Những năm đầu thập kỷ 70, khi ga xe lửa tuyến đường phía Bắc phải sơ tán sang ga Đông Anh, tôi thường được theo các con nhang đệ tử đi lễ hành hương ở đền Bảo Hà gần Lào Cai. Ngày ấy chúng tôi phải tăng-bo bằng các phương tiện khác đến Đông Anh rồi chờ tối, tàu mới khởi hành.
Một vấn lễ của một thành viên Hội-quần-tiên được chuẩn bị khá kỹ, từ bông hoa, lá trầu, quả cau đến các loại bánh, kẹo, rượu và các loại thực phẩm để dùng làm cỗ mặn. Đi lễ hành hương thường là những người thân, có quan hệ gia đình hoặc bạn bè cùng cánh; nhưng chủ yếu là những người có đồng, căn cao số nặng phải đầu hàng bốn phủ và được “các cô, các cậu” chấm lính bắt đồng. Những người này thường đi theo để giúp việc phụ lễ, bày biện lễ vật trên các ban thờ và hầu dâng.
Tiệc mặn được làm khá công phu. Có người mang sẵn cả con lợn sữa đã cạo lông, mổ phanh, ướp các loại gia vị, kèm theo gần yến than Đục-Khê và chai dấm trộn lẫn mật ong dùng để quay lợn tại nhà đền.
Đến nơi, sau tuần trà thuốc nghỉ ngơi, ai vào việc nấy. Người cắt tiết làm gà, người chuẩn bị chỗ để quay lợn. Con lợn được đặt úp lên một cái mâm sạch, người đầu bếp già đi theo đoàn cẩn thận lấy chai mật ong trộn với dấm chua rót dọc sống lưng con lợn. Hỗn hợp dấm mật ong lan đều, phủ lên da con lợn sữa trắng một lớp màu vàng sền sệt. Con lợn được hong gió cho se bớt, rồi được lồng vào một cái xiên hình chữ U có chuôi bằng ống sắt trông tựa như cái gảy rơm ở quê. Hai trạc chữ V bằng cây tươi chặt trong vườn đóng xuống, than Đục-Khê được đốt lên. Chú lợn con mắt nhắm nghiền quay qua quay lại trên ngọn lửa than hồng rực. Những giọt mỡ chảy xuống bắt lửa kêu xèo xèo. Chừng gần một tiếng đồng hồ, lợn chín, da vàng rộm, ửng màu cánh dán. Con lợn được đặt lên một cái mâm đồng đánh sáng choang và được bưng lên đặt lễ tại công đồng. Các món khác cũng vừa làm xong, được đơm, bày rất khéo. Các cô đồng (thường là các cậu hoặc các ông con trai) là những người buôn bán giàu có, làm ăn đang hái ra tiền mới dám chuẩn bị một vấn lễ thịnh soạn như vậy.
Mâm lễ tam sinh cúng Mẫu và hội đồng tứ phủ gồm đủ sơn hào hải vị. Lợn, gà, giò lụa, chả quế, bóng, vây, mực... Mâm lễ cúng sơn trang có cơm lam, thịt thính, khế chua, măng vầu, 12 con cua đồng hấp chín đỏ nhưng nhức, ốc nhồi hấp với lá bưởi, gừng cay, chanh tươi, ớt quả được bày công phu. Hương nến thắp lên. Trong không khí trang nghiêm, ông thày (thường là các cung văn cao tuổi đàn anh trong nhóm cung văn hát dâng văn khi hầu đồng) cất giọng ê a trang trọng tuyên sớ. Dàn nhạc cử bài theo điệu Lưu thủy, thường dùng khi hành lễ. Các con nhang, chủ tế xì xụp khấn vái, cầu xin đủ thứ trên đời, cầu mua may bán đắt, đi tươi về tốt, đi một về mười... Hết tuần hương, cỗ được hạ xuống để mọi người thụ lộc. Ăn uống xong, ai lại vào việc nấy, bày biện hoa quả trên công đồng, cung đệ nhị, hậu cung, lầu cô, lầu cậu, v.v...chuẩn bị cho vấn lễ hầu đồng.
Cô đồng bắc ghế hầu thánh trong vấn lễ hành hương này sau khi dọn mình (tắm rửa) sạch sẽ, mặc bộ đồ lót-mình-hầu màu trắng và bắt đầu trang điểm. Các đồng cô nam giới thường xưng chị em với nhau. Vì luôn coi mình là giới nữ nên trang phục họ chọn đều là quần áo nữ. Có người độn ngực, mặc áo trong như thể đàn bà. Nhất là các đồng cô được mời làm hầu dâng thì rất điệu đàng. Trong lúc trang điểm để chuẩn bị hành lễ, họ nói với nhau nhẹ nhàng, tô môi, kẻ mắt cho nhau, hoặc cài lại cái khuy áo, cư xử thuận hòa.
Thời đó chiến tranh nên việc lễ bái công phu, vất vả. Nhân đức tin của họ đã vượt qua mọi khó khăn để đạt ý nguyện là được dâng mình cho đấng hư vô. Để có vấn lễ tố hảo, chủ lễ phải đăng ký trước với đồng đền và các quan chức địa phương, xin được chuông trống khi làm lễ. Thậm chí họ còn mời dân thôn và các trưởng thôn, trưởng bản đến thụ lộc và dự lễ.
Khoảng tám chín giờ tối, vấn lễ bắt đầu tiến hành. Các cung văn tấu nhạc. Ban nhạc có bốn người. Người chơi đàn nguyệt, người thổi tiêu, sáo, người gõ phách và một người đánh trống. Người đánh đàn và gõ phách thường thay nhau hát khi dâng văn các giá thánh về ngự lúc hầu đồng. Vấn lễ hầu đồng thường kéo dài từ sáu cho đến tám tiếng đồng hồ, có giải lao ở giữa chừng.
Cô đồng chủ lễ chắp tay xin phép mọi người để được hầu thánh và mời bốn đồng cô được chọn làm hầu dâng vào vị trí. Nhạc nổi lên, đèn nến lung linh, hương thơm ngào ngạt, cô đồng trong tư thế ngồi, trùm tấm khăn đỏ thêu rồng phượng lên đầu rồi đảo người kèm theo tiếng hú hoang dã. Rồi tấm khăn đỏ được hất tung khi lời cung văn mời ông thánh đầu tiên về ngự đồng vừa dứt.
Thứ tự hầu đồng được tuân theo nghiêm ngặt. Đầu tiên phải mời các giá Mẫu về ngự. Tiếp đó là các Quan lớn rồi giá các Chầu, các ông Hoàng, các Cô và cuối cùng là các Cậu. Có người hầu gần hết các giá, nhưng khi hầu các giá Mẫu, thông thường họ chỉ hầu ba giá Mẫu: Mẫu đệ nhất, Mẫu Thoải, rồi hầu đến Mẫu bản địa (thí dụ như Mẫu Đông Cuông, Mẫu Phủ Giầy...). Khi Mẫu ngự, cô đồng nhập thần, khoan thai, nhẹ nhàng, âm thanh phát ra khe khẽ. Tiếng đàn văn sang trọng lơi buông những âm giai cung đình. Mẫu ngự không lâu, không truyền phán gì, chỉ nhìn sang trái, sang phải như chứng cho tất cả các con nhang đệ tử của Người đang khâm trực đắm say suốt vấn hầu, với đôi mắt ngưỡng mộ, tự tin chờ đợi...
* * *
Trong các giá quan lớn ngự đồng, ngôi thứ ba được gọi là Quan Lớn Tam Phủ, khi ngự ngài mặc áo trắng thêu thủy ba sóng gợn ở gấu áo và một ổ rồng chầu bố cục uyển chuyển thành hình tròn trước ngực. Việc thay khăn chầu, áo ngự của các giá được diễn ra ngay tại nơi hành lễ trong tư thế ngồi. Bốn người hầu dâng chuẩn bị rất nhanh, chính xác những trang phục cần có. Loáng một phút, cô đồng như hóa thân thành một ông thánh khác so với giá trước đó đã xe giá hồi cung.
Âm nhạc vẫn dìu dặt chờ đợi. Các bà, các cô đi lễ hành hương bị cuốn hút vào không khí vừa trang nhã vừa siêu thoát linh thiêng.
Trang phục chỉnh tề, Quan Lớn Tam Phủ cầm một bó hương to do người hầu dâng, trong tư thế cúi đầu, ngài bắt đầu khai cuông và hành lễ. Ngài cầm thêm tấm nhiễu đỏ của người hầu dâng khác, tay phải giơ cao bó hương nghi ngút nhả khói, bó chân hương được bọc trong một đầu tấm nhiễu đỏ, tay trái chống nạnh, giữ đầu kia của tấm nhiễu, mắt ngài nhìn thăm thẳm vào cõi hư vô, hướng tới các bức tượng đặt trên ban thờ trong hậu cung. Thần sắc như chuyển, như say làm khuôn mặt ngài rạng rỡ dị thường.
Trường đoạn múa thanh long đao thật uy nghi hòa cùng lời văn ca ngợi công đức ngài đã có công dẹp giặc được cung văn dâng thành kính cùng tiếng nhạc nẩy nhịp quân hành. Thỉnh thoảng tiếng hắng giọng oai vệ của ngài phát ra làm mọi người thấy rõ cái uy của ngài. Thanh long đao quay tít, lúc tiến, lúc lui, đường đao tỏ rõ bản lĩnh của một đấng bậc đứng đầu bát vạn hùng binh. Các con nhang ngất ngây chiêm ngưỡng...
Khi ngài trao thanh long đao lại cho người hầu dâng và ngồi xuống cạnh một chồng gối xếp bọc gấm, nhịp nhạc chùng lại khoan thai. Ngài bắt đầu việc quan. Hầu dâng cúi đầu dâng thuốc, dâng trà (trà sen thơm ngát vừa pha khi giá ngài về ngự). Ngài vỗ gối nghe văn, thưởng thức lời ca tiếng nhạc, phong độ ung dung. Thỉnh thoảng được nghe câu hát ca ngợi công đức ngài hay, tay trái ngài vỗ gối, tay phải ném ra một số tiền có giá trị để thưởng cung văn. Người cung văn dạ một tiếng nhỏ, tay đàn hình như dẻo hơn. Người đánh trống phối hợp nhịp nhàng làm cho không khí ban thưởng càng đậm đà. Mỗi lúc ngài vỗ gối, những tiếng cắc gõ vào tang trống dồn dập, tiền thưởng tung lên là những tiếng tùng òa ra, vỡ tung không khí buổi hành lễ.
Cảm thấy sự hiện diện trên trần gian như thế đã đủ, ngài ngồi xếp bằng, mắt lim dim rồi bất thần tay ngài tung mạnh tấm khăn đỏ trùm đầu. Tiết tấu nhạc bỗng cuống quít lạ thường. Người cung văn nhả câu “Thánh giá hồi loan”. Các cô hầu dâng “Nam mô” rối rít, “Tấu lạy” rối rít khẩn cầu mời gọi các giá thánh về ngự. Bốn giọng hầu dâng như dàn hợp xướng bốn bè cùng cất lên vừa như khẩn khoản, vừa như nũng nịu. Cho đến khi cô đồng ra dấu tay, ông cung văn nhìn thấy liền dâng văn mời giá thánh vừa được cô đồng ra dấu. Nét nhạc trở lại khoan thai dìu dặt mời gọi. Lời văn thỉnh mời các giá thánh về ngự đồng được dâng trang trọng. Khi cô đồng gật đầu, rùng mình tung tấm khăn phủ diện ra thì cung văn bắt đầu bản văn của giá đó tiếp theo vừa chợt hiện về ngự đồng. Khăn chầu áo ngự lại được thay cho phù hợp.
Trong các hàng quan lớn, các cô đồng hay chọn hầu Quan Lớn Tuần tranh, Quan Lớn Tam phủ, Quan lớn Triệu Tường. Còn các quan lớn khác ngài ít về ngự đồng. Có một số ít cô đồng sát căn Quan Lớn Trần Triều (Trần Hưng Đạo) khi hầu, giá ngài vẫn về ngự. Mỗi phủ (trong tứ phủ) thường có mười hai ngôi, từ ngôi đệ nhất tới ngôi thứ mười hai, có phủ gọi ngôi thứ mười hai là “bé”, như Cô Bé, Cậu Bé v.v... Các giá hầu khác nhau, cô đồng múa với các loại binh khí khác nhau. Khi thì dùng một thanh long đao to bằng gỗ. Lúc lại là đôi hèo hoa với chuỗi lục lạc bằng đồng phát ra âm thanh vui tai, hoặc đôi kiếm gỗ....Tất cả vật dụng trợ giúp cho cuộc hành lễ đều là đồ thờ đặt trong đền, trong phủ.
* * *
Sau các giá Quan lớn là các giá Chầu. Các giá chầu có Chầu đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ, chầu lục... Các giá ở ngôi thứ sáu là các giá thượng, sơn trang, nên dâng văn cho các giá này nhạc có tiết tấu sôi động được xây dựng trên nền làn điệu Xá - một trong ba làn điệu chủ yếu: Dọc, Cờn, Xá dùng rất biến hóa trong hát dâng văn hầu đồng. Nét nhạc mang âm hưởng của dân ca các dân tộc vùng núi phía bắc hay vùng tây nguyên nước ta. Người hầu đồng tay múa mồi lửa, miệng ngậm miếng trầu nhai dập, đứng dậy nhún nhảy theo điệu nhạc, tay vung vẩy chiếc khăn voan xanh lục, thỉnh thoảng cất tiếng hú dài. Được một lúc, hầu dâng đốt đôi mồi lửa cháy phừng, cô đồng kẹp mồi lửa vào giữa hai ngón tay để sấp, rồi bắt đầu điệu múa với mồi lửa theo tiếng nhạc và những tiếng hú dài gọi bầy. Nhạc càng nhanh cô múa càng dẻo. Ánh lửa từ đôi mồi (làm bằng giấy bản vặn vấn thừng vào nhau được nhúng vừa khéo trong nến nóng chảy) bập bùng phản chiếu ánh bạc trên các bộ xà tích, bộ khuy hình con bướm đính trên trang phục và ánh mắt long lanh siêu thoát của cô đồng làm thành một không khí huyền ảo mê hoặc lòng người. Chầu vui bao nhiêu, mặt đổi diện bao nhiêu, sau vấn lễ cô đồng nhiều lộc bấy nhiêu. Khi về nhà mà được đắc ý nguyện cầu, lộc lá Chầu cho chồng chất, cô đồng lại sắm một lễ tạ to lắm tại bản đền hay một đền nào đó để tạ Người.
Vũ điệu dân gian như một trường đoạn của vai diễn linh thiêng với sự trợ giúp của một tâm linh ổn định, hướng thiện, hướng tới cõi-tâm-linh vừa được xác lập.
Cõi tâm linh của cô đồng với nhân đức tin đang được lớn dần, bùng lên đột khởi, như được trợ giúp bởi quyền năng vô biên của một ngôi vị vô hình tận ở xa xăm. Người hầu đồng được đặc cách nhận năng lượng vũ trụ truyền tới.
Sau những cơn thăng hoa bạo liệt của điệu múa mồi lửa, Chầu lục quỳ xuống, nhưng thân hình luôn di chuyển, lúc sang phải, lúc sang trái, lúc phía trước, lúc lại ngả về phía sau. Người hiến nguyên một gói thuốc lào Vĩnh Bảo (to bằng ruột cái bánh gai Ninh Giang) vào miệng, nhai cùng miếng trầu đã ứa nước đỏ nồng. Vẫn cái thân ngúc ngoắc, Chầu phát ra những tiếng hú nhẹ nhàng, hun hút sâu, như khoan vào núi đá rậm rạp vô hình. Người bắt đầu ban phát lộc cho các hầu dâng, phát lộc cho những người đang dự lễ, lần lượt ai cũng được một phần lộc của Chầu. Lộc Chầu ban cho là những phần bánh xinh xắn, những chùm hoa quả tươi được bao gói, buộctỉa công phu. Riêng “cái ghế của Chầu”, Người dành riêng miếng trầu đang nhai trong miệng kèm một bông lan hay một bông hồng đỏ thắm xinh xắn. Lộc-Chầu được gói bằng một mảnh giấy điều và được đặt cẩn thận lên ban thờ cạnh cây nến sáng. Hết vấn lễ cô đồng mang Lộc Chầu về nhà đặt lên bàn thờ tại gia mong Lộc Chầu linh nghiệm, hiển hiện trong doanh thương.
Khi Chầu xe giá, mắt Người khép lại, hai tay chắp cao trước mặt, miệng cất tiếng hú nhẹ. Hầu dâng nhanh tay phủ tấm vải đỏ lên đầu. Cung văn vẫn cái nhịp cuống quít nhả lời “Thánh giá hồi loan”. Mặc dù đã hát dâng văn rất nhiều vấn hầu, nhưng đến lúc “Xe giá”, tay đàn cuống quýt tạo nhịp điệu gấp, vẫn như bất thần với người cung văn già dặn.
Màu sắc trang phục (thường được gọi là khăn chầu áo ngự) của cô đồng tôn trọng ngôi thứ trong mỗi phủ. Màu đỏ cờ là ngôi đệ nhất, màu xanh lá cây tươi là ngôi thứ hai, màu trắng là ngôi thứ ba, màu đào phai là ngôi thứ chín, và ngôi út lại là màu trắng với các đăng ten viền mép áo sặc sỡ. Cũng có cô đồng áp đặt những ý thích riêng của mình khi may khăn chầu áo ngự, nhưng nhìn chung các màu cơ bản cho các ngôi thứ luôn được tôn trọng.