CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Truyện ngắn

NGỌN NẾN VĨNH CỬU

Thứ bẩy ngày 14 tháng 2 năm 2015 12:00 AM

Mười hai giờ đêm. Chuông đồng hồ phía nhà thờ lớn uể oải buông từng tiếng chông chênh lạc nhịp trong gió bấc. Cơn gió mùa đông bắc mới về lúc ban chiều. Rét tháng chạp ở thành phố ngùn ngụt nhà cửa bê tông sắt thép cũng không khác gì đồng quê trống trải. Dường như những khối nhà đen sì đã được gió làm lạnh trở thành một thứ nước đá nhiều màu buốt giá tỏa hơi xuống mặt đường run rẩy.

Chiếc xe máy Wave cũ mèm cô nhờ người mua lại ở chợ xe ngoại ô tự dưng khật khừ khi về đến ngang hồ nước. Nó hực lên mấy tiếng nổ mạnh rồi tắt máy. Gió dưới mặt hồ tràn lên lạnh buốt. Chùm đèn vàng trong tán cây chao đảo hắt những đốm sáng lung lay rợn người trên mặt đường. Chiếc xe máy đã được đám thợ buôn xe độ lại tỉ mỉ đến từng chiếc nan hoa sáng quắc. Cậu bảo vệ đồng hương ở quán chắc hẳn là đã không phát hiện ra. Cứ cam đoan rằng xe còn rất tốt. Nghe tiếng máy nổ vẫn êm lừ. Cô quyết định xuống tiền. Năm triệu rưởi. Cậu bảo vệ chở cô về bằng chính chiếc xe ấy. Lần đầu tiên ngồi lên xe máy của mình cũng cảm thấy đời phơi phới như ai.

Nhưng ngay sáng hôm sau dắt xe ra khỏi buồng gửi xe dưới nhà, bà chủ nhà đã kêu oai oái, xe cộ gì khiếp thế, dầu chảy như gái thấy tháng, mai mà còn thế nữa thì mang ra ngoài bãi gửi nhé!

Giờ thì nó đột ngột dừng lại. Không một điềm báo trước. Vào lúc nửa đêm. Kể ra thì nếu như nó hỏng vào giữa ban ngày cũng không có cách nào khác ngoài dắt bộ. Vùng trung tâm thành phố này đã lâu lắm không còn bất cứ cửa hàng sửa xe nào. Tất cả những lấm lem dầu mỡ đã được đưa ra xa khuất mắt. Nhường lại mặt phố cho những cửa hàng sang trọng sạch sẽ.

Cô cặm cụi đẩy chiếc xe dưới ánh đèn đêm loang loáng mặt đường. Ngạc nhiên vì độ vắng vẻ của con đường ban ngày đông đúc sầm uất nhất nhì thành phố. Giờ thì nó hiu hắt mệt nhoài. Không một bóng người. Cửa hàng cửa hiệu tắt hết đèn. Chỉ còn lốm đốm vài chấm đỏ như que hương cháy phát ra từ những hộp điện trên tường. Những nhấp nháy ánh đèn xanh ma quái như đom đóm trên các camera bảo vệ. Cái vắng vẻ đến rợn người của thành phố làm tăng độ sợ hãi của những người lạ. Cô đẩy chiếc xe ra gần giữa đường. Hóa ra chiếc xe máy hàng ngày chạy hun hút trên đường không nhẹ như cô tưởng. Đẩy được nó đi chừng vài trăm mét đã thấy mồ hôi rịn ra bên trong áo lót. Dính nhằng nhằng. Mà sao cái quần bò vải thun hôm nay tệ thế. Mọi khi mềm mại bó sát mà vẫn thoải mái vô cùng. Chiếc quần được đồng nghiệp tiếp viên ở quán mua cho với lời quảng cáo đầy tính chuyên nghiệp. Khách khứa có thể dễ dàng tiếp cận điều mình mong muốn mà không cần phải cởi nó ra. Giờ thì nó cứng quèo thít chặt vào khe đùi. Chẳng cần nhìn thì cũng biết tình hình ở chỗ ấy có gì đó không ổn.

Mệt bã người nhưng không thể dừng chân ở quãng phố vắng vẻ tối đen đến thế này. Cô dấn bước trong tiếng thở mỗi lúc một dồn dập. Ngã tư ra cửa ô phía tây hiện ra trước mắt chói lòa ánh đèn cao áp. Có một chiếc xe rác đậu sát bên hè. Bóng vạch phản quang màu vàng trên áo người công nhân môi trường nhấp nhô cùng với tiếng chổi miết trên mặt đường lạo rạo rời rạc. Nhưng thật đúng lúc. Chiếc phao cứu sinh vô tình xuất hiện. Gắng thêm vài chục bước nữa, cô đến bên xe rác dựng chiếc xe của mình cạnh đấy. Ngồi phệt xuống vỉa hè thở dốc.

Công nhân vệ sinh môi trường là một thanh niên trắng trẻo cao ráo. Anh dừng chổi quay lại chỗ cô ngồi, đêm hôm thế này còn đi đâu, mà hỏng xe phải không? Cô hổn hển, xe em bị chết máy, anh có thể xem giúp được không? Anh công nhân dựng chiếc chổi dài thượt của mình lên thành xe đẩy rác. Tháo đôi găng tay vải lem nhem vết bẩn vắt chúng vào tay xe. Anh dắt chiếc xe máy của cô lên vỉa hè chỗ ánh đèn cao áp rọi sáng trưng. Dựng chân chống giữa. Bật khóa đề thử.

Chẳng còn tí mùi xăng nào! Anh lẩm nhẩm.

Em vừa đổ hai chục nghìn sáng hôm qua mà? Cô nhướng cặp lông mày vẽ vòng cong sang tận thái dương nhìn anh như cầu khẩn.

Nhà em còn xa không?

Cũng còn độ ba cây số nữa anh ạ!

Bây giờ thế này nhé, tôi dắt xe xuống đường, đóng cần gạt gió lại nổ máy cho cô. Có thể về được đến nhà đấy!

Cô rối rít cảm ơn. Anh dắt chiếc xe xuống đường bảo cô ngồi lên yên. Một tay nhấn nút khởi động liên tiếp mấy lần nhịp nhàng. Chiếc xe ậm ừ rồi bỗng bật ra tiếng nổ ọc ạch.

Vào số đi nhanh lên nhé! Anh hấp tấp giục.

Cảm ơn anh rất nhiều!

Chiếc xe phóng vút qua khỏi ngã tư vào con đường tối đen trước mặt. Ánh đèn xe vàng khè không đủ soi trước mũi xe vài mét. Nhưng chẳng còn cách nào, vẫn phải phóng gấp.

 

* * * 

Căn phòng cô thuê nằm trong một con ngõ nhỏ không xa trung tâm thành phố là mấy. Nó vẫn còn mang những nét cổ xưa như ở làng. Một cái cổng gạch không có cánh đắp nổi hàng chữ 1946 trên trán nằm cuối ngõ dẫn vào khoảnh sân rộng. Lủng củng những xô, chậu, bếp than tổ ong. Chỉ còn chừa lại lối đi đủ cho một người dắt xe. Hai dãy nhà hai bên người chủ cho năm sáu gia đình thuê trọ dài hạn. Bà chủ nhà trạc hơn sáu mươi tuổi sống độc thân trong căn phòng rộng nhất cuối mảnh sân chung tính khí rất thất thường. Càng không thể đoán ra xuất xứ của một đàn bà ở phố. Nghe khẩu âm thì hình như không giống với những người thành phố này. Những âm có dấu huyền thường nhẹ bẫng như không dấu. Đại khái “cần cù” luôn được bà ta phát âm thành “cân cu”. Nhưng chẳng sao cả. Càng dễ đồng cảm với người ngoại tỉnh.

Rời khỏi ngôi làng dưới chân núi đá bên mạn Hòa Bình, cô về thành phố thuê trọ hơn một năm nay. Để lại quê nhà anh chồng be bét rượu và đứa con gái ba tuổi. Anh ấy rất hiền. Hiền hơn đàn dê mười bốn con ngỗ ngược anh ấy vẫn hàng ngày thả lên núi. Rất ít hôm anh ấy đủ tỉnh táo để đếm từng con một khi lùa chúng về chuồng. Con ngã núi què chân tối đến kêu thảm thiết trong khe cạn, cô lại phải lần mò ra tìm. Con lạc đàn thì chẳng bao giờ về nữa. Dê sang đàn khác biến thành tiết canh và tái chanh chỉ trong chốc lát. Anh cũng từng được bạn chăn dê mời uống rượu với thịt dê tái chanh. Họ thịt chính con dê của anh bị lạc sang đàn của họ. Làm sao có thể phân biệt được thịt dê là của đàn nào? Rượu thì còn có thể phân biệt. Ngon thì cũng như nhau nhưng rượu mời khác với rượu mình mua ở chỗ không phải trả tiền.

Đàn dê của anh vắng dần dù chưa bán con nào. Trận dịch lở mồm long móng đầu xuân năm ngoái càn quét nốt những con còn lại. Đó cũng là chút vốn liếng cuối cùng của cô khi về nhà chồng.  

Nhưng ông trời không đến nỗi quá độc ác. Hình như ông ấy âm thầm cử con Vân bạn học với cô từ hồi lớp chín ở thôn bên sang nhà chơi vào dịp sau tết. Đó là con bạn xinh đẹp giỏi giang nhất trường. Nhưng có lẽ cũng chính vì thế mà dở dang con đường học vấn. Sang đến lớp mười, cô bỏ ngang về nhà làm ruộng. Vân theo học tiếp với giấc mộng đại học lớn dần.

Thế nhưng Vân cũng đành phải dừng bước khi đang học dở dang lớp 11. Cái bụng của nó đột ngột to lên từng ngày. Cho đến lúc không thể giấu. Tác giả của cái bụng căng phồng ấy không ai khác chính là thằng Lương con phó chủ tịch huyện. Cả hai đứa còn vị thành niên. Phó chủ tịch huyện đời nào chịu hi sinh chiếc ghế béo bở chỉ vì ông con nghịch dại. Vừa cho tiền vừa đe. Nó phải âm thầm ra thành phố giải quyết hậu quả. Ở làng chuyện đó may ra chỉ giấu được bà nội nó. Một cụ già lãng tai lòa mắt nhiều năm nay không bước chân ra khỏi cửa. Con Vân bỏ làng đi đã hơn bốn năm rồi. Chẳng ai biết nó làm gì ngoài phố. Chỉ biết lần nào về quê cũng đến chơi nhà cô. Thơm phức. Đến mức có thể át được cả mùi nước đái dê sau nhà.

Con Vân thủ thỉ, Yến này, mày ra thành phố làm việc với tao, cứ quanh quẩn ở đây không khéo vài lần nữa về tao không nhận ra mày mất!

Mày trông tao kinh lắm phải không?

Rất kinh, chỉ khác thằng chồng mày ở chỗ mồm không có mùi rượu mà thôi!

Nhưng tao biết làm gì ở thành phố?

Thì “chăn dê” như tao chứ còn làm gì nữa! Vân cười bí hiểm.

Chăn dê? Thành phố nuôi dê? Yến kinh ngạc há hốc miệng.

Dê thật đấy. Lũ đàn ông ở phố nào có khác gì mấy con dê cụ nuôi trong núi. Cũng hoắng huýt chơi bời và liều lĩnh dại dột đủ cả! Vân cười rũ.

Gọi là cuộc chia tay nhưng thực ra chỉ có mình Yến. Cơm trưa xong, con bé Hoa đã say ngủ. Anh chồng nửa nằm nửa ngồi bên mâm cơm uống nốt chai rượu vẫn còn lưng cút. Yến dặn lại vài câu cũng chỉ thấy ậm ờ, đi đi, vệ sinh chuồng trại sạch…sẽ kẻo…lở…mồm long…móng…khà…à…à!

 

* * *

Công việc ở quán karaoke không đến nỗi quá vất vả. Chỉ trong vòng hai tháng là Yến đã thạo việc. Sẵn trời phú cho chất giọng mượt mà từ ngày còn đi học, cô nhanh chóng trở thành giọng ca được chú ý ở quán này. Và với thân hình rắn chắc của một thôn nữ quen việc đồng áng chân tay, cô luôn là lựa chọn hàng đầu của những ông khách sành sỏi. Chẳng có mấy ai vào đây chỉ để hát.

Trưa nay cô đi làm muộn. Đêm qua hỏng xe phải đẩy một quãng đường dài khá mệt. Đã thế về đến nhà lại thao thức mãi không ngủ được. Cứ chợp mắt là lại mơ thấy anh chàng công nhân vệ sinh môi trường. Đàn ông thành phố vẫn còn có những người tử tế ân cần chứ không hoàn toàn chớt nhả dâm đãng như đám khách ngoài quán. Mà sao người cao ráo sáng sủa thế lại chỉ làm công việc thấp kém như vậy? Cô không thể giải thích nổi. Chợt nhớ đến anh chồng khướt khượt ở nhà. Anh ấy có ra phố chắc còn lâu mới đến lượt người ta cho cầm cái chổi.

Lúc gần sáng thiếp đi bỗng cô thấy có một luồng gió mạnh giật tung cửa sổ ban công đằng sau nhà. Cô nhìn rõ khung cảnh chiếc bàn thờ ở gian buồng đối diện cửa sổ. Chẳng biết nó thuộc về con ngõ nào trong phố. Chưa bao giờ có bóng người ở bên ấy. Chỉ có một ngọn nến im phăng phắc tỏa ánh sáng mờ ảo. Và mùi trầm hương loang ra rất xa. Đêm nay tự dưng cô thấy cánh cửa bước ra ban công bên ấy mở toang. Một đàn ông trung niên ngồi tư lự trên chiếc ghế tựa đặt vuông góc với ban thờ. Quần áo tinh tươm và mái đầu chải nếp gọn ghẽ. Nụ cười thảng hoặc mông lung. Như cam chịu. Lại như thách thức…

Vừa bước chân vào quán đã thấy Vân chạy ra cười tủm tỉm, khiếp, làm gì mà đến muộn thế, để khách chờ uống hết đến bốn chai bia rồi!

Khách nào vậy?

Khách của mày chứ ai, nhất định không chịu ngồi với em khác. Lão ấy có một mình ở phòng 402!

Thoáng chút ngỡ ngàng. Cô không thể biết được người khách là ai. Những khách ruột thường gọi điện trước khi đến. Cô hấp tấp mở điện thoại ra xem. Không hề có cuộc gọi nhỡ nào. Phản xạ đã hình thành mỗi khi có khách, cô rảo bước vào phòng. Trang điểm gấp rút. Thay ra bộ quần áo đi đường. Mặc chiếc quần legging thun bó sát. Chiếc áo len mỏng trễ cổ chui đầu màu hồng nhạt. Buộc chiếc khăn chấm bi cao trên cổ để lộ ra một khe sâu hút mắt trên vồng ngực. Xoay một vòng trước tấm gương lớn kiểm tra lại lần cuối. Cũng cần phải thêm một chút phấn mỏng quanh quầng mắt xóa đi dấu vết của một đêm mất ngủ.

Bấm thang máy lên phòng 402. Cửa phòng mở hé. Ánh sáng om om phát ra từ màn hình xanh lơ. Yên lặng đến mức có thể nghe thấy tiếng chiếc quạt hút rù rì trên tường. Rất hiếm khi phòng hát yên tĩnh đến thế. Khách khứa khi đã bước chân vào đây thường mang theo toàn bộ số rượu đã uống trước đó trong người. Và saynói, cả tiếng Anh và tiếng Việt đều có nghĩa như thế.

Thoạt nhìn, Yến thoáng giật mình về hình hài dáng vóc người đàn ông ngồi nghiêm nghị trên hàng ghế đối diện cửa ra vào. Rất giống một ai đó cô đã từng gặp. Trong lúc nhất thời cô chưa thể xác định được người khách ấy là ai. Chỉ biết cúi đầu khẽ chào.

Em ngồi với anh có được không ạ!

Ngồi đi Yến, anh chờ em mà!

Giọng nói đàn ông nhẹ như tiếng gió. Có cảm tưởng như nó cất lên từ một cõi mơ hồ nào đó. Cô mạnh dạn ngồi xuống cạnh anh.

Em mở bia nhé?

Không, lấy cho anh một chai whisky Ballantines 17!

Một mình anh, còn ai đến nữa không?

Không ai đến nữa. Và anh cũng không uống một mình. Có em uống cùng đấy thôi!

Yến bước ra cửa thì thầm với cậu phục vụ. Khi cô quay vào đã thấy màn hình chuyển sang bài hát “Dấu tình sầu” của Ngô Thụy Miên. Người đàn ông nhỏ nhẹ bên tai cô.

Anh là Khoa, chẳng phải người xa lạ đâu, rất gần em!

Có phải anh là người…!

Đúng rồi, anh ở căn nhà sát ban công buồng em. Yến hát cho anh nghe bài hát này nhé!

Sao anh biết em thích bài này. Em vừa phải bật đĩa Bằng Kiều lên tập hát mấy hôm nay đấy. Bài hát buồn…!

Cô bật mic khi đoạn nhạc dạo đầu đã hết. Chữ số đếm lùi trên màn hình vừa vặn đến số 0. Giọng hát dày dặn khỏe khoắn của cô cất lên cùng với hàng chữ hiện nhanh,“Chiều còn vương nắng để gió đi tìm…”…

Cô không thể ngờ người khách biết nhiều bài hát đến thế. Uống và hát. Tửu lượng của anh ấy có lẽ vào hạng vô biên. Cô chưa từng thấy ai uống nhiều như thế mà vẫn có thể lắng nghe và chỉnh sửa cho cô rất nhiều câu hát sai nhạc. Và cũng dạy cô thêm mấy bài bằng chất giọng ngọt ngào dịu lắng. Hình như giọng hát ma mị ấy làm cô nhanh chóng nhập tâm giai điệu bài hát dù nó có khó đến mấy.

Người khách hôm nay thật lạ. Anh ngồi nghiêm nghị uống và hát như một thày giáo thanh nhạc thực thụ khiến chính cô cảm thấy rất bức bối.

Hình như anh không thích em? Cô dụi đầu vào ngực anh nũng nịu.

Có ai không thích mà ngồi chờ em đến cả tiếng đồng hồ chưa? Anh vuốt nhẹ lên mái tóc suôn chảy mịn màng xuống bờ vai cô. Bàn tay nóng hổi lùa nhanh xuống khe ngực phập phồng căng nhức.

Em quê mùa chứ không được đẹp như các chị ở đây đâu!

Ai bảo em thế. Chuyện này cứ để cho bọn anh nhận xét là hơn. Lát nữa hết giờ anh còn muốn hơn thế này nữa đấy!

Ở đây không được đâu anh!

Anh có chỗ rồi!

Nhưng còn lâu mới hết giờ anh ạ!

Sắp mười một giờ rồi!

Cô giật mình choàng dậy bật điện thoại xem đồng hồ. Mười một giờ kém năm phút. Giờ này chủ quán có thể cho nhân viên ra về tùy ai có nhu cầu. Họ thừa biết thường chỉ ai có khách muốn “đi” thì các cô mới về sớm. Họ luôn tránh xen vào những giao dịch riêng tư của các cô không phải không có lý do.

Anh gọi thanh toán tiền. Dặn cậu phục vụ gọi cho một chiếc taxi.

Chiếc taxi nhằm thẳng hướng nhà cô vun vút phóng theo chỉ dẫn của anh. Cô chưa kịp hiểu điều gì xảy ra thì anh đã ghé sát tai cô thì thầm,

Em cứ lên phòng mình đi lát nữa anh sang! Bàn tay nóng ấm của anh dúi vào lòng cô một xấp tiền khá dày. Cô lóng ngóng cầm xấp tiền. Định nói với anh về qui định của phòng trọ. Người ta tuyệt đối cấm cho khách ngủ đêm lại phòng. Nhưng chợt nhớ ra cái ban công cửa sau căn phòng cô chỉ cách ban công nhà anh chưa đầy một gang tay. Thành phố tấc đất tấc vàng là thế. Khoảng cách chỉ là tượng trưng.

Vừa kịp tắm xong khoác lên người bộ quần áo ngủ mỏng tang, cô đã thấy ánh đèn bên phòng anh bật sáng. Ban thờ bên ấy đã được kéo rèm phủ kín xung quanh. Thật lạ. Cũng căn phòng ấy. Nó lạnh lẽo đến kinh hoàng trong ánh nến đông đặc và mùi hương trầm bao phủ bỗng trở nên sống động đầy sinh khí dưới ánh sáng ngọn đèn treo có chụp thủy tinh mờ. Cô mở cửa ban công. Anh thong thả bước sang dang rộng vòng tay ôm cô vào lòng. Cái ôm không chặt lắm nhưng chẳng hiểu vì sao khiến chân tay cô bủn rủn. Cô líu ríu theo anh lên chiếc giường đệm kê sát tường. Với tay tắt ngọn đèn lớn. Bật đèn ngủ đầu giường. Cô rũ tung tấm chăn sặc sỡ trùm lên cả hai người. Anh chuồi nhẹ khỏi cô sau một cái hôn dài. Cởi bộ quần áo đang mặc vứt xuống đất. Những động tác nhẹ nhàng chính xác, anh lần lượt cởi hộ cô toàn bộ những thứ mặc trên mình. Trong chăn. Tìm.

Bàn tay nóng như một mũi tên chỉ đường đến mọi ngóc ngách cơ thể cô. Nó đánh thức toàn bộ giác quan cô trên suốt quãng đường đi qua. Bắt đầu từ hai bầu vú vểnh lên rung rinh như sóng. Đến khoảng bụng đầy đặn nôn nao thèm khát. Đến mịt mờ rối lan man đầm đìa. Đến…Cô oằn mình đón nhận. Một nóng bỏng dịu dàng trườn vào tận thẳm sâu khao khát.

Gần sáng. Anh thức dậy tìm quần áo mặc lên người. Trong bóng tối, cơ thể anh phát ra ánh sáng như một vùng lân tinh rất lạ. Cô chăm chú dõi theo bàn tay anh. Nó đang cầm một xấp đen sì cản sáng như phim chụp âm bản. Tiền. Âm thanh phát ra từ xấp tiền mới không lẫn vào đâu được. Anh nhẹ nhàng đặt xấp tiền xuống dưới chiếc gối cô đang nằm.

Kìa anh, sao vội về thế, vẫn còn chưa sáng mà!

Tưởng em ngủ rồi, thôi để anh về bên nhà lấy chai rượu sang uống tiếp nhé!

Anh mở cửa ban công bước về phòng mình. Kéo tấm rèm màu rêu sáng che bàn thờ sang một bên. Vẫn ánh lửa vàng đông đặc giữa không trung. Ngọn lửa như không cháy lên từ đâu cả. Cô tưởng tượng ra cây nến dưới chân nó dường như đã biến mất.

Anh cầm sang chai rượu whisky black mới cùng với hai chiếc cốc thủy tinh đáy dày. Chậm rãi lột vỏ giấy bạc trên miệng chai. Thận trọng rót vào mỗi cốc một hớp nhỏ. Cô ngồi dậy. Nuột nà viên mãn. Đón cốc rượu trên tay anh, cô uống cạn. Lần đầu tiên trong đời cô hiểu vì sao lũ bợm rượu luôn tôn thờ đến mụ mị cái thứ chất lỏng trong veo màu hổ phách này. Mà cũng chẳng cứ là phải whisky. Gã chồng cô ở nhà chỉ cần thứ rượu đựng trong chai nước khoáng đục lờ như canh mẻ là đã ngất ngư quên hết.

Đàn ông thành phố các anh buồn cười nhỉ?

Làm sao mà buồn cười?

Em thấy các anh ăn tiêu phá phách tưng bừng dù chẳng phải là người khá giả gì cho lắm!

Đúng thế! Anh nhoẻn một nụ cười tê tái. Dân thành phố chỉ được một đời thôi. Đời sau cố gắng lắm mới giữ lại được cái hào hoa lịch thiệp. Nói đúng ra là người thành phố phải chi rất nhiều tiền để gìn giữ cái hào hoa ấy. Cho đến kiệt sức. Nhưng nếu không có họ thì thành phố chắc chắn bị vùi lấp vào quên lãng lâu rồi. Chẳng có thứ gì đáng nhớ ngoài con người ở nơi đây!

Anh nói nghe như thơ ấy nhỉ? Nụ cười của cô sóng sánh trong cốc rượu mới rót trên tay.

Không thơ đâu. Là sự thật đấy. Sự thật hão huyền ấy là mơ ước của rất nhiều người!

 

* * *

Mơ ước của cô sắp thành sự thật. Mấy tháng đều đặn Khoa sang buồng cô vào lúc nửa đêm khi cô rời quán về nhà. Khoản tiền lớn đựng trong ngăn kéo tủ có khóa đã đầy lên gần chạm nóc. Điều ngạc nhiên nhất, thứ đồ uống mà cô từng chán ghét đến căm thù là bia rượu thì nay nó đã trở thành thức uống hàng ngày. Hay là cái chất hào hoa như Khoa nói đã ngấm ngầm bén rễ trong cô? Chẳng sao cả. Đằng nào thì cũng đã đến lúc chia tay Khoa. Kinh nghiệm lũ bạn ở quán truyền tai nhau mách cô phải có những ứng xử không được phép quá đà. Cách chia tay tốt nhất theo chúng nó nói là chuyển nhà. Thay số điện thoại. Cần thiết thì đổi quán sang chỗ khác làm. Nhưng chưa có đứa nào phải đổi quán cả. Cái máu sĩ đàn ông sống trong thành phố này luôn ngăn cản họ đến gây chuyện ở bất cứ hàng quán nào.

Số tiền sắp đủ để cô kiếm tìm một căn hộ. Cô sẽ đưa chồng và con gái bé nhỏ ra thành phố. Anh ấy chỉ cần làm xe ôm đưa đón cô đi làm. Công việc nhàn hơn lúc phải lên núi đếm cả một đàn dê khi chiều về rất nhiều. Con bé sẽ được lớn lên ở nơi văn minh lịch sự này.

Nghĩ là làm. Cô bấm điện thoại về nhà mẹ chồng. Hẹn anh ấy chiều nay sang chờ nghe máy.

Con định bảo nó đợi lúc mấy giờ? Mẹ chồng hỏi.

Mấy giờ chẳng được, anh ấy có bận bịu gì đâu! Cô sẵng giọng dập máy.

Buổi chiều, cô xin phép chủ quán cho về sớm. Nói rằng có chồng con về thăm. Chủ quán tươi cười còn dúi cho thêm vài trăm,

Cầm về làm bữa cơm rượu hẳn hoi tiếp đãi nó nhé. Em được tự do thoải mái làm việc ở đây cũng là nhờ nó cả đấy!

Chẳng cần chủ quán dặn dò thì cô cũng đã chuẩn bị cả rồi. Khó gì việc chuẩn bị một bữa ăn ở thành phố. Về qua dốc Yên mua cân thịt quay củ kiệu muối. Qua chợ Bông mua cá làm sẵn ướp mẻ và nghệ vàng làm nồi canh chua. Rượu thì hàng nước ngay đầu ngõ muốn mua mấy can chẳng được. Cô bấm máy gọi về nhà chồng ngay khi dắt xe ra khỏi quán. Giọng anh ấy vẫn bè nhè,

Chờ…ợ lâu…quá thể. Mà sao…tháng…này chưa…gửi tiền về?

Anh ra bắt xe cho con bé về đây ngay đi!

Bây giờ…còn nợ tiền người ta mua gạo đây này?

Ngay bây giờ. Vay bà một ít đủ mua vé xe hai bố con thôi. Về đây rồi sẽ có!

Cũng phải gần ba tiếng đồng hồ sau chồng con cô mới có mặt. Ông xe ôm chở cả hai bố con anh vào đến tận cửa đứng chờ cô xuống trả tiền. Bước vào căn buồng gọn gàng của cô, anh tỉnh hẳn rượu. Khoảnh khắc hiếm hoi đã từ lâu lắm rồi anh không có. Anh phát hiện ra can rượu ba lít đặt ngay ngắn bên cạnh mâm cơm thịnh soạn. Nó như một thử thách. Không biết mình có thể vượt qua được ngần ấy? Anh cố dằn lòng quay mặt đi nơi khác. Nhưng cô đon đả,

Hôm nay anh cứ uống thoải mái đi, rồi em sẽ nói chuyện!

Có chuyện gì thế? Anh chột dạ.

Chuyện vui thôi. Ta phải thay đổi. Không thể để con bé Hoa của mẹ phải lăn lóc ở quê mãi được! Cô quay sang nựng con bé.

Anh rót chén rượu đầu tiên. Chợt phát hiện ra trên mâm có đến hai chiếc chén. Người đàn ông lần đầu tỉnh táo hiểu ngay câu chuyện. Anh rót thêm một chén nữa đẩy về phía cô. Nhấp môi. Chất rượu thành phố không nhẹ nhàng êm ái như rượu quê. Nó xộc lên chảy nước mũi. Gai gai trong cổ họng. Anh trợn tròn mắt nhìn vợ điềm tĩnh cạn hết chén rượu đầy…

Tàn bữa, cô thủng thẳng,

Em định thế này, anh và con phải về đây sống. Em lo được. Anh chỉ có một việc đưa đón em đi làm nếu anh thích. Phải về để cho con bé còn đi học!

Làm sao lo được nhiều thế. Nhà cửa không có!

Em sẽ mua một căn hộ nhỏ. Đừng lo, em chuẩn bị rồi!

Can rượu anh và cô uống chưa hết một phần tư. Lần này nó không làm anh bè nhè khụng khiệng nữa. Anh đổ vật xuống chiếu lúc nào không hay. Chỉ còn giấc mơ trở thành thị dân kéo dài qua những diễn biến huy hoàng tiếp theo.

Nửa đêm, sau một hồi trằn trọc, cô nhẹ nhàng bước ra cánh cửa ban công. Như một phản xạ trong vài tháng nay. Cứ đến giờ là cô lại nhón chân không một tiếng động ra mở cửa. Hé mắt nhìn qua khe cửa sang phòng Khoa. Căn phòng im lìm tối như ngày cô mới đến. Ngọn lửa nến trên bàn thờ đông cứng tưởng như có thể cầm lấy được. Mùi trầm vẫn loáng thoáng loang trong không khí. Yên ắng đến rợn người.

Cô quay vào mở cánh tủ. Lần tìm chiếc chìa khóa giấu trong túi chiếc áo khoác nhiều màu. Mò mẫm mở ổ khóa ngăn kéo nhỏ đựng tiền nằm sâu trong góc tủ. Một luồng hơi lạnh thoát ra từ trong ngăn kéo. Cô lùa bàn tay vào sâu hơn nữa. Trống không. Quá kinh hãi, cô ngã ngồi xuống đất ngay cạnh chỗ anh chồng đang ngáy. Chẳng kịp suy nghĩ gì hơn, cô dứng phắt dậy bật ngọn đèn ống sáng trưng cả căn phòng. Lôi hẳn chiếc ngăn kéo nhỏ ra khỏi tủ. Không thể tin vào mắt mình. Trong ấy chỉ có một lớp tàn tro như bụi bát hương mịn tan. Sững người. Cô thét lên một tiếng thất thanh.

Con bé Hoa nằm trên giường giật mình chóp chép cái miệng xinh xắn. Anh chồng ngưng tiếng ngáy đợt một. Chuẩn bị cho đợt hai lâu dài và nặng nhọc hơn nhiều. Như vẫn thế!

Đ.P - 2015

Minh họa: Nguyễn Mạnh Hùng

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook