CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tùy Bút

CẢ MỘT XUÂN THÌ TRONG CHÉN ĐẮNG

Thứ bẩy ngày 30 tháng 12 năm 2017 12:00 AM

1.

Mưa thì thậm. Cuối đông bụi mưa lửng lơ như vừa có vốc bột gạo khô tung trong không. Khí xuân còn xa nhưng đã rờn bước vệt đường cát mờ trắng trườn qua những vạt đồi thon chạm vào cánh đồng chân trời sậm tối. Bầy đom đóm tâng mình vẽ quỹ đạo bổng trầm.Tòa núi Ba Vì xanh đen vẻ u mê. Khói hóa bổi* đốt nương ban chiều hòng gieo vớt lứa cải muộn nơi bản Dao lưng núi lửa còn ánh lắt lay.

Tiếng chim đêm xuyên thinh không chẳng rõ sang sông, xuôi bến Trung Hà hay ngược Kỳ Sơn mía tím xứ lang đạo Mường

 Cún Cointreau** úp sấp bên bếp gộc tre, dim mắt, phiến lưỡi thè le như cánh hoa dâm bụt, mõm gác hai cẳng xoải phía  trước bỗng vọt dậy thốc ra đầu ngõ bạch môn, sủa ấm ẳng như vướng giẻ rách. Tiếng đàn ông quen quen chua the, cuống.

- Suỵt…suỵt…suỵt…khôn..khôn..nào… ngoan ngoan nào…ào…

Nội trầm im trên bộ kỷ chập chờn chấm nến son, lắng nghe và nhanh tay vơ chồng sách báo tiếng Pháp cũ nhét dưới gậm, xong xuôi mới hắng giọng. Con Cointreau biết phận giật lui vào trong hè, chưa thôi cảnh giác grừ grừ grừ…

Bước chân người rụt rè nửa tiến nửa dừng.

Bà cầm chiếc đèn đồng trái lê, vặn cao bấc, mở hé cánh cửa gỗ, bản lề rít ken két như đang vặn răng ai đó. Dầu cặn lau máy đồng hồ quả lắc thải ra ê hề, không hiểu sao Nội không bôi trơn cho cánh cửa chuyển động êm ả. Mỗi lần mở cửa là một lần như cố tình trêu ngươi thính giác.

Quầng sáng vàng uột nhưng đủ nhận ra người đàn ông mũ lá cọ lòng khòng trong chiếc áo dạ lính lượt thượt rạp bên chiếc xe đạp trâu đen trũi, ghi-đông vểnh hắt lên.

- Bác Thụ Thị phỏng ạ?

- Dà…dà dạ vâng…vầng.

Lập cập, Thụ Thị xoay chiếc túi dết bưu tá ra bên sườn cho dễ thở, ngó quanh sân ngõ. Bà nhắc khéo:

- Cứ dựng xe đấy bác ạ, vào nhà mau cho đỡ giá. Đã có con Cointreau rồi. Tối sờ sệt rét mướt thế này, sao không đợi mai hãy đến.

 Mắt không rời chiếc túi dết căng phồng, ngắc ngứ củ khoai lang nguội với nước trà nóng, lão Thụ Thị tóa mồ hôi bật hàng khuy đồng phanh vạt áo dạ lính màu phân ngựa ngồi thở. Khề khà, lão chuyện xuống thị trấn La Phù, vất vả mưu mẹo ra sao mới lĩnh được bưu phẩm giúp Nội. Nếu lão không ra tay, chắc Nội mất ngày chầu chực nhiêu khê mà chưa chắc đã xong việc. Nội gật gật tiếp thêm nước trà. Bà rót đầy chén vại rượu cúc trịnh trọng mời.

- Quý hóa. May bác giúp, thêm thức này nữa mới giải hàn được.

Dùng dắng mãi lão Thụ Thị mới lôi trong túi dết ra vỏ hộp biscuits bằng nhôm khía rãnh vòng quanh thân như chiếc bánh chưng tày, dán mảnh giấy hồng điều ghi địa chỉ Lịch Sơn, khép nép nâng hai tay hướng về phía Nội.

Thoạt nhìn, Nội đã reo nhẹ:

- A, ông Cự Đạt ở Cự Trữ dưới Sơn Nam Hạ đây mà…

Người hồi hộp nhấc vỏ hộp biscuits, chuỗi âm thanh lắc rắc dồn đuổi nhau như cát xô vang lên khe khẽ. Danh ông Cự Đạt thì tôi nghe lỏm giữa các mẩu chuyện rời vụn của Nội. Ông khởi nghiệp từ chủ đồng muối, ủ chượp mắm và nghề dệt tơ tằm miệt cửa bể mà phất lên. Mở cửa hàng vải trên Hà Nội, như họ Nguyễn Tham, ông trở thành thương gia nơi phố thị từ căn tính nông nghiệp. Mối thâm giao trung châu miệt bể kết qua gian khó thương trường. Hai bên ý định tác thành cho con trẻ để làm thông gia với nhau. Nếu sự ấy thành thì thầy tôi đã là rể ông Cự Đạt…

Chẳng là, trúng lô vải lụa may sườn xám của khách Tân Gia Ba đặt hàng, hãng Cự Đạt huy động trẻ già thợ cửi làng Cự Trữ và quanh vùng tự ứng vốn, đứng khung cửi miệt cả năm mới đủ lượng hàng giao kết. Nhưng chẳng biết thông ngôn tác tộ thế nào khổ vải bị sai kích cỡ khi biên hợp đồng. Nguy cơ Cự Đạt mại gia sản, lô lụa làm giẻ lau, không đủ tiền trả thợ bạn. Tình cờ, Nội gặp bạn say gục trước tửu lầu góc phố Hàng Đường. May, trước đó một tuần ông khách Nhật mua nhựa sơn Lịch Sơn bấy lâu, ngỏ ý nhờ Nội kiếm giúp nguồn cung vải lụa làm khăn tay.

Ông Cự Đạt thoát phá sản gang tấc.

Hai năm sau, Nội mắc lô thùng gỗ sồi với chủ thầu bao bì rượu Fontaine. Ông ta cố tình vạch vòi gỗ có nhiều mấu mắt, các thanh nan ghép thùng không đều để ép giá. Chồng chất thùng gỗ che chiếu cói lá cọ cả tháng bến phà Đen, đai mây, chốt tre bắt đầu lỏng lẻo, thì lúc ấy ông Cự Đạt hay sự tình.

Nội tính bán tháo cho xưởng ép dầu sở trên Bắc Ninh thì ông Cự Đạt dẫn cả đám người làng Cự Trữ đến vung tiền mua gọn số thùng gỗ sồi ế ẩm. Nhà chuyên nước nắm thì mua đôi chục về ủ chượp. Nhà dệt lụa ươm tơ cũng dăm ba thùng gỗi sồi Phú Thọ về đựng nước mưa. Chủ thầu bao bì rượu Fontaine dài cổ đợi Nội vỡ trận, quay lại thương thảo mua lại với giá đã thỏa thuận thì đã muộn.

Tò mò khiến lão Thụ Thị hổn hển thở dốc từng chặp. Nội cứ nhẩn nha xoay ngang xoay dọc chiếc vỏ hộp biscuits như chẳng có việc gì quan trọng hơn.

- Ông bạn biếu quà. Biết nụ vối hương hay nụ vối chay đây?

Lão Thụ Thị chau mày khổ sở. Dường như lão đang thất vọng, chẳng lẽ chỉ là nụ vối mà phải đựng trong hộp nhôm? Ánh mắt lão tối nghịt nghi ngờ.  Nội với con dao cau, tách lớp giấy niêm phong gắn xi bưu phẩm. Trong hộp chỏng chơ một bọc lá chuối khô bao mấy vuông kẹo lạc thanh. Dưới đáy chiếc túi vải thô bọc khoảng nửa cân hạt vối. Nội bày tất cả lên mặt tíu. Lão Thụ Thị tiu nghỉu, gãi đầu. Bà biết ý lần bao gấm, đưa ra tờ bạc lẻ:

- Bác cầm tạm mai ăn bát bánh đúc cua cho mát dạ...

Lão Thụ Thị hỉ hả đứng dậy.

Ấm trà lạnh ngắt, Nội thừ người trước món quà của bạn cố tri. Kẹo thì vẫn như mọi lần, những mảnh hạt lạc rang thục vàng như tẩm mật ong, căng bóng được mạch nha trong như pha lê thấm sáng ánh ngời dưới đèn. Chẳng hiểu người thành Nam có bí thức gì mà kẹo lạc chỉ cần bọc lá chuối khô, yên vị mươi tháng trong chai lọ kín gió lúc bày thưởng cùng nụ vối hãm thì mạch nha vẫn tan giòn, nhân lạc vẫn hươm mình mảnh lá mầm như mới thoát khỏi chảo rang…

Trên lòng tay nhăn bệch, nhúm nụ vối chay như đám bi sắt cứ lăn qua lăn lại giữa những đường chỉ tâm đạo sinh đạo, Nội thẩm hương hai ba lượt hy vọng tìm kiếm vị hương nào đó mà không thấy. Nhạt hoét. Trơ trọc. Không khí sệt quánh như hang động. Dường như không tin, Nội nghé răng nhấm thử đôi chiếc nụ, chẹp miệng hồi lâu, hai tay buông thõng. Đưa tay, Nội vén mớ tóc mai bỗng bết mồ hôi.

Bà thở dài.

Dựa kỷ, nắn xe điếu trúc lập bập, Nội châm đóm, nhưng mãi đóm chẳng chịu bén lửa đèn. Tiếp siêu nước nữa đặt trên hỏa lò. Bà gắp thêm hòn than hoa dưỡng lửa. Lách tách sao than li ti, nhóa  ánh quang lên thân chiếc lọ sành da lươn đựng nụ vối hương thăn lẳn như trái dưa hấu trên bàn tíu làm mặt lạnh với ấm tích hoa văn lão mai trầm mình trong chậu đồng chờ bà ngâm nước nóng để hãm nụ.

 Chiều đông chập choạng trung du Tây Bắc, cỏ lau, cỏ tế phờ phật trên đồi sỏi khô khát cũng tệp với tâm trạng cô lạnh của con người. Hoàng hôn nung quầng mây trắng trên đỉnh núi Lưỡi Hái rực quái màu tía, Nội lành phành manteau đũi, mũ fedora xám chống gậy hèo dạo quanh nẻo đường mòn qua những trảng cỏ trống trồi lên những gốc cây sơn cháy đen nối tiếp đỉnh đồi xuống lũng sạn cát sỏi.

Thoảng Nội dừng bước, nhấc mũ cầm tay, cúi rạp trước những cơn lãnh phong như phi tiêu xuyên qua mái tóc bạc thưa gày, bùng bay.

Và buổi tối tiếng radio Philips cạn pin nhẽo nhẹt, Nội quẩn quanh không pha trà thì hãm thăm kiểm mấy lọ nụ vối ướp hương chờ Tết chìm về  đời sống ký ức rộn sắc hội hè long trọng, dềnh dang và lề luật giao thương trọng tín tình. Phô cái đẹp cái hay với nhau là để tương kết học hỏi chứ chẳng nhằm chơi trội. Sự kiêu hãnh lớn nhất chính là sự nhún nhường, khiêm ái…

Do thẩm nụ vối hương Sơn Nam Hạ lâu năm nên tự Nội điều chỉnh nụ vối hương Lịch Sơn có cả hai thuộc tính của trung châu và miệt biển. Hương hậu và trường nước.

Khi Nội nâng cái chén tống da lươn, dày cộp sánh nâu thứ nước thoảng vị thuốc nam mời bạn, nói:

- Nụ vối hương Lịch Sơn kém vị đậm hậu của thổ ngơi vùng biển cồn gió sóng.

Tức thì ông Cự Đạt mủm mỉm.

- Ông mến quá nên chiếu cố, nụ vối hương Sơn Nam Hạ thì có đánh đổi ba đời cũng không có được cái hương thanh vô vi của rừng núi sông suối vùng Lưỡi Hái…

Xoáy ngầm tụ dòng khí đất Thăng Long chứa phong vật muôn nhà nông xứ Bắc mà đắp bồi nên văn hiến Việt của giai tầng quý tộc vẫn có nụ vối hương song hành những ngàn năm. Thưởng dưỡng nước nụ vối hương không thuần là biểu tính tinh kỳ của thói chơi mà là chỉ dấu của đẳng cấp khẳng định một giá trị đơn biệt thuần Việt.  Nó là tín điệp cho bạn hữu khi kết năm cũ và đón năm mới của quan lại và thương nhân thành đạt chốn kinh kỳ.

Cẩn trọng kiểm chất đồ sêu Tết chẳng riêng nhà Nội, mà bất cứ ai cũng canh cánh lo quà lộ cộ lỡ đem biếu tình thâm ê sái giấu mặt đâu cho hết năm. Mỗi mùa mỗi thức, mối giao tình bạn thiết đều được sản vật đặc hữu làm cầu nối lại qua. Dĩ nhiên với nụ vối hương thì Nội biếu ông ngoại, Cha Xứ Lịch Sơn, Trụ Trì chùa Cao và đôi ba địa chỉ dưới Hà Nội.

Nhận quà nụ vối chay, mấy ngày Nội hết ra cổng ngóng mây gió lại vào đặt tay lên âm giỏ trầm ngâm. Một tối chuông Odo gõ 9 giờ, đom đóm vẽ vòng ma trơi ngoài vườn, bữa tối đã đủ lùi xa để bao nhiêu cay chua, loạn tạp đã yên êm thì với ấm tích nụ vối hương hãm đủ lượng độc ẩm để cảm nhận vi hương mùa mới, Nội bảo bà:

- Có lẽ tôi phải xuôi Sơn Nam Hạ một chuyến. Ông Cự Đạt có điều gì không ổn…

- Vầng. Ông tranh thủ thẩm vị hương nụ vối nhà ta đi. Tết sập đến nơi, cũng phải có thứ biếu ông Cự Đạt. Để tôi mua mấy chục trứng gà làm chút bánh tằm thơm thảo kèm theo đến nhà người ta. Chẳng nhẽ ông đi chơi tròn trõn mấy nhúm vối nụ…

Gọi là bánh tằm, đơn giản vì hình dáng tựa con tằm co thân thì nhả tơ. Bánh hợp dung của bột gạo nếp quạ đen giã khô, nhồi nhuyễn bằng nguyên lòng đỏ trứng gà, chao giòn trong mỡ lợn ỉ rồi thắng đường phèn đun chảy nhỏ giọt hoa cúc. Tôi dám chắc chỉ riêng bà giữ bí quyết làm bánh tằm đặc hữu của dòng họ, thứ bánh cất trong thủy tinh cả năm vẫn nức thơm vỡ giòn mỗi miếng.

Đấy là món sánh duyên khi chiêu ngụm nụ vối hương hay trà cũng đẳng như vai vế kẹo lạc kẹo dồi Sơn Nam Hạ với nước vối nước trà xanh dưới ấy. Thứ bánh gạo hội các cung bậc bùi của nếp có ngậy của lòng đỏ trứng, có béo của mỡ và ngọt của đường, tất thảy những vị dưỡng sinh từ ruộng vườn trung châu. Tối tối bà tỉ mẩn chế tác món bánh tằm thì bên quầng sáng nến như vành nón nghiêng nhòa, mình Nội hãm một ấm nụ vối hương trong số những lọ sành để tường minh phận định hạng bậc nụ vối hương trong một năm.

Bà dưỡng nếp sao ủ nụ vối hương trong duy giữ muôn thức yến ẩm xưa của dòng họ dường như là nghĩa vụ tâm linh với tổ tiên chứ không hẳn là để làm đẹp lòng Nội. Thoạt nghe thì có vẻ nhuốm màu mỹ học như là kết tinh nghiệm sinh ẩm thực trung du của tầng lớp điền chủ qua biến loạn bỗng hụt hẫng trở nên vô sản…

Cùng chiết từ nụ nõn búp lá khô, tươi, tùy vối hay trà người ta dùng một động từ hình dung khác nhau. Vối hãm trà pha. Bởi vối bỏ vào nước lạnh đun lên tới độ nào đó thì dừng. Trà thì không. Trà nhạy cảm, dễ ngấm, dễ hòa vị hương trong nước sôi mắt cua. Nụ vối ủ, phơi, cất trữ năm này nối năm kia, mười mấy năm có lẻ, càng ẩn trên gác bếp càng sắt mình, nụ vối chẳng dễ đổi thay một khi đã qua công đoạn sang hương thì phải dụng thuật cách hãm mới ra nước vối như ý.

 

 2.

Không ít tộc người châu Á biết sử dụng dược tính của vối. Nhưng biến hóa nụ vối, lá vối để trở thành thức uống đặc hữu chắc riêng xứ Bắc Việt người ta mới tích hợp đa giai điệu.

Vối ở rừng. Vối vào vườn. Giống vối nếp lẫn vối tẻ đều bạn thiết của người Việt mọc trên bờ ao, bờ đầm, bờ kênh đượm phù sa sông suối bồi đắp nên đằm hậu, ậm ừ phẩm tính nông phu. Thức từ vối cũng chiết từ nụ, lá bánh tẻ, lá già chế biến, ủ phơi, sao tẩm cũng uống nóng uống lạnh tươi khô. Nhưng nóng hay lạnh khô tươi đều cho phong vị ngọt riêng, đắng riêng, tường minh vị giác. Bởi sau dư vị đắng là ngọt. Sau ngọt là chua. Nên vị đắng mới là nỗi ám bền chặt tâm tưởng con người.

Cây vối lù đù rũ bóng xanh bên góc ao vườn nhà như một kẻ làm công không thơm danh phận như trà. Chàng thợ cày cần thì tu, khát thì uống chứ không khen không chê nước vối. Mỗi năm chỉ một lần ngắt lá, hái nụ ngâm ủ xao phơi là đủ đầy ấm tích, nấu ủ ấm đất uống cả tư mùa. Trong bếp mỗi gia đình người quê Bắc Bộ đã ngàn năm tròn ủm chiếc ấm sành phủ trắng tàn củi hãm nước vối nối đời vừa uống vừa chan cơm và làm thuốc nam giữ nhà…

Tẻ hay nếp, cây vối xuề xòa chỉ cần đất đủ kín rễ, giữ ẩm, không quá phèn, cắm xuống đất bén rễ là lên như lôi, không giật tranh ngôi thứ, thân thiện với mọi giống cây khác trong vườn.

Năm đời người mới bằng một đời vối. Người già về lẫn với đất. Vối già thì người chặt gốc, xẻ thân thành ván. Gỗ vối thuộc họ trâm, dai, quánh, nặng, chịu mối mọt, dùng làm náng cày, tay bừa, chuôi dao, chuôi liềm, cánh cửa, rương, hòm quạt lúa, cán cuốc, cán cào. Cành vối chẳng bỏ đi thứ gì. Lá nụ thì đã đành, cành để làm củi, dựng bờ rào. Vỏ thì bóc ra phơi khô đun nước tắm cho con trẻ sài đẹn, ghẻ lở hoặc làm thuốc nhuộn những vuông vải diềm bâu để may áo ba lỗ cổ vuông hoặc làm khăn mặt

Vối đứng cuối bờ ao, soi ven mương nước, ngả mình cuối bờ rào cũng chẳng sao. Chẳng có ai nỡ đốn chặt, vặt cành tỉa lá. Chất kháng sinh trong vỏ, lá, nụ hoa không sâu bọ nào hãm hại nổi. Lơ đi mươi năm, vối đã vạm vỡ thân mộc chiếm xanh rưng rao một góc vườn. Nếu là nước vối dân giã thì người Việt nào mà chẳng tường tỏ nguồn cơn về vối. Việc hái lá, nụ đem ngâm nước ao vớt lên ủ mươi ngày, phơi khô cất kỹ rồi trầm nước sôi là thành nước vối. Hoặc vặt lá nụ tươi thả vào ấm nước sôi cũng có thứ nước uống đắng ngái tê tê hấp dẫn, uống no không ngột…lại tiêu cơm nhẹ mình.

Nhưng là nước vối ngự ngày Tết thì tâm sức bỏ ra là cả hành trình mong manh giữa thất bại và thành công của bà và Nội. Thứ nước vối của tầng lớp địa chủ Việt ẩn thân nơi thôn ổ hay lẩn trong đám đông thành thị thì cũng cùng đẳng cấp. Đã là “quí tộc” thì họ có kênh riêng giao tiếp với nhau dưới dạng ẩn ngữ, không phải ai cũng tham gia, một dạng hội Tam Điểm. Phương tiện cho kênh giao tiếp ấy là sản vật trong đời sống hàng ngày.

Và sản phẩm của cây vối chẳng biết bao giờ đã nằm trong danh sách những vật mật thư giao tiếp. Gửi biếu một lạng nụ vối tiêu ướp hương sói thì có nghĩa rằng, tôi năm nay  nhờ giời vẫn đủ ăn nhưng không đầy đặn. Hì, vì rằng hoa sói chỉ nở có mấy tiếng mãn khai rồi rụng ngay. Không nhanh tay thu hái thì hạt hoa rụng hết. Còn gửi biếu lạng nụ vối ủ đa hương ngâu, sói, mộc thì rằng, năm nay nhà tôi khấm khá, lộc nhiều, tôi có thể san sẻ giúp ông bà được ít nhiều. Nhận được nụ vối chay, biết rằng bạn bè năm nay vấp chuyện buồn, cần yên tĩnh một thời gian, chưa biết bao giờ gặp nhau, khi nào tiện thì sẽ tin sau…

 

3.

Nội xoe môi nhả khói thuốc lào, ngước hờ ra ngoài mông lung. Đêm đen thì đêm nào cũng vẫn đen như thế. Những đêm đông trước xuân càng khiến người ta cô quạnh. Người già trong mùa đông mà nghĩ đến mùa xuân thì ăm ắp bao nỗi truân chuyên.

Lọ sành đựng nụ vối ỉu xìu phủ trắng tàn than hỏa lò.

Nếu như những năm xưa thì hộp giấy bản phất nhựa trái hồng xanh trông như thứ giấy ép bằng cám gạo, xếp bánh đậu xanh của các soeur nhà thờ Giáo xứ Hải Dương làm, hoặc dăm chục hạt mứt sen hồ Tây mà cũng có thể là nâu trong hổ phách cánh long nhãn phố Hiến…Và sánh bên là âu pha-lê đựng món bánh hình con tằm lá dâu vàng mơ cuốn mình ngủ phủ lớp áo tinh thể đường phèn mía de óng ánh tựa kim sa.

Nhưng giờ trong chiếc hộp giấy méo góc ngơ ngác mấy vuông đậu xanh ngấm hơi, xuống màu vàng sậm. Niềm kiêu hãnh Lịch Sơn- món bánh tằm của bà khiêm tốn bốn năm chiếc nép dưới đáy âu pha-lê, vẻ  đơn độc rầu rầu.

Bà dội nước sôi tưới đều khắp mình chiếc ấm sứ cây mai phủ phục dưới thau đồng. Lụt phụt nước sôi già sẻ nhiệt. Nội dừng nhả khói thuốc.

-  Bà thau kỹ ấm đỡ tôi chưa?

- Tôi hầu ông bao nhiêu năm nay rồi. Ngây dại gì nữa mà phải nhắc hử ông mọ.

- Ờ, biết. Nhưng tôi vẫn phải đề phòng thói quen cố hữu của đời.- Nội lầm rầm.

Nước vối muốn thanh, ngon thì ấm phải được thau rửa sạch cao vối bám lòng ấm những lần hãm trước. Cao vối là thủ phạm gây nên nước vối không tĩnh màu. Ấm chuyên pha trà của trà nhân thì nâng niu cao trà như lớp vàng mười mạ đồ pha lê. Hương vị trà vốn mỏng và hẹp nên cần sự dung dưỡng của lớp cao trà cựu làm nền đỡ đần. Ngược lại, vối hương vị vốn nồng đậm, hàm lượng cao đậm đặc, nên càng tối kỵ vương vất cao cũ bám vách ấm. Chỉ một lần hãm là lòng ấm đã chuyển màu gỉ sắt. Cao ấy thôi ra tan vào nước hãm thục sẽ ang sang vị mai cua. Bất nhã. Uống nước vối ấy thà tu nước lã oi khói còn thú hơn…

Bà lễ phép:

- Dà dà dạ.

Nội dường như chỉ chờ bà đỡ nhịp, lập tức hào sảng:

- Hừ, những vật phẩm mà cả thiên hạ ai cũng có thể chế xuất đại trà, thì làm ra được sản phẩm đỉnh cao trong chủng loại ê hề ấy thì mới thực sự là thách thức…mới thực sự cần đến tài năng khác đời.

 Bà lui ra. Chờ khoảng thời gian nước vẫn đủ nóng khiến giật mình rụt tay khi chạm phải, thì đích Nội nhấc đôi quai mây ấm lên, dùng khăn bông lau khô, ngắm nghía một cách âu yếm rồi mới đặt ngay ngắn vào giỏ ấm tiện từ gốc cọ hom tàn, đai miệng đai đáy bịt đồng vàng, lên nước như sừng mun, vách lòng nhồi bông gạo, chần vải gấm. Chiếc giỏ ấm thửa thợ Sơn Vi của người bạn đồng môn phủ Lâm, tặng Nội hồi đầu tản cư. Màu sứ bóng ngà, hình ảnh khóm mai xanh chàm, ánh loáng lửa lò, rờn rờn sóng nhiệt tỏa. Xoay nút lá chuối khỏi miệng lọ sành, Nội bỗng ngẩn người, thốt lên:

- Hương năm nay dày và trường bà ạ… Nước chắc sẽ hậu vị lắm.

Thận trọng như đang gỡ rối dây tóc đồng hồ với bánh lắc, Nội dùng chiếc thìa tre, cán bọc bạc xúc mỗi lần hơn trăm nụ. Năm lần cả thảy. Mỗi thìa sẻ hai nhịp thả xuống lòng ấm, Nội lắng nghe ron ron từng âm rời nối nhau vang sâu như tuôn hạt đậu giống vào ống tre ngà chạm đáy mới thả nhịp nụ tiếp theo. Dường như âm thanh của nụ vối reo trong sứ, Nội có thể hình dung được độ đậm nhạt vị hương của từng ngụm nước vối sắp uống. Chuyên nhanh nước sôi, Nội đậy nắp ấm, nhúm chiếc núm nắp giỏ đan sợi mây chuốt, bọc gấm đỏ, đen thêu hoa văn kim tuyến. Chờ nhé.  

Giờ mới sờ đến chén. Ấy là loại chén tống, dày mình, miệng nở, đáy thon, trơn truội men ngọc già của các các lò gốm sứ cổ Bát Tràng. Nâng trên tay, ta cảm được trầm trẫm độ trĩu của viên cuội trứng vịt. Ẵm nước nóng hay dung nước lạnh khi cầm chén trên tay khiến ta tràn ngập sự tin cậy, chắc chắn, không quá phải nghiêm cẩn giữ gìn, ý tứ và đặc biệt không bị chi phối cảm giác thái quá về chiều nhiệt. Nó vẫn đủ sang trong sắc vẻ không long trọng của mình. Y như thời trang vải bò kết hợp với ka-ki vậy. Dung tích nếu rót đầy chén tống thì cũng xoẳn một phần sáu ấm tích. Mỗi bộ bày ba chiếc trong khay gỗ sơn mài cốt gỗ mít tiện. May sao, Nội vẫn giữ trọn được cả chén lẫn khay. Cảnh vẻ thì thế, chứ đa phần dân Lịch Sơn, uống nước vối, người lớn thì cứ rót căng tràn bát ăn cơm mà vục, con trẻ ực ngay vào vòi ấm lầm tro than.

Bộ chén úp góc tủ chè, từ chập tối bà đã mang ngâm nước vo gạo,  giờ sáng choang chỉnh chện chờ hầu Nội. Tôi níu tay bà, gần như nín thở, xem Nội thực hiện việc minh chứng cho sự thành bại tâm sức của bao nhiêu tháng ngày, chỉ cần nhấp qua một ngụm nước.

Lật nắp bao giỏ ấm cũ nhưng bên dưới lớp gấm bọc phối màu đen đỏ thêu hoa văn kim tuyến vàng trong ánh lửa vẫn ánh lên hào quang một thời khuất lấp sau bùn đất vẫn vớt vát chút kiêu hãnh với hiện tại. Dựng đôi quai mây, Nội nhấc chiếc ấm tích, tháo nút vòi vỏ sồi bần, vốn là nút chai vang cũ, quỵp cổ tay, tia nước tròn màu café sậm gieo mình sủi bọt trào hương lòng chén tống. Ba chén xếp chân kiềng. Lượt rót thứ nhất theo chiều kim đồng hồ. Lượt thứ hai ngược lại. Và lượt rót thứ ba lặp lại kiểu rót đầu.

Nhìn ba chén nước vối khói nóng bò quanh miệng vòng veo, Nội ngần ngừ như sợ thứ gì đó. Một vài giây chết lặng. Nâng chén nước bằng cả hai tay, đưa về phía bà.

- Mời bà dùng trước và phát biểu ý kiến xem nào…

Bà đỡ chén Nội mời.

- Chết, ông làm thế  này sao tôi dám…

- Thì có được ấm nụ ngon, không có công quả của bà làm sao thành.

Đặt chén của mình xuống khay, bà lại nâng chén ở phía Nội lên vẻ như giận hờn.

- Mời ông…

Ư hự níu tay bà, tôi không nhìn hộp giấy bản có món bánh đậu xanh vào hơi mà hy vọng dồn cả vào chiếc âu pha lê đựng bánh tằm. Người cũng mỉm cười, đặt chén nước xuống, ngước sang Nội, nhón tay bà đưa cho tôi hai chiếc:

- Ăn hương hoa thôi. Nhớ súc miệng nhiều nước vối hương vào. Kẻo sâu răng.

Lơ đãng, Nội bảo:

- Bà dùng luôn với cháu cho nó vui. Tự dưng tôi không thiết tha gì…Bà nhớ đặt mẩu vôi củ dưới đáy lọ nhé. Ông Cự Đạt không hãm nổi khẩu khi dùng món bánh tằm nhà ta.

- Ông phải nếm chứ, chẳng nhẽ không biết vị bánh tằm năm nay thế nào hay sao. Dụng nước vối chay nhạt nhẽo phong vị lắm ông à…

Nội yên yên. Bà cũng không đụng tới mấy con bánh tằm chơ chỏng.

Nội mê nụ vối hương đến nỗi hễ trong họ có tiệc mời, thì bao giờ Nội cũng cười cười giao hẹn với con cháu: “Ừ, ta sẽ đến dự, nhưng nhớ là phải có nước nụ vối hương tráng miệng sau bữa nhé.” Nhưng  Lịch Sơn, mấy ai có nụ vối hương đãi đọa cả đám thế. Chẳng qua cỗ nhà quê ù thuộm, và Nội vin cớ  mang theo thermos nửa lít nụ vối hương, uống sau dùng bữa để giữ dạ. Tại thói quen ấy mà người ta gán cho Nội phong cách tư sản, lẫn địa chủ chơi ngông. Ỉ eo đến tai, nhưng Nội chỉ cười nhẹ: “ Thì sự bình an cũng cần phải đánh đổi chứ!”.

Thuở giao thương, tòa nhà gạch đỏ hai tầng dập dìu khách lưu đổi trao nông phẩm và cũng là nơi chốn các cha xứ giáo phận Hưng Hóa lại qua nên Nội  sẵn trà Tàu nhập trà mạn Bạch Hạc, trà Shan Tủa Chùa. Người làm kẻ ở thì trà xanh, nước vối lá nước vối nụ, nước nhân trần ngày ngày. Nhưng là khách thông gia, hay các cha từ quản hạt trở lên hoặc vào dịp lễ trọng Phục Sinh, Noel, Tết Nguyên đán thì sau bữa mặn thì Nội đãi đằng thức uống dứt khoát phải là nụ vối cựu ướp hương.

Người chơi nụ vối hương mạn Thăng Long hoặc Sơn Nam khi hãm vối thường gia đôi lát cam thảo bắc hoặc nhúm dã cam thảo nhằm tăng hương thêm vị vốn là thói quen của nơi chốn thích nhiều màu sắc dễ thuyết phục tức thì khẩu vị thiên hạ. Bởi nữa, tao nhân xứ ấy sống trong không gian cổ kính vốn nhiều các thầy lang tòng Bắc dược lẫn Nam dược, nên ảnh hưởng dược phương trong ẩm thực cũng phải đạo. Nhưng nước vối nụ Lịch Sơn, thì Nội bảo lưu nguyên thủy vị hương. Thêm cam thảo gì vào cũng chỉ tổn đến chân khí của nụ vối hương đã định bình tròn phận.

Mỗi nơi mỗi xứng với giá trị mà tạo hóa đã ban riêng và ưu ái để cho ai đó đủ tâm tài phát hiện, khởi tạo và nghiệm sinh qua thời gian mới nên một phong cách. Không tự nhiên mà Lịch Sơn có nụ vối hương. Phong cách nụ vối hương không thể tính bằng tiền, bởi nụ vối hương thì phải bắt đầu từ nụ vối cựu, mà nụ vối cựu không phải cây vối nào cũng cho nụ ngon thêm nữa là với thời gian ngâm ủ, lưu trữ đầy may rủi. Chưa nói đến việcsang hương từ hoa vườn cho nụ vối.

 

4.

Ngày vòm vối cuối vườn chuyển sắc diệp lục xõa mình đắm đuối mặt ao như chưa hồi tỉnh sau những mưa cơn nắng trận đồng bóng của màu thu thì bà đã lo việc Tết. Và, để Nội có những buổi tối mùa đông trịnh trọng thẩm vị hương nụ vối cho lễ nghi đón năm mới thì bà và tôi cập rập trước cả tuần trăng.

Năm nào cũng vậy, tôi có nhiệm vụ kê ghế bậc trèo lên gác xép lát ván bìa bắp nơi gian bếp quầng ảo khói lật bao tải đay khô ráp rờ rẫm lôi ra từng chiếc lọ sành đựng nụ vối cựu chuyển xuống cho bà đỡ phía dưới. Năm hơn bù năm kém cũng dư ba chục đơn vị. Đám lọ như bầy lợn con trùi trũi, mình đóng triện hoa cúc vuông, giống nhau từ nút lá chuối đến màu sành gan gà, lốc nhốc trên thềm, ngóng bà ngó đến.

Không cần xem vạch vôi ký hiệu ngày tháng dưới mỗi chiếc lọ sành thửa Hương Canh, nhác qua bà đã biết lọ nào trữ nụ vối tiêu cũ càng nhất. Không chỉ tuổi tám mươi níu khung vai gọng vó mà cả quá khứ trang trại Lịch Sơn dồn vào bà gánh vác. Từ ngày sinh đám cháu chắt, ngày giỗ tổ tiên nội ngoại cần đọc bao nhiêu kinh cầu, không ảnh hưởng đến việc bà bình thản chỉ dẫn tôi chính xác lọ nụ vối cần tìm ở vị trí nào mà chẳng cần hạ giải đám hũ lọ. Vẻ như bà kiểm tra độ khít từng chiếc nút lá chuối chỉ là cái cớ ngắm nghía lũ hũ lọ sau một năm mới tỏ mặt chúng trong ánh sáng ban ngày.

Nụ vối nếp ủ mình ít nhất năm mới đủ chuẩn sang hương. Riêng loại đặc biệt thì phải ủ đến mười năm trong lọ sành ngày đêm tẩm khói bếp hong khô rồi mới đem ướp hương uống Tết. Nụ càng đượm thời gian thử thách càng ngon quí, đó là phẩm tính quân tử ưu trội mà trà không thể có nổi. Mỗi một năm, uống hết lọ sành này thì lại bổ sung thêm lọ sành kia. Năm nối năm, mùa nụ vối tiếp mùa nụ vối, hồi chuyển. Tiết nào nhà Nội cũng có nụ vội cựu đủ dùng, đủ phụ trợ cho giao tiếp lịch duyệt mỗi khi cần. Cũng giống trà, nụ vối kết giao với hương ngâu, hương mộc, hương sói, hương sen để thêm lung linh thân phận.

Trà tân vối cựu.

Trà mạn ướp hương phải cầu trà xuân, lứa trà mới đầu năm thì mới có thể dưỡng bồi thêm hương. Còn vối cựu là thứ nụ vối đã qua ngâm nước, ủ men, phơi khô trữ vài ba năm rồi mới đem sang hương. Khi mùa xuân tàn thì góc bờ ao trang trại Lịch Sơn cây vối cổ lão đơm nụ, chuẩn bị xòe hoa đậu quả cùng với búp sen trắng sen hồng ngó lên lấp lim mặt nước dưới mé đầm đón mùa hạ. Quen lệ, cữ ấy lão Thụ Thị cựu sơn tràng lại lồng vai cuộn chão thang dây và chiếc cưa tay răng hạt mướp đến thập thò trước cửa nhà xin đám với bà.

- Thưa bủ, hôm nay nhà ta đã hạ cành vối chưa ạ?

- Mời bác vào xơi ngụm nước đã. Nụ mới chân hương thôi, chưa tròn hoa tai. Phải đợi ít là ba hôm nữa…

Nụ vối ưng ý bà phải tròn đầu như hạt ngọc trai làm bông tai, cuống nụ đủ mập, không ngẳng dài, cánh hoa đã phải nổi gờ thì nhụy ở bên trong mới vẹn hình hài. Cành bổng thưa nụ, cành la dày. Phía đông sớm, phía tây muộn nụ. Chưa kể cùng cành, cùng phía thì vẫn có nụ trước nụ sau nên chọn thời điểm  đốn cành nhằm thu lượng nụ đạt chuẩn dồi dào nhất là cả một trường thất bại bà mới nắm rõ.

Hạ sớm thì nhiều nụ câm, dưỡng chất chưa tích đầy, mà hạ muộn nụ sẽ quá thì sang hình hoa, nụ cũng nhạt nhèo. Quan sát tứ diện cây vối, cảm nhận từng chấm xanh ngọc thưa dày bà mới quyết định. Thời điểm khi cả vòm cây vối bừng lên một quầng xanh sáng đều khắp và lũ chim chích bông nâu xám lẫn vàng cốm bụi tro từ đâu kéo về tụ bạ hóng chuyện inh ỏi trong tán lá là phải đi gọi lão Thụ Thị đến…

Nhưng để cây ra nụ bông tai thì từ tháng Chạp năm trước, vối được  nâng niu như chăm lợn nái hoặc trâu bò vào vụ chửa đẻ cũng cần có sức khỏe tốt mới hứa hẹn một mùa nụ vối ngon. Bà đặt mua cả tạ bã dầu lạc dưới La Phù, trộn với một yến đỗ hạt, ủ trong bể xây, tưới nước đủ ẩm ngày ngày. Sau ba tháng thì hỗn hợp dầu lạc, đậu tương mủn tơi như bã café .

Và tới phần việc lại vời lão Thụ Thị đến. Đi giật lùi quanh tán vối phần trên bờ ao, lão hặm hụi cuốc xới rãnh sâu xuống phù sa xám ngập bàn chân rồi rắc thứ phân bón hữu cơ xuống đều một lượt, khỏa lớp đất mỏng hoàn thổ lại.

Hai ngày sau, bà ra bới thăm đã thấy rễ vối háo hức với thức ăn ngon, xiên trắng vào dưỡng trắng như mộng mạ. Dường như thức ăn giàu đạm khiến cây vối tham lam, bị bội thực nên lá cây bỗng quằn lại từng túm, dày xù. Và vối cứ ủ rũ như vậy trong giấc ngủ thiu thiu qua Tết, đợi mưa lộc phơ phới thì bỗng giật mình trút lá cỗi, phiến đỏ, phiến vàng ương xuống mặt ao, rồi đợi thời xòe nơi đầu búp những những phiến lá xanh ngọc hiền xinh như bàn tay con trẻ, giơ trên đầu đón mưa.

Được ăn ngon, vối sung sướng gọi nhau nở đều nụ từng cành ngang đến cành xiên, cành đứng. Nụ vối sẽ có vị hương đặc biệt thanh, dịu và ngọt khác thường. Nhiều kẻ làm hàng, muốn vụ vối to, nhiều nên bón thúc phân chuồng nên sẽ có nụ vối khi hãm nước đen một cách thô lậu, vị hắc, ai hăng. Và một điều đặc biệt nữa không phải ai cũng biết, là trước khi trẩy nụ một hai ngày bà phải cho tháo bớt nước ao, để rễ vối không hút nhiều nước. Nụ vối cữ nước, khi ngâm thì sẽ không bị ủng, chất chát đắng phai mau.

Cành vối được lão Thị Thị cưa, níu dây buộc từ từ thả xuống gốc. Các dì các cô trong họ xúm vào rộn ràng y những ngày thu hái trám thuở nào. Người vặt lá, người hái nụ. Lá xếp nẹn trong sọt tre, lát nữa sẽ theo họ về nhà. Bà không thích thú lắm với lá vối. Hãm không được nước đã đành, lại lồng phồng nhét vào ấm chỉ tổ vướng víu, trông không đẹp mắt. Nụ thảy ra nong nia để lại, nà nuột như nhộng ong non, ứa nhựa. Bà ưa nụ vối thôi. Đi quanh gốc vối, bà nhắc với lên:

- Cành nào nặng quá thì phải cắt ngược từ dưới lên, bác nhé. Cành bị tước là sang năm không mọc chồi nổi đâu…

Lão Thụ Thị lúng búng dạ vâng, nhanh nhẹn như vượn chuyền từ cành này sang cành kia ngắm nghía, đặt lưỡi cưa. Xong việc trèo leo cưa cắt, ngoài đồng rưỡi tiền công, lão Thụ Thị không nệ ngồi bệt đầu hè, tươi rói trước mâm đồng bày niêu cơm trắng để nguội, ăn với cà dừa nén dẻo ngâm nước mắm cốt, dập tỏi, thả vài lát ớt đỏ. Dĩ nhiên, không thể thiếu ấm tích nước vối sánh đậm, lão vừa ăn vừa ngửa cổ tu ực, tốc toác:

- Cây vối nhà mình nhất làng bủ ạ. Nước đằm, ngọt vào đến tận dạ vẫn còn ngọt lên.

Gương mặt bỗng bừng rạng, bà lảng ra nói với mấy cô dì:

- Cái nhà bác này rõ khéo nói.

         …

Nụ vối  xảy sạch vụn lá ngời ngời như muôn vàn hoa tai ngọc thạch, bà đổ vào túi vải bố ngâm xuống mương nước chảy hai ngày đêm, tãi ra nong lớn sắc nụ đã sang màu dưa tái, gác lên giá tre trước sân đôi nắng, nụ ngả nâu café. Lựa lúc đang nắng gắt gom nụ ốt ết*** vào túi, bà đặt trong chum sành thanh sạch, lót rơm nếp dùng ni-lông buộc kín miệng, rồi để vào hiên nửa ngày hoặc qua đêm. Cách này sẽ giúp cho thời gian ủ nụ giảm một nửa và nụ lên men tự nhiên cũng đều hơn, khử được nhiều vị đắng, chất chát hơn. Rồi bà lại lụi cụi phơi tiếp cho được nắng. Khi cắn nụ vối vỡ mảnh như hạt tiêu mới rang bà mới hài lòng. Lại sàng sảy quạt muổi, nhặt bỏ cọng gãy rời, để nguội bà cất vào lọ sành trên gác bếp.

Nụ vối Sơn Nam Hạ vị đậm biệt do tọa thành thổ ngơi sa bồi thau phèn rửa mặn và cách hong nụ vối ủ chín men phủ vải buồm bên bờ biển dài ngày của ông Cự Đạt chờ phong vị đại dương thấm ngấm dần dần suốt hồn nụ vối. Nương theo, Nội hong nụ vối trong chiếc dây bột lớn, đặt trên miệng chảo nước muối đậm đặc, gia nhiệt từ tốn cho hơi nước mang theo tinh thể muối quấn lấn thân xác nụ vốn quá thanh tao của trung châu để nhận thêm chút chút phẩm tính Sơn Nam Hạ.

 

5.

Chậm rãi, bà dùng nùi tơ tằm rối lau cái lọ được lựa trong số lô có thâm niên cao nhất cho đến lúc mặt sành bóng đanh như chảo gang thoa mỡ mới ngừng. Nhấc lọ lên ngang tai, bà khẽ rung tay, nụ vối chuyển động va đập vào vách sành như muôn vàn chiếc vồ nhỏ khua rộn trong chiếc nồi gang vọng lên từ âm ty xa lắc…Vẻ thắc thỏm, bà lựa tay xoay nút lá chuối khô vốn được gấp cuộn từ những tờ chuối tiêu. Ôi, những cái nút lá làm nhọc công như ủ phơi nui vối vậy. Lá chuối tơ phấn luộc nước muối rồi phơi kiệt trên sân gạch; khô mà dẻo, không nhậy mọt nào bén đến, kín khít nhưng khí vẫn vận thông để cho mỗi nụ vối chuyển hóa hết vị chát đắng mà chỉ còn chát đằm, như một vị thuốc nam ngọt thuần là có thể hòa hương với các thức hoa.

Chiếc nút lá chuối được bà giải thoát thoát khỏi miệng hũ sành pực lên một tiếng, mùi chan chát đắng nhòe lướt vị khói phào ra theo dòng nụ vối chảy rào như đàn kiến sư tử hung hăng thoát ra khỏi hang rải quân đen kịt mặt nong tre ngà. Ghé răng nhấm nhấm nụ vối, gương mặt bà rung lên thứ ánh sáng khó tả như của một nụ cười.

- Được lắm.

Nụ vối khô khó ngậm hương hơn trà biết bao lăm. Khi mới hái cánh nụ tươi đã khép chặt niêm phong những sợi nhụy phía trong không kẽ hở. Nụ vối thục càng để lâu trong trường khói bếp càng quắt, khô đanh thì chẳng biết bao nhiêu độ thơm của hoa mới đủ mở khóa xông vào ruột nụ mà lưu hương…

Nụ vối càng nhiều tuổi ướp hương càng cho nước ngon và bổ dưỡng như một thứ nước tăng lực tự nhiên. Đau bụng gió, cảm hàn, hãm ấm nụ vối hương mười năm tuổi, uống cạn có thể thổi bay tật chứng. Nhưng ngặt nỗi, nụ lưu niên rất khó ướp hương. Nếu không nuốn nói là có ma thuật thì mới có thể thi triển.

Cầu nụ vối hương, Nội và bà hầu như phải gác lại mọi việc khác. Nội bận bịu đốt chậu than hoa, gác lên cái vỉa sắt nướng thịt, đặt lên đó tùy hai hay ba lọ nụ vối cựu. Mỗi lọ lượng nụ chỉ chiếm hai phần ba dung tích. Than hoa liu riu, đừng quá rực, chớ để lửa bốc ngọn. Lần lượt vần đảo vị trí mỗi nụ vối sao cho tất cả đều nhận được nguồn nhiệt bình ổn. Đó là cách làm nóng nụ vối tới một nhiệt độ nhất định, không quá nóng, nhưng sức nóng phải thấm đều khắp đến từng li ti thành phần của nụ.

Bà lo lấy hoa sói, hoa mộc, hoa ngâu. Sang hương nụ vối có thể đơn hương sói, mộc, ngâu tùy thích. Thậm chí cả hoa nhài, hoa sen. Nội chẳng cầu đến nhài hương làm gì. Cả nhài lẫn sen tóa lóa ngoài vườn tràn làn ngoài hồ đầm. Thứ sẵn thế nghe đã mất hứng rồi…

Một cơn cớ khiến Nội chẳng mấy tha thiết với  nhài sen. Bởi nhài và sen kết hợp với nụ vối không mãn ý lắm. Hương nhài sen vốn nồng, nụ vối cũng đậm vị quê. Hai thức đều cương mà phối hợp tất sẽ phá nhau. Nhưng nụ vối thì liền lúc có thể dung hòa tinh hương của sói ngâu mộc. Sói cho sự sang trọng kiêu hãnh trong cô đơn, mộc cho sự đằm sâu tri thức, tự tại, ngâu cho sự lan tỏa, bay bổng và xa cách.

Những thức hoa ấy hầu như quanh năm ngân hương lãng đãng trong vườn thường xanh. Hoa thấp thoáng trước cửa lớn, bên hông nhà, vườn chè, hàng cau, cạnh giếng nước và sóng hàng hai bên ngõ chạy ra tận lũy tre cánh đồng ruộng cạn. Bà chỉ cần ghé chiếc rá tre, rũ rũ bông hoa ngâu hay bông hoa sói chín mòng những cánh hoa đặc biệt hình hạt gạo nếp trắng ngó ngần, hạt kê vàng óng mịn nối nhau lăn lăn vào giá. Và những cành mộc phủ đầy những cánh hoa loăn xoăn như phiến rêu vàng ngả chào trước mặt, bà khéo léo lỉa lưỡi kéo cong để nhận những chùm trinh tươi…

Những lọ sành nụ vối của Nội ủ nóng xong thì cũng vừa lúc bà mang hoa vào nhà. Ngẫu hứng, Nội có thể phối trộn ba loại hoa với nhau hoặc để đơn  từng loại rồi thả một lượng cánh hoa tươi vào sao cho đầy xoẳn khoảng trống  một phần ba của của lọ nụ đã chừa sẵn. Xoáy nút lá chuối lại. Nhẹ tay vừa lắc vừa xoay tròn cho nụ và hoa trộn đều mà chỉ người thông tỏ chuyển động của chiếc Omega lên dây mới đủ tinh tế thực hiện.

Lỡ nhịp tay để cánh hoa bấy dập sẽ lôi thôi ngay. Hoa dập sẽ sinh ra hơi nước ngay tức thì, Nội gọi là lọ ướp bị đổ mồ hôi khiến nụ vối sẽ bị ẩm trước khi thấm hương. Đồng thời hương bị “ồ”, nghĩa là có bao nhiêu phân tử hương thơm trong cách hoa khuếch cùng một lúc, nụ vối không có khả năng hấp thụ nhanh dẫn đến “truội” hương. Cánh hoa nguyên vẹn sẽ tỏa hương từ từ cùng với sự giảm nhiệt dần dần của các nụ vối trong điều kiện gần như yếm khí. Và để khởi cho một giá trị tồn sinh, đương nhiên dương sẽ phải đến với âm trong khao khát tròn đầy.

Hương sẽ theo bước nhiệt thâm nhập vào nụ vối một cách dịu dàng…Đó là một cuộc sang hương êm thấm.

Xong cuộc giao hòa của hương và nụ, Nội dùng khăn bông quấn lọ sành đặt ở yên trong phòng kín, thoáng hai ba ngày tùy theo tiết nóng hay lạnh. Để lưu hương bền lâu thì cần phải lặp lại đôi lần. Nhưng đó mới chỉ là những thao tác có thể quan sát mà học đòi, để nụ vối hương mãn ý còn phải tính đến việc vớt xác hoa ra khỏi trường nụ vối. Dù là hoa, nhưng đã phai hết hương thì thân xác cũng sẽ gây nên xú tạp cho nụ vối. Vớt xác hoa thời điểm nào còn là một bí mật mà Nội chưa bao giờ hé lộ. Nhưng món ấy cũng cần phải được sử dụng vài tuần trăng trở lại thì mới hậu….

 

6.

Nụ vối hương dẫu có cầu kỳ cao quí bắc bậc cỡ nào cũng chỉ là nụ vối hương, nếu như Nội hay ông Cự Đạt uống dấm dúi một mình. Nhưng nụ vối hương theo các điền chủ ra chốn kinh kỳ số phận nó phụ thuộc vào nóng lạnh mưa bão buổi giao mùa thì ngôi vị không hề suy chuyển trong tâm những kẻ đã trót dành cho sự mến yêu.

Nhận tin bạn ẩn trong nụ vối, Nội làm sao yên. Gắng gỏi sửa xong chiếc đồng hồ quả lắc cúc cu của khách lăn lóc đã hơn tuần, cận Tết tàu chậm xe bớt chuyến, thông đồng bén giọt thì cũng phải ba ngày Nội mới gặp bạn tường minh cơn sự.

Nội tự trèo lên gác xép góc bếp, nơi tàng tích dấu vết những cuộc giao tiếp vật phẩm của trang trại tìm kiếm giữa lỏng chỏng hộp gỗ, hộp tre, hộp sơn mài, hộp sắt tây, hộp giấy từng đựng bánh kẹo, trà, nụ vối và các loại mứt hạt, mứt quả  nam bắc lẫn Tàu, Nhật, Pháp…

Mướt mải, Nội mang xuống vật tượng trưng thời hưng đạt của trang trại Lịch Sơn. Ấy là chiếc hộp tre ám bụi khói, tiện chuốt từ ống tre già như khúc ngà voi. Một loại bao gói đặc biệt đựng quà tặng tác phẩm của người thợ mộc già Hương Ngải không vợ con chuyên quản sửa chữa và xây cất của trang trại dụng công thể hiện theo ý muốn của Nội, giản dị mà vẫn tinh xảo.

Người thợ mộc tóc búi củ hành, lựa những ống tre già từ những thân tre lực lưỡng đứng giữa khóm, chặt hạ phơi nắng gió đồng trống, hun khói rạ thấu phân tử xenlulo rồi mới tiện cắt tạo kiểu dáng tựa ống bút, chế nắp vặn xoáy kín khít, đánh bóng bằng lá chuối khô và lòng đỏ trứng gà luộc sấy khô tán nhuyễn cho đến khi đặt tay lên bề mặt mát lẻm. Thả hộp xuống chậu nước, hộp nổi thăng bằng và không thấm nước qua nắp hộp thì mới đạt.

Nụ vối hương, trà Shan, bánh tằm thường bọc túi vải diềm bâu, nhuộm vỏ cây vối, thắt dây buộc miệng đặt trong hộp tre. Với bao bì đó, vật phẩm tha hồ lăn lóc trong hành trang, vạ vật các bưu trạm, khi đến tay người nhận mà chẳng hư vơi phẩm dạng.

Một ngày người thợ mộc già cao hứng, khắc tháp chuông nhà thờ Lịch Sơn vút cao, mờ đỉnh Ba Vì quấn mây và dòng sông Đã lượn lên thân cả  mấy chục hộp tre. Nội ngắm mãi rồi bảo, kỳ công quá, trội quá không nên, hơn nữa nụ vối Lịch Sơn vốn nhã hương, biếu bạn bè người thân thì lấy cái chân, dung nhã chứ không nên làm màu hình thức.

Mớ hộp tre không được dụng lăn lóc nơi gác xép mấy mươi năm. Và giờ không còn giữ kẽ, Nội lấy xuống thau rửa để đựng quà mang xuôi Sơn Nam Hạ.

Vẫn lại lão Thụ Thị đèo xe đạp đưa Nội xuống bến Trung Hà. Lão không lấy công, nhưng tiền bồi dưỡng nghe đâu cũng gần đồng bạc. Sang đò qua sông Đà, Nội bắt xe khách xuôi Hà Nội cũng đã hết một ngày.

Trở về sau mấy hôm ở Sơn Nam Hạ, Nội lặng lẽ ăn lặng lẽ đi ngủ.

- Ông sao vậy ?

- Không sao.

- Ông Cự Đạt thế nào ạ…

- Thì vẫn là ông Cự Đạt. Phích cạn nhe nước sôi rồi bà ạ.

Và Nội trầm ngâm, vít cần điếu bát hết lượt này đến đợt khác, chẳng màng đến trà hay nụ vối. 

Một chớm hạ chuyển, sương phất nhoèn mắt lá, trước khi trở lại khu khẩn hoang ghi danh học lớp một, tôi loạt xoạt theo bà ra ngôi vườn thương khó. Con Cointreau gâu gâu lên trời vu vơ một đám mây bông. Tán thấp lên tán cao vút xanh nghe gió trời phiêu lãng. Bên kia vườn, rừng trám xanh thâm xưa nay đã đồi hoang lở.

Trấn đối nhau hai góc ao, cây sung như con bạch tuộc hóa thạch buông bì bũm xuống nước dăm trái đỏ mõm. Cây vối khòng, gốc khép một vòng ôm người lớn, da nâu đen lăm răm nứt dọc, nhánh cành quờ mặt ao lờ lờ nước hến.

Quanh bên cây sung bà âu yếm:

- Ngươi đã đỡ đần nhà ta mỗi bữa ăn dù lúc dư dả hay đã trắng tay…

 Đến bên cây vối đan kết tầng tầng lá trái xoan ngược, phiến dày hai mặt đồng màu cốm nhạt, nơi nách lá đã le lói đốm sáng hoa mới hình, bà giơ tay đếm bao nhiêu chùm nụ họp thành cụm con số hoa lẻ ba nụ hoặc năm nụ đang khoe... 

- Con cháu ta chốc đầu, mụn nhọt, lở ngứa đều chịu ơn ngươi. Ngươi giúp kẻ ở, khách sang, khách hèn đều được ngươi phụng vụ giải nhiệt thanh tâm…

Tôi không hiểu vì sao bà bỗng dưng ủy mị.

Dưới quầng vối, bà ôm tôi vào lòng trong tiếng ong bay lửng lơ hoa đan kết cao cao, bắn tia nhụy như chùm tia sáng, cánh ngà tỏa hương đắng thoảng, ngọt ngái dịu trầm trầm. Miên cành bổng, miên cành la tíu tít chấm nụ tròn tròn như muôn con mắt chưa kịp mở nhưng sắc trắng đang ửng sáng cựa quậy dưới màu xanh của đài hoa phong tỏa.

- Lạy Chúa, cơ chừng con mắc lỗi bỏ phí ân lộc Chúa ban cho vụ nụ vối năm nay vì chẳng thể thu hái…

Gặp tiết vận sớm nên vối sớm nụ. Mà lão Thụ Thị, bà bắn tin mấy bận vẫn mất tăm. Và cô chú đi dân công, đi thanh niên sẵn sàng vắng nhà đã lâu lâu.

Những buổi chiều nụ vối vào cữ hái đằng đẵng không chịu vơi kết sắc hương quánh đắng dịu khu vườn. Nội chỉnh sửa chi tiết đồng hồ, chiếc dũa đưa đẩy hợp kim màu như mảnh chai miết lên dây đàn. Vòm cổng dâm bụt kết hoa bên gốc cây hòe trầm mặc, bà lặng thinh như tượng gỗ mốc, thu mình trong chiếc ghế sắt rèn kiểu Louis khập khễnh một chân kê gạch vỡ đầu ngõ rêu hun hút viền hai hàng bạch môn ngóng xuôi dải mòn trắng cát xuống chân đồi ra đường cái quan, ánh mắt khói sương vọng bóng người.

Nhưng cuối ngoằn ngoèo là chân trời nhíu mỏi cỏ may phờ phạc quẩn trắng bụi mờ.

 Tôi nhoảng về thăm Nội. Thì bỗng nhận ra một góc bờ ao trống hoang. Cây vối cổ biến mất. Mặt thớt gỗ nham nhở ứa nhựa bầm đen như máu chết trong mỗi vết rìu chồi lên giữa vòng dấu chân giẫm đất lõm xuống phù sa đỏ ứa. Hỏi Nội hỏi bà rằng đã vì sao thì chẳng ai trả lời. 

Ra đầu ngõ bạch môn tôi nhìn sang Ba Vì. Tòa núi cao xanh nghiêm lạnh. Nghe lao xao dân làng tan chợ bàn tán, không biết bỏ cây mít hay bỏ cây sấu mới đủ đóng góp củi nghĩa vụ cho xã nung gạch xây trụ sở.

Việc công, luật xã lệ làng ai dám cưỡng.

Nhà Nội cũng vậy. Đành dứt tình cây vối. Không nụ vối thì đã làm sao. Bởi vẫn còn hàng chè cao lao xao đấy. Để cây sung lại. Quả nảy tứ thì có thể thay rau dưa đỡ đần. Lão Thụ Thị không còn sức vung rìu. Ủy ban điều dân quân đến chặt gốc. Con Cointreau lăn xả vào những kẻ lạ đốn cây. Gã quần cộc vành nồi chửi đổng: “Tiên sư cả họ Công tô nhà mày rồ hoa mướp à.”Và thẳng tay phóng lưỡi rìu xuống đầu nó nhưng hụt tầm.Cointreau vọt ra ngoài xa sủa vọng, vòng quanh. Mải giữ của Cointreau chẳng ngờ cây vối đổ ập xuống…

 

7

Những đôi lúc đời lính bình yên giữa chuỗi xê dịch, dừng chờ nối chuyến sân ga khuya hay bến tàu ngày rạng, ngột gặp dáng còm đứa trẻ gầy hay cụ già cụi còng ấm nhôm bọc mền bông cũ đeo mình, cầm chồng bát sắt tráng men, tiếng rao như tiếng kinh cầu: “Ai nước vối nóng đây! Ai nước vối nóng đây!”. Lam lũ và an lành. Tôi đắm dưới đáy đắng, mòn phai trong chát và cũng được đắp bồi, tưới mát. Gương mặt sáng, bàn tay ai lem lấm vén tóc mai gạt hạt nước vối bên khóe mép cười trong…

Sau lễ Các Đẳng cầu vượt qua thanh luyện**** là thì những cơn mưa đông buông ẩm lạnh, tối tối hỏa lò bừng phực, bà đun nước để Nội hãm thăm nụ vối hương. Liêu xiêu tiếng chim đêm bay xa Ba Vì. Sông Đà nao nhớ khói trung châu quyện vị bánh tằm. Chầu rìa, tôi ngắm Nội mời bà. Bà kính Nội. Hương nụ vối hương bâng khuâng chát ngọt, chát đắng, chát phân vân…

Bí mật của ông Cự Đạt, mãi rồi Nội cũng lộ. Gia sản hiến trọn vào công ty hợp doanh, ông Cự Đạt về quê trồng hòe và vối sản xuất trà đóng gói sẵn, một dạng như trà thảo mộc người ta bán la liệt bây giờ nhưng có đứa cháu họ tố cáo ông truyền bá đường hướng tư sản. Một đêm bão biển, ông và vợ con lên chiếc thuyền đánh cá và ra khơi…

Nơi cố lý vườn xanh rưng ao động, sau những ngày đau cội vối cụt cũng nảy lên mầm mới, cũng nên cành nên cây, chồi nụ nở hoa nhưng không biết sao lá ấy nụ ấy bà ngâm ủ cách gì vẫn đắng ngắt kí ninh. Nụ vối không ngấm hương hoa nữa, hương hoa không sang được nụ. Nụ hoa đã câm. Tiếng con Cointreau sủa vu vơ mây trắng đâu đâu. Chẳng biết bao giờ cố quận phong vật mới lai hoàn, bởi nhân tình từ lâu đã tứ tán, phiêu diêu. Cả một thuở xuân thì trong chén đắng. Có chén đắng hoan, tươi ngọt. Nhưng có chén đắng mãi là chén đắng. Chén đắng, tại sao mà Nội và bà cứ mời nhau uống mãi…

 

N.T.T.K - Tháng 5 năm 2017

 

 

*  Hóa bổi: Thảm thực bì bị người dân đốt chặt, phơi khô, phóng hỏa để làm nương rẫy.

** Coitreau-tên loại rhum của Pháp sản xuát từ năm 1849 đến nay.

***Ốt ết : Nửa khô, nửa tươi, nửa cạn nửa ướt.

**** Lễ cầu cho các linh hồn ki-to hữu qua đời vượt qua luyện ngục ( thanh luyện ) ngày 2/11.


Chia sẻ trên Facebook