CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
TRANG VIẾT CỦA BẠN

THÓI QUEN, NHỚ VÀ QUÊN - NGUYỄN THỊ THANH XUÂN

Thứ tư ngày 28 tháng 1 năm 2015 12:00 AM

Mới xuân mà đã sang hè, Sài Gòn oi nồng ghê gớm. Chiều thứ Bảy, muốn thoát khỏi cái ngột ngạt của căn nhà quen thuộc, họ rủ nhau đi tìm một góc vắng để ngồi. Con đường Nguyễn Văn Trỗi người xe tấp nập. Chỉ một quãng ngắn từ Trần Huy Liệu đến Tịnh Trà quán  mà họ đi mất nửa giờ đồng hồ. Một cuộc kẹt xe nhỏ ở ngay gần cầu Công Lý.

Cảm giác bực bội và mệt mỏi theo họ đến đây, ngay cả khi họ ngồi bình thản, nhẹ nhàng chuyên trà, trong một  không gian tĩnh lặng rất tuyệt. Không hẹn mà tự nhiên cùng một lúc họ buột miệng nói ra  ý nghĩ về những điều không thể giải thích ở con người.

Chen chúc và cắm cúi là hình ảnh chúng ta trên đường phố. Chạy đi đâu mà vội vã, mà tất bật, đánh rơi cả những thói quen được xác lập từ sự quy ước căn bản nhất của cộng đồng.

Thời đại bùng nổ thông tin, mỗi ngày cầm tờ báo trên tay là gặp bao tin dữ: chiến tranh, tham nhũng, bức hại, tai nạn, hút xách, nhậu nhẹt, chơi bời… Con người làm ra tất cả: những tín điều, tiền bạc, tài sản, những thú vui vật chất… và con người điêu đứng,  tha hóa, thậm chí đánh đổi sinh mạng mình vì chúng. Từ đâu ra những thói quen sống chụp giựt, bản năng  và bất chấp tất cả này ?

Bỗng nhiên nhớ lại bài học sinh vật thời trung học, thí nghiệm Pavlov - phản xạ có điều kiện. Cả lớp đã cười thích thú  nghe thầy tả hình ảnh chú chó chảy nước miếng khi nghe tiếng chuông rung. Giờ đây trong cảm giác buồn, họ nhận ra ý nghĩa nhân sinh của cái thí nghiệm này, ấy là sự tương tác giữa môi trường và con người.

Nhưng làm sao chối bỏ trách nhiệm của từng cá nhân? Bởi thói quen tự nó là hai mặt. Như bóng tối và ánh sáng. Khi vượt thoát một thói quen xấu cũng có nghĩa là đã xác lập được một thói quen tốt và ngược lại. Có thói quen cho cá nhân và thói quen của cả cộng đồng. Con người xây đắp tập quán và kháng cự lại quán tính trong chính bản thân và trong môi trường. Rất lạ là thói quen lành mạnh thì thường khó duy trì và bổ sung, mà thói quen tai hại thì không mời cũng đến. Để đi với nó, chúng ta như vừa leo dốc vừa tụt dốc vậy. Những lúc yếu lòng, mệt mỏi, chỉ cần buông thả một tí, một chút xíu thôi, đôi mắt của lương tri, là chúng ta bước trượt, du mình vào bóng tối. Nhưng những khi khỏe thì hành động leo dốc lại là một niềm vui …chinh phục.

Thói quen - nhớ và quên, có thể thật giản dị.  Với các bé đang tuổi thiếu niên, mỗi sáng cố gắng thoát khỏi cơn buồn ngủ, nhỏm dậy khỏi giường để đến lớp đúng giờ; khi làm bài thi, xung quanh các bạn giở vở copy rào rào, em khước từ; vào giờ giải lao, uống xong hộp sữa, không vất xuống sân mà đi tìm  thùng rác để bỏ vào; trưa mẹ chở về, khi đi qua chùa Vĩnh Nghiêm, gặp xe tang, ngả mũ chào người quá cố…

Thói quen - nhớ và quên, nhiều lúc thật gian nan, nhất là khi với chúng, con người đã tìm thấy những lý lẽ để bảo vệ hay khước từ; nhất là khi với chúng, con người đã đánh mất sức mạnh của lý trí: ấy là lúc thói quen xấu đã có cơ phát triển và trở thành một căn bệnh của toàn xã hội, ấy là lúc từng cá nhân chỉ có thể  tuột dốc mà không đủ sức vươn lên.

Quên những thói quen tốt đã có từ lâu trong nếp sống cộng đồng, vực lại những thói quen đã bị phê phán và vướng vào những thói quen mới có hại, là điều đáng suy nghĩ hiện nay. Dường như đó vừa là dấu hiệu nói lên tính chất chao đảo, xộc xệch  của xã hội, vừa là  hành động mang tính chất phản kháng của cá nhân với  sự lệch chuẩn của môi trường.

Các cơ quan văn hoá, giáo dục và truyền thông đã làm gì để giúp cho công chúng nhớ và quên thói quen? Nói theo ngôn ngữ  của máy điện toán, có vẻ như trong lĩnh vực này  còn thiếu sự tham gia của những lập trình viên chuyên nghiệp và nhạy bén. Không thể xử lý vấn đề theo kiểu đối phó,“sửa tay”. Cần có những phần mềm mới ra đời để nạp chương trình vào những ổ cứng còn trinh nguyên của lớp trẻ thế kỷ 21, đồng thời  ngăn chặn những virus, chỉnh sửa những chệch choạc lạc hậu trong các bộ máy cũ, và như vậy, có khi  phần cứng của bộ máy cũng phải nâng cấp theo cho phù hợp.

Báo chí mới đây đưa tin trang trọng về một nhà môi trường học. Cả cuộc đời của bà dành cho việc bảo vệ môi trường. Khi đọc thấy, họ đưa tờ báo cho con gái, những tưởng nó sẽ vui mừng vì gặp một tâm hồn đồng điệu. Nào ngờ cô con gái mười ba tuổi của họ thất vọng: “Con không đồng ý khi bà ta nói rằng chúng ta yêu quý môi trường chính là vì yêu quý con người. Tại sao không thể yêu quý môi trường vì chính môi trường?” Đó cũng là một kháng cự với quán tính, một quán tính của tư duy. Và cái phản ứng hồn nhiên ấy của đứa con bé bỏng lại giúp họ quên đi cái suy nghĩ đã đúc thành tục ngữ: “Áo mặc sao qua khỏi đầu”.

Có bao nhiêu thói quen, là có bấy nhiêu tiếp nhận và kháng cự, ghi nhớ và xoá bỏ, hoặc âm thầm, hoặc tỏ lộ nơi mỗi con người.  Đó là điều giúp chúng ta, sau khi đã đi quá xa trên cái niềm kiêu hãnh làm người - chủ nhân trong việc thiết lập một xã hội theo mô hình lý tưởng của con người, biết trở về với thiên nhiên và tôn trọng những quy luật muôn đời hài hòa của nó.

…Câu chuyện về thói quen  làm họ không nhận ra buổi chiều đã trôi qua tự bao giờ. Trà đã nguội và giờ đã hết. Phải về với nhịp sống thường ngày thôi. Lòng tự nhủ: lần khác trở lại Tịnh Trà quán sẽ không dại dột lặp lại thói quen bàn luận dông dài của chiều nay mà lặng im, khẽ khàng thưởng thức trà, lắng nghe tiếng róc rách của nước và mùi hương lẩn khuất của hoa.

 

Chia sẻ trên Facebook