CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
Tản văn - Phê bình

ĐÈN XANH ĐÈN ĐỎ

Chủ nhật ngày 4 tháng 1 năm 2015 12:00 AM

Cách đây vừa tròn một thế kỷ, người Mỹ đã sáng chế ra hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Dĩ nhiên với công nghệ lúc ấy đèn chỉ có hai màu xanh, đỏ và điều khiển bằng tay. Phải mất năm chục năm sau, cũng người Mỹ mới hoàn thiện hệ thống đèn ba màu tự động như bây giờ.

Vào quãng những năm 50 và khoảng hơn hai chục năm sau đó Hà Nội chỉ có trên dưới 10 đèn tín hiệu giao thông ở vài ngã tư đông đúc. Lúc ấy chỉ có duy nhất một hộp đèn được căng cáp treo giữa ngã tư với bốn mặt lắp bóng ba màu. Các chú công an ngồi trong vọng gác bật đèn bằng tay để điều khiển giao thông. Nhiều hôm mất điện, họ phải cầm gậy và còi ra đứng lên bục giữa đường để chỉ huy. Cũng chỉ vào những giờ tan tầm.

Giờ khác tắt đèn, cất còi để cho bà con tự điều chỉnh. Trên đường thường xuyên chỉ có vài xe đạp nhường nhau mà đi. Họa hoằn mới có ô tô, xe máy. Đèn tín hiệu giao thông vì thế được nhạc sĩ Phạm Tuyên coi như vật trang trí cho vui mắt là chính “…Đèn đỏ đèn xanh quê anh đang nhảy múa như ngàn hoa” (Từ một ngã tư đường phố).

Phải khá lâu sau ngày thống nhất, Hà Nội mới cho lắp thêm nhiều đèn tín hiệu. Và sau rất nhiều cải tiến lắp đặt lại mới có hệ thống đèn như bây giờ. Đèn được điều khiển hoàn toàn tự động ở hầu hết các điểm giao cắt dù là ngã ba, ngã tư, ngã năm và hơn thế. Người ta tính toán chi tiết lưu lượng phương tiện cho từng chiều xe chạy để đặt thời gian cho đèn tín hiệu. Vì thế, trên cùng một con đường qua ngã tư phương tiện hai chiều có thời gian chờ đợi khác nhau.

Tưởng rằng tự động hóa như vậy thì cảnh sát giao thông đỡ vất vả nhưng không phải vậy. Người đi đường bây giờ đã khác trước nhiều rồi. Không chỉ đông hơn, nhanh hơn mà còn hỗn hào gấp bội. Người cũ chưa quen với việc có quá nhiều đèn tín hiệu khi chỉ mới vài năm trước còn được tự do điều chỉnh giao thông. Người mới dĩ nhiên càng không biết. Mải ngắm cái đồng hồ đếm lùi nhấp nháy đến quên cả xuất phát khi đèn xanh đã bật sáng. 
Giờ thì ngã tư vắng bóng cảnh sát là lập tức người ta vượt đèn đỏ tức thì. Vào giờ tầm thì dù có đèn tín hiệu lực lượng cảnh sát vẫn mướt mồ hôi tay còi tay gậy mới mong người ta chấp hành tín hiệu. Công nghệ dù tiến bộ rất nhiều nhưng hình như chẳng bao giờ theo kịp tác phong đi đứng hồn nhiên như ở làng giờ đã du nhập vào phố một cách toàn diện và vững chắc.

Thời trong trẻo bình yên đã qua. Giờ thì đố ai chịu nhường ai trên đường dù chỉ nửa bánh xe. Người già và trẻ con tốt nhất không nên ra đường. Đèn tín hiệu giao thông đã không còn “…nhảy múa như ngàn hoa” khiến người ta yêu quí nữa. Nó đang được nhìn bằng con mắt khác. Sốt ruột, bực bội. Có khi còn căm tức. Dù ai cũng biết, nếu không có nó chỉ vài phút thôi là con đường sẽ tắc nghẹt.

Người ta đã thiết kế ra rất nhiều kiểu đèn tín hiệu cho từng giao cắt có đặc điểm riêng biệt. Nhiều ngã tư được phép rẽ phải khi có đèn đỏ bằng một mũi tên xanh chỉ hướng. Lại có thêm tấm biển để hàng chữ dài tha thướt “Đèn đỏ các phương tiện được phép rẽ phải, chú ý nhường đường cho người đi bộ”. Ngã tư đường Hùng Vương và Lê Hồng Phong trước đây có tấm biển khá hài hước “Đèn đỏ các phương tiện được phép đi thẳng”!

Nhiều đèn tín hiệu dĩ nhiên cũng lắm hỏng hóc. Đồng hồ đếm lùi là thứ hỏng trước tiên. Và cũng là thứ ít được quan tâm sửa chữa nhất. Nghe bản tin giao thông trên đài VOV không ngày nào là không có người báo đèn hỏng. Khi thì tự hỏng, lúc lại cây đổ, xe đâm. Những tuyến đường ra cửa ô đông đúc đôi khi chỉ hỏng đèn tín hiệu là giao thông lập tức ngừng trệ.

Một thành phố lớn như Hà Nội không thể thiếu đèn tín hiệu giao thông. Nhưng sẽ chẳng bao giờ là đủ nếu như người tham gia giao thông không tự giác chấp hành. Có lẽ sắp tới ngành giao thông phải thiết kế ra một loại đèn nào đó hòng thắp sáng lên ý thức tự giác của mỗi người thì mới may ra...

 

Chia sẻ trên Facebook