CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Giáo dục

BÀI HỌC VỌNG NGOẠI

Thứ hai ngày 25 tháng 12 năm 2017 12:00 AM

Sáng nay, tôi lại được mời đến dự một Hội thảo quốc tế về kinh nghiệm của Malayxia và Singapore trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông. Nói “lại” vì chỉ vài ba năm gần đây, tôi không biết và không nhớ đây là lần thứ bao nhiêu mình đi dự các hội thảo kiểu này. Bỗng nhớ một thời “đóng cửa”, chỉ biết cặm cụi mình biết và bàn bạc với mình. Nhất là giai đoạn chiến tranh, chẳng may dính vào một tí “ngoại” là ngại vô cùng, quen một ông Tây nào đó, đi với một người “tóc quăn mũi lõ”nào đó, chẳng cần biết nói năng hay trao đổi gì là bị quy ngay vào việt gian, phản động… Bây giờ thì chuyện ấy đã thành “Thời xa vắng”, nhưng chẳng biết thế nào lại sang một cực khác. Cái gì cũng phải gắn với “ngoại”, có yếu tố “ngoại”, kinh nghiệm “ngoại”. Bạn tôi nói:“Ngay cả lãnh đạo bây giờ phát biểu thế nào cũng phải có tý tiếng Tây mới chứng tỏ mình có học, có văn hóa cao”. Tôi nói thêm “mà toàn nói với người ta chứ có thằng Tây nào đâu”. Rồi rất nhiều vị cứ mỗi lần đăng đàn là thế nào cũng phải dẫn ra đủ tiếng tây, tàu. Mà mấy chữ các ông ấy nói cũng chỉ là mấy chữ có nội dung quen thuộc, tiếng Việt thừa sức biểu đạt chứ có phải thuật ngữ, khái niệm mới lạ gì. Nhưng không nói thế hình như không phải trí thức“gạo cội”, không chứng tỏ được mình có đọc nước ngoài thì phải.

Tôi gọi đó là cái mốt vọng ngoại, sùng ngoại rẻ tiền.

Thực tế từ lâu, nhiều người đã phê phán hiện tượng“vọng ngoại”, chạy theo nước ngoài. Cứ đi một nước nào đó về lại hết lời ca ngợi nước ấy. Năm sau đi nước khác lại nước ấy là nhất. Trong giáo dục cũng thế. Người đọc được tài liệu của Hàn thì bảo giáo dục Hàn là nhất; người đọc được chương trình của Nhật thì bảo Nhật là nhất. Hôm qua, một ông điện thoại cho tôi lớn tiếng bảo sao không theo chương trình của Tây. Rồi một thầy có đọc Trung Quốc lại khuyên nên theo chương trình của Tàu…

Tôi lắng nghe tất cả, thấy ai nói cũng hay, nhưng chung quy lại hình ảnh nồi lẩu vẫn hiện lên và anh chàng“đẽo cày giữa đường”lại lù lù hiện về.

Do gắn với chuyên môn hàng ngày nên tôi cũng có đi, có đọc, có nghiên cứu về giáo dục một số nước, nhất là về chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt là chương trình và sách giáo khoa môn học Ngữ văn. Từ lần đổi mới chương trình và sách giáo khoa năm 2000 cho đến lần này (2017), tôi đã nghĩ nhiều về chuyện học người, học tập kinh nghiệm của những nước có nền giáo dục phát triển.

Tôi luôn nghĩ, với bối cảnh hiện nay, không học người, cứ một mực “mũ ni che tai”, chẳng biết người ta dạy cái gì và dạy thế nào; chỉ khư khư ôm lấy cái bồ kinh nghiệm, cho dù đó là những kinh nghiệm rất quý đi nữa, thì giỏi lắm cũng chỉ là ông đồ gàn. Suốt ngày chỉ quanh quẩn ở cái làng Mùi, vuốt ve và tấm tắc khen cái tràng kỷ tre mòn bóng của nhà mình, rồi lớn tiếng chê bai mấy cái xalon, đệm mút, đệm cỏ, đệm bông gòn…là đồ vứt đi.

Chiều ngược lại, cứ thấy người có gì mới lại chạy theo, hớt váng, cắt ngọn, thêm chỗ này, bớt chỗ kia… rồi lớn tiếng nhân danh hiện đại, nhân danh cập nhật khoa học để tụng ca người và quay lại phê phán chương trình, sách giáo khoa nước mình… thì giỏi lắm cũng chỉ thành anh chàng nấu lẩu. Đó là chưa nói, trong cái lĩnh vực chương trình và sách giáo khoa mênh mông “bể Sở, mây Tần” ấy, việc đọc được, tiếp cận và hiểu được đầy đủ những tài liệu chính thống, những thông tin mới mẻ, đáng tin cậy là rất khó. Không ít trường hợp cùng đưa thông tin về giáo dục một nước nhưng mỗi người mỗi kiểu, năm cha bảy mẹ rất khác nhau, thậm chí ngược nhau. Đó cũng là chưa nói từ chương trình, sách giáo khoa đến việc tổ chức dạy học cụ thể của họ thế nào lại càng khó hơn, vì phải đến tận nơi, dự giờ của họ thật nhiều… thì may ra mới thấu, mới hiểu.

Rồi còn biết bao điều kiện đi kèm theo nữa mới thực hiện được chương trình như của họ. Vậy nên, cứ mỗi lần nghe một ông nào đó lớn tiếng khuyên nhủ nên học chương trình của Nhật, Mỹ, Pháp hay một nước phát triển nào đó, tôi rất muốn nói lại rằng:

- Thưa ông, chúng tôi cũng rất muốn học theo các nước như ông khuyên, nhưng liệu ông có thay được đất nước này bằng đất nước của người, từ môi trường tự nhiên – xã hội, chính sách, chế độ… đến bát gạo, đồng lương của mỗi giáo viên. Ông có biết mỗi nước có một hoàn cảnh rất khác biệt hay không?

Chuyện học tập nước người đã nhiều lần đặt ra như thế và cho đến nay vẫn có ý kiến đề nghị cứ lấy nguyên xi chương trình của các nước phát triển về mà dùng, tội gì phải nghiên cứu tốn tiền. Mấy tháng trước đây cũng vừa rộ lên trên truyền thông ý kiến nước ta sẽ nhập khẩu chương trình và sách giáo khoa của Phần Lan, một đất nước có nền giáo dục tốt nhất nhì thế giới. Đúng lúc đó tôi đang dự một lớp tập huấn về phát triển chương trình giáo dục tại Đại học Potsdam (Cộng hòa liên bang Đức). Tôi mang vấn đề có nên nhập khẩu chương trình và sách giáo khoa ra hỏi GS Bernd Meier, một trong những GS có uy tín của Đức về lĩnh vực này. Ông cười và nói:“ Học nước ngoài thì rất cần và nên học, nhưng nhập khẩu nguyên si thì không nên”.

Tôi gặng hỏi tiếp về lý do và xin minh chứng về chuyện không nên nhập khẩu. Ông nói: “Toán học là khoa học chung của toàn thế giới, nhưng giáo dục toán học phải mang màu sắc của mỗi nước. Giáo dục về khoa học tự nhiên đã thế huống chi khoa học xã hội.”

Rồi ông kể cho tôi nghe một ví dụ. Khi mới thống nhất đất nước (1990), nhà nước Đức muốn mang toàn bộ chương trình và sách giáo khoa của Tây Đức áp đặt cho Đông Đức. Thế mà thất bại. Đấy cùng một đất nước, cùng một dân tộc, cùng nói tiếng Đức, cùng văn hóa Đức… thế mà không được, huống chi hai nước khác biệt ngàn trùng.

Vậy nên cần học người, học các nước phát triển về giáo dục, nhưng chỉ là học xu thế chung, học định hướng tất yếu và vận dụng vào nước mình một cách sáng tạo, phù hợp. Trong lĩnh vực nào cũng thế thôi, không thể cứ thấy người làm được rồi học người theo lối bê nguyên si, áp dụng máy móc, khô cứng vào cho mình. Trong khi điều kiện của mình rất khác người. Ngày xưa Án Tử người nước Tề nói với vua nước Sở rằng: “cây quất trồng ở Hoài Nam thì ngọt, nhưng nếu đem sang trồng ở Hoài Bắc thì chua”. Sẽ là thế nào nếu một cô gái không ý thức được sắc đẹp rất khiêm tốn của mình, cứ một mực bắt chước Tây Thi để mong thành Tứ đại mỹ nhân.

Để có nền giáo dục khỏe mạnh, trước hết phải bắt đầu từ nội lực; từ sự cố gắng của nhà nước để có một chính sách phù hợp và một đường lối đúng đắn; đến sự chia sẻ, đồng tình ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân và sự nỗ lực hết mình của ngành giáo dục. Khi đó việc học nước ngoài mới thực sự có ý nghĩa, hiệu quả và hữu ích.

Các Nghị quyết của Đảng đều khẳng định giáo dục là sự nghiệp của toàn dân; cũng có nghĩa là toàn xã hội có liên quan, phải 

Giáo dục không phải là một ốc đảo. Mình ngành giáo dục cố gắng cho dù hết sức thì cũng chỉ giống như anh chàng tự túm lấy tóc mình mong nhấc mình lên.

 

HN 20-12-2017

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook