Đó là ngày 20 tháng 11 hàng năm. Ai cũng biết, trừ người nào đó chưa bao giờ đến trường.
Tôi làm nghề dạy học. Tuy đã hơn 20 năm không trực tiếp công tác ở một trường nào, nhưng hàng năm vẫn dạy, vẫn được coi là thầy giáo. Mặc dù chưa được huân huy chương gì về chuyện dạy học, cũng chẳng được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú hay nhà giáo nhân dân gì cả. Vợ tôi bảo: Người ta thấp nhất cũng phải được cái Huy chương vì sự nghiệp giáo dục, đằng này ông chẳng có gì cả… Nghĩ vợ “mắng” cũng phải.
Cái nhỏ như huy chương vì sự nghiệp giáo dục thì chỉ cần công tác trong ngành trên dưới 20 năm gì đó và không tham ô, trộm cắp là được. Thế mà cũng chẳng có. Trong khi tôi đã thừa tiêu chuẩn đó thì phải, 35 năm công tác trong ngành rồi còn gì! Tham ô, trộm cắp cũng không…
Và quan trọng là hàng năm tôi vẫn dạy đều. Dạy từ cô, cậu học trò cấp 3 sắp đi thi học sinh giỏi toàn quốc đến các anh, chị cao học, nghiên cứu sinh; từ các thầy cô giáo đã và đang đứng trên bục giảng đến ông, bà sắp trở thành tiến sĩ... Nhiều lúc thấy xung quanh, có người chẳng dạy dỗ gì cả, đúng hơn là từ khi lên làm lãnh đạo có thấy các vị ấy dạy gì nữa đâu… Thế mà cứ làm tơi tới, hết “ưu tú” lại đến “nhân dân”… Chẳng hiểu thế là thế nào?
Nói thế chắc nhiều người nghĩ tôi than phiền, buồn bã, thậm chí ganh tị vì chuyện danh hiệu, nhưng thực sự không phải. Với tôi, chuyện này chẳng có gì đáng buồn cả. Không hiểu sao với những thứ ấy tôi không một chút hứng thú. Vả lại cứ nghĩ cái gì cũng có giá và cái gì cũng có cái hay của nó nên không hề buồn bã. Nếu có buồn là buồn chuyện khác kia. Ở thời buổi này, làm cái nghề này thiếu gì chuyện buồn.
Mặc dù luôn được coi là “quốc sách”, là “nghề cao quý trong những nghề cao quý”.v.v…nhưng thực tế đâu phải thế. Nhiều việc, nhiều lúc, nhiều nơi, nhiều khi buồn lắm. Cái ghề này cứ như là “làm dâu trăm họ”, mà vị thế của nàng dâu lại vào hạng “cùng đinh” trong xã hội; nên ai chửi cũng được, ai mắng nhiếc cũng phải im, lơ mơ họ đá đít, tạt tai cũng đành chịu…
Cũng chẳng riêng gì Việt Nam, hình như ngành giáo dục nước nào cũng vậy. Ở đâu cũng thế, “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Ngành nào cũng làm ra sản phẩm trông thấy, sờ mó được, bán mua, xuất nhập khẩu, thu tiền và nộp cho ngân sách hẳn hoi... Còn cái nghề giáo này chẳng làm ra cái gì nhìn thấy được cả. Tiền thì càng không, toàn đi xin. Mà đã là đi xin thì lấy đâu ra vị thế và khí phách? Dựa vào đâu mà có tư thế cho đàng hoàng ?… Thế nên dễ bị khinh, dễ bị coi thường... cũng là chuyện thường. Chẳng thế mà tiếng Việt luôn nói cặp đôi: “giàu sang”, “nghèo hèn”.
Chết nỗi, nhà giáo lại hay có chữ, nhiều chữ, nên thường rất tự trọng, lại rất nhạy cảm, rất dễ bị thương về tinh thần. Chỉ một câu nói cạnh khóe, thậm chí bóng gió xa xôi, cũng đủ để lại một vết bỏng rát, rất lâu thành sẹo trong tâm khảm, huống chi phải đối mặt với những thô lỗ, cục cằn…mà đâu đâu cũng thấy, cũng thường bắt gặp.
Chẳng đâu xa, mới mấy hôm trước thôi, do dính líu đến công việc chuẩn bị xây dựng chương trình và sách giáo khoa mới, tôi phải đến dự thảo luận tổ của các đại biểu Quốc hội. Chỉ là dự thính, chỉ đến ngồi nghe, không được phát biểu đã đành, cũng không được “thanh minh thanh nga” gì hết.
Tôi ngồi suốt buổi, lắng nghe rất kỹ ý kiến của nhiều đại biểu. Nhiều ý kiến đúng, có hiểu biết và quan tâm, chia sẻ với ngành giáo dục; nhưng cũng có nhiều ý kiến thấy chẳng biết gì, hiểu không đúng hoặc hiểu rất lơ mơ…Tôi không buồn vì có thể những người này ở ngoài ngành, thiếu thông tin... Nhưng cuối buổi thảo luận, tôi thực sự ngao ngán khi nghe tham luận của vị đại biểu một tỉnh phía Nam (mà nghe đâu ông ấy là Trưởng đoàn và còn là người đứng đầu một tỉnh trong đó). Ông nói rất hùng hồn. Nghe xong tôi cứ tưởng mình nhầm. Ông bảo: “Nói thật với các vị, cả đời tôi học với rất nhiều người, nhưng chưa có ai tôi coi là thầy cả, cứ lúc lúc lại thấy phải phong bì, lúc lúc lại phong bì”.
Ra khỏi phòng họp rồi, tôi vẫn chới với vì lời phát biểu của ông này. Ban đầu là sự bức xúc, bực bội; càng về sau, càng cảm thấy buồn. Buồn cho ngành giáo dục đã đành và buồn cho cả đất nước nữa. Nhưng nghĩ lại thấy thương cho ông đại biểu ấy. Thương vì hóa ra cả đời ông này không được học với một ông thầy tử tế nào ( nếu đúng như ông ấy nói); thương vì cả đời ông ấy học kém nên cứ phải đi “đút lót”, “lúc lúc lại phải phong bì”; thương vì ông này không hiểu và không biết được thế nào là đạo nghĩa thầy trò…
Còn buồn, vì cứ nghĩ sao một người như thế lại có thể làm chức to như thế, không chỉ là đại biểu của dân mà còn là lãnh đạo cao cấp của Đảng. Một người ở cương vị như thế sao có thể nói năng thiếu trách nhiệm và hồ đồ đến thế. Ngay ở chốn “trà dư tửu hậu” đã không nên nói thế, đằng này lại phát biểu ngay tại một cuộc họp tổ của Quốc hội ở trung tâm hội nghị Ba Đình lịch sử, nhiều đại biểu, nhiều người cùng nghe đâu phải riêng tôi…
Có điều lạ là nghe xong, thấy chẳng có ai phản ứng gì. Hình như thấy ông ấy làm chức to nên không ai dám nói thì phải. Buồn không?
Về nhà, tôi cứ nghĩ mãi về chuyện này, nghĩ là làm thế nào để viết chuyện ấy lên báo, ít nhất là giải tỏa được nỗi buồn bực của mình; cũng cảnh tỉnh được ít nhiều sự nhố nhăng, xuống cấp của xã hội trong đạo lý thầy trò… Đang một mình trầm ngâm, suy nghĩ, bỗng có tiếng chuông vang lên... Mở cửa đón khách. Trước mặt tôi là một anh bộ đội, cao lớn, mặt đầy sương gió, tay xách một chiếc lồng … gà.
Sau câu chào là hỏi: thầy có nhận ra em không? Tôi chưa kịp trả lời, anh đã hai tay nâng chiếc lồng gà, chuyển cho tôi một cách trịnh trọng và nói :
- Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, em xin chúc thầy thật mạnh khỏe. Gà em nuôi được, gà đồi, em mang biếu thầy…
Ngẩn ra một lúc, tôi mới hiểu em là học sinh cũ của tôi 30 năm về trước. Ngày ấy tôi mới ra trường, dạy em một năm thôi; sau đó em nhập ngũ, nay đã là một chỉ huy mang lon thượng tá rồi. Em bảo, lần tìm mãi địa chỉ của tôi, em mới đến được nhà…
Mấy hôm nay, cứ nhìn con gà, tôi lại xúc động đến trào nước mắt khi nghĩ về em học sinh, về tình thầy trò; 30 năm rồi, chỉ học tôi ít bữa, sao em nặng tình đến thế !
Bỗng nhiên, tôi muốn quên hẳn chuyện ông đại biểu kia đi… để chỉ nhớ những phút giây này; để có thêm một chút niềm tin.
Và nhất là để yên tâm tiếp tục làm nghề dạy học.
Hà Nội, 20-11-2014