CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Ký sự

THEO NGÀN DẤU TÍN PHONG

Thứ bẩy ngày 28 tháng 10 năm 2017 12:00 AM

1. Trở lại Venezia.        

Không bắt đầu bằng điệu valse thành Vienne, TGV xuyên trắng đêm như năm 2013, chúng tôi búc vé bay rẻ từ Paris trực chỉ Venezia, miền trời xanh như vừa bung phơi khăn lụa mới. Hãng Vueling hạ xuống Marco Polo chậm một giờ. Phòng chờ của Marco Polo chỏng chơ vài chiếc ghế hành khách thuộc diện ưu tiên. Đám đông nhồng nhỗng vịn vào tay kéo valise, khom lưng hoặc đi quanh cho đỡ mỏi, ai muốn ngồi thì mời ghé vàotiệm ăn ngay bên. Nhà vệ sinh nam đóng một nửa, chỉ mở cửa phòng dành cho ngườ­­­­i tàn tật để các quý ông tạm dùng vào xả buồn bực.

Từng mất hứng với người Italia nhưng một khi đã chọn Costa Mediterranea với hải trình Adriatic thì chúng tôi không thể không trở lại Venezia. Tâm trạng lưỡng nan trước tính cách Ý chắc không riêng tôi. Duyên định hay đồng xu Chị tung trên gondola xuống dòng Kênh Lớn ­đã màu phép ứng sớm ngày tái ngộ...

 

Chúng tôi đến Venezia trước check-in du thuyền 16 tiếng. Nghỉ một đêm bên bờ Kênh Lớn, nơi tôi tròn mùa đan tay sóng nắng giữa âm giai chuông nhà thờ San Marco thỉnh nguyện lên thinh không.

Lối bộ từ sân bay Marco Polo ra bến vượt phá thêm phần mái mica uốn cong như bàn tay mở lửng trên đầu, nhưng khách phải băng qua mấy ngã ba đèn đỏ song song bãi đỗ xe beton ngậm nắng hầm hập. Dòng người hỗn sắc bám nhau lọc xọc vừa đẩy, kéo hành lý vừa tránh người ngược chiều.

Bến vaporetto nơi tụ dồn du khách, dật dờ, đủn đẩy từng người đợi lò dò nhảng xuống vaporetto quằn đảo trên sóng. Chẳng hiểu người Italia mải gì không nới rộng sân chờ mà để toen hoẻn mấy dạng chân mét vuông trong khi đất xung quanh bỏ hoang chó đùa, sậy mọc…

Bỗng lóe xóe tiếng Anh. Cặp đôi chóe đồ hiệu chừng 25- 26 tuổi. Nhỏ con. Xanh rớt. Mặt Việt ném cối giã không trệu. Cô  gái cong tay chỉ phía chòi quản lý bến đòi bạn trai đưa đến phòng VIP ngồi. Rõ là ngón tay cong của đám con nhà quyền lực quen thiên hạ phục dịch thường thấy trong xứ Việt. Cả hai vọt trước, bất chấp mọi ánh nhìn ngạc nhiên, lặng ngắt. Chưa kịp đến cửa bến nổi thì đụng sững gã nhân viên áo pull trắng, quần tím than chạng như con hươu cao cổ gục gặc phảy tay xua hắt ngược.

Những ai muốn rồi cũng xuống được vaporetto.

Cặp đồ hiệu ngồi trước chúng tôi một hàng ghế yên phận nhỏ to giọng Nha Trang với nhau. Cô cậu chắc đã biết trời xứ người cao xanh đâu dễ chảnh.

Thở dài, Chị khẽ kể, chính cô bé đã gào tiếng Anh: Tôi xếp hàng trước bà. Chỗ này là của tôi. Và hích bật Chị ra để xông vào phòng vệ sinh nữ ở sân bay…

Ba năm mắt đã thêm sương khói, Venezia vẫn nguyên dáng kiêu phong. Nhưng ai biết những bức tường lở lói đã hoen bao mạch vữa và móng nền đã lún bùn mấy milimet .

Taxi nước đè sóng Kênh Lớn dềnh những dư ba.

Tôi là cố nhân của Venezia thành trì quen sông nước cũ.

Hay tin Chị trở lại, ông tham tán Pháp vướng thỉnh giảng bên London, đặt chìa khóa dưới thảm cửa nhắn tin mời ghé nhà dùng expersso. Lòng tốt của bạn hay lòng tốt của bất cứ ai không thể vô hạn, khi sử dụng chúng ta cần tiết kiệm. Nó không phải là suối nguồn khơi một lần chảy mãi. Lòng tốt ấy là sự diễn đạt của chịu đựng và hy sinh. Ngại ngần, chúng tôi đã không dám nhận lời ông tham tán và đặt khách sạn từ Paris.

Bước run ngẩn bến đá San Marco. Dấu mới đặt lên vết cũ. Đôi giày Biti’s mới êm thuận ở Nội Bài, sau mười ba giờ bay cập Paris thêm hai giờ Paris - Venezia đã phản chủ. Mỗi bước đi nhức nhối gai đâm. Hai ngón chân út bị áp lực nướng chín. Quảng trường San Marco ngân hoan gọi băng tới tắm gió tươi đằm nguồn từ vịnh, nhưng vừa đưa bước, tôi đã rùng gối sụm xuống. Đã thế, bánh xe valise mỗi lần vấp mạch đá lát lại mắc khựng.  Dù tôi lựa bước cách gì thì đôi giày vẫn gây đau. Tháo giày rảo chân suông cũng không hơn. Đá lát không phẳng mặt như người ta nhìn mà ẩn khe rãnh và lồi lõm, thi thoảng chồi lên viên sỏi cạnh sắc.

Dư tám giờ tối, vầng quang mùa hạ ánh lướt trên những tháp chuông chơi vơi thánh giá và sóng cuộn day dứt vệt dài mãi sau dấu vaporetto. Lắc rắc quầng đèn vàng, đèn trắng trên đỉnh tháp, đỉnh cột, trên các hốc tường lở lói. Ánh sáng nhuộm sóng, lóng lánh hòa trộn bất tận niềm vui nỗi buồn reo trôi. Theo lời bà chủ, khách sạn cách quảng trường San Marco mấy số nhà, đứng bên cửa sổ thỏa nhìn bồ câu đáp lên đáp xuống ăn vụn bánh trên tay khách hành hương.

Chị điện đàm nghe chỉ dẫn vào ngõ này, ngoặt ngách kia. Tôi đi sau như tội đồ sắp lên giàn thiêu. Khập khễnh băng ngang lết dọc quảng trường Marco mênh mông như cánh đồng rồi vòng vèo qua hành lang ngộn túi rác, ngóc ngách hẹp long lở phía trên hai bức tường sắp ụp vào nhau.

Góc khuất bức tường dòng chữ đỏ phun nghệch ngoạch : “Quei turisti, vanno a casa! Voliamo rovina Venezia! ” “Bọn du khách, cút về nhà! Chúng bay phá hỏng Venezia!”. Vậy đấy, mới dăm năm thánh đường tình yêu đã chuyển màu. Giờ không phải người Venezia nào cũng hoan nghênh chúng tôi có mặt. Khẩu hiệu kia chỉ là dung nham phún xuất biểu hiện sự nung chảy nơi sâu thẳm địa tầng.

Tôi tê dại trước cánh cổng sắt han gỉ, lối hậu của ngôi nhà xập xệ, liền kề dãy quán hàng lờ mờ bóng đèn với những gã đàn ông mặt tủa râu, gilet xanh lợt vương dầu olive đầy khả nghi. Chị nhìn tôi lo ngại. Chuông réo hồi lâu.

Chừng mười phút, gã thanh niên lừng lững như đồ tể xuất hiện. Bà chủ không có mặt ở đây!

Rút điện thoại. Làu nhàu tiếng Ý thêm mười phút.

Chân tôi muốn quỵ.

- Nghe đây! Đây chỉ lấy số nhà cho tiện liên hệ với khách! Hiểu chưa? Chỗ này không thể nghỉ đêm! Không có phòng! Hiểu chưa? Đi theo tôi!.

Ngoắc ngoắc ngón tay, gã ra dấu đi theo.

Lộn lại đường cũ, ngoặt hẻm trái,vòng ngách phải, lê hun hút hơn chục phút thì chúng tôi được chui vào căn phòng tối mờ chiều ngang chưa tày bốn sải tay. Điện bật sáng. Mắt chóa. Bộ sopha cổ điển bọc gấm hoa, chỉ bạc thêu nổi. Một lan can đá mã não cao ngang gối, khắc chạm thần Neptune chạy lệch tâm, tạo lối đi lên gác và tôn vinh không gian phòng khách nhỏ nhưng bốn bề lộng lẫy đá khổng tước và đá marble. Mùi trầm không át được nước biển ai ai như nước đái chuột thấm ngược lên các bức tường. Lớp phiến đá khổng tước ốp tường ngấm nước mặn từ từ hàng trăm năm, đã bở rời như bị lửa nung rồi dội nước.

Gã ra lệnh chúng tôi ngồi chờ.

Bỗng trần nhà bật rung. Huỵch. Tiếng người ngã. Giọng phụ nữ thút thít. Giọng đàn ông khê nồng, gằn gắt.

Mười giờ đêm, một bà nạ dòng bật cửa ùa vào. Phình lùn, cười tóa lóa, lòa xòa váy lửng áo trong áo ngoài, túi đeo như bao tải. Đi cùng là một người đàn ông loắt choắt, tủm cười bí hiểm. Bà ta liếng thoắng như bà buôn hàng xỉ Thổ Tang. Xoạc ngón hướng vào tôi, ông ngồi đây, xòe vào Chị: bà theo tôi.

Ngập ngừng ngó quanh, chị miễn cưỡng bước theo bà dấn vào ngõ hẹp thẳm đen.

Cuối cùng thì ngửa bài: phòng quý vị đặt, do tôi đi Roma đầu tuần, nhân viên không biết đã lỡ đồng ý để người khác dùng. Nhưng chúng tôi vẫn lấy giúp quý vị căn hộ đẹp hơn khách sạn. Giá thay đổi tí chút...

Thói vặt của dân làm khách sạn chào bán phòng giá thấp đầu mùa và đợi mùa đến cao điểm thì bán cho người sau trả cao hơn. Khách đã đặt phòng tin tưởng đến đúng hẹn sẽ biết thế nào là cách người Ý xoay đảo. Nếu bạn ngồi gondola hoặc vaporerrtto ngắm thì góc nào của Venezia dù long lở, sụt lún khi lên hình cũng đẹp, nhưng mỗi góc khuất trong con người nơi đây không phải lúc nào cũng rọi được ánh sáng tới. Một thành phố nhìn xa thì mượt mà đường nét, nhưng cận cảnh thì sần sùi hiện diện khắp bề mặt vật liệu.

Người đàn ông nhũn nhặn  gật. Chỗ nghỉ đêm nay của chúng tôi thuộc quyền sở hữu của ông.

Cởi áo veste cầm tay, người đàn ông dẫn lối. Ông ta đi giật lùi nhìn tôi vác valise ái ngại. Căn hộ trên khuất góc tầng 3, cầu thang hẹp ngất  nghểu như chiếc thang tre kẹp giữa hai bức tường. Nơi tầng trệt hai tường mới đục vữa cũ, lộ trơ gạch chưa kịp trát vữa. Một căn hộ tiện nghi, hăng mùi sơn. Chủ đề màu đỏ trên sắc đen, pha trộn cổ điển và hiện đại.

Tôi chỉ muốn lăn ngay xuống giường mà thở.

Chạm một giờ sáng chúng tôi lụi cụi tụt xuống đầu ngõ tìm ăn. Những chấm đèn vàng ể oải treo bám trên những mảng tường loang vỡ gạch đỏ. Vẫn còn toang nhiều cánh cửa mở chào. Dân chơi còn ngoe nguẩy như cá vàng. Chợn với người Ý. Tiệm nhỏ thì tối mù, tiệm lớn thì sáng chói. Lượn xuôi ngược một tẹo đã nản. Từng hóc bữa cá nguyên con 80 euros ba năm trước, đêm nay ổn nhất nên chọn món đại chúng. Tôi nhủ vậy. Pizza là món quốc tủ trong di sản ẩm thực Italia.

Tiệm người gốc Ấn choán liền hai số nhà. Bàn ghế choang sáng, ngụt tỏa mùi clo. Bếp đặt giữa. Lủng lẳng cốc ly cài ngược. Chậu đồng, nồi đồng la liệt gắn trên trần, trên vách. Có cái gì thái quá của tính cách Ấn trong décor theo lối Âu. Tháp bia hơi nghểnh cao với cái vòi cong vút. Mấy cậu trai da đen tái như thiếc pha chì, tóc quăn,  mũi khoằm, mắt to lồi nhưng ánh nhìn bừng dễ chịu.

Cốc bự bia tuơi trào bọt. Ôi, cơ thể chùng mát ngấm cơn men đắng mê. Pizza nướng trong lò được bày ra. Đường kính dễ đến 35-36 cm. Fromage, tôm, hàu, thịt hun khói, cà chua, hành… Hơi nóng bỏng miệng. Pizza thưởng lãm tại Ý vị ngon đến ngột ngạt.

Lúc thanh toán, tôi ngạc nhiên. Giá mềm đến sung sướng  móc ví. Nếu bạn tới Venezia, ăn nhậu, mua bán có lẽ nên đến cửa hàng dân gốc Ấn, trước khi đến hàng quán người Hoa, người Trung Đông và người Ý…

Sáu giờ sáng, quảng trường San Marco thưa vắng. Sự im ắng báo hiệu trước cơn giông du khách ào ạt. Sương mờ trườn lên từ Kênh Lớn như mây sa. Lác đác bóng người rờ rẫm nghênh ngếch. Ngón chân đỡ đau, nhưng tôi  chưa dám tin rằng mình đang đứng giữa quảng trường San Marco.

Bay váy xanh chấm nụ hoa vàng, Chị lướt trong sương lam…

Gã thiếu niên câu khách chụp ảnh với bồ câu bằng cách tung những nắm ngô tẩm dầu nhử lũ chim dạn dĩ, béo nấn. Nặc đòi 10 euros, tôi đưa hai, gã cũng im. Chúng tôi xếp hàng vào thăm lại Nhà Thờ San Marco. Đá cẩm thạch và vàng hiện diện bốn chiều như trấn áp cảm xúc. Nếu chưa một lần chứng,  người ta phải có trí tưởng tượng của Anhxtanh mới hình dung phần nào sự xa hoa giàu sang mà Venezia xa xưa sở hữu…

Chị xoay tìm góc chụp bức tranh mosaic vẽ năm 1260, một trong năm bức tranh ngự bên trên vòm phía tay trái, cửa thánh Alipio, thể hiện cảnh chôn cất thánh Marco, cũng như sự tôn kính trước thánh tích Ngài.

Đã hiển thánh, nhưng để  San Marco được yên nghỉ nơi đây, thì hai lái buôn Venezia phải đặt thi hài Ngài trong khoang chở lợn dưới hầm tàu mới thoát khỏi thành Alexandria, Ai Cập của người theo đạo Hồi.

Nơi chân tháp chuông San Marco, chúng tôi đụng lại cô cậu đồ hiệu đồng hương đang tạo dáng chụp ảnh.

Nhà thờ cầu kỳ bao nhiêu, thì tháp chuông gạch đỏ hình nêm này đơn giản bấy nhiêu, điều xa hoa duy nhất trên đỉnh tháp là tượng Tổng lãnh thiên thần  Gabriel mạ vàng hắt nắng sáng chói nhức.

Thôi thì hồi cố và tự tình với Venezia bằng mỗi bước chân, bằng khắc tâm mỗi chớp ánh ảnh thành phố tình yêu  vạn thuở. Một phút dừng chân cũng làm nên số phận nữa là tôi đã có cả mùa sóng nắng đan tay. Kể từ buổi ấy xa, mỗi lần lênh đênh sông nước Việt là ấy lần tôi đau đáu nhớ dập dềnh sóng gondola. 

2.Costa Mediterranea.

Rạng sáng tấm đệm dưới lưng tôi bẫng lẫng, tiếng chân vịt i i dội ngược chạm vào thính giác như chuỗi gáy chú dế trũi tăng động. Nệm chăn ấm mượt, ngái mùi rong biển dập vỡ lẫn hương nước hoa Azzaro lúc gắt lúc nồng. Hình như Costa Mediterranea đang trở mình đổi hướng lách ngang eo biển dềnh dang vào điểm hẹn.

Chạng vạng chiều, con tàu rời bến Venezia trên nền sóng trầm giọng ca Andrea Bocelli bủa ngập thứ ánh sáng như bụi vàng hồng tán xạ tầng khí quyển rồi buông xuống Kênh Lớn và mốc rêu gạch đá mái vòm dát vàng thánh giá. Miền không gian phi thực gieo mộng cho tôi cùng Chị trên con triều Adriatic trong ngàn cơn tín phong thổi suốt từ phía quê nhà.

Nhịp còi chào Venezia cường kiện, Costa Mediterranea ưỡn ngực đỡ chân trời sóng duềnh bọt nước lởn vởn bóng sẫm. Giọng Andrea Bocelli đôi khúc nấc nghẹn. Con tàu trắng mười tầng như tòa thành nổi vạm vỡ ống khói màu vàng chanh logo chữ C đen nổi bật sáng đèn từ lúc nào. Đàn hải âu nhao nhác đan vòng.

Quãng đời lính tôi có đận bám tàu vận tải quân sự, lắc như đu quay, nôn say tưởng lộn trái dạ dày. Giờ nằm du thuyền, tôi ngỡ đang bềnh mây…

Bến San Marco, tôi từng ngước trước du thuyền Serenade of the Seas chưa kịp hình dung một ngày mình bước qua khung cửa hông tàu lủng lẳng những xuồng cứu hộ màu cam khám phá một siêu du thuyền cùng đẳng cấp. Và khi cơ hội đến, chúng tôi đặt Venezia làm tọa độ gốc hải trình du thuyền Costa Mediterranea xuyên Adriatic.

Adriatic vùng biển nửa kín trung tâm Địa trung hải, bề ngang 200 km nhưng chiều dài thong dong gấp bốn lần thông với biển Ionian phía nam bởi kênh đào Otrante 70 km, phân cách eo phía Tây bán đảo Italia và eo phía đông thuộc bán đảo Balkan vừa im tiếng súng, lắng khói giao chiến sắc tộc và tôn giáo. Adriatic trong miên trường lịch sử chẳng mấy thập kỷ sóng nước không quằn loang máu thủy thủ, nuốt chửng triệu triệu tấn tàu thuyền từ gỗ đến sắt để loài san hô làm giá thể…

Nhoi lên boong thượng, tôi chợt nhận ra không chỉ mình háo hức với ban mai đầu tiên trên tàu lạnh buốt tinh sạch như nước cất.

Kiêu hãnh và uy dũng, Costa Mediterranea trườn chậm vào bề mặt vịnh ngọc bích khoét sâu vào đất liền như một miếng ghép của tạo hóa chơi trò xâu dựng địa mạo. Boong tàu vài du khách yên lặng bám vòng lan can gỗ đẫm sương, ngắm ba bề sườn núi rạn vỡ, chia cắt tạo khe rãnh sâu hoắm, nhô phơi màu đá hồng xám điểm những khóm cây còi cọc tưởng giơ tay là với được. Hao hao núi nét dáng giống vịnh Cam Ranh. Một vài nóc nhà lợp ngói đỏ chênh vênh đầu dốc. Lều của đám thợ săn hay chăn cừu nhỉ? Cây tháp nhà thờ dựng đứng trên vách núi dựng đứng. Con chiên nào có thể trèo lên vách núi hành lễ? Con đường hẹp nhỏ lan man như sợi len rối men theo mép vịnh làm sao hai xe đi ngược chiều có thể tránh nhau? Bóng thiếu nữ áo đỏ lững thững đi bộ bên bờ nước. Cô gái ơi, cô đi chơi về muộn hay bây giờ mới bắt đầu cho buổi hẹn hò?

 

Tòa lâu đài đơn độc trên hòn đảo đá xám lập lờ giữa mặt vịnh phẳng căng như tấm kính xanh ngọc bích. Bình minh lan hồng. Màu không gian ấm mà lại lạnh. Mấy cánh hải âu đâm bổ xuống như tự sát rồi bất ngờ bẻ hướng vọt bổng ngất. Tôi lựa phía đuôi tàu, mắt cuốn vào vệt nước sủi bọt trắng như cái đuôi rồng khổng lồ dài cả cây số nuôi dưỡng bở chiếc chân vịt quấy đảo mặt biển đẩy con tàu trườn về phía trước. Tàu đã cách xa mấy trăm mét mà phía sau sóng cuộn mãi chưa yên. Sương lạnh ngả sắc lam tím châm chích tôi như gai mâm xôi cào trên da thịt. Đã thấy lô nhô cột thuyền buồm, vài con tàu kềnh càng buông neo đang thiếp ngủ mơ màng…

Costa Mediterranea là một biệt cung nổi năm sao mười tầng nuột trắng dập dìu nhạc valse, sủi bọt champagne thảnh thơi di chuyển giữa các vùng biển bất kể các giả định thời tiết. Tạo dựng từ cảm hứng phong cách của cung điện lịch sử Italia, Costa Mediterranea đại diện phù hoa cho những gì thuộc về nghệ thuật kiến trúc truyền thống Ý, chi tiết tỉ mỉ và đầy ắp các tác phẩm nghệ thuật nhưng vẫn hài hòa, kênh kiệu.

Dạo đến bất cứ tầng nào cũng có quán bar với những ghế bành, hình cung, hình tròn, chữ nhật, bán nguyệt nệm da mềm phụp dành cho một nhóm, một đôi, và không thiếu không gian cho một kẻ cô đơn ngồi ngắm biển qua cửa sổ.  Mười tầng, mỗi tầng là một khu phố, một nội thất riêng. Sảnh mỗi tầng là một hành lang đi vào thế giới huyền bí sắc màu của thiên đường vòm trần với những thiên thần dạo đàn hay đền đài thủy cung sáng lòa ngọc trai vân sóng mây bạc. Mỗi góc boong là riêng thế giới giao hòa với biển cả.

Nếu nhắc đến con số thì Costa Mediterranea sở hữu 10 cầu thang máy và từng ấy cầu thang bộ, các nhà hát, phòng karaoke, phòng gym, hai bể bơi, thư viện; riêng nhà hàng Argentieri trưng 139 bức tranh các loại. Chạm mắt bất cứ không gian nào, góc nào của con tàu,du khách đều lắng mình một chút để thưởng lãm nghệ thuật decor.

 

Các cầu thang bộ xoáy ốc chia bốn ngả cùng gặp một chiếu nghỉ rồi mới nối tiếp lên tầng, được thiết kế để người ta vừa có thể làm nền chụp ảnh mà khi cần thì cũng giải thoát nhanh nhất lượng người dồn ứ. Hình ảnh bạch tuộc, sao biển, nàng tiên cá, thần Neptune, thần Bacchus, cá heo, cua, tôm lẩn vào đèn trần, đèn tường, tay vịn, bậc thang hân hoan màu sắc như muốn nâng bổng mỗi bước chân người. Lên là bước tới thiên đường. Xuống là về với thủy cung.

Vun vút lồng thang máy trong suốt ba chiều kính, dù thượng hay hạ, du khách không một giây bỏ lỡ thế giới biến động sắc màu của Costa Mediterranea.

Tôi không thể hình dung phương thức các kiến trúc sư, kỹ sư, họa sĩ kết hợp với nhau khi đóng con tàu bảo đảm công năng thẩm mỹ yên hòa với yêu cầu kỹ thuật. Với 1.057 cabin, 660 phòng  cửa sổ hướng biển và 58 phòng ban công riêng. Tàu chứa 2600 khách. Và khoảng 1200 nhân viên phục vụ.

 

Trong khoảnh khắc 2600 hành khách cùng bật máy lạnh, cùng tắm gội thì chỉ riêng lượng điện lượng nước trên tàu phải đủ cung sao cho không một ai phàn nàn đã là bài toán không dễ giải. Nhà máy lọc nước biển tại chỗ thành nước ngọt, và nhà máy điện riêng của Costa bảo đảm cho điều đó. 

Thủ tục check-in như lên máy bay. Hộ chiếu những nước không thuộc châu Âu đều bị thu giữ tới khi kết thúc hành trình mới hoàn trả. Tàu ghé cảng nào cần hộ chiếu gốc thì nhà tàu mới nhả đưa du khách sử dụng. Khi trở lại tàu nhân viên lập tức thu hồi hộ chiếu. Hộ chiếu Việt đương nhiên thuộc diện quản lý mang tính kỳ thị đó. Biết bao giờ mới tôi phai cái nhếch mép khinh khi. Bàn tay mập ú xoăn lông vàng của gã nhân viên an ninh Ý lật lật tấm hộ chiếu chi chít dấu thị thực  ra vào châu Âu nghiêng đầu nhợt một vẻ lịch sự miễn cưỡng mời tôi qua.

Chưa kịp bước tiếp thì lù lù hai nhiếp ảnh gia vồn vã một cách bí hiểm. Một nam, một nữ ngồi sau chiếc bàn với ống kính siêu nét, họ đạo diễn hành khách quay phải quay trải trình diễn đủ sắc thái góc chiếu. Đặc biệt là các cặp đôi, được khuyến khích ôm vai, hôn má, giơ tay vuốt tóc, chỉnh cổ áo chemise cho nhau. Chẳng hiểu vì sao nhà tàu sốt mến chụp ảnh hành khách thế không biết. Ai cũng ngỡ chụp ảnh vì lý do an ninh đòi hỏi của phương pháp kiểm soát mới…

Đồ tiêu dùng và dịch vụ có ở Roma hay Venezia thì cũng hiện diện trên tàu. Từ chiếc tăm bông đến nhẫn kim cương. Trực trước cửa cầu thang máy mỗi tầng là các kỹ thuật viên tiệm spa người Thái người Phi lộng nhan sắc, trang phục nghiêm túc, chào mời khách sử dụng dịch vụ trong sự nhẫn nại và mềm mỏng đến nao lòng.

Trước khi ghé bến mới, du khách đã nhận được thông tin sơ bộ về điểm đến, mức thời gian lưu trú cũng như các tiện ích đưa đón khách tham quan. Người ta có thể lựa chọn dịch vụ của Costa hoặc tự mình tìm kiếm khi lên bờ.

Hàng bữa, du khách mặc sức nhồi ních những món ngon tùy size dạ dày. Có lẽ đây cũng là một lý do người ta mê mẩn Costa. Vấn đề không phải ăn nhiều hay ăn ít mà là tự do trong việc ăn, sự chơi.

Đồ ăn miên man thức món. Ngộn sắc màu phồn thực dưỡng chất. Rau tươi, hoa quả rối mắt chủng loại. Và trời ơi, các món tráng miệng rộn ràng bánh ngọt sánh bên kem  bon chen bên quả khô tươi trộn kiểu Ý, Pháp, Tây ban nha, Arap….

Người dẫu kém tiêu hóa, liếc qua đã cảm giác mình sắp béo phì. Bạn có thể chọn nhiều cách ăn. Nếu chọn kiểu buffet thì sẵn cả vài chục quầy bếp trên tầng chín. Nhân viên đồng phục nghiêm cẩn, cười cười, thìa nĩa đĩa sáng ánh bạc ròng. Mỗi bếp một thực đơn riêng kết hợp phong vị của các châu lục. Nóng và lạnh. Khô và tươi. Mặn và ngọt. Đang ăn bếp này có thể chạy sang quầy bếp kia tức thì. Mỗi bếp chỉ dùng một món đặc trưng theo ý thích. Xoay hết mạn phải lại sang mạn trái. Miễn đừng bỏ bưa thức, xếp hàng lịch sự, và…còn bàn trống. Ăn liền tù tì từ sáng tới trưa qua chiều đến tối. Bữa nối bữa. Tất tật đã tính cả vào giá bao trọn gói.

Đồ uống tính riêng. Ai dùng bia rượu thì trả tiền tại quầy bằng cách ghi số thẻ visa và số phòng. Ăn đúng bữa tự phục vụ tầng chín. Ăn nhà hàng có nhân viên phục vụ theo món tầng ba. Hoặc sang chảnh hơn thì đã có nhà hàng trên tầng thượng đạt sao Michelin cho các quý ông quý bà muốn không gian riêng, muốn trả tiền. 

3.Nhà hàng dạ tiệc.

Phấn chấn, tôi và Chị sẽ dự dạ tiệc ở nhà hàng VIP bởi muốn nuông chiều bản thân tí chút sau hai 24 tiếng vạ vật, lách vượt qua mớ thủ tục cảng vụ Venezia. Và phần nữa tập tính Việt quen suy diễn vặt, tôi thuyết phục Chị rằng hôm đầu tiên hành khách đa phần mỏi mệt, chẳng mấy ham đến nhà hàng vì Costa qui định phải trưng trang phục dạ hội. Rắc rối nhiêu khê. Chủ đề thời trang lại áp đặt màu sắc đỏ trắng xanh, (bảng phối màu quốc kỳ Italia) thì chắc gì người ta đã sẵn sàng cho một rong chơi tốn nhiều chuẩn bị.

Nhoáng tắm gội, choàng lên chiếc áo chemise lụa không cổ, mix với quần đũi thành bộ đồ trắng, giày thể thao trắng, loang toàng phong cách casual, tôi thư thả chờ Chị bên chân cầu thang tranh thủ vuốt tóc chỉnh đốn mình trong tấm gương bằng hợp kim bạc đánh bóng.

Tiếng giày cao gót gõ êm mặt thảm, Chị long lanh vầng hồng pha sắc tím của chiếc áo dài truyền thống với tấm khăn voan trắng như đóa mây nước Việt…Chiếc áo dài Việt  ngọt ngào, quyến rũ bí hiểm kiểu phương Đông, một sự tao nhã chủ động. Không quen là trung tâm chú ý, Chị những muốn mình là một phần trong đám đông, nhưng chiếc áo dài Việt quá khác biệt khi xung quanh Chị là những bộ váy áo cầu kỳ màu nude, xanh navy và xanh ngọc rình rang phụ kiện như quạt, vòng đeo sát cổ choker, mũ dạ tiệc, lưới che mặt hay găng tay dài trắng, đen...

Vốn hay lo lắng về vẻ ngoài như bao nhan sắc, nhưng hôm nay, trang sức mà Chị có thể khoác lên mình để tỏa sáng trước mọi người chính là sự tự tin và niềm vui tràn ánh mắt, nụ cười và cử chỉ của chính mình.Nơi hành lang, trong thang máy, lướt qua quầy bar hay thả từng bậc cầu thang xoáy ốc lấp lánh châu sa như ngưỡng cửa thiên đường, tôi tháp tùng Chị trước bao nhiêu ngưỡng mộ của thế giới phù hoa.

Người trực mở hé cánh cửa bọc nhung, chúng tôi bật ngửa loạng choạng vì tiếng ồn buột ra cùng hơi rượu bia, thức ăn như cơn bão quét ngang. Dường như bao nhiêu du khách trên tàu dồn tụ về cả đây, không gian nhà hàng phục vụ bữa tối xếp vừa cả sân bóng chuyền bàn kê sít bàn lèn cứng người và người. Chẳng khác mấy những bãi bia hơi sôi sục đối khẩu, đấu cốc buổi tối ngày hè mất điện ở Hà Nội hay Sài Gòn.

  

Nếu cứ ngóng nhân viên phục vụ hỏi đến thì chẳng mảy cơ hội cho chúng tôi. Không một kẽ hở đủ lách nổi người băng qua lổn nhổn bàn ghế, lưng, chân, mặt người chình ình. Mất công chỉnh trang tư thế phục trang nửa giở mà lùi thùi quay lui thì cũng ấm ức. Tất cả đều phải theo qui trình. Tôi len đến quầy đăng ký để tiếp viên ghi số phòng và đợi người dẫn đi nhận bàn. Nhưng không còn bàn trống thì đăng ký ở quầy cũng chẳng nhằm nhò. Hơn ba mươi phút chờ đợi, cuối cùng cũng có cặp chừng trên bảy mươi không thể chờ thêm đã lặn lội vượt ra. Gã gác cửa vỗ bộp vào lưng tôi bảo:

In vanti ! Ultima opportunità ! (Tiến lên! Cơ hội cuối cùng đó )

Lạy Chúa, sau nỗ lực liên tục xin lỗi vì va chạm và kiên trì luồn lách cảm ơn chúng tôi đã có bàn. Đúng hơn là một nửa cái bàn, lọt thỏm giữa những háo hức, chẫu hẫu. Đôi sóng bên đôi. Gia đình sánh gia đình. Muôn khuôn dung trang nghiêm, nhẫn nhịn như đang chờ thánh lễ. Bàn nào bàn ấy, khăn ăn vẫn bọc thìa nĩa, đĩa trắng không, ngất nghểu chai rượu, sàu bọt vại bia, vụn bánh mì tóe như vãi cát... Bàn có một món nguội, coi như đã trúng số. Ai ai cũng lịch sự, bảnh bao, nên ai cũng phải kiên nhẫn và kiên nhẫn. Chờ. Chờ hoài rồi cũng nhạt miệng. Phải gọi đồ uống trước cho nhã với đẳng cấp du lịch du thuyền năm sao.

Yên chỗ, kịp làm quen sơ sơ nhưng sau vài chục phút ngóng vọng thì tiếp viên mới đến mở sổ hỏi order món gì. Ghi sổ hỏi rồi, nhưng phải từng ấy thời gian trôi qua, cô tiếp viên người Philippines mới đủng đỉnh trở lại nhẹ nhàng: “Thưa, món sườn cừu non nướng kiểu Arap vừa hết. Rất xin lỗi, trong khi suy nghĩ  gọi món tiếp theo ông bà nên uống chút gì cho đỡ căng thẳng.”        

Tôi ngẩn ra. Chị chau mày. Thú thực tôi chưa thể quyết định thức uống nếu như biết mình sẽ ăn món gì.Tôi ra dấu chờ thêm chút để còn chọn lựa.

Đám đông vây quanh tôi và Chị đa phần là các công dân Pháp ở dưới tỉnh xa Paris. Không hiểu sao dân gà trống tụ hội về cả góc này. Tuổi già an nhiên, quý ông veston nghiêm nghị, quý bà váy ren nếp xếp phồng ngụt tỏa các “note” hương cứng mềm kiêu hãnh khẳng định một lần nữa với thế giới giữa khu vực chủ quyền đất nước hình chiếc giày ủng rằng Pháp quốc là cường quốc nước hoa. Những người Phú lãng sa về hưu mới dắt díu nhau đi hưởng quãng đời bóng xế, có lẽ là những người về hưu lịch lãm và thân thiện, cá tính nhất thế giới. Chắc một điều không phải ai trong số họ cũng từng du ngoạn tàu năm sao. Hừng tự tin, nhưng vẫn cứng cứng, gượng gượng thế nào trong cử chỉ, bộ điệu cười cợt quây quần giữa họ với nhau.

Nửa bên chung bàn với chúng tôi là cặp ở vùng Calvados chừng tuổi 40 dư. Gã chồng nhâng nhâng, trán gồ, cô vợ mũm mĩm căng tròn trong bộ váy trắng xếp nếp cổ khoét rộng quá khe ngực. Lèo tèo đĩa salat và miếng cá tuyết sốt chanh. Chồng vợ đỏ rịm. Chai Bolgheri Sassicaia cạn lưng chừng. Giá gốc trên bờ chai này cũng đôi trăm euros, dưới tàu chắc không có giá ấy. Ông bà ở Toulon bệ vệ ngồi đằng trước, thi thoảng lại liếc mắt nhìn sang chai Sassicaia. Họ trao đổi nhỏ to. Cô tiếp viên tinh ý lách đến hỏi ông bà  hãy quyết định gọi đồ uống nhanh nhanh giúp cho. Nhà hàng đang cháy nhân viên phục vụ.

Gã trán gồ bặm trợn:

- Oh, lọt cửa đây thì gọi liều đi… Xem chừng ông bà không dám gọi loại này đâu…Ngồi tàu Ý, uống vang Ý mới là sành điệu…

Bà vợ chói sáng chuỗi ngọc trai, mặt hồng rực giành menu về phía mình, liếc mắt rồi nhấn ngón tay đeo nhẫn hồng ngọc vào chai Barolo Riserva có năm hạng, giá chắc chắn vượt chai Sassicaia . Ông chồng sững sờ, vuốt ria cười ruồi.

Cô tiếp viên hí hoáy ghi sổ tay rồi quay trở lại với tôi. Ậm ừ. Tôi nhát ngừng.  Bia. Tôi chấm bia. Bia Đan Mạch, dòng bia chua, đắng. Cốc nửa lít. Giá đóng đinh năm euro. Chị muốn nước lựu ép. Còn món thì tùy vậy, trong bếp có thức gì thì dùng thức ấy. Không kén nữa.

Bia, nước lựu ép có ngay. Thêm mười lăm phút chờ, món của chúng tôi được trịnh trọng mang ra thì vẫn là salat và cá tuyết sốt chanh! Ô hô. Vợ chồng gã trán gồ khoái chí cười lục khục. Cái giá hưởng thụ kẻ khác hầu hạ và tự phục vụ quả là không đơn giản tính bằng lượng vật chất được nhận bao nhiêu mà là sự tôn trọng thông qua sự tận tụy của dịch vụ mà anh xứng đáng được hưởng với sự hy sinh đồng tiền của mình.

Đôi Toulon vẫn nhấp suông Barolo và dứt véo bánh mì. Món họ gọi dường như vẫn còn chưa rời hầm lạnh. Bà vợ thi thoảng ném cái nhìn trưởng giả sang cặp Calvados đầy mãn nguyện. Thói đua nhau gọi món giữa nhà hàng thì người Pháp tỉnh lẻ cũng thường như dân nhậu Sài Gòn nổ bôm bốp. Liếc xa rộng, tôi nhận ra không ít các bà vợ, không chắc là người Pháp cũng nhòm món bàn bên, nhòm rượu, rồi đọc menu vui vẻ hay đăm chiêu chắc là do khoản tiền phải thanh toán. Đây đó, các bà vợ thi nhau dỗ dành, ép chồng uống kỳ hết chai rượu đã gọi. Qui định của nhà hàng, uống không hết, không được mang về cabin, tiếp viên sẽ niêm phong chai rượu để bữa sau khách lại đến uống nốt…

Hưởng một lần nhà hàng VIP Costa Mediterranea với tôi đã đủ. Hú họa  được phục vụ thì tôi vẫn phải sắm cho mình bộ dạng trưởng giả không đúng với thói ưa khoáng hoạt của mình. Dại gì bó thân trong đám đông ra vẻ đạo mạo, nhịn đói trong khi nhoai dăm bước chân thoát ra hành lang, nhấn nút, vọt lên tầng chín trùng trùng thức trong các quầy buffet, nhằm cái bàn bên của sổ ngắm biển trời Adriatic hoang mang khói sương để ngẫm về sự phiêu du chẳng hơn ư?

 

Nhưng suốt hành trình, tôi luôn thấy nhà hàng bữa nào cũng ních người chưng diện chen vai hích cánh. Có lẽ họ trọng sang trọng, trọng sự được tôn trọng phục vụ; bởi sở hữu những điều đó, người ta không dễ gì xài chùa, tiền tiêu qua thẻ, thanh tra thuế không bao giờ biết đến khái niệm 50/50 như xứ Việt, một khi đã bỏ tiền thì phải hưởng thụ tất cả những gì thuộc về quyền lợi đã qui định và thỏa thuận giữa nhà cung cấp dịch vụ với họ. Dù đôi khi để hưởng thụ còn phải bỏ thêm tiền của công sức vào đó nữa… 

4. Người Việt làm công trên Costa.

Cuối hành lang, bỗng bừng lên khuôn mặt điển trai, tóc vuốt keo trang phục trắng cổ ngắn của nhân viên khách sạn, đang lụi cụi đấy chiếc xe thùng chất đầy dụng cụ dọn phòng, máy hút bụi, khăn tắm, giấy vệ sinh, nước đóng chai tiến lại gần tôi. Ánh mắt cậu ta như dính lấy tôi. Nụ cười sáng, giọng Sài Gòn, khàn, nhẹ, ấm.

- Có phải anh muốn tìm phòng 1107 ạ. Anh ở Việt Nam mình sang ạ?

Chẳng hiểu sao, tôi làm động tác mù mờ để người đối thoại tùy biến nghĩ đó là gật đầu hoặc lắc đều đúng. Niềm nhớ thương nước Việt ẩn chìm đâu đó bỗng trào dậy, dù mới xa dải đất hình chữ S chưa tròn 48 tiếng tôi không nghĩ mình lại yếu đuối trước ngữ điệu miền Nam dài mượt giữa lênh đênh Adriatic.

- Anh là người Việt trong nước đầu tiên lên Costa đấy, từ ngày em làm ở đây mới gặp đôi lần người Việt định cư ở châu Đông Âu đi chơi thôi..

- Vậy… sao em lại ở đây?

Ánh sáng chợt hiu tối trên gương mặt người trai. Lánh cái nhìn xuống thảm. Thở dài. Rồi lại nụ cười sáng khi ngẩng lên.

- Hãng tàu này như Trụ sở Liên hiệp quốc anh à. Không chỉ mình em là người Việt ở Costa đâu anh…Em tên Phương. Có mười lăm người làm việc ở khu vực khách sạn và nhà hàng.

Phương dẫn tôi đến trước cửa phòng 1107 thì đụng Vindell, anh chàng Philipines, trán hói, da đồng điếu, cùng ca trực với Phương đã tranh thủ làm phòng xong. Lịch dọn phòng thực hiện hai lần một ngày. Buổi sáng và buổi tối khi khách đi dùng bữa. Buồng tắm luôn sẵn thay khăn khô mới. Chăn, ga, gối phẳng phiu thơm, không một sợi tóc vương. Hào hứng, Phương giới thiệu với đồng nghiệp tôi là họ hàng. Nhanh miệng chúc mừng, Vindell lặng lẽ rút lui. Ái ngại, tôi hỏi Phương rằng, nếu tôi mời cậu vào phòng trò chuyện thì quản lý có cự nự không. Phương nhoẻn cười, nụ cười mở, rạng nhất mà tôi từng gặp.

- Costa khuyến khích nhân viên tàu giao tiếp với hành khách. Miễn là không  ảnh hưởng đến công việc. Có thể kết bạn, mời nhau đi nhà hàng cũng ok mà anh…Nhân viên có thể đến phòng của khách, nhưng khách thì không được khuyến khích xuống tầng hầm nhân viên. Trừ phi có chương trình tham quan ưu đãi cho du khách…

Ba mét lại một cánh cửa nhựa vân giả đá gắn ống thư bán nguyệt bằng đồng bên trái khung cửa nhuôm, hành lang dài hút, trải thảm xám kẻ ô trái trám chỉ vàng, cả trăm mét. Hết mỗi đơn nguyên, là một bức tranh về đề tài nào đó về thần Neptune và văn hóa Ý, chỉ dấu khu vực cầu thang máy. Trước mỗi cabin bây giờ mới thấy hành lý đặt trước cửa. Thay vì để khách tự lấy valise trên băng chuyền như hàng không thì Costa đưa thẳng hành lý từ hầm tàu lên tận phòng. Trong khuyến cáo, Costa yêu cầu khách nhớ mang theo những vật dụng cần thiết và trang phục trưng diện buổi tối khi nhận phòng bởi hai tiếng sau mới nhận được hành lý ký gửi. Và khi check-out valise cũng được yêu cầu để sẵn trước cửa một giờ.

Mỗi công việc một kiểu đồng phục riêng, nhân viên phục vụ đi như những cái bóng mang nụ cười. Quần áo, giày dép, bảng tên của toàn bộ thủy thủ đoàn và nhân viên đều được bộ phận giặt là của tàu đảm trách với sự tận tụy như phục vụ hành khách. Đồ bẩn thu gom và đồ sạch được trả lại đúng vị trí từng người. Ngoài thủy thủ đoàn, thì các nhân viên phân chia theo chức năng, gồm nhà hàng khách sạn, máy tàu và bảo trì. Họ sinh hoạt dưới sàn tàu.

Bất kỳ khung giờ cũng có thể gặp những nhân viên bảo trì, bảo hộ liền quần, tím than, logo Costa cầm chổi sơn, cầm chổi lau, vòi phun nước. Công việc nặng nhọc, nguy hiểm, lương cao hầu như chỉ cộng đồng người gốc Ấn trấn nhiệm. Họ len lỏi mọi ngóc ngách con tàu, treo mình bên hông tàu thẳm thẳm như vách núi, móc máy, thổi bật bụi bẩn, han gỉ. Họ làm việc không giờ giấc. Ca nối ca. Biển cảnh báo trơn trượt hiện diện khắp nơi. Những nhân viên mũ nhựa vàng, áo liền quần, tím than, logo Costa, tệp với màu da nhuôm nhuôm gỉ sắt, mắt ốc nhồi ngáo ngơ trắng. Con tàu hoạt động 10 năm mà như mới xuất xưởng.

Phương từng làm quản lý khách sạn năm sao ở Sài Gòn, Macao đã hợp đồng năm năm trên tàu. Mỗi năm Phương làm việc chín tháng theo các hải trình bốn đại dương. Vợ và hai con trai dịch chuyển cư trú giữa hai đầu đất nước hết mấy tháng Hải Phòng lại mấy tháng Sài Gòn, những ngày Phương xa vắng.

Phương bật smarphone tin cậy khoe ảnh thiếu phụ hiền thục đang khoác vai hai chú nhóc mâng mẩng. Ba gương mặt sáng như trăng rằm.

Nheo mắt, Phương tinh nghịch hỏi tôi về bữa tiệc tối ở nhà hàng. Chàng cười ngặt khi tôi làm văn tả cảnh những gì vừa trải qua.

-Thôi, để em bù cho anh nhé…

Phương quay ra xe thùng cầm vào chai champane Italia.

- Em mời…

Thấy vẻ ái ngại của tôi, Phương trấn an:

- Anh yên tâm, rượu này em không phải bỏ tiền mua, em cũng không mó máy ở đâu. Em được ông bà người Đức xuống bến lúc trưa mời…

Khi đã thân thiết, Phương trải lòng. Trên tàu người làm công đông nhất là người Ấn, sau là Indonexia, tiếp là Philipines. Cộng đồng Việt khiêm tốn nhất nên thường bị các nước khác chèn ép. Người Philipines, Ấn Độ có nhân sự quản lý khắp khâu trung gian, nên khi gặp rắc rối nhỏ, họ thường bao che cho nhau. Nhưng với người Việt nếu mắc cùng một lỗi như họ thì họ cố tình gây to chuyện, hòng đuổi việc, bước sau là kéo người nước họ lên thế chỗ. Nhưng mới đây, ung nhọt đó đã được các thợ máy người Ý cáo giác với chủ tàu. Chủ hợp đồng điều chỉnh và chia đều quyền lực cho các cộng đồng hợp đồng lao động. 

Người Việt thoát đối xử bất bình đẳng trên tàu, nhưng bất công chưa hết, bởi chuyển tiền về nhà qua Western Union thì 100 euros phải mất 20 euros phí. Gọi điện thăm thân cũng phải tính từng giây. Còn người Ấn, Indonexia, Philipines được Chính phủ  hỗ trợ chuyển 100 euros mất bảy-tám euros, đã thế cước điện thoại về nhà lại hưởng giá rẻ. Ấy vậy, những kẻ ấy  gặp đồng bào của mình trên tàu, thì dửng dưng, phớt lờ coi như không hề biết. Người Việt gặp người Việt bao giờ cũng mừng vui, không lờ lớ lơ như nơi đất liền. Phải chăng hiện tượng đó do chỉ có 15 người Việt mong manh giữa 1200 nhân viên Costa Mediterranea ?

Với lao động nữ Việt vốn bé nhỏ, duyên dáng, thương khó luôn là đối tượng bị quấy rối hàng ngày. Câu chuyện đặc biệt nhạy cảm với đám đàn ông Ấn, đông đảo, sung mãn, hung hăng, săn tìm cách tiếp cận các em.

Không ít người Việt trên tàu thực sự cô đơn do nhiều lẽ. Nỗi cô đơn ăm ắp  tự ti.  Nỗi cô đơn trong môi trường khép, nỗi cô đơn của kẻ từng tin rằng những giá trị Việt bất biến như đảo đá trở nên hằng biến như bọt biển, rằng hễ nhắc đến cái tên Việt Nam thì mọi công dân hải ngoại đều kính trọng yêu mến, giờ bỗng phải ứng xử với cả thế giới nhiễu động hung hăng, ngô nghê lẫn văn minh, lạnh lùng, rành mạch từng xu.

Ngoại ngữ lộ cộ, tự ái vặt, thù vặt, nhớ dai, dễ đánh lộn. Nghiệp vụ thiếu chuyên nghiệp, chịu áp lực kém. Quên  xác định lên tàu làm là để kiếm tiền và an toàn trở về mà lo bảo vệ danh dự cá nhân. Họ vay nợ mấy chục triệu, thậm chí đôi trăm triệu lót tay trung gian để lên tàu. Chưa kịp xong hợp đồng, đã bị tống  lên bờ chỉ vì cái chảo rửa không sạch, hay bớt xén một chai nước.

Phương được Saigontourist đào tạo bài bản, thích nghi với trường việc làm cạnh tranh quốc tế khốc liệt. Saigontourist chủ trương đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cung ứng cho thị trường thế giới. Sau khi hết hợp đồng thì chính những nhân tố đó trở về  hội đủ kiến thức và kinh nghiệm sẽ gia tăng chất xám cho doanh nghiệp…

Thi tuyển đạt, sau một tháng chủ tàu gọi Phương ký hợp đồng, không mất mảy đồng tiêu cực. Nan đề là vượt qua phỏng vấn lên được tàu, một khi đã hợp đồng giữ đúng cam kết, người lao động dẫu về nghỉ ở xó xỉnh nào trên trái đất thì nhà tàu vẫn tìm cách lôi kéo anh ta trở lại làm việc.

Lưu luyến trượt màn hình cất hình ảnh vợ con, Phương chẹp miệng:

- Người Việt có kẻ ngông lắm. Bỏ tiền lên tàu để đi thăm thú khắp thế giới. Tốn vài trăm triệu, tính ra vẫn rẻ chán, nhưng được du lịch vài năm vòng quanh các đại dương, không lo visa, hộ chiếu, ăn ở, lại có tiền lương đến khi chán là bỏ việc không một lời từ biệt….. Người Việt vô kỷ luật thế, thì trách sao được thiên hạ phân biệt đối xử. Họ thu hộ chiếu của anh cũng là biện pháp phòng ngừa bị động…

Từng háo lên bờ thời gian đầu, giờ Phương oải rồi. Chỉ những hôm nghỉ ca cậu mới lên bờ để gọi về Việt. Check thư. Điểm dừng nào của hành trình Costa cũng miễn phí Wi-Fi búa xua. Lên bờ cũng để mua mấy đồ lặt vặt, chụp ảnh kỷ niệm.

Chúng tôi bỏ buổi tối giao lưu với thủy thủ đoàn Costa. Phải đến cái hẹn lần ba, thì Phương mới tập hợp đủ bạn làm cùng tàu hội ngộ. Cabin đơn ấm áp nhóm mái đầu Việt quầy tụ. Bia Phương xách đến. Không đủ cốc thì ực thẳng lon. Kẻ trên giường, người xệp sàn. Tự dưng tôi trĩu lòng với mấy đứa em Việt phiêu du đôi khi cũng chẳng hẳn vì bát cơm manh áo. Dường như số phận đất nước cũng vận vào nỗi viễn xứ của chính tôi và mấy chàng trai đang quây quần hóng chuyện.

 

Côi cút và bất ổn.

Dũng làm buồng phòng như Phương. Ghi-lê kẻ, đeo biển tên, chemise trắng, quần đen, giày đen. Người gốc Nghệ, gày đen như khúc gỗ trầm thủy mới vớt. Nụ cười thê thiết. Cả buổi không nói chuyện. Những dạ với vâng. Hai bàn tay đan nhau, ánh mắt nâu sạm như nắng chiều ngày âm u…

Trắng xanh, cao như tây, phục trang làm bếp bết dầu olive, bột mì, vết sẹo mờ góc trán, Huy, dân Sài Gòn gốc vốn là đầu bếp khách sạn, giờ  nấu ăn cho thủy thủ đoàn và nhân viên của tàu.Thi thoảng nhận lệnh sang tổ làm món tráng miệng cho khách. Để kịp hẹn, Huy xong ca liền lao đến phòng tôi luôn, chẳng kịp thay đồ. Từng có vợ là gái Hà Nội phố cổ. Con trai năm tuổi bà nội nuôi. Vợ cũ đã sang Mỹ lấy chồng. Lương tháng 650 euro trần xì thì đã gửi về nuôi con 500. Khi bị chơi xấu, cậu hẹn đối phương trong phòng riêng khép cửa, trước khi tắt đèn chìa cái khay bày hai chiếc nĩa bạc, cho đối thủ chọn cách, một là phi nĩa hai là cầm nĩa lao vào nhau xanh chín. Sau đôi lần thi triển, dù Tây, Ấn, Phi, In đều ngán mà rỉ tai nhau đừng dại mà chơi thằng Việt cao cao đó.

Tròn mắt, Chị lắc đầu:

- Trời, liều quá…

- Đường cùng mà chị. Không liều không xong.

Nhấp ngụm bia, nhón liền hai trái ớt hiểm trong bao giấy nến nhai ngon lành, Huy cười phô chiếc răng khểnh:

- Thức ăn trên tàu bừa mứa, nhưng bọn em toàn thèm ớt xanh, ớt chín, ớt khô, thèm măng chua, mì tôm, thèm nước mắm, thèm nước tương chị à…À, đồ tráng miệng hôm nay anh chị thấy ổn không? Em trực tiếp lên thực vị và phối trộn đấy ạ..

Tường người Huế, nhỏ nhẹ và trang phục chỉnh tề, keo vuốt tóc, cũng một loại thuốc khử mùi, giày da đen đế mềm. Qui định nhân viên nếu sinh hoạt dưới hầm tàu thì thoải mái, nhưng khi lên các tầng trên, dù không làm việc cũng phải dóng đồng phục. Làm việc ở nhà ăn, Tường chuyên bưng bê thức phục vụ khách tận buồng, nếu khách có yêu cầu. Tất nhiên là khách phải trả phí dịch vụ, đồ ăn thì đã tính vào giá mua tour. 

Một tháng Tường lĩnh 500 euros. Thêm thắt tiền boa của khách. Nhưng căng thẳng. Khách ngẫu hứng gọi đồ ăn bất cứ lúc nào. Mắt nhắm mắt mở gõ cửa phòng khách, không hiếm lần Tường đụng kẻ biến thái, trần nồng nỗng đứng chờ để vồ cậu trai người Á dễ thương. Chưa kể thứ khách mà lão Grande còn phải tôn làm sư phụ, gọi mỗi lần một chai nước thì Tường cũng phải chạy từ tầng hầm lên tận tầng 11 với tốc độ phản lực.

Người yêu Tường đang học tự túc ngành Dược bên Paris. Dù không nhiều, nhưng tháng tháng, cậu gắng gửi đỡ nàng đôi trăm euros. Xong hạn hợp đồng năm nay, Tường định sẽ qua thủ đô ánh sáng thăm nàng.

Trong nhóm, hình như Phương nhận lương cao hơn cả. Nhưng tôi không hỏi định lượng theo thói người Việt. Suốt buổi, Phương lặng lẽ chăm sóc mọi người. Cậu tế nhị gợi chuyện để ai cũng có thể cởi mở. Vì tha thiết một nhan sắc Hải Phòng đặt tiêu chuẩn người chồng giỏi tiếng Anh, biết kiếm tiền, nên Phương đã tự học từ trình độ lớp chín dở dang thi đỗ đại học. Tiền bạc không là lí do để Phương chịu đựng đằng đẵng xa người thân. Vì số lương Phương kiếm mỗi năm chắc cũng không nhiều, so với những công việc nếu làm ở Sài Gòn.

- Điều gì níu Phương những năm năm với Costa nhỉ?

Phương cười ngẩn:

- Em cũng không rõ nữa. Chắc là số phận định thế. Nhưng em thích môi trường lao động minh bạch, khiến người làm công cố gắng hết sức, không có lý do chây ì. Mọi cố gắng cá nhân đều được ghi nhận, được tôn trọng và đền đáp công bằng… 

5. Thong dong Adriatic.

Để duy trì thế giới lộng lẫy, xa hoa không giới hạn cho tham vọng kinh doanh, Costa giữ dựng nếp và kỷ luật bán quân sự trên mỗi con tàu.

Buổi sáng đầu tiên nhà tàu gài giấy thông báo đúng 10 giờ có mặt trên boong tầng năm để học cách sử dụng phao cứu hộ. Chặc lưỡi, tôi nghĩ chỉ là thủ tục cho phải phép. Thêm kiến thức tất nhiên quá tốt, nhưng: ôi dào trong sự cố mọi số phận đều phụ thuộc hên xui…

Lên bar café với Chị ngắm biển xa, xem tàu hàng ngược xuôi để so sánh với con tàu của vị thuyền trưởng chở dầu đầu tiên của Việt Nam. Và nghe Chị kể chuyện chuyến đi từ Hải Phòng tới Vladivostok dự trại hè quốc tế gặp bão…

Nhưng ngay tối hôm đó, trong bản tin tối, quản trị tàu đã cảnh cáo qua hệ thống loa tận phòng, những hành khách không chấp hành qui định sẽ bị trục xuất ở điểm ghé bờ gần nhất. Tất nhiên tên tôi cũng được ưu tiên nhắc đến. Ôi, không... Thói chây ì tiểu nông trong tôi nhớn nhác thụt vòi.

Sáng hôm sau những kẻ coi thường khế ước, không ai bảo ai nhao nhao chen chân xếp hàng trên boong. Cổ chui  phao cứu hộ màu cam, bức sốt ròng mồ hôi, đứng chồn chân nửa tiếng để nghe hướng dẫn những nguyên tắc hành động cụ thể khi xảy ra sự cố. Đeo phao cho mình trước. Nhường người già, phụ nữ và trẻ nhỏ…

Ngày 13/1/2012, tàu Concordia từng tụng danh siêu tàu du lịch của Italia chở 3.206 hành khách và 1.023 thủy thủ đoàn đâm vào đá ngầm ngoài khơi đảo Isola del Giglio.Tai nạn xảy ra khi bữa tối đang nồng ồn, khiến 32 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng và 4000 người chấn thương trong vụ việc…

Đó cũng là lý do khiến Costa không khoan nhượng với những hành khách chây ì học cứu sinh.

Rong ruổi cùng Costa Mediterrnea, riêng việc hòa nhập mỗi ngày một chủ đề thời trang đã mệt phờ. Không phải lúc nào áo quần, giày váy cũng tương thích. Muốn hợp mốt thì vào shop quẹt thẻ, thứ gì cũng sẵn, giá như dao xẻo thịt. Người xuống bể bơi, matxa, xông hơi, spa. Người chạy bộ, tập gym. Người bóng bàn, bóng chuyền, tennis. Người tham gia diễn kịch, tham gia các diễn đàn về thời trang, văn học, tin học, ẩm thực, thiên văn, hải dương học, lịch sử về các thành phố mà con tàu ghé thăm trong hành trình hoặc đăng ký thi hoa hậu, thi nam vương…. Trẻ con có thể lựa chọn xem xiếc hoặc đến phòng chiếu phim.

 

Với tôi thì niềm vui giản đơn, chúi đầu trong thư viện của con tàu đọc mạng, ghi nhật ký. Ở vào cái tuổi nào đó, người ta thích quan sát hơn trải nghiệm đời sống. Thả lỏng trong không gian lưu trữ tri thức nội thất trang trí phong cách hoàng gia đồ gỗ chạm, pha lê mài, đồng đúc, những cuốn sách bọc da dê chữ thếp vàng và 88 bức chân dung các nhà văn, nhà khoa học, nhà hàng hải, họa sĩ ngự cao ngạo trên vòm, tôi lắng nghe các cung bậc cảm xúc bản thân. Hài hước tưởng ra mình là một tôn ông nào đấy của thế kỷ trước. Nỗi cô đơn lim dim nhuốm sắc hạnh mãn.

Và những lát thời gian cùng Chị với chiếc bàn hai chỗ, trên boong thượng, dùng buffet, sát tường kính trong suốt, bên dưới là đại dương xé mình làm hai nửa mở lối cho con tàu thẳng tiến. Tầm mắt mở ra muôn chân trời, view là bức tranh thủy mặc, mây quấn níu núi xa, núi xa mon men nhích lại gần, ngày biển biếc, trời  xanh. Xanh lồng vào biếc du dương. Đêm trời biển nhập một trong cơn thở dài bất tận. Sao dưới nước sao trên trời đều lung linh tan nát khi sóng lan.

 

Trước mỗi dải bờ đá xám bán đảo Balkan như bầy rồng phủ phục thiếp ngủ vùi móng vuốt dưới cơn cơn sóng, tôi bỗng nhớ mình từng tưởng khái Balkan từ  thơ ngây. Sinh viên, bộ đội thời ấy mấy ai không từng lẩn thẩn đọc: 

Anh đi tìm em trên bán đảo Banlkan.
Tìm không thấy chỉ thấy trời im lặng.
…….
Hỡi trái đất rộng làm chi bát ngát,
Cho loài người chia biên giới thế gian,
Cho sa mạc nổi bùng cơn bão cát,
Cho tình anh chưa bén đã lụi tàn... 

Trong trang thơ sổ tay, ai cũng đề tác giả là nữ nhà thơ Nga. Mãi sau này nhờ cộng đồng mạng người ta mới biết tác giả Anh đi tìm em trên bán đảo Banlkan là Khổng Văn Đương, chàng du học sinh quê Phú Thọ. Bài thơ kêu đau cảnh báo sự thay đổi hệ thống quyền lực và chia rẽ sắc tộc Balkan sau này. Gái đạo Hồi yêu chàng Chính thống giáo đã bị thanh gươm thù hận chém lìa hai bàn tay đan nhau y như tình yêu của Khổng Văn Đương và Valentina, cô sinh viên người Rumania sống ở Bucharest...

Non nước Balkan vẫn nguyên hoang trước mắt tôi trượt xoáy nhịp chân vịt của con tàu xoáy vòng. Lòng tôi cứ trống vắng nỗi dư ba mối tình Balkan đen bạc.

Bình minh Balkan ngon rỡ sắc nước quả ép.

Nên chăng bữa nào chúng tôi cũng khai vị bằng nước cam, nước bưởi hay nước đào ép làm nền đưa vị. Bếp trưởng Costa quả phi phàm, suốt tuần không một bữa thực đơn lặp lại. Nhưng tôi thì quá hợp với món bifteck bò và sườn cừu non khi thấm thứ nước sốt đặc trưng Địa Trung Hải đậm đinh huơng, hoa hồi, nhục đậu khấu hơi nóng vẫn tỏa ngùn ngụt. Rồi hải sản, tôm, cua, ghẹ, sò, cá hồi tươi…Đặc biệt là các loại tráng miệng, mười mấy loại kem, mười mấy loại quả không trộn fromage non, sữa chua, mười mấy loại bánh ngọt, mặn. Một ly bia, một ly vang bất kỳ cũng đủ phiêu dạt với Balkan. Không bỗng dưng tôi mắc chứng ham mê ẩm thực bởi cái bản năng tầm thường giống muôn người khi ăn khoán.

Xung quanh, bàn sáu, bàn tám, người đứng kẻ ngồi, trẻ con bê đĩa luồn lách bên hông người lớn, bất chấp bánh ngọt, kem có thể vấy bắn vào áo quần thiên hạ. Nếu không tận chứng mỗi ngày, tôi đã không thể tin nhiều người Âu lại say mê ăn đến vậy. Dường như ăn là thú vui duy nhất khi họ xác định lên Costa. Những đàn ông, đàn bà vòng hai tròn như trống sấm, quần hay váy đều tròng dây đeo qua vai, nhưng chất thịt hun khói, jambon, fromage, bánh mì ngất ngưởng như cái chậu đựng vữa xây, ăn xong lại thêm đĩa mì ống trộn fromage, rồi lại đĩa cá sốt, đĩa thịt gà rán…chưa hết lại còn cốc sữa, cốc nước, cốc hoa quả ép, café đi kèm, bánh ngọt, kem, hoa quả tươi chuyên vài ba chuyến chật đĩa nữa. Vậy mà họ vẫn dùng cùi bánh mì vét đĩa nào đĩa nấy nhẵn bóng.

Nếu như gặp những nhóm khách ăn mặc màu đen hoặc sẫm màu, đàn ông đàn bà vạm vỡ, uống bia, ăn nhiều cà chua, cá khô mặn thì đó là người Tây Ban Nha. Còn nhóm nào sặc sỡ, nhiều kính đen, nhiều râu quai nón, trên đĩa luôn spaghetti, dầu olive và fromage mười mươi là Italia. Người Ý và người Tây Ban Nha ngồi chỗ nào là chỗ đó ồn áo, như chợ. Họ hò hét, đập các dụng cụ phát ra tiếng động làm nhịp hát hò khi ăn nhậu. Có lẽ họ là hai sắc tộc ồn ào nhất châu Âu khi hợp nhóm nơi công cộng.Chẳng khác người Tàu, chỉ có điều họ không khạc nhổ, ngoáy mũi và nhồm nhoàm nói chuyện. Dường như với họ, thời khắc nào cũng thể trình diễn vũ điệu flamenco, lễ hội ném cà chua, lễ hội đấu bò và lễ hội hóa trang Venezia, lễ hội ném cam, lễ hội đua ngựa Palio…

Cuối hàng lang nhà hàng, một người quái dị, biểu hiện giới xáo trộn, cơ thể toàn da xương và những bó cơ khô quắt, tóc đen xoăn cắt trụi, mắt trũng sâu, lòng trắng trố, lừ lừ một momi di động. Người đó giơ tay chào vu vơ. 

Chị nói khẽ.

- Bà này người Ý. Mắc chứng nghiện thể dục. Thường gặp bà ở phòng gym. Tập hùng hục như định đập vỡ cấu trúc thể xác.

Bà momi xông đến trước tủ bánh ngọt, xỉa nĩa vào khay bánh chocolat phủ kem lấy cả chục cái chồng đống lên nhau như vật cả xẻng tuyết. Xong ném xoạch, cái nĩa xuống. Bà ta không mang đĩa bánh lại bàn mà mang về phòng riêng, phớt lờ khuyến cáo không được phép. Hành khách và phục vụ nhà hàng chỉ biết lác mắt, lắc đầu…

Nhưng cũng không hiếm những cặp thanh mảnh, quí phái hoa râm, chỉ lấy vài lát hoa quả, chút bánh mì phết mứt, đôi lát thịt hun khói mỏng hay miếng cá hồi tươi vắt chanh, cốc nước quả và café…

Dù nhã hay thô thì các sắc dân trên tàu đều kính trọng thức ăn. Hiếm thấy một đĩa thức ăn thừa mứa bị chọc nát điều còn thiếu ở một số người Việt trong các trường hợp tương tự.

Con tàu chạy gần như song song với dòng hải lưu bề mặt được lưu thông bởi gió và có xu hướng chảy theo các xoắn ốc cùng chiều kim đồng hồ. Thi thoảng đàn cá heo cao hứng lại tung mình vọt khỏi sóng bạc quẫy quẫy tấm thân bóng nhẫy trong không khí như trái thủy lôi sắp đâm ngang mạn tàu. Không hiếm gặp quầng sóng lóng lánh ngũ sắc lướt thướt vài cây số, dấu hiệu của dầu loang. Và những vụn mốp xốp kết mảng với chai nhựa lênh đềnh theo ngọn sóng, dẫu là rác nhưng vẫn được lũ chim biển chọn chỗ nghỉ ngơi.

Một sáng, người đàn ông kính cận, quần sooc túi hộp, đeo balo thể thao, cầm máy quay phim đề nghị chúng tôi mượn vị trí mươi phút để làm việc. Ông cần ghi hình mảng rác mốp xốp. Hóa ra ông ta là thành viên thiện nguyện của tổ chức Ocean Conservancy phi lợi nhuận về môi trường của Mỹ, chịu trách nhiệm giám sát Costa Miditerranea thực hiện qui chuẩn bảo vệ sinh thái biển.

Hệ sinh thái biển Adriatic đang bị đe dọa bởi nước thải của các thành phố ven bờ, nước thải nông nghiệp tồn dư phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và nguy cơ nước xả dằn của những con tàu chở dầu.

Costa đương nhiên tuân thủ qui chuẩn bảo vệ môi trường của châu Âu. Thức ăn thừa, rác hữu cơ được máy xay nhuyễn dùng hơi nóng nấu chín trong những chiếc bồn inox khổng lồ đợi tàu ra đến hải phận quốc tế thì bơm xuống giúp cá biển thêm béo. Còn rác thải vô cơ, bao nhựa kín, được đóng thùng đợi về cảng gốc để người ta chuyển về nhà máy chuyên xử lý.

Chẳng riêng nước Việt thường trực nỗi lo mất biển tiềm ẩn từ nhiều nguy cơ.  Người Việt từng bàng hoàng, điếng lặng trước dải biển miền Trung mấy trăm cây số, cá biển chết dạt trắng bờ bởi tác nhân Formosa…

Ngôi nhà Việt mặt tiền hướng biển, nóng lạnh tùy thuộc những luồng tín phong và trên hết là cung cách ứng xử của con người với con người và con người với thiên nhiên.

Niềm vui bé nhỏ và dễ chịu là hôm nào chúng tôi cũng phải nháy nhủ lên tầng chín sớm hơn nửa tiếng để sở hữu chiếc bàn hai chỗ thân quen sát tường kính. Chỗ đẹp, chậm chân thì chỉ còn cách ngồi ghép bàn bốn, bàn sáu. Cái thú ăn buffet là sự tự do ngâm nga, thích món nào dùng món ấy. Tha hồ khám phá kết hợp những món quen thành món lạ. Miễn là từ tốn, nhỏ nhẹ, lấy chút chút một lên đĩa, ăn thăm dò trước. Vừa miệng ta dùng tiếp, không ổn thì dừng lại cũng chẳng rắc rối lắm. Thêm nữa là trông biển ngó trời và quan sát sắc vẻ của muôn kẻ đồng hành. Con người cư ngụ rải rác khắp các châu lục, bỗng một ngày không hẹn, tất cả cùng nhau chen chúc xuống Costa, phó mặc số phận cho công xưởng cơ khí biết bơi đưa đẩy định đoạt.

Từ hôm gặp Trang và Chi phục vụ bữa sáng ở nhà ăn thì chúng tôi không phải lục tục đi sớm. Trước đó, Phương kịp khoe về hai em, nhưng khách đông, lại có đến cả chục quầy ăn phục vụ, tất tả nhân viên nhà ăn nên khó biết ai là ai.  Một sáng đang nhỏ to câu chuyện thì cô gái Á châu mảnh dẻ, cười xởi lởi đến bảo chúng tôi:

-Đồ tráng miệng hôm nay ngon lắm ạ.  Toàn thực phẩm cao cấp, anh chị chú ý nhé. Đầu bếp chế món này là anh Huy nhà mình.

Không giữ được tiếng reo òa,  tôi thắc mắc sao giờ mới gặp em? Em làm ở khâu nào vậy? Lặng đi giây lát, Trang cười rụm:

-Trời đất, anh chị, làm cho Tây thì nó quay cho mình kiệt sức luôn à. Hôm nay việc này, mai việc khác, luôn thử thách công việc mới mỗi ngày. Em làm ở nhà ăn vài bữa nữa thôi, mai mốt sẽ thăng hạng lên phục vụ nhà hàng VIP. Lương cao hơn, việc khó hơn, nhưng không phải chạy như ngựa chứng như đây. Em nhận ra anh chị ngay buổi đầu tiên, nhưng đâu có thời gian đến chào một câu ạ. Tan ca ngỡ khụy tại chỗ, các khớp tưởng long rời mỗi nơi một khúc, tắm giặt, ăn quấy quá bò lên giường thiếp lịm trong mê sảng.

 

Trông chừng chúng tôi, Trang tranh thủ chạy qua chạy tới nói dăm câu lại ào đi. Lúc tiếp thức món vào tủ quầy. Lúc dọn thìa đĩa. Cô như em bé lọt thỏm giữa đám người Âu lênh khênh, nhưng đầy tự tin. Dân Sài Gòn, Trang 31 tuổi, chưa chồng, mỏng như cái bánh tráng sau tấm tạp dề trắng và chiếc mũ trắng. Phương châm sống của cô được ngày nào hay ngày ấy, miễn là sống tử tể. Đang có người yêu cùng làm việc trên tàu. Một chàng Tây nào đó. Yêu là yêu thôi. Cứ nghĩ phải chung sống với một ông Tây râu cằm, trán hói, bụng phệ, hơi thở lúc nào cũng nồng mùi tỏi hộn mùi rượu đến lúc móm mém thì cũng ớn. Nhưng về Việt thì nếp làm việc hòa hợp sao đây. Người Việt nhưng một nửa tâm tính và tác phong  đã Âu hóa rồi. Trang tự hào là phụ nữ Việt bởi  trên tàu cô luôn được đánh giá cao về khả năng làm việc nhanh, sáng tạo và chịu trách nhiệm.

- Đàn ông trên tàu quá hung hăng…Trang sợ không?

Trang nhìn Chị cười:

-Sao mà phải sợ ạ?

Cô kín đáo moi trong túi áo ra chiếc thìa café được mài bén phía lưỡi múc:

- Phụ nữ trên tàu không ai bảo ai đều tự trang bị thứ này phòng vệ. Chỉ có điều kín đáo. Về lý thì không ai cấm người ta quên một cái thìa café trong tạp dề cả.

Trang vội nhao đi như một bóng sáng mờ. Vẻ Chị chùng xuống tần ngần, nhuốm sắc khói lo âu, nghi ngại.

Sáng nay, mải chuyện với Phương hẹn cuộc gặp tối tại phòng 1177 với hai chú em người Việt cùng làm cho Costa, chúng tôi lên nhà ăn muộn cả chục phút. Đang ngẩn ngơ tiếc chỗ view đẹp, thì cô nhân viên nhà ăn, có gương mặt Việt ủy mị tiến đến:

- Em là Chi, bạn cũng làm với Trang. Bạn ấy nghỉ ca, nhưng dặn em giữ chỗ cho anh chị…

Trên bàn quen thuộc đã bày sẵn hai bộ đồ ăn, hai cốc nước cam.  Một chút gì đó như nghẹn lòng, mắt tôi cay cay, tình người Việt với nhau giữa chốn xa lạ sao mà thắt ngực làm vậy. Nắm tay cô gái, Chị định nói lời cảm ơn. Vội đi công việc, Chi  bảo :

- Tàu mình đang trong hải phận Balkan nên hôm nay có món salat kiểu Nga…Anh chị nhớ thử xem vị có khác salat Nga hay làm bên nhà không ạ…

Thấp, tròn xinh trắng như cái nem cuốn, mắt xanh ướt, tóc nhuộm hoe. Gái Hàng Thiếc, đã ly hôn, con trai nhỏ gửi bà ngoại,thích đọc, viết nhật ký đều, đổ vỡ hôn nhân mới chạy chỗ lên Costa, Chi muốn tìm sự yên tĩnh ở nơi xa khuất quê nhà. Nhưng điều đó đâu dễ, yên tĩnh không thể tìm kiếm bên ngoài mà có. Sau mỗi câu nói, Chi lại nhìn xuống chớp mắt. Năm trước, Chi theo tàu vòng quanh châu Âu chục lượt suốt mấy tháng hè. Cô lo tích cóp ít vốn trở về Hà Nội một ngày chưa định để mở tiệm café và bánh ngọt. Không thiếu kẻ tỏ tình trong mạng, hay trên Costa, nhưng Chi sẽ sống một mình, nuôi con và viết một thứ gì đó. Nhìn vào sắc rưng rưng của Chi, tôi ái ngại, nhủ thầm : Em còn trẻ đừng tin người ta bảo cuộc đời mau qua như bóng nắng qua hiên. Đời người dài lắm, nó sẽ dài cấp số nếu như em phải gồng mình chịu đựng nó. Chớ dại mà xác tín tương lai bản thân. Nhé cô em Hàng Thiếc.

Chị nhìn Chi rân rấn nước mắt:

- Chi à, em biết cách... của Trang chưa?

Gượng ngùng, Chi bẽn lẽn :

- Anh chị biết nhanh thế ạ? Cô vẩy ống tay áo, hé cho chúng tôi xem chiếc thìa café mài bén. Một chiếc thìa bạc, chuôi sừng trắng đẹp như món đồ trang sức.

Ban sáng, Phương tắc tế hai chai nước, giá bán 5 euros mỗi chai. Ngại quá. Nhưng chàng Phương cứ cười trừ, nụ cười hiền, tỏa nắng. Lại còn mách là thấy ảnh anh chị trên màn hình ở phòng thông tin, đẹp lắm.

 Ngỡ là chụp ảnh vì yêu cầu an ninh. Hóa ra là chiêu cá kiếm của nhà tàu. Con người, chẳng ai còn lạ gì hình ảnh bản thân, nhưng biết ảnh của mình trưng ở đâu đó thì không thể không tò mò xấu đẹp thế nào. Không hổ danh thợ ảnh của Costa, hình ảnh của chúng tôi được photoshop trên phông nền con tàu Costa Mediterranea lóa trước đường chân trời biển vờn cánh hải âu, chẳng khác poster trưng hai diễn viên thượng thặng của Hollywood cho bộ phim đẫm tình.

Để có tấm poster đáng giá ấy, mỗi người sẽ nộp 15 euros, còn  lồng gỗ trạm trổ hoặc khung thép mạ vàng, thì giá còn lên đến trăm euros, nếu không muốn chúng bị xé vứt vào thùng rác. Mỗi lần tàu cặp bến, ai thích cũng có thể chụp ảnh với sĩ quan và thủ thủy đoàn, quân phục ngời ngời... Tất nhiên là phải chi tiền. Tiền. Tiền. Tiền. Mọi kỷ niệm muốn lưu giữ phải quẹt tiền.

 Bực bõ, nhưng lúc sau cảm giác sai sai tôi vấn, thử hỏi có ai chê cơ hội kiếm tiền không? Nếu tôi làm quản lý trên con tàu này thì chắc cũng phải sinh chiêu trò mở ví khách. Có cơ hội để kiếm tiền một cách vui vẻ, chẳng hại ai, tại sao lại bỏ qua nhỉ ? Chẳng cần phải bước qua biên giới, chúng ta cũng nhận ra rằng nhiều người Việt trưởng thành chưa được giáo dục về tiền bạc một cách đúng nghĩa. Thân phận đồng tiền chứa cả chiều âm chiều dương như con người. Giáo dụcViệt một thời dạy con trẻ khinh tiền, coi rẻ việc kiếm tiền chứ chưa dạy cách biết kính trọng tiền và sợ hãi tiền. 

6. Những thành phố ven biển Adriatic.

Costa Mediterrnea trù liệu hải trình khép kín đi và về dựa vào túi tiền du khách. Không ngẫu nhiên vòng tròn hải trình đều nằm trong không gian văn hóa Venezia cổ xưa tuy đã phân địa giới và tín ngưỡng Chính thống giáo Đông Phương và Công giáo Roma nhằm để quảng bá sự kiêu hãnh Italia.Tàu di chuyển lúc đêm xuống và rạng ngày khi dùng bữa sáng phỉ phê xong là vừa giờ cập cảng cho khách ghé bờ tham quan, khám phá, mua sắm sau đó lên tàu ăn trưa hoặc lang thang đến chiều về tắm gội với bữa tối chờ sẵn và tiếp tục lênh đênh trong tiếng nhạc valse đẫm ánh đèn màu.

Diện mạo bờ biển Croatia và Montenegro hoặc Italia đều là địa hình núi đá khô cằn, lơ thơ cây gai bụi, hoa bụi, thông còi, cây trồng rặt những olive, lựu, phỉ, nho,  lúa miến, thích hợp chăn thả cừu, dê. Khí hậu Địa Trung Hải đặc trưng mùa đông êm dịu và ẩm, mùa hè nóng và khô. Nhiệt độ hiếm khi lên ngưỡng quá cao,  dù mùa mưa, đôi khi cũng có tuyết ở vùng núi. Các thành phố bám ven biển. Kiến trúc cổ khá giống nhau,  đâu đâu cũng hiện dấu vết địa văn hóa  xưa của đế quốc Venezia.

Thành phố Trieste, trạm nghỉ đầu tiên vẫn thuộc lãnh phần Italia. Một trong những vùng hành chính giàu có nhất Italia, với vị thế cầu nối giữa Đông Âu và Tây Âu, nhiều thờ Thiên Chúa giáo lẫn Chính Thống giáo mở cửa tự do, thoải mái chụp ảnh. Trieste còn là một trung tâm tài chính, một hải cảng sầm uất với những xưởng đóng tàu lừng danh, nổi tiếng nhờ cuộc chiến Cessa. Xuống tàu đi bộ mươi phút đã ở giữa quảng trường thành phố lộng gió biển, đá lát sạch tinh như vừa hút bụi. Tôi và Chị sở hữu cả dãy ghế bành nhựa giả mây đan tưng bừng nắng sớm. Giá café rẻ bằng nửa Venezia. Tiệm café ra vào tới tận quầy chế biến, pha chế, không ai cản. Nhân viên thân thiện lich sự, không cạu cọ như Venezia.

 

Góc nào cũng cửa hàng cửa hiệu. Đồ mới và đồ cũ. Không thể không thương xót đôi chân nhức, nghiến răng, tôi mua đôi sandal Bata 49 euros, chất lượng không hơn sandal Biti’s 10 euros ở nhà. Giải tỏa cơn đau di chuyển. Giày nhét túi xách tay vậy.

Lạc bước đến hiệu đồ cổ, sách và các vật dụng hổ lốn. Săm soi suốt lượt vẫn chẳng thấy người bán hàng. Tôi nâng lên đặt xuống bộ ly pha lê hình trụ, đế dày cả đốt ngón tay, nặng chịch, chơi rượu mạnh thì quá đã. Chị tán thưởng. Bỗng xuất hiện bà chủ hoa râm, da mịn như ngà voi khoanh tay chờ đợi. Quyết mua, bà chủ đóng gói, vừa trả tiền tôi hỏi để nghe bà chủ khẳng định đúng là hàng pha lê. Dừng tay, người đàn bà Ý bảo tôi đã lầm, đây là thủy tinh cao cấp thôi. Mua hay không là tùy ở tôi. Cùng là nước Italia mà Trieste tuyệt thế, người bán hàng không lừa khách du lịch như Venezia. Lâu lắm, tôi mới lại có khoảnh khắc sốt mến người Italia. Cảm ơn Trieste!

Tàu tới Croatia đúng ngày nhạt nắng. Thành phố cảng Spilit 1700 năm tuổi bên bờ đông Adriatic. Từ xa đã chói rỡ poster Coca-Cola. Sắc đỏ chiếm các biển quảng cáo. Gợi đến phối màu đỏ trắng ka-ro đôi tuyển Croatia. Tòa thành cũ đồ sộ, dấu ấn kiến trúc Hi-Lap trội bật. Người ta tái hiện hình ảnh chiến binh La Mã tập trận và đội quân nghi lễ chiêu khách du lịch. Trung đội  lính đẹp như thần Apolon khoác áo choàng huyết dụ, đội mũ đồng chóp mào, tay đeo đồng hồ điện tử. Các thiếu nữ chen nhau cài tiền vào thắt lưng hai chiến binh La Mã rồi níu vai họ chụp ảnh. Dưới tầng hầm nhà thờ đổ, các quầy bán đồ lưu niệm vòng cổ, vòng tay, bát, đĩa chất liệu đá granit và cẩm thạch. Kỹ thuật chế tác tinh xảo bất ngờ. Lại chợ đồ cũ, nhưng toàn đồ giả cổ lam nham cẩu thả. Nhìn vào chợ đồ cũ thì biết ngay vùng đất đó giàu hay nghèo. Nhã hay thô. Tôi gọi bia. Chị vẫy kem. Kem ngọt gắt. Bia lấng khấng êm. Wi-Fi miễn phí thun thút…

Du khách có sáu giờ thăm thành Kotor bên vịnh nhỏ như một con sông kẹp giữa hẻm núi ngập nước của Adriatic thuộc Montenegro. Là trung tâm hành chính của  khu tự quản, Kotor bao quanh bởi một bức tường thành đồ sộ được Cộng hòa Venezia xây dựng cũng như hầu hết các di sản kiến trúc đều chịu ảnh hưởng thể chế cộng hòa xa xưa.  Không xa vách núi đá vôi Orjen và Lovćen, Kotor kề bên, thiên nhiên và con người cùng nhau xây tạo cảnh quan về bờ biển Địa Trung Hải đẹp như tranh vẽ. Kotor đang chứng kiến sự gia tăng khách du lịch ghé thăm, đa số đến bằng tàu du lịch như chúng tôi.

 

Nẻo tắt bỏ qua những khúc quanh của tường thành. Lối đường mòn bò ngược đỉnh bên khe nước trong như pha lê lỏng róc rách buông tít vách núi xuống. Không khí tưởng như toàn oxy tươi. Mọi thực vật màu xanh đều đang bung hoa, đơm trái. Trắng, đỏ, vàng, xanh lơ, tim tím. Chị quỳ xuống quầng hoa dưới cỏ. Đứng trên đỉnh núi ngắm thành cổ trước mũi giày và tòa nhà thờ dòng Chính thống Nga, hai tháp chuông hình vuông mới được tu sửa không lâu lòng tôi chông chênh nỗi tan hợp của một vùng đất.

Nhiều cửa hàng, bán đồ hiệu fake. Giá trên trời. Mặc cả dăm câu đã hạ cả nửa. Chiêu moi tiền khách của các chủ hiệu bằng cách hỏi, ông bà anh chị từ nước nào tới. A há, Việt Nam hả, vậy thì tôi khuyến mại thêm 10 euros nữa. Tôi yêu Việt Nam. Vừa quay đi, tôi đã nghe: A há, Korea  à. Tôi yêu Korea!... Muôn đời, khách du lịch cách này hay cách khác vẫn cứ là con bò sữa để chủ nhân những dịch vụ hớt váng bơ và cất fromage. Tuy nhiên, khác chăng là hành vi moi tiền tế nhị hay thô thiển mà thôi.  Những món đồ ở Việt và Ý giá cả ngàn euros thì Kotor là một trăm. Cổng Hải quan đối diện phố chợ mà không thấy ai hỏi han. Khu tự trị có khác.

Quay lưng với Kotor sau một ngày đêm thì tàu cập Katakolon, hải cảng du lịch bận rộn thứ hai Grèce, chỉ sau cảng Piarues-thủ phủ vùng Pyrgos, đô thị cửa ngõ biển Grèce để tiến vào nơi tổ chức Thế vận hội Olympia đầu tiên của nhân loại, vừa diễn ra lễ tiếp lửa khai mạc Olympia mùa hè Brasil.

 

Đến Katakolon, chúng tôi hay bạn đều tự mình muốn lý giải những huyền bí bao phủ lên mọi dấu tích nổi danh từ cổ đại theo một cách riêng. Không mấy ai vượt thoát khỏi thời gian nơi đây.Giá trị mang tính thời gian nó sở hữu, luôn ám ảnh hối thúc ta phải sớm hẹn lời quay trở lại…

Vốn là làng đánh cá, Katakolon nhờ đón tiếp du khách tham quan đấu trường Olympia mà tự thành một hải cảng. Giờ cư dân của nó sống bằng dịch vụ du lịch. Giá tiêu dùng rẻ ngơ ngẩn. Hai cốc kem, một chai nước, một café sữa hết bảy euros.  Đồ da, đồ đồng, đồ gốm, quần áo do nghệ nhân địa phương sản xuất, đậm văn hóa Grèce. Nhờ Phương mách trước, chúng tôi bỏ tour nhà tàu chào bán với giá 59 euros mỗi người. Nếu đi xe bus chỉ hết 4 euros. Nhưng tìm bến bus hơi rắc rối, nên chúng tôi kiếm xe ngoài 10 euros một suất. Lại được chờ đưa đi đón về.

Con đường lách qua miền trung du thưa dân. Cây olive, bạch đàn, bách xù, sậy mọc chen trổ bông trắng phờ trên những dải đồi và bình nguyên hoang vắng. Lưng đồi, thấp thoáng cừu đàn, dê bầy bên bức tường đá cổgãy đổ. Hoa trúc đào, đỏ, hồng, tím tưng bừng cánh mượt, hoa giấy hồng tươi xác pháo, giữa những vệt hoa mimosa dại phô sắc vàng nao, rợn sóng. Cuối tầm mắt bất chợt vút lên trời xanh cụm cây trắc bách như những mũi lao đồng cổ đại. Và bên đường, gần các trạm xăng, gặp không ít nhà hàng tổng hợp NIHAO kiến trúc khung thép tiền chế, đong đưa cả dãy đèn lồng quả bí trước hiên .

Xế cửa hàng quần áo, chiếc Honda máy cối màu mắm tôm đời78-79 vẫn được ông chủ ưu ái chở hàng. Một hình ảnh không xa lạ với các đô thị Việt. Tôi giật mình trước chiếc Honda DM đỏ ớt lừng lẫy một thời đang chịu đựng ông lão Grèce nặng cả tạ đội vòng nguyện quế thồ thùng nước chai ướp lạnh bán cho du khách trên cây cầu trước đền thờ vào lũng núi Olympia. Một góc Grèce hiếm thấy xe hơi đời mới. Hầu như các nhãn mác xe đều góp mặt, nhưng là xe cũ, hạng bình dân.

Trên mỗi gương mặt Grèce đều thấy sự an nhiên, ẩn tàng niềm kiêu hãnh dưới sắc vẻ cam chịu. Họ vừa thờ ơ vừa háo hức chờ đợi du khách bước vào quán,  không quá vồn vã và cũng không biểu đạt sự tẻ nhạt. Bình bình, xám xám, im im…

Cả thung lũng và triền núi ngổn ngang, hoang tàn. Đền thờ còn nguyên vẹn các chi tiết đá ghép cột, mái, tường của các cung điện xưa. Dấu thời gian xiết mặt đá hoa cương từng soi gương được, giờ lởm chởm như đá ong Sơn Tây. Chỉ cần khai thác vài chục cột kèo dầm xà hoa cương kia, Hy Lạp đủ vật liệu xây cả góc thành phố. Tôi và Chị lẫn vào những khối đá mà chợn rợn kính phục một cách sợ hãi trước vẻ đẹp tàn phai và công nghệ kiến trúc của một dân tộc đã lát nền văn minh cho cả nhân loại.

 

Rừng olive , thông, mọc giữa những dầm xà đá khối xây tường, cột đỡ mái đường kính đã căng cả mấy vòng tay ôm. Những ngàn năm đã qua rồi, mảnh vỡ văn hóa quá khứ Grèce vẫn lôi kéo được thế giới đến chi tiền thảng thốt phủ phục trầm trồ. Tượng đồng Nam tước Pháp Pierre  de Coubertin dù có đứng hay không trước lối vào đền thờ thì từ buổi suy tàn, nơi đây hình như chưa bao giờ ngừng ngớt dòng người chảy về bái vọng vàng son quá khứ của đế quốc Venezia và  Hi-La cổ đại. Ánh mắt, nhịp trái tim người khởi phục tinh thần Olympia cho thế giới đương đại dẫu hóa đồng hàng ngày vẫn khuyến khích nâng bước chân mỗi du khách hành hương.

 

Tàu rẽ sóng êm tới đảo Corfu.

Đây là đảo lớn thứ hai Grèce có hình dạng giống lưỡi liềm của quần đảo Ionia,  cùng với các đảo nhỏ châu tuần, tạo thành rìa biên giới Tây Bắc của Grèce. Lịch sử Corfu chất chồng những trận chiến khuất phục và chinh phục. Các lâu đài  sứt sẹo chiếm những vị trí chiến lược khắp hòn đảo là chứng tích các tham vọng giải quyết bằng mũi tên viên đạn. Nhưng đáng tiếc Corfu giờ chỉ còn hai trong số các lâu đài còn tường rào bảo vệ…Corfu giữ vị thế quan trọng từ thần thoại Grèce. Poseidon - Thần Biển Cả say mê nữ thần Korkyra, con gái của thần sông Asopos và Metope và rước nàng tới đây xây lâu đài ân ái.  Nhờ đó mà hòn đảo có tên Korkyra, rồi dần dà biến thành Kerkyra, và sau cùng Corfu.

 

Đi giữa Corfu của Grèce  mà chúng tôi khó cảm nhận hòn đảo thuộc về… Grèce! Dấu ấn Venezia thống trị Corfu 500 năm vẫn cựa chồi. Chỉ ở Corfu, chúng tôi mới được ngắm rừng olive cổ thụ và gân guốc như những tảng đá mà người Venice đã trồng. Mỗi tháng Giêng, trái olive chín và rụng xuống tấm lưới giăng quanh dưới gốc, rồi những cơn mưa xuân rửa chúng sạch bong, người nông phu nhàn nhã thu gom mang về thả luôn vào máy ép!

Đã olive ngon chất, nhưng Corfu nổi tiếng thêm với loài cây kum quat có trái tựa trái nhót. Một cuốc taxi giá bình dân như đi quanh Việt Trì, chúng tôi đã tới trung tâm giới thiệu sản phẩm chế biến kum quat dưới chân núi, trong thung lũng rung ring hoa mimosa dại…  

Đang ngẩn ngắm những khóm kum quat trĩu quả trong bồn bao gỗ sồi sơn bóng,  những bình đồng đồng cổ cong, những nồi nấu, những chai lọ pha chế và hoa mắt các cỡ chai rhum, mứt, bánh kẹo chế phẩm từ kum quat, tôi bỗng sững sờ trước thiếu nữ trang điểm, mi mắt màu hoa hồng champagne, môi trầm hồng, má hồng, cao lớn như bước ra từ phiên bản Venus của thành Milo, cười nửa miệng nâng chiếc khay bạc sóng sánh một ly rhum kum quat… và chai rhum mini tạo hình lưỡi liềm nham nhở. Đó là hình ảnh của chính hòn đảo.

Lâng men rhum kum quat, chúng tôi gặp qua mỗi bước chân, bóng dáng Venezia nơi những ngõ phố nhỏ đan cài ngóc ngách, rối tung mê cung trong khu phố cổ Campiello và trên dạng hình các ngôi nhà, những lan can họa tiết trang trí quanh cửa ra vào, những viền ô cửa sổ… Chen giữa cảm xúc đó, tôi và Chị được thầm reo khi gặp nét thanh nhã  kiến trúc Pháp nơi cánh cửa chớp gỗ xanh lục, ngự trên tường hệt ngôi nhà ở một góc phố Hà Nội.

Trên mũi Kanóni, nhà thờ nhỏ Ipapanti với tháp chuông kiểu Venezia  trưng trước mắt. Sân bay Corfu độc đáo một đường băng nằm sát Kanóni. Tọa độ này, tôi luôn canh cánh nỗi máy bay cất cánh hạ ngay chỏm tóc.

Chúng tôi đi bộ dọc theo cầu cảng hẹp dẫn từ bờ biển đến bậc thềm tu viện Vlacherna.Trước tu viện cổ nhìn ra những lô nhô đảo nhỏ rải rác ven bờ. Vlacherna xây đá marble trắng tinh khiết nổi bật trong xanh thẳm của biển trời Corfu.

Người Corfu giống như người Hà Nội cổ kiểu Đỗ Phấn, sống chậm, không ôm việc, hưởng thụ tỉ mẩn nếp sống ngày ngày.

Vào mùa hè đỉnh cao khi đón khách du lịch, dân đảo, công chức hay dân buôn bán vặt nghỉ trưa từ hai giờ đến hai giờ. Mùa mưa kéo suốt tháng Mười đến tháng Tư năm sau, mưa kéo dài đôi khi tới cả tuần. Đấy là những ngày Corfu nhâm nhi rhum kum quat, nhón olive muối và cá nướng sốt bơ chanh nơi tửu điếm hay góc bếp nhà mình. Có lẽ đây là nét đặc trưng Grèce nhất của Corfu!

Người Corfu còn tin rằng khi trời mưa thì không nên làm việc gì cả. Mà từ tháng Mười đến tháng Tư, mưa thường kéo dài vài ngày trong tuần.

 

Tôi linh cảm, dẫu xa Grèce cả trăm năm nữa thì nơi đất nước này vẫn vậy, hoang tàn nhưng kéo du khách đến qua đường không, đường bộ và đường thủy. Một sức hút ma mị từ trong tiềm thức con người hiện đại vốn đươc rao giảng từ tấm bé về Grèce. Ở đâu đó nơi bãi biển Palaiokastritsa dưới làn nước xanh suốt, bao tảng đá, chóp núi, hang động bí hiểm và thơ mộng ẩn ven bờ, những eo vịnh cánh cung duyên mền, tất cả giúp  Palaiokastritsa có sức quyến rũ mê hồn như người đàn bà đa tình. Palaiokastritsa -Vịnh biển sở hữu sắc xanh bất lực diễn tả bằng ngôn tử. Một màu xanh tự sâu thẳm Địa Trung Hải và nguyên sơ như thần thoại Grèce, trong thấu vẻ thanh khiết. Là sắc xanh ảo biến của thiên đường, của lan man rối rắm thần thoại Hy Lạp.

Nhưng thực tại của số đông là nhưng ngôi nhà dân lèo tèo hai tầng, lợp ngói ống. Đâu đâu cũng gặp những công trình dang dở, trơ gỉ cốt thép. Chứng dấu khủng khoảng kinh tế chưa hồi gượng. Vẻ như người Grèce không hy vọng nền kinh tế khỏe mạnh một tương lai gần. Đã quá ngưỡng tuyệt vọng, giờ chỉ còn biết nhắm mắt buông xuôi trông đợi vào lòng tốt thiên hạ.

Kiến trúc đương đại của Grèce ở tỉnh lẻ đa phần tẻ nhạt, đơn giản kiểu Nga Xô viết đề cao tính thực dụng. Màu sắc nóng, buồn bã, quẩn quanh phân đoạn tâm thế lưỡng nan người Grèce hiện giờ. Thật khó tìm kiếm ấn tượng nơi công trình kiến trúc đương đại ở các thành phố Grèce, ngoại thủ đô. Vẻ như gánh nặng quá khứ huy hoàng đã khiến Hy Lạp kiêu ngạo đến chán nản không còn sức để tâm đến kiến trúc hiện đại.

Khí hậu nóng  lạnh đối nhau. Mùa đông mưa nhiều. Các món ăn ảnh hưởng Italia và Arap. Toàn bộ vùng đất tôi vừa qua, đều là thuộc quốc của Venezia một thuở. Những nơi đó đều đang dựa vào quá khứ thuộc địa để khai thác tiềm năng kinh tế. Dấu ấn các nền văn hóa lớn bao trùm và đan xen. Bây giờ và không biết từ bao lâu rồi, một và nhiều nền văn hóa, quốc gia nhỏ đã phải nương theo nền văn hóa lớn trưởng thành. Từ bỏ thói quen bảo hoàng văn hóa là một việc không dễ đối với cả kẻ cho và người nhận.

Tìm kiếm được sự hài hòa giữa bảo hoàng và cấp tiến thì mới có cơ hội phát triển. Nội lực Grèce không thực, nên một khi khủng hoảng dễ dẫn đến đa biến động, khó phục hồi. Một nền kinh tế, chính trị chỉ dựa vào thành quả vàng son quá khứ là vậy. Tâm thức người Grèce luôn vừa oán vừa ơn người Venezia trong quá khứ đã chiếm đóng và cai trị mình. Nhưng để Grèce công khai thừa nhận, điều ấy đâu có dễ. Nhờ Venezia mà Grèce mới có nền móng ngày nay, ví như truyền thống trồng olive và nền kinh tế nông nghiệp phát triển…

Rời Grèce trong cơn mưa chiều.

Tàu ngược nước quay mũi về Croatia trong muôn nỗi vân vi suy thịnh. Chúa ban cơ hội công bằng cho mỗi cá nhân và cả một dân tộc, chủng tộc, quan trọng là người ta có nhận ra những cơ hội ấy hay không. Lỡ bước là lọt xuống hố thẳm rồi biến mất trong mênh mông định mệnh. Lại tiếng hát Andrea Bocelli vang lên tự tiễn con tàu như một điều an ủi. Âm nhạc ban tặng sự thăng bằng. Tôi đứng trên boong, lòng nức nỗi niềm cổ xưa. Sóng xanh xám. Núi đứng trên bờ, loang lở lối trượt đất, chẳng biết bao giờ cỏ cây mới hoàn nguyên sắc lá.

Ngoái lại Corfu, những mái nhà cao thấp đỏ son nâu thẫm. Vẫn còn hằn in trên bờ vịnh, dấu vết đứt gãy do cơn giận dữ của thần Chthonic xa xưa. Cây cỏ phủ kín, nhưng người ta không dám xây dựng gì  trên vết thương của Thần đất mà để hoang, dù đấy là những mét vuông vàng ven bờ cảng. Nhiều người sau tôi cũng leo lên boong thượng, máy ảnh bấm liên hồi rồi ngẩn nhìn trời đất. Làm sao chụp hết được những cảnh sắc không gian thần thoại nơi đây về niêm cất trong hành trang xê dịch.

Không biết vui hay buồn, mỗi bước ở Corfu đâu cũng đụng người Italia lớn tiếng. Họ luôn tỏ ra mình làm chủ cả không gian vốn từ lâu không còn là của mình, nhưng dấu tích cha ông họ khắc trên đá, vùi trong đất, giờ vẫn được khai quật lên bằng sự kiêu hãnh nhuốm tàn tro. Tôi thấy mỗi ánh mắt Grèce nhìn du khách Italia ánh ướt những kiêu hãnh, vị tha nhưng không thoát sự chộn rộn chấp nhận và cam chịu của một kẻ nhỡ bước…

Lại gặp Balkan. Nhưng là đô thành Dubrovnik.

 

Trong nhiều thập kỷ, Dubrovnik là quốc gia duy nhất ở phía đông Adriatic có thể cạnh tranh với Cộng hòa Venice. Thời 1990-1991 xung đột chính trị Nam Tư bùng phát thành bom đạn hủy họa không ít kiến trúc văn hóa của Dubrovnik. Hiện tại người Croatia chiếm đa phần, nhưng thành phố vẫn được coi sở hữu đời sống đa văn hóa, đa sắc tộc  Do Thái, Grèce, Italia, Hongrie, Turquie...

Chen bám trong mạng nhện đường phố cổ chằng chịt, chúng tôi lẫn vào dòng người ùn ùn kéo nhau nghếch ngắm những kiến trúc và công trình cổ. Không hiếm bố mẹ nhễ nhại công kênh con nhỏ trên vai, để khỏi bị xô đẩy. Tất nhiên không thể bỏ qua Stradun, con lộ dọc thành phố đã trên 500 năm tuổi. Dài gần nửa cây số, hai bên đường san sát nhà hàng, tiệm cafe, cửa hiệu vẫn giữ rêu phong cổ kính của những ngày tháng cũ.

 

Chị bỗng xiết tay trước tượng đồng Saint Blaise – Vị thánh bổn mạng của Dubrovnik-  uy nghi cuốn sách trên tay và chiếc áo choàng mở rộng như đôi cánh đang bay lên và cũng như mái vòm che chở với ánh mắt xuyên trang sách xuyên tâm mọi con người đối diện. Chúng tôi gặp vô số sắc thái Saint Blaise qua tượng đài đặt ở những giao điểm trong thành phố. Lạc bước trong vườn thực vật sưu tập sớm nhất thế giới, Chị hỏi tôi liệu có đoán biết gốc cây hay khóm hoa nào tồn sinh từ năm 1492. Trước cánh cửa gỗ sồi sần sùi của hiệu thuốc, khai trương đầu thế kỷ 14, lâu đời thứ ba thế giới tôi ước muốn mua toa thuốc làm sao chỉ mãi nhớ mọi điều tốt đẹp ở những tọa độ đã qua.

Văn hào George Bernard Shaw thả khói cigar, nhấp whisky trong quán rượu mờ tối bên bờ biển gọi Dubrovnik “ hòn hòn ngọc ẩn mình giữa những bức tường đá”, điểm dừng hấp dẫn nhất và nổi tiếng nhất bên thủy lộ Địa Trung Hải.

Không cigar, không whisky nên khi rời đi cùng Chị thì tôi chỉ thấy một niềm nhẹ nhõm, không mấy lưu vương tâm thế, dù Dubrovnik chứa đựng những bi kịch và những huy hoàng đủ khiến bao kẻ cảm khái. Băn khoăn, tôi tự vấn mãi, sau mới hiểu cảm xúc của bản thân mình. Thì ra ở nơi hợp dung đa văn hóa và chính trị như Dubrovnik thì lại là nơi tẻ nhạt nhất đối với riêng tôi, bởi tọa độ này thiếu vắng cái riêng biệt. Nó chỉ là muôn mảnh vỡ của văn hóa Hi La tập hợp lại trong sự lộn rộn, tưởng là có trật tự và đẫm bản sắc, hóa ra lại không có gì…

7. Champagne tiễn biệt.

Buổi tối mùa hè thả sương lam trên những đỉnh núi Balkan trơ trọi. Cuối tháng lịch trăng, sao sớm thưa mọc chân trời. Costa rời Dubrovnik trọn sáu tiếng im im nhằm hướng Venezia. Dường như tôi đang tiêu mất những khoảnh khắc vàng ròng. Chúa đã đãi đằng tôi nhiều hơn mong đợi. Những con chiên hư thì Ngài càng ưu ái hơn chăng? Yêu thương để thứ thách! Kính Ngài.

Tiếng hát Andrea Bocelli  trầm vang quyện từng bước sóng đỡ con tàu.

Bầu trời Địa Trung Hải dệt tấm lưới đính những vì sao kim cương sáng trĩu như sắp rụng xuống boong trần gian.

Costa buông sáng trôi trong cơn mơ ngủ giữa bước sóng gối đầu. Đâu rồi những con tàu hàng nham nhở. Những chấm đèn phía bờ rời rạc như ánh hỏa châu chiến trận le lói chưa tàn,như con mắt người thiếu phụ Nam Tư ngóng chồng khuất lấp dưới khe sâu vùi tuyết. Người đàn bà của một đất nước đã mất khóc người chồng đã mất vì lý tưởng của một niềm tin đã mất. Bán đảo Balkan sẽ dựng lại niềm vui từ đầu trên quá khứ nhuốn máu người thắng người thua. Địa chính trị Balkan đang vẽ màu sắc khác. Chẳng tương lai nào chắc chắn, phận tốt thí mã buông của các nước nhỏ luôn là trứng để đầu gậy làm xiếc của những cường quốc…

Nỗi ám ảnh Balkan trong tôi không còn đơn nhất là bài thơ tình thống thiết mà là di sản lịch sử chồng lấn văn hóa, xung đột chính trị, tôn giáo từng châm ngòi thuốc súng để nhân loại chém giết lẫn nhau. Những mảnh vụn Balkan đang có sự bình yên nào đấy nhòa phủ những vết thương chưa bao giờ liền sẹo,bởi dưới móng nền của nó từng là thể chế dối lừa, phi nhân hơn nửa thế kỷ đã khiến qui chuẩn đạo đức các dân tộc tồn sinh ở Balkan hoại tử.

Đàn hải âu bay theo tàu vẫn lướt cánh lúc phía trước, lúc phía sau, vô vọng trong thân phận hải điểu mong phiêu lưu của chúng.

Rung rinh ánh đèn hút mắt hành lang. Cái lạnh biển đêm, khiến không ai hào hứng lên boong. Lèo tèo vài nhóm người ngối nán lại. Đặt chai Pol Roger Brut Reserve, bày sẵn phong bánh đậu Hải Dương, chị muốn mời mấy đứa em Việt trên tàu đến gặp mặt trước khi kết vòng tour.

Bỗng còi báo động rú lên tắc nghẹn. Người nhao ra như kiến, nháo nhác định thần lúc hiểu ra thì nhào đến mắc phao cứu hộ. Tôi và Chị ngồi chết lặng. Nếu tàu có chìm thì chắc cũng không chen nổi với thiên hạ. Nhưng ngay sau là còi báo yên, lời xin lỗi bằng tiếng Ý và tiếng Anh, rằng đây chỉ là sự cố ngoài mong muốn, bộ phận bảo trì kiểm tra hệ thống cảnh báo va chạm vào nút bấm nào đó.

Chờ cả tiếng, không đứa em nào có mặt. Chị rầu rầu, chắc chúng lăn ra ngủ lấy sức. Nếu không ngủ, thì không đủ năng lượng tái tạo cho ca làm việc tiếp theo. Rồi thì Phương cũng đến, kèm mấy lon bia. Cậu bảo chắc chỉ có mình đại diện anh em đến chào anh chị. Giữa hai ca chỉ có ba tiếng để ngủ, nghỉ. Phương ca cẩm, hôm nay suýt mất oan hơn trăm euros vì ông khách Ý xuống Dubrovnink. Ông ta uống rượu, nhưng lại đổ nước coca-cola rồi vặn nút trở lại đặt ngay ngắn trên quầy bar mini chèn lên tờ 10 euros.

Hãi nhất đám khách Ý, Trung Quốc, Tây Ban Nha. Mỗi khi rời tàu thì cabin của họ tung tóe di sản gel gội đầu, kem đánh răng, đờm nhãi…mẩu thuốc, capote... Và mến cảm nhất là khách Đức, Nhật, Thụy Sĩ, ngoài sự tử tế khi check-out phòng thì cabins của họ thơm sạch như là lúc họ vừa nhận chìa khóa.

Chợt nhớ Vindell -người dọn phòng 1177, tôi thắc mắc rằng đặt 10 euro boa trên bàn cả tuần vẫn nguyên chỗ. Không biết anh ta làm việc lúc nào, hễ  rảnh ra ngoài, về hé cửa tôi đã thấy cabin nề nếp ban đầu. Cười khì, Phương bảo chắc tại biết tôi là người nhà với Phương, nên anh ta ngại. Nhưng không sao. Hôm này anh cứ để lại lần nữa. Tiền boa là một phần thu nhập của những người làm dịch vụ ở bên này anh ơi.

Chục chiếc ly trống rỗng, chỉ ba chiếc trào bọt champagne. Chạm ly. Hợp âm vang rè, ấp úng. Với tất cả trang trọng, Phương run run:

- Chúc cho chúng ta, chúc nước Việt mai này không có thân phận như chúng em phải lang bạt bán tâm sức xứ người lấy đồng tiền đen bạc…

Thế giới thăng tiến là nhờ biết cách bán hàng. Tình thế phải bán tâm sức cũng không sao, miễn thặng dư thỏa đáng. Cầu mong một mai, hàng hóa Việt sẽ kết tinh của tài khéo và trí tuệ.

Vị champagne Pháp trên tàu Ý vị tiễn biệt lênh đênh. Phương nhấm rỏn rẻn vuông bánh đậu. Hí hoáy điện thoại. Tâm trí lạc trôi chốn nào. Chị ca cẩm, làm sao gửi được ớt cay bên nhà cho các em nhỉ. Nhớ gì không nhớ lại nhớ ớt. Em kiếm một địa chỉ tin cậy nhé.

Tiếng loa rọt rẹt thông báo  ngày cuối, shop bán hàng lưu niệm đại hạ giá, vòngcổ, vòng tay, túi logo Costa. Đặc biệt dành 100 suất chụp ảnh chung với thuyền trưởng, ai muốn hãy nhanh chân đăng ký. 

Không phải ai nhiều tiền cũng đi du lịch. Và du lịch không phải ai cũng sẵn tiền. Kẻ ngao du thời @ yểm bánh mỳ nước uống trong balo, share cách né lưu trú lại luôn khạc nhổ hay phun bã kẹo cao su, kéo valise mài hỏng mặt đường. Đến oxy không đủ để thở. Quả thực, tôi  không thể nhúc nhích trên quảng trường San Marco, không thể tiến hoặc lùi, uống ly bia cũng không chỗ ngồi giữa cổ thành Dubrovink. Con người không còn đủ yên tĩnh thì làm sao thưởng thức và cảm nhận thế giới xung quanh.

Ai dám khẳng định du lịch là thặng dư không khói? Các nhà đầu tư  xẻ bờ lấn biển, cắt rừng nguyên sinh lập resort. Cả hành tinh không còn nơi yên tĩnh trong cơn loạn thần du lịch tập thể. Chiếc bánh lợi nhuận du lịch dù mọi chính quyền bạch hóa thì không phải ngày nào vị ngọt cũng thấm vị giác số đông. Chúng ta thừa nghiệm sinh  biết mỗi cá nhân có quyền cất tiếng, có quyền được lắng nghe. Ai cũng có thể là nạn nhân và tác nhân không được chào đón. Mỗi cá nhân, mỗi thành phố, mỗi dân tộc đang tự thức bản ngã mình khác biệt thế nào trong thế giới để duy sinh cái tôi, con người phải học cách sống bảo vệ được bản thân nhưng cũng không làm tổn hại đến đồng loại. 

Bàn tay Phương hết mở lại nắm chìa mảnh giấy ghi địa chỉ Trang và Chi ở quê nhà. Tết con gà, Phương sẽ về Hải Phòng, biết đâu lại tái ngộ. Chị bần thần gói phong bán đậu xanh định gửi cho Trang và Chi. Bấm mặt đồng hồ trên điện thoại, Phương cụp nhìn mấy chiếc ly cạn, loạn dấu vân tay.

Dáng Phương nhòa chuyển dưới quầng đèn hành lang mái che bể bơi tầng thượng, trước khi cánh cửa thang máy há hoác nuốt chửng chàng trai. Bàn tay Phương mờ trắng đưa ngang mặt lóng ngóng. Chào. Ciao. 

Tôi nhìn tượng vũ nữ Italia vươn bay trên khoang thượng, thậm thụi buồn. Biển Việt dọc dải bờ 3.444 kmvới những thành phố gợi cảm bên vịnh biển và bãi tắm mộng mị muôn phần hơn xứ người. Tại sao nước Việt mới là điểm dừng đôi chuyến tàu du lịch ghé qua một năm?Chẳng lẽ chúng  ta làm người quan sát mãi?

 

Đêm mỗi lúc ngập sâu run rẩy. Inox, gỗ, kính, nhựa cùng nhoèn ướt. Mành sao Địa Trung Hải rưng muôn con mắt rớm. Balkan đứng khựng phía sau. Sắc màu tình yêu của Trang khác Khổng Văn Đương, nhưng nào dám chắc thời nay tình yêu thôi thân phận, dân tộc Việt hết long đong.

Chòm Bắc đẩu định vị Venezia thành phố tình yêu vĩnh cửu. Hồi chuyển vòng quay tiễn đêm Adriatic và đón Venezia bình minh. Chị hay tôi sẽ kịp gieo đồng xu xuống sóng Kênh Lớn một lần nữa? Không, Chị sẽ về gieo đồng xu vàng xuống ngã ba Bạch Hạc chín nhánh Cửu Long và vịnh Hạ Long sóng nhịp thơ lục bát.

Costa Mediterranea rùng mình, chân vịt gặp dòng chảy xa bờ xối ngang. Hải âu thảng tiếng gọi bầy khàn trĩu.

Andrea Bocellinức nở  "Bésame Mucho".

Vịn lan can chúng tôi hứng trọn luồng gió đối tín phong. Đã chen đan người khắp các boong luyến thêm với Costa Miditerranea và biển trời Italia cổ đại. Đua những cánh tay vươn đưa smartphone trước mặt, tạo dáng rộn âm thanh xạch xạch selfie.

Adriatic muôn dặm xanh. Trieste, thân thiện, thành phố cảng  Italia đấy mà chẳng hẳn. Split, Dubrovnik yên phận, tưởng thiếp ngủ trong mốc rêu bên vịnh biển Croatie bỗng hoan cuồng khi đội bóng karo đỏ trắng ghi bàn. Kotor dựa lưng vách núi Đông Tây lộ cộ cứ khiên ta bất an, ngại ngần với Montenegro. Katakolon, Corfou thì đã ngậm ngùi khi chưa kịp  gót rời Grèce.  Đẫm sương đêm boong thượng, ríu bước trường thành Kotor, âu sầu say kum quat  Katakolon , nếm trái olive dốc đền Corfou…Lãng đãng hoàng hôn Adriatic sắc cam nhuộn thắm con tàu.

 

Tôi gặp thế giới lúc chưa hẳn già, đã cười gặp nụ cười đáng lẽ không nên cười. Khóc và nghe tiếng khóc không hẳn rơi nước mắt. Tôi gắng kể những gì có thể, bởi đây là bằng chứng về một đời sống khác cùng thời nhưng chưa thuộc về chúng ta.  Và bất lực đành mắc những câu hỏi lửng lơ trong khoảng lặng…

Đang đới cận nhiệt Địa Trung Hải góc hướng nào cũng xoay phương Nam vọng gió mậu dịch thổi căng buồn dong tôi mau về xứ sở.  Giờ này vầng nhật thiên đang tròn bóng quê quặn sóng biển Đông vỗ dọc thân đất nước.

Tôi nghe ngàn cơn tín phong thổi suốt chân trời nước Việt...



 

        

Costa Mediterranea tháng 6/ 2016

Việt Trì tháng 10/ 2017

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook