CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tùy Bút

ĐỢI NẮNG LÊN GIEO MỘNG NẾP HOA VÀNG

Thứ bẩy ngày 14 tháng 1 năm 2017 12:00 AM

1.Chợ vãn. 

Ngày xuân vãn, nắng cài hoa lẳn vai áo nâu non gái son đường quê xiêu xiêu cát trắng. 

Kính coong! Kính coong! Kính coong! Ai lông gà lông vịt tóc rối đổi kẹo…mạ đơi…ơi.! Tiếng rao đánh thức khoảng mơ màng trước bữa trưa sắp bày mâm bát. Tôi nhớn nhác định chạy ra ngõ, nhưng chị cả đã e hèm:

- Sắp chậu nước và khăn cho thầy chưa? Ông lông gà lông vịt phải rảo hết lượt xóm Bến xong mới lên đây. Vội gì…

Bà ngồi nơi hiên nhà, khỏa tay vào thúng thóc nếp hoa vàng nghe tiếng vỏ trấu khô ron lao xao dồn qua kẽ ngón, thảng ngó mây trắng vương ngọn tre chân đồi, thư thả dắng:

            - Mẹ thẽm  thăm nong mộng chưa? Nhớ rảy vừa nước. Giời năm nay khí nặng, nhè nhẹ tay thôi nhờ. Mộng sũng là kém đường…

Sột soạt, dém lá chuối khô, rơm rạ ủ quanh nong thóc đang mộng nứt nanh bên chái nhà, mẹ  ngoan một tiếng. 

Phụng phịu kéo nước giếng, tôi bỗng xuyến lòng. 

Thì ra năm nay bà không gieo mạ cấy ngỡn ruộng muộn mà ủ mộng nếp hoa vàng để làm mạch nha cơ đấy. Chậc! Kẹo gì mà làm khổ người ta thế, đã ngần trong hổ phách, lại quánh dẻo đê mê đôi môi, cầm nắm trong tay mà không thể giữ nguyên vẹn dáng hình, nó tự chuyển động từ ngón này sang ngón kia.Tăm gỗ bồ đề quấn mạch nha vòng  lớp nọ chồng lớp kia như chiếc khăn xếp chưa chạm miệng lòng đã băng phiêu giữa lộng sắc xanh lúa đồng phơi hương. Bập vào chấm khiêu khích đó thì cả một miền dịu dàng bỗng bàng hoàng dạt trôi ngọt mát tới khắp đầu chi và xuyên thấu chân tóc…

 

2. Chưa dứt bữa tôi lại bị loong coong chuông xe đạp lông gà lông vịt nhấm nháy gọi chào đâu đó, hình như quãng bờ rào duối hông nhà thờ hay ngõ dốc đá ong từ bến nước ngược lên ngã ba gần nhà.  Nhìn tôi ngắc ngứ nửa chừng miếng cơm, chị cả mỉm cười:

- Đứng dậy mau đi, kẻo ế lông gà lông vịt…

Chẳng kịp quệt miệng, tôi ra sau nhà sục bới cuộn tóc rối của mẹ và chị giắt chân mái gianh, lễ mễ bê rổ lông gà lông vịt cất trên sạp củi. Chạy ra ngõ. Ngõ nhà đứa nào thì đứa nấy rọ roạy chờ ông lông gà lông vịt khềnh khàng guồng xe tới. 

Ông oai như vị tướng, kính tròn, chòm râu nhọn muối tiêu vểnh hoắt như râu pharaon, mũ casque bôi phấn trắng, chemise cộc tay, túi hộp, quần sooc lửng, giày bata, nhong nhong chiếc xe đạp cởi truồng, yên rách, khung thép đen nhức, pooc-ba-ga bung biêng hai túi vải bạt, mở sẵn khóa cài. Một trong hai chiếc túi kia đựng chiếc liễn đồng vàng chóa hình trái bí căng đầy thứ kẹo mầm thần thánh. Chúng tôi - những tên lính nhãi nhép và nhem nhuốc ngóng ông như đợi vị thống soái vĩnh viễn của cuộc đời. Chờ bao lâu cũng chịu, miễn là được nhận que kẹo mạ và cái gật đầu kèm theo câu tiếng tây: Bon! Bon! Bon…!

Ông không đổi mảy kẹo dù đấy là bới tóc rối khủng như con cúi hay cả sọt lông vũ nếu như mỗi đứa chúng tôi không nghiêm cẩn trước ngõ nhà mình chờ đến lượt giao dịch. Nghe đâu, ở làng bên, bọn trẻ chen giành đã xô ngã ông cùng chiếc xe đạp ngoắc liễn kẹo tòm xuống ao bèo. 

Và nữa, dù tóc rối, lông gà, lông vịt muốn đổi chác phải giặt tẩy hôi mốc, phơi phóng khô phổng, không báo cũ bọc thì cũng phải vỏ bao xi-măng gói buộc cẩn thận thì ngài tướng quân mới nhún mình đánh mắt xem hàng họ. Đứng cuối hàng, nghiêm buồn trong sắc xám, chậm chân ra sau, nhưng ni cô bên chùa Cao bao giờ cũng được tướng quân ưu ái trao đổi trước.  Bởi vật phẩm của ni cô quá đặc biệt: bữa mái tóc óng ả dài mướt bâng khuâng hương bồ kết, hương nhu bao túi lụa, hôm  lọn tóc phi dê bọc khăn tay náo nức nước hoa mộc, bận thì dải tóc hoa râm nồng cay vị trầu xanh vôi trắng….  Và lượng kẹo mạ ni cô nhận được vơi đến nửa cái liễn đồng thau rực rỡ.

Không phải tháng nào tôi cũng có lông gà lông vịt. Có tháng đến cả tóc rối cũng suông. Ra cổng, từ xa tôi ngắm chúng bạn lâng lâng chẹp mút sự ngọt ngào. Những lần ấy, ánh ni cô thẫm ái ngại rảo đến nhấc trong chiếc bát sơn mài lặng chìa trước mặt tôi một que kẹo mạ thánh thần. Bặm môi, tôi quay mặt đi cố không nuốt nước miếng.

- Kẹo hôm nay hình như thơm hơn đấy. Cầm lấy đi, có gì mà ngại nào.

 Gãi đầu, tôi buông một câu ậm ừ.  Hình như có nụ cười thoảng trên gương mặt già nghiêm trước tuổi. Kéo vạt áo, ni cô thong thả băng qua bờ ruộng, vượt dốc về chùa Cao. Hôm nay, hẳn Trụ Trì bày hoa lan và kẹo mầm trên bàn thờ Phật. Tàn tuần hương thì mới thấy mấy chú tiểu dừng tay chổi cọ góc sân rêu, dưới bóng cây đại già vừa mút vừa giơ lên ngắm ngía que kẹo.

Không ít người làng Lịch dư luận ông lông gà lông vịt nhiễm thói tư sản, thích chơi trèo, chống đối ngầm muốn ám chỉ đến quyền uy tư sản của mình ngày trước. Ông từng làm chủ nhà máy dệt len, xưởng chần áo lông vũ, làm lược sừng, thanh đón gót giày sừng xuất sang Tàu, sang Pháp. Công nhân cả trăm người ngày hai lần cúi rạp chào ông cung kính. 

Hàng năm, làng Lịch vào quãng nắng loang chớm phai xuân thì đến cữ luyện mạch nha. Luyện một lần. Mà tiềm lực bà chỉ kham nổi một lần vung tay mỗi năm mà thôi. Được đôi cân mạch nha thì đãi đằng, chia bôi ba bề bốn bên họ hàng. Nhằm dịp người trong nhà đông đủ bà mới bật cánh tủ trà mang cái âu sứ hoa lam, trịnh trọng đặt lên mặt bàn tíu, dùng chiếc thìa bạc sêu sêu mạch nha quấn vào đầu tăm gỗ bồ đề chia cho con cháu thưởng lãm. Thấy tôi dè rẻn, mút mát chút chút và nâng niu que mạch nha, bà thở dài:

- Con ăn lấn lên nào. Hết bà lại sêu cho cái nữa…

 Mẹ lừ mắt. Tôi ngùi ngẫm lảng ra ngoài hè. Nắng, gió rưng rưng. Tiếng bà bải hoải:

- Cháu bà khổ thế. Chẳng bù cho bố mày ngày xưa…

Mấy năm tôi học cấp hai, bà đã đi lại lệt bệt, nhìn hay thấy hoa cà hoa cải, mẹ phải định cữ, gác việc ít ngày nơi khẩn hoang về làng Lịch thay bà luyện mạch nha hầu ông.

Tháng tháng xe đạp lông gà lông vịt kinh lý qua làng là cơ hội bà kiếm cho tôi chút ngọt ngào. Đôi mắt bà luôn ánh lên sự hối lỗi, xa xót và bất lực nào đo. Dường như để cho tôi thèm món kẹo mạch nha, ấy là lỗi của riêng bà. Đôi bàn tay khô ấm luôn nâng ấp sau lưng tôi. Bà chia sẻ cùng tôi nỗi phập phồng chờ đợi người đổi kẹo mạ. Sọt lông vũ trắng bồng đặt dưới đất, túi tóc rối bà cầm trên tay. Nắng xiên xiêu xiêu, hai bà cháu rậm rịch trước ngõ dưới bóng cây hòe. Tán hòe tỏa xanh che rợp đất, lún phún ngò sắp sửa bung hoa vàng một ngày gần lắm...

Nhác thấy ni cô xách chiếc làn tùm hụp trong chiếc khăn xám, bà vồn vã vẫn tay;

- Chạy sang đây với bà với iem cho đỡ nắng.

Cô bé chỉ cúi đầu cảm tạ, chứ không dám chạy sang đường. Bà buông lửng.

-Sống thường đã khó. Nữa là kiếp tu hành thời này sẽ ra sao. Phải là người được Chúa Phật chọn thì mới đạt nguyện. Mắt nó to sáng thế kia…

Rồi người bỗng chùng giọng.

-Từ giờ cháu đừng vèo vỏi đồ cúng của nhà chùa nữa nhé. Con trai sắp lớn rồi…

Sững sờ hình như ni cô rõ mồn một lời bà, hình như ni cô bên kia đường đang mỉm cười mai mỉa, tôi vùng chạy vào nhà, ngồi bệt trên cần cối giã, xòe hai tay bưng mặt.

Bằng cách nào đó bà von vén những sợi tóc bạc rối mỗi lần chải, mỗi lần gội và không biết cơ man nào là tóc dài, tóc vắn của cô thím, dì mợ nào đó lèn vào chiếc túi cắt ra từ ống tay áo dài đi lễ cũ sờn. Mỗi lễ trọng, giỗ chạp làm con gà con vịt, tự bà lui cui thu nhặt từng lông tơ, lông măng vương vãi quanh sân giếng thả vào sọt. Mớ lông vũ hổ lốn sẽ ngâm nửa ngày trong vại nước vo gạo chua loét, xả nước giếng, rồi bà mới hong phơi trên nong nia, đậy lá màn rách…

Ngã ba xóm dưới, chừng trăm bước chân, ông lông gà lông vịt đẩy xe chạy chạy lấy đà rồi tung chân nhảy phóc lên yên, y chang thanh niên phố. Xe bon, ngồi chưa kịp thở thì ông đã dúi đế giày bata ghì mặt lốp bánh xe, phanh kít kịt. Loạng choạng nhưng ông kịp giữ  thăng bằng đứng khựng xe trước mặt hai bà cháu. 

Hai người già lang tang chuyện gió nắng chuyển mùa. Đáng lẽ  đưa tôi đôi que kẹo mạ, ấn tóc rối lông vũ vào túi rồi đi, tự dưng lần ấy bà mời ông khách thương vào thưởng trà với Nội cũng vừa ngừng tay thư giãn bên chiếc đồng hồ quả lắc gãy bánh răng. Chẳng biết nói gì mà hai ông già ríu nhau chuyện dềnh dang đến tối.

 

3. Ở bên bà bình yên mà chộn rộn. Nắm bàn tay khô ấm của bà, niềm vui của tôi cứ bị bào mòn bới vương vấn cảm giác đau thương mất mát nào đó.  Cơ thể sụp xuống trong sắc lụa nâu tây, tay lần lần chuỗi tràng hạt đọc thầm kinh Mân côi, mắt bà loang bóng rợp xuyên cánh đồng nắng mỗi khi nhìn mây quấn đỉnh Ba Vì. Kẹo mầm của ông lông gà lông vịt, dĩ nhiên  lành và ngon. Nhưng so với thứ kẹo mầm của bà thì hình như kẹo của ông khách thương vẫn có gì đấy hẫng hụt. Vị kẹo mộc, đơn thanh vị, thuần hậu chứ không ngân nga, đa sắc màu, biến ảo như của bà.  Dù kẹo của bà cũng chỉ một giống thóc nếp cái hoa vàng, nửa ủ mộng, xát bột, nửa nấu xôi nghiền luyện nấu nước cốt. Chúng không cất giấu bí mật nào cả. 

Nhưng bù lại những chiếc kẹo mạch nha đổi trao kia hấp dẫn tôi bởi người khách thương chủng chẳng nhong nhong chiếc xe đạp lầm bụi vượt bến Trung Hà, những khúc đê quanh hoa gạo thị trấn La Phù, những lối đồi mòn sỏi Trung Nghĩa hoa mẫu đơn hoang. Và  tít tắp thành Sơn Tây, thủ đô Hà Nội hào nhoáng nơi chân trời rộn nhịp tàu xe mà tôi chưa từng đặt bước. 

Buổi tiệc trà ngẫu nhiên Nội tiếp ông khách lông gà lông vịt món mạch nha của nhà. Ra giếng rửa tay trở vào, ông khách sững sờ thấy trên mặt bàn gỗ mộc giữa hiên đã trải tấm khăn huyết dụ bày hai trái trứng mã não, nhỉnh hơn trái cau, khớp bạc gắn nắp xoay ngang, chân đế móng rùa, thân khắc hoa văn hoa lan khảm sợi vàng đựng mạch nha chuyên từ  âu sứ men lam sang. Hai  thìa bạc, tay cầm đúc tượng thần Athéna khép nép nằm chờ, đợi chủ nhân ngó ngàng.

Đỡ Nội pha ấm trà mới, bà kín đáo dõi khách. Bà mỉm cười. Nụ cười phảng những kiêu hãnh và bối rối.

Không kịp thi triển món mạch nha bọc ngọc trai như mọi lần Nội tiếp Cha Xứ và Trụ Trì, bà bứt rứt vào ra. Làm sao để Nội ngạo nghễ với đời, và nhất là không để khách kẻ chợ coi thường người quê làng Lịch. Đăm chiêu ngồi trong buồng, bà bỗng sáng lên khi nhận ra những quả trứng Phục Sinh mã não phủ bụi giữa đám chai lọ cũ sau kính tủ bày đồ khập khễnh. Đám quả trứng mã não vốn là những hộp đựng sáp thơm bày phòng ngủ mà bạn Nội bên Pháp gửi tặng bà từ nảo nao.

Dùng thìa bạc bộ của bộ café sẵn có ghép với trứng Phục Sinh  để thưởng mạch nha ngỡ cọc cạch, nhưng không ngờ vi diệu. Bà chớp mắt ngắm hai vật đặt cạnh nhau mãi... Sau này, mỗi khi nhã hứng nhắc đến sự sáng tạo ngẫu nhiên ấy, bà cứ sáng ngời:

- Chúa lòng lành đã khai sáng...Không ai nghĩ là chúng không được chế tác đồng bộ. Bạc thìa tệp với vàng hoa văn. Mã não tệp với mạch nha…Không thể hoàn hảo hơn…Chính tôi không ngời mình lại sáng kiến thế. 

Đáp lại sự hiếu khách, khách thương nhã hứng đối lại gia chủ chút món mạch nha đặc biệt mang theo hành trình. Ông lôi dưới đáy túi vải bạt sau pooc-ba-ga, vật tròn tròn bọc lụa đỏ. Những ngón tay run run lật từng lớp lụa. Một chiếc lọ pha-lê handmade trái trám nổi, nhỉnh hơn trái lựu lấp lánh chói sáng trên mặt bàn huyết dụ. Đặt vội chén trà ướp sói, nhận que mạch nha, Nội nhíu mày ngẫm ngợi, đưa qua đưa lại trước tầm khứu giác hồi lâu mới từ từ chấm chót lưỡi. Có vẻ như Nội sợ sự cử chỉ thiếu tinh tế nào đó của mình sẽ làm hỏng thứ thời trân của khách. Sững sờ. Gương mặt trắng bệch. Môi mim mím, đảo lưỡi chiêu nước trà, Nội thử lại lần nữa. Im lặng. Nội gật gù.

- Hình như hương vị ở đây có gì không thuần là thóc nếp. Tôi nhận ra hương của một loại củ nào nữa… Màu của mạch nha sậm và sâu như qua thấu kính. Lạ…nhỉ!.

- Vâng. Chịu ngài. Quả là có một thức củ..

- Và bột mộng cũng không phải nếp cái hoa vàng…

- Vâng. Chính xác ạ.

- Nhưng là củ gì, nếp gì thì tôi chưa thể định danh được. Hình như có hương của hoài sơn nếp núi Lưỡi Hái..

Khách vỗ đùi bẹp bẹp:

- Ôh la la…ngài thật tường minh. Tôi bật mí luôn bí mật kia, không thì ngài cũng lần ra ngay mất.

-…………………!

- Bột mộng tôi dùng nếp than mường Lò - Nghĩa Lộ…

- Thảo nào, tôi nhận ra vị chát nhẹ ở cuống lưỡi khi nuốt…Nên mới khẳng định là bột mộng không dùng nếp cái hoa vàng…

- Cảm nhận vị giác của ngài thật đáng sợ!

Cười rủm, Nội rót chén trà nâng bằng hai tay mời khách. Bà đứng bên, ửng hồng vén lọn tóc mai trắng cước lặng lẽ xuống bếp đun thêm ấm nước sôi.

Bỗng con vện sủa như hóc xương. Tiếng e hèm đục nhầy vừa vang lên thì đế dép lốp đã lạt sạt lê giữa sân. Nội và khách đang dở tuần trà, chưa kịp phản ứng thì lão Thụ Thị, trưởng xóm đã ngồi rón bên mép hè. Lật chiếc mũ cối căng lưới dù nghi trang, để trơ chiếc đầu lơ thơ như trứng vị lộn mới lột.

- Cháu vô phép hai cụ..

Lão Thụ Thị nhả trong nách ống điếu đồng nhỉnh hơn gang tay, nhồi thuốc, bập góc miệng rít phịt phịt…rồi vỗ bàn tay xương xẩu như thân cây sắn khô vào miệng điếu. Bã thuốc lào giật nảy vọt lên khỏi miệng nõ. Tung tóe. Liếc bàn trà, lão nhũn nhặn đánh mắt về người lạ. Lim dim.

- Cụ đi lông gà lông vịt có giấy tờ không đấy? 

Ông khách lặng lẽ moi cái ví da nhũn nhẽo nơi túi quần ngang đùi. Thụ Thị xoay ngang, xoay dọc thẻ căn cước.

- Sao ảnh thì béo, người thật thì gầy thế…Hả?

- Trời cho béo lúc này, thì phải gày lúc khác…

Thụ Thị nhướng mắt:

- Xằng cuội, nào! Trời nào! Miền Nam đang đau thương bị giặc giày xéo. Miền Bắc dốc sức xây dựng XHCN, cụ không nên đi lang thang chè chai đồng nát. Liệu sớm mà về lo giúp con cháu ở nhà. Nhà cháu buồn thay cho đấy…

Khách dạ dạ vâng vâng. Nội rót nước mời. Thụ Thị bưng chén trà mặt nở dãn. Soạt soạt. Lão húp hai hơi cạn chén. Ngó xuống hai trái trứng mã não đựng mạch nha, lão nhíu mày:

- Nhà cháu  phép.

Lão kéo quần đứng dậy, chẩu miệng với Nội:

- Đã có chỉ thị tiết kiệm lương thực. Tuyên truyền ra rả như cuốc kêu trăng rồi đấy. Cụ Tham chớ rượu ngang rượu lủi hay mạch nha mạch nhả nữa nhé. Người ta bắt được là phạt lao động công ích ngoài ủy ban đấy…

 

4. Dân Lịch Sơn lỗ mỗ hộ biết nghề mạch nha. Nấu mạch nha hảo hạng không chỉ đầu xứ mà trong cõi Việt, chắc chỉ mình bà giữ bí quyết. Mạch nha thạch lựu. Thôn ổ hơn nhau con gà vang tiếng gáy. Cũng hào phú, nhưng không phải phụ nữ nhà nào cũng thông tỏ bếp múc lề quê chứ chưa dám nói đến các chiêu thức nữ công gia chánh kẻ chợ. Trước về làm dâu họ Nguyễn Tham thì con gái ông chủ thuyền buôn nhựa sơn, từng trông coi cửa hàng gia đình  mạn Bưởi, ven kinh thành. Làng Bưởi vốn sẵn nghề nấu mạch nha và làm tào phớ, siêng sáng con gái ông chủ thuyền chẳng khó gì việc nhập tâm vốn công nghệ xuất xứ từ sản vật ruộng vườn.

Người làng học đòi mạch nha để gia công kẹo lạc kẹo dồi bán buôn dưới trấn Sơn Tây kiếm đồng dầu, muối. Bà luyện mạch nha, giữ nếp nhà, dạy cho con cháu biết thêm ngọt thanh từ mầm lúa nhưng xiết kỳ công, nhọc khó, phòng cơ mà vẫn có thức sang ăn chơi và để hầu Nội món chiêu với trà mạn. Quý tộc Việt xưa, sang đỉnh mới chỉ quấn mạch nha viên cuội thạch anh, nhưng bà tháo rời chuỗi ngọc trai của mình làm nhân kẹo mạch nha. Chẳng là lần ấy, Cha Xứ phàn nàn nhân kẹo mạch nha bằng cuội, viên tròn viên méo, to nhỏ trông không đẹp mắt. Một giây ngẫu hứng bà đã nghĩ đến chuỗi ngọc trai bấy lâu không có lý do sử dụng. Vị thế từ bà chủ buôn nông sản có trang trại, lo toan xuôi ngược bỗng một ngày cắm mặt vào đôi mẫu vườn đồi bòn vét sơn nhựa, chè búp, ỏm trám, dưa cà lo phụ Nội kiếm sống, bà đã tự biến thành bà lão quê mùa.

Nội mày mò sáng kiến khắc phục những thiếu hụt phụ tùng sửa những chiếc đồng hồ cổ. Từ nối dây cót, cắt, rũa bánh xe, chốt hãm. Niềm vui của Nội là nghe tiếng con lắc đồng hồ chuyển động, nghe các bản nhạc điểm nhịp điệu thời gian đang vuột đi đè tấm lưng của người thêm chúi xuống.

Và bà ảnh hưởng Nội sự năng động, mày mò trong việc bếp múc. Bà không chịu được cũ mòn. Ví như việc gói giò thủ bằng khuôn i-nox bây giờ mới có thì cách mấy chục năm trước bà đã cắt ống bương bánh tẻ để làm khuôn nhồi cốt giò.  

Thời ngặt, người ta xử  mầm lúa tẻ với chút cơm nếp làm mạch nha thì bà vẫn sẵn nếp cái hoa vàng ủ mầm mộng và nấu xôi làm cốt. Lối xóm mưỡu  bà níu thói trưởng giả điền chủ xưa thì bà cười nhạt:

- Người nho nhã bước ra từ cửa nhà thày đồ.Vật phẩm thanh tao ngon lành thì chỉ sản sinh nơi đồng đất trù mật. Lộ cộ, giấy rách chẳng giữ lề thì sống sao giữa cơn trời nghiêng đất lệch…

Bà đắp đổi nhiêu phen kiếm thức giữ lề. Quẩn quanh, không va bên nội cũng chạm đằng ngoại. Bảo trọng lòng kiêu hãnh của bà, mẹ ngầm nói khó trước với cô, dì thì bà mới hanh thông gán tạ sắn khô, các thêm con lợn giống lại bù chai nước mắm hoặc lít rượu Vò Gi mới đủ lượng nếp cái hoa vàng. 

Thúng đại thóc chừng hai nhăm đấu, trút bao tải đay, cũng lưng lưng, bà niêm nót cất riêng góc hòm sổ ghép ván gỗ thông thùng hàng. Tháng giáp hạt, hột cơm cõng mười sợi sắn duôi  mẹ cũng chẳng dám ngó đến chỗ bao tải thóc. Chỉ bà mới là người định đoạt phận chúng để thổi xôi hay dành làm bột mộng… 

Chuẩn thóc nếp cái hoa vàng ủ mộng mạch nha thì cũng thể gieo giống mạ. 

Một sáng nắng lá sấu vật vờ vàng lối ngõ. Dưới vòm xanh, những trái bưởi như đôi con ngươi xanh ngơ ngác góc vườn. Khóm mía tím phất trường kiếm lên trời những lát cắt cong mềm. Chị cả đang vần chiếc ang sành đặt cuối chân cối giã thì có tiếng ni cô hỏi chào. Thì ra Trụ Trì muốn cô cháu gái sang phụ giúp bà và học nghề luyện mạch nha. Có lẽ Trụ Trì cũng muốn thêm chút ngọt ngào vào thức món chay nhà chùa bớt nhạt nhèo.

Ni cô quấn chị Cả như hình với bóng. Chị cả làm gì cô nàng cũng tọc tạch làm theo. Buồn bực chân tay, tôi đi quanh xem ai có sai việc vặt nào không.  Bà dõi mẹ đãi thóc nếp, thoảng lại giật thột, kia mẹ thẽm. Bà luôn tưởng ra những hạt lép và cát sạn nào đó mà mẹ lóa mắt bỏ qua mỗi lần khỏa tay trong rá thóc lấp lim miệng chậu sóng sánh nước. Nước giếng nguyên khôi, sau đãi thóc vẫn veo trong nguyên thế. Bởi thóc nếp đã được bà nâng niu lau li trước khi vào kho lẫm. Hạt nào hạt nấy tưởng được đánh bóng rồi thiếp vàng, rãi nong nia cho hạt ngậm thêm nắng mới ngai ngái thơm.

Dưỡng mầm thóc xanh ngọc trữ đường thì hạt thóc cũng phải trằn trọc ngụp lặn qua mấy cơn nóng lạnh. Hạt thóc trầm nước nóng già. Những ba sôi hai lạnh, ba phần nước sôi thì pha thêm hai phần nước lạnh. Lượng nước ngâm du di gấp từ ba đến năm phần lượng thóc. Ngâm thóc bằng một khoảng thời gian đun sôi cạn nồi cơm, thì vớt ra đãi sạch, lại ngâm tiếp nước lạnh sạch mát thêm ngày đêm nữa. Định cữ bốn tiếng là phải thay nước ngâm, đãi chua một lần. 

Mảy sa sẩy là tong cả mẻ mộng. Sợ hỏng đại sự, bà chong chong ngày đêm trên chiếc kỷ giữa gian khách, nghe radio và canh chừng kim đồng hồ Odo. Hết lộn ra giếng long tong nước nôi lại vào rổ rá lịch kịch. Khi thóc hút no nước thì đem rửa hạt, đãi sạch, gác lên giá để ráo…

Mẹ bày nong lớn trên giá đỡ nơi góc bếp kín gió, xanh lá chuối niềng niễn, lá dong xanh thong dong  trải lòng chờ. Bà thành kính vốc từng nắm hạt nếp gần như nín thở, rắc vòng theo chiều kim đồng hồ từ vành nong hướng tâm thành hoa văn vân xoáy. Cẩn thận như người rắc dâu thái chỉ cho tằm ấu. Dường như bà gieo niềm hy vọng cho riêng và thắp thêm niềm vui phấp phỏng cho tôi nữa…

Mẹ đắp tấm vỏ chăn bông cũ lên nong thóc mộng, thành tâm nghe bà chỉ dặn:

- Đừng ngả mộng khi trời lạnh, thời gian ngâm hạt kéo dài dễ gây phiền. Nếu trót lỡ thì phải thường xuyên thăm khám, thấy hạt khô thì mau rẩy nước ấm. Hạt bốc mùi chua thì phải đãi lọc bỏ ngay dịch nhờn và tiếp tục ủ. Và cũng đừng bịt bọc quá, bí hơi, hạt sinh nhiệt sẽ khiến mộng bị thui mầm hoặc mầm chùn quằn cũng sẽ kém đường….

Nắc nỏm dăm ngày, hạt mộng nứt nanh trắng ngóc đều như giá đỗ khắp mặt nong rồi từ từ xòe đủ một tôm hai màu ngọc bích mập mạp y búp chè xuân chuẩn chỉ để sao thứ trà móc câu hảo hạng. Ấy là lúc mau mau chuyển nhịp công nghệ. Dỡ mầm mộng đem phơi khô. Nếu không nhanh việc mầm mọc dài thì sẽ khan hao đường về sau.

Mầm mộng đan thảm ríu nhau theo hình nong thành tấm tròn phả hương nếp lây phây ngậy phức. Thảm mộng đươc xé miếng bày trên ba chiếc nia cật ngà như những phần bánh pizza khổng lồ. Lại những bàn tay lam khéo, của bà, mẹ, chị và ni cô líu ríu tẽ rời từng mầm mộng, thảy bỏ vỏ trấu.

- Mấy mẹ con chị thẽm nương tay thôi nhờ. Mầm mộng dập nát thì mạch nha ôi đấy…

Mẹ và chị cả nheo mắt cười cười với nhau rồi liếc nhanh sang ni cô và tôi.

Như bị mầm mộng trên lòng tay thôi miên, ni cô níu bà hỏi bâng quơ:

- Mầm mộng cũng phải gieo tạo chuyển nghiệp thì mới thành mạch nha bà nhỉ.

Sững người, bà nhấc kính lão quay sang nhìn ni cô lạ lẫm.

- Ờ phải đấy cháu ạ, người tốt thì cũng phải truyên chuyên mới biết là người tốt.

Trong tầm kiểm soát của bà. Lần lượt, ni cô cùng chị cả đỡ giúp mẹ nâng từng nia mầm mộng, gác lên giá đỡ trước giậu mồng tơi hong nắng mới.  Rười  rượi nắng xuân non tia tử ngoại không quá gắt mà hội đượm bao hương hoa vườn nhà khiến cật tre ngà hấp nhiệt, ngậm đủ nắng sấy mầm mộng. Chỉ nắng một thôi sông sênh nửa buổi sáng đến lưng giấc chiều là những mầm mộng một tôm hai lá đã loăn xoăn chuyển mình đổi sắc nâu sẫm, để hở ra những nan tre đan lóng đôi lên nước ánh ngà. Bà vón chút mầm mộng khô teo, đưa lên hít hà…

- Được nắng, hơi nước bay nhanh nên đường keo vừa tới, mát mát là, ngọt ngọt là… 

Không cầu kỳ thì có thể dùng dao băm vụn mầm mộng khô trên thớt nghiến. Nhưng bà chọn cách thảy ngay mầm mộng khô vào cối đá, thúc nhanh cho thành bột. Cũng chẳng hao mấy công sức. Bởi mầm mộng đã đứt gãy các mối liên kết trong mỗi tế bào dưới sức nóng mặt trời. Chút tác động ngoại lực khiến chúng vỡ vụn. Thức ấy, người ta gọi là bột mầm. Bột mầm trữ trong chum, lót vôi cục để dành hoặc tương tác luôn với xôi trong nồi đồng đỏ lớn để tinh luyện mạch nha.

 

5. Thói thường, một khi bột mộng sẵn trong chum thì chẳng nhà ai chịu để bột duỗi lạnh mới luyện nha. Mẹ đương giã bột mộng thì tôi đã ồi ồi giục bà đồ xôi luyện kẹo. Chắc mẩm, nếu đồ xôi thì cũng sẽ mổ gà. Dẻo thơm thế, bà không nỡ để ông cháu suông tình nhìn chay món xôi đổ vào thùng nước pha. Tiện tay vo gạo bà bốc thêm vài nắm là đã lưng đấu gạo xôi. Tôi sẽ cầm đùi gà nhem thèm con vện. Chắc nó có cái xương. Sắp mâm gỗ mít sơn son bong tróc, bà bày chiếc đĩa men sần hầu Nội bộ cổ cánh lòng mề. Nào lá chanh, tiết dầm ớt ương muối nướng, hạt tiêu kèm be rượu nếp lọc hai lần lửa. 

Đồ xôi nếp nhồi mạch nha cũng phải có cữ tay. Xôi vừa chín, hạt núng đều không nát, ruột dẻo trong thì mới thuận thảo việc sau. Xôi nát mạch nha đục. Xôi cứng mạch nha sẽ kém độ quánh dẻo…

Bà vào bột mộng chăm chú như Nội đưa tay dũa cắt bánh xe đồng hồ mới. Công việc chẳng vẻ gì tổn sức, nhưng mồ hôi rân rấn loang ánh vầng trán vương tóc bạc. Nụ cười nửa miệng mơ hồ giữa bờ môi quết trầu cắn chỉ. Cũng lạ, thóc ủ mầm mộng ngâm nước ba sôi hai lạnh, thì xôi tãi tơi ra nia được rắc bột mộng theo tỉ lệ cứ một bột mộng thì năm gạo xôi, trộn đều cũng phải ngâm qua đêm trong thùng nước ba sôi hai lạnh thì mới nên nguồn quánh dẻo ngọt lành. 

Xỏa vét bột mộng dính bám trong chiếc đấu gỗ mít, bà vỗ tay trên mặt nong xôi đã vào thẫm bột:

- Mẻ đầu cất riêng cho Nội, không cần già mộng. Nội thích mạch nha thanh dịu, trong, ngả màu ngọc thạch lựu hơn là nghiêng về hồng ngọc ngọt đậm…Năm nay không mua được hạt sen tốt cũng phải bằng lòng thế này vậy.

Mạch nha mầm mộng nếp cái hoa vàng kết đôi xôi nếp cái hoa vàng đã khó. Dễ gì mạch nha thạch lựu! Vẫn mầm mộng nếp cái hoa vàng, vẫn thức kết tinh thương yêu và kỳ công cùng với sản vật tồn sinh từ thuở lập địa trung du, nhưng xôi không chỉ thuần xôi nữa. Chõ xôi đồ thêm lượng hạt sen mọc trong đầm chùa Cao chiếm một nửa nếp. May mà vụ nào Trụ Trì cũng sai ni cô mang sang biếu Nội tay nải mươi cân hạt sen thơm thảo. Hạt sen được nhà chùa tuyển cữ, phơi hiêng nứt vỏ sành, tách nhân, thông tâm, bóc áo lụa, bà chỉ việc bỏ ngâm cùng với hạt nếp và lên bếp xôi cùng. 

Và không thể thiếu thứ lá chè shan mọc sau chùa Cao từng làm nên danh tiếng thạch ốc trà huyền hoặc.

Tôi mắc chứng nhìn cây cao đã rủn tỉ. Việc hái lá chè shan bánh tẻ, tôi đành muối mặt đứng dưới giữ thang tre để ni cô trèo leo như  chú nhóc sơn tràng nhoăn nhoắt. Bà dặn, không phải lá bánh tẻ của cây chè nào cũng có thể làm macha, nên chúng tôi tìm mỏi mắt mới kiếm ra cây mọc kẹp giữa khe đồi, cây mọc dưới bóng đại thụ âm u. Cung cúc vác thang tre luồn rừng, mắc trước dây bìm, vướng sau gốc cụt, tôi ấm ức cho sự kém cỏi của mình. Ni cô mặc tôi xoay xỏa, tung tăng như con sơn dương băng lên trước. Ngó nghiêng. Khi tôi nhàn xác được tí, tay gạt mồ hôi, tay vẫn phải giữ khư khư cái thang. Và cứ nghển  lên ngắm  nàng vắt vẻo buông chân, tay vín, tay hái từng nẹn lá thả vào sọt đeo lưng. 

Những cây chè sinh trưởng nơi thiếu nắng sẽ tích tụ hàm lượng chất diệp lục tố nhiều  trong lá hơn những cây chè mọc nơi giàu nắng. Bởi thế lá bánh tẻ của những cây chè khốn khổ ấy bao giờ cũng có màu xanh đậm hơn những cây chè bình thường.Và đương nhiên macha chiết từ thứ lá chè cớm nắng sẽ cho vị ngọt êm dịu hơn, chứa nhiều dinh dưỡng, đặt biệt là các vi chất tôn tạo dung nhan con người luôn tươi trẻ. 

Từ lá chè bánh tẻ chúng tôi thu hái thành matcha thì bà phải tốn cơ man mồ hôi và tâm lực. 

Bà thuộc lòng cách thức chế macha. Chế tươi và chế khô. Hay nói chữ theo cách của bà là kỹ nghệ hỏa và kỹ nghệ thủy . Phương thức nào cũng cần sự vi diệu riêng. 

Lá chè bánh tẻ rửa nước giếng để ráo, dọc gân, thái chỉ rồi giã nhuyễn trong cối đá xanh, lọc bã, gạn nguyên nước tinh vợi ra mâm đồng, căng lụa che đem phơi khô dưới nắng đến khi nào kiệt nước thì sẽ được cốt lá chè khô đóng váng dưới đáy như lớp oxit đồng. Lấy thìa đảo nhẹ, thứ váng xanh đã vụn biến. Ấy chính là macha của kỹ nghệ thủy.

Kỹ nghệ hỏa thì phơi lá chè trên nong nia vài nắng, khi để trong râm bóp thử thấy bản lá vụn vỡ tí tách là độ khô đạt chuẩn. Thả lá khô vào cối đá, dùng tay vò bóp cho thịt lá rời gân xơ. Bỏ gân xơ, dùng chày gỗ giã đều khi lá tơi vụn thì lấy rây rây bột lá lọc bã. Bột lá ấy lại được nghiền giã một lần nữa rồi trút vào chiếc máy thổi bột macha. Bà nâng niu cái máy như đứa trẻ sơ sinh.

Cách cái máy mấy bước bà đã quát:

- Chớ táy máy vào đấy. Hỏng là chết với bà.

Mất vài buổi, Nội lắp ráp những chi tiết cơ khí bỏ đi của những chiếc đồng hồ hỏng thành cái hộp kì cục. Bà lục rương lấy chiếc khăn lụa cũ may ống túi. Hai thứ kết hợp với nhau mà thành máy. Và cũng chỉ một mình bà mới biết vận hành đúng cách để thu được tinh bột macha thượng hạng. Thứ macha chuyển xanh màu nước và hòa mình vào nước cốt mầm mộng sậm sịch trong nồi đồng đỏ 

Tôi và ni cô nhìn nhau, lượn quanh, nghiêng ngó ngắm, cái hộp gỗ mít, bên thành gắn cánh quạt chạy pin Con Thỏ, đối diện là miệng túi lụa mịn dài như ống tay áo, phật phờ. Bật công tắc là cánh quạt chay ro ro. Bao nhiêu li li phân tử diệp lục bay bùng theo sức hút, đẩy của gió tập trung hết vào đáy túi lụa. Nó chẳng khác gì cái quạt hòm, quạt thóc lép kê ngoài kho rơn được thu nhỏ. Quạt hòm thì miệng thổi thóc lép bay loạn, còn chiếc máy, chỗ  được căng kín chiếc túi lụa hứng giữ phân tử macha không cho tản mất vào không khí.

 

6. Tờ mờ sáng, bà quờ đôi dép, khẽ khàng đi xuống nhà bếp mở chiếc mẹt ngâm xôi đã vào cốt mầm,  chưa kịp khen vị ngọt lành như nước mía gặp gió may thì tôi đã lồm cồm tụp khỏi giường ôm lấy cổ bà bắt đền không đánh thức…

Mẹ canh bếp củi cháy rùng rùng. Nồi đồng đỏ đánh bỗng rượu bóng sáng như tráng men tía, trông như cái đầu khổng lồ ứ rượu. Xôi và bột mộng sau một đêm giao hòa đã sinh nước cái sột sệt có vị ngọt đường. Nhưng thế đâu đã đủ, cần đổ thêm nhiều nước nữa. Đun nhỏ lửa, tay đũa luôn quấy đều. Cần mẫn như những vòng kinh cầu chủ nhật lê thê mà bà vẫn đọc rầm rì, rầm rì sau bữa cơm tối đến khuya hoặc rạng sáng người ta đi chợ đón hàng về. Nước cốt không được sôi bồng. Đợi đến khi nào nước sánh lại, tay quấy đũa nặng nặng. Thăm nước cốt thấy nhạt màu và luyễn loãng thì phải rắc thêm bột mầm. Nấu âm ỉ cho sánh rồi tiến hành lọc cặn lần thứ nhất để lấy dịch đường thô. 

Mẹ giữ miệng túi may chập đôi lượt vải màn hoặc vải bông thô. Bàdùng gáo dừa múc dịch đường còn sôi ngậm tăng trong nồi đồng đỏ. Bà buộc thít chặt miệng túi. Mẹ bê chiếc thớt nghiến đặt lên túi vừa được gác lên cái giá đỡ tre bốn chân như cái ghế băng, dưới đặt chậu hứng, thúc ép dịch đường thoát nhanh khỏi bã.

Thu được dịch đường cần phải đưa lên đun quấy tiếp tùy cữ tiết và độ đậm nhạt của nước dịch mà từ sáng lấn sang chiều. Có mẻ mộng đôi khi phải đun liên tục mười hai tiếng mới nhuần. Bà và mẹ chia ca ra mà quấy đũa, canh lửa. Hết đứng lại ngồi ghế. Giác quan căng căng đề phòng quá nhiệt, sát nồi khê khét. Tăm sôi chìm, gợn gợn sóng, khói tỏa đều mặt nồi. Độ nóng luôn giữ ở mức ngâm chín trứng gà trong năm phút là chuẩn. Sự kết hợp tay đôi chỉ dựa vào cảm giác. Tay đũa chậm, hương thơm dịu thì lửa nồng. Hương thơm nồng, tay đũa nhanh thì lửa nhỏ.  Chỉ một phút xao lãng lửa, tay đũa, hương thơm nước cốt đang keo là đi tong nồi nước mộng.  Lấy kẹo non thì pha nước mộng loãng, lấy kẹo già thì pha nước mộng đặc. Kẹo non thì để bán cho người nhà hàng pha chế nấu bánh kẹo. Kẹo già hay  kẹo quánh để nhà dùng hoặc dành cho các bà, các chị đi gánh rong đổi lấy lông gà lông vịt...

Mạch nha nịnh vị hay phá vị, trữ lâu được hay không là do ở nghệ thuật nấu "cô". Nghệ thuật tách bớt phân tử nước khỏi thủy cốt. Phụ thuộc vào duyên và tay người nấu. Đương nhiên bà nổi tiếng là người dư duyên và có tay cầm lửa nhất làng. Mạch nha bà nấu thơm dịu, nhã vị thanh trong mà không cần hồ với bột, ngọt mà không cần viện tới đường.

Mặt thủy cốt bỗng im gợn, hơi nóng bốc lên mỏng sáng, bà liền ra dấu, mẹ ngừng nuôi lửa. Chị cả liền đưa ra chiếc túi lụa, rút dây buộc, thả bột macha vào nồi thủy cốt đang dần dần chuyển danh tính. Mẹ giành việc thay nhanh tay đũa khuấy cho bột macha không dính vón, đầu đũa không bị sít đáy nồi. Đây là thời điểm hệ trọng, nhanh chậm một vòng đũa khuấy là món mạch nha màu thạch lựu của bà sẽ bẽ bàng danh phận. Dư nhiệt, chậm tay khuấy thì mạch nha sẽ đắng khét. Mà thiếu nhiệt, nhanh tay khuấy thì mạch nha sẽ không dẻo quánh tự nhiên. Chống nẹ quan sát, ánh mắt khói sương của bà le lói tia vui.

Tù chân, mỏi người gấp mấy nuôi tằm và nấu bánh đúc cộng lại. Sau mỗi lần nấu kẹo đôi bàn chân bà sưng phồng không đi vừa đôi dép xỏ ngón nửa. Bà ngồi trước hiên, chị cả vội vàng đi múc chậu thau nước giếng để trước mặt bà, ni cô nhẹ nhàng nâng chân bà đặt vào chậu. Chớp chớp, bà ngẩng lên nhìn trời:

- Dễ chịu quá, nhất hai đứa cháu gái chấy rận của bà…

7. Mạch nha macha vượt quá  kỳ vọng của cả nhà. Thi thoảng Nội lại mở  nắp âu sứ Limoges men lam cổ điển đựng thứ mạch nha màu thạch lựu ngắm không chán   sắc xanh tảo lục thẳm thẳm tựa đáy đại dương ấy. Nghiêng chiếc âu, thấy mạch nha không đổ dồn, Nội lại chạm tay lên bề mặt nghe ngóng. Bàn tay Nội giơ lên dưới ánh nắng. Bàn tay trắng tinh.

- Mạch nha thạch lựu tìm đến sứ Limoges thì đúng quá rồi…

Nội từng búng vào chiếc âu giảng giải tôi hay:

- Đây là loại sứ trải qua hai lần nung. Lần nung thứ nhất kéo dài khoảng 24 tiếng: 12 giờ đầu nung ở nhiệt độ 960 độ C, 12 tiếng đồng hồ sau sẽ giảm dần. Lần nung thứ hai cũng kéo dài khoảng 24 tiếng với nhiệt độ 1400 độ C. Sản vật do con người tạo ra thì chẳng có thứ gì tốt đẹp mà lại không phải hao tâm tổn trí, chưa kể là phải tốn thời gian và tiền bạc…

Nội đã định buổi mời Cha Xứ và Trụ Trì chùa Cao thưởng lãm món mạch nha thạch lựu. Chỉ còn chờ cuối tháng ông lông gà lông vịt lên góp mặt mới đủ hội quần anh. Và cũng đúng cữ ấy tinh thể glucose mầm thóc nếp phối nhiệt với tinh bột xôi nếp, hạt sen, diệp lục tố, axit amin  đã cân bằng an nhiên đạt đến siêu vi của độ ngon. Những hạt ngọc trai lăn lóc trong hộp gỗ huỳnh đàn của bà cũng đã được tắm nước hoa hòe, sẵn sàng chờ bọc mạch nha thạch lựu… 

Một buổi sáng cây hòe bỗng dưng trút xanh ào ạt mà chẳng hiểu vì sao. 

Những ngò hoa chớm vươn héo quắt. Cánh nhánh chới với giơ như xương khô…

Lão Thụ Thị xin cây hòe làm củi, hôm cưa cây cành gãy trúng đầu.

Chiiều xuân nắng dệt hoa đường quê, lão Thụ Thị dẫn ông tài chính xã và đám dân quân xông vào nhà Nội lập biên bản vi phạm chính sách an ninh lương thực. Họ tống chiếc âu sứ Limoges đựng mạch nha thạch lựu vào vỏ bao ure xách đi. 

 Tôi đang mót mạch nha sót dính trong nồi đồng cùng với ni cô, chỉ biết buông tay ngồi phịch. Tròn mắt, ni cô cả gan chạy theo túm chặt vỏ bao ure thì bị dân quân đẩy ngả uỵch giữa sân.

Cha Xứ  kéo Trụ Trì ra ủy ban trình bày gì đấy, nhưng dân quân ách các vị đứng ngoài cổng không tiếp.

Mấy ngày sau, ông lông gà lông vịt thất thểu đi bộ đến nhà Nội. Đầu trần trơ trơ khoảng trán hói. Kính tròn vỡ một mắt. Quần rách túi. Trán bầm tím. Chiếc xe kính coong bị tạm giữ. Ông cũng dính tội vi phạm chính sách lương thực. 

Bà ra tận đường đón ông vào nhà. Trong khi bà pha trà, Nội với ông lại khà khà trò chuyện. Nội chìa tay về phía mặt bàn trống.

- Đây là mạch nha thạch lựu có nhiều sinh tố, hợp tì vị, nhất là những người yếu dạ dày như tôi và ông…

- Dạ, kính ông, món này ăn nhiều không thấy gắt ngán. Cái dẻo thần tình của mạch nha là ở đấy…

Ha ha ha. Ha ha ha. Ha ha ha…Tiếng cười của người già dẫu cố sức nghe vẫn hụt hơi.

Sau rắc rối của Nội, xóm xa, xóm gần ngóc ngách làng Lịch chẳng ai ho he làm mạch nha bằng lúa nếp, xôi nếp nữa.  

Những ngày xuân sáng nắng bỗng lê thê. Nội tròng chiếc kính lúp vào một bên mắt, nhưng lại nhìn lên cánh đồng trời mây trắng. Dường như Nội chẳng muốn làm phiền đến chính cả bàn thân mình. 

Ni cô cũng bị trục về mạn biển. Danh sách tập tu người ta soi không có tên nàng từ ngày đầu duyên khởi với chùa.

Thèm thứ tương tự mạch nha, người ta sáng chế ra công nghệ nấu mạch nha từ củ dong riềng, củ sắn thế thân mầm thóc nếp. Đôi khi người trong họ mang đến biếu Nội thay cho việc trả công chữa đồng hồ bằng thứ mạch nha chẳng giống ai đó, bà hỡ hững cảm ơn rồi mang đổ thẳng xuống bến ngòi láng Nong.

- Chẳng có thì chớ, dùng mạch nha mỹ ký đó là hỏng khẩu vị các con ạ. 

Việc luyện kẹo mầm của bà tôi chỉ là lát cắt trong mấy trăm năm lưu truyền mạch nha Việt. Giá không có đận ấy, hẳn ẩm thực làng Lịch vẫn tồn sinh tương kết nước cốt mộng nếp cái hoa vàng với bột trà shan thành mạch nha thạch lựu. 

Bây giờ, kẻ rỗi việc nông nhàn vẫn bon chen đi gom lông gà lông vịt tóc rối.

Bột giặt, nước thông cống đổi trao. Tiền lẻ trả ngay.  

Ưu tư của bà, lo toan của mẹ, xăng xái chị cả đã nhòa vào hương nếp cái hoa vàng chờ nở mộng giấc xanh, vào gió mưa trung du vào nắng dãi lộng bên đồng, vào chuông nguyện sớm mai, vào mõ tụng kinh chập choạng. Bao kiếp sinh ra để san ngọt sẻ bùi, ảnh hình người thương nhân nhu chờ vẫy, tôi dang ôm chỉ những tay vương vơi khoảng trống. 

Địa chỉ trần thế của ông bà xóa đã lâu, bỗng một ngày làng Lịch nhắn tôi về nhận bưu phẩm giúp Nội. Tên người gửi ướt nhòa, nhưng dấu bưu cục Paris ấn kiểm còn rõ tháng ngày hơn hai mươi năm trước, đúng đận Nội kịch phát cơn thổ huyết. Trong hộp xốp loang ố là chiếc âu sứ Limoges men lam y như năm nào.

Không hiểu sao lưu lạc từ ấy thời gian chiếc âu sứ mới tìm được về với Nội.

Tôi úp mặt vào lòng bà thổn thức cũng ngần ấy nước chảy bèo trôi.

Mùa xuân nắng gieo cho nếp hoa vàng làm mộng…

 

N.T.T.K  - Tháng 10  năm 2016

 

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook