CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
CHÚNG TA VIẾT VỀ ĐỖ PHẤN

HỌA SĨ ĐỖ PHẤN: HỘI HỌA HAY VĂN CHƯƠNG ĐỀU ĐỂ LAY ĐỘNG LÒNG NGƯỜI

Thứ năm ngày 1 tháng 2 năm 2018 12:00 AM

Hơn sáu mươi năm sống ở Hà Nội tôi tự tin về những trải nghiệm của mình với thành phố này. Khi viết, câu chữ tự nó gọi nhau ra miên man như thế thôi. Đó là một thế mạnh nhưng cũng là một khiếm khuyết.” – Họa sĩ/ nhà văn Đỗ Phấn chia sẻ.

PV: Hà Nội qua những trải nghiệm tuổi thơ của ông là…?

Hoạ sĩ Đỗ Phấn: Trước hết, đó là một thành phố đẹp theo mọi nghĩa. Từ đường phố, cây cỏ, sông ngòi cho đến con người điềm đạm kín đáo ứng xử nề nếp nhưng vẫn toát lên vẻ hào hoa sang trọng. Tuổi thơ tôi gắn bó với khu vực Hồ Hoàn Kiếm, với bến xe điện leng keng bờ hồ, với toà nhà bưu điện khiêm nhường, với Bách hóa tổng hợp, với tòa nhà ngân hàng quốc gia nằm sau vườn hoa Chí Linh. Và nhất là Câu lạc bộ thiếu nhi bên cạnh đó. Nơi tôi từ một cậu bé lớp 1 sinh hoạt trong đội Mĩ thuật. Nơi tôi sinh hoạt Câu lạc bộ mô hình máy bay khi học lớp 8. Và cũng là nơi tôi dạy các cháu vẽ khi vừa tốt nghiệp Trường đại học Mĩ thuật Hà Nội vào đầu thập kỉ 80.

Sau nữa, với tôi thì Hồ Hoàn Kiếm và những khu vực lân cận như một sân chơi vĩ đại chẳng thiếu thứ gì. Có thể bơi lội, bắt tôm cá. Có thể vào nhà Bách hoá tổng hợp nằm lăn trên những chiếc ghế đôi mát lịm. Có thể nghe tiếng chuông từ hai nhà thờ St Mary và Nhà thờ Lớn. Lại cũng được nghe tiếng chuông chùa Vũ Thạch đằng sau nhà chậm rãi vào những ngày rằm, mồng một.

Ông đã sống giữa Hà Nội ra sao suốt thời tuổi trẻ của mình?

- Tôi sống trong một gia đình công chức có thể nói là không khá giả gì lắm. Mẹ làm việc ở dưới Khu phố Hai Bà Trưng. Bố làm Tổng biên tập Nhà xuất bản Thanh niên. Lương của hai cụ vừa xoẳn để nuôi gia đình 6 anh chị em tôi. Gần như bố mẹ tôi không giúp gì được cho ông bà nội. Đã thế, những tháng hè còn gửi tôi xuống 195 Phố Huế ở với ông bà hàng tháng trời. Ăn mặc trong nhà lấy chữ cần kiệm làm định hướng. Tôi thường chỉ có một bộ quần áo lành lặn mặc đến trường. Dép cũng chỉ một đôi cho đến tận khi vào đại học. Tôi còn nhớ khi được bố dẫn đến nhà ông Đức Minh bên cạnh hồ Halais chơi. Một ngôi biệt thự cũ kỹ bên ngoài có treo vài chiếc lồng chim gáy với những bậc cầu thang rêu mốc. Nhưng thật sự choáng ngợp với những gì bên trong. Bộ sưu tập đồ cổ và tranh của ông có lẽ không một ai Hà Nội có thể vượt qua được.

Thời thanh niên Hà Nội của tôi nhiều buồn hơn vui. Đất nước nghèo đói kiệt quệ những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh, bao cấp. Tôi sống trong nhà tập thể của trường Mĩ thuật dù nhà tôi chỉ cách đấy không đầy một km. Lý do rất đơn giản là dù ở nhà thì ăn mặc cũng như ở tập thể mà thôi. Tiêu chuẩn học bổng và tem phiếu nộp luôn cho bếp ăn nhà trường đỡ mất công đi xếp hàng mua sắm. Thanh niên Hà Nội lúc ấy cũng có nhiều phong trào tụ tập đàn ca sáo nhị và nhảy đầm. Tôi cũng lần mò học theo. Chẳng đi đến đâu cả. Thú vui duy nhất duy trì được nhiều năm là đọc sách. Tôi đọc gần như tất cả những gì có chữ quanh mình. Kể cả những tờ hướng dẫn sử dụng thuốc chữ nhỏ li ti.

Thế nhưng bù lại những thiếu thốn vật chất là tôi được học ở một ngôi trường mĩ thuật danh giá nhất cả nước. Chương trình học năm nào cũng có vài ba tháng đi thực tế ở các miền quê khắp trong Nam ngoài Bắc. Ăn ở cùng với nông dân, công nhân, bộ đội. Điều đó đã giúp tôi thu nhận được một vốn sống đáng kể. Rất có ích cho việc vẽ và viết sau này.

Trở thành họa sĩ hình như là một con đường đã định sẵn?

- Đó là niềm đam mê của tôi từ nhỏ. Được các cụ Nguyễn Đức Nùng, Kim Lân, Tô Hoài, Nguyễn Tư Nghiêm dạy dỗ và cổ vũ trong nhiều năm. Ngày mới tốt nghiệp phổ thông thực ra tôi thi đỗ vào Đại học xây dựng nhưng bỏ học ngay sau đó ở nhà luyện vẽ thi vào Trường Mĩ Thuật. Số tôi học phận thi tài. Thi lần đầu cũng đỗ thủ khoa. Thế là theo nghiệp vẽ. Tất nhiên học vẽ là một chuyện. Trở thành họa sĩ là chuyện khác hẳn. Cũng phải đeo đuổi hơn chục năm mới có triển lãm cá nhân đầu tiên vào năm 1990. Nghề vẽ đã cho tôi gần như tất cả những gì mình muốn. Hơn 40 năm cầm bút lông tôi cũng có một gia tài đáng kể. Ngoài những bức vẽ phải bán đi để sống tôi vẫn luôn làm cho riêng mình những tác phẩm tâm đắc. Số tranh giữ lại ngày một nhiều lên đến mức phải chuyển nhà bốn lần. Giờ thì nó nhiều đến mức chính tôi cũng ít khi xem lại. Gia sản này được gìn giữ cẩn thận ngay bên cạnh tôi trong suốt nhiều năm liền. Với hơn 30 cuộc triển lãm cá nhân ở cả trong và ngoài nước tôi thấy cũng tạm đủ và đã ngừng lại từ hơn 10 năm nay. Giờ chỉ thỉnh thoảng góp mặt trên báo chí với những minh hoạ và tranh Tết.

Điều gì ở phố thị ám ảnh trong ông, để sau này trong hội họa cũng như văn chương làm ông cứ miên man suốt trong đó?

- Với bất kỳ ai sống đủ lâu ở Hà Nội thì ám ảnh phổ quát vẫn là sự thay đổi. Thay đổi theo chiều hướng không mong muốn. Tôi chỉ vẽ và viết lại những gì mình mong muốn cho một Hà Nội yên bình, chậm rãi. Ở đây không nói đến việc dân số tăng nhanh mà chính là chất lượng của số dân ấy. Có rất nhiều người ở phố bây giờ ứng xử không ra thị dân. Đại khái tùy tiện như ở xóm làng không có hương ước. Người ta vội vã đến mức không còn quan tâm đến ai quanh mình. Tự coi mình là trung tâm. Một thành phố bùng phát về xây dựng nhưng lại đi giật lùi về giao tiếp ứng xử có lẽ sẽ trở thành một bến xe lớn mà thôi.

Ông đã từng vẽ cảnh Hà Nội buồn nhưng còn sự sáng trong, còn con người sống ở Hà Nội thì buồn nhưng lại thăm thẳm màu tối, vì sao vậy?

- Không hẳn là con người thăm thẳm màu tối. Họ có ánh sáng của họ. Một thứ ánh sáng không dễ nhận ra. Ánh sáng của sự cam chịu. Cái phần tối tăm cam chịu ấy gần như là một tuyên ngôn thị dân. Anh đã may mắn góp mặt ở thành phố này chẳng lẽ còn bon chen lấn lướt những người khác kém may hơn? Tranh tôi thường vẽ đám đông thị dân chen chúc không gương mặt cũng là một cách miêu tả về họ. Miêu tả cái trạng thái tồn tại của họ thì đúng hơn.

Câu chuyện buồn và tối này, một lần nữa quay trở lại trong các trang viết của ông vì sao?

- Với tôi thì hội họa hay văn chương không có khoảng cách nhiều lắm. Truy lùng cái đẹp luôn là tâm niệm của tôi. Cái đẹp không phân chia buồn vui cả về hình ảnh lẫn suy tưởng. Nó chỉ có một điểm đến duy nhất là làm lay động lòng người.

Hình ảnh hội họa chưa thể làm ông thỏa mãn bằng các chữ nghĩa văn chương?

- Đúng vậy. Mỗi loại hình có ngôn ngữ và thế mạnh của nó. Tôi không thể vẽ một bức tranh kể về một chuyện tình. Hình như cũng chưa ai nghĩ đến chuyện ấy. Tôi cũng không thể viết cuốn tiểu thuyết về nhan sắc của một hoa hậu. Vì chắc chắn sẽ thua một chiếc máy ảnh. Tất nhiên không loại trừ hội họa cực thực. Văn chương có thế mạnh ở chỗ tinh vi gợi mở cũng giống như hội họa. Nhưng rất khác ở chỗ độc giả của nó bao giờ cũng nhiều hơn khán giả xem tranh. Nhiều lần mở triển lãm cá nhân tôi thấy lượng khán giả xem cuộc triển lãm ấy không bao giờ đông bằng độc giả đọc một bài tản văn của tôi trên báo.

Vì sao khi đã có thành công trong hội họa, chuẩn bị đi qua ngưỡng tuổi 50, tôi thấy ông ra sách, bắt đầu từ năm 2005?

- Đơn giản vì tôi là chủ nhân của một quỹ thời gian khổng lồ. Nghỉ việc dạy học từ 1989 đến nay cũng gần 30 năm rồi. Ngần ấy thời gian chỉ dành cho việc vẽ thôi là quá dư thừa và lãng phí. Ngần ấy năm tích lũy chiêm nghiệm đời sống thị dân cũng đến lúc phải viết nó ra.

Tiểu thuyết đầu tay của ông “Vắng mặt”, tôi đã được đọc từ khi còn là bản thảo, nó là dòng chảy miên man của ký ức nhân vật, cùng Hà Nội hiện lên vừa âu lo vừa buồn bã ủ dột và mang chất phù phiếm nữa. Có ký ức nào của chính ông ở trong ấy không?

- Câu hỏi này của bạn khiến tôi nhớ lại lời đề từ cho cuốn tiểu thuyết “Vắng mặt”. Đó là “…và hư cấu hoàn toàn”. Câu đề từ này đã từng bị nhà văn Trần Nhã Thụy chê là hơi thừa. Bởi bản chất của văn học là hư cấu. Tôi vẫn giữ nguyên lời đề từ này cho lần tái bản năm 2016. Bởi bản chất câu chuyện vẫn chỉ là hư cấu mà thôi. Đó không chỉ là ký ức của riêng tôi mà là ký ức của cả một thế hệ thị dân được hư cấu mà thành.

Những nhân vật trong tiểu thuyết và truyện dài của ông, họ đều có điểm chung là bị chìm đắm trong dục vọng, lạc thú, trống rỗng mà không có chỗ thoát ra?

- Không phải thế. Đó chính là lối thoát của họ. Trong những hoàn cảnh như vậy thị dân có nhiều lối thoát. Và đắm chìm trong lạc thú là một lối thoát hẹp không phải ai cũng có cơ hội thực hiện. Nhìn chung tầng lớp thị dân thất bại luôn chiếm số đông ở thành phố. Những ai thành đạt cũng không quá được 2 đời. Những kẻ thất bại cũng cần phải có một con đường. Không đủ tài sức để làm những chuyện lớn lao thì khiêm nhường sống khép kín với những thú vui nhỏ bé của mình. Và đó chính là cách mà một thị dân duy trì lối sống lịch lãm, trật tự. Tôi nghĩ phẩm chất này của thị dân không phải ngẫu nhiên được sinh ra. Nó cần phải có thời gian đào thải và xây dựng lâu đời.

Đấy có phải đặc trưng của người Hà Nội?

- Không phải đặc trưng mà là một lựa chọn. Lựa chọn an toàn của những người tự biết sức mình. Có lẽ tự biết sức mình mới là đặc trưng của người Hà Nội. Điều đó cũng dễ hiểu. Khi ta sống trong một môi trường đầy rẫy thông tin và những người tài giỏi thì cơ hội để tự biết sức mình hình như cao hơn ở nơi khác.

Vậy thực ra, với ông, thế nào mới thực sự là “chất” Hà Nội ở cảnh vật và con người?

- Không có định nghĩa cứng cho “chất” Hà Nội. Chỉ có thể nôm na ngắn gọn thế này: chậm, không loè loẹt lắm lời.

Ông từng nói là: “không có người Hà Nội gốc”, ông có thể giải thích cụ thể hơn?

- Đơn giản quá. Chỉ có người sống ở Hà Nội sớm hay muộn mà thôi. Tôi còn giữ cuốn gia phả của gia đình có ghi đến đời tôi là thứ 14 ở Hà Nội. 

Đời thứ 14 sống ở Hà Nội, ông là người không còn phải băn khoăn về gốc gác Hà Nội của mình?

- Cái danh hiệu “Hà Nội gốc” với tôi chẳng vẻ vang gì. Tôi quý trọng những ai vừa đến Hà Nội sống từ tuần trước thôi nhưng có đủ lễ phép và lịch lãm. Sống đến chục đời ở Hà Nội mà vẫn nhâng nháo bon chen thì vĩnh viễn chỉ là dân ngụ cư.

Theo ông những người hiện nay đang sống ở Hà Nội đến từ những vùng khác, họ đã mang lại điều gì cho Hà Nội và lấy đi điều gì?

- Tôi không thấy họ lấy đi điều gì của Hà Nội. Mảnh đất này cũng không phải là chỗ ta có thể lấy đi một thứ gì đó dễ dàng. Nhưng những thứ họ mang vào mới là câu chuyện đáng bàn. 

Ông có bao giờ thấy mình bị lạc lõng ngay chính nơi mình sinh ra, trưởng thành không?

- Rất thường xuyên. Có quán cà phê ở phố Ngọc Hà tôi vẫn ngồi uống hàng chục năm yên bình bỗng một hôm và những ngày tiếp theo đông nghịt khách. Họ nói cười như ở chỗ không người. Rõ ràng mình là kẻ lạc lõng ở đấy. Lại có cô hàng xóm mới mua nhà trong ngõ dọn đến ở. Mặc áo hai dây đỏ chót sáng nào cũng dắt chó ra con ngõ chung cho đi vệ sinh. Trong lúc chó cong lưng dạng háng thì chủ cũng tranh thủ giơ nách lên tìm…

Vẽ hay viết, có phải là lúc đi tìm ngọn nguồn cho chính sự tồn tại của bản thân?

- Với tôi thì không đến mức nghiêm trọng như vậy. Viết hay vẽ với tôi giờ đây như một thú vui nhiều hơn. Tất nhiên không có nó sẽ rất buồn. Chắc ngày ấy cũng không còn xa lắm. Nhưng phải chấp nhận thôi.

Đó có phải là lý do, khi vẽ ông tràn đầy tác phẩm, và khi viết có thể ra sách liên tục, thậm chí một năm có thể cho ra đời đến ba cuốn sách?

- Là người nghỉ việc nhà nước đã quá lâu tôi phải tự đặt ra cho mình một thời gian biểu hợp lý. Thiếu thì giờ là một nguy cơ thì thừa nó quá còn là nguy cơ lớn hơn. Thừa thời gian không những sẽ tiêu nhiều tiền hơn cho chuyện bù khú mà còn hao mòn sức khoẻ đáng kể.

Ông viết với số lượng sách nhiều đến thế, vì trong ông có quá nhiều ẩn ức cần được tuôn xả?

- Đúng vậy. Càng viết càng vẽ lại càng thấy nhiều việc phải làm tiếp theo. Những ẩn ức hình như có chu kỳ bộc phát. Chưa viết được nó ra là cứ canh cánh trong lòng. Ngày một đầy lên.

Vẽ hay viết xong, ông có thấy nhẹ nhõm giống như tinh thần mình đã được “gột rửa” không?

- Tôi thuộc loại ít khi bằng lòng với công việc của mình. Có những bức tranh sửa chữa hàng năm chưa xong. Có những cuốn sách viết xong rồi chữa lại còn lâu hơn thế. Nhưng khi đã xong rồi thì hầu như quên hẳn. Sách không đọc lại và tranh cũng chẳng xem. Hình như tôi luôn tự gột rửa bằng cách viết cái khác và vẽ cái khác.

Ông là người làm việc chăm chỉ, đều đặn và có thể nói rất nghiêm túc, với hội họa hay văn chương đều là vậy?

- Không hẳn thế đâu! Bạn bè thấy tôi ở quán rượu nhiều hơn. Tất nhiên khi bắt tay vào việc thì một giọt cũng không uống. Cũng có khi vài ngày không ra khỏi nhà. Nhưng cũng tuyệt đối không cố. Cứ làm từ tốn như một cách thưởng thức công việc mà thôi.

Trong nghệ thuật, ông là người gan góc và quyết liệt, kiên định?

- Tôi cũng mong có được phẩm chất như thế nhưng hình như chưa đạt đến. Đại khái thấy nhiều cái sai cái xấu trong hội họa vẫn thường bỏ qua. Chỉ không nhân nhượng với chính mình mà thôi. 

Ông thường vẽ và viết trong khoảng thời gian nào? Hoàn cảnh nào?

- Với tôi thì việc vẽ vẫn chiếm nhiều thời gian trong ngày hơn viết. Đó là công việc còn đòi hỏi cả lao động chân tay nữa. Và cũng đòi hỏi điều kiện ánh sáng ban ngày nên đã lâu rồi tôi không vẽ ban đêm. Tuy nhiên có thể vẽ ở nhiều nơi mà không nhất thiết phải ở trong studio của mình. Riêng viết thì buộc phải ngồi ôm máy tính ở nhà. Ra khỏi cửa là không bao giờ động đến chữ nghĩa.

Điều gì tạo ra nguồn cảm hứng sáng tác trong ông?

- Nói ra thì hơi buồn cười. Ban đầu tôi mê vẽ vì thấy nó rất hay khi tự tay mình vạch ra những điều mình muốn. Say mê đến nỗi bỏ cả chức danh giảng viên đại học để về nguệch ngoạc suốt ngày. Về sau là những thúc bách áo cơm. Buộc phải vẽ những thứ mình không thích lắm để bán lấy tiền. Sau nữa lại là thôi thúc tìm kiếm những nẻo đường mới hơn của hội hoạ. Và bây giờ thì thích gì vẽ nấy. Gần như chỉ có mình xem. Và mình cũng chỉ xem cho đến khi bức tranh hoàn thành. Tất cả lại cất vào kho.

Thói quen khi vẽ của ông là gì?

- Tôi có thói quen tự chuẩn bị những vật liệu cho việc vẽ khá chu đáo. Đại khái rất khó làm việc trên một tấm toile do người khác căng. Cũng không mua nhiều những loại dầu pha chế sẵn. Bút chỉ dùng hạng rẻ tiền và hầu như không rửa. Chỉ khi nào cùn thì vứt đi.

Còn thói quen khi viết?

- Tôi viết khi vẽ đã mệt. Có thể ngồi vào bàn viết bất cứ lúc nào. Có thể viết rời rạc bất cứ đoạn nào đó trong cuốn sách. Không bao giờ uống rượu khi vẽ và viết.

Sự nhanh/ chậm trong mỗi tác phẩm của ông thường chi phối bởi điều gì?

- Thực ra tôi không để ý lắm đến sự nhanh chậm. Vẽ còn có yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt nên phải rất đúng thời điểm thể hiện. Viết thì có thể tùy ý hơn nhưng cũng không bao giờ đặt ra kế hoạch nào về thời gian. Có lẽ sự chi phối lớn nhất bây giờ chỉ là sức khỏe mà thôi. 

Một ngày hiện tại của ông đang diễn ra thế nào?

- Dậy từ 2 giờ sáng. Mở máy tính ra đọc hoặc viết. 4 giờ đi tập thể dục ngoài Bờ Hồ. 6 giờ đi ăn sáng uống cà phê. 7 giờ về nhà bắt đầu làm việc. Buổi trưa thỉnh thoảng rủ bạn bè uống vài chén rượu. Chiều đến làm việc ít hơn. Tối thường đi ngủ sớm. 9 giờ đã ngon giấc. Nhìn chung cuộc sống tẻ nhạt như thế đã diễn ra vài chục năm nay rồi. Chẳng vui cũng không buồn. Không nhiều tham vọng nên cũng chẳng mấy khi thất vọng. Nhưng cũng đã bắt đầu chạm ngưỡng tuổi cảm thấy tiếc thời gian. Ra khỏi Hà Nội chỉ một ngày là đã nhớ chỗ ngồi làm việc của mình.

Ông đang có dự định gì cho việc sáng tác của mình?

- Gần như không có dự định nào lớn lao cả. Chỉ cụ thể từng việc đến lúc hoàn thành thì thôi. Không có quá nhiều thăng hoa sáng tạo bất ngờ. Và cũng chưa đến mức ngồi bí rị cắn bút. Với tôi, việc gì đã bắt đầu là phải cố gắng kết thúc nó. Không bỏ dở dang bao giờ. Dù nhiều năm nay không còn nhiều thôi thúc trang trải cho cuộc sống nữa thì vẫn đều đặn làm việc như trước.

Xin trân trọng cảm ơn ông. 

Theo Đại Đoàn Kết - Nguyễn Quỳnh Trang (thực hiện)

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook