CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
TRANG VIẾT CỦA BẠN

KHI ÂM RỜ RẠO RỰC RUNG NGÂN - LƯU MINH PHƯƠNG

Thứ bẩy ngày 2 tháng 12 năm 2017 12:00 AM

Âm /rờ/ trong ngôn ngữ của từng dân tộc trên thế giới có những nét thú vị riêng. 

Người Hàn, với tên nước Korea, tên dân tộc là Korean, vậy mà thường nhầm lẫn, không phân biệt được /r/ và /l/. Họ phát âm / r / rung và /l/ rất khó khăn. Khi họ nói rubber (cao su) thì có thể là lover (người tình) và ngược lại.

Có thể vì âm /r/ có đặc điểm là rung chăng mà nó thường có mặt trong các từ chỉ sự rung ngân.

Tiếng Anh có r trong tiếng chuông rung (ring), trong vibration ( rung động....) nhưng không rung như /r/ tiếng Việt.

R xuất hiện trong các từ tiếng Nga dùng để giao tiếp với các con vật được phát âm rung bần bật cả đầu lưỡi và môi: тпру... ("họ" - dừng ngựa lại) ; брысь ( tiếng phát ra khi đuổi mèo).

Nếu /r/ Pháp ngữ rung nơi cuống lưỡi thì /r/ tiếng Việt rung đầu lưỡi. Và với cách phát âm ấy, r tiếng Việt có những đặc trưng thú vị để thể hiện quyền thế và sự độc đáo của mình so với d trong các từ mà nó xuất hiện.

Trước hết, ta nhận thấy các từ với âm /r/ thường biểu thị sự rung lắc như: rung, rung rinh, rùng mình, run rẩy...

Với tính tượng thanh rất riêng của mình, /r/ thường được dùng trong các từ láy diễn tả các sắc thái âm thanh rung ngân độc đáo như tiếng "róc rách", "rì rầm" của dòng nước chảy, tiếng " rì rào" của lá trong gió, tiếng "râm ran" của ve kêu mùa phượng đỏ, tiếng "rỉ rả" của côn trùng những đêm sương...

Khi đọc từ " râm ran" - ta có thể hình dung thấy "âm vang rung ngân và lan rộng trong không gian": tiếng ve kêu râm ran suốt đêm hè...

"Rỉ rả" cho cảm giác về thanh âm rền rĩ, ra rả rỉ vào tai.
"Róc rách" gợi sự rung vang tí tách của dòng nước nhỏ.

Nếu "rì rào" có thể là tiếng gió rung lá cây xạc xào khe khẽ trên cao : rì rào ngọn heo may thở qua muôn khóm cây ( Vào hạ - Lê Hựu Hà), thì " rì rầm" có thể diễn tả những âm rung thì thầm, thâm trầm của dòng nước chảy trên đất hay âm vọng từ trong lòng đất: 

Côn Sơn suối chảy rì rầm 
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
(Nguyễn Trãi )

Mưa có thể đổ "rào rào" - ào ào, rầm rập, mà cũng có thể "rả rích" suốt ngày đêm.

Nếu "răng rắc" cho ta liên tưởng ngay đến âm thanh phát ra từ vật cứng như củi, xương....thì " roẹt" khiến ta nghĩ ngay đến tiếng rách đột ngột của những vật mềm như vải hay giấy - quần áo rách, tờ báo rách. Những điều mà d với phát âm không rung không thể nào lột tả.

" Quần áo rách" hiển nhiên thể hiện sự rách rưới. Nhưng " số dách" thì thể hiện đẳng cấp vượt trội. Người ta có thể nói:" anh số dách, tôi số rách" như một kiểu chơi chữ vui với hàm ý: nhất anh đấy, may mắn, giàu sang, còn tôi thì hẩm hiu, nghèo khổ.

Lan man sang chuyện chơi chữ với r và d, câu đùa " tóc bán dâm" gây cười là vì " bán râm" mới là từ chính xác. Nếu /r/ và /d/ phát âm như nhau và được biểu đạt chung bằng z thì sự chơi chữ tinh tế ấy sẽ không còn với thế hệ học chữ cải cách mai sau. Và như thế, than ôi, tiếng Việt sẽ nghèo đi nhiều lắm.

"Roẹt" không chỉ gợi âm thanh rung mà còn phải nhanh và đột ngột. Thế nên mới nói " cắt roẹt"- roẹt một cái là xong, là đi đứt. Mới thấy /r/ không xấu mà rất tượng thanh, tượng hình.

Và còn biểu cảm nữa. Khi thì "rầu rĩ , rầu rầu" - sầu rũ rượi:

 Buồn trông nội cỏ rầu rầu 
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh 
( Truyện Kiều - Nguyễn Du) 
Khi thì rạng rỡ hân hoan, con tim rạo rực vui, máu trong huyết quản rần rật chảy. 
Thậm chí với từ "rên rỉ" , ta còn cảm nhận được những cơn đau rền rĩ trong tiếng rên mà "dên dỉ" không thể nào diễn tả.

 

Nếu âm /d/ thường diễn tả cảm giác du dương, dịu dàng, dìu dặt....thì /r/ thiên về các âm rung giật mạnh hơn: mưa rào rào, sấm rền, gió rít, máy bay gầm rú....

"Rầm rập" diễn tả những âm vang rầm rầm, dồn dập với khí thế ngút trời: Rầm rập bước chân ta đi rung chuyển đường phố Sài Gòn (Sài Gòn quật khởi- Hồ Bắc).

Đôi khi tôi có thú ngắm ký tự để suy đoán về nguồn gốc cấu tạo từ. Chẳng hạn, "ráo riết" trong " truy lùng ráo riết" có thể là = cạn ráo, khô ráo (triệt để, đến cùng) + bám riết, đeo đuổi riết (liên tục, kiên quyết, không rời ).

Hay quan sát các từ "rung" và"rụng" , tôi nghĩ: có rung thì có rụng, dấu nặng kia như một trái rụng khi rung cây thôi.

Phát âm chuẩn Hà nội đánh đồng r và d, trừ các từ tiếng nước ngoài hoặc chỉ địa danh như Paris, Bà Rịa.. Nhưng khi viết, người Hà nội vẫn cảm nhận được sự khác nhau của các từ với r và d bằng những liên tưởng tượng thanh và tượng hình như trên. Họ có thể phát âm "róc rách" = /dóc dách/, nhưng nhìn chữ viết với r rung, họ vẫn liên tưởng đến tiếng nước chảy chứ không phải tiếng mưa rào rào.

Những liên tưởng ấy sẽ mất đi khi r không còn nữa. 

Nếu vì phát âm theo tiếng Hà nội mà đánh đồng âm /r/ với /d/ và khai tử ký tự r với âm rung đầu lưỡi của nhiều địa phương, vùng miền, biết lấy gì để thể hiện chất dễ thương của người Nam khi ca bài " cô gái bán sầu riêng" , chất dân gian rí rỏm của người Trung với " bà Rằng bà Rí..."


Em đây bán trái sầu riêng 
Nhưng em ko bán tình riêng

 
Phải là chữ " riêng" ấy- chỉ có thể là r chứ không phải gi trong " ra giêng anh cưới vợ"

Có một chi tiết nữa để R rạo rực rung ngân trong trái tim người Việt Nam: cùng với những nét tinh tuý và thân thương thuần Việt nêu trên, không có từ Hán Việt nào bắt đầu với chữ cái R. Và theo các nhà nghiên cứu, "Việt" - tên gọi của dân tộc ta - xuất phát từ tiếng Việt cổ là "rìu".

R của người Việt mộc mạc như điếu thuốc rê vấn tay trên tay các bác honda ôm chầu chực vỉa hè một sương hai nắng - mãi mãi không thể là thuốc "dê"; dân dã, chân quê, như con cua, con rạm, bát canh riêu, nặng tình như " rau răm ở lại trọn đời đắng cay" với người dân nước Việt. 

Đôi dòng chia sẻ cuối tuần về ngôn ngữ là thứ chúng ta dùng hàng ngày, không thể thiếu nhưng ngại đọc vì dễ nhức đầu . Chỉ đến lúc cái tài sản ít được đoái hoài ấy có nguy cơ tổn thương mới là dịp để ta nhìn lại nó, bảo vệ nó, và chợt thấy nó đẹp lung linh như lời ru của mẹ bên nôi...

 

LMP 02.12. 2017

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook