Trước khi nổi tiếng với ba cuốn tiểu thuyết Những khoảng cách còn lại, Đứng trước biển, Cù lao Tràm vào đầu những năm 1980, Nguyễn Mạnh Tuấn đã khẳng định chỗ đứng của mình trong nghề văn bằng những tập truyện ngắn. Từ ấy đến nay ông là một trong ít người kể chuyện dài hơi và bền bỉ nhất trong văn học ta. Ông có cả một kho chuyện thu hút mọi người: chuyện năm hòa bình đầu tiên, chuyện thời quan liêu trăn trở phá rào, chuyện làm ăn đầy cạm bẫy thời kinh tế thị trường, chuyện gia đình ly hợp, chuyện tuổi trẻ hoang mang vào đời... Ông kể chuyện bằng ngôn ngữ văn xuôi rồi bằng ngôn ngữ kịch bản điện ảnh; trước đây công chúng gặp ông trên sách báo, về sau còn gặp thường xuyên hơn trên màn ảnh nhỏ.
Lần này Nguyễn Mạnh Tuấn trở lại với văn xuôi, không phải truyện ngắn về những khoảnh khắc đời người, cũng không phải tiểu thuyết bốn, năm trăm trang; mà là truyện vừa, mỗi truyện độ năm, bảy chục trang in, dài lắm cũng không tới trăm trang. Mỗi truyện là một điểm nhìn, một tấn thảm kịch đạo đức, diễn ra trong một quá khứ tưởng người trong cuộc đã lãng quên nhưng lại hiện về khuấy động nhân tâm. Quá khứ xa xôi, dưới ngòi bút nhà văn, trở thành gần gũi và chua xót, đôi khi đay nghiến.
Mỗi truyện vừa trong Nỗi sợ hãi mầu nhiệm là một tác phẩm độc lập, mỗi tác phẩm là một số phận trải qua bao thăng trầm, may rủi, chưa đến lúc tổng kết cuộc đời, nhưng kết cục của mỗi người nay đều đã hình dung được. Sự thay đổi của người thầy giáo mẫu mực, từng chỉ biết sống theo khuôn mẫu, trọng nghĩa khinh tài, đâu phải là điều khó lý giải, nhưng lòng nhân hậu của con người vẫn muốn giữ lại một cái gì tốt đẹp từ quá khứ để không làm suy suyển hình ảnh thần tượng được tôn thờ (Đường đi của hoa). Kẻ ăn cắp hai cái bánh rán ngày xưa nhờ được người thầy bao dung và liên tài che chở đã trả món nợ ân nghĩa với đời (Sự dối trá vĩ đại). Vẫn là ngòi bút sắc sảo hơn 30 năm trước của Nguyễn Mạnh Tuấn khi bóc trần các thứ mặt nạ, nhưng bây giờ cái xấu của con người được phán xét điềm tĩnh hơn, khoan hòa hơn và nhân bản hơn.
Thiên truyện dài nhất và có sức nặng nhất trong cuốn sách mang tên của chính nhân vật: Thằng Đấu. Đấu là một mẫu nhân vật của thời đại bão táp, vừa là anh hùng, vừa là nạn nhân của thời đại đó, hiện thân của một ý thức đấu tranh, tìm lẽ sống trong sự truy quét những gì không phù hợp với niềm tin bất di bất dịch của mình, thấy hạnh phúc trong việc tìm ra kẻ địch ngay nơi những người mà mình hàm ơn. So với những nhân vật phản diện trước đây của cùng tác giả, Đấu là một chất lượng mới của loại nhân vật mà tính cách mang mầm mống của sự hủy diệt nhân danh những điều cao cả. Xã hội đã đẻ ra Đấu và từng cần đến những thằng Đấu để tồn tại, chính xã hội sẽ khổ lâu dài vì những thằng Đấu ấy. Thiên truyện là một cách tường giải cho tư tưởng về mối quan hệ giữa “vô đạo”, “vô luân” và “vô phúc” mà Nguyễn Mạnh Tuấn chọn làm lời đề từ.
Năm truyện ngắn độc lập khi đặt cạnh nhau trong một tập sách trở nên một bộ tranh liên hoàn, nối kết và bổ sung cho nhau. Một bối cảnh chung: quan hệ thầy trò ở trường Chu Văn An đầu những năm 1960 và lứa thanh niên Hà Nội xung phong đi xây dựng kinh tế ngay trước khi diễn ra chiến tranh phá hoại của Mỹ. Một nhân vật xưng tôi, đồng thời là người chứng kiến và trần thuật từ đầu câu chuyện: Tuấn - Nguyễn Mạnh Tuấn. Dù nhà văn có khẳng định đây là tự truyện hay không, thì nhân vật đó hẳn nhiên cũng không đồng nhất với tác giả. Người mang tên Tuấn đó thật ra đóng ba vai cùng một lúc: một đang sống trong câu chuyện với thế giới của mình, một đang kể lại câu chuyện với những gì còn hằn sâu trong ký ức, và một trong đời thực đang lưỡng lự, băn khoăn về câu chuyện có khả năng “gây tổn thương” đó.
Tài cấu trúc của nhà văn có thể cho phép lồng ghép năm truyện vừa thành một tiểu thuyết về “con đường đau khổ” của tuổi trẻ một thời. Nhưng điều này đâu phải cần thiết, thậm chí có thể làm giảm đi sức nặng của từng thiên truyện. Qua Nỗi sợ hãi mầu nhiệm và Hà Nội mến yêu, hiện lên hình ảnh một người trẻ bị lừa dối, vỡ mộng, có ý thức kháng cự mạnh mẽ lại hoàn cảnh mà không buông xuôi cho số phận. Người thanh niên đã biến 12 năm 3 tháng tuổi trẻ oan uổng của mình thành một tài sản tinh thần vô giá, có lúc kêu lên “dù trong sâu thẳm cõi lòng, vẫn là đang cố đánh bóng một thân phận hẩm hiu”, nhưng với hai bàn tay trắng, bị ném ra chảo lửa cuộc đời, anh đã tạo dựng nên chính mình trong một hoàn cảnh bất lợi.
Đã thành phong cách Nguyễn Mạnh Tuấn, văn xuôi của ông không nhiều trang miêu tả và phân tích. Chất bình luận thời tiểu thuyết luận đề cũng đã phai. Sức hấp dẫn của các thiên truyện là ở lời kể và giọng kể, kể bình thản, để sự việc tự nó lên tiếng, không tô vẽ, uốn lượn, không ngậm ngùi thương xót, như món ăn không cần gia vị, vì đã thấm đủ đắng cay. Nhịp điệu kể từ tốn mà không rề rà, tình tiết đưa đẩy đủ để cuốn người đọc vào câu chuyện trước khi kết thúc mà không buông rời cuốn sách. Hẳn nhiên tính chân thực nghệ thuật của tác phẩm sẽ cao hơn nữa nếu tác giả kiềm chế những chi tiết hơi phô diễn, ví như cái rừng hoa học trò cũ tặng thầy Hào nhân ngày tái ngộ hay những bữa ăn chiêu đãi học sinh nghèo của Thạo.
Trong lúc xuất hiện ngày càng nhiều những tác phẩm phi hư cấu góp vào dòng văn học “vết thương” nhìn lại và phán xét thời quá vãng, Nguyễn Mạnh Tuấn hẳn đã cân nhắc khi chọn hình thức thể hiện là sự kết hợp giữa chất liệu tự truyện và văn xuôi hư cấu. Sự kết hợp này vừa tăng sức thuyết phục của sự thật, vừa thêm tính hấp dẫn của cách kể chuyện khi người trong cuộc cũng là người chứng kiến và trần thuật, không phải từ chỗ đứng của kẻ ở bên lề đời sống, mà là từ thân phận của một người rất đỗi bình thường đang loay hoay tìm chỗ cho mình trong một tình huống mà lòng sợ hãi đã thành phương thuốc để tự cứu chữa.
Hồi Đứng trước biển mới xuất hiện, Nguyễn Khắc Viện có viết rằng về sau nếu ai muốn hiểu lại cái thời đã qua, hãy tìm đọc tác giả tuổi đời chưa đến 40 này. Nay sắp bước sang tuổi 70, ngòi bút nhạy bén của Nguyễn Mạnh Tuấn chưa hề có dấu hiệu xuống sức, chắc sẽ còn tiếp tục kể những câu chuyện về tấn trò đời đang biến hóa thiên hình vạn trạng thời nay.
--------------------------------------------------
1. Tập truyện của Nguyễn Mạnh Tuấn, NXB Văn hóa - văn nghệ; TP Hồ Chí Minh, quý III - 2014