồn cõi thế. Vô đây người không bệnh cũng đổ bệnh nếu không có một thần kinh thép. Thấy y đứng không vững, một thanh niên (tất nhiên là gầy gò ốm yếu) tận hàng ghế sau vẫy vẫy nhường chỗ. Tưởng đến lượt anh ta nhưng không phải. Anh ôm cái áo khoác và một bì ni lon lặng lẽ đứng dậy, ra nơi cầu thang. Rồi ngồi xổm. Rồi lại đứng lên. Cả hơn canh giờ như thế. Nghĩa cử Lục Vân Tiên của anh khiến y cảm động suốt thời gian dài. Bởi thói thường ai đau cái gì, mệt thế nào thì ắt là mình đang đau nhất, mệt nhất. Nghĩa là chỉ nghĩ tới mình thôi. Dễ gì chia sẻ, hy sinh. Vậy mà anh ta… Họ đấy. Đủ lứa tuổi, đủ loại người nhưng hình như chủ yếu là nông dân miệt vườn miền Tây hoặc Bình Định, Quảng Ngãi vào. Vợ chăm chồng. Cháu chăm bà. Con chăm cha… Có ông lính Hải Phòng giọng Bắc, sau 75 lấy vợ Cà Mau, con gái rặt giọng tràm, đước, bông trang, bông điển mà cứ quấn quýt nước nhà thống nhất, Bắc- Nam sum họp. Họ lam lũ, ngơ ngác, nghèo khổ. Nhẫn nại trưa chiều xếp hàng chờ cháo cơm từ thiện. Bao nhiêu tiền cho cái bệnh này mới đủ. Có người tới xạ tia cuối hai triệu đồng nhưng tiền đã hết. Chữa chịu người ta không nghe, đành phải khất bác sĩ lặn lội về quê gom góp. Mấy công ruộng đã bán sạch. Trâu bò gà lợn cũng theo mấy tia xạ trị mà đội nón ra đi. Chỉ còn những đám bèo lục bình lềnh bềnh vô định trôi trên sông Vàm Cỏ bên nhà… Thương nhất là những đứa trẻ. Trắng toát  băng cuốn ở đầu, ở lưng, ở chân, ở bụng…dặt dẹo cả ngày trên vai bố mẹ. Mà lạ lắm. Chúng không nhõng nhẽo, khóc gào. Chỉ nhăn mặt rên ư ử như chó con mặc nước mắt ứa ra, ướt đầm vai áo và nỗi lòng người lớn. Chúng cũng nhẫn nhục, cam chịu, như ý thức được thân được phận, được hoàn cảnh của mình…

Có nhà văn Nga đương đại đã nói : “Trong đời ai cũng nên đau ốm một lần, nằm viện một lần”. Bởi nó là một dịp trải nghiệm đủ thứ hiệu quả nhất. Ví dụ, là thước đo mọi mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng. Nhớ giữa hai đợt SG, được nghỉ uống thuốc năm ngày, ra ngay PK. (Về nhà đúng là trở lại thiên đường bởi tình người, không gian sống phòng khách, phòng ngủ rộng rãi, trong lành, thừa nắng gió và chan hòa ánh sáng. Rồi đồ ăn thức uống, rồi tiện nghi sinh hoạt… Chả bù cho âm khí nặng nề bệnh viện và cái phòng khách sạn ba sao ngoại trú suốt ngày im ỉm đóng và bật điện, không biết bây giờ là mấy giờ. Âm thầm như Mị ở nhà thống lí Pá Tra, như các cung nữ Thượng Dương mấy trăm năm trước.(Dù chủ nhà Vân Anh- 40- Nguyễn Huy Lượng, tên một ông quan cuối Lê đầu Nguyễn làm thơ và nổi tiếng với “Tụng Tây hồ phú”- rất tốt với vợ chồng y: cho nước sôi để sáng sáng pha trà; bảo lần sau vào đem bếp điện mà nấu nướng; mấy cậu tiếp viên bảo cô chú đi đâu thì lấy xe cháu mà đi; mời ăn cơm cùng gia đình miễn phí mấy ngày gần Tết…) Ở đời, niềm vui nên chia sẻ để được nhân lên. Còn nỗi đau… Bị bệnh, y không muốn báo với ai. Vì y biết “nhân dân ta nói chung là tốt” nhưng không phải không có người khi gặp bạn hoạn nạn chọc luôn dao găm vào ngực và cho bạn ngắm nghía cái chuôi dao (Tất nhiên là theo nghĩa bóng) Háo hức, tò mò, khám phá, rêu rao những bí mật mà người khác muốn giấu không phải là hành vi của một người có tự trọng; là điều tuyệt đối không nên làm. Nhưng thế giới giờ đã phẳng. Những ngày ấy nhà y chật người. Ông con trai buổi tối phải ngồi trước cửa trông xe. Buổi chiều con dâu đi làm về hỏi con gái: “Hôm nay nhà mình đông khách không?” Con bé năm tuổi bảo: “Còn hơn đám cưới”. Người con  nhận xét: “Bố về hưu đã hai năm mà các cô chú cơ quan còn tới đông quá.” Quả là đông thật. Không dám kể hết tên ra sợ sót. Cả ở SG cũng vậy. Linh mục Nguyễn Văn Thượng lọ mọ lặn lội từ Đồng Nai vô thăm.Bạn từ Bảo Lộc xuống. Nhiều người mời hai vợ chồng đi ăn. Khi mời uống bia họ bảo: Rượu mới sợ, vào lon thì không sao. Người mời uống rượu lại bảo: Bia mới phải kiêng, mấy li rượu nhằm nhò gì. Người khác: Kệ nó. Cứ như ông đang hút thuốc đây, mần tới đi để biết mình đang còn sống. Tôi còn bệnh gấp mấy lần ông ấy chứ (!) Đúng là cái lý của người Mèo. Có người dẫn ra đường sách Nguyễn Văn Bình. Có người mang sách tới cho đọc. Vợ chồng Vân- Nhị xách cả rượu bia, bánh hỏi thịt heo và canh khổ qua đến. Có người muốn mời về nhà chơi mấy ngày mãi tận bên Nhà Bè. “Tôi xin ông. Đi chữa bệnh chứ có phải du lịch đâu”… (Mà ở SG việc đi lại nào có dễ dàng. Bạn bảo “tôi đang đến” có nghĩa là anh có thể đi xe máy từ PLei Ku lên Kon Tum rồi quay về vẫn kịp đón khách) Và họ đưa phong bì: “Anh cầm uống nước” Y đùa: “Các ông phúng viếng tôi hơi bị sớm.” Lại nói: “Chừng này tiền thì có mà uống nước suốt đời vẫn chưa hết.” Lại chợt nghĩ tới câu của tác giả “Tướng về hưu”: “Lòng tốt quý như vàng và phải được vàng bảo đảm thì lòng tốt mới có giá trị”. Tội nhất BN len lén đưa phong bì hơn triệu. Y hỏi tiền đâu ra? Xin con cái chắc? Lão bảo quỹ đen để dành đi Bắc với ông. Y bảo tôi cầm một trăm thôi. Một trăm của ông bằng mười triệu của người khác. (Cái tờ trăm ấy vẫn để ngăn riêng, chưa tiêu đến) Và mỗi lần có người tới thăm y lại thấm thía: một người dù mạnh mẽ đến đâu cũng có lúc yếu mềm. Lúc đó rất cần cái tình người để dựa vào, để tăng nghị lực sống. Trường hợp này đúng như một ông dân chủ cách mạng Nga thế kỷ XIX đã định nghĩa: “Hạnh phúc là ta nhìn thấy cuộc sống đúng như quan niệm của mình”.

Gặp nhau ai cũng mách thuốc và khuyên bình tĩnh lạc quan, đừng nghĩ ngợi gì. Biết rồi! Nhưng y có phải là gỗ đá đâu. Chưa kể mức độ cả nghĩ, đa cảm, đa đoan có khi lại gấp nhiều lần so với người khác. Y thấy không ít người khi biết mình bệnh trọng đã xuống cấp nhanh chóng. Lại có người chết vì sợ trước khi chết vì bệnh. Người thân hiểu nhau hơn thì bảo tin ở bản lĩnh của y. Có lẽ đúng. Không phải do yếu đuối hay lỗi lầm để vịn vào tôn giáo mà có lẽ do y được học, được đọc quá nhiều và cũng đủ thời gian nghiền ngẫm. Tôn giáo nào, Đạo nào từ thoạt kỳ thủy cũng đặt ra và trả lời các câu hỏi: Con người do đâu mà có? Nó sống như thế nào? Nó có ý nghĩa gì và sẽ chết ra sao? Điều gì còn lại sau khi lìa cõi thế? Trời ư? Thiên Chúa ư? Rồi mệnh, rồi nghiệp, rồi nhập thế, xuất thế, giấc mộng, phù vân, vô vi, rồì danh rồi lợi…Y tự thấy mình ý thức rất cao về sự sống. Nhất là từ khi được thầy Phạm Luận giảng về Truyện Kiều ở Đại học. Nhân vật trung tâm của truyện là một người con gái tài sắc vẹn toàn, mang trong mình một sức sống sâu sắc, mê say. Ý thức về hiện tại và dự cảm về tương lai ở Kiều luôn vô cùng nhạy bén. “Thấy người nằm đó biết sau thế nào?”; “Bây giờ rõ mặt đôi ta/ Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?” Nàng đã sống hết mình cho bản thân và cũng làm hết mình cho người khác. Lại nữa, y thấm thía suy nghĩ của một nhân vật trong “Lũ xuân” của Tuốc-ghê-nhép rằng : tuổi thanh xuân đang ăn (sống) những chiếc bánh bằng vàng mà cứ ngỡ là những chiếc bánh bình thường. Và G. Macket: “Cuộc đời ngắn ngủi lắm. Hỡi những con bò cái…” Vì vậy y đã sống có phần vội vã, khẩn trương từ thời trai trẻ, không uổng phí thời gian vào những điều mình cho là vô ích, vô nghĩa lý. Mãi tới giờ y ít có sự tiếc nuối về thời gian đã sống của mình. Với y, mọi việc bây giờ đã hoàn tất. Công việc chung không để lại điều tiếng gì ngoài sự mến yêu của học trò, đồng nghiệp, bạn bè. Con cái có nếp có tẻ, đã yên bề gia thất, cháu nội cháu ngoại đùm đề và nhà cửa, công ăn việc làm ổn định. Rồi dăm bảy cuốn sách đã in… AQ một tí. Rộng ra còn bao số phận không may mắn: những đứa tiểu nhi tấm bé “lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha”, những người lính tuổi mười tám đôi mươi, những tài năng mà cuộc đời phũ phàng dừng lại tuổi hai bảy hai tám, những người ngã xuống mà chưa biết thân xác vùi lấp nơi nao…Còn y đã được khuyến mãi hai năm, nếu “đi” thì cáo phó cũng được ghi “hưởng thọ”.Ở bệnh viện có lần y mơ thấy ba người xin chết thay. Người thứ nhất với lý do chịu nhiều ơn nghĩa. Người thứ hai là ruột thịt trong nhà. Người thứ ba là kẻ vô gia cư cầu bơ cầu bất. “Tôi sống không ý nghĩa gì. Còn ông có thể…” Y đã cảm ơn và thẳng thừng từ chối lòng tốt của họ: “Không! Sự sống là sự sống, là thiêng liêng và tất cả đều có ý nghĩa nào đấy”. Y nghĩ thêm: đến ngay cả ngọn cỏ trong “Thảo nguyên” của A. Sê-khốp còn rên rỉ rằng nó còn rất trẻ, nó không có tội gì cả, nó đang muốn sống mà mặt trời nỡ lòng nào thiêu đốt?

Một cái chết được báo trước cũng có cái hay của nó.

Y đã từng viết bài và điếu văn tiễn đưa vài ba người bạn. Có lẽ chúng gây được xúc động bởi sự chân thành. Đến nỗi một ông bạn đang bị bệnh tim khẩn khoản đặt trước bài điếu. Và đây là mấy câu kết cho ông anh họ Phạm dăm năm trước mà y còn nhớ: “Nhìn lên di ảnh, đôi mắt PCĐ nheo nheo như muốn nói: Thôi đi các bố. Thằng đéo nào chả phải chết. Dẹp ngay những bộ mặt đưa đám ấy đi. Có rượu rót cho thằng này một chén.” Chả lẽ giờ đây nó lại vận vào mình?

Sau hơn mười ngày làm các loại xét nghiêm, soi, chụp chiếu… Buổi sáng gặp bệnh nhân và người nhà, bác sĩ bảo: “Ung thư giai đoạn cuối. Cộng thêm tiểu đường nên rất khó điều trị. Ung thư thì chết từ từ. Tiểu đường biến chứng thì bất đắc kỳ tử. Tỉ lệ là 50/50. Sau Tết sẽ thử 10 tia…” Như một lời tuyên án của Cao xanh không chủ ngữ! Đành là vậy. Nhưng chả lẽ chẳng có cách diễn đạt nào uyển chuyển hơn ư? Hay khoa học dứt khoát cứ là phải lạnh lùng?

Hôm đó nhằm ngày 28 tháng chạp Đinh Dậu. Trên bầu trời, lạ thế, chỉ khu bệnh viện ung bướu, nắng vàng trải tơ lụa óng ả cả không gian và chim én bay rợp trời, lẫn cả vào mây trắng.

Dù sao thì vẫn hơn sụt sùi mưa sa, căm căm giá rét như trong “Văn chiêu hồn” của Nguyễn, hơn nhìn và nghe tiếng quạ kêu. Và hỡi mây trắng, ngàn năm sau mây có còn trắng như vậy nữa không?

Khai bút đầu xuân Mậu Tuất.

C.A.Đ - 22- 24/2/18

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook