CHÚC MỪNG NĂM MỚI !!! NICO-PARIS.COM - Không gian Văn hóa - Giáo dục & Dịch thuật Văn học - Espace Culture - Education & Traduction littéraire
CHÚNG TA VIẾT VỀ ĐỖ PHẤN

ĐỖ PHẤN - NGƯỜI CẤT GIẤU NỖI BUỒN ĐÔ THỊ - BÌNH NGUYÊN TRANG

Chủ nhật ngày 23 tháng 11 năm 2014 12:00 AM

Trên đời này, sự cực nhọc của nghề viết thật khó mà so sánh với sự cực nhọc của những nghề khác. Chỉ biết, nó là nghề rất ít khi cho người ta cảm giác hạnh phúc sau khi hoàn thành một “sản phẩm”. Cứ xong một cuốn sách thì sự mắc nợ lại có vẻ phình to ra. Và thật khó để trả lời, kẻ cầm bút đang tìm kiếm và có thể tìm kiếm gì trong mênh mông bể sở của chữ. Cuộc chơi của vô tăm tích, của nỗi buồn thắng thế niềm vui. Người tỉnh táo ngại dây dưa vào cuộc chơi này, họ biết rằng “mất nhiều được ít”. Còn Đỗ Phấn, tỉnh táo suốt 50 năm cuộc đời, rồi xế chiều dại dột, anh lại dấn thân vào khu vực “nguy hiểm” này.

Và có vẻ “ngây thơ” chết người khi có lần anh chia sẻ, anh tìm niềm vui trong việc viết. Liệu anh có vui thật không, khi mà hầu hết những cuốn sách của anh đều gieo vào người đọc nỗi buồn. Về những gì đã qua không trở lại, đã mất đi, đã vắng mặt...

Dằng dặc triền sông mưa là cuốn sách thứ 8 của Đỗ Phấn. Và có một sự tưởng thưởng cho chủ nhân: giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn Hà Nội. Dù sao thì Đỗ Phấn cũng đã có được một lý do để biện minh cho câu chuyện tìm niềm vui từ việc viết. Nhưng tôi biết Đỗ Phấn sẽ nhăn mặt vì ý nghĩ nông cạn chủ quan này của tôi. Anh có khi đang ngồi cặm cụi với máy tính, vài cuốn sách nữa sắp được hoàn thiện cũng nên. Niềm vui giải thưởng có thể cũng đã bị nhấn chìm trước các nhân vật, các con chữ, và cả nỗi buồn nguyên khối kia nữa. Cho dù Đỗ Phấn chỉ khiêm tốn nhận mình là “tay ngang” hay “nghiệp dư” trong việc viết, thì anh cũng sẽ giống như bao người viết đích thực khác, càng viết càng buồn, càng buồn càng viết. Một khi đã mặc xác cho sự “dại dột” dẫn dụ mình, là quăng phần đời nào đó của mình vào con chữ, người viết đã mặc nhiên xác nhận một tâm thế không thể khác.

Đọc Đỗ Phấn có dễ không? Thú thật là không dễ. Dù văn của anh dường như rất đại chúng. Những câu chuyện tình yêu, thất vọng, đổ vỡ, những ký ức đậm màu thời gian, những tiếc nuối đứt gãy, những bơ vơ hoang tàn, những nhôm nhoam đời sống, và nhiều sex. Nghe ra như thể những vấn đề của văn chương thời thượng, đủ sức lôi kéo sự tò mò của độc giả. Song, Đỗ Phấn không định bày ra “cái bẫy” đó. Anh viết văn chưa lâu nhưng lại là người làm nghệ thuật già đời, tinh đời và thừa hiểu những chiêu thức của nghệ thuật “làm hàng” và sự vô nghĩa của nó. Đỗ Phấn không viết văn kiểu giải trí, anh chẳng thể nào theo kịp một số nhà văn trẻ trong việc này. Cho nên đọc anh mệt. Những trang viết của người sống đủ lâu, đủ từng trải và chiêm nghiệm trên đời, với ngồn ngộn ký ức, chi tiết của đời sống, thật đến nỗi như là chuyện của ai đó xung quanh ta, hay là chuyện của chính ta.

Cảm giác như Đỗ Phấn không cần dùng nhiều trí tưởng tượng hay hư cấu. Óc quan sát tỉ mỉ cộng với vốn sống dày dặn của anh đủ để trang trải trên trang giấy, mà không cần nhiều kỹ thuật kỹ xảo của nhà văn. Anh cũng chả buồn “dè sẻn” cái tài sản quý là vốn sống, sử dụng hay “pha chế” nó một cách liều lượng trong từng cuốn sách để tính đường dài hơi với văn chương như một số nhà văn chuyên nghiệp, lão luyện khác. Dường như Đỗ Phấn đổ tất cả lên trang giấy, cứ như thể đời sống trong anh đầy đến nỗi, không viết (mà thường là vài ba cuốn viết cùng một lúc) thì không biết cất vào đâu. Đôi khi tôi hình dung Đỗ Phấn giống một người bán hàng xén. Anh cứ bày đồ hàng la liệt, ngồn ngộn chi tiết, và không phán xét. Người đọc thỉnh thoảng bị hoang mang như người đứng giữa chợ, thích thú với sự phong phú hàng hóa, mà phân vân không biết lựa chọn ngả nào.

Đỗ Phấn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Nhà cha mẹ anh xưa kia gần sát phố Hàng Khay. Tuổi thơ của anh gắn bó với phố cổ, Hồ Gươm, được hưởng thụ đầy đủ một không gian văn hóa nguyên sơ Hà Nội. Tóm lại, là một người Hà Nội gốc, nên Đỗ Phấn thẩm thấu và sở hữu những ký ức đô thị với nhiều mảng màu phong phú, sống động, đặc biệt, mà không có một người Hà Nội nhập cư nào có thể có được. Mỗi đổi thay, dịch chuyển của đời sống đô thị này đều để lại dấu vết trong tình cảm của anh.

Cũng là dễ hiểu khi phần lớn những trang viết của Đỗ Phấn đều đề cập đến những vấn đề của đô thị, và được hiểu cặn kẽ chính xác ở đây là Hà Nội. Một đô thị đang biến đổi từng ngày, trong vỏ bọc hào nhoáng hơn và có thể là nhôm nhoam hơn. Một đô thị mà rất nhiều giá trị có thể đã bị mất đi, bị vùi lấp, như không thể nào tìm lại được. Và nòng cốt là câu chuyện tình người, đã mất mát theo đổi thay. Nhân vật chính trong tác phẩm của Đỗ Phấn thường là trí thức. Anh lý giải: “Trí thức là đối tượng gắn liền với đô thị. Người trí thức của ta nếu mấy chục năm trước đây họ yên tâm với đời sống, công việc và đồng lương, thu nhập của mình thì nay không còn yên tâm với điều đó nữa. Trí tuệ của người trí thức trước đây được dùng vào một việc duy nhất là chuyên môn thôi thì giờ đây môi trường hoạt động của họ rộng hơn. Nó đối lập với chất lượng trí tuệ. Không còn hình mẫu người trí thức cổ, nghĩa là có kiến thức sâu rộng, uyên bác về chuyên môn của mình. Dường như trí thức ngày nay hời hợt hơn, và mục tiêu của họ cũng cụ thể hơn, không chung chung như trước kia nữa. Vẽ chân dung người trí thức hôm nay quả thật là rất khó. Đó là khuôn mặt nhiều biến ảo, đa dạng và phức tạp”.

Từ Vắng mặt đến Rừng người, Con mắt rỗng, hay Dằng dặc triền sông mưa, Đỗ Phấn thổi vào độc giả của anh những khoảnh khắc u buồn không cứu vãn, về những trí thức đô thị đang sống hay “gần như là sống”, về sự tha hóa, vong thân của họ, tồn tại đấy mà như vắng mặt. Có một sự mất tích nào đó của bóng dáng con người trong ngồn ngộn những hành vi của chính họ: sống, làm việc, quay cuồng phấn đấu, làm tình... Và họ bị bủa vây bởi cảm giác mục ruỗng, rời bỏ, chạy trốn. Một vài nhân vật cố gắng tìm lại mình trong sex chẳng hạn. Nhưng đôi khi, thật tàn nhẫn, sex lại chính là con đường để nhân vật tự xóa mình đi, không dấu vết. Đỗ Phấn thường ít tỏ ra xót thương nhân vật của mình. Những trang viết của anh thường lạnh lùng. Như toàn bộ đời sống cần được phơi bày không giấu giếm. Thực ra, dưới đáy của sự lạnh lùng ấy, ẩn giấu một nỗi buồn. Một nỗi buồn không thể gọi thành tên và nó nặng đến nỗi, có thể kéo chìm người đọc ngay cả khi đã gấp sách lại. Không dẫn đường, nhưng Đỗ Phấn có lúc đã chỉ đường cho nhân vật của mình, chính là lúc anh viết về những ký ức đô thị. Những ký ức đẹp về thiên nhiên, tình người có thể được xem như một phương cách để chữa lành những tổn thương, mất mát, giúp con người tìm về của bản ngã của mình trong đời sống quay cuồng tốc độ.

Đỗ Phấn học hội họa từ nhỏ. Để tìm một cái tên trong đời sống nghệ thuật, thì anh đã có nó một cách sang trọng, trước khi lân la việc viết. Anh rất ngại bàn về những thứ liên quan đến lý luận hay kỹ năng trong viết. “Tôi không có người thầy nào trong văn chương cả, lúc mới viết còn không dám đưa cho bạn bè làm văn chương đọc”. Viết vài thứ mình nghĩ lên giấy, giống như một nhu cầu, rồi nhu cầu ấy không thể dừng lại. Một năm in vài ba cuốn sách đối với Đỗ Phấn giờ đây là chuyện chả có gì lạ. Tốc độ viết ấy, khoan chưa bàn chất lượng, cũng khiến cho ối người viết chuyên nghiệp phải ngượng ngùng. Đỗ Phấn có thể tào lao bạn bè trong vài cuộc vui, mắt sắc lẻm bàn chuyện đời hay trầm ngâm nghĩ ngợi, đều là lúc anh “đang viết”. “Tôi nhập nó vào đầu, rồi ghi chép lại, rồi khi viết tác phẩm thì ghép nối cho lớp lang hợp lý theo cách của mình”.

Hỏi Đỗ Phấn, viết có làm anh chán vẽ không, anh bảo không. “Tôi chưa bao giờ chán vẽ cả. Nó không những là niềm đam mê mà còn là phương tiện kiếm sống lâu dài. Nó rất quan trọng với một kẻ tự do, không thuộc về cơ quan nhà nước nào như tôi. Viết văn ở nước ta, thì số người sống được bằng nghề không nhiều. Nên mê viết mấy thì cũng phải “chừng mực, tỉnh táo”.

“Chừng mực, tỉnh táo” kiểu Đỗ Phấn, cũng là toát mồ hôi với những ai hiểu nghề viết. Một cuốn sách ra đời, có rất nhiều cuốn sách bên dưới nó, kể về nhọc nhằn, vật vã, cô đơn, đánh cược và chối bỏ. Viết một nỗi buồn trên giấy, mặt sau nó không chắc là niềm vui, mà có thể là buồn hơn nữa. Ở tuổi Đỗ Phấn, những màu mè xiêm áo hay sự ảo tưởng của nghệ thuật đã tuyệt không còn. Sự nổi tiếng cũng đã có thể là phạm trù ngớ ngẩn. Mục tiêu kiếm tiền cũng xóa sổ, hoặc ít ra, là chẳng có tí thuyết phục nào xung quanh hành động viết. Tôi tin rằng Đỗ Phấn thấy một hiển nhiên trong việc viết. Anh không có lý thuyết cho câu chuyện này, dù anh phát ngôn gì đi chăng nữa. Chỉ là hiển nhiên những chiêm nghiệm cần được bày biện ra bằng chữ, những phẫn nộ hay xót xa cần được con chữ bảo hộ. Cứ như không hiển nhiên thế thì là trái quy luật với một kiểu người như anh. Và bản thảo chất chồng bản thảo, sách in ra rồi lại sách in ra, tản văn hay tiểu thuyết chỉ là tên gọi sau khi mọi thứ đã hoàn thành trên mặt giấy, không liên quan nhiều đến ý thức của người cầm bút.

Đỗ Phấn, như con sông tích tụ phù sa suốt một đời bền bỉ những vơi đầy, những lở bồi, những trôi đi và còn lại. Và chữ được gieo trồng giống như ngô lúa, trước tiên là kỳ vọng một sự mọc lên, chưa vội nghĩ đến mùa màng. Những cuốn sách mới sẽ tiếp tục hiện diện, như không thể dừng lại, Đỗ Phấn sẽ làm cho ta thấy, giải thưởng anh vừa nhận được không ăn nhằm gì so với ân huệ (hay đày ải) mà anh được ai đó vô hình trao cho, là viết...

Lưu trữ Skip Navigation Links.
Expand  Năm 2012 Năm 2012
Expand  Năm 2013 Năm 2013
Expand  Năm 2014 Năm 2014
Expand  Năm 2015 Năm 2015
Expand  Năm 2016 Năm 2016
Expand  Năm 2017 Năm 2017
Expand  Năm 2018 Năm 2018
Expand  Năm 2019 Năm 2019
Expand  Năm 2020 Năm 2020
Expand  Năm 2021 Năm 2021
Expand  Năm 2022 Năm 2022
Expand  Năm 2023 Năm 2023
Expand  Năm 2024 Năm 2024
Chia sẻ trên Facebook